Ngày 26-01-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thân phận tiên tri
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
20:51 26/01/2010
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Thời xưa, khi Thiên Chúa muốn dạy dân Chúa một điều gì, Ngài không trực tiếp hiện ra dạy dỗ, nhưng Ngài dùng các tổ phụ hay các tiên tri để tuyên sấm Lời Chúa. Tiên tri phải được Thiên Chúa chọn. Tiên tri không được lựa chọn lời Chúa mà phải trung thành nói hết những lời Ngài muốn nói, không được thêm bớt. Những lời tiên tri nói ra thường không dễ nghe và khó được chấp nhận vì những lời ấy vạch trần những sự sai trái của mọi người, nhất là của cấp lãnh đạo trong đạo cũng như ngoài đời. Vì thế, tiên tri thường bị người ta chống đối, nhạo báng, lăng nhục và có khi bị giết vì sứ mạng. Tiên tri Giêrêmia là bằng chứng khẳng định điều trên.

Đức Giêsu cũng là vị tiên tri, vì Ngài được Thánh Thần xức dầu, sai đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Ngài nói lên sự thật, nhưng Ngài đã bị những người đồng hương chống đối, không chấp nhận mà còn muốn giết đi nữa. Người ta chấp nhận “sứ điệp” của Ngài nhưng không nhận sứ điệp từ nơi Ngài, vì Ngài cũng chỉ là một người Nazareth như ai, con bác thợ mộc Giuse… Vì vậy, số phận của Ngài cũng giống như số phận của các tiên tri bởi vì “Không một tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương mình”.

Mỗi Kitô hữu, qua bí tích rửa tội và thêm sức, cũng là tiên tri của Chúa, vì đó là một trong ba chức năng của Đức Kitô mà mọi người được tham gia. Vì thế, mọi Kitô hữu có sứ mạng loan báo Tin mừng cho người khác. Nhiệm vụ ấy đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải can đảm thi hành một cách triệt để trong cuộc sống hằng ngày, bằng chứng tá sống động, mặc dầu bị người ta chối bỏ hay chống đối.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Gr 1,4-5.17-19

Giêrêmia là một trong những tiên tri lôi cuốn nhất. Tính ôn hòa và nhạy cảm của ông không thích hợp để trở thành tiên tri đối với một xã hội suy đồi. Nhưng Thiên Chúa đã gọi ông và ông phải vâng lời. Ông vẫn biết mình không có khả năng, và cũng ý thức rằng ông sẽ gặp rất nhiều chống đối và đau khổ vì nhiệm vụ ấy. Vì thế, ông đã phải cố gắng đi rao truyền Lời Chúa trước mặt dân Israel và các dân ngoại. Trước sự chống đối và bắt bớ, ông vẫn tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa nên ông không hề nao núng. Tiên tri Giêrêmia chính là hình ảnh của người Kitô hữu.

+ Bài đọc 2: 1Cr 12,31 – 13,13

Trong đoạn thư gửi cho tín hữu Corintô, thánh Phaolô khẳng định sự cao trọng của đức Mến. Chúa ban cho Kitô hữu nhiều ơn riêng để họ góp phần xây dựng cộng đoàn (Chúa nhật trước), nhưng đức Mến vẫn là cao trọng hơn cả.

Đức Mến làm cho các ơn khác có giá trị, bởi lẽ nếu không có đức mến thì những ơn khác chỉ là hư không, và đức mến mới khiến chúng ta tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.

+ Bài Tin mừng: Lc 4,21-30

Bài Tin mừng hôm nay tiếp theo bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước nói về những hoạt động của Đức Giêsu tại quê hương Nazareth của mình. Theo đó, chúng ta thấy có ba ý chính:

- Ngày sabat, Đức Giêsu vào hội đường Nazareth đọc Sách Thánh. Nhân dịp này, Ngài tuyện bố lời tiên tri Isaia cách đó 8 thế kỷ mà Ngài mới đọc, được áp dụng vào chính Ngài, và Ngài công bố sứ mạng của Ngài là mang Tin mừng và ơn cứu độ cho những người nghèo khổ.

- Dựa trên lời đồn thổi về Ngài, người đồng hương cảm thấy phấn khởi qua bài giảng của Ngài. Họ hy vọng Ngài sẽ ưu tiên làm nhiều phép lạ tại quê hương, nhưng đã bị từ chối, bởi vì Ngài là Đấng cứu độ của mọi người chứ không phải của riêng ai: ”mọi xác thịt sẽ được thấy ơn cứu độ của Chúa”(Lc 3,6).

- Thất vọng vì sự từ chối của Đức Giêsu, họ tức giận và trục xuất Ngài khỏi thành bằng cách đưa Ngài lên đồi cao để xô xuống vực. Điều này hé mở cho ta thấy bóng dáng ngọn đồi Golgotha, nơi họ sẽ giết Ngài, như cha ông họ đã từng giết các tiên tri.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Hãy làm tiên tri của Chúa

I. NGƯỜI LÀM TIÊN TRI

1. Ơn gọi Tiên tri

Trong đạo cũ, muốn dạy dân một điều gì thì Thiên Chúa thường gửi những vị Tiên tri đến để tuyên sấm lời Chúa. Tiên tri, theo từ gốc Hy lạp, có nghĩa là người nói nhân danh người khác. Thánh Kinh nhắc đến 16 vị Tiên tri tất cả, gồm 4 Tiên tri lớn và 12 Tiên tri nhỏ. Không phải ai muốn làm tiên tri thì làm nhưng phải được Thiên Chúa chọn như Tiên tri Elia, Giêrêmia…

2. Tiên tri Giêrêmia

Giêrêmia là một trong 4 tiên tri lớn thời Cựu ước, đã được Thiên Chúa cho biết: ”Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm tiên tri cho chư dân”. Đúng là Thiên Chúa đã chuẩn bị, Ngài chọn Giêrêmia từ xa xưa, sai ông đi “để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá”.Ông dám tuyên bố thẳng thắn với dân chúng con đường sống còn duy nhất của họ là phải canh tân đời sống, hướng về Chúa và kêu cầu Ngài cứu giúp. Nghe ông thuyết giảng như thế, đám dân liền nổi giận. Họ lẩm bẩm kêu lên:”Ông nội Giêrêmia này dám nghĩ mình là ai mà bầy đặt phê phán chúng ta, vì dầu sao chúng ta cũng là đồng bào của ông ấy”.

Tiếc thay, sứ vụ của ông quả đã thất bại, chính ông cũng chết tại Ai cập, nhưng dung mạo của ông không ngừng lớn lên sau khi ông chết. Ông là người có tâm hồn dịu hiền, sinh ra để được yêu mến, luôn luôn nêu cao những liên lạc thân mật tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa, ông đã quên mình, chịu đau khổ để phục vụ Thiên Chúa, nên ông trở thành một dung mạo của Chúa Kitô.

3. Sứ mạng của tiên tri

Tiên tri là phát ngôn nhân của Thiên Chúa. Làm tiên tri chẳng dễ chịu chút nào, phiền toái là đàng khác. Tiên tri không thể chọn lựa điều phải nói, mà phải nói điều Thiên Chúa muốn, ông nói và nói nhân danh Chúa. Tiên tri phải tập trung vào việc diễn tả Lời Chúa, cho dù dân chúng đón nhận hay không (1Cr 9,15-16)). Các tiên tri phải nói sự thật (2Cr 11,10; 13,8) và sự thật thì hay mất lòng. Vì thế, mệnh lệnh ông mang lại cho dân chúng và cách riêng cho giới cầm quyền, nhiều khi bị đả kích chống đối và nhà tiên tri phải chết vì sứ mạng.

Giêrêmia trong bài đọc 1 hôm nay nói với chúng ta điều đó một cách thật đau đớn. Thiên Chúa không phải lúc nào cũng nói những lời dễ nghe, làm vừa lòng người ta. Chính vì tính chất khó nghe ấy mà tiên tri phải chết:”Giêrusalem ! Ngươi giết các tiên tri và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi”(Mt 23,37).

Truyện: An Tử cương trực

Thôi Trữ quyền thần nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại cùng nhau thề thốt. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có An Tử nghiễm nhiên như không, nhất quyết không chịu thề.

Thôi Trữ bảo An Tử:

- Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước, thì ta cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức.

Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm muốn đưa gươm giáo ra đâm chém An Tử. Chết đến nơi, mà An Tử vẫn không biến sắc, ung dung nói rằng:

- Lấy lợi nhử người ta, bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân; lấy binh khí hiếp người ta, làm người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc bất nhân của nhà ngươi đâu (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm C, tr 51).

II. ĐỨC GIÊSU, VỊ TIÊN TRI TUYỆT VỜI

1. Giảng dạy tại hội đường Nazareth

Bài Tin mừng hôm nay cũng giống như Tin mừng của thánh Marcô,( Chúa nhật 14 B). Thánh Luca kể chung vào làm một hai lần Đức Giêsu trở về Nazareth. Có lẽ cả hai lần, người đồng hương của Ngài đối xử với Ngài cùng một cách, nên thánh Luca kể chung vào một.

Ngày sabat, Đức Giêsu vào hội đường cầu nguyện với bà con đồng hương và chú giải đoạn Sách Thánh vừa mới đọc, tức là đoạn sách của tiên tri Isaia nói về Đấng Cứu thế:”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…”. Mọi người chăm chú nghe Ngài giảng vì danh tiếng Ngài đã vang rộng. Ngài nói đơn sơ, hùng hồn, hấp dẫn, khôn ngoan và sâu sắc, khiến tất cả ai nghe đều thán phục. Họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài:”Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài”.

2. Người đồng hương thay đổi thái độ

Người đồng hương hài lòng với “sứ điệp” của Đức Giêsu, nhưng người ta không muốn nhận sứ điệp ấy từ Ngài. Vì sao ? Vì Ngài là con ông Giuse ! Họ thấy trước đây Ngài làm nghề thợ mộc như ai, cha mẹ bình thường như họ, vì thế họ đâm ra hoài nghi và đòi Ngài làm phép lạ như đã làm ở Capharnaum. Ngài thấy họ không có lòng tin nên không làm cho họ phép lạ nào.

Thế là từ sự thán phục, thình lình đổi sang ghen tức. Họ ghen tức và trách Ngài tại sao không làm phép lạ nào nơi quê hương mà lại làm ở Capharnaum chỉ cách đó có 30 km ! Nhưng Đức Giêsu đã “đi guốc trong bụng họ”, Ngài biết họ đang nghĩ gì, nên Ngài nói đón đầu ngay:”Có lẽ các ông muốn mượn câu ngạn ngữ: ”Hỡi thầy thuốc hãy chữa lấy mình” và các ông đòi tôi làm những việc hiển hách ở quê hương trước các nơi khác. Nhưng tôi bảo cho các ông biết:”Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”. Ngài đem câu ngạn ngữ đó ra để chứng minh cho thái độ của Ngài. Vì trước đây tiên tri Êlia được sai đến cùng bà góa ở Sarepta làm cho hũ bột của bà không vơi đi, bình dầu không bao giờ cạn. Và tiên tri Êlisê được sai đến cùng ông Naaman, người Syria, khiến ông được khỏi bệnh cùi. Còn người Nazareth cứng lòng thì Ngài không làm phép lạ. Vả lại, Ngài cũng cho họ thấy họ có thể bị loại để nhường chỗ cho dân ngoại, là những dân có thiện chí và ngay thẳng hơn họ.

Họ đã hiểu hai ví dụ trên ám chỉ về họ, nên họ nổi giận, lòng đầy căm phẫn trục xuất Ngài ra khỏi thành, và còn định dẫn Ngài lên triền núi và xô Ngài xuống vực cho chết quách đi. Đây là sự tiên báo số phận sau cùng của Đức Giêsu. Ngài bị giết bên ngoài thành (Lc 20,15; Cv 7,57).

III. THỰC HÀNH SỨ MẠNG TIÊN TRI

1. Chúng ta cũng làm tiên tri

Nhà thần học Karl Rahner của thế kỷ 20 viết:”… Chính bản thân Giáo hội là sự hiện diện vĩnh cửu của Lời tiên tri, Đức Giêsu Kitô”. Bởi thế Giáo hội phải tiếp tục nhiệm vụ tiên tri, nói lên tiếng nói của Thiên Chúa. Điều này luôn luôn là một thách đố lớn trong mọi thời đại, cho từng người Kitô hữu. Giáo hội thật khôn ngoan khi sắp xếp bài đọc của thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại muốn dạy chúng ta về đức “Ai”, dạy chúng ta đừng cay đắng cáu kỉnh khi người khác không đồng ý với niềm tin của mình. Ngược lại, Giáo hội dạy chúng ta tiếp tục can đảm làm nhân chứng, làm tiên tri qua lời nói và việc làm.

Người tín hữu chúng ta hôm nay cũng được kêu mời sống, làm tiên tri cho Đức Giêsu, trở thành một dung mạo của Ngài. Chúng ta hãy nhớ cho chỉ có Chúa mới ban dức tin cho chúng ta, đây là một ơn nhưng không. Chính Ngài đã có kế hoạch riêng cho từng người, còn kết quả thành hay bại là do từng người chúng ta quyết định. Biết bao lần ta được nghe Ngài, hay Giáo hội của Ngài nhắc nhở, thế nhưng chúng ta vẫn sợ thiên hạ hơn sợ các giáo huấn của Ngài. Đến nỗi nhiều người không dám làm một việc tuyên xưng đức tin dù đơn giản như không dám làm dấu thánh giá trước mặt người ta…

2. Những việc cần tránh

a) Tránh thành kiến

Thành kiến hay định kiến là ý kiến đã có lâu không thể thay đổi được. Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi: ”Bụt nhà không thiêng”. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên hạ. Cũng một câu văn, một lời nói, một việc làm do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên, do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở vô cùng.

Đứng trước thái độ khinh khi đó, Đức Giêsu đã cho người Nazareth thấy rằng tiên tri không bao giờ được tôn trọng trên chính quê hương mình. Xét về mặt tâm lý, điều này thật chính xác. Bởi sự thường cho dù một người có tài năng, giúp ích và phục vụ rất hiệu quả cho nhiều người, nhiều nơi, nhưng khi trở về gia đình, trở về nơi sinh trưởng của mình thì lại bị những người bà con xóm giềng chỉ xem ở “mức độ thường thường”, do ảnh hưởng điều mà chúng ta vẫn thường gọi:”Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Đức Giêsu không nằm ngoài sự thường này.

Truyện: Sư huynh hỗn xược

Ở Canada, trong tỉnh Québec, một sư huynh dòng Thiện giáo (Frères de lEnseignement chrétien) giáo viên trường trung học Alma, vừa xuất bản một cuốn sách bàn về đường lối giáo dục, nhan đề “Những sự hỗn xược của một sư huynh”(Les Insolences du Frère Un Tel). Tác giả đã khéo áp dụng một lối văn châm biếm, trào phúng nhí nhảnh, làm cho quyển sách được đệ nhất ăn khách trong năm. Chỉ trong vòng một tháng trời thôi, sách đã bán ra được một số kỷ lục là 30.000 cuốn.

Một hôm trường Đại học Công giáo Montréal bỗng nhộn nhịp hẳn lên như đàn ong vỡ tổ: Sư huynh Pierre Jérome, tác giả cuốn sách “Những sự hỗn xược” nói trên, sắp đến viếng trường. Toàn thể nhà trường náo động lên. Từ Viện trưởng, các Giáo sư, các sinh viên, cho đến anh gác cổng, đều hăng say phấn khởi tổ chức cuộc tiếp rước.

Đức thượng khách đã từ từ tiến vào khung cảnh văn vật của trường Đại học, giữa một cuộc khải hoàn trọng thể vĩ đại. Sau đó, Sư huynh đã lộng lẫy ung dung bước lên diễn đàn ngỏ lời cùng 650 Giáo sư và sinh viên.

Diễn giả đã thao thao bất tuyệt một thôi, lả lướt như rồng bay phượng múa, như hoa nở suối reo. Những tràng pháo tay nổ vang lên liên tiếp, liên tiếp, chứng tỏ các thính giả được kích thích đến tột độ.

Cả trường Đại học Montréal hôm đó như rượu nếp lên men. Trong lịch sử trường đã bao giờ có sự phấn khởi nô nức phấn khởi như lần này chưa ? Tác giả “Những sự hỗn xược” sao mà huy hoàng trác tuyệt đến thế ?

… Nhưng sáng ngày hôm sau, họ đã phải một phen hú vía, tưởng chừng hồn lìa khỏi xác. Có người đến tiết lộ rằng sư huynh Pierre Jérome hôm qua chỉ là một sư huynh … thứ giả ! Chàng là một sinh viên quèn của trường Kịch nghệ, cải trang trong bộ áo dòng và cổ trắng của các Sư huynh… để thực tập một phen !

Cả trường uất lên, tưởng ai nấy hộc máu chết tươi tại chỗ trước “sự hỗn xược của một Sư huynh” chưa từng thấy này.

Thế mới hay sức ám thị của những người có tên tuổi mãnh liệt đến chừng nào.

(Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 337-339).

b) Tránh thói vị kỷ

Phần đầu bài giảng bữa trước đã được những người đồng hương nhiệt liệt khen ngợi:”Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài”. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu áp dụng bài giảng của Ngài để chứng tỏ cho người Do thái thấy rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa cũng bao gồm cả những dân ngoại. Để chứng minh, Ngài đã dùng câu chuyện của tiên tri Êlia đang bị đói và người đàn bà góa đã giúp ông lại là một người dân xứ Siđon. Thời tiên tri Êlisê, những người cùi Do thái đã không được chữa lành mà là một người cùi dân ngoại, ông Naaman, xứ Syria. Điều này làm cho họ giận dữ.

Đức Giêsu không muốn cho dân đồng hương của Ngài có đặc quyền hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa mà Ngài muốn cho mọi người, kể cả dân ngoại cũng được hưởng. Ngài dạy họ hãy tránh thái độ ích kỷ, phải biết mở rộng lòng ra đối với mọi người. Thiên Chúa là Chúa của mọi người chứ không của một riêng ai hay của một dân tộc nào.

Truyện: Thái độ ích kỷ

Xưa kia có một bà nông dân dữ tợn. Khi bà chết chẳng để lại một việc lành phúc đức nào, do đó ma quỉ chờ lệnh của Thiên Chúa đưa bà xuống hỏa ngục để dìm vào trong hồ lửa. Nhưng thiên thần bản mệnh vẫn đứng bên cạnh bà, cố gắng suy nghĩ, may ra tìm được một việc lành nào do bà đã làm để bầu cử cho bà trước tòa Thiên Chúa. Sau cùng, thiên thần nhớ ra một điều: nó không lớn lắm, nhưng là điều thiên thần có thể đưa ra biện minh trước Thiên Chúa. Thiên thần nói với Thiên Chúa:

- Xưa kia, bà đã nhổ một cọng hành trong vườn của bà và đem cho một người ăn xin nghèo khó.

Thiên Chúa trả lời:

- Được lắm. Hãy lấy cọng hành, để bà bám chặt vào nó, rồi kéo bà lên thiên đàng. Nếu thiên thần kéo bà lên được, hãy cho bà vào thiên đàng. Còn nếu cọng hành bị đứt, bà ấy sẽ ở dưới hỏa ngục muôn đời.

Thiên thần đưa cho bà cọng hành:

- Nào, mau lên ! Hãy nắm chặt lấy nó để ta kéo ngươi lên thiên đàng.

Và thiên thần kéo rất cẩn thận. Vừa kéo bà lên được một chút, những người tội lỗi khác nhìn thấy bèn cố gắng giành nhau bám vào chân của bà để họ cũng sẽ được cứu thoát. Nhưng người đàn bà đã vùng vẫy dữ dội, đá họ văng ra, đồng thời la hét rằng:

- Ta đã được cứu chứ không phải các ngươi. Đây là cọng hành của ta, không phải của các ngươi.

Ngay khi bà vùng vẫy la hét như vậy, cọng hành đã bị đứt, và bà bị rơi xuống hồ lửa.Vị thiên thần bản mạnh chỉ thương tiếc cho thân phận của bà rồi quay bước ra đi mà thôi.

(Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 74)

3. Những việc cần làm

Hãy nhớ lại lời Chúa:”Không tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình”. Số phận của tiên tri là thế đó. Làm tiên tri không phải là chuyện dễ. Phức tạp lắm ! Một đàng phải nói lời Chúa một cách trung thực, một đàng lời Chúa không mấy êm tai dễ nghe vì vạch những cái xấu của họ ra. Nhưng đã là tiên tri thì phải nói lời Chúa và đồng thời cũng phải nhận những đau khổ mà người nghe dành cho kẻ làm tiên tri.

Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta trước. Ngài từng bảo các môn đệ:”Nếu thế gian ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Thầy trước … Đầy tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”(Ga 15,18-20). Bất cứ ai sống đúng là Kitô hữu sẽ hiểu được những lời nói trên chân thực thế nào.

Làm tiên tri nhiều khi phải lội ngược dòng, không thể sống theo phong trào, sống theo dư luận hay theo chủ trương của một số người nào, mà phải sống theo chân lý, sống theo lời Chúa qua Sách Thánh hay qua lời giáo huấn của Giáo hội. Chính cách sống như thế làm cho người làm tiên tri cảm thấy lẻ loi, lạc lõng và đau khổ giữa những người khác. Có những người không dám tuyên xưng đức tin như không dám làm dấu thánh giá trong quán cơm, trong sở làm. Có người không dám khước từ để không đến những nơi gặp dịp tội như sòng bài, quán rượu, quán karaokê… Có người không dám giữ mình trong tiệc vui giữa những bạn đang “quậy” tứ tung…

Người làm tiên tri cũng đừng đòi Chúa làm phép lạ khi gặp sự khó khăn. Chúng ta muốn có một Thiên Chúa tỏ mình ra thêm chút nữa, một Thiên Chúa giải quyết những vấn đề của chúng ta thay cho chúng ta. Vả lại, Thiên Chúa không thích vai trò mà chúng ta ép Ngài làm. Thiên Chúa không thích điều ngoại lệ, kỳ diệu và ly kỳ… Khi Ngài chữa lành một người mù không phải để làm cho chúng ta kinh ngạc mà để ám chỉ cho chúng ta biết rằng Ngài muốn chữa sự mù lòa vốn có của tất cả chúng ta. Khi chữa lành một người bị liệt nằm trên cáng, vì Ngài muốn chữa lành mọi người chúng ta khỏi bệnh liệt còn nặng hơn nhiều là tội lỗi chúng ta. Điều đó được nói rõ ràng trong Tin mừng (Lc 5,17-26).

Chúng ta là Kitô hữu được kêu gọi làm tiên tri của Chúa Cha cho thời đại chúng ta, cũng như Đức Giêsu từng là tiên tri của Chúa Cha cho thời đại của Ngài. Đây chính là sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và thêm sức. Chúng ta hãy lặp lại lời thánh Phaolô:”Người Kitô hữu chúng ta được Chúa kêu gọi để tỏa sáng như các vì sao giữa lòng thế giới tối tăm này”(Pl 2,15).

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện nói lên cảm nghĩ của bất cứ ai đã từng cố gắng trung thành bước theo Chúa Giêsu:

“Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu của Chúa, vì đôi khi chúng con bị cám dỗ căm thù đám người ruồng rẫy chúng con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa, vì đôi khi chúng con như muốn ngã lòng trước những cảnh ngộ gai góc.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng dũng cảm, vì đôi khi chúng con như muốn đầu hàng trước những gánh quá nặng đè lên chúng con.

Xin giúp chúng con là muối ướp mọi người, là đèn soi thế giới. Xin giúp chúng con tỏa sáng như những vì sao trong thế giới tăm tối này”(M. Link).
 
Sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm
LM. Hồng Phúc
20:59 26/01/2010
SỰ GIẢI THOÁT CHO KẺ BỊ GIAM CẦM

Cả ngàn ngàn năm mong đợi của Cựu Ước:

- Những lời tiên tri vang lên nhưng chưa có đáp trả !
- Những khát mong của các tiên tri nói về Đấng Mesia nhưng chưa một lần xuất hiện !
- Trong Hội đường của dân Do Thái vẫn vang lên những lời tiên tri hàng tuần nhưng chưa có kết quả !
- Các biệt phái Pharisiêu, nhất là các thầy luật sĩ đọc sách và giải thích luật của Môisê cũng như lời của các tiên tri hướng lòng mọi người về Đấng Mesia, Đấng Cứu Thế. Nhưng trời cao vẫn im tiếng, trái đất vẫn trong bóng tối !

Cho đến ngày hôm nay khi Đức Giêsu vào Hội đường, người ta theo thói quen trao sách cho Ngài. Đoạn sách của Ngài đọc là đoạn sách của tiên tri Isaia. Lời tiên tri Isaia vẫn vang vọng từ ngàn năm, vẫn được các luật sĩ cắt nghĩa càng ngày càng dầy, càng ngày càng dài nhưng chưa bao giờ có được kết quả đáp lại. Đức Giêsu đọc đoạn sách tiên tri Isaia ấy:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi,
Người sai tôi đi rao giản Tin mừng cho người nghèo khó,
Thuyên chữa những tâm hồn sám hối,
Loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm,
Cho người mù được trông thấy,
Trả tự do cho những kẻ bị áp bức
Công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Is 61, 1-2)


Ai cũng hiểu rằng đó là lời chỉ về Đấng Mesia. Người ta ngồi xuống và lắng nghe xem vị cắt nghĩa mới này cắt nghĩa về Đấng Mesia như thế nào? Nhưng thật bất ngờ, từ trong sự im lặng lắng nghe ấy, Đức Giêsu tuyên bố một lời mà trước đó không ai và sau đó cho đến tận thế cũng không ai tuyên bố được nữa. Lời đó là: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánhquí vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

Lời tuyên bố đồng nghĩa với “Ta chính là Đấng Mesia mà các tiên tri loan báo”. Mọi người sửng sốt vì biết rõ Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth. Người ta ngạc nhiên, người ta xôn xao và người ta bắt đầu chia rẽ. Những người dân nghèo đau khổ đã nhận ra sứ điệp đem đến cho mình, đó là người nghèo được loan báo Tin Mừng, người giam cầm được giải thoát và những người mù được trông thấy, những người bị áp bức được tự do… Họ đã nhìn thấy nơi những người bệnh tật được chữa lành, họ đã nhìn thấy những người nghèo khó được tôn trọng, họ đã nhìn thấy những tâm hồn sám hối được yêu thương và họ sớm nhận ra lời tuyên bố của Đức Giêsu ứng nghiệm. Thế nhưng những luật sĩ, những Pharisiêu là những người cầm trịch cho toàn dân Do Thái, là những người nghĩ rằng mình là người nắm giữ “bản quyền” của Kinh Thánh, họ chỉ còn thiếu tuyên bố họ là tác giả mà thôi! Vì tác giả của Kinh Thánh là chính Chúa Thánh Thần. Bỗng nhiên họ bị một người không tên tuổi, không phải là luật sĩ Pharisiêu đứng lên tuyên bố điều mà họ với không tới, nghĩ không ra và nhất vì lời tuyên bố lại là một lời vô cùng quan trọng đã được các tiên tri loan báo từ ngàn ngàn năm. Bởi vậy, từ những thái độ ban đầu ngạc nhiên sửng sốt đi đến đỉnh điểm là chia thành hai hạng người. Những người lắng nghe và đón nhận; còn giới chức lãnh đạo bắt đầu tẩy chay và kết án.

Điều họ kết án là phạm thượng vì con người mà dám nhận mình là Thiên Chúa. Và đó chính là lý do Lời Chúa không thể thấm nhập vào tai của người trần. Lời Chúa phải được thấm nhập vào một tâm hồn được rộng mở, một tâm hồn biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Tất cả được mời gọi để trở nên thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô như trong phân tích của thánh Phaolô dễ hiểu mà sâu sắc: “Không có một phần chi thể trong con người lại không quan trọng và Thiên Chúa đã sắp đặt mọi chi thể là cần thiết để hỗ tương, để tạo nên một thân mình mầu nhiệm” (x. 1Cor 12, 24 - 26). Thân mình ấy là một sự đồng nhất trong hành động, trong suy nghĩ và trong tất cả chiều kích tâm linh. Vì thế Đức Giêsu đến để nâng đỡ những người nghèo khó là những phần chi thể bị trung khu thần kinh tách rời. Chúa đến để giải thoát những thành phần bị giam cầm, o bế, không được liên kết với thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúa đến để cứu vớt những thành phần thất vọng, nhát đảm, mặc cảm và tự ti. Chúa đến để đem lại một niềm vui và loan báo cho con người biết rằng: Hãy ngẩng cao đầu vì ơn cứu độ đã gần đến, hãy ra khỏi bóng tối và đi theo ánh sáng, hãy trỗi dậy từ cõi chết.

Với những lời tuyên bố, Đức Giêsu không chỉ nói cho toàn dân biết ngày giờ đã được ứng nghiệm mà Thiên Chúa đã nói với nguyên tổ xưa về. Đức Giêsu còn công bố những công việc Thiên Chúa bắt đầu thực hiện ngang qua Đấng Mesia. Vì vậy người vui mừng là niềm vui của mối phúc thật, còn những người tảy chay là những người cố giữ cho mình tình trạng mù kinh niên và vĩnh viễn.

- Ngày hôm nay, đến lượt chúng ta, những người nghèo khó, những người đang bị giam cầm, những người bị áp bức, những người mù tâm linh cũng được ngẩng cao đầu và sáng mắt, nhảy mừng vì được ơn giải thoát;
- Ngày hôm nay, lời Tin Mừng đến cho chúng ta để xin Chúa Giêsu cho các gia đình chúng ta được giải thoát những o bế của vật chất thế gian, của quyền lực của sự dữ, của những con người chỉ biết duy vật chất, duy kinh tế và thậm chí người ta còn lãng quên cả những tinh thần đạo đức Kitô giáo;
- Ngày hôm nay, Chúa Giêsu giải thoát cho những quyền lực bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa. Họ cần được giải thoát và đi vào đất tốt và sinh hoa kết trái cho Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Đấng Mesia ngàn dân mong đợi, ngàn đời hy vọng.
Hôm nay, lời tuyên bố của Chúa
không phải là mới đối với dân Do Thái
mà mới đối với cả chúng con trong thế kỷ 21.
Bởi vì Lời Chúa bị lãng quên,
Đấng Mesia bị gạt sang bên lề.
Lời Chúa hôm nay cho chúng con thức tỉnh
để nhận thấy những người nghèo khó,
những người áp bức được đứng lên
và cảm thấy có Đấng Mesia nâng đỡ
để đem lại hạnh phúc cho gia đình,
an bình trong tâm hồn.
Xin Chúa đừng để cho ai trong chúng con
đứng về bên kia chiến tuyến
chống lại Thập Giá Đức Kitô
như ở Đồng Đinh - Phát Diệm,
như ở Đồng Chiêm - Hà Nội
đã xảy ra những kẻ chống lại Thập Giá Đức Kitô
là những người giơ chân đạp mũi nhọn
họ sẽ trở thành nạn nhân của chính quyền lực mình.
Xin Chúa giải thoát chúng con
và cho chúng con được đạt tới ơn cứu độ,
trong tình yêu thương của Đấng Mesia. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Công Giáo Úc và người di dân tị nạn
Vũ Văn An
02:43 26/01/2010
Hôm nay 26 tháng 1, ngày Quốc Khánh của Úc, tục gọi là ngày Australia Day, ngày đánh dấu đoàn tầu đầu tiên do Thuyền Trưởng Arthur Phillip chỉ huy tới Sydney Cove. Theo tin đài truyền hình SkyNews, hôm nay trên toàn quốc có nghi lễ tuyên thệ gia nhập quốc tịch Úc của hơn 16,500 người đến từ hơn 140 quốc gia. Việc nhập quốc tịch này nay đã ra khó khăn, không gần tự động như các thập niên 1970, 1980 và 1990. Sau nghi lễ tuyên thệ này, số người trên được gọi là Người-Úc-Do-Chọn-Lựa. Đối với người di dân và tị nạn Công Giáo, họ là thành viên của Giáo Hội Úc ngay từ những ngày đầu tới đây, không cần một ngày chờ đợi, cũng không cần một nghi thức tuyên thệ nào. Họ tự động là Người-Công-Giáo-Úc-Do-Phép-Rửa. Đặc tính công giáo quả là tuyệt diệu, nó phá đổ các biên giới. Nhưng có hẳn là mọi biên giới không?

Một số sự kiện mới đây xẩy ra cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Sydney khiến nhiều người nghĩ: không hẳn như thế. Vẫn còn một thứ biên giới nào đó, ít nhất cho Cộng Đồng di dân tị nạn này, khi họ bị khước từ không được cử hành thánh lễ và thực hành nhiều sinh hoạt sống đạo khác theo ngôn ngữ và cung cách Việt Nam tại các cơ sở của một xứ đạo Úc. Nếu chỉ dừng lại ở bình diện giáo xứ, thì vấn đề không đến nỗi nặng nề khó thở, nhưng khi thẩm quyền cao nhất của giáo phận can thiệp vào và nghiêng về phía giáo xứ Úc, thì không những phẫn nộ mà còn đôi chút tủi buồn cho cộng đồng di dân tị nạn. Thực ra các hành động và phản ứng trên phức tạp hơn nhiều, không thể đơn giản tóm lược như trên. Nhưng để có được một cái nhìn khách quan và bình thản hơn, nguyên tắc biết người biết ta vẫn là nguyên tắc bất hủ để đưa ta ra khỏi thế bí, tìm được giải pháp để vừa là Người-Công-Giáo-Úc-Do-Phép-Rửa vừa là Người Công-Giáo-Việt-Nam-Do-Phép-Rửa-Và-Do-Truyền-Thống. Như sẽ thấy sau đây, lịch sử chính sách đối với người di dân và tị nạn suốt trong các thập niên qua vẫn là một giữa chính phủ Úc và giáo quyền ở đây.

Nước Úc liên hệ đến người tị nạn ngay từ trước Thế Chiến II, với việc tiếp nhận 7,000 người Do Thái trốn thoát chế độ Đức Quốc Xã năm 1938. Riêng Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, năm 1944, đã lập ra Tiểu Ban Di Dân. Chính Tiểu Ban này đã gửi công hàm cho chính phủ Úc yêu cầu tiếp nhận các trẻ mồ côi từ Âu Châu. Tháng 4 năm 1946, ngay khi Châu Âu còn đang ngổn ngang với các tàn phá của chiến tranh, đức tổng giám mục Justin Simonds, vị tổng giám mục đầu tiên người Úc lúc đó đang là phó tổng giám mục của giáo phận Melbourne, được gửi qua đó để đích thân tìm hiểu nhu cầu của khu vực và phương cách Giáo Hội Úc có thể đáp ứng nhu cầu ấy. Ngài được đích thân đức cha Montini, tức đức Phaolô VI tương lai, lúc đó là thứ trưởng phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh cung cấp xe và tài xế để du hành qua các nước Âu Châu đang bị chiếm đóng. Nhờ các cuộc du hành này mà có các chương trình tiếp nhận các trẻ em người Anh, chương trình nhận người di dân từ Malta và Balan. Cũng nhờ sự vận động của ngài mà năm 1947, bộ trưởng Di Trú đầu tiên của Úc là Arthur Calwell đã chịu ký tham gia Cơ Quan Tị Nạn Quốc Tế (IRO) vừa được Liên Hiệp Quốc thành lập, và đóng góp 860,000 bảng Anh một năm cho Cơ Quan này. Năm 1946, Đức Cha McGuire được Hội Đồng Giám Mục Úc trao nhiệm vụ thành lập Ủy Ban Di Dân Công Giáo Liên Bang (FCMC) sau đổi thành Ủy Ban Di Trú Công Giáo Liên Bang (FCIC) với nhiệm vụ nhân danh Hội Đồng Giám Mục Úc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Di Dân Công Giáo; đặc biệt, cung cấp sự chăm sóc thiêng liêng cho mọi di dân Công Giáo; giúp họ hội nhập vào cuộc sống giáo xứ và cộng đồng; giữ vai trò liên lạc với các cơ quan chính phủ và mọi cơ quan khác nhằm phục vụ lợi ích của các di dân Công Giáo. Tháng Sáu năm 1947, Ủy Ban này chính thức ra mắt. Tại mỗi Tiểu Bang, đều có Văn Phòng Di Trú Công Giáo.

1. Di Dân Tị Nạn Sau Thế Chiến II

Việc thành lập các cơ cấu trên rất hợp thời vì ngay sau đó, con số di dân vào Úc mỗi ngày một gia tăng đáng kể: 6 tháng đầu năm 1947, con số ấy chỉ chừng trên dưới 2 ngàn, nhưng đến nửa năm sau, con số ấy đã tăng tới 10,000 và đến năm 1949 thì cứ 6 tháng, Úc tiếp nhận chừng 66,000 di dân. Bộ Di Trú của Chính Phủ Liên Bang, mỗi khi có di dân Công Giáo, đều thông báo cho Ủy Ban để sắp xếp người ra gặp gỡ họ trên tầu và giúp đỡ họ định cư. Tưởng cũng nên ghi chú: trong số 840 người tị nạn đến Úc đợt đầu tháng 12 năm 1947, sáu mươi phần trăm là người Công Giáo. Tỷ lệ này sau đó có giảm đi. Nhưng cũng đủ chứng tỏ sự đóng góp to lớn của Giáo Hội Úc trong việc tiếp nhận người tị nạn sau Thế Chiến II. Không lạ gì, đức Tổng Giám Mục Montini, ngay tháng 9 năm 1947, đã nhân danh Đức Thánh Cha, gửi thư chúc mừng việc thành lập Ủy Ban Di Trú Công Giáo Liên Bang. Ủy Ban cũng được các cơ quan Chính Phủ Tiểu Bang cũng như Liên Bang hết lòng ca ngợi.

Đã đành các chính phủ Tiểu Bang cũng như Liên Bang cung cấp nhiều ngân khoản cho công việc định cư di dân cũng như người tị nạn. Nhưng ngân khoản ấy không bao giờ đầy đủ cho một công tác nhiều mặt này. Nên Giáo Hội Úc đã phải sử dụng đến cả các ngân khoản vốn do Bộ Truyền Giáo cung cấp cho việc truyền bá đức tin. Ngoài ra, hàng giáo phẩm còn phải nghĩ đến nhiều cách thế có thêm ngân khoản cho công tác này như tổ chức quyên tiền khắp nước Úc trong cùng một ngày Chúa Nhật. Cuộc quyên tiền đầu tiên năm 1949 thu được 3,499 bảng Anh, một số tiền không nhỏ khi mang so sánh với ngân sách hàng năm của Ủy Ban Di Trú Công Giáo Liên Bang là 11,690 Bảng. Nhưng nhu cầu thiêng liêng của người di dân tị nạn còn làm hàng giáo phẩm Úc lo âu hơn nữa. Các phúc trình từ Mỹ cho thấy số người di dân tị nạn Công Giáo chạy qua các giáo phái khác chỉ vì thiếu các giáo sĩ bản xứ chăm lo nhu cầu thiêng liêng cho họ làm các ngài chạy đôn chạy đáo vận động sao cho có đủ các tuyên úy sắc tộc đến Úc phục vụ. Trong khi chờ đợi, các giáo phận phải tìm cách in ấn mẫu xưng tội cũng như các bí tích khác bằng 17, 18 ngôn ngữ khác nhau giúp người xưng tội cũng như các cha giải tội có thể thi hành phận sự của mình một cách “hợp phép”.

Điều khó khăn hơn cả trong khía cạnh này là các tín hữu thuộc các giáo hội theo nghi lễ Đông Phương. Họ gây “kinh hoàng” cho giáo dân Úc không ít. Một giáo dân Úc báo cáo: “trời đất, sáng nay có ông từ tầu bước xuống, tự xưng mình là linh mục mà lại có vợ mới khổ, sao có người thánh mà lại nói với tôi như thế không biết!”. Phản ứng tâm lý này không những chỉ có nơi người giáo dân bình thường, chính đức hồng y Gilroy cũng bỗng nhiên tái mặt trong lúc đang vui vẻ dùng tiếng Latinh phỏng vấn một linh mục theo nghi lễ này, chỉ vì vị linh mục này cho ngài hay: “sum uxuratus” (con có vợ!). Nói tóm lại, phản ứng này mạnh đến nỗi hàng giáo phẩm Úc phải đưa ra khuyến cáo chỉ cho phép các giáo sĩ theo nghi lễ Đông Phương nào sống độc thân mới được quyền thi hành thừa tác vụ của mình cách công khai tại nước Úc mà thôi.

Khuyến cáo này bị Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương bác bỏ bằng văn thư ngày 5 tháng 10 năm 1949. Các khác biệt về văn hóa cũng gây nhiều trở ngại: đối với người Úc, việc dùng một cơ sở vừa làm nhà thờ vừa làm trường học là điều thông thường, nhưng người di dân không chấp nhận việc ấy vì coi nó như một việc phạm thánh không hơn không kém. Ngoài ra, hàng giáo phẩm Úc còn phải đương đầu với các tệ nạn phát sinh từ chương trình tiếp nhận di dân ồ ạt của chính phủ Úc. Ngày 9 tháng 11 năm 1949, hội nghị thường niên các giám mục Úc tại Sydney đã gửi cho chính phủ nhiều khuyến cáo, đặc biệt là các khuyến cáo số 15 và số 16, trong đó các ngài lên án việc cưỡng bức phân rẽ chồng khỏi vợ và con cái vì lý do công ăn việc làm, coi nó như phá hủy cuộc sống gia đình và sui khiến người ta vi phạm luật luân lý.

2. Tông Hiến Exsul Familia

Như trên đã nói, sau Thế Chiến II, Liên Hiệp Quốc thiết lập ra cơ quan Tị Nạn Quốc Tế (IRO) phụ trách giải quyết vấn đề hàng triệu người bị bứng gốc không muốn trở về quê hương của họ. Cơ quan này đặc biệt chú ý tới số phận những người không có quốc gia (stateless), giúp họ di cư ra nước ngoài. Cơ quan này vì thế cung cấp cả sự che chở quốc tế lẫn trợ giúp vật chất. Nó đã giúp hàng triệu người định cư trên các vùng đất mới với một phí tổn lớn lao lên đến 430,000,000 mỹ kim. Điều ấy khiến các chính phủ cảm thấy mệt mỏi và họ đã đi đến kết luận phải giải tán cơ quan này vào cuối năm 1951. Trách nhiệm giải quyết số nạn nhân tồn đọng trao cho các quốc gia hiện có những người này hiện diện. Thay thế cho IRO, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cho thiết lập tại Genève Văn Phòng Cao Úy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), với nhiệm vụ thu nhỏ vào phạm vi bảo vệ mà thôi.

Tuy nhiên, các nước  Châu, vì vừa ra khỏi cuộc chiến tàn khốc, đến chính công dân của mình cũng chưa cung cấp đủ nhà ở và công ăn việc làm, nên khó có thể cáng đáng số 130,000 người đang được UNHCR bảo vệ trong các trại tị nạn ở Âu Châu và chắc chắn từng ấy người nữa sống ngoài các trại ấy. Chính vì thế, Hội Nghị Di Dân họp tại Naples ngày 2 tháng 10 năm 1951 đã quyết định thiết lập ra một cơ chế di dân liên chính phủ để chăm lo số dân thặng dư, trong đó có người tị nạn. Cơ chế mới này có tên là Ủy Ban Liên Chính Phủ Phụ Trách Di Dân Âu Châu (ICEM) sau đổi thành Ủy Ban Liên Chính Phủ Phụ Trách Di Dân (ICM), thoạt đầu đặt tại Brussels, nhưng sau được rời về Genève.

Ngay từ đầu, hai cơ quan UNHCR và ICEM làm việc chặt chẽ bên cạnh nhau. Tuy nhiên phạm vi hoạt động của UNHCR chỉ là người tị nạn được họ định nghĩa là người sống bên ngoài xứ sở quốc tịch (hay nếu không có quốc tịch, thì bên ngoài xứ sở họ thường cư trú trước đây) vì họ hiện có hay đã có mối sợ có căn cứ vững chắc sẽ bị bách hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hay chính kiến. Phạm vi của ICEM rộng rãi hơn: họ coi bất cứ ai sống ngoài xứ sở quốc tịch hay nơi thường trú đều là người tị nạn.

Tại Âu Châu hậu chiến, Giáo Hội Công Giáo vốn bận bịu chăm lo cho người tị nạn theo nghĩa rộng rãi của từ này từ lâu. Tòa Thánh đã thiết lập ra Văn Phòng Di Dân Vatican (VMB) trực thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh. Khi thấy các cố gắng giúp người tị nạn của Liên Hiệp Quốc tập trung tại Genève, trọng tâm hoạt động của Giáo Hội trong phạm vi này cũng chuyển từ Rome qua thành phố nổi tiếng kia. Đóng vai trò lớn trong vấn đề này là đức hồng y Frings của Cologne, vị hồng y đang hết sức tích cực lo giải quyết hàng triệu người rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình trên đất Đức.

Ngài thỉnh cầu đức thánh cha Piô XII tập hợp các cố gắng của Công Giáo trên khắp thế giới nhằm trợ giúp người tị nạn. Từ đó mà có Hội Đồng Di Dân Công Giáo Quốc Tế (ICMC), với phiên họp đầu tiên tại Rome vào ngày 5 và 6 tháng 6 năm 1951. Cơ quan này làm việc chặt chẽ với ICEM, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp nhờ các chi nhánh rải rác khắp thế giới. Dù Giáo Hội Úc tỏ ra dè dặt lúc đầu vì các lo ngại tài chánh, nên chỉ gửi quan sát viên là linh mục Vivian Morrison lúc đó đang du học tại Rome đến tham dự. Mãi một năm sau, mới có đại diện chính thức của Úc là linh mục Patrick McCabe tham dự hội nghị của Tổ Chức này tại Barcelona. Tuy thế, Hội Đồng đánh giá cao sự đóng góp của Giáo Hội Úc qua việc chấp nhận huy hiệu của Úc làm huy hiệu của mình.

Nhờ tham gia ICMC, Ủy Ban Di Trú Công Giáo Úc sử dụng được Quỹ Cho Di Dân Công Giáo Quốc Tế Vay Tiền (ICMLF) giúp họ trả được phí tổn du hành qua Úc. Nói chung, từ lúc thành lập tới năm 1956, qũy này đã chi 17,000,000 mỹ kim, giúp 50,000 di dân đi định cư. Đó mới chỉ là con số tại Úc, con số khắp thế giới là 164,371,291 mỹ kim, với số người thụ hưởng là 576,663.

Một biến cố quan trọng xẩy ra năm 1952 (tháng Tám) đó là việc ban hành tông hiến Exsul Familia. Dù từ lâu, nhất là từ đời Đức Lêô XIII, Giáo Hội Công Giáo đã tích cực tham dự vào việc giúp đỡ người di dân trên khắp thế giới, nhưng phải đợi đến thế kỷ 20, Giáo Hội mới long trọng và chính thức lên tiếng về vấn đề di dân và tị nạn qua tông hiến trên, nhằm hệ thống hóa các nguyên tắc xưa nay mình vẫn có về việc trợ giúp các di dân và tị nạn về phương diện tâm linh. Tông Hiến này thiết lập ra một thánh bộ riêng lo mọi vấn đề về di dân. Một Hội Đồng Di Dân Tối Cao được thiết lập trong thánh bộ này để làm việc với các ủy ban giám mục các quốc gia lo về di dân. Tổng Thư Ký của Hội Đồng này đứng đầu Văn Phòng Đại Biểu Di Dân, đồng thời cũng là Tổng Thư Ký của Văn Phòng Quốc Tế Tông Đồ Trên Biển. Hiến chế này có điều đặc biệt là đã dự liệu việc thiết lập ra các Giáo Xứ Quốc Gia (National Parishes), ban cho các nhà truyền giáo di dân việc chăm sóc các linh hồn, và mỗi nhóm truyền giáo thuộc một quốc tịch có quyền có một Giám Đốc riêng. Tông Hiến cũng kêu gọi các giám mục khắp thế giới Công Giáo hãy dành Chúa Nhật Thứ Nhất mùa Vọng hàng năm làm Ngày Di Dân.

Giáo Hội Úc không tiếp nhận mẫu Giáo Xứ Quốc Gia được Tông Hiến dự liệu,cũng như không trao cho các nhà truyền giáo di dân quyền chăm sóc các linh hồn, nhưng đã tiếp tục thi hành phương thức vốn có của mình là yêu cầu các tuyên úy di dân cộng tác với các cha xứ là những người thực sự được trao phó việc chăm sóc các linh hồn. Giáo quyền Úc cũng không đề cử Giám Đốc Toàn Quốc cho các tuyên úy di dân của một quốc tịch, coi điều đó không thích hợp với việc tông đồ di dân tại đây… Tuy nhiên, việc dành một ngày Chúa Nhật làm ngày Di Dân hàng năm, thì Giáo Hội Úc chấp hành nghiêm chỉnh (tuy không đúng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng). Việc quyên tiền trong ngày ấy tiếp diễn đến tận năm 1980. Sau đó, để tránh có quá nhiều lần xin tiền, nên Giáo Hội Úc đã quyết định quyên tiền mỗi năm một số lần làm qũy chung cho các chương trình mục vụ của mình, trong đó có vấn đề Di Dân. Việc này, và nhất là kết quả khả quan trong chương trình di dân Công Giáo của Úc, đã làm Vatican, nói chung, hài lòng về đáp ứng có trách nhiệm của Giáo Hội Úc đối với Tông Hiến Exsul Familia. Đức Hồng Y Piazza, tổng trưởng thánh bộ di dân, trong văn thư năm 1954 gửi Khâm Sứ Tòa Thánh tại Úc đã viết như sau: “Thánh bộ này, hơn bao giờ hết, tin tưởng rằng việc áp dụng cách khôn ngoan và thông minh các qui định của Exsul Familia – mà không gây bất cứ xáo trộn nào – đã đem lại thành quả đáng kể trong việc chăm sóc đầy tình mẫu tử, nhiều mặt và thực sự hữu hiệu của Giáo Hội đối với những người con khốn khó nhất của mình”.

Giáo Hội Úc cũng cảm thấy lên tinh thần nhờ những thay đổi vào năm 1969 qua tông thư Pastoralis Migratorum qua đó, hàng giáo phẩm địa phương được trao nhiều thẩm quyền hơn. Trước đây các tuyên úy di dân được Thánh Bộ cử nhiệm, nay việc bổ nhiệm ấy là do hội đồng các giám mục sở tại; Chúa Nhật Di Dân có thể là bất cứ Chúa Nhật nào…Các biện pháp từng được Giáo Hội Úc áp dụng nay được tông thư này biến thành qui định. Tông thư này vì thế đã chú trọng nhiều hơn đến tính đa dạng của vấn đề di dân trong các môi trường khác nhau, chứ không quanh quẩn ở các kinh nghiệm Âu Châu như tông hiến Exsul Familia. Tông thư này cũng còn một điểm son là đã lưu ý các nước tiếp nhận di dân và tị nạn không nên chỉ nhìn vấn đề di dân dưới con mắt riêng của mình mà quên đi gia tài thiêng liêng của chính các di dân. Về điểm này, tuy Giáo Hội Úc không khích lệ sự hiện diện của các “giáo hội quốc gia” tại Úc (trừ trường hợp cực chẳng đã của các Giáo Hội theo nghi lễ Đông Phương), nhưng khuyến khích các trung tâm quốc gia cho các nhóm di dân sắc tộc, như Trung Tâm Công Giáo Đức ở Croydon với nhà thờ Thánh Christophorus bên cạnh. Tiền bạc để mua lại ngôi nhà thờ của Tin Lành này đến từ Đức và giấy tờ sở hữu là tên của Cộng Đồng Công Giáo Đức sở tại. Chỉ có điều nếu Cộng Đồng này không sử dụng ngôi nhà thờ này nữa, họ không có quyền bán nó đi mà phải trao lại cho Tổng Giáo Phận Sydney. Các vị tuyên úy của Cộng Đồng này chấp hành nghiêm chỉnh các cố gắng của Tổng Giáo Phận như trong các lần quyên tiền hàng năm cho các dự án bác ái của Tổng Giáo Phận. Người ta nghĩ rằng, nếu cho phép thiết lập ra các giáo xứ quốc gia, thì việc chấp hành tương tự sẽ không có. Tại Summer Hill, có Trung Tâm Công Giáo Croatia. Trung tâm này và mọi trung tâm Công Giáo Croatia khác trên đất Úc đều thuộc các Cha Dòng Phanxicô, do đó mọi tài sản đều thuộc tỉnh dòng Phanxicô Úc Châu, nhưng nhân sự thì đến từ Croatia. Thành thử khác với Cộng Đồng Đức nơi linh mục tuyên úy của họ thuộc Tổng Giáo Phận Sydney, các tuyên úy của Cộng Đồng Croatia không thuộc Tổng Giáo Phận ấy.

Đến cuối năm 1950, tổng số di dân sau chiến tranh lên tới 567,000 người trong đó 80,000 thuộc đại vương quốc Anh, 43,000 người Ba Lan, 35,000 người Ý, 19,000 người Nam Tư, 17,000 người Nga, 13,000 người Lithuania, 13,000 người Hòa Lan, 11,000 người Hung gia lợi, và 10,000 người Tiệp.

Cuối năm 1951, tổng số di dân lên đến 700,000 người trong đó hết 180,000 người rời cư từ các trại ở Âu Châu. Và giữa thập niên 1950, con số di dân tới Úc trung bình mỗi năm chừng 100,000 người. Năm 1957, phúc trình gửi hội đồng giám mục Úc cho hay kể từ lúc chấm dứt Thế Chiến II, đã có 1 triệu rưỡi di dân tới Úc.

Thoạt đầu, di dân phần lớn đến từ đại vương quốc Anh và những người rời cư tại Âu Châu. Nhưng cuối thập niên 1950, phạm vi được mở rộng hơn để tiếp đón di dân từ các nơi khác, như Nam Mỹ (Brazil và Argentina), Nam Phi, Armenia, Egypt, Lebanon, Syria và Ethiopia, rồi Ấn Độ, Trung Hoa, Jordan, và Tunisia.

Trong thập niên 1960, chính phủ Úc đưa ra mục tiêu tiếp nhận mỗi năm chừng 100,000 di dân. Nhưng con số thực tế tới đây bao giờ cũng đông hơn: 120,000 năm 1968, 160,000 năm 1969, trong đó ít nhất 43,000 là di dân Công Giáo.

3. Thập Niên 1970 và Người Tị Nạn Đông Dương

Qua thập niên 1970, tại Úc, vấn đề di dân có trợ giúp được đem ra thảo luận rộng rãi. Nhân cơ hội này, chính phủ tài trợ nhiều cuộc nghiên cứu về phí tổn của việc di dân, mức độ và sự phân bổ dân số sao cho thật tốt, các điều kiện môi sinh, việc phát triển quốc gia và tiến bộ kinh tế. Chương trình di dân được quan niệm là để đảm bảo an ninh quốc gia, gia tăng tiềm lực kinh tế và mang lại cho người dân Úc các điều kiện môi sinh tốt nhất. Tiêu mức nhận di dân được ấn định cho tài khóa 1970-1971 là 180,000 người, cao hơn năm trước một chút, bao gồm 80,000 thần dân Anh, 25,000 người Nam Tư, 60,000 người thuộc các nước khác ở Âu Châu, 8,000 người Trung Đông, 4,000 người Bắc Mỹ, 2,000 người Châu Mỹ Latinh và 8,000 người khác không phải là Âu Châu. Con số di dân Công Giáo được uớc lượng là khoảng một phần tư số người trên. Với con số ấy, các di dân không phải là Anh sẽ chiếm 15% Dân số Úc.

Thực tế, chỉ có 170,011 di dân tới Úc năm 1970-1971, trong đó, người Công Giáo chiếm khoảng 30%. Năm sau, mục tiêu bị cắt giảm còn 130,000 người (thực tế 107,401 người tới), trong đó hết 10,000 không phải là người Âu Châu. Và cứ thế, giảm dần, năm sau chỉ còn 110,000. Số người không phải là Âu Châu cũng giảm theo, dù chính sách “Nước Úc Da Trắng” đã được bãi bỏ (1973). Lý do có thể vì tiêu chuẩn di dân trở nên khó khăn hơn chăng. Họ phải hội đủ 5 tiêu chuẩn như có giá trị về kinh tế, có đủ phẩm tính bản thân để hội nhập vào cộng đồng Úc, có chuyên môn tay nghề hay nghề nghiệp tương xứng với nhu cầu của cộng đồng, đầy đủ sức khỏe; tính tình thoả đáng, có ý định chọn Úc làm nơi thường trú và gia nhập Gia Đình Úc Châu như một công dân. Rõ ràng di dân được liên kết với nhu cầu nhân dụng và bị chi phối bởi các đòi hỏi kinh tế. Chính phủ Whitlam còn lộ liễu tái tổ chức Bộ Di Trú và đặt nó dưới quyền Bộ Trưởng Lao Động. Chính vì thế, tài khóa 1974-1975, chỉ có 80,000 di dân tới Úc. Vì tháng 10 năm 1974, lúc đã thi hành đến 7/8, chương trình di trú bị ngưng lại vì “sợ nạn thất nghiệp và kiệt quệ các phương tiện giáo dục và cộng đồng”. Chỉ những trường hợp hạn hữu như đoàn tụ gia đình, tay nghề cao hay chuyên nghiệp hoặc các cá nhân hay nhóm tị nạn có tính cách nhân đạo cao mới được nhận mà thôi.

Theo linh mục Frank Mecham, chủ nhiệm tam cá nguyệt san nghiên cứu The Australasian Catholic Record và tác giả cuốn “The Church And Migrants 1946-1987” (St Joan of Arc Press, 1991), một lần nữa, chính sách di dân của Úc lại đặt trọng tâm vào người tị nạn như thời sau Thế Chiến II. Tuy nhiên, chính phủ Whitlam thuộc Đảng Lao Động, vì những lý do chính trị (thiên Hà Nội), đã đối xử với người tị nạn Việt Nam một cách nghiệt ngã (so sánh họ với những người di dân bất hảo vùng Baltic). Chính Ủy Ban Ngoại Vụ của Thượng Viện Úc, trong phúc trình Australia and the Refugee Problem công bố năm 1976, đã chỉ trích chính phủ ấy không đóng vai trò tích cực trong việc di tản thường dân Việt Nam khỏi vùng lửa đạn. Ủy Ban này cho hay các vận tải cơ Hercules chở 34 nữ tu của Dòng Trinh Vương còn rất nhiều chỗ trống, nhưng phi hành đoàn đã từ khước rất nhiều thường dân khác dù họ đã có giấy phép rời Việt Nam. Sau khi Sài Gòn thất thủ, Úc đã cố tình kéo dài việc cứu xét giấy tờ di tản để hạn chế tối đa số người được nhận vào Úc, dù lúc đó có đến 11,000 giường trống tại các căn cứ tiếp nhận di dân (hostels) trên khắp lãnh thổ. Số sinh viên Việt Nam du học bị kẹt lại Úc lúc đó là 475 người. Họ nạp đơn cho 2,687 thân nhân qua đoàn tụ, cộng với 970 người do những người Việt Nam khác bảo lãnh, tất cả là 3,667 người, nhưng chính phủ Úc chỉ chấp thuận 251 người!

Úc chỉ thực sự tham gia việc tiếp nhận người tị nạn Việt Nam 9 tháng sau ngày Sài Gòn thất thủ, nghĩa là sau khi chính phủ Whitlam mất chức (11/11/1975) và chính phủ Fraser nhậm chức. Nhờ thế trong hai năm 1975, 1976, có tất cả 10,000 người tị nạn Việt-Nam được tiếp nhận vào Úc. Sau đó, mỗi năm, Úc tiếp nhận thêm 15,000 người nữa làm cho tổng số người tị nạn Việt Nam đến Úc định cư từ năm 1975 đến năm 1985 là trên 90,000. Và hơn số ấy di dân qua Úc trong thập niên 1990. Ngày nay, người ta ước chừng có khoảng 200,000 người Việt sinh sống tại Úc, mặc dù con số thống kê chính thức có hơi khác. Theo thống kê năm 2001, số cư dân Úc nhận mình sinh tại Việt Nam là 154,807 người, trong khi số người tự nhận mình nói tiếng Việt ở nhà lại lên tới 174,246 (có thể bao gồm người Việt thuộc thế hệ thứ hai, vốn sinh tại Úc?). Thống kê năm 2006 cho thấy có tất cả 156,581 người nhận mình sinh ra tại Việt Nam, tức chiếm 0.8% dân số Úc, trong đó, 30.3% theo Công Giáo, 0.4% theo Anh Giáo, 3.1 % theo các hệ phái Kitô Giáo khác, 55.2% theo các tôn giáo khác và 11% không theo tôn giáo nào. Số người Công Giáo Việt Nam tại Úc vì thế vào khoảng 47,000.

4. Giáo Hội Úc Với Người Di Dân Công Giáo Việt Nam

Andrew Jakubowicz, giáo sư xã hội học của Trường Đại Học Kỹ Thuật Sydney, trong một giảng khóa về Úc tựa là “Úc có phải là một Xã Hội Kỳ Thị Chủng Tộc hay không?” đọc tại Jakarta, Indonesia năm 1997, đã nhìn nhận trước đây quả Úc là một xã hội kỳ thị chủng tộc, nhưng nay đang cố vươn ra khỏi chính sách lỗi thời ấy.

Cái tình trạng còn tranh tối tranh sáng như thế được thể hiện rõ nhất qua hai lời tuyên bố trái ngược nhau của Alan Jones, người hết mình ủng hộ thủ tướng John Howard, trên làn sóng 2GB tháng 5 năm 2003 rằng: “Úc không phải là một xã hội đa văn hóa… mà là một xã hội đa sắc tộc với một nền văn hóa duy nhất (multiracial monocultural society)” và lời khác của Gary Hardgrave, tổng trưởng Công Dân và Đa Văn Hóa Sự Vụ thuộc chính phủ Howard vào tháng 7 cùng năm: “Hạn từ ‘chính sách đa văn hóa’ trong 25 năm tới sẽ trở thành dư thừa vì càng ngày càng có nhiều người Úc chấp nhận nó như một lối sống”.

Nói cho cùng, Úc vẫn là quốc gia đế quốc (imperial state); các chính phủ của nó cảm thấy bó buộc phải bảo vệ mảnh đất vốn tước đoạt được bằng vũ lực từ tay người Thổ Dân. Phải bảo vệ nó cho bằng được, chống lại các chính phủ hay các nhóm văn hóa nào dám thách thức sự tước đoạt kia. Họ cần phải kiểm soát cả người Thổ Dân lẫn những người mới tới để đảm bảo cho bằng được cái trật tự văn hóa, xã hội và kinh tế hiện hữu. Chính cái quyết tâm ấy đã đẻ ra chính sách “Nước Úc Da Trắng” (White Australia) chính thức tác động lên đời sống Úc từ năm 1901 (Immigration Restriction Act) tới tận năm 1973 thời chính phủ Gough Whitlam, dù nó đã thực sự ra đời trước đó từ lâu (chống người Trung Hoa trong biến bố tìm vàng thập niên 1850) và hiện vẫn còn âm ỉ, chưa bao giờ lùi bước hoàn toàn (hiện tượng Pauline Hanson, cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21). Chính sách này nhằm hạn chế việc tiếp nhận các di dân không da trắng, chỉ khuyến khích các di dân Âu Châu mà thôi. Thập niên 1940, nhiều biện pháp thực tiễn được đưa ra để khuyến khích việc tiếp nhận các di dân không phải người Anh và da trắng. Từ năm 1973 trở đi, chính sách này coi như bị bức tử vì những lý do thực tiễn, và năm 1975, chính phủ Úc (do Gough Whitlam lãnh đạo) ra đạo luật Chống Kỳ Thị Sắc Tộc đặt mọi tiêu chuẩn lựa chọn người dựa vào yếu tố sắc tộc ra ngoài vòng pháp luật.

Như thế, suốt ba thế hệ người Úc đã quá quen thuộc với chính sách Nước Úc Da Trắng mà cụ thể là đòi người di dân phải tan hòa (assimilated) vào cấu trúc xã hội Úc, như những cá thể. Nguyên tắc tan hòa này coi các thực hành văn hóa sắc tộc như điều gì đó còn tồn đọng và đang lùi dần vào dĩ vãng. Nó cho rằng duy trì nền văn hóa ấy là gây ra nhiều nan đề mà chính phủ không nên hỗ trợ. Những người ủng hộ nguyên tắc tan hòa, như nguyên thủ tướng Harold Holt, trong thập niên 1950, lúc ấy là bộ trưởng Di Trú, đòi phải có một nền văn hóa chung cho mọi người Úc, một nền văn hóa mà người Úc nào cũng có thể nhận dạng được và sẵn sàng chấp nhận không thắc mắc. Tuy chính sách Nước Úc Da Trắng đã chính thức được cáo chung năm 1973, mãi 1978, nguyên lý tan hòa này mới chính thức được khai tử khi thủ tướng Tin Lành Malcolm Fraser mời luật sư Công Giáo gốc Ái Nhĩ Lan là Francis Galbally cầm đầu một nhóm nghiên cứu tìm phương thức đưa các cộng đồng di dân hội nhập vào cộng đồng Úc. Chính sách đa văn hóa chính thức ra đời.

Tuy nhiên phúc trình “Migrant Services and Programs” của Galbally không đưa ra câu định nghĩa cho chính sách đa văn hóa mà chỉ đề nghị ra bốn nguyên tắc điều hướng việc củng cố và mở rộng các chương trình phúc lợi và giáo dục dành cho di dân. Bốn nguyên tắc đó là: cơ hội đồng đều đối với các chương trình và dịch vụ; mỗi người có quyền duy trì nền văn hóa riêng của mình và được khích lệ tôn trọng các nền văn hóa khác; nhu cầu di dân phải được thỏa mãn qua các chương trình tổng quát khi có thể, tuy nhiên cần phải có các chương trình đặc biệt để đảm bảo cơ hội đồng đều; các chương trình và dịch vụ cần phải được đưa ra với sự tham khảo các đối tượng phục vụ. Cuối thời chính phủ Fraser (1982), bốn nguyên tắc trên được thay thế bằng bốn nguyên tắc mới dựa vào phúc trình của Zubrzycki: gắn bó xã hội (social cohesion); tự do duy trì bản sắc văn hóa của mỗi người; bình đẳng về cơ hội; trách nhiệm, cam kết và dự phần đồng đều vào xã hội Úc. Chiều hướng thấy rõ là: mời gọi người di dân hội nhập vào cộng đồng Úc, một thực tại càng ngày càng được nhấn mạnh hơn, trước những chống đối kịch liệt của những người phần nào còn luyến tiếc thuở vàng son của Nước Úc Da Trắng. Năm 1983, chính phủ Lao Động của Bob Hawke lên cầm quyền, tuy vẫn tôn trọng các nguyên tắc của chính sách đa văn hóa, nhưng thực tế đã cắt giảm khá nhiều các cơ chế và chương trình dành cho di dân. Chiều hướng muốn lùi dần về quá khứ càng mạnh hơn với chính phủ Howard, người từng tuyên bố “Tôi không ủng hộ việc trở lại với chính sách Nước Úc Da Trắng. Nhưng tôi tin rằng, dưới cái nhìn của một số người trong cộng đồng ta, điều tuyệt diệu nhằm ích lợi ngay lúc này và để củng cố sự gắn bó xã hội, là nên giảm nhịp độ di dân đi một chút để cộng đồng có đủ khả năng hấp thụ nó nhiều hơn”.

Chính trong thời John Howard làm thủ tướng, “ngôi sao sáng” kỳ thị chủng tộc Pauline Hanson đã xuất hiện, với bài diễn văn đầu tiên đọc tại quốc hội ( 10-09-1996) trong đó có câu: “Tôi cũng như hầu hết các người Úc muốn chính sách di dân của chúng ta được tái duyệt một cách triệt để và bãi bỏ hẳn chính sách đa văn hóa. Tôi tin rằng chúng ta đang bị nguy cơ tràn ngập bởi người Á Châu. Trong khỏang các năm 1984 và 1995, bốn mươi phần trăm các di dân du nhập xứ này có nguồn gốc Á Châu. Họ có văn hóa và tôn giáo riêng của họ, tạo nên những khu biệt cư (ghettos) và không chịu đồng hóa”.

Giáo hội Công Giáo Úc, thoạt đầu, chịu ảnh hưởng nặng nề của hòan cảnh chính trị, nên đã tỏ ra khá khắt khe với những người di dân không cùng gia tài Ái Nhĩ Lan với mình. Điều này, xét cho cùng, chỉ là một phần trong diễn trình đấu tranh cho sự sống còn của chính họ mà thôi. Tuyệt đại đa số những người Công Giáo Úc đầu tiên đều là tội đồ gốc Ái Nhĩ Lan. Họ bị kỳ thị và bức bách đủ điều bởi những người Anh lúc ấy đang nắm quyền bính cả đời lẫn đạo. Nên bắt buộc họ phải gắn bó với Ái Nhĩ Lan như một thứ bản sắc để nhất định duy trì cho bằng được. Các tâm tình gắn bó ấy đến mãi hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn rất mạnh nơi tâm thức người Công Giáo Úc, một tâm thức hết sức Công Giáo Ái Nhĩ Lan. Điều ấy giải thích một phần tại sao Giáo Hội này đã không chấp nhận hoàn toàn thông điệp Exul Familia của Toà Thánh ngay lúc nó vừa được ban hành. Điều ấy cũng giải thích phần nào thái độ và chính sách hiện nay của hầu hết các giáo phận Úc đối với các cộng đồng Công Giáo di dân tại đây về phương diện cơ cấu tổ chức, dù thái độ và chính sách ấy đã giúp đỡ người di dân một cách tốt đẹp, nhất là người tị nạn Công Giáo Việt Nam. Trong khi tại Hoa Kỳ, có giáo phận đã cho phép người Công Giáo Việt Nam thành lập giáo xứ riêng, thì tại Úc, chưa một giáo xứ nào như thế đã được thành lập, dù là ở Sydney hay Melbourne, Brisbane, Adelaide hay Perth.

(còn một kỳ)
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI nhấn mạnh: sự hiệp nhất các Kitô hữu là trách nhiệm của mỗi người
Bùi Hữu Thư
09:18 26/01/2010
Buổi kinh chiều tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô

Rôma, Thứ Hai 25 tháng 1 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI tuyên bố: “Mỗi người đều được mời gọi để đóng góp cho việc thực hiện các bước tiến dẫn đưa đến sự hiệp thông toàn vẹn giữa tất cả mọi môn đệ của Chúa Kitô,” bằng cách đặt để “mỗi người đã rửa tội” trước trách nhiệm của họ. Ngài nhấn mạnh rằng “sự hiệp thông và hiệp nhất của các tông đồ của Chúa Kitô” là “một điều kiện đặc biệt quan trọng” cho sự khả dĩ đáng tin và hiệu quả của nhân chứng của họ.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã chủ tế tối nay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, các buổi kinh chiều của Lễ Thánh Phaolô Trở Lại Đạo, với sự hiện diện của đại diện các giáo hội khác và các cộng đồng giáo hội có mặt tại Rôma đã tham dự vào việc đọc các Thánh Thư trong nghi lễ.

Nghi lễ đã được khởi đầu bằng một bài diễn từ ngắn của Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về sự Hiệp Nhất Kitô Hữu.

Đức Hồng Y Kasper đã ghi nhận rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong nghi lễ kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu nhấn mạnh sự kiện Đức Thánh Cha đã ôm ấp trong lòng ước nguyện sao cho lời cầu của Chúa Kitô được thể hiện: “Xin cho chúng trở nên một.”

Sự Đóng Góp của mỗi người

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tuyên bố: “Sự tham gia trong việc hiệp nhất các Kitô hữu không chỉ là bổn phận của mỗi người, và cũng không chỉ là một hoạt động thứ yếu cho đời sống Giáo Hội. Tất cả mọi người đều được mời gọi để đóng góp cho việc thực hiện các bước tiến dẫn đưa tới sự hiệp thông toàn vẹn giữa tất cả mọi môn đệ của Chúa Kitô, và cũng không bao giờ được quên lãng rằng sự hiệp nhất này trên hết là một quà tặng của Thiên Chúa và phải luôn luôn nài xin.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Thật vậy, quyền lực thúc đẩy sự hiệp nhất phát sinh từ sự gặp gỡ có hiệu quả và mật thiết với Đấng đã Phục Sinh, cũng như điều đã xẩy ra cho Thánh Phaolô trên đường đi Đa Mát và cho Mười Một Tông Đồ và các môn đệ tụ tập tại Giêrusalem.”

Trước hết Đức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phaolô và lòng nhiệt thành của ngài làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, trước khi ngài giảng bài Phúc Âm về các môn đệ Emmau: “Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với họ, an ủi họ, giúp họ vượt thắng sự lo sợ, và hoài nghi, ngồi cùng bàn với họ, và mở lòng cho họ hiểu biết lời Kinh Thánh, khi nhắc về những gì phải xẩy ra và chính là cốt tủy của sự rao truyền Kitô giáo.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhấn mạnh rằng “nhân chứng này, vào thời đó cũng như ngày nay, nẩy sinh từ sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh, được nuôi dưỡng bằng sự tiếp xúc thường xuyên với Người, được làm cho sống động bởi tình yêu mật thiết đối với Người,” vì “chỉ có những ai đã cảm nhận kinh nghiệm về Chúa Kitô hiện diện và sống lại – “Hãy nhìn tay và chân của Ta; chính là Ta đây!” (Luca 24, 39) - những ai được ngồi cùng bàn với Người, được nghe Người nói cho trái tim được rung động, thì mới có thể làm nhân chứng cho Người!”
 
Với các nhà báo: Không được quên những giá trị của tâm hồn
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:58 26/01/2010
ROMA, 25/01/2010 (zenit.org) - Phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò xây dựng và không được quên « những giá trị tâm hồn », Đức Hồng Y Angelo Bagnasco bày tỏ hôm Chúa Nhật ngày 24/01 trong lễ thánh François de sales, quan thầy các nhà báo và báo chí công giáo, được cử hành ở Nhà Hát Chiến Thắng tại Roma dành cho giới truyền hình công cộng Italia, viết tắt là RAI.

Tổng Giám mục giáo phận Gênes và đồng thời là chủ tịch HĐGM Italia đã tự đặt vấn nạn về cái mà phương tiện truyền thông cần làm để giữ trung thành với sứ mạnh của chúng trong thế giới, đặc biệt là trong thế giới ngày nay, với nhiều sự tiến triển tột bậc cũng như các khả năng thật thiên hình vạn trạng.

« Tôi tin tưởng rằng, chúng ta không bao giờ được làm mất đi hương vị và đam mê xây dựng, ngài nói. Xây dựng cái gì ? « Ngôi nhà ». Vâng chúng ta biết rằng con người không thể sống không nhà cửa, một nơi chốn mang lại điều tốt lành cho tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta lấy lại năng lực sống ».

« Chúng ta đề cập đến ở đây một điểm chính yếu: mỗi con người sống không gì lay chuyển trong cuộc đời mình, duy một cái mà họ có, như là một phần không thể bù đắp. Và không có một ai lại muốn bị đánh mất, hoặc lại không cần đến nó. Nhưng để giúp cho nguyện vọng này tức là trở về cội nguồn thì cần có một ngôi nhà ».

« Và ngôi nhà đích thực và đầy đủ nhất, ngài nhấn mạnh, không phải được xây bằng đá, nhưng được con người xây bằng chính bản thân mình với phương thức là chú ý lẫn nhau, cưu mang nhân thế, ngẫm nghĩ sự sống, sự chết, niềm vui, đau buồn, việc làm và xã hội ».

« Bằng một từ, không phải những cái chúng ta có hoặc cái người ta biết để xây dựng ngôi nhà, nhưng là ý nghĩa, là những điều am tường, là sự phán đoán về thang giá trị », Đức Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Gênes giải thích.

Tuy nhiên, hơn cả ngôi nhà, « Con người cần có một con đường để cho phép họ nắm bắt được cái liên quan đến mình, cái vượt lên trên cả chính mình ngõ hầu con người hiểu biết chiều sâu của một lịch sử lớn lao, đó là lịch sử thế giới ».

« Vì vậy đường đi cần dẫn đến ngôi nhà, trở nên có thể nói là điểm giữa của mình, nhưng không phải bằng phương thức hoang dã, mà bằng phương thức tôn trọng nhất có thể, lại vừa tìm kiếm với tinh thần trách nhiệm sự chọn lựa và sự tập hợp trong tất cả những gì mang tính thông tín xác thực, những gì là thực sự cần thiết, thiết thực và tốt lành ».

« Cũng vậy, ngôi nhà không còn là vấn đề của thị trường, và con đường thông tin có thể khiêm tốn vui mừng vì đã góp phần vào việc xây dựng một chỗ ở cho nhân loại », Đức Hồng Y chủ tịch bình luận.

Đức Hồng Y Bagnasco tiếp đó đã mời những nhân viên ngành truyền thông không được quên « những giá trị tâm hồn »: « Không nhà, không đường đi thì không thể lấp đầy trái tim và cuộc sống thể không thỏa mãn. Tinh thần nhân loại không khoan nhượng với kích thước của thế giới: tự nó vượt lên trên, trên cả viễn tượng cảm tính, và bị thu hút bởi tính toàn diện ».

« Chúng ta nên nhớ rằng, nếu không có đường đi, ngôi nhà của con người trở thành nhà tù, không có bầu trời, nó sẽ bị chết nghẹt », Đức Hồng Y bày tỏ.

Như điều Đức Thánh Cha đã nhắc đi nhắc lại không biết mệt mỏi, Đức Hồng Y Bagnasco nói tiếp, « phương tiện thông tin đại chúng có thể gây ra tăm tối, nhưng tất nhiên cũng làm cho chiếu sáng; chúng có thể gây chai lì, nhưng cũng làm cho mềm mỏng; chúng có thể hủy hoại – như chúng ta thấy nhan nhản những ví dụ- nhưng cũng có thể xây dựng ».

Mặt khác, không bao giờ được quên rằng « tâm hồn của đạo đức học Kitô giáo » là « niềm vui ».

« Thiên Chúa không hề ghen tị với các thụ tạo, Đức Hồng Y Bagnasco nói, và Người không từ chối sự sống: ngược lại, đức tin là bạn của con người, của tự do, tình cảm và lý trí. Đức tin mách bảo con đường của niềm vui ».

Chính vì thế mà Tin Mừng, trong cái nhìn tổng thể, là một cuộc phiêu lưu lý thú và chỉ ra khuôn vàng thước ngọc », ngài kết luận.
 
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng đánh tội và sống khắc kỷ
Nguyễn Long Thao
11:43 26/01/2010
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng đánh tội

ROME 24/01/10. – Đức Giám Mục Slawomir Oder, có chân trong uỷ ban cứu xét việc phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, hôm nay thứ Ba 26/01/2010 đã cho phát hành quyển sách có tựa đề “Tại Sao Là Thánh” (Why A Saint), viết về tiểu sử đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong quyển sách này, ngoài những tài liệu mới, ĐGM Slawomir Oder còn công bố hai chi tiết đáng chú ý. Một là ĐGH Gioan Phaolô II đã áp dụng kiểu tu đức thời xưa là đánh tội và sống khắc kỷ. Thứ hai Đức Giáo Hoàng đã chuẩn bị một di chúc nói rằng Ngài từ chức trong trường hợp bị bệnh không chữa trị được.

Về câu chuyện đánh tội, ĐGM Oder viết: “Khi còn ở Krakow hay ở Vatican, Karol Wojtyla (tên của ĐGH Gioan Phaolô II) đã đánh tội”. Đức Giám Mục trưng dẫn lời khai của nhiều nhân chứng được sống gần ĐGH khi còn ở Ba Lan cũng như tại Tòa Thánh Vatican.

Tác giả quyển sách viết tiếp: “Trong tủ quần áo của ĐGH, có treo một thắt lưng đặc biệt được Ngài dùng làm roi da”.

ĐGM Oder cũng viết khi còn là một Giám Mục ở Ba Lan, ĐGH Gioan Phaolô II thường ngủ trên sàn nhà bằng gỗ để tập nhân đức khổ hạnh. Nhiều vị thánh trong Giáo Hội như thánh Phanxicô Thành Assisi, Thánh nữ Catherine Siena, Thánh Ignatius Loyola, cũng đã đánh tội và sống khổ hạnh để tập nhân đức

Tác giả quyển sách xác nhận lúc tình trạng sức khỏe bị suy sụp, ĐGH Gioan Phaolô II đã viết một di chúc nói rằng Ngài từ chức Giáo Hoàng thay vì cai trị Giáo Hội suốt đời một khi bệnh tật của Ngài không chữa trị được hoặc lâm tình trạng không còn khả năng cai quản Giáo Hội. Tài liệu này đức cố Giáo Hoàng ký ngày 15 tháng Hai năm 1989, nghiã là 8 năm sau vụ âm mưu sát hại Ngài tại quảng trường Thánh Phêrô. Tài liệu này trước đây đã được người ta nói tới nhưng chưa ai trích đăng nguyên bản di chúc từ chức của ĐGH.

Tưởng cũng nên nhắc lại hàng trăm ngàn người tham dự tang lễ đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã hô to khẩu hiệu "Santo Subito!" nghiã là hãy phong thánh ngay cho Ngài.
 
Lập trường cuả các Giám Mục HK về Cải Tổ Y Tê trong hoàn cảnh chính trị mới: Phải tiếp tục nỗ lực cải cách y tế
Trần Mạnh Trác
17:13 26/01/2010
Washington –Trong lúc số phận của các dự luật Cải Tổ Y Tế bị đặt trong tình trạng nghi vấn, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston tuyên bố rằng cái thách thức kế tiếp cuả Hội Đồng GM HK là thuyết phục các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ không nên hoàn toàn từ bỏ các nỗ lực cải cách y tế.

Đức Hồng Y đưa ra lời tuyên bố trên với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Hành Động Phò Sự Sống cuả hội đồng giám mục Hoa Kỳ và đồng thời là vị chủ chăn cuả một giáo phận có "con số cao nhất trong nước về nhửng người không có bảo hiểm sức khoẻ."

"Chúng ta cần cải cách y tế," ngài nói trong một cuộc họp với các phương tiện truyền thông Công Giáo tại trụ sở của Hội Đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ tại Washington. "Chúng tôi lo ngại rằng Quốc hội có thể đã mất đi cái đà để cho phép nhiều người được có bảo hiểm,".

Đức Hồng Y DiNardo đã nói ngay trước cuộc diễn hành đánh dấu kỷ niệm 37 năm phán quyết Roe v. Wade quyết định hợp thức hóa phá thai. Ngày hôm trước, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố rằng bà không có đủ phiếu ở Hạ viện để thông qua phiên bản luật cuả Thượng viện.

Với cuộc bầu cử ngày 13 tháng một vừa qua tại tiểu bang Massachusetts, Scott Brown của đảng Cộng hòa đã thắng ghế thượng viện cuả cố TNS Ted Kennedy, do đó đảng Dân Chủ không còn đa số 60 phiếu để bảo đảm mang chiến thắng cho dự luật cuả mình, và cuộc cải cách y tế tại Thượng viện đã bị đặt trong nghi ngờ.

Đức Hồng y DiNardo lưu ý rằng các giám mục HK đã không bao giờ ủng hộ một dự luật cải cách y tế cụ thể nào nhưng luôn luôn "công bố mọi quan tâm của chúng tôi" với các nhà lập pháp. Ngài nói rằng họ cần tiếp tục thúc đẩy cuộc tranh luận tiến về phía trước.

Tại cuộc họp báo này, ông Richard Doerflinger, phó giám đốc ủy ban phò sự sống, cho biết những thách thức về cải cách y tế "đã chuyển biến rất nhiều trong tuần lễ cuối cùng."

"Bây giờ chúng tôi không biết sẽ có một dự luật nào không," ông nói. "Bây giờ chúng ta chỉ có thể khuyến khích Quốc Hội không bỏ cuộc trên một vấn đề đạo đức như thế này."

Nói một cách đơn giản nhất, các giám mục HK muốn thấy có một cuộc cải tổ Y Tế, trong đó "mọi người đều được chăm sóc và không có ai bị cố ý giết đi" ông Doerflinger tóm tắt như trên.
 
Haiti: Vatican lập quỹ cứu trợ bằng loại tem mới
Peter Nguyễn Minh Trung
20:38 26/01/2010
VATICAN, 26-01-2010 (CNA) -- Văn Phòng Tem và Đúc Tiền của Tòa Thánh, hay còn được biết đến với cái tên khác là Phòng Tem và Tiền xu, vừa công bố hôm qua về việc họ sẽ tăng giá loại tem sắp phát hành lên cao hơn một chút để gây quỹ cứu trợ các nạn nhân còn sống sót sau trận động đất ở Haiti. Sáng kiến trên hy vọng sẽ mang lại số tiền hơn 210.000 Mỹ kim cho quỹ.

Loại tem trên sắp được in ấn và phát hành tại Vatican để đánh dấu dịp kỷ niệm 1500 năm Đền thờ Đức Bà của Các Ơn Huệ (The Sanctuary of Our Lady of Graces). Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết loại tem mới này sẽ chào bán với giá cao hơn bình thường vì “sáng kiến đặc biệt giúp người dân Haiti.”

Giá một con tem bình thường là 65 cent (đồng Euro) theo tỷ giá bưu điện Italia. Theo đó, 900.000 con tem mà Tòa Thánh sắp phát hành sẽ được chào bán cao hơn giá bình thường 20 cent. Nghĩa là một con tem như vậy có giá 85 cent. Số tiền thặng dư này sẽ hoàn toàn được cho vào quỹ nói trên.

Hình in trên tem sẽ là Nhà thờ Đức Bà của Các Ơn Huệ, nơi này nằm trên một ngọn núi cao cách Vatican khoảng 40 dặm về phía Tây.
 
Một Giám mục Anh giáo bị bắt cóc ở Nigeria
Peter Nguyễn Minh Trung
20:39 26/01/2010
BENIN, NIGERIA, 26-01-2010 (CNA) -- Giám mục Anh giáo của Tổng Giáo Phận Benin, Nigeria đã bị bắt cóc hôm 24-01-2010 sau khi cử hành Thánh lễ Chúa nhật tại Nhà thờ Chánh tòa thành phố Benin.

Thông tấn xã Truyền giáo Quốc tế (MISNA) cho biết, Giám mục Peter Imasuen đã bị bắt cóc bên ngoài nhà riêng bởi “những người lạ mặt có vũ trang”. Lúc bị bắt, Giám mục Imasuen vừa mới trở về nhà sau khi cử hành một thánh lễ theo nghi thức Anh giáo tại Nhà thờ Chánh tòa Thánh Matthêu tại thành phố Benin, thủ phủ của tiểu bang Edo, miền Nam Nigeria.

Theo tờ Tribune của Nigeria số xuất bản hôm thứ hai, Giám mục Imasuen đã bị nhóm người lạ mặt “kéo lê” ra khỏi tư dinh. Những kẻ có vũ trang đã nhốt người gác cổng lại bằng cách khóa trái cửa rồi tiến đến xe hơi của vị Giám mục và kéo ông đi.

Theo MISNA, vụ bắt cóc vị Giám mục xảy ra chỉ vài ngày sau khi thống đốc địa phương ra quyết định rút các binh sĩ và lực lượng an ninh đặc biệt khỏi đường phố. Trước đó, cảnh sát đã được tăng cường trên các tuyến phố để ngăn chặn những vụ tấn công và bắt cóc. Giám mục Imasuen là người đầu tiên bị bắt cóc kể từ khi an ninh được dỡ bỏ.

Tờ Tribune cho biết nhóm bắt cóc đòi số tiền chuộc vị Giám mục lên đến 50.000.000,00 naira, tức là tương đương 330.000 đôla Mỹ (khoảng 6,27 tỷ đồng tiền Việt Nam).

Ngoài việc giữ chức Tổng Giám Mục Benin, Giám mục Imasuen còn là chủ tịch Hiệp hội Kitô hữu Nigeria, mà theo website của hiệp hội này, thì đây là tổ chức đại kết lớn nhất từng được thành lập ở Nigeria, và thậm chí cả Châu Phi.

Các đại diện của Giáo hội Anh giáo tại Benin chưa có bất kỳ bình luận nào về vụ việc.
 
Caritas khắp thế giới giúp Haiti 65 triệu đôla
Peter Nguyễn Minh Trung
20:40 26/01/2010
PORT-AU-PRINCE, HAITI, 26-01-2010 (CNA) -- Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Caritas Quốc tế, Patrick Nicholson, cho CNA biết số tiền mà Caritas trên toàn thế giới gửi đến để giúp Haiti đã vượt quá con số 42 triệu Mỹ kim hôm 21-01 và lên đến 65 triệu vào hôm nay. Số tiền này đã được chi để cứu trợ khẩn cấp Haiti và những người dân sống sót, giúp mua thuốc men, nước uống, thực phẩm và nơi ở tạm. Caritas đã hỗ trợ hơn 200.000 người sau trận động đất kinh hoàng hôm 12-01.

Nicholson cho biết khoản đóng góp trên đến từ 165 nước thuộc khắp các lục địa nơi Caritas hoạt động: Á Châu, Âu Châu, Bắc và Nam Mỹ, Phi Châu và Châu Đại Dương. Thậm chí, Caritas thành viên của một trong những nước nghèo nhất thế giới là Cộng hòa Congo cũng gửi về số tiền 5000 Mỹ kim, một con số không phải nhỏ ở quốc gia nghèo Phi Châu này.

Ông còn cho biết thêm: “Các hoạt động điều phối, cứu trợ đã, đang và sẽ diễn ra tiếp tục. Hơn nữa, chúng tôi còn có 40 xe tải chở hàng hóa cứu trợ từ Cộng hòa Dominican.”

Hiện nay có 500 nhân viên Caritas đang làm việc tại Haiti, bao gồm 60 linh mục và tu sĩ làm việc ở 32 giáo xứ để phân phát hàng cứu trợ tới 150.000 người.

Khi được hỏi Caritas sẽ làm gì với số tiền cứu trợ vượt chỉ tiêu họ đề ra, Nicholson cho biết: “Caritas sẽ sử dụng cho đến đồng xu cuối cùng để giúp tái thiết Haiti, giúp xây dựng lại các trường học, bệnh viện, các khu định cư lâu dài, giúp người dân tìm kế sinh nhai và chuẩn bị cho họ những gì cần thiết để đối phó với các thảm họa tương tương tự trong tương lai.”

“Những kế hoạch dài hạn trên vẫn đang được phác thảo. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung vào việc cứu trợ khẩn cấp những người sống sót bằng các nhu yếu phẩm, y tế, thức ăn, nước uống và các khu tạm trú”, Nicholson nói.

Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Caritas Quốc tế cũng bày tỏ sự quan tâm về việc các công trình hữu ích cho cộng đồng tại Haiti bị động đất phá hủy, khiến cho các công tác cứu trợ gặp khó khăn. Trong số những công trình bị hư hại hay tàn phá nặng nề bởi cơn địa chấn, có bệnh viện Thánh Francis de Sales đã mở cửa trở lại để giúp hàng ngàn người mỗi ngày.

Một thống kê mới nhất hôm 24-01 của chính phủ Haiti cho biết hơn 150.000 xác chết đã được chôn trong các khu mộ tập thể. Ngoài ra nhiều xác chết vẫn còn nằm trên đường phố và chưa được thu gom. Con số người thiệt mạng tiếp tục tăng lên, dự đoán sẽ vượt ngưỡng 200.000 người, gồm cả những xác đang mắc kẹt dưới các đống đổ nát và chưa được tìm thấy.

Hàng ngàn người dân, tổng thống và các quan chức cao cấp Haiti, nhiều Giám mục trong và ngoài nước, hàng trăm linh mục và tu sĩ nam nữ cùng các toán cứu trợ nước ngoài đã tham dự lễ tang Tổng Giám Mục Miot và Đức ông Tổng đại diện Benoit của Port-au-Prince hôm 24-01, ở quảng trường Nhà thờ Chánh tòa bị đổ nát, dưới sự chủ tọa của Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Haiti.

Cơ quan Cứu trợ Công giáo (CRS) cũng là một thành viên của Caritas Quốc tế.
 
Philippines: Hội nghị Linh mục Toàn quốc lần thứ 2 tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới
Peter Nguyễn Minh Trung
20:44 26/01/2010
MANILA, PHILIPPINES, 25-01-2010 (CBCP) -- Hơn 5000 linh mục cùng với Giám mục và Bề trên các Dòng tu khắp cả nước đã tề tựu về Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) dọc theo Đại lộ Gil J. Puyat ở thành phố Pasay để tham dự Hội nghị Linh mục Toàn quốc lần thứ hai. Đây là cuộc tập hợp linh mục lớn nhất từ trước đến nay tại Philippines.

Việc đăng ký chỗ của các linh mục bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào xế chiều.

Chương trình làm việc buổi sáng bắt đầu bằng phần cung nghinh Thánh tích của Thánh Gioan Maria Vianney (Cha sở họ Ars - Bổn mạng các Linh mục) và cuộc rước Đàng Thánh Giá với ảnh Đức Mẹ Fatima.

Đức ông Jose C. Bernardo Jr., Thư ký Ủy ban Giáo sĩ thuộc Hội Đồng Giám Mục Philippines nhắc lại với các tham dự viên về Hội nghị Linh mục Toàn quốc lần thứ nhất, được tổ chức năm 2004, và Hội nghị lần này là tiếp bước của chuyến hành trình trước.

Chủ đề của Hội nghị Linh mục Toàn quốc lần thứ hai là: “Lòng trung tín của Đức Kitô, lòng trung tín của Linh mục.”

Lúc khai mạc, Đức cha Florentino Lavarias, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ của Hội Đồng Giám Mục Philippines, đã đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi hàng giáo sĩ Philippines.

Thánh Lễ khai mạc do Đức Tổng Giám Mục Edward Joseph Adams, Sứ Thần Tòa Thánh tại Phillippines, chủ sự.

Đức Sứ Thần kêu gọi các linh mục suy niệm về bài Phúc âm trong ngày lễ Thánh Phaolô trở lại và khuyến khích hàng giáo sĩ noi gương của thánh nhân.

Đức TGM Angel N. Lagdameo, nguyên Chủ tịch HĐGM Philippines, đã xướng Kinh Kính Mừng và hát bài Salve Regina trong lễ khai mạc.

Cựu Đại Sứ Philippines tại Vatican, ông Henrietta T. De Villa; và Linh mục Dòng Don Boso Francis D. Gustilo đã có bài tham luận trong ngày làm việc đầu tiên.

Đức Hồng Y Gaudencio B. Rosales, TGM Manila, đã đọc bài diễn văn kêu gọi các linh mục tham dự viên tĩnh tâm và suy lắng.

Vào lúc 3h chiều đã có buổi đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa do Đức cha phụ tá của Antipolo, Francisco M. De Leon, chủ sự và giảng thuyết do Linh mục Thần học gia Phủ Giáo Hoàng Raniero Cantalamesa, OFM đến từ Rôma.

Hội nghị bao gồm các cuộc tĩnh tâm sẽ kéo dài 5 ngày và sẽ kết thúc vào ngày 29-01 với cuộc rước trọng thể từ WTC tại Pasay đến một sân vận động có mái che cách đó 1.2 km.

Sẽ không có thánh lễ và các cử hành Bí Tích trên khắp cả nước trong thời gian diễn ra Hội nghị.

Peter Nguyễn Minh Trung
 
Đọc báo quốc tế: Cha Bề Trên Tổng Quyền DCCT lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho người Công giáo Việt Nam bị đàn áp
Lý Khánh Huy
22:50 26/01/2010
Ngày 26 tháng một 2010 (CNA). - Sau khi các cuộc đàn áp người Công giáo vẫn tiếp diễn tại Việt Nam, Bề Trên Tổng Quyền DCCT đã lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho Dòng Chúa Cứu Thế và cho người Công giáo VN.

Sự cố đã xảy ra tại giáo xứ Đồng Chiêm thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Chính quyền đã phá nổ một cây thánh giá tại nghĩa trang cuả giáo xứ ngày 6 tháng 1. Hiện chính phủ đang phong tỏa khu vực xung quanh giáo xứ và giáo dân đã bị đánh đập và bị bắt giữ hàng loạt.

Tuần trước một thầy trợ tá DCCT, Anthony Nguyễn Văn Đường 36 tuổi, đã bị công an đánh đập tàn nhẫn gần giáo xứ. Thầy đã nằm bất tỉnh trong một bể máu.

Cha Michael Brehl, vừa được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền DCCT, nói với cơ quan truyền giáo Fides rằng Dòng Chúa Cứu Thế hy vọng chính phủ Việt Nam điều tra các vụ việc và sẽ hành động "hợp với công lý."

Phát biểu từ Roma vào ngày Chủ nhật, Cha Brehl cho biết rằng Bề Trên Giám Tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam đã yêu cầu cầu nguyện.

"Tình hình rất là căng thẳng, không chỉ cho Dòng Chúa Cứu Thế mà còn cho nhiều giáo dân khác, đặc biệt là những người tích cực trong công tác mục vụ. Tôi đảm bảo lời cầu nguyện đặc biệt cuả chúng tôi cho tất cả các anh em Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam và cho tất cả những người đoàn kết làm việc với chúng tôi. Chúng tôi sẽ không quên họ trong thời gian cần kíp này! "

Cha Tổng Quyền lưu ý rằng chính phủ đã chối trách nhiệm về việc phá hủy cây thánh giá, điều mà các giám mục Việt Nam, các nhân chứng và một số nhà báo độc lập đã tranh cãi.

"Phản ứng của chúng tôi là cầu nguyện," Cha Brehl nói.

Ngày chủ nhật vừa qua một đêm canh thức cầu nguyện đã được tổ chức long trọng tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Hà Nội. Hàng ngàn người tham gia, phụ tá Giám mục Lawrence Chu Văn Minh chủ sự.

Các giáo dân đã cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, người thường bị chính phủ chỉ trích và yêu cầu phải từ chức.

Hàng ngàn người Công giáo cũng tham dự một đêm chủ nhật canh thức cầu nguyện tại tu viện DCCT tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan Fides cho biết. Họ đã cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực và cho các giáo dân Đồng Chiêm. Họ cũng cầu nguyện cho chính phủ Việt Nam và toàn bộ quốc gia, cho hòa bình, hòa hợp, công lý và sự thật được áp dụng tại nước này.

Hàng trăm cảnh sát đã trà trộn vào với giáo dân, theo báo cáo cuả Sơ Emily của VietCatholic.net.

Tại buổi cầu nguyện, cha Giuse Lê Quang Uy đã ngỏ lời với cảnh sát, ngài nói, "Nếu các bạn muốn bắt tôi, các bạn có thể làm ngay bây giờ. Tôi sẵn sàng đi với các bạn. "

Ngài đảm bảo với họ rằng giáo đoàn của ngài sẽ không chống cự.

"Các bạn có nghe thấy những gì chúng tôi đang hát không" vị linh mục hỏi cảnh sát?. "Lạy Chúa, hãy làm cho con nên dụng cụ bình an của Chuá; đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Các bạn có thầy lời nào mà chúng tôi cầu nguyện chống lại các bạn không? "

Đên canh thức diễn ra mà không có sự cố gì xảy ra. Trước đó, cảnh sát đã công khai đe dọa sẽ có "những hành động cực đoan" nếu đêm canh thức tiếp tục như dự định.

Chính quyền của TP Hồ Chí Minh đã cáo buộc các linh mục lạm dụng vai trò của mình trong những buổi cầu nguyện để "bóp méo" tình hình của Việt Nam và để tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền.Thành phố kết án rằng những hành động như vậy là phá hoại sự đoàn kết dân tộc và tiếp tay với các thế lực thù địch với chính phủ Việt Nam.

Cha giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam Vinh Sơn Phạm Trung Thành trước đó cũng tổ chức một Thánh lễ ngày chủ nhật với hơn 2.000 người tham dự. Fides cho biết rằng ngài đã cầu nguyện cho sự kết thúc đàn áp Giáo Hội và các tín đồ vô tội.

Dòng Chúa Cứu Thế đã yêu cầu chính quyền Hà Nội bãi bỏ sự bao vây Giáo Xứ Đồng Chiêm, ngừng đe dọa giáo dân, chấm dứt những giam giữ tùy tiện, khởi tố những kẻ tấn công người Công giáo, và tôn trọng tự do tôn giáo và những biểu tượng đức tin của Kitô giáo.

Theo VietCatholic.net những người Công giáo ở nước ngoài cũng đã dâng lời cầu nguyện cho Việt Nam,. Vào ngày 20 tháng một, một đêm canh thức đã được tổ chức tại Sydney, thu hút hàng ngàn người và ngày 23 tháng một, một Thánh lễ đã cử hành tại Trung tâm Mục Vụ Công Giáo Quận Cam ở California để cầu nguyện cho Đồng Chiêm.
 
Top Stories
La violenza ha vinto: rimosse le croci di Dong Chiem
Asia-News
06:22 26/01/2010
“Scortati” dalla polizia, alcuni fedeli sono stati costretti a riportarsi a casa i crocefissi che erano stati portati sul monte Che. I media statali parlano di parrocchiani “persuasi ed educati” dalle autorità, il parroco nega che sia stato un atto volontario.


I media di regime (Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô, Radio The Voice of Vietnam, Hanoi Television), secondo abitudine consolidate, ieri hanno dato della vicenda una versione addomesticata e trionfalistica, per la quale “dopo molto tempo, persuasi ed educati dai funzionari del comune di An Phu e della contea di My Duc, domenica 24, sotto la guida del parroco Nguyen Van Huu e del suo vicario Nguyen Van Lien, un gruppo di parrocchiani ha rimosso tutte le croci sul monte Che”.

Tale ricostruzione dei fatti viene respinta dai due sacerdoti, che nel corso della vicenda sono stati pubblicamente insultati con gli altoparlanti e ripetutamente vessati dalla polizia con una serie di ordini di comparizione e lunghe ore di interrogatori. “Da venerdì - spiega il responsabile della parrocchia - gli altoparlanti annunciavano la decisione dei dirigenti locali del Partito comunista e delle autorità civili e militari di rimuovere domenica 24 tutte le croci sul monte”. “Un gruppo di parrocchiani è stato costretto dai funzionari a mettere in pratica la decisione, sotto stretto controllo della polizia. Non è stato fatto volontariamente. Abbiamo protestato contro la rimozione delle croci”.

Di buono c’è che, vinta la loro battaglia, le centinaia di agenti e attivisti che avevano occupato il villaggio se ne stanno andando, “per il ritorno alla vita normale”, come dicono i media statali.

Che sembrano non voler porre fine all’attacco contro i cattolici. Sotto tiro ora c’è padre Peter Nguyen Van Khai, redentorista, accusato di “organizzare pellegrinaggi a Dong Chiem” e “esagerare la portata degli incidenti, per motive politici”. Né ha fine la campagna contro l’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngo Quang Kiet e contro I redentoristi della parrocchia di Thai Ha, qualificati “istigatori di sommosse”, per i quali si chiedono severe punizioni.
 
Violence has won: crosses removed from Dong Chiem
Asia-News
06:23 26/01/2010
"Escorted" by police, some faithful were forced to bring the crucifixes that had placed on the mountain home. State media speak of parishioners "persuaded and educated" by the authorities, the parish priest denies it was a voluntary act.

Hanoi (AsiaNews) - In the end, brute force has won. "Escorted" by police, some believers from Dong Chiem climbed the mountain to bring back crosses (pictured) that had been planted by people after 6 January, when police and soldiers had blown up the crucifix that once stood there.

The media regime (Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô, Radio The Voice of Vietnam, Hanoi Television), as in their usual habit, yesterday gave a tamer, triumphalist version of the story, according to which "on Sunday 24 after a lengthy period, convinced and educated by officials of the town of An Phu and the County of My Duc, under the leadership of the parish priest Nguyen Van Huu and his vicar Nguyen Van Lien, a group of parishioners removed all the crosses from Che mountain ".

This reconstruction of events has been rejected by two priests, who throughout the episode were publicly insulted through loudspeakers and repeatedly harassed by police with a series of orders to appear before police and long hours of interrogation. "On Friday - said the head of the parish - the loudspeaker announced the decision of the local leaders of the Communist Party and the civil and military authorities to remove all the crosses from the mountain on Sunday 24th. "A group of parishioners were forced by officials to implement the decision, under close police surveillance. It was not done voluntarily. We protested against the removal of the crosses. "

The good news is that, having won their battle, the hundreds of police agents and activists who had occupied the village are now leaving, "to return to normal life," state media say.

But it seems they have no desire to end to their attacks against Catholics. Redemptorist Father Peter Nguyen Van Khai, is now under fire accused of "organizing pilgrimages to Dong Chiem" and "exaggerating the scope of incidents, for political reasons." Nor has the campaign ended against the archbishop of Hanoi, Mgr. Joseph Ngo Quang Kiet and the one against the Redemptorist parish of Thai Ha, qualified as "instigators of riots”, for which severe punishment is being demanded.
 
Thousands of Vietnamese Catholics pray for end to persecution
Catholic World News
07:05 26/01/2010
Following the siege of a parish in Hanoi, the brutal beating of a religious, and the desecration of a crucifix, thousands of Vietnamese Catholics gathered on January 24 at the Redemptorist monastery in Ho Chi Minh City (the former Saigon) in southern Vietnam to pray for the end of the persecution of the Church in the Asian nation. Earlier in the day, thousands of Catholics gathered at the cathedral in Hanoi to pray for the nation.

The United States Commission on International Religious Freedom has repeatedly asked the US president and State Department to redesignate Vietnam as a country of particular concern in recognition of its egregious violations of religious freedom, but both the Bush and Obama administrations have chosen not to follow the commission’s recommendations. The nation had been designated a country of particular concern until 2006.

6.8% of the nation’s 85.2 million residents are Catholic.
 
Modlitwa za wietnamskie władze (Ba Lan)
Info.Wiara
11:25 26/01/2010
dodane 2010-01-26 Protesty wybuchają w Wietnamie i na całym świecie. Pojawiają się także apele, aby modlić się za Arcybiskupa Hanoi, za ofiary policyjnej przemocy w Dong Chiem, a także za wietnamskie władze.

„Jeśli chcecie aresztować mnie, możecie zrobić to właśnie teraz. Jestem gotowy iść z wami” – powiedział o. Józef Le Quang Uy do setek policjantów, zapewniając ich o tym, że nie będzie sprzeciwu ze strony zgromadzonych wiernych.

Setki tajnych policjantów wmieszało się w zgromadzenie tysięcznych tłumów katolików, którzy uczestniczyli w modlitewnym czuwaniu w niedzielę w nocy w klasztorze redemptorystów w Sajgonie. Katolicy modlili się nie tylko za parafian i ofiary brutalnej napaści w Dong Chiem, ale również za władze wietnamskie. Ojciec redemptorysta w swojej homilii postawił policjantów przed wyzwaniem, wyjaśniając znaczenie modlitewnego czuwania, ceremonii, przed którą lokalne władze publicznie straszyły „najsurowszymi sankcjami” i „aresztowaniami”, gdyby kapłan zignorował ich zakaz i poprowadził planowane nabożeństwo.

Tylko dwa tygodnie po historycznej wizycie wietnamskiego prezydenta Nguyen Minh Triet u Benedykta XVI, 28 grudnia 2009 r., lokalne władze w Ho Chi Minh City wytoczyły swoje działa przeciw wspólnocie redemptorystów, oskarżając ich o wykorzystywanie kościoła Matki Bożej Nieustającej Pomocy jako odskoczni „do przekręcania faktów, do fałszywych oskarżeń, do krytykowania rządu, do wprowadzania wiernych w błąd co do polityki Partii i narodowego prawodawstwa”.

O. Józef Le Quang Uy z zakonu redemptorystów został w tym oświadczeniu władz w sposób szczególny wzięty na celownik, jako główny sprawca „pomówień” wobec Komitetu Ludowego. Zarzucono mu, że „wykorzystuje swoją rolę przewodnika modlitw, aby przekręcać społeczną, polityczną i gospodarczą sytuację Wietnamu a także by pomawiać władze o łamanie praw człowieka”. W ten sposób „podminowuje on wielki narodowy blok na rzecz jedności i pomaga wrogim siłom i reakcjonistom, aby szerzyć wrogą propagandę przeciw Socjalistycznej Republice Wietnamu.”

„Czy słyszeliście, co nasi wierni śpiewają? Panie, uczyń mnie narzędziem Twego pokoju; gdzie jest nienawiść, daj mi siać miłość; gdzie jest krzywda, przebaczenie. Czy słyszeliście, żeby ktoś modlił się o coś złego przeciw wam? – zwrócił się do tajnych policjantów ksiądz… Parafianie byli przygotowani, że może dojść do napaści. Jednak czuwanie modlitewne prowadzone przez o. Józefa Le przebiegło bez żadnego incydentu. Aby uniknąć spowodowania korków ulicznych, dwie godziny wcześniej odbyło się inne modlitewne czuwanie przy świecach w tym samym klasztorze. O. Wincenty Pham Trung Thanh i wietnamski Prowincjał redemptorystów koncelebrował Mszę św. wraz z 30 kapłanami, włącznie z diecezjalnymi księżmi z okolicznych parafii.

Przełożony Prowincji potępił zburzenie religijnego symbolu wiary wyznawanej przez miliardy chrześcijan w świecie oraz gotowość władzy do użycia wielkiej armii zawodowych żołnierzy, aby rozpętać brutalną przemoc przeciw kobietom i dzieciom. Prowincjał poprosił ponad dwutysięczną rzeszę zgromadzonych katolików o modlitwę w intencji zakończenia prześladowań Kościoła i niewinnych wyznawców. Przesłanie o. Michaela Brehl, Przełożonego Generalnego Redemptorystów zostało odczytane przed zgromadzeniem. „Zapewniłem o. Wincentego [prowincjała wietnamskiego], wszystkich współbraci i wszystkich mężczyzn i kobiety, z którymi pracujemy, że solidaryzujemy się z nimi, szczególnie w naszych modlitwach” – napisał lider zakonu redemptorystów.

Również w innych miejscach całego kraju odbywały się liczne czuwania modlitewne, w których formułowano te same intencje. Prawie jednocześnie z czuwaniami w Sajgonie odbyło się modlitewne czuwanie przy świecach w katedrze św. Józefa w Hanoi, któremu przewodniczył ks. bp Lawrence Chu Van Minh, biskup pomocniczy. Zgromadziło ono tysiące katolików. Czuwanie było poświęcone również modlitwie o bezpieczeństwo kochanego przez wiernych Arcypasterza, abp Ngo Quang Kiet, gdyż w ostatnich dniach znowu stał się on celem złośliwych ataków ze strony prorządowych bojówek, które wykrzykiwały komunistyczne slogany i domagały się jego rezygnacji.

Protesty wybuchły również wśród wietnamskich wspólnot katolików w świecie, którzy podzielają te same uczucia oburzenia na wieść o znieważeniu krzyża w Dong Chiem i o nasilaniu się brutalnej przemocy wobec katolików. W Sydney odbyło się czuwanie w dniu 20 stycznia, gromadząc tysiące Wietnamczyków przy kościele św. Łukasza w Revesby. W Stanach Zjednoczonych tysiące katolików zgromadziło się na Mszy świętej w Katolickim Centrum Duszpasterskim w Kalifornii w dniu 23 stycznia, aby modlić się za Dong Chiem i za innych pokrzywdzonych oraz wywyższyć krzyż. Również Komitet Ludzkich i Religijnych Praw zorganizował również manifestację w niedzielę 24 stycznia w Mile Square Park, miasto w Fountain Valley, Kalifornia, żeby budzić świadomość o łamaniu praw człowieka i prześladowaniach religijnych w Wietnamie.

W Niemczech katolicki miesięcznik (Katholische Monatzeitschrift) współpracował z zagranicznymi wspólnotami katolików wietnamskich, aby zainicjować kampanię na rzecz wywyższenia krzyża i modlitwy o sprawiedliwość i pokój w Wietnamie.

(Source: Emily Nguyen/tł. Etek, http://info.wiara.pl/doc/425094.Modlitwa-za-wietnamskie-wladze)
 
Redemptorist Superior General urges prayer for persecuted Vietnamese Catholics
Catholic News Agency
12:44 26/01/2010
Hanoi, Vietnam, Jan 26, 2010 / 02:08 am (CNA).- Following continued government persecution of Catholics in Vietnam, the Redemptorist Superior General has appealed for prayers for the Redemptorists and other Catholics in the country.

Recent incidents have centered at Dong Chiem parish in the Archdiocese of Hanoi. There, government officials blew up a crucifix at a cemetery on Jan. 6. Officials have blockaded the area around the parish and parishioners have been subject to beatings and mass arrests.

Last week, 36-year-old Redemptorist Brother Anthony Nguyen Van Tang was brutally beaten by police near the parish. He was left unconscious in a pool of blood.

Fr. Michael Brehl, the recently elected Superior General of the Congregation of the Most Holy Redeemer, told Fides that the Redemptorists hope the Vietnamese government investigates the incidents and will “act with justice.”

Speaking from Rome on Sunday, Fr. Brehl reported that the Provincial Superior of the Redemptorists in Vietnam has requested prayers.

“The situation is tense, not only for the Redemptorists but also for many lay people, especially those active in pastoral work. I assured all our fellow Redemptorists in Vietnam and all those for whom we work of our solidarity and especially our prayers. Let us not forget them in this time of need!”

The Superior General noted that the government has denied responsibility for the destruction on the crucifix, but this is disputed by the Vietnamese bishops, witnesses and some independent journalists.

“Our response is prayer,” Fr. Brehl said.

On Sunday a solemn prayer vigil was held at St. Joseph Cathedral in Hanoi. Thousands participated in the vigil, at which Auxiliary Bishop Lawrence Chu Van Minh was the presider.

The faithful have prayed for Archbishop Ngo Quang Kiet, who has often been criticized by the government and has asked to resign.

Thousands of Catholics also attended a Sunday prayer vigil at the Redemptorist monastery in Ho Chi Minh City, Fides says. They prayed for the victims of violence for the faithful of Dong Chiem. They also prayed for the Vietnamese government and the entire nation, exhorting that peace, harmony, justice and truth prevail in the country.

Hundreds of police mingled among the congregation, Sr. Emily Nguyen of VietCatholic.net reported.

At the vigil Fr. Joseph Le Quang Uy addressed the police, saying, “If you wish to arrest me, you can do it right now. I am ready to go with you.”

He assured them that his congregation would not resist.

“Did you hear what our faithful are singing?” the priest asked the plainclothes police. “Lord, make me an instrument of Your peace; where there is hatred, let me sow love; where there is injury, pardon. Did you hear them praying for any evils against you?”

The vigil proceeded without incident. Previously, police had publicly threatened the vigil with “extreme actions” should it continue as scheduled.

The government of Ho Chi Minh City has accused the priest of abusing his role in prayer vigils to “distort” the situation of Vietnam and to denounce human rights violations. The city charged that these actions undermine national unity and enable forces hostile to the Vietnamese government.

The Vietnamese Redemptorists’ provincial superior Fr. Vincent Pham Trung Thanh also celebrated a Mass on Sunday before more than 2,000 Catholics. Fides reports that he sought prayers for the end of the persecution against the Church and for the innocent faithful.

The Redemptorists have asked Hanoi authorities to lift the “siege” of the Church of Dong Chiem, to stop intimidation towards believers, to release those arbitrarily detained, to prosecute those who attacked Catholics, and to respect freedom of religion and the symbols of the Christian faith.

Catholics abroad have also turned their prayers to Vietnam, VietCatholic.net reports. On Jan. 20 a vigil held in Sydney attracted thousands and on Jan. 23 a Mass at Orange County Catholic Pastoral Center in California to pray for Dong Chiem.
 
Le gouvernement vietnamien recourt à la violence contre les catholiques
La Croix
14:03 26/01/2010
Le gouvernement vietnamien recourt à la violence contre les catholiques

L’archevêque de Hanoï refuse de réagir, pour ne pas donner prise à la critique des autorités

Une croix a été réduite en miettes. Un journaliste catholique, battu. Un religieux rédemptoriste, laissé inconscient sur la chaussée. Depuis trois semaines, la paroisse de Dông Chiêm, à Hanoï, est la cible de provocations des autorités.

Malgré ces violences, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, archevêque de Hanoï, reste discret. Il n’a adressé, en son nom propre, aucune remontrance publique aux auteurs de ces attaques. Il n’a signé aucun communiqué pour condamner ces tensions. Il a préféré laisser la plume à son premier secrétaire.

« Nous pensons que les autorités vietnamiennes essaient de pousser l’archevêque à s’impliquer dans cette affaire. Elles cherchent un prétexte pour le chasser de Hanoï », commente Tiep (1), un avocat catholique vietnamien. D’après lui, l’archevêque se garde bien de répondre à ces provocations. Et préfère prendre du recul. Il aurait quitté la capitale il y a deux semaines, alors que montait encore l’agitation à la paroisse de Dông Chiêm.

Les forces de l’ordre n’ont pas laissé le temps de parlementer

Le 6 janvier, vers 2 heures du matin, des centaines de policiers ont encerclé la montagne Tho, située dans cette paroisse de la capitale. Ils ont détruit la grande croix érigée au sommet. Motif ? Sa construction serait illégale. L’Église affirme que la montagne Tho est propriété de la paroisse. Alertés en pleine nuit, des fidèles ont tenté de s’opposer à la démolition. Deux d’entre eux ont été grièvement blessés. Une dizaine d’autres ont été arrêtés et placés en détention.

« J’ai vu deux récipients de gaz lacrymogènes et beaucoup de cartouches éparpillées, raconte Khoa, un prêtre de Hanoï, arrivé très tôt sur les lieux. J’ai vu des vêtements tachés de sang. J’ai encore vu des femmes et des enfants blessés à la tête. »

Pour les catholiques de Hanoï, les autorités sont prêtes à de telles violences pour obliger l’archevêque à réagir et à le prendre ensuite pour cible. Ils notent que les forces de l’ordre n’ont pas laissé le temps aux paroissiens de parlementer pour empêcher la profanation de leur lieu saint. « Elles ont cherché à se battre, c’est tout », raconte un témoin.

Les fidèles s’organisent eux-mêmes pour protester

Ils remarquent également que le pouvoir n’est pas prêt au dialogue. « Un évêque a proposé que la croix soit reconstruite à un endroit moins visible, explique Tiep. Les autorités n’ont pas répondu. Et les violences se sont poursuivies. » Un journaliste catholique qui couvrait les événements a été molesté. Le frère rédemptoriste Tang a été chassé de Dông Chiêm et roué de coups. Il n’a retrouvé ses esprits qu’une heure après la bastonnade.

Prudent, l’archevêque de Hanoï préfère sans doute rester en retrait pour ne pas alimenter la campagne de dénigrement dont il fait l’objet depuis deux ans. Ses paroles sont régulièrement reprises et déformées par des médias proches du pouvoir. Les autorités semblent ne pas lui avoir pardonné la résistance des catholiques de Hanoï qui, fin 2007, refusaient de céder l’ancienne délégation apostolique et quelques hectares de la paroisse de Thai Ha, accaparés par le pouvoir.

Aujourd’hui, les fidèles comprennent la retenue de leur archevêque. Ils s’organisent eux-mêmes pour protester contre les violences. Dans une lettre adressée aux autorités, la paroisse de Dông Chiêm demande la levée du siège de l’église et la remise en liberté de ceux qui ont été arbitrairement arrêtés.

«Nous avons besoin d’être encadrés»

Les fidèles bataillent aussi sur Internet. « Je dis aux témoins de photographier les violences », explique le P. Khoa, qui met en ligne ces images. De leur côté, les autorités vietnamiennes vilipendent les médias étrangers qui reprennent ces informations. « Il n’y a pas eu de persécutions à Dông Chiêm », claironnent-elles.

Cependant, les paroissiens regrettent l’absence de leur archevêque. « Nous avons besoin d’être encadrés car nous sommes parfois trop véhéments », reconnaît un fidèle qui avait manifesté en 2007 à la délégation apostolique. Là, il avait osé enjamber le mur de la propriété devant les forces de l’ordre. Aujourd’hui, il mesure la portée de son geste, spontané. Et il aimerait que la protestation de Dông Chiêm soit plus organisée, afin qu’elle gagne en efficacité.

Rémy FAVRE (à Phnom Penh)

(1) Les noms ont été changés.
 
Denial of the right to own private property: root cause of unrests, Cardinal says
Emily Nguyen
16:56 26/01/2010
Repeating suggestions of Catholic bishops in Vietnam, a Cardinal attribute spreading civil unrest in the country to the government's denial of the right to own private property.

“Vietnam law has since 1975 denied the right to own private property. I don't really know what was the intention of those who drafted that law, whether to build a better and more just society or else? But in reality, it has opened up for so much abuses, injustice, and spreading civil unrest,” Cardinal Jean Baptiste Pham Minh Man of Saigon Archdiocese told La Croix in an interview on Jan. 24.

Catholic bishops in the country, including himself, have repeatedly urged the government to revise its land laws. Specifically, in the statement titled “Viewpoint of the Vietnam Conference of Catholic Bishops toward current issues,” published on Sep. 25, 2008, the bishops recommended a revision of the system of land laws “taking the right to own private property into consideration as stated in the Universal Declaration of Human Rights: ‘Everyone has the right to own property alone as well as in association with others.’ and ‘No one shall be arbitrarily deprived of his property"

The result? "As of now, we have yet to see any concrete result, and the main reason may be due to the lack of unanimity within the governmental structure," Cardinal Pham lamented.

The arbitrary deprivation of Church properties by local authorities has caused protests and tense Church-State relation. In seeking solution to resolve the conflicts, Vietnam government opts to do it through violence, and oppression. This “goes against cultural traditions and moral values of the nation,” the Cardinal insisted, explaining that “The culture and moral values we have for ages built on the brotherhood of fellow countrymen, the mutual respect and assistance; not on the system of power and violence being used to exclude their very fellow countrymen ".

Cardinal Jean Baptiste Pham also took the opportunity to the defend Redemptorists in his archdiocese and Fr. John Le Trong Cung, Vice-Chancellor of Hanoi Archdiocese. State media and the state-controlled “Vietnam Committee for Catholic Solidarity” have described them as “the instigators of riots", calling for severe punishments.

“The government considers them rebels,” he said, “while they themselves believe they are free citizens with social responsibilities to fight for human rights and to contribute to the construction of a just, democratic, and more civilized society.”

Authorities have attacked Redemptorists at the Church of Our Lady of Perpetual Help in Saigon for their criticism against governmental bauxite projects and their support for their brothers in Hanoi who have been fighting to regain their land, unfairly seized by the city. While Fr. John Le Trong Cung, Vice-Chancellor of Hanoi Archdiocese, has been attacked for his statements regarding the demolition of a crucifix at Dong Chiem.

The Cardinal did not hesitate to address another sensitive issue: the distortion of an idea of Pope Benedict XVI that “a good Catholic is also a good citizen” which he said in a speech to Vietnamese bishops during the Ad Limina visit on June 27, 2009.

A good citizen, interpreted by the state propaganda system, is one who loves the regime, its ideology, never criticizes it but blindly follows its instructions. To set the record straight, the Cardinal praised said priests as “good example for families and social organizations” for their “resolute fight against the power abuse and the violence of the government” urging the re-construction of the system of education to build more humane generations in which moral values are exhorted.

He also lamented on the distortion and tailoring information by mass media that Catholic bishops in Vietnam have repeatedly complained.
 
Appell des Generaloberen der Redemptoristen (tiếng Đức)
Nachrichten / Glaube,Liebe,Hoffnung
20:36 26/01/2010
ASIEN/VIETNAM - „Wir dürfen unsere Mitbrüder und die Gläubigen in Vietnam nicht vergessen“: Appell des Generaloberen der Redemptoristen (tiếng Đức)

http://www.glaubeaktuell.net/portal/nachrichten/nachricht.php?IDD=1264426775&IDB=1&IDDLink=&IDDParent=1067270799

(Rom/Fidesdienst - 26.1.2010) – „Wir hoffen, dass die Regierung in Vietnam im Zusammenhang mit den Zwischenfällen in Dong Chiem ermittelt und mit den Mitteln der Justiz vorgeht. Der Provinzial der Redemptoristen in Vietnam bittet um unser Gebet in diesem schwierigen Moment. Die Lage ist angespannt und zwar nicht nur für die Redemptoristen, sondern auch für viele Laiengläubige, vor allem für solche, die sich aktiv engagieren. Ich habe allen Mitbrüdern in Vietnam und allen, für die wir dort arbeiten, unsere Verbundenheit zum Ausdruck gebracht und sie insbesondere unseres Gebets versichert“, heißt es in einem Appell des Generaloberen der Redemptoristen, P. Michael Brehl, der dem Fidesdienst vorliegt. P. Brehl nimmt derzeit in Rom an einer Sitzung des vor kurzem neu gewählten Generalrats des Ordens teil.

P. Brehl betont im Gespräch mit dem Fidesdienst, dass „Redemptoristen in aller Welt die Entwicklung in Vietnam mit Sorge verfolgen, wobei sie vor allem auch der Gesundheitszustand des 36jährigen Mitbruders Anthony Nguyen Van Tang besorgt, der brutal zusammengeschlagen und bewusstlos in einem Blutbad zurückgelassen wurde“.

„Die Lage ist sehr angespannt. Über die Einzelheiten der Entfernung des Kreuzes in der Pfarrei Dong Chiem in der Erzdiözese Hanoi wurde in den Medien eingehend berichtet. Die Regierung lehnt jede Verantwortung ab, doch dafür wird sie von den Bischöfen, von einigen Augenzeugen und von den unabhängigen Berichterstattern kritisiert“, so der Generalobere.

In der St. Josephs-Kathedrale in Hanoi fand unterdessen am gestrigen Sonntag eine Gebetsvigil mit dem Weihbischof von Hanoi, Lawrence Chu Van Minh, statt, an der tausende Gläubige teilnahmen. Die Gläubigen beteten dabei auch für Erzbischof Ngo Quang Kiet von Hanoi, der bereits in der Vergangenheit oft von der Regierung kritisiert wurde, die unter anderem auch dessen Rücktritt fordert.

Auch im Kloster der Redemptoristen in Ho Chi Minh City nahmen gestern tausende Katholiken an einer Gebetswache teil. Dabei wurde nicht nur für die Opfer der Gewalt und für die Gläubigen in Dong Chiem gebetet sondern auch für die vietnamesische Regierung und für ganz Vietnam, damit im Land die Prinzipien des Friedens, der Harmonie, der Gerechtigkeit und der Wahrheit gelten.

Der Provinzial der Redemptoristen in Vietnam, P. Vincent Pham Trung Than, feierte gestern eine Messe mit über 2.000 Gläubigen und bat in seiner Predigt um das Gebet „für das Ende der Verfolgung der Kirche und der unschuldigen Gläubigen“.

Die Redemptoristen in Vietnam wandten sich unterdessen auch mit einem Schreiben an die zuständigen Behörden in Hanoi, in dem sie darum bitten, die Umzingelung der Kirche und der Pfarrei in Dong Chiem zu beenden und von Einschüchterungsmaßnahmen gegen Gläubige abzusehen. Außerdem bitten sie um die Freilassung von willkürlich festgenommenen Gläubigen und Ermittlungen gegen diejenigen, die Katholiken angegriffen und verletzt haben, wobei auch der Mitbruder Nguyen Van Tang besonders erwähnt wird. Schließlich fordert man Religionsfreiheit und Anspruch auf Darstellung der Symbole des christlichen Glaubens.

(Source: http://www.glaubeaktuell.net/portal/nachrichten/nachricht.php?IDD=1264426775&IDB=1&IDDLink=&IDDParent=1067270799)
 
Parafianie w Dong Chiem zmuszeni do usunięcia krzyży
Info.wiara.pl
20:58 26/01/2010
dodane 2010-01-26 - Państwowe środki przekazu w Wietnamie nie ukrywają satysfakcji i jednocześnie donoszą, że parafianie „dobrowolnie” usunęli wszystkie krzyże z Góry Modlitwy, co jest „sukcesem długiego procesu cierpliwego przekonywania, perswazji i edukacji, aby nakłonić parafian w Dong Chiem do zmiany świadomości”. Parafia jednak oskarża policję o zastraszanie, znęcanie się i gwałtowny przymus.

„Po długim czasie przekonywania i edukowania przez urzędników gminy An Phu i dystryktu My Duc, w niedzielę 24 stycznia, parafianie pod przewodnictwem proboszcza parafii ks. Nguyen Van Huu i jego wikariusza ks. Nguyen Van Lien zabrali wszystkie krzyże z Góry Che [zwanej przez katolików Górą Modlitwy]” – tak doniosły w poniedziałek, 25 stycznia prasa, radio i telewizja: „Hà Nội Mới” (dziennik Nowe Hanoi), „An Ninh Thủ Đô” (gazeta Bezpieczeństwo Stolicy), radio Głos Wietnamu, Telewizja Hanoi oraz inne media.

„Sekretarz municypalnego komitetu partii – Pham Quang Nghi, i przewodniczący Nguyen The Thao ze stołecznego komitetu, którzy osobiście byli w Dong Chiem 6 stycznia, aby bezpośrednio nadzorować zburzenie krzyża, przyjęli z satysfakcją wiadomość o usunięciu krzyży. W obliczu wzburzenia i protestów, które wybuchły w Kościele w Wietnamie a nawet poza granicami, ci dwaj urzędnicy dołożyli starań, aby położyć kres skandalowi. Jako logiczny rezultat „zwycięstwa” w spokojnej, ubogiej rolniczej wiosce Dong Chiem nad kobietami i dziećmi, których mężowie i ojcowie są z dala od rodzin zarabiając na życie, setki policjantów wycofały się z Dong Chiem, „aby przywrócić tam normalność życia” – dodały państwowe media.

Te doniesienia jednak spotkały się z natychmiastową ripostą ze strony ks. Nguyen Van Huu i ks. Nguyen Van Lien, którzy w tym czasie [edukowania] byli publicznie piętnowani i poniżani za pomocą głośników i megafonów, którzy byli nieustannie nękani przez policję wezwaniami do stawienia się w komisariatach policji i długimi przesłuchaniami.

„Od piątku, przy pomocy potężnych głośników lokalne władze ogłaszały postanowienie zatwierdzone przez kierownictwo partii oraz przez władze cywilno-wojskowe o usunięciu z Góry wszystkich krzyży w niedzielę 24 stycznia” poinformowała oblężona parafia. „Grupa parafian pod ścisłym nadzorem policji została siłą zmuszona przez tych urzędników do wykonania partyjnej decyzji. Wcale nie było to dobrowolne. Nasi księża konsekwentnie cały czas sprzeciwiali się usunięciu krzyży” – tak bez ogródek parafia prostowała państwowe doniesienia.

Po zburzeniu krzyża w dniu 6 stycznia, parafianie i katoliccy studenci z Hanoi zatknęli na wzgórzu dziesiątki krzyży z zamiarem uczynienia tego wzgórza Góry Krzyży, na wzór podobnej góry, którą stworzyli katolicy na Litwie w czasach komunizmu. Ta idea spotkała się z uznaniem i w kolejnych dniach znalazła licznych naśladowców.

Lokalne władze natychmiast wszczęły akcję zapobiegawczą przez rozmieszczenie wielkiej liczby nieumundurowanych policjantów, gotowych do bezwzględnego rozprawienia się z każdą osobą z zewnątrz próbującą się dostać do parafii.Również dwaj księża byli codziennie wzywani do siedziby Ludowego Komi tetu w My Duc i zmuszani do usunięcia nowo wzniesionych krzyży.

22 stycznia księża zaprotestowali przeciw wezwaniom. Odmówili osobistego stawiennictwa w Ludowym Komitecie w dystrykcie My Duc na tak zwane „godziny edukacyjne”. Następnego dnia policjanci przyszli na plebanię i doprowadzili ich siłą. Miejscowe władze wywierały wielkie naciski również na wiernych w Dong Chiem. „Parafianie byli bombardowani przerażającymi ogłoszeniami płynącymi z publicznych megafonów, które nadawano całymi dniami do późna w nocy” – informują źródła parafialne. „Dziesiątki parafian zostało wytypowanych, a ich imiona wyczytywano cały czas przez głośniki, dołączając groźby aresztowania i poważnych konsekwencji, jeżeli odmówią zabrania swoich krzyży do domów przed końcem niedzielnego dnia.” – dodają źródła parafialne

Setki policjantów i miejscowych urzędników chodziło od domu do domu, aby terroryzować parafian, poniżając i złorzecząc duszpasterzowi w Dong Chiem. To długotrwałe nękanie parafian doszło do szczytu w niedzielny poranek, kiedy policjanci zgromadzili grupę parafian, aby, w towarzystwie pewnej liczby osób zarażonych wirusem HIV – sprowadzonych przez policję, udali się na wzgórze. Tam zostali zmuszeni do usunięcia krzyży i zabrania ich do domów pod ścisłym nadzorem policjantów.

W wojnie medialnej przeciw katolikom, państwowe środki przekazu skierowały swoje ataki przeciw o. P. Nguyen Van Khai, redemptoryście oskarżonemu o „organizowanie pielgrzymek do Dong Chiem” i o „wyolbrzymianie wydarzeń dla politycznych celów”. Arcybiskup Joseph Ngo Quang Kiet wciąż pozostaje na czele rządowej „listy osób do uderzenia”.

Należy zauważyć, że po uroczystych ceremoniach otwarcia Jubileuszu 2010, ten hierarcha kościelny przebywał w prowincji Ninh Binh (90 km. na południe od Hanoi) ze względów zdrowotnych zgodnie z zaleceniami swego lekarza. W nieszczęsnym dniu 6 stycznia powrócił na krótko do Hanoi w związku z dorocznymi rekolekcjami kapłańskimi i powrócił następnego dnia do Ninh Binh. Jednak w ostatnich kilku dniach państwowe media znowu przypuściły zmasowane, złośliwe ataki na Księdza Arcybiskupa i redemptorystów w Thai Ha, których wytypowano jako „podżegaczy zamieszek” i domagały się od władz państwowych surowej kary dla „wichrzycieli”.

(Source: J.B. An Dang/tł. Etek, http://info.wiara.pl/doc/425202.Parafianie-w-Dong-Chiem-zmuszeni-do-usuniecia-krzyzy)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đơn khiếu kiện khẩn cấp về việc chính quyền thu hồi đất của giáo dân Cồn Dầu - Đà Nẵng
Cồn Dầu
10:48 26/01/2010
TIN KHẨN:
Bây giờ là 21giờ tối ngày 26 tháng 01 năm 2010, hiện Công an và dân phòng cùng các thành phần khác bao vây nhà ông Chủ tịch HDGX và một số nhà xung quanh thuộc giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng. Trong những ngày qua công an khủng bố tinh thần giáo dân chung quanh nhà thờ cả ngày lẫn đêm. Nhiều giáo dân đã pjải đóng cửa nhà rời đi nơi khác, còn một số nhà thì bị niêm phong. Công an không cho giáo dân tự do đi lại... Tin này mới nhận được từ ông Chủ tịch HĐGX của giáo xứ Cồn Dầu.


Sau đây là Dơn kêu cứu của giáo dân Cồn Đầu:

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP ĐẾN CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO NƯỚC VIỆT NAM
Kính gửi:
Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
Bí thư nước CHXHCN Việt Nam
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Công An nước CHXHCN Việt Nam
Cơ quan thanh tra TW Đảng nước CHXHCN Việt Nam
Đài truyền hình nước CHXHCN Việt Nam
UBND TP Đà Nẵng

Chúng tôi đồng viết đơn này để nói và kể rõ sự việc của một giáo xứ thôn quê – thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Sự thật mọi việc như sau:

Chúng tôi đã sinh sống, sinh ra và sống tại nơi đây gắn liền cuộc đời của chúng tôi gần 200 năm.

Giáo xứ Cồn Dầu là một Giáo xứ rất lâu đời dân số gần 4000 người.Trên 2000 người đi kinh tế và lập nghiệp tại Easup – Buôn Mê Thuộc, Trà Cổ - Hố Nai tỉnh Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng và nhiều nơi khác... Còn lại gần 2000 người ở lại tại làng. Trên 90% người dân nơi đây sống bằng nghề nông, chăn nuôi và các ngành nghề khác.Hầu hết người dân nơi đây theo đạo Công Giáo. Cách đây 5 đến 10 năm về trước người dân nơi đây đời sống kinh tế phát triển chưa cao, nay đời sống của họ đã ổn định và phồn vinh cuộc sống, sung túc và ổn định.

Nhưng vào năm 2003 lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa ra dự án chỉnh trang tại chổ, sống xung quanh gần nhà thờ của Giáo xứ. Người dân chúng tôi vô cùng vui mừng, mong ước có cuộc sống sung túc, được ở lại quê hương mà bao đời nay người dân gắn liền cuộc đời của họ vào mãnh vườn thửa ruộng con gà, con vịt, con trâu, con bò…

Rồi không biết vì lý do gì dự án không thành làm cho người dân phải khổ sở vì phải vay tiền xây dựng nhà cửa để mong được chỉnh trang tại chổ.
Năm 2008 Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng Lại có dự án Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân giãi tỏa trắng 430ha. Trong đó làng Cồn Dầu chúng tôi 100ha gồm đất ở và ruộng vườn, đưa người dân chúng tôi phải đi xa Nhà thờ và mãnh đất mà bao đời nay gắn liền trong bao thế hệ phải gánh đất tôn tạo nền nhà với giá đền bù như sau:

-Đường 2m: 250.000đ/m2
* Đường 3m: 350.000đ/m2
* Đường 4m: 450.000đ/m2
Đi đến chổ ở mới với giá mua lại như sau:
*Đường: 5m5: 800.000đ/m2
*Đường: 7m5: 900.000đ/m2
*Đường: 10m5: 1.100.000đ/m2.

Nền nhà đất đổ nền cao chính quyền hổ trợ: 5 triệu, 10 triệu, 15 triệu cho mỗi nền. Người dân Cồn Dầu đã họp với lãnh đạo thành phố trên 20 lần. Trong đó 6 lần họp với bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, người dân ước nguyện xin ở lại tại chỗ nhưng ông Nguyễn Bá Thanh trả lời:

- Đã bán 110ha và buộc nhân dân phải di dời đi nơi khác và các ông có mua lại nổi không ?
- Các ông không đủ tiền mua chổ ở của mấy ông đâu ?
- Các ông là người răng hô, tráng dồ nghèo hèn phải ở phía sau ?
- Chúng tôi thấy bất công và làm đơn Kêu cứu gởi lên các cấp từ Phường, Quận, Thành phố đến Trung Ương, và vẫn không giải quyết cho người dân chúng tôi. Ngày đêm người dân chúng tôi âm thầm cầu nguyện xin ở lại mãnh đất chúng tôi mà bao thế hệ đã gắn liền.

Lý do duy nhất là người dân không chấp nhận đi vì mất ruộng đất, vườn ở, đời sống gắn liền với người dân. Nhưng sau đó từ ngày 10/01 - 20/01/2010 Đài phát thanh Phường Hòa Xuân đọc lệnh thu hồi đất ở của người dân giáo xứ Cồn Dầu do ông Võ Văn Thương ký năm 2008. Nhưng nay ông Thương là bí thư quận Cẩm Lệ chứ không phải là chủ tịch Q. Cẩm Lệ bây giờ, mà buộc nhân dân chúng tôi phải chấp nhận theo quyết định ?

Ngày 25/01/2010 bí thư thành ủy Đà Nẵng là ông Nguyễn Bá Thanh dẫn công an, an ninh, cán bộ các cấp từ Phường, Quận, Thành phố trên 100 người xuống tận nhà dân chúng tôi để kiểm định, làm người dân rất kinh sợ, phải đóng cửa nhà đi lánh nạn, công an, ban giải tỏa đền bù, cán bộ các cấp vây suốt cả ngày đêm ăn cơm tại chỗ, có nhà dán giấy chụp hình, dỡ ngói quay phim, làm những điều nhân dân không tưởng được. Không biết những ngày tiếp theo đây người dân Cồn Dầu của chúng tôi có còn yên ổn dưới sự vây hãm của các lực lượng an ninh không? Hiện nay Công an, dân phòng và các thành phần khác đang bao vây một số gia đình buộc họ phải sơ tán. Khủng bố tinh thần giáo dân, niêm phong nhà giáo dân…

Chúng tôi đồng viết đơn này để nói lên sự thật. Kính gởi chính quyền các cấp Trung Ương và các nơi nghiên cứu để giúp đỡ cho chúng tôi, đừng để nhân dân chúng tôi đi đến con đường cùng … và giúp đỡ cho chúng tôi được toại nguyện người công dân đúng theo hiến pháp và pháp luật nước Việt Nam:

1- Được ở lại sống trên mãnh đất mà bao đời đã gắn liền.
2- Được ở lại đi lễ nhà thờ, nhà thờ này là của Giáo hội, cha ông chúng tôi và chúng tôi bỏ tiền ra xây dựng để sống tốt đời đẹp đạo hơn.
3- Không nên lấy đất ruộng của người dân chúng tôi vì nông dân phải có ruộng, có nhà. Chúng tôi lấy gì để sống sau khi mất ruộng, nhà.
4- Tại sao chúng tôi không hưởng được nghị định 69 của Thủ Tướng chính phủ áp dụng với dân làng chúng tôi. Hỏi như vậy có công bằng, dân chủ và thương dân không ?
5- Tại sao chúng tôi là người nông dân không được làm ruộng để sinh sống ?
6- Trong luật đất đai có quy định,khi đi người dân phải có cuộc sống tốt hơn chổ ở cũ khi di dời. Hỏi thành phố Đà Nẵng trong luật đất đai như cách đền bù ở trên, chúng tôi lấy gì để sống và đảm bảo an ninh lương thực như Thủ tướng mong muốn hay không ?

Chúng tôi đồng viết đơn này để nói lên sư thật về một miền quê, một Giáo xứ mà người dân sống chân thật hiền lành, muốn ở lại trên quê hương mà họ đã từng nặng tình nghĩa đã bao đời. Chúng tôi viết đơn này xin gửi lên chính quyền các cấp muôn vàn lần cứu xét cho người dân thôn Cồn Dầu được nhờ.

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 1 năm 2010
Người dân thôn Cồn Dầu đồng ký tên
 
Mỗi người trong giáo xứ Lạc Sơn GP Vinh cầu nguyện đền thay cho tội lỗi người ta phá Thánh giá
LM Nguyễn Minh Tường
11:13 26/01/2010
Đây là cây Thánh Giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian,
Chúng ta hãy đến thờ lạy


Thánh Giá là niềm Tin Yêu, là cốt lỗi của Tin Mừng, là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống. Là sự mến yêu, chung thuỷ, suy tôn, thờ lạy của mấy tỷ người trên khắp hành tinh này suốt mấy ngàn năm qua. 130.000 kitô hữu Việt Nam đã chịu cảnh đầu rơi, máu chảy, ngựa xéo, lăng trì, bá đao, đủ mọi thứ…mà lịch sử Giáo hội đã ghi lại cũng vì lòng yêu mến Thánh Giá.

Vậy mà cách đây mấy hôm tại giáo xứ Đồng Chiêm, Thánh Giá bị đập nát…Đây là một thái độ phi nhân, phi nghĩa mà những người có lương tri không tài nào hiểu nổi.

Thêm vào đó, Thánh Giá ngày xưa, một mình Chúa gần như kiệt sức vác không nổi lên đồi Golgotha, nên kẻ dữ đã nhờ ông Simon vác đỡ Thánh Giá giúp Ngài. Thì nay, tại chỗ Đồng Chiêm không hiểu lý do ma quái gì, nó lại bắt một bà già vác Thánh giá đi ngược trở lại. Than ôi! Nào con chiên Chúa con đâu hết, mà để Thánh Giá cho kẻ ngoại vác làm vậy.

Chưa dừng lại ở đó, nó còn đánh đập tu sỹ, giáo dân bất luận đàn ông hay đàn bà một cách không thương tiếc.

Bởi đó, giáo xứ Lạc Sơn, giáo phận Vinh mỗi người xin được thắp lên cây nến nhỏ trong Thánh Lễ cầu cho Hoà Bình và Công Lý trước hết là để đền tạ Thánh Tâm Chúa, sau là để hiệp thông với mọi người, mọi nơi, mọi tạo vật bằng lời cầu nguyện: Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

Cũng trong tâm tình của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất, cộng đoàn xin dâng lên Cha là Chúa cả trời đất lời ca của lời cầu nguyện năm xưa mà chính Chúa Giêsu đã trăn trở, thao thức: Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta, hầu cho thế nhân tin rằng Cha đã sai Con.
 
Linh Mục: Đức Kitô Khác hay là Khác Đức Kitô
Phêrô Nguyễn Tuấn Hoan
11:59 26/01/2010
LINH MỤC, ĐỨC KI-TÔ KHÁC
hay là KHÁC ĐỨC KI-TÔ


“Năm Thánh Linh Mục” được khai mạc từ ngày 19-6-2009, đến nay đã là 7 tháng. Suốt quá trình hơn nửa chặng đường, dân Chúa không ngừng cầu nguyện cho các linh mục, giám mục được luôn là những mục tử tốt lành, biết chu toàn sứ mạng mà Chúa Ki-tô, Vị Mục Tử Nhân Lành đích thật, đã ủy thác. Sau mỗi thánh lễ có đọc kinh cầu cho các linh mục. Nhưng từ ngày 24-11-2009, Giáo Hội Việt Nam lại khai mạc Năm Thánh 2010 mừng 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm VN, thì nhiều nơi không đọc bản kinh cầu cho các linh mục nữa, mà thay vào kinh Năm Thánh 2010, một vài nơi đọc cả hai kinh, khiến cho giờ lễ kéo dài, gây khó chịu cho nhiều người vì cả 2 bản kinh đều dài lê thê, kể lể van xin đủ điều. Lẽ ra việc này các đấng nên có cách nào hài hòa để “các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”. Nhưng thói quen của dân mình là chuyện gì cũng chỉ khai mạc cho thật long trọng, hoành tráng, rồi đợi ngày bế mạc, để lại tiếp tục khai mạc vấn đề mới. Phần còn lại tuỳ mỗi địa phương cứ tuỳ tiện thêm bớt hoặc lờ đi cũng được. Dù sao thì chủ đề nổi bật của Năm Thánh vẫn là Thánh hóa các linh mục. Bài viết này chỉ muốn chia sẻ một suy nghĩ về tầm quan trọng của sứ mạng linh mục trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội hôm nay, đầy sự gian dối và bất công, có những linh mục thật sự là Đức Ki-tô khác, nhưng cũng nhiều linh mục khác Đức Kitô, thậm chí xuất hiện những linh mục Phản Ki-tô ( viết tắt lm PKT).

1- Linh mục, Đức Ki-tô khác.

Kiểu nói này do cụm từ la-tinh: Alter Christus khá quen thuộc, nguồn gốc có lẽ từ cha thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê. Người ta còn nói cách khác là Đức Ki-tô thứ hai. Nhưng bất kỳ ngôn ngữ nào thì cũng có một giới hạn khi diễn tả một sự kiện hay một sự vật. Khi nói linh mục là một Đức Ki-tô khác, hay là Đức Ki-tô thứ hai, thì có nghĩa là vị linh mục mang trong mình tất cả sứ mạng của Chúa Ki-tô, là mang lấy cả cuộc đời của Chúa Ki-tô. Sứ mạng của Chúa Ki-tô là cứu rỗi nhân loại. Cuộc đời của Chúa Ki-tô là sự dâng hiến hoàn toàn và vâng phục tuyệt đối ý Chúa Cha. Vì thế, khác ở đây không có nghĩa thay thế, như thay một cái xe khác, xây một cái nhà khác, làm quen với một người bạn khác, để rồi có thể sống theo ý mình, tạo cho mình một cung cách khác người, lập dị.

Linh mục là Đức Ki-tô khác, là bởi vì chức linh mục rất cao quý và có tầm quan trọng trong Hội Thánh, đến nỗi Công Đồng Va-ti-ca-nô II khuyến cáo rằng: “Trong việc tuyển lựa chủng sinh, cần phải luôn vững tâm trong việc thử thách, dù phải buồn lòng chịu thiếu linh mục” ( OT 6). Điều đó có nghĩa là thà thiếu linh mục, còn hơn có những linh mục bất xứng, thiếu tư cách. Một điều rất khó, là Công Đồng đòi hỏi những bậc bề trên, dám can đảm khuyên những người do mình hướng dẫn, phải chuyển hướng ơn gọi, vì xét thấy họ không đủ tư cách. Đó là lý do dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong hàng ngũ linh mục ngày nay.

Linh mục là Đức Ki-tô khác, vì qua bí tích truyền chức họ trở thành hiện thân của Chúa Kit-tô Linh Mục, chia sẻ cuộc sống của Người, họ phải tập quen sống kết hợp với Người như bạn hữu (OT 8; PO 12). Từ những con người xác thịt yếu đuối, họ được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến và được Chúa Kitô sai đi, các linh mục phải biết nghe theo sự thúc giục và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, không ngừng cố gắng tiêu diệt nơi mình những thói hư, nết xấu của xác thịt, để không còn sống theo ý riêng mình, mà phải để Chúa làm chủ cuộc đời mình, hầu có thể nói được rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” ( Gl 2,20).

Là Đức Ki-tô khác, các linh mục phải mang lại cho giáo dân sức mạnh và ánh sáng thiêng liêng, để họ có thể vững vàng thể hiện cuộc sống đức tin giữa muôn vàn thử thách trong cuộc sống trần thế. Các linh mục vừa phải sống như những người cha, biết chăm lo cho con cái mình bằng việc phân phát lương thực thiêng liêng và không ngừng đào tạo cho các tín hữu một đời sống đức tin trưởng thành. Đừng hài lòng dừng lại ở những cái hào nhoáng bên ngoài, những xây cất lãng phí, những phát triển giả tạo của những hội đoàn, những phong trào mang tính phô trương, mà bên trong đầy những xấu xa, ghen tương, tự mãn, bè phái (PO 6). Như những người cha, nhưng các linh mục cũng là anh em của mọi người, để phục vụ mọi người như Chúa Giê-su từng nói: “Thầy đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45). Các linh mục phải trở nên mọi sự cho mọi người, dám xả thân vì người khác, dám can đảm nói lên tiếng nói của công lý và sự thật để bênh đỡ những người bị áp bức bất công.

Nêu ra một số điểm chính dựa trên giáo huấn của Hội Thánh, để khẳng định rẳng nếu các linh mục sống được những đòi hỏi trên đây, thì quả thật câu nói: Linh mục là Đức Ki-tô khác không sai chút nào. Lịch sử Giáo Hội để lại cho chúng ta biết bao tấm gương của các linh mục, thời nào cũng có, gần đây nhất là cha Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, đã dám chết thay cho một tù nhân trong trại tù của Đức Quốc xã (1941)…Giáo Hội Việt Nam chúng ta, ngoài những linh mục đã can trường làm chứng cho đức tin bằng cái chết anh dũng của mình, trong những thời kỳ bách hại của các vua chúa. Và thời gian vừa qua, những biến cố dồn dập xảy ra tại Thái Hà, Toà Khâm sứ…và gần nhất là Đồng Chiêm, một số đông linh mục của giáo phận Hà Nội đã can đảm nói lên tiếng nói của công lý, bất chấp những lời răn đe doạ nạt, và đã có những linh mục bị đánh đập dã man. Cũng chính vì vậy mà toàn thể dân Chúa cũng một lòng một dạ, yêu mến, kính phục và gắn bó với các chủ chiên của mình. Tất cả đã vượt qua sự sợ hãi, không lùi bước trước bạo lực, đồng tâm nhất trí thắp sáng ngọn lửa đức tin. Những linh mục đã không tìm lợi ích cho riêng mình, dám hy sinh tất cả, kể cả mạng sống mình cho đoàn chiên, thì quả thật đó là một Đức Ki-tô khác. Nhưng cũng còn nhiều linh mục có cuộc sống không phản chiếu được khuôn mặt đích thật của Đức Ki-tô, mà còn làm méo mó khuôn mặt Đức Ki-tô, những linh mục này có một đời sống hoàn toàn khác Đức Ki-tô.

2- Linh mục, khác Đức Ki-tô hay Phản Ki-tô.

Cuộc đời trần thế của Đức Ki-tô thể hiện trọn vẹn thánh ý Chúa Cha, Người đã nêu cao tấm gương vâng phục cho mọi kẻ theo Người. Bài thánh thi Pl 2,6-11 cho chúng ta thấy sự hạ mình của Đức Ki-tô, đó là một mầu nhiệm có một không hai, Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang (Kenosis), của Con Thiên Chúa, để sống kiếp phàm nhân trong sự vâng phục Chúa Cha. Thánh Phao-lô kêu mời các tín hữu hãy sống với tâm tình ấy của Đức Ki-tô. Vâng phục không phải chỉ là trên bảo sao, dưới nghe vậy. Đó chỉ là cách giữ luật máy móc, nô lệ lề luật. Vâng phục là luôn sẵn sàng tìm ý muốn Đấng đã sai mình, chứ không phải tìm ý riêng mình. Nhiều linh mục chỉ muốn làm theo ý riêng mình, tìm sự thoải mái tiện nghi, thích hưởng thụ hơn là chấp nhận những hy sinh, không muốn chia sẻ cuộc sống với những linh mục khác ở những vùng hoang vu, nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt. Vâng phục còn là biết lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của dân Chúa, đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của họ. Nơi một số linh mục, còn thể hiện sự độc tài khắc nghiệt, khiến cho những giáo dân ít hiểu biết sợ hãi và xa lánh sau khi bị khước từ một yêu cầu chính đáng, chỉ vì thiếu một điều kiện nào đó, mà lẽ ra họ phải được ôn tồn hướng dẫn cho họ biết phải làm những gì, hoặc họ cảm thấy vui vẻ dù yêu cầu đó không được đáp ứng.

Linh mục khác Đức Ki-tô, vì không hề biết chạnh lòng thương những người đang gặp khổ đau, những người đói khát, những người bị bỏ rơi bên lề cuộc sống.

Linh mục khác Đức Ki-tô, vì chỉ biết im lặng không dám lên tiếng bênh vực những người bị áp bức, những người đang chịu sự bất công của bạo lực.

Dửng dưng trước đau khổ của tha nhân, cũng là đồng loã với sự ác. Dụ ngôn ông phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó, minh hoạ cho thái độ dửng dưng này (x.Lc 16,19-31). Không phải cứ có nhiều tiền thì có quyền sống xa hoa hưởng thụ, thu mình trong cái thế giới trưởng giả, không hề nhìn ra bên ngoài, không quan tâm gì đến cảnh khổ đau của những người xung quanh. Có những linh mục, sau ngày lễ “phong chức”, cả cuộc sống sau này chỉ nghĩ đến “phong bì”. Có “phong bì” thì mọi sự dễ dàng.

Giáo Hội Việt Nam hôm nay, không chỉ có các linh mục khác Đức Ki-tô, mà còn có những linh mục sống phản lại sứ mạng của mình, thoả hiệp và chung đường với quyền lực sự dữ để phá Giáo Hội. Họ là không phải là Alter Christus mà là Anti Christus (tôi có ý viết rời để thấy sự tương phản). Từ Antichristus (bản la-tinh) trong thư thánh Gio-an (1Ga 2,18-19) được dịch là Phản Ki-tô (viết tắt là PKT cho tiện! ).

Để thấy bản chất và sự tác hại của những linh mục PKT chúng ta cần đọc cả đoạn văn này: “Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng. Anh em đã nghe biết là tên Phản Ki-tô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Ki-tô đã xuất hiện”. Và thật khó lường bởi vì: “ Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta, vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai ai cũng là người của chúng ta”(c.19). Đó chính là những lời cảnh báo của thánh Gio-an vào thời điểm Giáo Hội bị bách hại bởi những bạo quyền Rô-ma. Ngay từ thời Cựu Ước và trải dài trong lịch sử Giáo Hội, bất cứ thời nào và bất cứ nơi nào thì hoạt động của Thiên Chúa cũng luôn gặp phải những sức mạnh đối nghịch mang những bộ mặt khác biệt. Và những PKT luôn đứng về phía quyền lực nhân loại, để rồi bằng những thủ đoạn dối trá được che đậy cách khôn khéo, những PKT này tìm cách làm cho các kẻ tin đi lạc đường (c.26). Những linh mục PKT cũng xuất thân từ hàng ngũ linh mục, được gieo trồng vun tưới cẩn thận, thế nhưng “quỷ dữ đã đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy”(Mt 13,19), để từ nay họ chỉ biết làm theo những xúi giục của Quỷ Dữ.

Những suy nghĩ trên chỉ là cảm hứng từ những đoạn Lời Chúa trong tương quan với những sự kiện đang diễn ra có chiều hướng bất lợi cho Giáo Hội. Mà trong Giáo Hội cũng đang có những bất đồng ý kiến với nhau về thái độ của giới lãnh đạo và đã có nhiều bài viết ở nhiều mức độ khác nhau. Một số người cho rằng như thế là “vạch áo cho người xem lưng”, là gây chia rẽ, làm “phân hoá nội bộ” sẽ có lợi cho người ngoài. Theo tôi, mình chẳng cần vạch áo thì “người ta” cũng biết rõ rồi, thời đại khoa học với phương pháp “nội soi” tinh vi, “người ta” không chỉ xem được lưng mà còn biết được cả tim gan phèo phổi của mình nữa đấy! Và tôi nói một cách xác tín với “người ta” rằng: đừng tưởng bở cho rằng Giáo Hội sẽ bị tiêu diệt vì những cái khuyết điểm ấy, bởi đó chỉ là những bất đồng thời nào cũng có, là dấu vết của những con người bất toàn trong cộng đồng những kẻ tin vào Đấng đã tuyên bố: “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33) dù họ còn còn phải chịu gian nan khốn khó nhiều. Hơn nữa, phải cho “người ta” thấy rằng, Giáo Hội rất cần đến những người con trưởng thành, không giống như ngoài đời chỉ biết cúi đầu, cắn răng chịu đựng những kẻ cai trị mình. Người con trưởng thành dám nói lên tâm tư nguyện vọng của mình, đôi khi cần cũng phải mạnh mẽ góp ý về những thiếu xót của những người làm cha làm mẹ. Thật sai lầm khi nghĩ rằng bậc làm cha làm mẹ thì nói gì cũng đúng, làm gì cũng hay. Vì thế những bậc làm cha làm mẹ, cũng cần có một tấm lòng bao dung, quảng đại, dám can đảm thấy được những bất toàn trong sứ mạng của mình, biết lắng nghe những nguyện vọng, tâm tư của con cái, chứ đừng quá coi trọng cái tôi của mình, coi con cái như kẻ xa lạ hoặc như thứ đồ bỏ đi, mà tỏ một thái độ thiếu tình thương.

Tóm lại, trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, với những biến cố xảy ra cho Giáo hội, những xúc phạm đến con người và hơn thế nữa, đến lòng tin với những giá trị thiêng liêng của Giáo Hội, cụ thể là việc xúc phạm nặng nề đến Thánh Giá là biểu tượng cao cả nhất của những kẻ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, không phân biệt Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo hay Chính Thống Giáo. Các linh mục có nhiệm vụ phải giúp các tín hữu nhận ra sự thật và sống tinh thần hiệp thông bằng lời cầu nguyện. Thật đáng buồn vì còn rất nhiều linh mục dửng dưng, thậm chí hết sức tránh né vấn đề, và tệ hơn cả là có một số còn có những nhận định sai lạc của một Phản Ki-tô.

Còn các Giám mục thì sao?

Tôi không dám nhận định về các ngài, tôi chỉ nói lại nhận định của cố giám mục Phao-lô Lê Đắc Trọng về hàng Giám mục: “Giám mục đoàn yếu, nhiều vị tuổi già, bệnh tật, lại ở những vị trí quan trọng. Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương, tuy chưa đến độ trầm trọng. Vị thì chỉ lo cho quyền lợi của giáo phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung, vị khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát…Không thiếu những vị kỳ thị giáo phận nhỏ to, thầm ước mơ…những vị trí cao sang.” ( Chứng từ của một Giám Mục).

Đọc những dòng này, tôi không lấy làm thất vọng hoặc khinh khi các đấng bậc trong Hội Thánh. Trái lại tôi càng yêu mến và gắn bó hơn với Hội Thánh, bởi vì đó là nơi quy tụ những con người bất toàn và yếu đuối cần đến ơn Chúa để được cứu độ. Nếu giả sử Hội Thánh toàn những con người hoàn hảo thánh thiện, thì chắc là tôi phải rút lui thôi! Tuy nhiên, điều đáng buồn không phải vì thấy các Giám mục yếu đuối, bất toàn mà vì các đấng không can đảm nhìn nhận sự yếu hèn của mình. Một bài giảng của giám mục Đ., một bài viết của giám Kh., nhất là bài “Lên tiếng hay không lên tiếng” của WHĐ, cho thấy các ngài cứ loanh quanh lẩn quẩn với những lý thuyết suông, biện minh cho thái độ của mình. Các Giám mục là những đấng kế vị các thánh Tông Đồ, thế mà sách Công vụ thuật lại bài giảng của thánh Phê-rô, nói thẳng, nói thật dù bị bắt bớ, đánh đập và ngăm đe. Phê-rô tố cáo tội trạng của những kẻ đã giết Chúa Giê-su: “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống….Giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em..Anh em phải lìa bỏ những tội ác của mình”( x.Cv 3,12-26). Thật cảm phục vị Tông Đồ, xuất thân từ đám ngư dân nơi biển hồ Ga-li-lê, đã có gia đình, là kẻ đã từng hành động nóng nảy, những phát biểu không đúng chổ bị Chúa khiển trách, và thậm tệ hơn với 3 lần ra sức chối Chúa. Các giám mục của chúng ta, đầy bằng cấp tiến sĩ này, tiến sĩ kia liệu có can đảm bằng anh ngư phủ miền Ga-li-lê không?

Xin Chúa ban cho các Giám Mục được khôn ngoan và can đảm, cho các ngài nghe được lời Chúa Giê-su: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.”( Cv 18,9-10). Nhất là các ngài hãy tin vào lời hứa của Chúa: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2Cr 12,9).

An Lạc, ngày 26-1-2010
prhoanal@yahoo.com.vn
 
Cây Thập giá: biểu tượng đức tin
Đinh Kim Tân
15:32 26/01/2010
Đọc thông báo của Tổng giáo phận Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 2010 do LM Gioan Lê Trọng Cung, Chánh Văn Phòng ký, chúng ta cảm thấy đau đớn bị nhục mạ coi khinh. Vì biểu tượng tôn giáo của người Kitô giáo là cây Thánh Gía Chúa Giêsu bị xâm phạm đập phá vô căn cứ, và những người tin theo tôn thờ Thánh Gía Chúa Kitô bị chèn ép đánh đập dã man vào giữa thời buổi thế kỷ thứ 21 này.

Đây là hành động của những người vô nhân đạo chỉ còn biết đặt vật chất lên trên hết, mà không còn biết đến phần linh thiêng đạo giáo niềm tin của con người là gì nữa.

Chúng ta tự hỏi đâu là chút lương tri tối thiểu của nhà cầm quyền với đời sống niềm tin tôn giáo của con người? Vì sao lại có hành động dã man vô nhân đạo của nhà cầm quyền với tình tự niềm tin tôn giáo và với con người như thế ở Đồng Chiêm?

Dấu hiệu, Logo đức tin của đạo Công Giáo là Thánh Gía Chúa Giêsu. Người Công Giáo làm dấu Thánh Gía hằng ngày từ khi thức dậy tới lúc lên giường đi ngủ. Trong nhà người Công giáo đều có treo Thánh Gia Chúa Giêsu. Khi cầu nguyện họ hướng con mắt cùng tâm hồn lên Thánh Gía Chúa Giêsu.

Như thế, Thánh Gía của người Công Giáo không là cản trở cho đời sống con người. Trái lại Thánh Gía Chúa Giêsu giúp tâm hồn con người đón nhận kín múc niềm hy vọng phấn chấn cho đời sống.

Thánh Gía không chỉ làm bằng cây gỗ, bằng sắt thép hay được đúc tạc thành. Nhưng Thánh Gía khắc ghi khắp nơi trong tâm hồn đời sống con người.

Đâu là ý nghĩa thâm sâu niềm hy vọng phát ra từ Thánh Gía Chúa Giêsu của người Công Giáo?

Tín hiệu từ cây Thánh Gía

Trong đời sống con người phát tỏa ra bên ngoài, cùng tiếp nhận nhiều dấu hiệu vào trong tâm hồn mình.

Có những dấu hiệu khi phát đi, mang đến tín hiệu tích cực, và cũng có những dấu truyền đi tín hiệu tiêu cực.

Đó đây khi đi ngang hiệu bán thuốc tây bên Đức, Âu châu, ta thường thấy bảng hiệu có hình vẽ mầu đỏ mẫu tự A (Apotheken), và lồng khung một phía bên mẫu tự A có hình con quấn rắn bò đang ngẩng đầu lên cao há miệng phun nọc. Hình ảnh này truyền đi tín hiệu không mấy gì là tích cực, nhưng lại là dấu chỉ của ngành dược phẩm bán thuốc trị chữa lành bệnh.

Hình ảnh con rắn có liên quan gì tới đời sống con người, nhất là đời sống đức tin không?

Với con người xưa nay con rắn là hình ảnh sống động, cùng rất hấp dẫn trong đời sống. Con rắn không có tay chân, nhưng bò uốn khúc rất nhanh chui luồn qua khắp các ngóc ngách khe hở trên mặt đất cũng như ẩn sâu trong lòng đất. Rắn không chỉ bò trên bờ đất khô cạn, nhưng còn bơi lội dưới nước với sức nhanh nhẹn dẻo dai nữa.

Thân hình Rắn uốn khúc uyển chuyển, mầu da óng áng, nhả phun nọc cực độc rất nhanh lẹ, nên là hình ảnh gây sự sợ hãi, nhưng cũng gợi trí tượng tượng rất nhiều trong các truyện thần thoại xưa nay.

Con rắn khi thì được nhìn là con vật xấu dữ, khi lại được nhìn là con vật tốt hữu dụng, có khi còn được cho là vị thần chữa lành bệnh nữa!

Nơi nhiều nền văn hóa xa xưa có truyền thuyết cho con rắn là con vật lành thánh chỉ về sự khôn ngoan, sự chữa trị lành bệnh và sức mạnh.

Con rắn trong Kinh Thánh ( Sách Sáng Thế ký 3,1-24) được diễn tả là con vật ranh mãnh dùng lời đường mật cám dỗ Bà nguyên tổ Evà phạm tội lỗi giới răn của Thiên Chúa. Vì thế theo truyền thống Do thái và Kitô giáo, con rắn biểu hiệu cho sự dữ xấu xa tội lỗi.

Thời cổ xa xưa, người ta còn cho con rắn, vì nó hay thay đổi lột da vào từng giáai đoạn nhất định trong đời sống của nó, là dấu hiệu sự làm trẻ trung tươi mới lại, sự tuần hoàn sinh lại không bao giờ già, không phải chết.

Trong Kinh Thánh (sách Dân Số 21,4-9) hình ảnh con rắn là lằn ranh biên giới giữa hai bên đầu cực giữa sự thu hút hấp dẫn và sự sợ hãi, thuốc chữa và nọc độc, sự sống và sự chết.

Hình ảnh con rắn đồng Maisen làm treo trên cây gậy dương cao trong sa mạc, như lời Thiên Chúa truyền dậy làm, để những ai nhìn hướng về với lòng tin tưởng được cứu chữa lành cho được sống, gợi nên sự đe doạ phải suy nghĩ và ăn năn trở lại. Vì vào lúc đi trong sa mạc, dân chúng bỏ xa lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, kêu than trách móc cho là bị Maisen và Thiên Chúa bỏ rơi họ.

Hình ảnh con rắn đồng trêo trên cây gậy dương cao giữa dân chúng nhìn hướng tới muốn nói lên: từ sự đe dọa ở dưới mặt đất bị rắn cắn hướng lên cao tới Thiên Chúa là nguồn chữa lành cùng sự bình an. Thiên Chúa đó hằng cùng đồng hành với con người trong sa mạc đời sống.

Chúa Giêsu ( Phúc âm theo Thánh Gioan 3,14) đã lấy hình ảnh con rắn đồng ngày xưa Maisen treo trên cây dương cao trong sa mạc như hình ảnh về cái chết của mình cũng bị treo trên cây thập gía như vậy, để mang lại dấu hiệu ơn cứu rỗi chữa lành.

Thập gía một dấu hiệu sự đau khổ cùng sự chết đã biến đổi thành dấu hiệu sự cứu rỗi chữa lành.

Lễ mừng tôn kính cây Thánh gía

Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía khoảng năm 33., đâu có ai nghĩ đến cây thập gía của Chúa Giêsu đã biến đổi thành cây cứu rỗi chữa lành nhờ sự hy sinh của Chúa Giêsu. Nhưng sau này, khi Chúa Giêsu đã sống lại rồi trở về trời, người ta mới đi tìm những dấu tích thánh của Chúa Giêsu khi xưa, để tôn kính.

Vào thế kỷ thứ tư cây thập gía bằng gỗ đóng đinh Chúa Giêsu ngày xưa đã được tìm thấy trong một bờ giếng đã bị chôn vùi lấp sâu kín trong lòng đất năm 326. Và ngày 14.09.335 dịp khánh thành vương cung thánh đường nơi mồ chôn táng Chúa Giêsu ngày xưa, cây thập gía vừa được tìm thấy được dương lên cao cho mọi người tôn kính.

Đây là công đức nỗ lực của Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino, trong việc tìm kiếm và tôn kính thập gía Chúa Giêsu.

Ngày lễ tôn kính Thánh gía Chúa Giêsu ngày 14.09.335 đánh dấu bước ngoặt khởi đầu mới trong toàn đế quốc Roma thời đó: đạo Công giáo được chính thức công nhận. Hoàng đế Constanstino ra chiếu chỉ thay vì tôn thờ thần mặt trời ( Sol invictus), giờ đây tôn thờ Thiên Chúa của Kitô giáo.

Giáo Hội Công giáo bắt đầu phát triển thành tôn giáo chính thức trong đời sống xã hội, sau nhiều thế kỷ bị cấm đoàn bắt bớ. Nền văn minh Kitô Giáo từ ngày đó bén rễ sâu trong đời sống văn hóa xã hội, với những sáng kiến về nghệ thuật điêu khắc, văn chương thần học, xây dựng thánh đường, những cung cách sống đạo.

Con rắn đồng của thời Maisen trong sa mạc khi xưa là hình ảnh chỉ về cây thập gía Chúa Giêsu được dương lên cao, sau khi đã phải trải qua những đau khổ, những thập gía giăng ngang chắn lối đời sống.

Cây Thánh Gía trong dòng suy tư chiêm niệm

Năm 1957 Sputnik, vệ tinh đầu tiên được phóng lên không gian. Khắp nơi, nhất là báo chí trên khắp thế giới đã bàn tán bình luận xôn xao về biến cố mới lạ này. Người ta đã hết lời ca ngợi thành tích thắng lợi vẻ vang này như bước tiến cách mạng nhảy vọt chế ngự không gian vũ trụ. Có những ý kiến cho rằng đó là một thách đố, một cám dỗ song song đối đầu với Thượng Ðế, Ðấng sáng tạo vũ trụ.

Dẫu thế người đặt lòng tin vào Thiên Chúa vẫn nhìn nghe biến chuyển đó với con mắt niềm tin với, lòng tin sâu xa: Crux stat dum volvitur orbis – Cây Thánh gía vẫn đứng vững, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!

Johann Wolfgang von Goethe, nhà đại văn hào Ðức, khi nghĩ đến „ Thánh gía, dấu hiệu của người Kitô“ đã kinh hãi rụng rời. Ông lẩn trốn không muốn nói tới Thánh gía, vì nghĩ rằng, Thánh gía kêu gọi ông hãy ăn năn trở lại!

Trái lại người tín hữu Chúa Giêsu Kitô ngày thứ sáu tuần Thánh tôn kính cây Thánh gía: Ðây là cây Thánh gía, nơi treo Ðấng Cứu độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy.

Trung tâm của lễ nghi tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là cây Thánh gía trên đồi Golgotha núi sọ chiều năm xưa. Tất cả mọi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô bái qùy tôn kính cây Thánh gía.

Người ta chỉ có thể hiểu được thánh gía, nếu biết chấp nhận thánh gía của riêng mình. Cũng chỉ có thể hiểu được đau khổ, nếu không tìm cách lẩn tránh đau khổ. Chấp nhận con đường đau khổ bản thân của mỗi người, chính là đi theo Chúa Giêsu Kitô, đấng là con đường là sự chân thật và là sự sống.

Pierre Teilhard de Chardin, nhà thần học Dòng Tên chuyên khảo cứu về nhân chủng đã suy tư như sau „ Thánh gía không là điều gì vô nhân đạo, nhưng là điều vượt qúa tầm hiểu biết của con người.“

Ðức cố giáo hoàng Phaolô đệ lục đã gọi Thánh gía là khẩu hiệu, là Logo của lịch sử con người, của nền văn hóa và của bước tiến bộ chúng ta.

Thánh gía là một trường hợp nghiêm trọng của tình yêu, như Hans Urs von Balthasar nhà thần học Dòng tên đã suy tư.

Không có ngày nào nhắc nhở, vâng cảnh tỉnh chúng ta khẩn trương: Stat crux dum volvitur orbis! Thánh gía vẫn đứng vững đó, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!, như ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Thánh gía cuộc đời

Trong cuộc sống của mỗi người ai cũng đều phải trải qua những chặng đường thập gía. Có những em bé vừa khi lọt lòng mẹ, mở mắt chào đời, đã phải chịu cảnh sống xa cha mẹ ngăn cách trong lồng kính hằng những tháng năm liên tục. Vì em sinh thiếu tháng, hay phải giải phẫu nối ráp cơ quan trong người bị khiếm khuyết không đầy đủ, không lành mạnh.

Có những bạn trẻ thanh thiếu niên lớn lên chỉ quanh quẩn trong chu vi của giường ngủ, hay cái xe lăn di chuyển thôi.

Có những người đang tuổi trung niên đầy sức sống vươn lên, nhưng bỗng dưng tâm trí bị phân tán hay khựng lại, hướng suy nghĩ phát triển ngày càng đi xuống. Họ sống trong sợ hãi mặc cảm.

Có những người mẹ, từ khi đi gánh vác lập gia đình, luôn sống trong tủi nhục đau khổ chịu đựng. Vì luôn bị nghi ngờ hiểu lầm không chỉ từ phía gia đình nhà chồng mà còn ngay cả từ phía cha mẹ ruột sinh thành ra mình nữa, về cung cách sống và về tiền bạc nữa.

Thập gía của những người vợ, người mẹ này không có hình thù bằng gỗ hay sắt thép, nhưng bằng những dòng nước mắt đau khổ. Những dòng nước mắt thập gía đau khổ này không chỉ là sức đè nặng tâm hồn cuộc sống của họ, nhưng trái lại còn nảy sinh sức lực cho họ cố gắng vươn lên, cùng gây lòng trắc ẩn thương cảm từ Trời cao cùng nơi con người.

Có những cha mẹ ngày đêm năm tháng sống trong buồn sầu lo âu, vì con cái bỏ học, bỏ ngang đang khi học nghề, tương lai chúng bấp bênh, không biết làm sao! Họ ăn ngủ không yên không ngon, có khi còn sinh ra bệnh tật nữa. Thập gía cuộc đời của những cha mẹ này là những nỗi đau khổ lo âu về tinh thần lẫn cả phần thể xác nữa.

Thập gía cuộc đời có rất nhiều hình dạng khác nhau tùy nơi mỗi người, nơi mỗi hoàn cảnh giai đoạn đời sống. Không có cuộc đời nào mà không có thập gía.

Thập gía là gánh nặng, nhưng đồng thời cũng là đối lực đà thúc đẩy cố gắng vươn lên tìm niềm vui sống vượt qua khó khăn, nhất là nhìn lên Đấng đã bị đóng đinh trên đó mang lại ơn cứu rỗi cho con người.

************************

Thưa Qúy Ông Bà, anh chị em tín hữu Chúa Kitô giáo xứ Đồng Chiêm,

Chúng tôi nơi ngàn dặm xa xôi ở bên Âu châu xin hướng lòng về Đồng Chiêm với lòng cảm phục đức tin kiên cường của mọi người Giáo Dân xứ Đồng Chiêm vào Thánh Gía Chúa Giêsu.

Chúng tôi cũng như qúy Ông Bà, anh chị em vững tin vào Lời Chúa là đèn soi bước chân con đi, vào Thánh Gía Chúa Giêsu là niềm hy vọng ơn cứu chuộc cho linh hồn con người. Và tin tưởng:

Người ta có thể dùng quyền hành bạo lực đập nát, tháo gỡ lăng mạ Thánh Gía, Logo biểu tượng đức tin Công giáo. Nhưng không ai có thể xóa bỏ đức tin trong trái tim tâm hồn của người Công giáo vào Thánh Gía Chúa Giêsu được.

Người ta có thể gian dối dùng mọi cách thức dã man thiếu văn hóa, thiếu đạo đức vu khống mạ lỵ người Công Giáo. Nhưng không thể tiêu diệt đức tin tình yêu của họ vào Thánh Gía Chúa Giêsu được.

Người ta có thể nhất thời tìm mọi cách làm sao xóa bỏ tiêu diệt Thánh gía biểu tượng đức tin của đạo Công Giáo ra khỏi một nơi chốn địa lý nào đó. Nhưng đức tin vào Thánh Gía vẫn luôn khắc ghi sâu đậm trong trái tim tâm hồn người Công Giáo.

Trong ngục tù từ năm 1975 đến 1988 đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận không được phép mang đeo Thánh Gía, nhưng Đức Cha đã hằng ngày nói về Thánh Gía với mọi người bạn cùng bị tù chung, và ngài còn dùng cây gỗ, dùng hộp ống lon sữa guigoz khắc chạm làm cây Thánh Gía đeo trên người.

Đức quốc, ngày 24.01.2010
Radio VN Hải Ngoại Âu châu
 
Văn Hóa
chúc mừng thượng thọ 90 thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái (bàì 2)
Trần Văn Cảnh
21:31 26/01/2010
CHÚC MỪNG THƯỢNG THỌ 90 THI SĨ VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI, (bài 2)

Duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ ?

Vân Uyên, bút hiệu của Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, có nghĩa là tình yêu trên Trời. Từ ngày đổi đời, lầy bút hiệu Vân Uyên làm thơ, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Nhưng duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ? Theo lời kể và qua thơ Vân Uyên, bốn duyên tình đã đưa ông làm thơ.

1. Trong một cuộc nói truyện vào khoảng cuối năm 1996, trong khóa chuẩn bị hôn nhân, Vân Uyên đọc cho tôi nghe bài thơ đầu tiên của ông. Sau này, trong một điện thơ, ông kể cho tôi nghe rằng: « Bài thơ đầu tay của Vân Uyên là bài: ‘’Chim Khuyên’’ đăng trong báo Giáo Xứ Việt Nam Paris ( số 125, tháng 06. 1996, trg 15 ). Vân Uyên không bao giờ tưởng sẽ có ngày viết thơ, tuy rất thích đọc thơ nhất là những cổ thi và những bài bình luận thơ. Nhà tôi tên Tuyết Lan mất đầu năm 1996 cũng vào tuổi 78 vì bệnh nan y ( ung thư ). Đôi khi nhớ tới người bạn đời, ngồi ghi lại một vài kỷ niệm, không ngờ tự nhiên thấy thành vần, tiếp tục viết thành bài thơ. Đó là trường hợp bài ‘’Chim Khuyên’’. Mỗi độ xuân về có đôi chim khuyên bay tới lượn hót trong vườn. Xuân này đôi khuyên lại đến, nhưng thiếu tiếng nhà tôi gọi ra xem. Vân Uyên mơ màng cầu nguyện được gặp lại nhà tôi trước mặt Thiên Chúa, nhưng không biết lúc đó mặt và tay của chúng tôi sẽ ra sao » ? Bài thơ đó như sau:

CHIM KHUYÊN

Đôi khuyên chim chíp song song
Đâu lời âu yếm tay lồng sóng đôi
Đường đời còn mấy nổi trôi
Khôn ngoan nước bước đứng ngồi hỏi ai
Thôi thì đến thế thì thôi
Tinh anh thể phách kiếp người biết sao
Thiên nhan hẹn ước trời cao
Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay
Nguyện cầu hương khói trầm bay
Đưa về vĩnh phúc tình này tới đâu
Kiếp này đành gẫy nhịp cầu
Thấm đau niềm nhớ ngậm sầu làm vui.

(Báo Giáo Xứ, số 125, 06/1996)


Bài thơ xoay quanh hai ý tưởng: Ý tưởng thứ nhất: hình ảnh « Đôi khuyên chim chíp song song » và thực tại ra đi của người bạn đời làm sự ra đi càng thê thảm. Nỗi nhớ thành xoắn lòng với bao kỷ niệm « Đâu lời âu yếm tay lồng sóng đôi », « Khôn ngoan nước bước đứng ngồi hỏi ai ». Nhưng nén lòng, chôn nhớ, đành chấp nhận thực tại kiếp người « Tinh anh thể phách kiếp người biết sao ».

Ý tưởng thứ hai: Một lời ước hẹn mơ màng đến niềm hy vọng được gặp lại nhau trên trời cao « Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay », nơi « Đưa về vĩnh phúc tình này tới đâu ». Còn bây giờ « Kiếp này đành gẫy nhịp cầu » thôi đành « Thấm đau niềm nhớ ngậm sầu làm vui ».

Quả thật nội dung chủ chốt của bài thơ là nỗi nhớ tình phu thê, khi nhịp cầu bị gẫy vì sự ra đi của bạn đời. Duyên tình thứ nhất khiến Vân Uyên làm thơ là tiếng lòng của tình phu thê. Đó cũng là ý tưởng mà ông đã xác nhận trong bài thơ «

Tình và Thơ »:

Hứng khí chân, sinh, ánh đạo tâm,
Lời thơ hoan nở nụ tình thâm
Tỏa hương thiêng ý qua vần nhụy
Bung cánh linh hoa lúc vịnh ngâm.

(Paris, Septembre 1996)


2. Bài thơ tình phu thê « CHIM KHUYÊN » được phổ biến, nhiều bạn bè khuyến khích. Vân Uyên kể tiếp: « Vân Uyên tiếp tục viết thơ là nhờ sự khuyến khích và nâng đỡ của rất nhiều người, trong số này phải kể tới thi sĩ Bằng Vân ( BS. Trần Văn Bảng ) và triết gia công giáo (GS. Nguyễn Huy Bảo). Mỗi người đứng về một khía cạnh đều thúc dục Vân Uyên phải viết thơ mỗi khi Vân Uyên tỏ ý ngần ngại vì tuổi tác còn viết thơ tình.

Thi sĩ Bằng Vân (Bs. Trần Văn Bảng) khuyến khích Vân Uyên tiếp tục viết thơ vì những lý do văn học. Bằng Vân rất mê thơ thường nói ‘’ nợ thơ ‘’, giới thiệu Vân Uyên với nhóm Ba-lê Thi-xã. Nhờ đó Vân Uyên được gặp những nhà thơ: Hương Bình Cao văn Chiểu, Quỳnh Liên, Liên Đài, Hàm Thạch,Thanh Liên, Minh Châu, Phương Du, Đỗ Bình …

Giáo sư triết Nguyễn Huy Bảo còn sốt sắng hơn thi sĩ Bằng Vân thường xuyên điện thoại thúc dục Vân Uyên viết thơ. Giáo sư nói: Anh đừng ngại nhiều tuổi còn viết thơ tình. Trái lại vì đã có nhiều kinh nghiệm đạo đời anh có thể đem thêm chiều sâu cho thơ tình. Nhất là thơ về tình yêu phu thê, một huyền nhiệm thâm sâu nhất trong đạo của chúng ta. Không phải vấn đề ngại hay không ngại, nhưng đây là một bổn phận khi chị bất thần ra đi anh nhận được thiên phú viết thơ. Không phải chỉ một vài bài thương vợ nhớ vợ, nhưng những bài thơ diễn tả huyền nhiệm tình yêu vừa nhân tính vừa thiên tính trong nghĩa vợ chồng. ‘’ Rất tiếc cả hai vị nay đã thành người thiên cổ, thành Vân Uyên mất hai người bạn chí tình không còn được nghe những lời khuyên phê bình về văn về ý cho các bài thơ viết gần đây. Cả hai vị đều trên Vân Uyên 10 tuổi ».

Những khuyến khích của bạn bè đã là duyên tình thứ hai khiến Vân Uyên sáng tác thơ nhiều hơn. Nhưng những bài thơ này, nhờ suy nghĩ, tìm hiểu, đã ăn rễ sâu hơn vào văn hoá dân tộc và nhất là vào nền tảng thần học của bí tích hôn nhân công giáo, mà Vân Uyên gọi là « Hôn phối tích thần giao nhất thể ». Bài thơ sau đây ghi rõ bước tiến thứ hai trong thơ tình của Vân Uyên. Tình, vẫn có gốc là tình phu thê, nhưng đã vươn lên TÌNH YÊU.

HÔN PHỐI TÍCH

Một năm qua chưa khô ngấn lệ
Độ ngầm đau niên kỷ hương buồn
Bên nhau ai tưởng chặng đường
Tâm can thầm gọi thịt xương thủa nào
Hôn phối tích thần giao nhất thể
Hạ xuân tình chia sẻ đông thu
Đường đời chìm nổi trầm u
Ước nguyền chung sống chứng từ thâm sâu
Nay chuyển kiếp thiên thâu ân ái
Nghĩa phu thê thuận trái sánh đôi
Như bao mầu nhiệm ý Trời
Thiên tình tương vấn kiếp người huyền vi
Tuyên xưng tín lý diệu kỳ
Phục sinh nhân thể hướng về huyền sinh.

(Ngày giỗ đầu Tuyết Lan. Paris Mùng một Tết dương lịch 1997)


Tình vẫn còn những nét « ngấn lệ, hương buồn, thịt xương,… », nhưng đã thấm hương yêu « hôn phối tích, thần giao, nhất thể, kiếp thiên thâu ân ái, mầu nhiệm, ý Trời, Thiên tình, huyền vi, tín lý, diệu kỳ, phục sinh, huyền sinh,…. Từ ngữ xử dụng trong bài thơ này đã nêu rõ duyên tình thứ hai khiến Vân Uyên làm thơ. Đó là sự suy nghĩ và học hiểu, đặc biệt là suy nghĩ về văn hóa tình yêu việt nam và huyền nhiệm hôn nhân công giáo.

3. Duyên tình thứ ba khiến Vân Uyên làm thơ là chiêm niệm và cầu nguyện. Trong cũng một điện thơ gởi cho tôi, Vân Uyên kể tiếp: « Nhớ tới những lời của hai vị (Thi sĩ Bằng Vân và Giáo sư Bảo), Vân Uyên đã cầu nguyện, nghiên cứu học hỏi thêm về Thánh Kinh, về truyền thống dân tộc. Vân Uyên cầu xin Thánh Linh hướng dẫn tâm tư để viết những câu thơ thật thơ, đời thật đời, nhưng có tiềm ẩn những lẽ đạo thật đạo, trong thầm ước coi việc viết thơ như những chiêm nghiệm cầu nguyện. Viết được đến đâu hay đến đó, không mơ tưởng thành thi sĩ, nhưng chỉ là người viết thơ có suy tư tôn giáo ». Sự suy tư, chiêm niệm và cãu nguyện có thể kết thúc bằng những niềm tin, niềm cậy, niềm mến. Nhưng cũng có thể khởi đầu bằng những vấn nạn, những câu hỏi, những cuộc suy tư, đi tìm ý nghĩa. Bài thơ « Nghĩa yêu » sau đây, sáng tác ngày 11.01.1997, đánh dấu bước tiến thứ ba trên con đường làm thơ của Vân Uyên.

NGHĨA YÊU

Từ cát bụi, trở về cát bụi,
Đến thinh không, quy lại thinh không.
Nào đâu nghĩa mặn tình nồng ?
Nào, đâu cười nói môi hồng thơm hương ?
Nghĩa định mệnh yêu đương duyên kiếp ?
Hửi về đâu nối tiếp một đời ?
Thờ ơ thiên kỷ làm người
Sợi giây sinh tử vận hồi trong đêm ?
Đặt câu hỏi, niềm tin vẫn có,
Nghĩa kiếp người vui khổ hư không ?
Đường Tình, đường Thánh song song
Thánh, Tình, Sinh, Tử trong cùng nghĩa yêu.

(Paris, 11.01.1997)


4. Không hoàn toàn ý thức, nhưng gốc là một tín hữu hăng say công giáo tiến hành, Vân Uyên đã khai mở một con đường thứ tư trong tiến trình làm thơ của ông. Đó là duyên tình « Chia sẻ Tin Mừng ». Vân Uyên đã có lần chia sẻ với tôi: « Nhưng từ khi viết thơ, một số độc giả tò mò muốn biết Vân Uyên là ai. Khi đã biết họ ngạc nhiên vì đọc thơ họ vẫn tưởng tác giả là một nữ thi sĩ đa cảm. Đây cũng là một điểm nên lưu ý. Độc giả thường thích đọc thơ hơn những bài văn. Những ý thơ cô đọng trong vần điệu hình như dễ thu hút sự chú ý của người đọc.

Thơ Vân Uyên lẽ tự nhiên được in trên Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ngoài ra vốn thuộc ngành y, nên thơ Vân Uyên cũng được in trong nhiều Tập san Y giới Việt Nam ở Pháp (Paris), ở Mỹ (Florida), và thường xuyên ở Canada (Montréal).

Nhóm Ba-lê Thi-xã giới thiệu nên thơ Vân Uyên cũng thấy xuất hiện trong Nguyệt san Vietnam Forum (Đức), Nguyệt san Hương Xa (Na-uy), Tam cá nguyệt san Cỏ Thơm (Mỹ), Tuần báo Đại Chúng (Mỹ).

Gần đây đáp lời kêu gọi góp nhặt thơ công giáo của LM. thi sĩ Trăng Thập Tự, thơ Vân Uyên cũng gửi tới những mạng net: Dũng Lạc và Hồn Nghệ Sĩ.

Như vậy thơ Vân Uyên không phải chỉ dành riêng cho đồng đạo trong Giáo Xứ nhưng đã được rải rộng tới những người có đạo cũng như không có đạo ngoài Giáo Xứ ».

Với chủ đề « Con Đường Hẹp », Vân Uyên đã viết hai bài « Hương Trần » và « Khiêm Lòng Nhận », nhân dịp ông nhận Huy Chương vàng « Pro ecclesia et Pontifice »Tòa Thánh tặng năm 1997. Dưới một góc độ nào đó, người ta nhận ra ở đây chiều hướng « Chia sẻ Tin Mừng » của Vân Uyên.

CON ĐƯỜNG HẸP

HƯƠNG TRẦN

Một chút hương thơm dưới thế trần
Chia cùng lão bá với phu nhân
Đèn hoa đại lễ trong hoàng phục
Nhạc khúc thần ca khắp giáo dân
Cảm khái vấn vương lòng kẻ nhận
Chung vui đâu đó bóng người thân
Thời gian thoáng lặng chiều in dấu
Thánh giới hương linh hẹn tới lần.


KHIÊM LÒNG NHẬN

Phần thưởng huy chương cõi thế gian
Nêu gương kẻ khó tới Ngôi Hoàng
Yêu thương Nhiệm Thể khiêm lòng nhận
Thắm thiết Thần Ngôn nặng nghĩa mang
Vận hội ngày nay tình Giáo Xứ
Khai công thủa nọ tự Liên Đoàn
Thiên ân ẩn hiện con đường hẹp
Hưởng phúc cùng Ai bước vững vàng.

(Paris 11.05.1997. Kỷ niệm ngày 10 người trong Cộng Đoàn Giáo Xứ lãnh huy chương « Pro Ecclesia et Pontifice » của ĐGH Gioan Phaolô II)


LỜI KẾT

Như vậy, có bốn duyên tình đã đưa Vân Uyên tới việc làm thơ. Thứ nhất: Khời thủy, lòng nhớ người bạn đời phát thành thơ, thơ tình phu thê. Thứ hai: Thơ tình phu thê ấy, được một số bạn bè khuyến khích, đã được suy tư hơn để hướng về và đi vào huyền nhiệm tình yêu, biến thành Thơ Tình (Yêu). Thứ ba: Thơ Tình (Yêu) thấm lời cầu nguyện, dầy công nghiên cứu đã trở thành Thơ Tình (Yêu) chiêm niệm cầu nguyện. Thứ tư: Thơ Tình (Yêu) chiêm niệm cầu nguyện đã (trở thành thơ chia sẻ Tin Mừng) được phổ biến nhiều nơi, cho người có đạo cũng như không có đạo.

Đọc thơ Vân Uyên, về sức mạnh và thiên tài thơ làm ta liên tưởng đến Victor Hugo « Tình yêu là tiếng gọi rạng đông, là tụng ca ban đêm ». Về phong phú của tư tưởng làm ta nhớ đến thông điệp « Thiên Chúa là Tình Yêu » của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, mà sau đây là vài trích dẫn mà Vân Uyên đã xa gần đề cập đến trong thơ của mình.

1. Thiên chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Những lời này được trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan, diễn tả rõ ràng điều làm nên trọng tâm đức tin Kitô giáo: hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo, từ hình ảnh này rút ra hình ảnh con người và con đường của họ. Thêm nữa, cũng ngay trong câu đó, Thánh Gioan đưa ra cho chúng ta một công thức tóm tắt đời sống Kitô hữu: ''Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”.''Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa”: Người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế.

6. Tình yêu không còn tìm cho chính bản thân mình - sự chìm đắm trong say mê hạnh phúc - nhưng chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu: tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật, vâng, tình yêu muốn như thế.

11. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2,24). Hôn nhân căn cứ trên một tình yêu đơn nhất và dứt khoát, trở thành cách trình bày sự liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Người: cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người.

22. Bản chất Hội Thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt: rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria) cử hành các Bí tích (leiturgia), phục vụ bác ái (diakonia). Đó là những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái đối với Hội Thánh không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Hội Thánh, là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được.

Paris, ngày 26/01/2010

Trần Văn Cảnh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sau Thiên Tai
Sen K.
23:22 26/01/2010

SAU THIÊN TAI



Ảnh của Sen K. – Philippines

Mọi chuyện xẩy đến, hãy chấp nhận,

và trải qua bao thăng trầm, hãy cứ kiên nhẫn,

Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa.

(Trích Huấn ca 3-3,4)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền