Ngày 26-01-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên 27/1/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:46 26/01/2019
Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

"Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc".

Trích sách Nơ-khe-mia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: "Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!"

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con.

Bài đọc II: 1 Cr 12, 12-14. 27

"Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 4, 18-19

Alleluia, alleluia! - Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

"Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".

Ðó là lời Chúa.
 
CN 3 TN C : Và Con Tim Đã Vui Trở Lại
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:44 26/01/2019
Và Con Tim Đã Vui Trở Lại

(Chúa Nhật 3 TN – C – 2019)

Có lẽ, trên trái đất nầy, chỉ có dân tộc Israel là một dân tộc đã nếm trải nhiều cuộc mất nước, lưu đày, hồi hương, tái thiết…; và chắc cũng duy nhất có một quốc gia đã từng bị xoá tên trên bản đồ thế giới suốt gần 20 thế kỷ mà lại phục dựng và hôm nay đã trở thành một cường quốc, sánh vai với các quốc gia giàu mạnh nhất trên thế giới.

“Lưu đày, hồi hương, tái thiết…” đã trở thành, không phải chỉ là những “kỷ niệm của lịch sử”, mà chính là những “kho tàng khôn ngoan”, những “kinh nghiệm để đời”, những “bài học máu xương” mà dân tộc Ít-ra-en vẫn thường xuyên vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước, củng cố niềm tin trong hiện tại và niềm hy vọng cho tương lai”.

Bài đọc 1 của phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay trích đọc đoạn sách Nê-hê-mi, kể lại câu chuyện về một buổi cử hành Lời Chúa của dân Ít-ra-en trong đợt hồi hương lần thứ 3 vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên (khoảng năm – 445), khi họ vừa hoàn thành việc xây dựng vách tường thành Giêrusalem.

Sau bao nhiêu năm lưu đày, bon chen tất bật với cuộc sống đầy nhiểu nhương nơi đất khách quê người, cùng với bao nhiêu cám dỗ của các nhu cầu “cơm áo gạo tiền”, những thói hư tật xấu của dân ngoại…dân Do Thái gần như quên lãng Lời Chúa và hiếm khi được cùng nhau cử hành và lắng nghe Lời Chúa cách long trọng.

Hôm nay, trên mảnh đất của quê nhà, bên những bức tường thành Thánh Giêrusalem vừa được tái thiết, cộng đoàn hồi hương Do Thái được thầy tư tế Es-dras công bố Lời Chúa. Họ hết sức cảm động đến bật khóc; họ trân trọng lắng nghe với thái độ cung kính thẳm sâu “cúi mình phủ phục sát đất…”.

Chính sức mạnh của Lời Chúa đã quy tụ dân, phục hồi sức mạnh và niềm tin cho dân và đã làm cho dân vượt qua mọi gian nan thử thách để luôn vươn mình đứng vững trong hiện tại và mạnh mẽ, tin yêu hướng tới tương lại.

Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ với truyền thống đặc biệt nầy của dân Do Thái : mỗi ngày, trẻ em Do Thái đều được cha mẹ hướng dẫn chạm ngón tay vào Kinh Thánh, sau đó nhúng vào mật ong và nút lấy ngón tay với mật ong để ngụ ý rằng : Lời Chúa là mật ngọt, bồi bổ cho tâm hồn.

Trong số các trẻ em Do Thái được cha mẹ dạy dỗ về việc đọc, học hỏi Kinh Thánh có em bé Giêsu, một người mà hôm nay, Tin Mừng Luca đã long trọng giới thiệu Ngài trong buổi đầu truyền giảng Tin Mừng, đã “theo thói quen, vào ngày hưu lễ, vào hội đường…đọc Sách Thánh…”.

Từ việc cử hành Lời Chúa thời Nê-hê-mia của cộng đồng Do Thái hồi hương, dến cuộc cử hành Lời Chúa của chính Chúa Kitô nơi hội đường trong ngày Sabat, chúng ta nhận ra dụng ý đầu tiên của sứ điệp Phụng Vụ hôm nay đó chính là : PHẢI TRÂN TRỌNG LỜI CHÚA. LỜI CHÚA CHÍNH LÀ NGUỒN SỐNG.

Thật vậy, cũng như dân Do Thái, sau những tháng năm bon chen miệt mài với đời sống tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, đã sốt sắng và nghiêm cẩn lắng nghe Lời Chúa trong ngày về lại quê hương, cộng đoàn chúng ta hôm nay cũng trở về với Lời Chúa và để Lời Chúa đánh động con tim và lý trí của chính mình.

Cũng như Chúa Giêsu trung thành với việc đọc Lời Chúa trong ngày Hưu lễ, hôm nay, cộng đoàn chúng ta cũng hãy trung thành họp nhau Ngày Chúa Nhật để cùng cử hành Lời Chúa. Giáo Lý đã dạy rằng : Lời Chúa trong cử hành Phụng vụ, nhất là trong Bàn Tiệc Thánh Thể, chính là lương thực nuôi sống đức tin. Thánh Công Đồng Vatican đã khẳng định chân lý đó trong Hiến chế Mặc Khải :

“Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng Vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu” (MK 21).

Nhưng ngoài việc phải trân trọng Lời Chúa, tiếp cận thường xuyên với Lời Chúa, cử hành Lời Chúa cho sốt sắng…sứ điệp phụng vụ hôm nay còn muốn chuyển tải điều gì ?

Cứ theo như Tin mừng Luca tường thuật : Chúa Giêsu đã long trọng xác nhận đoan sách Isaia mà Ngài vừa công bố đã “ứng nghiệm”, tức là đã hiện thực hoá qua những sự việc đang xảy ra mà chính Ngài là tác nhân, là chủ thể; đó là những việc : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Vâng, kể từ biến cố “Chịu Phép Rửa” tại dòng sông Gio-đan, khi Thánh Thần lấy hình chim câu đổ xuống, cũng chính Thánh Thần đó đã đưa Đức Kitô vào đời với một trái tim chạnh lòng thương và với đôi bàn tay thi ân giáng phúc : từ Cana tới Ti-bê-ri-át, từ Mag-đa-la tới Giê-nê-za-rét, từ Capharnaum, tới Bet-sai-đa, xuyên qua Cô-rô-za-in…và thu hút cả những vùng xa xăm tận phía bắc với Ty-rô, Si-đon, rồi làm vang dậy xuống cả miền nam đến tận Thủ đô Giê-ru-sa-lem…Đâu đâu cũng nghe : mù thấy, điếc nghe, què nhảy nhót, câm ca hát…; cả phung cùi cũng bỏ hoang mạc kéo về, dân chài rủ nhau đi làm đồ đệ…Cả một đoàn lũ dân nghèo mở cờ trong bụng, hạnh phúc tuyệt vời, vì từ nay được tuyên phong “Nước Trời là của họ” !

Và cũng chính trong “quyền năng của Thánh Thần”, hôm nay chàng Thợ Mộc Giêsu bắt đầu vinh quy bái tổ, trở về quê hương để một lần chính thức thông báo một Tin Vui : “Lời Ngôn sứ ngàn xưa giờ đã ứng nghiệm” !



Thì ra, sứ điệp phụng vụ hôm nay còn muốn nói với chúng ta một điều nữa rằng : Cũng như Đức Ki-tô đã làm cho Lời Chúa được “ứng nghiệm” trên chính cuộc đời và hành động cứu Thế của mình, thì hôm nay, chúng ta cũng phải làm cho Lời Chúa được ứng nghiệm trên chính cuộc sống của chúng ta ; đó là sự “ứng nghiệm” bằng đời sống bác ái, huynh đệ, bằng sự cảm thông chia sẻ, bằng sự phục vụ quên mình, bằng sự khiêm hạ khó nghèo và hoán cải…

Đứng trước một thế giới quá nghèo nàn về chân lý và những giá trị của Phúc Âm, nhưng lại quá tất bật và bon chen trước các nhu cầu vật chất và hưởng thụ, người Ki-tô hữu cần phải làm chứng bằng sự chiến thắng của Chúa Ki-tô với tâm niệm “người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

Còn một điều nữa chúng ta cũng cần ghi nhận : nếu cuộc cử hành Lời Chúa thời Nê-hê-mia đã diễn ra cách sốt sắng của một cuộc “tập họp đông đảo” của cộng đồng hồi hương, một dấu chỉ sống động của cuộc “tập họp cộng đoàn Dân Mới là Hội Thánh”, thì cuộc cử hành Lời Chúa của Chúa Giêsu nơi Hội đường lại là hình ảnh của “cộng đoàn phụng vụ” hôm nay trong Thánh đường, chung quanh bàn Tiệc Thánh Thể.

Đó chính là cuộc tập họp của một Hội Thánh duy nhất, hiệp thông và liên đới, một Hội Thánh mà trong thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô trong Bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh : “trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần…”

Như vậy, chính từ bàn tiệc Lời Chúa, tình hiệp nhất cộng đoàn, giây liên kết yêu thương, tinh thần phục vụ, trách nhiệm sẽ được củng cố. Gia đình nào, cộng đoàn giáo xứ nào, dòng tu nào, hiệp hội truyền giáo nào…thường xuyên sống Lời Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa, thực hành Lời Chúa…chắc chắn sẽ vững mạnh, năng động, hiệp nhất; trái lại…sẽ dẫn tới đổ vỡ như một “ngôi nhà xây trên cát”.

Sau hết, việc cử hành Lời Chúa sẽ dẫn tới niềm vui : Nê-hê-mia và các vị chủ sự Lời Chúa đã nói với đám dân hồi hương đang khóc rằng : “Vì ngày nầy là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em”; trong khi đó, tại hội đường Na-da-rét, Chúa Giêsu đã công bố tin mừng của Isaia và thông báo “Tin mừng đó đang ứng nghiệm”.

Ước gì mỗi người chúng ta hôm nay khi được cử hành và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta cũng nhận được niềm vui của Chúa Thánh Thần, niềm vui từ sâu thẳm bên trong tâm hồn; niềm vui được Chúa chữa lành những vết thương lòng, niềm vui được Chúa yêu thương tha thứ, niềm vui được sống trong gia đình Hội Thánh, niềm vui được phục vụ và tiếp nối sứ mệnh tông đồ…

Giống như những người dân Do Thái lưu đầy trở về nghe lại Lời Chúa, họ đã vui trở lại, thì mỗi người chúng ta, cộng đoàn chúng ta, cũng có thể hát lên như điệp khúc của một bài ca nổi tiếng một thời của nhạc sĩ Đức Huy : “và con tim đã vui trở lại”. Vâng, Lời Chúa hôm nay đã làm cho “con tim chúng ta đã vui trở lại”. Amen.

Trương Đình Hiền

CN 27/01/2019
 
CN 3 TN C : Lá số của Chúa - Lá số của ta
Lm. Alf Nguyễn Công Minh, OFM
09:46 26/01/2019
Lá số của Chúa – Lá số của ta.

(“Hôm nay ứng nghiệm lời Thánh Kinh.…” Lc 4, 21)

Quanh năm đã có, nhưng nhất là những ngày giáp tết, trong tết, nhiều người thường đi xem bói, nhất là nơi bạn gái trẻ, muốn biết tương lai tình duyên của mình ra sao. Chỉ cần làm quen một cô là có một lô địa chỉ của chục ông thầy môn “tương lai học.” Báo chí có mục tử vi, đài cũng đưa tin về những lời tiên báo của nhà tiên tri Dixon – Nostra Damus nào đó về tương lai năm… 2019

Tôi không cố ý cổ vũ hay kết án đi xem bói ở đây. Cuối bài chúng ta sẽ thấy, nhưng hôm nay nhân bài Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thử xem lá số của Chúa Giêsu thế nào và từ đó xem tử vi của mỗi người chúng ta ra sao ?

1- Lá số của Giêsu

Đức Giêsu vào hội đường mở trúng một đoạn sách của tiên tri – đúng là tiên tri, người biết trước – may sao đoạn này lại chính là lá số của Chúa : “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

Đây chỉ là một phần trong lá số, hay sổ tử vi của Chúa Giêsu. Toàn bộ lá số của Chúa được ghi trong Kinh-Thánh –đúng hơn ghi trong sách Cựu ước, nhất là các sách Tiên Tri. Ta thử rảo thêm vài lá số :

Is. 9, 6-7 : thuộc Dòng dõi Vua Đavit

Is. 7,14 : Sinh bởi nữ đồng trinh

Mica 5, 2 : Sinh tại Belem

Ose 11, 1 : Trốn qua Ai Câp

Is 11, 1 : Về lại Nazaret

Is 61, 1 : Loan báo năm hồng ân

Is 6, 9 : Dạy bằng dụ ngôn

Za 9,9 : Vào thành long trọng

Za 11,1 : bị bán với giá 30 đồng

Is 53, 9 : Chết chung với trộmcướp

Tv 69, 22 : uống Dấm chua mật đắng

Tv 22 : Áo bị bắt thăm

Tv 22, 31 : Nói lời gì khi treo trên thập giá

Za 12, 10 : bị Đâm cạnh nương long

Os 6, 2 : Sống lại ngày thứ ba

Zona 1, 17 : Trỗi dậy ngày thứ ba

Ta thấy toàn là “số” không thôi. Đúng là “lá số.”

Còn nhiều nữa, nhưng từng đó cũng cho ta thấy Lá số của Chúa đúng từng chữ …. Chính Chúa sau khi sống lại đã chê trách các tông đồ, môn đệ kém trí và chậm tin. Trong cuộc hiện ra với hai môn đệ Emmaus, Tin Mừng thánh Luca ghi : Hỡi những người kém trí và chậm tin các lời tiên tri… rồi Chúa giải thích cho họ những lời liên quan tới Người. Và Chúa kết : “Phải nên trọn (ứng nghiệm) điều đã viết về Thầy trong luật Môse, trong các sách Tiên tri và trong Thánh vịnh” (Lc 24,44).

Thánh Phaolô chỉ bằng mấy chữ thôi, mà đã nói rất rõ niềm tin căn bản : Tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã nhận… Đức Kitô chết vì tội chúng ta – đúng như lời Kinh-thánh. Người được táng trong mồ và ngày thứ ba sống lại, đúng như lời Kinh Thánh (ta có thể nói theo dân gian : đúng như lời Sách Tướng nói). Kinh Thánh (Sách Thánh) mà Phaolô nói, chính là Cựu Ước, vì làm gì đã có Tân Ước.

Bác sĩ Daniel Rose là khoa trưởng Phân khoa Do thái trong Học viện Thánh Kinh ở Los Angeles. Một bữa kia ông đố người bạn thế này: Tôi sẽ đọc cho ông một đoạn Kinh-thánh ; ông cho tôi biết đoạn đó trích ở đâu ? Rồi bác sĩ đọc. Đọc xong, ông bạn trả lời ngay: Đoạn vừa rồi trích từ Tân Ước và nói về Đức Giêsu. Bác sĩ Rose mới giải cho : tôi vừa đọc Sách tiên tri Isaia. Như vậy đó ! Những việc làm lời nói của Chúa Giêsu trong Tân Ước rất khớp với Cựu ước đến nỗi người ta lẫn lộn, nhưng là cái lẫn lộn ý nghĩa: mọi việc Chúa Giêsu làm ứng nghiệm với lời Kinh-thánh cũ tức Lá số của Giêsu. Vậy Kinh-thánh Cựu ước là lá số của Chúa Giêsu, là sổ tử vi của Ngài.

2. Còn Tử vi của ta thì sao ?

Trong Truyện cổ Hy lạp có thuật rằng một danh nhân kia được thần linh báo cho biết sẽ chết vì bị mái nhà đè lên đầu. Ông muốn tránh cái định mệnh, cái lá số xấu ấy, nên nhất định không chịu ở trong nhà, chỉ sống lang thang ngoài đồng ngoài ruộng. Một ngày kia ông đang ở ngoài trời, một con diều hâu cặp con rùa bay ngang qua, không hiểu tại sao khi đi tới nơi vị danh nhân này thì lại để rơi mất con rùa, và con rùa rơi đúng đầu vị danh nhân làm ông ta chết. Mu con rùa một cách nào đó là mái nhà của rùa. Vậy là ứng nghiệm lời thần linh !

Vì đây là câu truyện cổ Hi lạp, nặng về triết lý, nhưng nó cho ta thấy mỗi người có một lá số, có một định mệnh.(1)

Định mệnh của Giêsu được ghi trong Cựu ước. Còn định mệnh của ta – tử vi của mỗi người được ghi trong Kinh-thánh Tân Ước. Tử vi, lá số của ta dài lắm. Nhưng tôi xin rút, xin lắc ra 4 quẻ (4 xăm) này: 2 quẻ đầu liên hệ đến định mệnh của con người nói chung, 2 quẻ sau liên quan tới từng người nói riêng.

Quẻ 1 : Ep 1, 5 : Thiên Chúa đã tiền định cho ta được phúc làm nghĩa tử (con của Chúa) nhờ Đức Giêsu Kitô.

Quẻ 2 : 1Tm 2, 4 : Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu : mọi người chứ không phải một số nhỏ như Pascal nghĩ.

Số của ta, loài người, đã được định như vậy đó. Nhưng làm sao để lá số đó nghiệm vào từng người. 2 quẻ sau đây dạy ta :

Quẻ 3 : Ga 1,12 : Những ai tiếp rước Người – Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa : ấy là những kẻ tin vào Danh Người.

Những kiểu nói thế này đầy dẫy trong Tân Ước là lá số của mỗi người chúng ta. Ai tin và chịu Phép Rửa – sẽ cứu. Ai không tin sẽ bị phạt. Tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng : sẽ được cứu.

Tôi sẽ thiếu sót, sẽ giống như một số anh em Tin Lành phái tự do: tin là đủ, không cần làm gì thêm, vì thế tôi phải lắc thêm một xăm, một quẻ tử vi nữa.

Quẻ 4 : 1 Cr 6, 9-10 : Tôi nói cho anh em biết : những ai dâm đãng, thờ thần, ngoại tình, phóng túng, nghịch luân, trộm cướp, mê tiền, say sưa, vu cáo, bóc lột… đều sẽ không được vào Nước Trời.

Tức là muốn quẻ của ta linh, ta phải tránh xa những thứ đó, khác nào những người luyện cái này cái kia phải kiêng chuyện này chuyện nọ (luyện chưởng, luyện bùa) ……

Tóm lại : Lá số của chúng ta –cách riêng– người đang ngồi trong nhà thờ này có số làm con Chúa. Muốn làm cho lá số này linh, nghiệm : Phải tin điều đó, không tin số không linh. Và còn phải sống xứng đáng địa vị người con Chúa nữa (như số làm vua thì cũng phải tập đi đứng sao cho ra hoàng tử, chứ đâu thể suốt ngày quần xàloỏn áo may-ô đi ra đi vô ! Số làm sư sãi nhà chùa thì cũng phải tập dần cách quét lá đa).

Lá số tử vi chính yếu của chúng ta đã có trong tay rồi : Chúng ta có số làm CON CHÚA. Quan trọng là làm cho lá số đó linh, lá số đó nghiệm nơi bản thân mình. Cần gì phải đi xem chùa này, đền nọ, thầy kia, cô ấy… để biết tương lai, mà có biết được đâu ! Thật đáng ngại làm sao có những bạn trẻ không tin ở chính mình , ở Lời Chúa, mà lại đi tin những điều gì đâu đâu.

Hãy trở về với Thánh lễ này. Mỗi thánh lễ là mỗi lần Chúa làm ứng nghiệm lá số chết và sống lại của Ngài : “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.” Và mỗi Thánh lễ là mỗi lần chúng ta làm ứng nghiệm lá số tử vi đời đời chúng ta: Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

_____________

(1) theo báo Paris Match 12/91, người ta chụp ảnh bàn tay ông Boris Enxin và đưa cho thầy Axel Le-Mec mà không hề cho thầy bói biết bàn tay của ai. Nhìn hình bàn tay, thầy phán : “Bàn tay của người ham địa vị, nhiều thủ đoạn, sẵn sàng đạp đổ người khác để đạt mục đích của mình mà lúc nào cũng tỏ ra rất mềm mỏng ; con người say mê quyền lực đến cực độ… con người di động nhiều… ông này có thể cho nhiều chừng nào thì cũng lấy lại chừng ấy… “

Đó là lá số của Enxin … (khá đúng !)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hồng Y Venezuela: bất tuân dân sự là cần thiết để thay đổi một chế độ bất nhân
Đặng Tự Do
07:14 26/01/2019
Trong một tình huống có lẽ chưa từng thấy trong đời chúng ta, Venezuela đã trở thành một quốc gia có đến hai tổng thống. Chỉ trong mấy ngày, hầu hết các quốc gia tại Mỹ Châu đã đồng loạt ủng hộ tân tổng thống Juan Guaidó.

Bản đồ sau của thông tấn xã Bloomberg cho thấy: tại Mỹ Châu chỉ còn 3 quốc gia ủng hộ cho tên độc tài Nicolas Maduro là Cuba, Nicaragua và Bolivia. Mễ Tây Cơ và Uruguay đứng trung lập, kêu gọi hòa giải. Tất cả các quốc gia khác tại lục địa Mỹ Châu đã lần lượt lên tiếng ủng hộ tân tổng thống Juan Guaidó.

Trong một chương trình truyền hình hôm thứ Sáu 25 tháng Giêng, Maduro tuyên bố “Chúng ta sẽ đánh bại cuộc đảo chính này” và đe dọa sẽ dùng biện pháp mạnh với những người biểu tình. Tuy nhiên, khác với tình huống diễn ra vào những năm 2017 và 2018, một cuộc tấn công tổng lực của quân đội vào những người biểu tình cho đến giờ này vẫn chưa xảy ra.

Đáp lại những lời đe dọa của Maduro, tân tổng thống Juan Guaidó kêu gọi tổng biểu tình trên toàn quốc, và cá nhân ông, bất kể những nguy hiểm, đã tham gia trong cuộc biểu tình hôm thứ Sáu tại thủ đô Caracas. Theo tờ Crux, đông đảo các giám mục Venezuela cũng đích thân xuống đường cùng với người dân. Tiêu biểu là Đức Cha Luis Enrique Rojas Ruiz, Giám Mục Phụ Tá của Mérida; Đức Cha Mario del Valle Moronta Rodriguez của San Cristóbal; Đức Cha Víctor Hugo Basabe của San Felipe; và Đức Cha Ulises Antionio Gutiérrez Reyes của Ciudad Bolívar.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, 76 tuổi, nguyên Tổng Giám mục thủ đô Caracas, là người có lẽ đã phải về hưu sớm vì liên tục va chạm với chế độ Maduro, đã nhắc lại một ý kiến thời danh của ngài theo đó bất tuân dân sự là cần thiết để thay đổi một chế độ vô luân.

Ngài nhắc lại một tuyên bố thời danh của các Giám Mục nước này tựa đề “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi” (Isaia 41:10) được thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc công bố vào ngày 17 tháng 7, năm ngoái 2018.

Trong bản tuyên bố này các Giám Mục viết:

“Giáo Hội, với sứ mệnh tâm linh được Chúa Kitô chỉ rõ trong Tin Mừng, không có ý định thay thế vai trò và ơn gọi của những ai hiểu biết và điều hành guồng máy chính trị. Giáo Hội cũng không khao khát thống trị cảnh quan xã hội, và cũng không muốn trở thành một nhân tố của chính phủ hay của các thành phần đối lập.

Tuy nhiên, Giáo Hội khuyến khích người dân, là những người được giáo dục phù hợp và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân họ, hãy gióng lên tiếng nói và can thiệp tích cực trong trường chính trị, để cả các nguyên tắc và các giá trị cao cả của đức tin được truyền bá cho chúng ta được thể hiện trong lĩnh vực công cộng và chuyển dịch thành những công việc mang lại thiện ích chung”

“Những người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua là nhà cầm quyền của quốc gia này, là những kẻ đã đặt các dự án chính trị của mình lên trên bất kỳ sự cân nhắc nào khác, kể cả những vấn đề nhân đạo. Họ thất bại trong các chính sách tài chính, vì thái độ khinh thị của họ đối với các hoạt động sản xuất và tài sản tư nhân, và vì liên tục đưa ra các trở ngại cho việc giải quyết một số khía cạnh của vấn đề hiện tại. Điều này không gì khác hơn là lời thú nhận bất lực trong việc điều hành đất nước”.

Do đó các giám mục nhấn mạnh: “Venezuela cần một hàng lãnh đạo chính trị khác có thể đặt người dân Venezuela vào trung tâm của những suy tư và hành động của mình, nhận thức được rằng chính trị không phải là tập chú vào quyền kiểm soát quyền lực, nhưng là công việc của những người, được thúc đẩy bởi các nguyên tắc cao quý và đạo đức, biết cách đặt mình trong sự phục vụ các công dân chứ không phải lợi ích của một nhóm nhỏ.”.


Source: Crux Venezuelan bishops back opposition marches, after calling Maduro ‘illegitimate’
 
Khủng hoảng tại Venezuela: Liên Hiệp Âu Châu ra tối hậu thư 8 ngày cho tên độc tài Nicolás Maduro
Đặng Tự Do
14:29 26/01/2019
Các cường quốc Âu Châu đã ra một tối hậu thư cho tên độc tài Nicolás Maduro kỳ hạn 8 ngày phải tuyên bố tổng tuyển cử tự do nếu không Liên Hiệp Âu Châu sẽ chính thức công nhận tân tổng thống Juan Guaidó là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất tại Venezuela. Tối hậu thư của Liên Hiệp Âu Châu được khởi xướng bởi Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Phát biểu thay mặt Liên Hiệp Âu Châu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Sir Alan Duncan cho biết Venezuela cần một chính phủ “thực sự đại diện cho ý chí của người dân Venezuela”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Bẩy 26 tháng Giêng, Venezuela đã bác bỏ tối hậu thư này.

Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza của Venezuela nói với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Maduro là hợp pháp và nước này sẽ không bị áp lực trong việc tổ chức bầu cử.

“Không ai có thể đặt ra thời hạn cho chúng tôi hoặc bảo cho chúng tôi phải tổ chức bầu cử hay không,” ông nói.

Nga, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cáo buộc rằng các hỗ trợ nước ngoài dành cho ông Guaido và vi phạm công pháp quốc tế và là “con đường trực tiếp dẫn đến đổ máu”. Vassily Nebenzia, Đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, đã cáo buộc Washington âm mưu đảo chính ông Maduro.

Ông nói rằng hội đồng không được thành lập để “hỗ trợ việc thay đổi chế độ” và kêu gọi đối thoại thêm để “tìm cách tiến lên”.

Trung Quốc, Mễ Tây Cơ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã công khai ủng hộ tên độc tài Maduro.

Đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), nói rằng tình hình ở Venezuela “không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia” và Trung Quốc “không can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompey cáo buộc Nga và Trung Quốc “chống đỡ cho một chế độ thất bại” và nói rằng đã đến lúc “hỗ trợ người dân Venezuela ngay lập tức”.

“Không chậm trễ nữa, không còn trò chơi nào nữa. Hoặc là bạn đứng với các lực lượng tự do, hoặc bạn đang ở trong liên minh với Maduro và tình trạng hỗn loạn của y,” ông nói.


Source: BBC News https://www.bbc.com/news/world-latin-america-47014322

 
Dự án AVEJMJ: một triệu cỗ tràng hạt cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
Đặng Tự Do
15:01 26/01/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mời gọi các thanh niên trên thế giới cầu nguyện cho hòa bình trong một nghi thức phó dâng các bạn trẻ cho Trái Tim Đức Mẹ. Các bạn trẻ từ khắp nơi thế giới đang có mặt tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama đã nhận được một cỗ tràng hạt được làm tại Thánh địa trong túi hành hương của họ. Những cỗ tràng hạt này có thể đeo như một vòng trên tay, bao gồm một thánh giá với hàng chữ “Bethlehem” được viết ở một bên và “JMJ 2019” ở bên kia. Sau hành trình dài 12,000 km, một triệu cỗ tràng hạt đã đến Panama như một món quà dành cho các bạn trẻ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2019.

Những tràng chuỗi Mân côi từ Bêlem sẽ có một vai trò đặc biệt trong Thánh lễ vào ngày Chúa Nhật 27 tháng Giêng, khi Đức Thánh Cha, trong phần bế mạc thánh lễ, sẽ phó thác những người trẻ cho Đức Mẹ là Nữ vương Hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ yêu cầu những người trẻ tuổi nâng cao chuỗi tràng hạt của họ và thực hiện một hành động cam kết cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới.

Dự án AVEJMJ làm một triệu cỗ tràng hạt cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được Hiệp hội Thánh Jean-Marie Vianney tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ khởi xướng và được thực hiện thông qua Caritas Jerusalem. Dự án AVEJMJ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt nồng nhiệt của Đức Cha Peter Burcher, Giám Mục hiệu tòa của Reykjavik, Iceland.

Dự án này đã khiến cho 300 gia đình trong khu vực Bêlem có được công ăn việc làm trong nhiều tháng, và đã thay đổi cuộc sống của nhiều người. Một số sinh viên trẻ đã có tiền trả chi phí cho việc học sau khi tham gia làm các cỗ tràng hạt trong mùa hè 2018. Nhiều người khuyết tật trong khu vực cũng đã có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống khó khăn của họ.

Hôm 31 tháng 8 năm 2018, Đức Cha Jose Domingo Ulloa Mendieta, Tổng Giám mục Panama, đã đến thăm một số trong 21 cơ xưởng làm tràng hạt tại Bêlem để tận mắt chứng kiến các giai đoạn khác nhau trong quy trình sản xuất các chuỗi tràng hạt.

Tahrir, một trong những người tham gia làm tràng hạt tại Bêlem, nói với Đức Cha Jose Domingo trong chuyến thăm đó rằng “Khi con nghĩ đến việc những chuỗi tràng hạt gỗ ô liu này của Bêlem sẽ du hành đến một triệu ngôi nhà trên khắp thế giới, con cám ơn Chúa vì con may mắn được làm việc trong dự án này.”


Source: Ban Tổ Chức WYD Panama A wonderful gift from Pope Francis in Panama
 
Đêm Canh Thức Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ơn Cứu Rỗi là ‘Lời Mời trở nên Thành Phần của Câu Truyện Tình'
Vũ Văn An
19:38 26/01/2019
Theo ghi nhận của Jim Fair, thuộc Hãng tin Zenit, tại đêm canh thức của giới trẻ ở Campo San Juan Pablo II – Metro Park, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với giới trẻ rằng “Ơn cứu rỗi Chúa ban cho chúng ta là lời mời trở nên thành phần của câu truyện tình đan xen với truyện bản thân đời ta; nó sống động và muốn được sinh hạ giữa chúng ta để chúng ta đơm hoa kết trái trong con người thực của mình, bất kể ta ở đâu và với bất cứ ai quanh ta”.



Ngài cảnh cáo: Ơn cứu rỗi không phải là một điều có thể tải xuống hay được khám phá ở một “áp dụng” mới. Nó không phải là một dự án tự cải thiện mình hay một loại dạy kèm. Không, nó thực sự là một câu truyện tình.

Đức Giáo Hoàng trưng dẫn điển hình Đức Mẹ và lời “xin vâng” theo thánh ý Thiên Chúa của ngài. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Đức Mẹ không đưa ra bất cứ điều kiện nào cho tiếng xin vâng của ngài. Ngài không nói ngài chỉ thử làm xem sao hay xem xem sự việc sẽ biến chuyển như thế nào. Không, ngài chỉ thưa “xin vâng”. Nhưng điều này không có nghĩa đời ngài sẽ trở thành dễ dàng.

Đức Giáo Hoàng giải thích: “Nói ‘xin vâng’ với Chúa có nghĩa sẵn sàng ôm lấy cuộc sống như nó xẩy đến, với mọi mỏng dòn của nó, tính đơn giản của nó, và cũng rất thường, với các tranh chấp và phiền lòng của nó... Có nghĩa ôm lấy đất nước ta, gia đình ta và bạn bè ta y hệt như họ đang là, với mọi điểm yếu và thiếu sót của họ”.

“Ôm lấy cuộc sống cũng được coi là chấp nhận sự việc không hoàn hảo, trong sạch hay “được tinh lọc”, tuy nhiên không kém xứng đáng để được yêu thương. Một người khuyết tật hay yếu ớt không xứng đáng được yêu thương hay sao? Một người bị khám phá là ngoại nhân, một người mắc lầm lỗi, một người bệnh hay ở tù, há họ không xứng đáng được yêu thương sao? Chúng ta biết Chúa Giêsu đã làm gì: ngài ôm lấy người cùi, người mù, người bại liệt, người biệt phái và người tội lỗi. Người ôm lấy người ăn trộm trên thập giá và còn ôm lấy và tha thứ cả những người đóng đinh Người”.

Đức Thánh Cha thừa nhận rằng đôi khi rất khó có thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng quả là một hồng phúc khi biết rằng nó đến với chúng ta bất kể các thiếu sót của chúng ta. Thiên Chúa tha thứ cả những người bỏ rơi Người.

Đức Phanxicô giải thích: “Tại sao Người làm thế? Vì chỉ những gì được yêu thương mới được cứu rỗi. Chỉ những gì được ôm ấp mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn mọi vấn đề, mỏng dòn và thiếu sót của chúng ta. Chính qua các vấn đề, mỏng dòn và thiếu sót của chúng ta mà Người muốn viết ra câu truyện tình này”.

“Người ôm lấy người con trai hoang đàng, Người ôm lấy Phêrô sau khi ông chối Người và Người luôn ôm ấp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta vấp ngã: Người giúp ta chỗi dậy và đứng thẳng trên đôi chân. Vì sự vấp ngã tồi tệ nhất, sự vấp ngã hủy hoại đời ta, là tiếp tục nằm bẹp và không để mình đuợc giúp chỗi dậy”.



Đức Thánh Cha cũng cảnh cáo về bốn cái “không” có thể để mặc người trẻ không gốc rễ và không có khả năng lớn lên. Đó là không có việc làm, không có giáo dục, không có cộng đồng, không có gia đình. Ngài nói: các gốc rễ mạnh mẽ cần để giữ người ta bám trụ đất sở.

Theo Đức Phanxicô “Có một câu hỏi mà thế hệ già chúng tôi cần phải tự hỏi mình, nhưng cũng là một câu hỏi mà các con cần hỏi chúng tôi và chúng tôi phải trả lời: chúng tôi đang cung cấp cho các con những gốc rễ nào, đâu là các nền tảng để các con lớn lên như những con người?”

Ngài nói thêm: “Chỉ trích và khiếu nại về tuổi trẻ là điều quá dễ, nếu chúng ta tước mất của họ các cơ hội có việc làm, có giáo dục và có gia đình mà họ cần để đâm rễ và mơ về một tương lai.

“Không có giáo dục, khó mà mơ về một tương lai; không có việc làm, khó mà mơ về một tương lai; không có gia đình và cộng đồng, hầu như không thể mơ về một tương lai. Vì mơ về một tương lai có nghĩa học tập cách trả lời không những câu hỏi tôi đang sống vì điều gì nhưng cả câu hỏi tôi đang sống vì ai, ai làm cho tôi thấy sống đời tôi là điều đáng làm đối với tôi”.
 
Bài giảng tại thánh lễ thánh hiến bàn thờ tại Đền thánh Đức Bà La Antigua
Thanh Quảng sdb
19:50 26/01/2019
Bài giảng tại thánh lễ thánh hiến bàn thờ tại Đền thánh Đức Bà La Antigua
26/1/2019

Trên con đường hành trình rao giảng, Chúa Giêsu ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp, giờ đó vào khoảng giờ thứ sáu, có một người phụ nữ Samaria tới kín nước. Chúa Giêsu nói với bà: Xin cho tôi chút nước! (Ga 4: 6-7).
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thấm mệt trên bước đường hành trình rao giảng của Người. Vào giữa trưa, khi mặt trời oi nồng nóng bức hơn bất cứ lúc nào thì Chúa ngồi lại nghỉ bên giếng nước. Chúa đang mong được uống ngụm nước hầu làm làm dịu bớt cơn khát của mình, hầu kín múc cho mình lại sức để tiếp tục con đường rao giảng.
Các môn đệ cũng xác tín về sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Chúa cho người túng nghèo, nhỏ bé, bị chèn ép, công bố tự do cho những kẻ bị giam cầm và giải phóng cho các tù nhân, an ủi những người than khóc và tuyên bố năm hồng ân cho tất cả! (xem Is 61: 1-3). Các Tông đồ ý thức đây là chương trình làm tiêu hao sinh lực của Thầy; nhưng các ngài cũng cho chúng ta thấy nhiều khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Thầy, những khoảnh khắc bộc trần nét nhân loại như chúng ta mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống.

Mệt mỏi từ cuộc hành trình
Chúng ta không khó khăn để tìm ra trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, để bắt gặp những hoàn cảnh và hiệp thông với cảm nghiệm của Chúa chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biết trải nghiệm sự mệt mỏi của mình như Chúa. Chúa cảm thấy thấm mệt và biết mệt mỏi ra sao, nên trong những mỏi mệt của mình, trong các cuộc tranh đấu cho quê hương dân tộc… chúng ta, cộng đồng chúng ta và mọi người cảm thấy mệt mỏi và chán nản trước trọng trách! (xem Mt 11:28).
Có nhiều lý do cho sự mệt mỏi trên hành trình của chúng ta trong tư cách là linh mục, tu sĩ nam nữ hoặc các thành viên của các phong trào giáo dân: vì từ thời gian hoạt động quá dài, không có giờ để ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt cùng gia đình, đến các điều kiện và mối quan hệ làm việc đòi hỏi khác! Điều đó làm chúng ta kiệt sức và thất vọng. Từ những bổn phận đơn giản thường ngày đến tập quán hàng ngày làm chúng ta không còn giờ để giải trí thư giãn! Những thói quen và công việc ấy cứ diễn ra từ ngày này sang ngày khác. Từ những vấn đề nhỏ thông thường đến những dự án to nhỏ áp lực và làm chúng ta căng thẳng. Đó là một trọng trách chúng ta phải gánh chịu.
Đối với người tu sĩ, chúng ta không thể kham nổi những đòi hỏi của cuộc sống tận hiến, nếu chúng ta không tìm cho chính mình một giếng nước, làm dịu cơn khát và tăng cường sinh lực cho cuộc hành trình của chúng ta. Tất cả những cảnh trạng này đòi hỏi, những giờ cầu kinh thinh lặng, đó chính là giếng nước mà chúng ta cần kiếm tìm!
Lâu nay, chúng ta thấy có một hiện tượng rất tinh tế mà chúng ta thường bắt gặp trong cộng đoàn của chúng ta, nỗi khát mong này không liên quan gì đến Chúa của chúng ta, đó chính là một mong mỏi mà chúng ta có thể gọi là nỗi khát mong “một niềm hy vọng”. Nỗi khát mong này chúng ta có thể cảm nhận được như - trong Tin Mừng - mặt trời oi nồng không thương tiếc làm con người nhoài mệt không muốn tiến bước... Cha không đề cập đến sự mỏi mệt của trái tim (xem Redeemoris Mater, 17; Evangelii Gaudium, 287) của những người ai cảm thấy mệt nhừ vào cuối ngày, nhưng vẫn giữ được nụ cười thanh thản và biết ơn. Cha muốn nói về nỗi khát mong khác, xuất phát từ việc nhìn về tương lai trước thực tại, thiếu thốn về tài lực lẫn năng lượng, tài nguyên và khả năng hầu có thể thực hiện được sứ mệnh của chúng ta trong thế giới đầy thách thức và thay đổi này.
Đó là một khát vọng cần thiết. Một khát vọng đến từ những viễn ảnh tương lai mà không biết làm thế nào để vượt thắng được những chống đối, những chướng ngại của xã hội chúng ta đang đối diện, ngay cả trong lãnh vực tâm linh tôn giáo! Những đổi thay não trạng của xã hội khiến chúng ta phải đối phó với thực tế, mà trong nhiều trường hợp, chúng ta nghi nan cả về nâng đỡ của tôn giáo trong thế giới ngày nay. Với một tốc độ thay đổi quá nhanh có thể làm tê liệt các lựa chọn và ý kiến của chúng ta, trong khi những gì có ý nghĩa và quan trọng trong quá khứ giờ đây dường như không còn thích hợp nữa!
Nỗi khát vọng cấp thiết này đến từ việc nhìn thấy Giáo hội của chúng ta đang bị bị tổn thương bởi tội lỗi trước những tiếng kêu thống thiết nguyện cầu lên Thiên Chúa Cha: Cha ơi, sao Cha lại bỏ rơi con? (Mt 27:46).
Chúng ta có thể quen với một cuộc sống khát mong về một mối kỳ vọng trước một tương lai bất ổn và vô định, và viễn ảnh này mở đường cho một chủ nghĩa thực dụng đen tối len lỏi vào trung tâm của đời sống cộng đoàn của chúng ta. Mọi thứ dường như đang diễn ra bình thường, nhưng trong thực tế, đức tin đang bị suy sụp và lụn bại. Thất vọng về thực tại mà chúng ta không hiểu hoặc chúng ta nghĩ rằng nó không có chỗ đứng trong thông điệp của chúng ta, chúng ta có thể trở thành một trong những dị giáo tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta, rằng Chúa và cộng đoàn của chúng ta không có gì để nói hoặc để đóng góp cho thế giới mới hiện tại (xem Evangelii Gaudium, 83). Những điều mà trước đây Giáo hội đã từng là muối và ánh sáng cho thế giới quá khứ.

Cho tôi uống
Sự mệt mỏi từ cuộc hành trình có thể xảy ra; và chính chúng ta cảm thấy được. Dù muốn hay không, chúng ta hãy can đảm thân thưa cùng Thiên Chúa Cha rằng: “Xin hãy cho con một chút nước”. Như trường hợp của người phụ nữ Samaria và có lẽ với mỗi người chúng ta, chúng ta mong muốn được làm dịu đi cơn khát của chính mình không phải với bất kỳ thứ nước nào mà với dòng nước phát sinh từ suối nguồn đời đời (Ga 4:14). Giống như người phụ nữ Samaria trong quá khứ đã mang theo những bình lu trống rỗng không tình yêu, chúng ta cũng ý thức rằng không phải bất kỳ từ đâu chúng ta cũng có thể kín múc lấy năng lượng và viễn kiến cho sứ mệnh của mình. Không phải nơi một ý tưởng mới, như đang mời gọi chúng ta có thể làm dịu đi cơn khát mong của chúng ta. Như chúng ta đã biết, không phải những kiến thức về tôn giáo, cũng như các lựa chọn và truyền thống trong quá khứ hay hiện tại, khiến chúng ta nể phục những người đã nỗ lực đạt được những thành quả và khát vọng trước những giá trị tinh thần và chân lý (Ga 4:23).
Chúa Giêsu phán cùng người phụ nữ Samaria “hãy cho tôi chút nước uống”, Chúa đang yêu cầu chúng ta hãy nói những lời tương tự. Để nói với tha nhân, chúng ta cũng hãy mở cửa và để cho nỗi khát vọng giảm bớt cơn khát của chúng ta trở thành tình yêu như Chúa Giêsu dành cho tha nhân và chúng ta với lòng thương xót và mời gọi chúng ta đi theo Ngài. Để nói những lời đó, chúng ta hãy làm sống lại ký ức về khoảnh khắc, lúc chúng ta bắt gặp ánh mắt của Chúa và của thầy chúng ta, khoảnh khắc khiến chúng ta nhận ra rằng Chúa yêu chúng ta, không chỉ trên bình diện cá nhân mà còn trên bình diện cộng đồng (xem Homily tại Lễ Vọng Phục Sinh, 19 tháng Tư 2014). Điều đó tăng kích sức lực cho bước đường tận hiến và giúp chúng ta trung thành với lời mời gọi của Chúa, lắng nghe và kín múc những cảm hứng cho công cuộc tông đồ, cho những kế hoạch mục vụ hay dự án… Như Chúa đã hỗ trợ các thánh nhân của Chúa, các Đấng lập dòng, các Giám mục coi sóc các cộng đoàn của chúng con - Chúa đã mang lại sức sống và hơi thở mới cho mọi khoảnh khắc của lịch sử, cho dù nhiều lúc chúng ta thấy hy vọng và phẩm giá con người dường như bị bóp nghẹt đang làm cho chúng ta tan tác!
Hãy cho tôi chút nước uống, có nghĩa là tìm cho được sự can đảm, hầu được thanh luyện và đem lại cho thân xác ơn đặc sủng - không chỉ cho đời sống tôn giáo mà còn cho toàn bộ cuộc sống của Giáo hội – hầu chúng ta có thể sống chứng tá cho Chúa trong xã hội ngày nay. Điều này có nghĩa là không chỉ nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, mà còn tìm kiếm nguồn cảm hứng hầu làm âm vang một cách mạnh mẽ sứ mệnh cho Chúa một lần nữa trong xã hội chúng ta đang sống (xem. Đức Giáo Hoàng Phanxicô-Fernando Prado, Sức mạnh của một ơn gọi, 42).
Hãy cho tôi chút nước uống, có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta cần Chúa Thánh Linh trợ giúp để biến chúng ta thành những người tu sĩ nam nữ biết lưu tâm đến Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa. Xác tin rằng, như Chúa đã thực hiện trong quá khứ, Ngài đang hoạt động trong thời gian hiện tại và Chúa sẽ tiếp diễn trong tương lai… Hãy tìm về cội nguồn hầu giúp chúng ta xác tín trong hiện tại và kín múc sinh lực cho tương lai với niềm xác tín: “Chúng ta sống mà không sợ hãi gì, hãy thích ứng với cuộc sống hiện tại một niềm đam mê gắn bó vào lịch sử, đắm chìm trong mọi sự với một đam mê của những người đang yêu…” (xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô-Fernando Prado, Sức mạnh của một ơn gọi, 44).
Một niềm hy vọng mòn mỏi sẽ được chữa lành mà tận hưởng nỗi niềm chờ mong đặc biệt của trái tim khi chúng ta không sợ quay tìm về nguồn tình yêu, mà đối diện với thực tại và những thách đố của chúng ta hôm nay trong cùng một ánh mắt đã truyền cảm hứng các nhạc sĩ viết lên những bài ca cảm tạ... Theo cách này, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ đi tìm khởi điểm từ chính mình; nhưng chúng ta tìm được ánh mắt của Chúa Kitô, lúc Chúa đang đi kiếm tìm chúng ta, để gọi cho chúng ta và mời chúng ta lên đường tiếp nối sứ vụ Chúa trao trong xã hội và thế giới ngày nay.
 
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo tại Trung Quốc cam kết hợp tác với Hiệp hội Công Giáo Yêu nước
LM. Nguyễn Tất Thắng, OP
20:37 26/01/2019
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo tại Trung Quốc (BCCCC) đã cam kết hợp tác với Hiệp hội Công Giáo Yêu nước (CCPA) để thi hành chính sách ‘Đồng hoá tôn giáo - Sinicization of religion’ (hoặc là ‘Trung Hoa hóa tôn giáo) trong quốc gia cộng sản.

Đức Cha Joseph Ma Yinglin của giáo phận Kunming đã phát biểu như trên sau khi ông Wang Zuoan, Thứ trưởng Bộ Mặt trận Thống nhất (UFWD), thăm Hiệp hội Công Giáo Yêu nước (CCPA) và Hội Đồng Giám Mục Công Giáo tại Trung Quốc (BCCCC) ở Bắc Kinh.

Giám Mục Ma cho biết CCPA và BCCCC sẽ hành động theo sự tin tưởng của Đảng Cộng sản và chính phủ. Ngài nói "Trong năm mới, họ sẽ làm việc chăm chỉ, đoàn kết như một trái tim, suy nghĩ nghiêm túc, nỗ lực luyện tập, làm việc theo tình huống và tiếp tục tiến bộ hơn và tốt hơn trên con đường phát triển chính sách đồng hóa tôn giáo để đạt được kết quả khả quan nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa’

Trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Wang cho biết công việc bầu cử và tấn phong các giám mục, và việc chuyển đổi các Giám mục hầm trú phải được thực hiện tốt. Ông kêu gọi CCPA và BCCCC ‘duy trì cao độ tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh, và lãnh đạo quần chúng tín đồ của Giáo Hội Công Giáo tiếp tục học hỏi về kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội của Tập Cận Bình với những sắc thái Trung Quốc.’

Các Giám Mục cũng nên "tiến bộ trên con đường độc lập, tự chủ và tự quản giáo hội và điều hành giáo hội một cách dân chủ".

Ông Wang nói rằng cần phải liên tục khám phá và thực hành chính sách hướng bản sắc hóa tôn giáo và tăng cường sửa đổi cũng như cải thiện hệ thống, trong khi điều quan trọng là ‘để lá cờ đỏ năm sao bay cao trong sân nhà thờ.’

Ông Wang nói cần xây dựng một kế hoạch quản lý các giáo phận một cách thích hợp để tăng cường mức độ tự thành lập và xây dựng các tổ chức yêu nước ở cơ sở và đào tạo nhân sự.

Ông Wang cùng các quan chức Mặt Trận Thống Nhất được chào đón bởi Đức Cha Ma, Chủ tịch BCCCC, Đức Cha Phó Chủ Tịch Joseph Shen Bin, Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký CCPA Liu Yuanlong.

Giám mục Ma, 53 tuổi, được tấn phong làm giám mục vào năm 2006 nhựng không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Năm 2010, ngài được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục và phó Chủ tịch CCPA. Cả hai tổ chức đều không được Vatican công nhận.

Vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bãi bỏ vạ tuyệt thông của Đức cha Ma và sáu giám mục khác được chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Điều đó xảy ra vài giờ sau khi Vatican và chính phủ Trung Quốc đã ký một Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục.

Sự tha thứ của Đức Giáo Hoàng được coi là một phần của quá trình chữa lành Giáo hội Trung Quốc. Vatican tuyên bố: ‘Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng rằng, với những quyết định này, một tiến trình mới có thể bắt đầu sẽ cho phép những vết thương trong quá khứ được khắc phục, dẫn đến sự hiệp thông hoàn toàn của tất cả người Công Giáo Trung Quốc’

Theo giáo sư Zhang Zhigang, đồng hoá tôn giáo đòi hỏi phải thực hiện‘đồng hóa ba lần’: đồng hóa vào văn hóa Trung Quốc, đồng hóa vào quốc tịch Trung Quốc và đồng hóa vào xã hội Trung Quốc. Ông giải thích rằng lý thuyết này thực chất là "bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc và bản sắc xã hội" và đây là điều mà giới học thuật quốc tế quan tâm sâu sắc trong thời đại toàn cầu hóa. Trong số này, "bản sắc văn hóa" là cơ bản nhất.

Giáo sư Zhang giải thích rằng các tôn giáo khác nhau hiện đang tồn tại trong quốc gia Trung Quốc và xã hội Trung Quốc cần bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, để xây dựng truyền thống mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc và đóng góp tích cực cho xã hội quốc gia.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
A.P. ghi nhanh ngày thứ ba chuyến viếng thăm Panama của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
22:34 26/01/2019


A.P. đã đăng tải bản tin ghi nhanh của họ về ngày thứ ba, 26 tháng 1, trong chuyến viếng thăm Panama để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới của Đức Phanxicô:

1:00 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tìm cách truyền cảm hứng cho người trẻ của Panama, các tù nhân, các chính trị gia và các giám mục của nó. Vào hôm thứ Bảy, ngài chú ý đến các linh mục và các nữ tu của đất nước khi ngài tiến tới nửa chừng chuyến viếng thăm Trung Mỹ của ngài.

Đức Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Santa Maria La Antigua ở khu vực cũ của thành phố Panama với các linh mục và nữ tu của đất nước. Sau đó, ngài sẽ chủ sự buổi canh thức cầu nguyện cuối cùng trước Thánh lễ kết thúc Ngày Giới trẻ Thế giới vào Chúa Nhật.

Vào hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã mang Ngày Giới trẻ Thế giới đến với những tội phạm vị thành niên của Panama, cử hành nghi thức sám hối hết sức xúc động trong nhà tù thanh thiếu niên chính của đất nước vì các tù nhân không thể tham gia lễ hội đức tin lớn của Giáo Hội Công Giáo ở bên ngoài.

9:15 giờ sáng

Chuông đang vang lên ở trung tâm lịch sử của Thành phố Panama khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến để cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa của thành phố.

Vào giữa chặng đường của chuyến thăm bốn ngày của mình, Đức Phanxicô sẽ thánh hiền bàn thờ mới của vương cung thánh đường Santa Maria la Antigua trong Thánh lễ Thứ Bảy và sau đó dùng bữa trưa với giới trẻ trong thành phố nhân Ngày Giới trẻ Thế giới. Vào buổi tối, ngài sẽ cử hành một buổi canh thức ngoài trời, một trong những hoạt động chính của lễ hội giới trẻ của Giáo Hội Công Giáo.



Trong Thánh lễ, Đức Phanxicô sẽ tìm cách truyền cảm hứng cho các linh mục và nữ tu của Panama - sau khi đã tìm cách truyền cảm hứng cho các giám mục Trung Mỹ, các chính trị gia và thậm chí cả các tù nhân trẻ của Panama.

10:15 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tìm cách truyền cảm hứng cho các linh mục và nữ tu của Panama khi ngài thừa nhận rằng họ có thể trở nên mệt mỏi do gánh nặng công việc của họ và "các vết thương tội lỗi của Giáo Hội".

Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ vào Thứ Bảy tại nhà thờ chính tòa của Thành phố Panama, vương cung thánh đường Santa Maria la Antigua. Thánh lễ là dịp để chính thức mở cửa trở lại và thánh hiến bàn thờ của nhà thờ sau một cuộc sửa chữa kéo dài nhiều năm.

Trong bài giảng của mình, Đức Phanxicô đã thẳng thắn nói về các áp lực, các thất vọng và lo lắng mà các linh mục và nữ tu đang phải đương đầu trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi ngài nói đôi khi dường như thông điệp Công Giáo không có chỗ đứng. Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng những lo lắng như vậy đôi khi có thể làm tê liệt, nhưng ngài kêu gọi họ lấy lại niềm vui và đức tin từng truyền cảm hứng cho họ lúc ban đầu.

3:20 giờ chiều

Giới trẻ đã chất vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo và số phận các Kitô hữu ở Trung Đông khi tuổi trẻ chiếm khán đài chính trong các biến cố cuối cùng của Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama.

Đức Phanxicô đã ăn trưa hôm thứ Bảy với 10 người hành hương trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang tham dự cuộc tụ tập có tính tôn giáo. Vatican mô tả bầu khí là quen thuộc và lễ hội, và những người trẻ tuổi nói rằng họ rất ngạc nhiên về sự xuềnh xoàng của Đức Phanxicô và quan tâm đến các vấn đề của họ.

Brenda Noriega sinh ra ở Mễ Tây Cơ và hiện đang sống ở San Bernardino, California. Cô nói rằng cô đã nói với Đức Phanxicô rằng vụ tai tiếng lạm dụng tình dục là một "cuộc khủng hoảng mà chúng ta không thể không nói đến". Cô nói rằng Đức Phanxicô bảo đảm với cô rằng Giáo Hội cam kết hỗ trợ các nạn nhân.

5:35 giờ chiều

Những người hành hương tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Panama đã dựng lều ở giữa một hành lang ngập nắng, nơi họ chờ đợi một buổi canh thức với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày áp chót chuyến đi của ngài ở nước này.

Ý tưởng là ngủ ở đó qua đêm và sau đó tham dự một Thánh lễ cuối cùng được cử hành vào hôm Chúa Nhật.

Claudia Martinez tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới lần này là lần thứ ba sau khi tham dự biến cố này ở Rome năm 2000 và ở Canada năm 2002. Người phụ nữ 41 tuổi này là một trong số hơn 6,000 người từ El Salvador đến Panama.

Martinez nói rằng những người trên "đem theo sự hiện diện của vị thánh đầu tiên của chúng tôi", ám chỉ Oscar Romero mới được phong thánh. Vị Tổng giám mục người Salvador này bị bắn chết vào năm 1980 và được phong thánh vào tháng 10 năm ngoái.

Martinez nói phần tác động mạnh nhất của biến cố ở Panama cho đến nay là những thông điệp của Đức Giáo Hoàng nhằm "thách thức" giới trẻ.

7:20 giờ tối

Vatican cho biết ước tính có khoảng 600,000 người đã tham dự buổi canh thức với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama.

Nhiều người hành hương sẽ ngủ ngoài trời trong khu vực Metropark, nơi Đức Phanxicô sẽ trở lại vào Chúa Nhật để cử hành Thánh lễ sáng sớm trước khi trở lại Vatican.

Các nhà tổ chức vẫn đã nói từ trước rằng họ chờ đợi Ngày Giới trẻ Thế giới này sẽ nhỏ hơn nhiều so với những năm trước, chủ yếu là vì các ngày trong tháng 1 không trùng với kỳ nghỉ học ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Đức Phanxicô đang chủ trì buổi canh thức cầu nguyện tối thứ Bảy, trong đó có chứng từ của một gia đình có đứa con mắc Hội chứng Down và một thiếu niên Panama nói về cuộc đấu tranh của em với ma túy.

Nữ tu Maria De Guadalupe từ El Salvador nói rằng trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới rất mãnh liệt. "Nó rất năng động, tạo mệt mỏi một chút nhưng thật đáng vì được nghe Đức Giáo Hoàng khi ngài đi qua và nhận được phép lành của ngài và đặc biệt là vì nó khuyến khích người trẻ".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Hạt Phú Thọ Sàigòn Họp Mặt Tất Niên
Martinô Lê Hoàng Vũ
10:04 26/01/2019
“Đón năm mới thêm lòng tin cậy,mừng đầu xuân nguyện mãi sống yêu thương”Mùa xuân đang về trên quê hương,thành phố Sài Gòn trở nên tấp nập hối hả,những con đường xe cộ như nêm,nhất là những con đường đi ngang qua những chợ buôn bán.

Trong không khí chuẩn bị đón Tết,sáng nay ngày 26.1.2018, tức là 21 Tết tại Hội trường Giáo xứ Hòa Hưng đã diễn ra buổi họp mặt tất niên.Lm. Giuse Phạm Bá Lãm hạt trưởng Phú Thọ đã điểm lại những sinh hoạt mục vụ của giáo xứ.Nhất là vấn đề đóng góp tài chánh để tổng giáo phận Sài gòn phát triển các giáo điểm ở vùng ven thành phố.Buổi họp mặt có quý cha trong giáo hạt,ban đại diện HĐMV các giáo xứ,đại diện các đoàn thể,và Hội Các Bà Mẹ Giáo hạt Phú Thọ hỗ trợ về ẩm thực.Cha chánh xứ Tân Phước Giuse Vũ Minh Danh hạt phó đã chúc Tết cha hạt trưởng.Với những thành quả mục vụ đã đạt được là nhờ hồng ân Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên cộng đoàn dân Chúa trong giáo hạt Phú Thọ và bước sang năm mới Kỷ Mới 2019 với hình tượng con heo,giáo hạt sẽ phát huy những điểm mạnh sẵn có, thêm phần đóng góp vật chất và tinh thần cho công việc chung của Giáo hội.

Sau đó,đại diện HĐMVGX chúc tết,tặng quà Cha Hạt Trưởng và chụp hình lưu niệm đánh dấu ngày họp mặt.

Sau cùng quý cha và tất cả thành phần trong giáo hạt cùng chia sẻ trong bữa cơm tất niên ấm cúng thân tình.

Xin Chúa Xuân ban mọi ơn lành bình an xuống trên mọi người,và các gia đình Công Giáo

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Lễ tạ ơn của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne
Trần Văn Minh hình Lê Hải
19:09 26/01/2019
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy ngày 26/1/2019. Tại Nhà thờ Thánh Giuse vùng Springvale. Quý linh mục Việt Nam trong Tuyên úy đoàn, cùng với Ban mục vụ cộng đồng đã tổ chức dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn Thiên Chúa trong năm đã qua và chào mừng năm mới Kỷ Hợi đang tới.

Hình Lê Hải

Thánh lễ do Linh mục Trần Ngọc Tân chủ tế cùng với quý cha Việt Nam trong tuyên úy đoàn đồng tế. Ca đoàn Thánh Gia thuộc Cộng đoàn Thánh Giuse Springvale phụ trách thánh ca, cùng với đại diên các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne, các đoàn thể, ban ngành trong cộng đồng và giáo dân trong cộng đoàn hiện diên để hiệp dâng thánh lễ.

Trước thánh lễ, cô Phương Thảo đã lên giới thiệu về thánh lễ tạ ơn của Cộng đồng được tổ chức hằng năm vào dịp Quốc khánh Australia. Để chúng ta có dịp cùng nhau tạ ơn Chúa, cám ơn nhau và chúc cho mọi người trong cộng đồng một năm mới an vui, trong tình hiệp thông và đoàn kết để vinh danh Thiên Chúa. Và cũng để mừng ngày Quốc Khánh Úc, nơi mà chúng ta đang sống như một lời tri ân.

Linh mục chủ tế cũng cảm tạ Chúa và dâng tất cả mọi người hiện diên, những ân nhân, những người đang làm việc cho cộng đồng, tiền nhiệm cũng như ban mục vụ hiện tại. Cha cũng dâng lên Chúa tất cả mọi người trong cộng đồng, những người khỏe mạnh, cũng như những người đau ốm bệnh tật. Những gia đình hạnh phúc cũng như những gia đình đang gặp khó khăn, xin Thiên Chúa đoái thương và hàn gắn họ trong tình thương của Chúa. Cha cũng không quên cầu nguyện cho Linh mục Hoàng Kim Huy vị tuyên úy thân thương mới đi nhận nhiệm sở mới, xin Chúa cùng đồng hành với cha trong mọi bước đường phục vụ.

Trong bài tin mừng với dụ ngôn nói về ông chủ mời mọi người đi làm vườn nho, người làm từ sáng sớm và những người làm vào giờ chiều, Chúa luôn trả công theo lượng hải hà của Chúa. Và được Linh mục Lý Trong Danh DCCT chia sẻ, nói về những con người phục vụ cho cộng đồng.

Cuối lễ, ông Trần Ngọc Cẩn trưởng ban mục vụ cộng đồng đã lên cám ơn quý cha, quý tu sỹ nam, nữ, các ban mục vụ các cộng đoàn, các ban ngành đoàn thể đã về cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn của cộng đồng. Trong dịp này, ông cũng phổ biến một văn bản chính thức của Tổng giáo phận Melbourne đã bổ nhiệm quý cha như sau: Trưởng ban điều hợp ban tuyên úy, Linh mục Vũ Ngọc Tuyển, và thêm quý cha Trường Chánh xứ Thánh Giuse, và Linh mục Lý Trọng Danh Giáo xứ Holy Eucharist, Saint Albans vào trong ban tuyên úy cùng với quý Cha Nguyễn Hữu Quảng và Trần Ngọc Tân.

Trong vài lời nói ngắn, Linh mục Vũ Ngọc Tuyển khiêm nhường nói: Cha chỉ là điều hợp viên của tuyên úy đoàn, nên xin mọi người gọi cha như chức vị điều hợp, và cũng xin đừng gọi cha là tuyên úy trưởng vì cha “còn nhỏ.” Xin cộng đồng hết sức cùng nhau làm việc chung vì danh Chúa để cộng đồng mỗi ngày một thăng tiến, tốt đẹp hơn.

Mọi người đã lên chụp hình chung trước khi dự tiệc mừng do Cộng đoàn Thánh Giuse khoản đãi với phần văn nghệ đặc sắc với chủ đề mừng xuân, do Ca đoàn Thánh Gia phụ trách và mở màn, ca đoàn trình diễn hợp ca bản Ly rượu mừng bất hủ của cố Nhạc sỹ Phạm Đình Chương, sau đó là hợp ca, đơn ca, song ca và với phần đặc biệt sớ táo quân của cộng đồng do cô Chi MC và ông Nguyễn Ngọc Trúc song tấu. Cộng đồng đã có một buổi lễ tạ ơn thật long trọng và một bữa tiệc thật vui.
 
Văn Hóa
Hồn Thơ vương ý Xuân
Đinh Văn Tiến Hùng
12:51 26/01/2019
Hồn THƠ vương ý XUÂN

Xuân là hoa, là nhạc, là thơ, là bức họa muôn màu. Xuân là tuổi trẻ đời người, là khí thiêng sông núi, là tinh hoa dân tộc.

Mùa Xuân Việt nam trải dài qua bốn ngàn năm lịch sử thăng trầm.

Nói về Xuân không thể cạn ý hết lời. Đông Tây kim cổ, con người đã tốn bao giấy mực ca ngợi vẻ đẹp của nàng Xuân.Trong thi ca Việt nam củng bàng bạc tình ý dáng Xuân.

Nghe nói nhiều nhà văn nước ngoài đã nhận xét về dân tộc ta như sau :

‘Dân tộc Việt nam có một lịch sử trên 4000 năm hào hùng với nền văn hoá rất phong phú và đặc biệt mỗi người dân Việt là một nhà thơ tài tình, mang nét Xuân tươi trẻ….’

Điều nhận xét trên không phải là quá đáng và cũng là niềm tự hào của dân tộc ta.

Nói về văn chương Việt nam không thể bỏ qua ‘cái nôi’ là nền văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, câu hò, câu đối…mà cả những người dù không có học cũng ‘xuất khẩu thành thi’.

Từ một cụ già trong lúc trà dư tửu hậu, từ đôi trai gái trong công việc mùa màng, từ giọng à ơi bà mẹ ru con hay mục đồng nghêu ngao trên mình trâu cũng cất lên những lời thơ thanh thoát hồn nhiên.

Nắng Xuân mời gọi, gíó Xuân mơn man với những lớp mưa bụi nao nao tình tứ :

-‘Tháng giêng là tiết mưa Xuân,

Tháng hai mưa nụ ái ân ngọt ngào’.


Ta hãy nghe người con gái đương độ Xuân thì ưu tư lo lắng về cuộc sống hôn nhân giữa chợ đời chờ mong :

-‘Tuổi em đương độ thanh xuân, Chợ đời giữa chốn ba quân tìm chồng’.

Lại còn khéo ví von thân phận mình trong xã hội xôn xao:

-‘Vườn Xuân hoa nở đầy giàn,

Ngàn con bướm lượn cho tàn nhị hoa’.
Khi đã lên xe hoa theo chồng, ngày Xuân đến ra vườn hái hoa, vẫn còn nuối tiếc những mùa Xuân quá khứ chưa thoả lòng:

-‘Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm Xuân,

Nụ tầm Xuân nở ra xanh biếc,

Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay,

Ngại gì một miếng trầu cay,

Sao ạnh chẳng hỏi những ngày còn thơ’ …


Cũng tiếc thay chàng trai dù đã hy sinh cho ngừơi mình yêu lại không đạt được mùa Xuân mong đợi:

-‘Mưa Xuân lác đác vườn đào, Công anh đắp đất, ngăn sào trồng hoa,

Ai làm gíó táp mưa sa,

Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn’


Nếu gọi Xuân là Tuổi trẻ cuộc đời thì đây là bức tranh tả người thôn nữ tuy đơn sơ mộc mạc nhưng không kém vẻ duyên dáng và lôi cuốn trong tuổi

Xuân thì :

-‘Một thương tóc để đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Ba thương má núm đồng tiên,

Bốn thương răng trắng hạt huyền kém thua,

Năm thương cổ yếm đeo bùa,

Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng,

Bảy thương nết ở khôn ngoan,

Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh,

Chín thương cô ở một mình,

Mười thương con mắt có tình với ai’.


Vậy hãy tận dụng những ngày Xuân trời cho còn đó keo mai kia hối tiếc :

-‘Chơi Xuân kẻo lỡ quá thì,

Xuân qua ngoảnh lại còn gì là Xuân ?’


Ôi ! Có hối thì tiếc đã quá muộn rồi :

-‘Tám mươi ngả gậy ra ngồi,

Hỏi rằng Xuân có tái hồi nữa thôi ?

Xuân rằng Xuân chẳng tái hồi,

Bốn dài hai ngắn mà lôi Xuân vào.’


Chính vì nhận thức trong ‘nhân sinh quan’ cuộc sống, cha ông ta đã mở ngỏ để giải toả phần nào sự ẩn ức cho phụ nữ ngày xưa qua những lễ hội vui Xuân thanh thoát đầy tình tứ như hội Chùa Hương Tích :

-‘Ngày Xuân con én xôn xao,

Nam thanh nữ tú ra vào Chùa Hương,

Chim đưa lối, vượn đưa đường,

Nam Mô Di Phật! bốn phương chùa này’.


Hay mở hội thi hát Quan họ Bắc Ninh – để nam nữ trao tình qua bao

lời thơ ứng khẩu mượt mà duyên dáng :

-‘Hôm nay là buổi hội Lim,

Nhớ em nên phải đi tìm em đây,

Nhất niên, nhất lệ một ngày,

Đôi ta tỏ nỗi niềm tây tự tình’.


Đó chỉ là vài nét phác họa trong văn chương bình dân. Còn Mùa Xuân với lớp người theo nghiệp bút nghiên lại càng phong phú hơn nhiều. Xuân là mùa trảy hội, gặp gỡ, hẹn hò, chờ đợi. Vì thế một nho sinh Tú Uyên có cơ duyên gặp gỡ nàng tiên Giáng Kiều nơi chốn đế đô ngàn năm văn vật thật thơ mộng gợi tình qua truyện Bích Câu Kỳ Ngộ :

-‘Thành Tây có cảnh Bích câu,

Cỏ hoa góp lại một màu xinh sao

Đua chen Thu cúc, Xuân đào,

Lựu phun lửa Hạ, Mai chào gíó Đông,

Xanh xanh dẫy liễu ngàn thông,

Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều,

Một vùng non nước đìu hiu,

Phất phơ gíó trúc, dặt dìu mưa hoa…..’


Xuân đến người người trảy hội, viếng chùa đền, thăm lăng miếu, đặt hương hoa trên mộ tổ tiên…là một tập tục lưu truyền, một nguồn vui tao nhã, xin phúc cầu may, tao nhân mặc khách hội ngộ, trai thanh gái lịch trùng phùng như Nguyễn nhược Pháp phác họa qua cảnh Đi chùa Hương :

-‘Hôm nay đi chùa Hương,

Hoa cỏ mờ hơi sương,

Cùng thày me em dậy,

Em vấn đầu soi gương,

Khăn nhỏ đuôi gà cao,

Em đeo giải yến đào,

Quần lính áo the mới,

Tay cầm nón quai thao…

- Làn gió thổi hây hây,

Em nghe tà áo bay,

Em tìm hơi chàng thở,

Chàng ơi! Chàng có hay….’


Hay Thú Hương Sơn của Chu mạnh Trinh :

- ‘Bầu trời cảnh Bụt,

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay,

Kìa non non, nước nước, mây mây,

Đệ nhất động hỏi là đây có phải ?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh,

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong cõi mộng….’


Người dân quê vất vả cần cù quanh năm suốt tháng với ruộng vườn, nhưng cũng biết hưởng nhàn trong những ngày Xuân . Thư sinh hay nho sĩ thưởng vui thú ‘Cầm, kỳ, thi, họa, phong, hoa, tuyết, nguyệt’. Người bình dân hưởng thú du Xuân trẩy hội mà thi hào Nguyễn Du đã ghi cảnh đẹp tuyệt vời qua đại thi phẩm Kim-Vân-Kiều :

- ‘Ngày Xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chin chục đã ngoài sáu mươi,

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa,

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh,

Gần xa nô nức yến oanh,

Chị em sắm sửa bộ hành du Xuân.’


Khung cảnh thật trữ tình lãng mạn cho tuổi trẻ gặp gỡ trao duyên rất hồn nhiên và trong sáng. Nhiều trò chơi được tổ chức tao nhã và hào hùng diễn lại những trang sử dân tộc như đô vật, đánh cờ người, đu Xuân, chọi trâu… Nữ sĩ Hồ xuân Hương diễn tả bài Đánh đu thật dễ thương mà không trơ trẽn:

-‘Trai co gối hạc khom khom cật,

Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng,

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới,

Hai hàng chân ngọc duỗi song song…’


Thú Xuân đâu của riêng ai, trời Xuân vô tận đâu riêng một mình.Vui Xuân không phân biệt sang hèn, nên nhà thơ trào phúng Trần tế Xương đã thi vị hoá cảnh đón Xuân đạm bạc của mình :

- ‘Anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo,

Tiền ở trong kho chửa lĩnh tiêu…’


Và gửi lời chúc Tết đến những kẻ khoe khoang lắm tiền nhiều bạc :

- ‘Lẳng lặng mà nghe họ chúc nhau, Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu, Phen này ắt hẳn gà ăn bạc, Đồng rụng đồng rơi nọ phải cầu…’

Hay nghênh ngang như Tản Đà khi bắt gặp bóng dáng nàng Xuân :

- ‘Gặp Xuân ta giữ Xuân chơi,

Câu thơ chén rượu là nơi đi về,

Hết Xuân, cạn chén Xuân thề,

Nghìn thu nét mực Xuân đề vẫn Xuân.’


Và nhà thơ Đinh Hùng trong bài Bướm Xuân đầy kỷ niệm tiếc nuối :

- ‘Em trở về đây với bướm Xuân,

Cho tôi mơ ước một đôi lần,

Em là người của ngày xa lắm,

Lòng cũ hai ta cũng chẳng gần..’


Nhưng cũng có những người lơ đãng lạnh nhạt với Xuân sang như người con gái trong thơ Đông Hồ :

-‘ Trong xóm làng trên cô gái thơ,

Tuổi Xuân mơn mởn tuổi đào tơ,

Giờ đây mơn trớn bông hoa nở,

Lòng gái Xuân kia vẫn hững hờ….’


Hay Huy Cận với Ý Xuân :

- ‘Khuya nay trong những mạch đời,

Mùa Xuân dậy thức lòng người héo hon,

Ngón tay tưởng búp Xuân tròn,

Có người ra dạo vườn non thẫn thờ….’


Đôi khi lưu lại những bâng khuâng nuối tiếc, âm thầm xót xa như cô lái đò lặng lẽ bỏ bến Xuân mang theo kỷ niệm ngày nào trong thơ Nguyễn Bính :

- ‘Xuân đã đem mong nhớ trở về,

Lòng cô gái ở bến Xuân kia,

Cô hồi tưởng ba Xuân trước,

Trên bến cùng ai đã nặng thề,

Nhưng rồi người khách tình Xuân ấy,

Đi mãi không về với bến Xuân……’


Cũng đôi khi nỗi buồn nhè nhẹ như bóng dáng Xuân, chợt đến rồi đi để lại cho nhà thơ đa tài mệnh bạc Hàn Mặc Tử một nỗi buồn riêng lẻ :

- ‘Trong làn nắng ứng khói mờ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng,

Sột soạt gíó trêu tà áo biếc

Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang..’


Phải chăng vì :

-‘ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.’


Thật là bất bình trớ trêu :

- ‘Vui Xuân chung cả một trời

Sầu Xuân riêng để một người tương tư.


Nhưng vui nhất, đẹp nhất và khó quên nhất vẫn là những mùa Xuân tuổi thơ với áo quần xúng xính, tiền lì xì đầy túi, chạy theo tiếng pháo nổ ran và mải mê với những trò vui :

- ‘Mùa Xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh,

Đón tôi về xem hội ở làng bên,

Suốt ba ngày chiêng trống đánh vang rền,

Người các ấp đua nhau về dự hội…’


Một chợ Tết xa xưa nơi làng quê của Đoàn văn Cừ thật là ngộ nghĩnh đáng yêu chỉ còn trong kỷ niệm :

- ‘Giải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh,

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết,

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,

Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton,

Vài cụ già chống gậy bước lom khom,

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau……’


Sau cùng là hình ảnh cổ kính đáng trân quí của Vũ đình Liên cũng trôi đi theo năm tháng :

- ‘Mỗi năm hoa đào nở,

Lại thấy ông đồ già,

Bày mực tàu giấy đỏ,

Bên phố đông người qua,

Bao nhiêu người thuê viết,

Tấm tắc ngợi khen tài,

Hoa tay thảo những nét,

Như phượng múa rồng bay….

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa,

Những người muôn năm cũ,

Hồn ở đâu bây giờ ?…’


Ngoài ra, câu đối cũng là nét văn hoá độc đáo của dân tộc trong những ngày Xuân.’Hàn nho phong vị phú hay bạch diện thư sinh’ trong dịp này thật là đắc dụng và có dịp trổ tài :

- ‘Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.’


Hay có chút diễu cợt như cụ Nguyễn công Trứ nhưng lại rất thi vị :

- ‘Tối ba mươi, công nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa.

Sáng mùng một, cỗ bàn bày la liệt, giang tay bồng ông phúc vào nhà.’


Hay úp mở duyên tình như nữ sĩ Hồ xuân Hương :

-‘Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chật lại kẻo ma vương đưa quỉ tới.

Sáng mùng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.’


Còn hai câu đối sau đây không biết có thích hợp vỏi kẻ lữ thứ viễn phương không nhỉ ?

-‘Già trẻ gái trai, đều khoái Tết,

Cỏ cây hoa lá, cũng mừng xuân.’

-‘Tết tha hương, có bánh chưng bánh tét, sao không thấy Tết ?

Xuân viễn xứ, cũng bình đào cành mai, mà chẳng gặp Xuân ? ‘


Riêng 2 câu sau hợp với không khí đón Xuân của các Hội đoàn tại các bang có đông người Việt…vì qua tháng 3,4 hương Xuân vẫn còn vương vấn :

- ‘Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết,

Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân.’


Nhưng tiếc thay những hình ảnh : ông đồ, câu đối, cây nêu, đánh cờ người, chọi trâu, đu Xuân, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng…chỉ còn thấy lác đác trong thơ ngày nay và cũng sẽ phai mờ trong cảnh đón Xuân đổi mới….

Với lời thơ chân thành, người viết mong tương lai Quê Hương mỗi mùa Xuân càng tươi đẹp hạnh phúc hơn :

-‘Tôi khát khao được thành nhà nghệ sĩ,

Đem tâm hồn về qua muôn thế kỷ,

Lòng lâng lâng và miệng hát ca vang,

Mười ngón tay tôi dìu dặt cung đàn,

Cho âm điệu bay lên cùng trời đất,

Lòng dạt dào với hồn thơ chứa chất,

Tôi ghi thành những vần điệu ngân nga,

Bàn tay tôi dù không phải ngọc ngà,

Quyết tô điểm cho Non Sông tuyệt mỹ,

Dựng Việt Nam thành Mùa Xuân hùng vĩ,

Một mùa Xuân Dân Tộc Việt rạng ngời…’


Đến đây xin dừng bút bàn về thơ Xuân vì đã cạn ý hết lời.

Qua bài này, người viết không có tham vọng làm một bài biên khảo về Xuân qua thi ca Việt nam –một đề tài rộng lớn và phức tạp cần nhiều tài liệu và thời gian – chỉ xin điểm lại vài dòng thơ Xuân còn ghi nhớ được, để cùng nhau thưởng thức trong những ngày Xuân đầm ấm an hòa.

Mong thông cảm những gì còn thiếu sót.

Và xin mạo muội mượn lời thơ của thi hào Nguyễn Du kết thúc bài viết về Xuân :

“ Lời quê góp nhặt dông dài,

Mua vui mong được một vài ngày Xuân “ ( * )


Kính chúc Quí Vị năm Kỷ Hợi an khang và hạnh phúc.

Dừng bút nhưng mong dư âm Mùa Xuân còn vương đọng trong thơ./.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

( * ) Ghi chú : Dựa theo 2 câu kết thúc trong truyện Kiều của Nguyễn Du :

“ Lời quê chắt nhặt nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh “


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoàng Hôn Trên Biển
Diệp Hải Dung
10:04 26/01/2019
HOÀNG HÔN TRÊN BIỂN
Ảnh của Diệp Hải Dung
Giờ còn ta với biển
Lặng lẽ tiễn hoàng hôn
Biển nhớ ai biển khóc
Ta nhớ ai...lệ thầm..
(DHD)
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thánh hiến bàn thờ nhà thờ chánh tòa thủ đô Panama
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:31 26/01/2019
Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Sáu 25 tháng Giêng, lúc 10 giờ 30, Đức Thánh Cha đã chủ sự phụng vụ thống hối với các bạn trẻ tù nhân tại Trung Tâm cải huấn trẻ vị thành niên Las Garzas de Pacora.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 11 giờ 50 Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng về tòa Sứ Thần cách đó 46 cây số.

Hoạt động tiếp theo và cũng là hoạt động nổi bật nhất trong ngày thứ Sáu là buổi đi đàng thánh giá diễn ra tại Juan Pablo II.

Sáng thứ Bẩy, 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 để thánh hiến bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Santa Maria la Antigua /santa maˌrɪˈa latɪˈgʊa/ và cũng là Nhà thờ Chính tòa của tổng giáo phận Panama cùng với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các đại diện giáo dân.

Ngôi nhà thờ này, còn được gọi là nhà thờ Thánh Tâm, nằm trong khu phố cổ của thành phố Panama, đã được khởi công xây dựng vào năm 1688. Tuy nhiên, 108 năm sau đó, tức là vào năm 1796, ngôi nhà thờ mới được chính thức thánh hiến. Thật thế, năm 1671, để trốn thoát cuộc bao vây của chính quyền, tên hải tặc Henry Morgan đã tạo ra một trận hỏa hoạn thiêu rụi khu phố cổ khiến cho việc xây cất ngôi thánh đường bị hoãn lại nhiều lần.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin giải thích thêm điều này: Antigua là tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cổ xưa. Khi người Tây Ban Nha đến Panama vào thế kỷ 16, họ mang theo trong cuộc hành trình vượt biển một bức ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ chánh tòa thành Seville, và gọi đó là bức ảnh Santa María la Antigua, hay Đức Mẹ Cố Hương, Đức Mẹ nơi nhà thờ chánh tòa cũ, ở quê hương Tây Ban Nha của họ. Bức ảnh này được tin tưởng đã mang đến nhiều phép lạ cho các tín hữu Panama. Vì thế, Giáo Hội Panama nhận Santa María la Antigua là quan thầy.

Cũng cần nói thêm, tổng giáo phận thủ đô Panama là giáo phận xưa nhất tại Mỹ Châu, đã được thành lập vào năm 1514 sau khi các nhà truyền giáo thuộc dòng Phanxicô đặt chân đến quốc gia này.

Đức Tổng Giám Mục José Dimas Cedeño Delgado, 85 tuổi, là Tổng Giám Mục Hiệu tòa của tổng giáo phận thủ đô Panama, và Đức Tổng Giám Mục José Domingo Ulloa Mendieta, 62 tuổi, là Tổng Giám Mục đương chức của tổng giáo phận này, và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Panama.

Theo niên giám 2017 của Tòa Thánh, tổng giáo phận thủ đô Panama có 1,729,000 tín hữu, 96 giáo xứ, 205 linh mục trong đó có 84 linh mục triều và 121 linh mục dòng, 68 phó tế vĩnh viễn, 236 nam tu sĩ không có chức linh mục, 256 nữ tu và 67 chủng sinh.

Tổng giáo phận thủ đô Panama có hai vị Giám Mục Phụ Tá là Đức Cha Pablo Varela Server, 76 tuổi và Đức Cha Uriah Ashley, 74 tuổi.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trên con đường hành trình rao giảng, Chúa Giêsu ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp, giờ đó vào khoảng giờ thứ sáu, có một người phụ nữ Samaria tới kín nước. Chúa Giêsu nói với bà: Xin cho tôi chút nước! (Ga 4: 6-7).

Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thấm mệt trên bước đường hành trình rao giảng của Người. Vào giữa trưa, khi mặt trời oi nồng nóng bức hơn bất cứ lúc nào thì Chúa ngồi lại nghỉ bên giếng nước. Chúa đang mong được uống ngụm nước hầu làm làm dịu bớt cơn khát của mình, hầu kín múc cho mình lại sức để tiếp tục con đường rao giảng.

Các môn đệ cũng xác tín về sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Chúa cho người túng nghèo, nhỏ bé, bị chèn ép, công bố tự do cho những kẻ bị giam cầm và giải phóng cho các tù nhân, an ủi những người than khóc và tuyên bố năm hồng ân cho tất cả! (xem Is 61: 1-3). Các Tông đồ ý thức đây là chương trình làm tiêu hao sinh lực của Thầy; nhưng các ngài cũng cho chúng ta thấy nhiều khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Thầy, những khoảnh khắc bộc trần nét nhân loại như chúng ta mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống.

Mệt mỏi từ cuộc hành trình

Chúng ta không khó khăn để tìm ra trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, để bắt gặp những hoàn cảnh và hiệp thông với cảm nghiệm của Chúa chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biết trải nghiệm sự mệt mỏi của mình như Chúa. Chúa cảm thấy thấm mệt và biết mệt mỏi ra sao, nên trong những mỏi mệt của mình, trong các cuộc tranh đấu cho quê hương dân tộc… chúng ta, cộng đồng chúng ta và mọi người cảm thấy mệt mỏi và chán nản trước trọng trách! (xem Mt 11:28).

Có nhiều lý do cho sự mệt mỏi trên hành trình của chúng ta trong tư cách là linh mục, tu sĩ nam nữ hoặc các thành viên của các phong trào giáo dân: vì từ thời gian hoạt động quá dài, không có giờ để ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt cùng gia đình, đến các điều kiện và mối quan hệ làm việc đòi hỏi khác! Điều đó làm chúng ta kiệt sức và thất vọng. Từ những bổn phận đơn giản thường ngày đến tập quán hàng ngày làm chúng ta không còn giờ để giải trí thư giãn! Những thói quen và công việc ấy cứ diễn ra từ ngày này sang ngày khác. Từ những vấn đề nhỏ thông thường đến những dự án to nhỏ áp lực và làm chúng ta căng thẳng. Đó là một trọng trách chúng ta phải gánh chịu.

Đối với người tu sĩ, chúng ta không thể kham nổi những đòi hỏi của cuộc sống tận hiến, nếu chúng ta không tìm cho chính mình một giếng nước, làm dịu cơn khát và tăng cường sinh lực cho cuộc hành trình của chúng ta. Tất cả những cảnh trạng này đòi hỏi, những giờ cầu kinh thinh lặng, đó chính là giếng nước mà chúng ta cần kiếm tìm!

Lâu nay, chúng ta thấy có một hiện tượng rất tinh tế mà chúng ta thường bắt gặp trong cộng đoàn của chúng ta, nỗi khát mong này không liên quan gì đến Chúa của chúng ta, đó chính là một mong mỏi mà chúng ta có thể gọi là nỗi khát mong “một niềm hy vọng”. Nỗi khát mong này chúng ta có thể cảm nhận được như - trong Tin Mừng - mặt trời oi nồng không thương tiếc làm con người nhoài mệt không muốn tiến bước... Cha không đề cập đến sự mỏi mệt của trái tim (xem Redeemoris Mater, 17; Evangelii Gaudium, 287) của những người ai cảm thấy mệt nhừ vào cuối ngày, nhưng vẫn giữ được nụ cười thanh thản và biết ơn. Cha muốn nói về nỗi khát mong khác, xuất phát từ việc nhìn về tương lai trước thực tại, thiếu thốn về tài lực lẫn năng lượng, tài nguyên và khả năng hầu có thể thực hiện được sứ mệnh của chúng ta trong thế giới đầy thách thức và thay đổi này.

Đó là một khát vọng cần thiết. Một khát vọng đến từ những viễn ảnh tương lai mà không biết làm thế nào để vượt thắng được những chống đối, những chướng ngại của xã hội chúng ta đang đối diện, ngay cả trong lãnh vực tâm linh tôn giáo! Những đổi thay não trạng của xã hội khiến chúng ta phải đối phó với thực tế, mà trong nhiều trường hợp, chúng ta nghi nan cả về nâng đỡ của tôn giáo trong thế giới ngày nay. Với một tốc độ thay đổi quá nhanh có thể làm tê liệt các lựa chọn và ý kiến của chúng ta, trong khi những gì có ý nghĩa và quan trọng trong quá khứ giờ đây dường như không còn thích hợp nữa!

Nỗi khát vọng cấp thiết này đến từ việc nhìn thấy Giáo hội của chúng ta đang bị bị tổn thương bởi tội lỗi trước những tiếng kêu thống thiết nguyện cầu lên Thiên Chúa Cha: Cha ơi, sao Cha lại bỏ rơi con? (Mt 27:46).

Chúng ta có thể quen với một cuộc sống khát mong về một mối kỳ vọng trước một tương lai bất ổn và vô định, và viễn ảnh này mở đường cho một chủ nghĩa thực dụng đen tối len lỏi vào trung tâm của đời sống cộng đoàn của chúng ta. Mọi thứ dường như đang diễn ra bình thường, nhưng trong thực tế, đức tin đang bị suy sụp và lụn bại. Thất vọng về thực tại mà chúng ta không hiểu hoặc chúng ta nghĩ rằng nó không có chỗ đứng trong thông điệp của chúng ta, chúng ta có thể trở thành một trong những dị giáo tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta, rằng Chúa và cộng đoàn của chúng ta không có gì để nói hoặc để đóng góp cho thế giới mới hiện tại (xem Evangelii Gaudium, 83). Những điều mà trước đây Giáo hội đã từng là muối và ánh sáng cho thế giới quá khứ.

Cho tôi uống

Sự mệt mỏi từ cuộc hành trình có thể xảy ra; và chính chúng ta cảm thấy được. Dù muốn hay không, chúng ta hãy can đảm thân thưa cùng Thiên Chúa Cha rằng: “Xin hãy cho con một chút nước”. Như trường hợp của người phụ nữ Samaria và có lẽ với mỗi người chúng ta, chúng ta mong muốn được làm dịu đi cơn khát của chính mình không phải với bất kỳ thứ nước nào mà với dòng nước phát sinh từ suối nguồn đời đời (Ga 4:14). Giống như người phụ nữ Samaria trong quá khứ đã mang theo những bình lu trống rỗng không tình yêu, chúng ta cũng ý thức rằng không phải bất kỳ từ đâu chúng ta cũng có thể kín múc lấy năng lượng và viễn kiến cho sứ mệnh của mình. Không phải nơi một ý tưởng mới, như đang mời gọi chúng ta có thể làm dịu đi cơn khát mong của chúng ta. Như chúng ta đã biết, không phải những kiến thức về tôn giáo, cũng như các lựa chọn và truyền thống trong quá khứ hay hiện tại, khiến chúng ta nể phục những người đã nỗ lực đạt được những thành quả và khát vọng trước những giá trị tinh thần và chân lý (Ga 4:23).

Chúa Giêsu phán cùng người phụ nữ Samaria “hãy cho tôi chút nước uống”, Chúa đang yêu cầu chúng ta hãy nói những lời tương tự. Để nói với tha nhân, chúng ta cũng hãy mở cửa và để cho nỗi khát vọng giảm bớt cơn khát của chúng ta trở thành tình yêu như Chúa Giêsu dành cho tha nhân và chúng ta với lòng thương xót và mời gọi chúng ta đi theo Ngài. Để nói những lời đó, chúng ta hãy làm sống lại ký ức về khoảnh khắc, lúc chúng ta bắt gặp ánh mắt của Chúa và của thầy chúng ta, khoảnh khắc khiến chúng ta nhận ra rằng Chúa yêu chúng ta, không chỉ trên bình diện cá nhân mà còn trên bình diện cộng đồng (xem Homily tại Lễ Vọng Phục Sinh, 19 tháng Tư 2014). Điều đó tăng kích sức lực cho bước đường tận hiến và giúp chúng ta trung thành với lời mời gọi của Chúa, lắng nghe và kín múc những cảm hứng cho công cuộc tông đồ, cho những kế hoạch mục vụ hay dự án… Như Chúa đã hỗ trợ các thánh nhân của Chúa, các Đấng lập dòng, các Giám mục coi sóc các cộng đoàn của chúng con - Chúa đã mang lại sức sống và hơi thở mới cho mọi khoảnh khắc của lịch sử, cho dù nhiều lúc chúng ta thấy hy vọng và phẩm giá con người dường như bị bóp nghẹt đang làm cho chúng ta tan tác!

Hãy cho tôi chút nước uống, có nghĩa là tìm cho được sự can đảm, hầu được thanh luyện và đem lại cho thân xác ơn đặc sủng - không chỉ cho đời sống tôn giáo mà còn cho toàn bộ cuộc sống của Giáo hội – hầu chúng ta có thể sống chứng tá cho Chúa trong xã hội ngày nay. Điều này có nghĩa là không chỉ nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, mà còn tìm kiếm nguồn cảm hứng hầu làm âm vang một cách mạnh mẽ sứ mệnh cho Chúa một lần nữa trong xã hội chúng ta đang sống (xem. Đức Giáo Hoàng Phanxicô-Fernando Prado, Sức mạnh của một ơn gọi, 42).

Hãy cho tôi chút nước uống, có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta cần Chúa Thánh Linh trợ giúp để biến chúng ta thành những người tu sĩ nam nữ biết lưu tâm đến Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa. Xác tin rằng, như Chúa đã thực hiện trong quá khứ, Ngài đang hoạt động trong thời gian hiện tại và Chúa sẽ tiếp diễn trong tương lai… Hãy tìm về cội nguồn hầu giúp chúng ta xác tín trong hiện tại và kín múc sinh lực cho tương lai với niềm xác tín: “Chúng ta sống mà không sợ hãi gì, hãy thích ứng với cuộc sống hiện tại một niềm đam mê gắn bó vào lịch sử, đắm chìm trong mọi sự với một đam mê của những người đang yêu…” (xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô-Fernando Prado, Sức mạnh của một ơn gọi, 44).

Một niềm hy vọng mòn mỏi sẽ được chữa lành mà tận hưởng nỗi niềm chờ mong đặc biệt của trái tim khi chúng ta không sợ quay tìm về nguồn tình yêu, mà đối diện với thực tại và những thách đố của chúng ta hôm nay trong cùng một ánh mắt đã truyền cảm hứng các nhạc sĩ viết lên những bài ca cảm tạ... Theo cách này, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ đi tìm khởi điểm từ chính mình; nhưng chúng ta tìm được ánh mắt của Chúa Kitô, lúc Chúa đang đi kiếm tìm chúng ta, để gọi cho chúng ta và mời chúng ta lên đường tiếp nối sứ vụ Chúa trao trong xã hội và thế giới ngày nay.