Ngày 25-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:04 25/01/2017
7. MẶT GIỐNG KHỈ VƯỢN
Liễu Văn Thụ rất có tài ăn nói, chỉ có điều là mặt mày giống như khỉ vượn.
Lần nọ, Đường Minh Hoàng nói đùa khiến cho Hoàng Phan Xước chế nhạo ông ta, Liễu Văn Thụ rất hận ghét những ai gọi ông ta là khỉ vượn, liền ngầm ra hiệu với Phan Xước không được nói mặt ông ta giống khỉ vượn.
Phan Xước bằng lòng, nói với hoàng thượng:
- “Khuôn mặt của Văn Thụ không giống khỉ vượn, nhưng khuôn mặt của con khỉ thì lại giống như đúc Văn Thụ ạ”.
Hoàng đế cười ha ha.
(Tuý Ông đàm lục)

Suy tư 7:
Giữa hoàng đế và bạn đồng liêu dĩ nhiên người ta sẽ chọn hoàng đế, Phan Xước đã làm như thế, thà được lòng hoàng đế hơn là sức mẻ tình bạn bè, đời là như thế.
Giữa Thiên Chúa và ma quỷ, dĩ nhiên người Công Giáo chọn Thiên Chúa.
Chọn và trung thành là hai việc khác nhau: có người chọn vì theo phong trào, cho nên được dăm ba bữa thì quăng vào sọt rác; có người chọn vì thấy hay hay, cho nên khi hết hay hay thì quên mất tiêu; có người chọn vì để vui lòng người yêu, cho nên khi được vợ được chồng thì cũng quên luôn cái mình đã chọn.
Đức Chúa Giê-su đã yêu thương và chọn chúng ta làm con cái của Ngài, dù chúng ta bất xứng. Ngài không cao hứng nhất thời mà chọn, Ngài cũng không theo phong trào mà chọn, nhưng là vì yêu thương mà chọn chúng ta, và cuối cùng Ngài đã trung thành với sự chọn lựa ấy mà chết trên thập giá vì yêu chúng ta.
Tôi đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp của đời tôi trong bậc linh mục, trong đời sống hiến dâng của bậc tu sĩ, và trong đời sống của một tín hữu bình thường, đó là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho tôi, nhưng cũng có một lúc nào đó, tôi đem sự lựa chọn này ra so sánh với thế gian:
- Tôi so sánh bậc sống độc thân linh mục với đời sống đôi bạn, và cảm thấy cô đơn, buồn tẻ, thế là tôi xin Chúa cho tôi “nghỉ tu” một ngày, để chọn cái vui thú ở đời chóng qua với một người nào đó mà bỗng nhiên chợt hiện về trong quá khứ tuổi trẻ của tôi.
- Tôi so sánh cuộc sống của người Ki-tô hữu với cuộc sống của người khác, và cảm thấy hối hận khi chọn Chúa, vì không được tự do thoải mái ăn chơi, xa hoa, mà không sợ luật lệ gò bó...
Tôi đã chọn Chúa vì phong trào đi tu, vì phải lấy vợ lấy chồng; tôi đã chọn Chúa vì sợ lỡ mất dịp tiến thân, cho nên tôi cũng rất dễ dàng bỏ Chúa khi khó khăn xảy đến cho đức tin của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:06 25/01/2017

20. Chúng ta phải không ngừng dùng suy niệm để thao luyện tâm trí của chúng ta, cùng suy nghĩ sâu sắc cái bất hạnh của chúng ta.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ tất niên : Tạ ơn và phó thác
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:35 25/01/2017
Tạ Ơn Và Phó Thác

SUY NIỆM THÁNH LỄ TẤT NIÊN

(Is 63 7-9, 1Cr 1, 3-9, Lc 1, 39-55)

Một năm với tháng ngày dần trôi, giờ chúng ta đang sống là thời khắc cuối cùng của năm cũ 2016, năm Bính Thân và chuẩn bị bước vào năm mới 2017, năm Đinh Dậu, giờ phút thật linh thiêng. Vào dịp tạ ơn cuối năm, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI giải thích như sau : “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài đã thương ban”. Quả thật, do bởi tình thương mà chúng ta được hiện hữu trên đời và mỗi giây, mỗi phút, mỗi một ngày qua đi là biết bao hồng ân của Chúa tuôn đổ trên chúng ta.

Một năm sắp kết thúc, làm chúng ta liên tưởng đến sự kết thúc cuộc hành trình nơi dương thế của mỗi người. Có khởi đầu ắt sẽ có kết thúc như sách Giảng Viên dạy, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta, khi kết thúc một năm và mỗi ngày, chúng ta phải tự vấn lương tâm, và nhìn lại những gì đã xảy ra để tạ ơn Chúa.

Nhân loại nói chung vừa trải qua một năm với bao nhiêu ngày ghi đậm bạo lực, chết chóc, đau thương khôn tả của bao người vô tội do bọn khủng bố nhân danh Thượng Đế gây ra cho đồng loại, những người tị nạn ở Syria, Irắc, Trung Đông... buộc lòng phải rời bỏ quê hương, những con người nam nữ và trẻ em không còn gia cư nhất định, thiếu lương thực và kế sinh nhai, biết bao công trình tôn giáo bị con người tàn phá. Việt Nam nói riêng, hỏa hoạn, lũ lụt đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt, ấy chưa kể đến những vụ giết hại anh em đồng loại cách mạn dợ. Dầu vậy cũng có bao nhiêu cử chỉ tốt lành, yêu thương và liên đới diễn ra trong những ngày tháng của năm cũ, mà không được các bản tin tức nói tới! Không thể để cho quyền lực sự ác che khuất những dấu chỉ tình thương ấy. Sự thiện luôn chiến thắng, cho dù có lúc sự thiện xem ra yếu ớt và âm thầm. Vì thế chúng ta phải dâng lời tạ ơn Chúa.

Tạ ơn

Khi thêm một năm nữa đã đến hồi kết thúc, người kitô hữu chúng ta dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc, nên một năm trôi qua là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thì việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.

Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử nhân loại. Một lòng biết ơn không phải là một sự nhìn lại chẳng sinh ơn ích gì hay một ký ức trống rỗng về một quá khứ được lý tưởng hóa xa vời, nhưng là một ký ức sống động, một ký ức giúp hình thành nên sự sáng tạo cá nhân và cộng đoàn khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Tạ ơn Chúa là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Thiên Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta thường quên đi những gì là ân huệ của Chúa. Và để sống tâm tình tạ ơn và phó thác vào Thiên Chúa thật không dễ chút nào!

Đi vào tâm tình tạ ơn, chúng ta nhìn nhận rằng, tội lỗi và yếu đuối đã làm ta xa rời Thiên Chúa Tình Yêu. Dù nhận thức được những điều mình phạm mất lòng Chúa, nhưng với sức con người, chúng ta khó thoát ra vòng xoáy tội lỗi. Chỉ có Chúa mới kéo chúng ta về với Chúa.

Trong giờ phút linh thiêng này, thật là đẹp, khi giờ đây chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ Maria hát lên bài ca tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã và còn đang thể hiện trong lịch sử : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài... đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng... đã và còn đang hạ xuống người quyền thế... đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung... đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát... đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không... đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người. Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử cứu độ. Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Chúng ta cảm tạ Chúa về ân huệ Người đã thương ban (1Cr 1, 3-9). Cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha, kèm theo lòng phó thác cho Chúa năm mới sắp tới.

Xin ơn tha thứ

Cũng vào dịp cuối năm, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình : “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người nữa. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều gì chưa chu toàn, điều gì chưa tốt, hoặc lỗi bác ái với tha nhân, hay chưa biết thương xót người như Chúa đã thương xót chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm trong năm qua. Tương lai tùy thuộc ở Chúa, chúng ta phải có tinh thần phó thác.

Sống phó thác

Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra : các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn, niềm vui và đau khổ, chiến thắng và thất bại, đạo đức con người như đang bị suy giảm tới mức báo động trong các ngành nghề. Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đây, chúng ta phải khẳng định rằng, Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại, đồng thời phó thác vận mệnh tương lai cho Chúa và thưa rằng: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được làm người, được làm con Chúa thêm một năm nữa. Xin cho đời chúng con trở thành bài ca tạ ơn Chúa bằng tâm tình sống biết ơn mọi người đang yêu thương giúp đỡ chúng con để danh Chúa được toả sáng. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thánh lễ giao thừa năm 2017
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:37 25/01/2017
Hãy Thực Hành Bát Phúc Để Trở Nên Phúc Nhân

THÁNH LỄ GIAO THỪA NĂM 2017

(Mt 5, 1-10)

Lẽ đất trời có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Và đây là giây phút thiêng liêng và tuyệt đẹp, trời đất giao hòa, âm dương đan dệt vào nhau, mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, nhưng cũng có một cái gì đó níu kéo lòng ta, chúng ta đang ở vào thời khắc cũ giao lại, mới đón lấy, năm cũ sang năm mới.

Trong giờ phút huyền nhiệm này, mở ra những ngày mới, giúp con người hy vọng, cậy trông và tín thác vào Đấng tác tạo cả đất trời, Đấng ấy là Cứu Chúa của chúng ta. Không gì thích hợp bằng việc chúng ta phải làm trước tiên là hướng tâm hồn lên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc, để xin Ngài giáng phúc thi ân cho mọi người, mọi nhà, hầu tất cả được sống bình an và yêu thương trong sự quan phòng của Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót và thứ tha.

Lời Thánh vịnh 133,3 mới đẹp làm sao : “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” ( Tv 133, 3 ). Lời nguyện dưới đây lôi kéo chúng ta về với Chúa, Đấng là Alpha và Ô Mêga, là Nguyên thủy và là Cùng đích: “Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh thánh” (Lời Ca nhập lễ).

Lời Môsê ngỏ với Aaron và các con ông Aaron như sợi dây lôi kéo phúc lành và bình an của Chúa xuống cho dân : “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Chúa và Chúa sẽ chúc lành cho chúng (Ds 6n 22,27). Tác giả Thánh Vịnh nói cho chúng ta biết lý do tại sao phải hướng lòng lên Chúa và van xin Ngài : “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120, 1-2). Nếu như khi xưa thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Thêxalônica, nay ngài cũng khuyên chúng ta : “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16).

Trước thềm năm mới, mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.

Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.

Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh? Huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Lời Chúa trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).

Cứ vào giây phút linh thiêng Giao thừa năm cũ chuyển giao sang năm mới, chúng ta lại có dịp nghe đọc đoạn Tin Mừng nổi tiếng của thánh Matthêu, đầy ấn tượng và hết sức ngạc nhiên, là Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Bát Phúc mà Chúa Giêsu đã công bố núi (x. 5, 1-12).

Bước sang năm mới, ai cũng mong ước những điều tốt đẹp mới từ con người đến cả tâm tư, để sống vui và hạnh phúc. Thì đây, với đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu cung cấp chúng ta một mô hình sống nếu làm theo thì sẽ trở thành những người thực sự hạnh phúc.

Phải nói thật rằng, hạnh phúc chắc chắn là mục tiêu tất cả chúng ta tìm kiếm trong cuộc sống. Nếu hỏi người khác xem họ kiếm tìm hạnh phúc cho mình như thế nào, chắc sẽ có những câu trả lời rất khác nhau. Có người cho rằng, hạnh phúc ở trong gia đình, người khác cho rằng ở sức khỏe, nghề nghiệp, nhưng người khác lại tìm kiếm hạnh phúc nơi bạn bè, vui chơi và giải trí… người tiêu sài lại tìm kiếm hạnh phúc trong việc mua bán.

Tám Mối Phúc mà Chúa Giêsu trình bày, xem ra không giống với quan niệm về hạnh phúc của con người hôm nay. Cụ thể như : Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10).

Sứ điệp của Chúa Giêsu dành cho những ai muốn sống khiêm nhường, khao khát công chính, quan tâm đến tha nhân. Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta về mối phúc cuối cùng : “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). Thánh Basil nói rằng “hạnh phúc không phải do ước muốn, giầu có, quyền lực mang lại cho con người. Những thứ đó không làm cho chúng ta hạnh phúc”.

Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc, và chỉ một mình Chúa Giêsu là Ðấng có phúc tuyệt hảo, Ngài cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc đích thật nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân.

Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Không mệt mỏi
Lm Vũđình Tường
16:41 25/01/2017
Kể từ ngày sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết cho đến hiện tại và sẽ còn tiếp tục trong tương lai cho đến tận thế Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô thành Nazareth luôn được rao giảng, không ngừng nghỉ. Có nơi Tin Mừng được đón nhận với tấm lòng nhiệt thành; nơi khác Tin Mừng bị xua đuổi, cấm đoán, phải trải qua thử thách. Nơi nào đón chào, Tin Mừng tạo cơ hội tốt lành cho Tin Mừng sinh hoa kết trái rũ cành và đời sống dân chúng thịnh đạt, thái bình. Nơi Tin Mừng bị cấm cách, cuộc sống dân thiếu ấm no, đói khát hạnh phúc. Tin Mừng ở những vùng đất đó chậm phát triển và đôi khi Tin Mừng nằm yên tương tự như hạt giống vùi sâu trong tuyết chờ cơ hội thuận tiện sẽ bùng lên đâm chồi non xanh ngát. Thực tế cho biết Tin Mừng chưa bao giờ thiếu bách hại và cấm cách. Có thể nói bách hại và cấm cách chung vai như bóng với hình của lịch sự Giáo Hội Thiên Chúa giáo. Nơi nào có dấu vết của Giáo Hội nơi đó có vết thẹo hằn sâu của cấm cách, bách hại của lịch sử Đức tin Kitô giáo. Thân thể Giáo Hội mang đầy thương tích của bách hại. Điều này không ngạc nhiên bởi chính thân thể Đức Kitô đã mang đầy thương tích của đòn vọt và mạo gai. Giáo Hội chính là hiện thân của Đức Kitô mà thân thể Đức Kitô mang thương tích cùng mình nên Giáo Hội không tránh khỏi và cũng không tránh né những nơi bách hại, cấm cách trong bước đường rao giảng Tin Mừng. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng Tin Mừng bị đối kháng bởi đó là Tin Mừng. Đối kháng và bách hại do những người có quyền thế, nắm quyền sinh sát người khác trong tay, họ chống đối Tin Mừng vì Tin Mừng kêu gọi phục vụ người nghèo; kêu gọi đối xử công bằng, liêm chính với mọi người và kêu gọi tôn trọng mạng sống người khác. Những kêu gọi này đối nghịch lối sống hiện tại và chống đối là điều không thể tránh. Đối kháng do người quyển thế chủ động nên đối kháng thường dẫn đến bách hại qui mô rộng lớn. Tin Mừng được coi là ánh sáng tâm hồn và ánh sáng đánh tan bóng tối. Ánh sáng dẫn đến điều tốt hảo, trọn lành; bóng tối che dấu điều tội lỗi, xấu xa vì thế tranh đấu giữa ánh sáng và bóng tối; giữa thiện và ác là điều không thể tránh. Lịch sử Giáo Hội từ ngàn xưa đã hiểu rõ cuộc chiến giữa thiện và ác và ngày nay nó núp bóng dưới các chiêu bài khác, giải thích khéo léo khác, nhưng chân của sự thật vẫn là hình thức bách hại Tin Mừng.

Sau khi nghe tin Gioan Tẩy giả bị bắt Đức Kitô đi về miền Galilê và bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai tại Capernaum. Đây là làng đánh cá chạy dọc theo phía Bắc eo biển Galilê. Tại nơi đây Đức Kitô kêu gọi một số môn đệ đầu tiên và họ đã sống với Ngài ngày này qua ngày nọ. Sau khi Đức Kitô về trời các ông chính thức công khai rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh. Các ông làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh các điều chính mắt nhìn thấy, tai nghe thấy cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô. Từ ngày đó đến nay Tin Mừng không ngừng được rao giảng cho toàn cõi trái đất.

Đức Kitô chọn người nghèo, dân chài lưới để bắt đầu rao giảng Tin Mừng bởi người được chọn đã từ chối lắng nghe lời Ngài. Đức Kitô sống với họ, dậy họ về tình Chúa vô biên, lòng tha thứ vô bờ, và cuộc sống vĩnh cửu. Ngài kêu gọi thống hối và tin vào Tin Mừng như Gioan rao giảng Mat 3,2. Người ta lí luận lời kêu gọi này xảy ra hai ngàn năm trước nay điều đó quá xưa, không còn thích hợp với xả hội mới. Lí luận nghe hợp lí nhưng lại sai í nghĩa của Tin Mừng bởi Tin Mừng không kêu gọi xã hội thống hối mà kêu gọi lòng người thống hối và đổi mới, kêu gọi con tim hoán cải. Không ai tự nhận mình có con tim già nua, nhưng nhận có con tin son trẻ vì thế lời kêu gọi hoán cải luôn luôn mới với con tim son trẻ. Đây không phải là lời kêu gọi xưa cũ của con tim hai ngàn năm, mà chính là con tin non trẻ, son trẻ trong lòng mỗi người. Con tim son trẻ sẽ không mỏi mệt khi làm công việc bác ái, yêu thương. Con tim son trẻ không chán chường với cuộc sống. Con tim son trẻ luôn tích cực hành động trong việc gieo rắc tình thương Chúa xuống trên mọi người. Để có được con tim son trẻ con tim đó cần kết hợp với cuộc sống của Đức Kitô. Chính tình yêu Đức Kitô đổi mới con tim và làm cho nó luôn non trẻ.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Định Hướng
Lm Vũđình Tường
16:40 25/01/2017
Không phải tự nhiên mà chúng ta hiện diện trên trái đất mà do tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa mà chúng ta có mặt trên đời. Thiên Chúa toàn quyền quyết định khi nào ta được sanh ra, ở địa phương nào, tại đâu, vào thời điểm nào và thuộc vào gia đình nào. Chúng ta cũng không biết cả phái tính, nam hay nữ, mạnh khoẻ hay bệnh tật, thông minh xuất chúng hay bình thường như mọi người. Chúng ta cũng không có tiếng nói liên quan đến tài nghệ, thời gian sống trên đời và ngay cả hình tể bề ngoài, đẹp xấu chúng ta cũng không có thể lên tiếng. Tất cả đều được quyết định bởi Thiên Chúa. Chúng ta cũng không biết Thiên Chúa ban cho lúc nào, trước khi được thụ thai hay sau khi được thụ thai. Chúng ta cũng không đuợc hỏi í kiến đón nhận những di truyền tốt đẹp từ cha mẹ và loại bỏ những bệnh tật di truyền để bớt đau khổ sau này. Khoa học gia đang cố gắng làm việc lựa chọn để quân bình phái tính và loại bỏ những bệnh tật di truyền nguy hiểm cha mẹ truyền lại cho con cháu. Hậu quả sẽ như thế nào đối với nhân loại là điều không ai có thể đoán biết bởi chỉ một sơ xuất nhỏ đủ làm thiệt mạng. Con người cố gắng nghiên cứu về vấn đề này bởi có những người sanh ra hoàn toàn mạnh khoẻ và cha mẹ vui mừng đón nhận, lại có những em bé khi sanh ra đã phải chịu đau khổ vì tật nguyền và cha mẹ hét to than khổ trước khi bằng lòng chấp nhận cách bất đắc dĩ. Con trẻ sẽ như thế nào là điều khó ai đoán biết bởi những tài nghệ tiềm ẩn trong người từ từ phát triển theo cuộc sống của người đó. Bên cạnh đó cũng còn mầm mống bệnh tật trong người và từ từ lộ ra khi có điều kiện thích hợp. Điều rõ ràng là các nhà phẫu thuật có thể làm thay đổi hình dáng bề ngoài con người qua việc mổ xẻ, đắp vá nhưng họ bất lực trong việc mang lại bình an trong tâm hồn. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có khả năng làm việc đó.

Điều chúng ta chắc chắn là Thiên Chúa tạo dựng con người do tình yêu Chúa và mỗi người chúng ta cần phải hướng những tài năng Chúa ban trong việc làm sáng Danh Chúa và mang lợi ích lại cho nhân loại. Khi chúng ta hướng dẫn tài năng Chúa ban trong việc làm tốt đẹp cho cuộc sống của con người chúng ta sẽ hưởng bình an nội tâm và cuộc sống thanh thản. Khi chúng ta hướng dẫn tài năng theo thói trần thế chúng ta có thể hưởng niềm vui trần thế trong một thời gian ngắn và sau đó không thể tránh khỏi đau khổ, gánh nặng trần thế bởi chọn theo đường lối trần thế. Tương lai cuộc sống con người được quyết định khi chúng ta lựa chọn lối sống. Chọn tốt sống vui, chọn xấu hậu quả thê lương, buồn tủi. Điều rõ ràng là những gì thuộc về trần thế thường là chóng qua, mau tàn. Cuộc vui trần thế cũng chóng tàn, mau hết. Quà thiên quốc vững bền, tồn tại muôn đời bởi chúng không hề ràng buộc bởi điều kiện hư nát nơi trần thế. Quà Chúa ban đến từ trời cao, từ nguồn tình yêu vô biên, bất diệt và đón nhận quà Chúa ban với lòng thành sẽ được sống trong nước Thiên Chúa, nơi không còn chết chóc, khổ đau.

Bài giảng trên núi giúp con người thiện tâm tìm biết đường lối Chúa và là đường dẫn ta đến gần Chúa. Nếu chẳng may đi lạc đường thì bài giảng trên núi giúp ta điều chỉnh hướng đi để quay về đàng ngay, nẻo chính. Mỗi điều trong bài giảng trên núi là một đại lộ dẫn ta đến con đuờng trọn lành, thánh thiện trong việc tiến đến nước Chúa. Tất cả các đuờng lối đó đều dẫn đến hạnh phúc chân chính, vĩnh cửu. Đức Kitô hướng dẫn chúng ta bước theo đường lối Chúa để tìm bình an cho tâm hồn, hoan lạc cho con tim và sưởi ấm tình nhân loại trong việc bác ái, yêu thương với tha nhân.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Suy Niệm Ngày Mùng Một Tết
Lm. Anthony Trung Thành
21:51 25/01/2017
Suy Niệm Ngày Mùng Một Tết

Thiên Chúa QUAN PHÒNG

(Mt 6, 25-34)

Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người bộ hành lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.

Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự." Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào."

Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?" Người bạn đồng hành luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này." Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.

Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?" Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành."

Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành/."

Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay." Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.

Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo." (Nguồn câu chuyện: Internet)

Câu chuyện trên cho chúng ta bài học về thái độ tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Nhìn lại cuộc sống, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần có những chuyện xảy ra tượng tự như thế: khỏe lại sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh; thoát khỏi một tai nạn giao thông; vượt qua được những khó khăn trắc trở trong cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn...Trong Kinh Thánh chúng ta bắt gặp nhiều biến cố nói lên sự quan phòng gìn giữ của Thiên Chúa: Ông Giuse bị anh em bán sang Ai cập, nhờ đó Giuse đã trở thành kẻ cứu đói anh em sau này; nhờ biến cố Saolô bị quật ngã trên đường đi bắt các Kitô hữu, ông đã nhận ra Đức Giêsu và sứ mạng của mình; nhờ trải qua con đường Thập giá, Đức Giêsu trở thành Đấng Cứu Độ gian trần... Cho nên, Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành.

Đoạn Tin Mừng hôm nay còn giúp chúng ta thêm lòng tin tưởng vào Chúa Quan Phòng hơn. Thông thường chúng ta hay lo lắng về cái ăn cái mặc và những thứ tương tự như thế trong cuộc sống. Điều đó rất hợp lý. Nhưng Đức Giêsu lại dạy chúng ta: “Đừng lo lắng áy náy quá về của ăn, áo mặc mà hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng.” Hay nói cách khác, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, vì Ngài thấu suốt mọi sự, Ngài có quyền phép vô cùng và Ngài có tình yêu thương.

Thứ nhất, vì Thiên Chúa thấu suốt mọi sự: Vũ trụ này được Thiên Chúa tạo dựng và gìn giữ, nên tất cả những gì xảy ra trong vũ trụ này đều hiện diện trước mặt Ngài. Ngài thấu suốt mọi sự: Ngài biết rõ những chuyện đã xảy ra trong quá khứ; Ngài thấy rõ những chuyện xảy ra trong hiện tại và Ngài biết cả những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Chúa biết tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của con người, của từng người, cả những ý nghĩ sâu kín nhất trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, khi chúng ta thiếu thốn, khi chúng ta lo âu, khi chúng ta gặp rủi ro hoạn nạn, ốm đau bệnh tật thì Chúa đều biết hết. Có nhiều lúc chúng ta gặp oan ức, đau khổ trong tâm hồn mà người khác không biết nhưng có Chúa biết. Chúa biết, nhưng có khi Chúa vẫn để nó xảy đến với chúng ta vì Chúa muốn chúng ta chạy đến kêu cầu Ngài thì Ngài mới cứu giúp. Ngài làm như thế là để tôn trọng tự do của chúng ta, đồng thời để chúng ta khiêm tốn hơn trước mặt Ngài.

Thứ hai, vì Thiên Chúa quyền phép vô cùng: Chúa quyền phép trong việc tạo dựng, từ không Ngài đã dựng nên mọi sự. Chúa quyền phép trong việc cứu chuộc và Chúa quyền phép trong việc quan phòng. Thiên thần nói với Đức Maria rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà không làm được.”(Lc 1,37). Đúng vậy, chính Thiên Chúa đã làm cho Mẹ sinh con mà vẫn còn đồng trinh, giữ gìn Mẹ khỏi vương vấn tội truyền và cho Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Phúc Âm còn kể lại biết bao phép lạ Đức Giêsu đã làm: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng…” (Lc 7,22). Ngoài ra, Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no mà còn dư thừa; Ngài đã làm cho sóng gió yên lặng như tờ; Ngài đã xua trừ ma quỷ và biết bao nhiêu phép lạ khác. Thiên Chúa quyền phép vô cùng.

Thứ ba, Thiên Chúa là người cha đầy tình yêu thương. Thánh Gioan đã định nghĩa : “Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1Ga 4,16). Thực tế, cả vũ trụ là công trình tình yêu của Thiên Chúa. Có yêu thương, Ngài mới dựng nên chúng ta và dựng nên mọi loài mọi vật để chúng ta hưởng dùng. Có yêu thương, Ngài mới cho Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta, lập các Bí tích làm phương thế để cứu độ chúng ta. Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra hai hình ảnh để cho chúng ta thấy được tình yêu thương và sự quan phòng của Ngài: “hãy nhìn xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học : chúng không làm lụng, không kéo sợi ; thế mà Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Salomon dù vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (x. Mt 6,26-29).

Tuy nhiên, tin tưởng vào Thiên Chúa yêu thương quan phòng không mang tính thụ động theo kiểu “há miệng chờ sung” hay “trời sinh voi, trời sinh cỏ.” Trái lại, chúng ta phải làm hết khả năng của mình, rồi phó thác cho Chúa, thì Chúa sẽ giúp. Đúng như ngạn ngữ pháp dạy: “Hãy tự giúp mình rồi trời sẽ giúp.” Hoa huệ đẹp như thế là nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng rễ nó vẫn không ngừng bám sâu trong đất, hằng ngày hút lấy nước và những chất bỗ dưỡng, tức là nó làm việc không ngừng mới có hoa đẹp. Chim trời cũng vậy, chúng phải bay đi khắp nơi để kiếm thức ăn. Chúng làm việc hợp với thiên nhiên, hợp với bản tính mà Thiên Chúa đã đặt để cho chúng. Vậy rõ ràng là Chúa muốn ta làm việc, lao động theo khả năng của mình nhưng đừng lo lắng, tính toán thái quá đến nỗi chỉ có công việc và tiền bạc mà quên hẳn tuân giữ luật Chúa, quên hẳn Thiên Chúa. Bởi vì : “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay.”(Mt 6,27).

Rồi Chúa dạy chúng ta cần phải ưu tiên cho công việc tìm kiếm Nước Trời, Ngài nói: “Trước tiên, các con hãy tìm nước trời đã rồi mọi sự Cha sẽ ban cho sau.” (Mt 6,33). Tìm kiếm nước trời là sống theo luật Chúa, sống theo thánh ý Chúa, nghĩa là chúng ta hãy làm tất cả mọi việc theo luật Chúa và thánh ý Ngài. Nếu chúng ta thành tâm làm được như vậy thì Thiên Chúa yêu thương quan phòng sẽ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta tất cả mọi việc khác.

Tóm lại, Thiên Chúa biết rõ mọi sự, Ngài có quyền phép và Ngài là người cha đầy tình yêu thương. Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa, như lời Thánh Vịnh 36,5: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” Cầu chúc anh chị em một năm mới được bình an và dồi dào ân sủng của Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Kinh Chiều bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô Giáo 25/01/2017
J.B. Đặng Minh An dịch
17:35 25/01/2017


Sự hòa giải đích thực giữa các tín hữu Kitô chỉ có thể đạt được khi chúng ta nhìn nhận ân sủng của nhau và học hỏi lẫn nhau trong sự khiêm nhường. Đây là thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói với các đại diện của tất cả các Giáo Hội Kitô gặp nhau tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành vào chiều thứ Tư 25 tháng Giêng để bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài về chủ đề của tuần cầu nguyện năm nay, đó là “Hòa giải - Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cor 5: 14-20).

Hòa giải là một ân sủng từ Chúa Kitô. Trước khi có bất kỳ nỗ lực nào của các tín hữu muốn vượt qua những chia rẽ giữa họ với nhau, Thiên Chúa đã trao ban nhưng không cho mỗi người chúng ta ơn được hòa giải với Thiên Chúa. Chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa bằng giá máu của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa.

“Làm thế nào để chúng ta có thể loan truyền Tin Mừng của hòa giải ngày hôm nay sau bao nhiêu những thế kỷ chia rẽ?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. Thánh Phaolô nói rõ ràng rằng hòa giải đòi hỏi một sự hy sinh và một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu đã thí mạng sống của Ngài cho chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi để thí mạng sống mình, bằng cách sống không còn cho chính mình và lợi ích riêng tư của mình nữa, nhưng sống cho Chúa Kitô và trong Chúa Kitô.

Chào mừng đặc biệt Đức Tổng Giám Mục Gennadios, đại diện Tòa Thượng phụ Đại kết thành Constantinople và Đức Tổng Giám Mục David Moxon, đại diện cho Liên Hiệp Anh giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả những người có mặt hãy tận dụng mọi cơ hội để cùng nhau cầu nguyện, để cùng nhau tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Kitô và để yêu thương và phục vụ cho nhau, đặc biệt là cho những người nghèo và bị bỏ quên giữa chúng ta.

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:


Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Damascus đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Thánh Phaolô. Từ nay trở đi, đối với ông, ý nghĩa của cuộc sống sẽ không chỉ giới hạn trong việc tin tưởng vào khả năng của riêng mình để giữ Luật một cách nghiêm chỉnh, nhưng thay vào đó là sự nhúng chìm toàn bộ con người của thánh nhân trong tình yêu khả ái và nhưng không của Thiên Chúa: của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại. Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm một cuộc vượt qua để có một cuộc sống mới, cuộc sống trong Chúa Thánh Thần. Bằng sức mạnh của Chúa Phục Sinh, ông đến với sự tha thứ, sự tự tin và niềm an ủi. Thánh Phaolô cũng không thể giữ sự mới mẻ này cho riêng mình. Ông bị buộc bởi chính ân sủng này là phải công bố Tin Mừng của tình yêu và hòa giải mà Thiên Chúa đã trao cho tất cả nhân loại một cách viên mãn trong Chúa Kitô.

Đối với vị Tông Đồ Dân Ngoại này, việc hòa giải với Thiên Chúa, là Đấng mà giờ đây ông trở thành một đại sứ của Ngài (x 2 Cor 5:20), là một ân sủng từ Chúa Kitô. Điều này thể hiện rõ trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta đã chọn để làm chủ đề của Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo năm nay: “Hòa giải - Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta” (x 2 Cor 5: 14-20). “Tình yêu của Chúa Kitô” ở đây không phải là tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô, mà là tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta. Sự hòa giải mà chúng ta bị thôi thúc ở đây cũng phải chỉ đơn giản là sáng kiến riêng của chúng ta. Trước hết, đó là sự hòa giải mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô. Trước khi có bất kỳ nỗ lực nào của các tín hữu muốn vượt qua những chia rẽ giữa họ với nhau, Thiên Chúa đã trao ban nhưng không cho mỗi người chúng ta ân sủng hòa giải với Thiên Chúa. Nhờ ân sủng này mỗi người chúng ta được tha thứ và được yêu thương, và đến lượt mình được mời gọi để loan báo Tin Mừng của sự hòa giải trong lời nói và hành động, để sống và làm chứng cho một cuộc sống hòa giải.

Ngày nay, trong bối cảnh này, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta loan truyền Tin Mừng của hòa giải sau nhiều thế kỷ chia rẽ? Thánh Phaolô giúp chúng ta tìm được con đường. Thánh nhân nói rõ ràng rằng hòa giải trong Chúa Kitô đòi hỏi sự hy sinh. Chúa Giêsu đã ban cuộc sống của Ngài khi chết cho tất cả chúng ta. Cũng vậy, trong danh Ngài, các đại sứ của hòa giải cũng được mời gọi hy sinh mạng sống của mình, để không còn sống cho riêng mình nhưng là cho Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại cho họ (x 2 Cor 5: 14-15). Như Chúa Giêsu đã dạy, chỉ khi chúng ta chịu mất đi mạng sống mình vì tình yêu dành cho Ngài thì khi đó chúng ta mới thực sự giữ được mạng sống mình (Lc 9:24). Đây là cuộc cách mạng Thánh Phaolô đã trải qua, nhưng nó là, và luôn luôn là, một cuộc cách mạng Kitô Giáo. Chúng ta sống không còn cho chính mình, cho lợi ích và “hình ảnh” riêng của mình, nhưng là hình ảnh của Đức Kitô, và cho Ngài và theo Ngài, với tình yêu và trong tình yêu của Ngài.

Đối với Giáo Hội, đối với mọi hệ phái Kitô, đây là một lời mời gọi đừng để mình bị đóng khung trong các chương trình, kế hoạch và lợi thế, đừng chỉ nhìn vào các triển vọng và thời trang của thời điểm hôm nay, nhưng phải liên tục hướng nhìn về thập giá của Chúa Kitô. Lúc đó, chúng ta mới có thể khám phá chương trình của cuộc sống chúng ta. Đó là một lời mời gọi bỏ lại sau lưng mọi hình thức của sự cô lập, để vượt qua tất cả những cám dỗ tự thu hút vào chính mình là điều ngăn cản chúng ta cảm nhận Chúa Thánh Thần đang hoạt động như thế nào bên ngoài môi trường quen thuộc của chúng ta. Sự hòa giải đích thực giữa các tín hữu Kitô chỉ có thể đạt được khi chúng ta nhìn nhận ân sủng của nhau và học hỏi lẫn nhau trong sự khiêm nhường và vâng phục, mà không cần chờ đợi những người khác tìm hiểu chúng ta trước.

Nếu chúng ta kinh nghiệm việc chết đi như thế vì Chúa Giêsu, con đường cũ của chúng ta sẽ chỉ còn là một điều trong quá khứ và, như Thánh Phaolô, chúng ta sẽ vượt qua và đến với một hình thức mới của cuộc sống và tình huynh đệ. Với Thánh Phaolô, chúng ta sẽ có thể nói rằng: “cái cũ đã qua rồi” (2 Cor 5:17).

Nhìn lại quá khứ là một điều hữu ích, và thực sự là cần thiết, để thanh tẩy ký ức của chúng ta, nhưng gắn bó với quá khứ, kéo dài trong ký ức những sai lầm đã được thực hiện và đã phải chịu đựng, cũng như phán xét chỉ trên phương diện con người mà thôi, có thể làm tê liệt chúng ta và ngăn cản chúng ta sống thời điểm hiện tại. Lời Chúa khuyến khích chúng ta rút ra sức mạnh từ ký ức và nhớ lại những điều tốt đẹp Chúa đã ban cho chúng ta. Nhưng nó cũng đòi hỏi chúng ta phải bỏ quá khứ lại đằng sau để đi theo Chúa Giêsu hôm nay và sống một cuộc sống mới trong Người. Chúng ta hãy để Chúa thực hiện tất cả những điều mới mẻ(x Rev 21: 5), để Người công bố trước mắt chúng ta một tương lai mới, mở cửa cho những hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng, một tương lai trong đó các chia rẽ có thể được khắc phục và các tín hữu, khi được đổi mới trong tình yêu, sẽ được viên mãn và hữu hình.

Năm nay, trong cuộc hành trình của chúng ta trên con đường tiến đến sự hiệp nhất, chúng ta nhớ lại cách riêng cuộc Cải Cách Tin Lành. Thực tế là người Công Giáo và Luther ngày nay có thể cùng tham gia kỷ niệm một sự kiện gây chia rẽ các Kitô hữu, và có thể làm như vậy với hy vọng, trong khi đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu và các việc ăn năn đền tội, là một thành tích đáng kể, có được là nhờ Thiên Chúa và những lời cầu nguyện, và nhờ năm mươi năm phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và đối thoại đại kết.

Khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho ân sủng hòa giải với Chúa và với nhau, tôi gửi lời chào thân ái và huynh đệ tới Đức Tổng Giám Mục Gennadios, là đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại kết, Đức Tổng Giám Mục David Moxon, là đại diện tại Rôma của Đức Tổng Giám mục thành Canterbury, và tất cả các vị đại diện cho các Giáo Hội khác cũng như các cộng đoàn Giáo Hội đang tập hợp ở đây. Tôi đặc biệt vui mừng chào đón các thành viên của Ủy ban hỗn hợp đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông phương, và xin gởi lời chúc tốt đẹp cho thành quả các phiên họp khoáng đại đang diễn ra trong những ngày này. Tôi cũng chào đón các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang thăm Roma để đào sâu kiến thức về Giáo Hội Công Giáo; cũng xin gởi lời chào đến các sinh viên trẻ Chính Thống và Chính Thống Đông phương đang học ở Rome nhờ vào các học bổng được cung cấp bởi Ủy ban hợp tác văn hóa với các Giáo Hội Chính Thống, có trụ sở tại Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo. Với các vị bề trên và các nhân viên của Hội Đồng này tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn của mình.

Anh chị em thân mến, lời cầu nguyện của chúng ta cho sự hiệp nhất Kitô giáo là một sự chia sẻ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha, vào đêm trước cuộc thương khó của Ngài “xin cho tất cả họ có thể nên một” (Ga 17:21). Chớ gì chúng ta không bao giờ mệt mỏi cầu xin Chúa ân sủng này. Với niềm hy vọng kiên nhẫn và tín thác rằng Cha sẽ ban cho các Kitô hữu những ân sủng của sự hiệp thông hữu hình, chúng ta hãy dấn bước trong cuộc hành trình hướng về sự hòa giải và đối thoại, được khuyến khích bởi chứng tá anh hùng của nhiều anh chị em của chúng ta, trong quá khứ cũng như hiện tại, những người đã chịu đau khổ vì danh Chúa Giêsu. Cầu xin cho chúng ta có thể tận dụng tất cả mọi dịp mà Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta để cùng nhau cầu nguyện, để cùng nhau tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Kitô và để yêu thương và phục vụ cho nhau, đặc biệt là cho những người nghèo và bị bỏ quên giữa chúng ta.
 
Tạo hoẹt lịch sử
Vũ Văn An
19:06 25/01/2017
Thời buổi óc bè phái phe đảng ngự trị này, người ta sẵn sàng tạo hoẹt lịch để bênh vực, bảo vệ lập trường hay ý thức hệ của mình. Theo George Weigel, não trạng này đang ào ạt xâm nhập cả vào trong Giáo Hội Công Giáo.

Đó là trường hợp nhà văn Công Giáo Anh, Paul Vallely, và bài nhận định ngày 17 tháng Mười Hai, năm 2016 của ông đăng trên tờ Guardian. Nhà văn này cho rằng Đức Phanxicô “đang đều đặn trám đầy Hồng Y Đoàn bằng các mục tử ôn hòa hơn là các nhà ý thức hệ tín lý" như các triều giáo hoàng trước. Weigel cho rằng nhận định này dĩ nhiên không những thuộc loại chơi chữ đúng tiêu chuẩn báo chí mà còn là lịch sử tạo hoẹt nữa.

Ông bảo chỉ cần mở cuốn Annuario Pontificio (giáo hoàng niên giám) là đủ thấy. Trong đó, trong các trang dành cho Hồng Y Đoàn, ta thấy các vị sau đây theo thứ tự thâm niên Hồng Y: Roger Etchegaray, Godfried Danneels, Thomas Stafford Williams, Paul Poupard, Achille Silvestrini, Angelo Sodano, Roger Mahony, Jaime Ortega, William Keeler, Darío Castrillón Hoyos, Dionigi Tettamanzi, Christoph Schönborn, Giovanni Battista Re, Walter Kasper, Theodore McCarrick, Óscar Rodríguez Maradiaga, Cláudio Hummes, Cormac Murphy-O’Connor, Karl Lehmann, Renato Martino, Tarcisio Bertone, Peter Turkson, Franc Rodé, Leonardo Sandri, Giovanni Lajolo, Seán Brady, Oswald Gracias, Odilo Scherer, Francesco Monterisi, Kurt Koch, Gianfranco Ravasi, Reinhard Marx, Francesco Coccopalmerio, João Braz de Aviz, Domenico Calcagno, Rainer Maria Woelki, Béchara Boutros Raï, and Luis Antonio Tagle.

Bây giờ, nếu ai còn dám nghĩ rằng bất cứ vị nào trên đây là một “nhà ý thứ hệ tín lý”, thì chắc người này không thể là một chuyên viên về Vatican (vaticanista). Thế mà mỗi vị trong số các vị trên đều đã được bổ nhiệm bởi Đức Gioan Phaolô II hoặc Đức Bênêđíctô XVI, hai vị được nhà văn này coi là “bảo thủ”.

Hơn nữa, các vị Hồng Y Danneels, Kasper, Lehmann, và Murphy-O’Connor là những vị cổ vũ chính cho Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio trong mật nghị hội bầu giáo hoàng năm 2013. Và sau khi Hồng Y đoàn đã bầu Đức Hồng Y Bergoglio làm Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tân giáo hoàng đã lập tức bổ nhiệm các Hồng Y Rodríguez Maradiaga, Gracias, và Marx vào Hội Đồng Hồng Y làm cố vấn cho ngài trong việc cải tổ Giáo Triều. Các vị Hồng Y Braz de Aviz, Calcagno, Coccopalmerio, Hummes, Koch, và Schönborn đóng nhiều vai trò quan trọng trong triều giáo hoàng này cho tới nay và Đức Hồng Y Tagle vẫn tiếp tục nằm trên các danh sách của các vị có thể làm giáo hoàng trong tương lai.

Và xin nhắc lại một lần nữa, một cách vô tư và mạnh mẽ, rằng các vị trên đều được thăng Hồng Y thời Đức Gioan Phaolô II hoặc Bênêđíctô XVI.

Chia lịch sử thành hai thời kỳ tương phản nhau rõ rệt thỉnh thoảng lắm mới có ý nghĩa. Hiệp Chúng Quốc trước và sau cuộc Nội Chiến là một: trước biến động lớn lao ấy, người ta bảo: “Hiệp Chúng Quốc là những…”, sau đó, lối nói này trở thành “Hiệp Chúng Quốc là một…”. Nhật Bản, trước và sau Thế Chiến II là một thí dụ khác trong đó việc phân chia này không đơn giản chỉ là sự phân thời kỳ mà thôi. Nhưng các điển hình như thế khá hiếm. Ba Lan ngày nay đang sống qua một thời kỳ tranh chấp chính trị nội bộ xem ra rất giống như cuộc tranh luận trước đây về căn tính của mình trong các thập niên 1920 và 1930. Nước Pháp phần nào vẫn đang có thứ nội chiến đã khởi sự từ năm 1789. Lịch sử hiện có tính hữu cơ và phát triển hơn, và ít có tính hàng dọc (linear), hơn là sự phân chia lịch sử con người một cách giả tạo thành các giai đoạn nhị phân, chống đối nhau gợi ý.

Điều trên đặc biệt đúng đối với Giáo Hội. Chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với lối suy nghĩ coi Công Đồng Vatican II như một thứ Grand Canyon (Hẻm Núi Vĩ Đại) phân cách lịch sử Giáo Hội thành hai thời kỳ hoàn toàn khác nhau. Ấy thế nhưng, sau Thánh Kinh, các nguồn được trưng dẫn nhiều nhất trong các ghi chú ở cuối các văn kiện của Vatican II chính là huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Piô XII; các thông điệp có tính canh tân của vị Giáo Hoàng này, giữa thập niên 1940, đã đẩy mạnh các năng động tính vốn lên khuôn cho Công Đồng này trong các năm 1962 và 1965. Thực thế, Vatican II không thể nào quan niệm được nếu không có các vị Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903), Piô X (1903-1914), Bênêđíctô XV (1914-1922) và Piô XI (1922-1939) và Piô XII (1939-1958).

Hơn nữa, ý kiến cho rằng các triều Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI khô cằn (sterile) về phương diện trí thức đơn thuần chỉ đáng nực cười. Vì đó là thời kỳ của Thần Học Thân Xác, của các thông điệp vĩ đại như Redemptor Hominis, Dives in Misericordia, Veritatis Splendor, Redemptoris Missio, và Centesimus Annus, và các bài diễn văn thâm thúy của Đức Bênêđictô XVI tại Regensburg, New York, London, và Berlin. Giữa các năm 1978 và 2013, một bộ giáo huấn phong phú của các vị giáo hoàng, vừa mạnh dạn về phương diện trí thức vừa sâu sắc về phương diện truyền giảng Tin Mừng, đã được ban cho Giáo Hội.

Không nhận định nào đúng hơn cho lịch sử Giáo Hội bằng lối giải thích liên tục mà Đức Bênêđíctô XVI đã nhiều lần cổ vũ. Cái thứ giải thích đứt đoạn chỉ đem lại chia rẽ không cần thiết cho Giáo Hội mà thôi. Bôi lọ các vị tiền nhiệm của ngài bằng hạn từ ý thức hệ cứng ngắc không những không hề làm vinh dự Đức Phanxicô, nó còn là lịch sử tạo hoẹt nữa.
 
Dự luật cấm tài trợ cho phá thai vừa được Hạ Viện Mỹ thông qua.
Kateri Diễm Châu
20:25 25/01/2017

Washington DC ( CNA 24/01/2017): Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật đầu tiên ủng hộ sự sống, dự luật sẽ củng cố chính sách hiện hành là không dùng thuế liên bang để tài trợ nạo phá thai.

Dự luật này sẽ "bảo vệ quyền lương tâm của người Mỹ bằng cách đảm bảo rằng tiền thuế khó kiếm của họ không được sử dụng để tài trợ việc phá hủy một cuộc sống vô tội," bà dân biểu Diane Black (R-Tenn.) tuyên bố như trên trước cuộc bỏ phiếu.

Việc cấm dùng thuế liên bang để tài trợ cho phá thai hiện nay dựa vào tu chính án Hyde đã có từ 40 năm qua, Hyde là tên của ông dân biểu Henry Hyde, là người tài trợ cho tu chính án. Tuy nhiên, tu chính án đó cầ̀n được Quốc hội thông qua mỗi năm.

Từ 40 năm qua tu chính án Hyde vẫn được cả hai đảng hỗ trợ, tuy nhiên trong năm vừa qua bản cương lỉnh cuả đảng Dân chủ đã kêu gọi bãi bỏ nó.

Cũng cần phân biệt dự luật mà quốc hội vừa thông qua và sắc lệnh cuả ông Trump vừa ký để hoãn các tài trợ phá thai ở quốc ngoại là khác xa nhau lắm. Dự luật cuả quốc hội nếu thành luật sẽ chi phối tất cả các chi tiêu sau này, còn sắc lệnh cuả ông Trump chỉ đình hoãn một khỏan chi tiêu trong ngân sách đã được chuân chi mà thôi, ở đây, khoản chi tiêu này là thuộc ngân sách năm 2017 viện trợ cho các nước ngoài.

Dự luật có tên 'Không dùng thuế tài trợ cho phá thai', được thông qua hôm thứ Ba với một túc số 238-183 và được tài trợ bởi dân biểu Chris Smith (R N.J.), nhắm mục đích đặt chính sách Hyde thành luật, do đó không cần phải được Quốc hội biểu quyết lại mỗi năm nữa.

Nó sẽ mở rộng sự bảo vệ chống lại việc dùng thuế tài trợ cho phá thai ở nhiều lãnh vực khác nữa, chẳng hạn như trong chương trình y tế của nhân viên liên bang. Nó cũng sẽ mở rộng sang Đạo Luật Chăm Sóc Giá Cả phải chăng, đảm bảo rằng sẽ không có trợ cấp bảo hiểm phá thai trong các kế hoạch bảo hiểm trên sàn giao dịch cuả quốc gia.

Theo một cuộc thăm dò cuả viện Marist được hội Knights of Columbus bảo trợ và phát hành đầu tuần, thì 61 phần trăm số người được hỏi cho biết họ phản đối việc sử dụng tiền thuế để trả tiền phá thai. Trong số những người đó thì 53% là thuộc thế hệ Thiên Niên Kỷ (Millennial, 20-26 tuổi tính đến năm 2017) và 41% là thuộc đảng Dân chủ.

Tổng thống Trump báo hiệu rằng ông sẽ ký dự luật nếu được Quốc hội thông qua, có nghĩa là nếu Thượng viện cũng sẽ bỏ phiếu thuận.

Chúng ta hãy chờ xem.
 
Top Stories
Vietnam: Nouvelle arrestation d’un militant chrétien ayant déjà purgé une première peine de quatre ans de prison
Eglises d'Asie
19:19 25/01/2017
Ces derniers temps, divers observateurs ont dénoncé le relâchement de la surveillance de la situation des droits de l’homme au Vietnam. Certaines instances internationales ont tendance à faire preuve de moins de vigilance à ce sujet. C’est en particulier le cas des Etats-Unis depuis l’élection du nouveau président Donald Trump. Celui-ci oriente son pays vers l’abandon du partenariat commercial passé avec les pays de l’Asie-Pacifique et des exigences qui l’accompagnaient en matière humanitaire. Au Vietnam, depuis peu, se multiplient les arrestations de dissidents et blogueurs. Certains prisonniers de conscience sont arrêtés de nouveau. Les discours du secrétaire général, réélu depuis un an, Nguyên Phu Trong, incite les membres du Parti communiste à lutter contre « le relâchement idéologique ».

Un récent événement confirme cette reprise de la répression : l’arrestation d’un jeune chrétien protestant, ancien prisonnier politique, libéré en août 2015, Nguyên Van Oai. Sa famille vient en effet de recevoir un avis de la Sécurité publique lui annonçant que Oai avait été arrêté sur une route de la province du Nghê An, le 19 janvier dernier.

Militant dans les domaines religieux et social

Les autorités policières reprochent à Nguyên Van Oai de s’être opposé à un agent dans l’exercice de ses fonctions et de ne pas s’être soumis aux exigences de l’assignation à résidence de quatre ans à laquelle il est condamné. Une accusation récusée en totalité par son épouse, qui a rapporté les faits à l’attention de l’opinion publique.

Nguyên Van Oai est un chrétien âgé de 32 ans, issu de la province du Nghê An. Militant aussi bien dans le domaine religieux que social, pigiste dans la presse animée par les rédemptoristes de l’époque, il avait participé à plusieurs sessions d’étude sur la doctrine sociale de l’Eglise catholique. On l’avait aperçu dans les manifestations populaires contre l’expansionnisme chinois. Il a été l’un des premiers arrêtés du groupe des 17 militants chrétiens appréhendés au cours d’une période allant de la fin du mois de juillet 2011 au début de l’année suivante. Il était le seul protestant du groupe, les autres jeunes gens arrêtés étant tous catholiques. Il avait été arrêté le 2 août 2011 à Saigon au titre de l’article 79 du Code pénal (« tentative de renversement du pouvoir populaire »).

Lors d’un premier procès en première instance au tribunal du Nghê An où comparaissaient 14 ses compagnons, il avait été condamné à quatre ans de prison ferme, peine qui fut confirmée ensuite par le procès en appel. Sa libération de prison avait eu lieu le 2 août 2015. Il lui reste à purger ses quatre ans de résidence surveillée. (eda/jm)

(Source: Eglises d'Asie, le 25 janvier 2017)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chính trị Mỹ - Gánh nặng Việt
Phạm Trần
22:04 25/01/2017
CHÍNH TRỊ MỸ-GÁNH NẶNG VIỆT

Tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ông Donald John Trump, 71 tuổi (sinh ngày 14/06/1946) là một người bất bình thường trên nhiều khía cạnh sau khi nhậm chức và đã đi ra ngoài những thông lệ của các Tổng thống tiền nhiệm.

Nhưng Việt Nam vào những ngày cuối năm Bính Thân cũng không hay ho gì mà còn báo hiệu những gánh nặng ngặt nghèo, nhất là về mặt kinh tế và chiến lược mới trong khu vực của Trung Quốc.

BẤT THƯỜNG 1: GIAN LẬN BẦU CỬ

Thứ nhất, ông Trump chỉ đắc cử Tổng thống bằng 304 lá phiếu của Đại cử tri đòan, thay vì số phiếu đa số của cử tri trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2106. Đối thủ của ông, nguyên Ngọai trưởng bà Hilarry Clinton của đảng Dân chủ tuy thua cuộc nhưng lại được hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu.

(Báo cáo chính thức: Bà Clinton được 65,844,610 votes. Ông Trump có 62,979,636 votes. Bà Clinton hơn ông Trump 2,864,974 phiếu của cử tri).

Trường hợp của bà Clinton, cũng giống như ứng cử viên Dân chủ, Phó Tổng thống Al Gore, đã thua Tổng thống Cộng hoà George W. Bush trong cuộc tranh cử năm 2000, dù ông Bush thua ông Gore trên 500,000 phiếu của cử tri.

Kết qủa này đã khiến ông Trump khó chịu đến nỗi ông lên tiếng cáo buộc, ngay sau ngày bầu cử, rằng số phiếu ông thua bà Clinton là vì đã có những lá phiếu của cử tri bất hợp pháp bỏ cho đối thủ của ông, mặc dù ông không đưa ra một bằng chứng nào.

Tưởng câu chuyện đã lùi vào qúa khứ vì chẳng ai quan tâm, và ai cũng muốn biết ông Trump sẽ bắt tay vào việc điều hành việc nước như thế nào.

Nào ngờ, ông Trump lại nhắc lại chuyện “lá phiếu đa số” trong cuộc tiếp xúc đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc với các Lãnh tụ Quốc hội của cả hai đảng hôm Thứ Hai , 23/01/2016. Ông Trump đã nói rằng hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp đã đi bỏ phiếu khiến ông thua “phiếu đại chúng”, mặc dù ông không chứng minh được lời nói của mình.

Theo lời nói lại của nhiều Nghị sỹ và Dân biểu có mặt thì ông Trump đã cho rằng “millions of unauthorized immigrants had robbed him of a popular vote majority.” (hàng triệu di dân bất hợp pháp đã cướp đi mất số phiếu đa số của ông ta)

Sự cay cú với dư luận cho rằng ông không phải là Tổng thống của đa số người dân Mỹ đã thúc ông ra lệnh vào ngày Thứ Tư, 25/01/2017, điều tra sâu rộng về những lá phiếu mà ông coi là bất hợp pháp.

Hành động của ông Trump không làm nhiều người hài lòng, nhất là khi ông vừa mới bắt tay vào việc. Họ cho rằng ông có nhiều việc quan trọng hơn phải làm trong vai trò Tổng thống, thay vì cứ ăn thua mãi với là phiếu.

BẤT THƯỜNG 2: CIA-LỄ NHẬM CHỨC

Trước đó vào hôm thứ Bẩy 21/01/2017, chỉ sau 1 ngày nhậm chức, ông Trump đã đến thăm trụ sở của Cơ quan Trung ương tình báo CIA ( Central Intelligence Agency). Tại đây, ông nói rằng chính báo chí đã dựng đứng chuyện ông hục hặc với CIA, và ông tuyên bố ủng hộ cơ quan này 100%.

Ông Trump đã quay ngược những lời ông từng xỉ vả CIA khi CIA cho ông biết tình báo Nga đã nhúng ta phá cuộc bầu cử Tổng thống là để giúp ông thắng cử. Có khi ông nói các cơ quan an ninh và tình báo đã bịa ra để hạ uy tín ông. Ông còn chỉ trích thẳng Giám đốc CIA John Owen Brennan (thời Tổng thống Barack Obama) đã tiết lộ cho báo chí về tin chưa được kiểm chứng rằng tình báo Nga đã nắm trong tay hồ sơ cá nhân và tài chính của ông Trump.

Cũng rất ngạc nhiên là thay vì có lời hàn gắn rạn nứt với CIA, ông Trump lại dùng diễn đàn này chỉ trích báo chí đã không tường thuật đúng con số người đã dự lễ nhậm chức của ông. Con số mà ông Trump đưa ra là 1,500.000 người. Nhưng sự thật thì số người dự lễ tuyên thệ của ông chỉ vào khỏang từ 700,000 đến 900,000 người trong khi lần nhậm chức đầu tiên năm 2009 của nguyên Tổng thống Barack Obama là 1,800.000 và nhiệm kỳ hai năm 2013 là 1,300.000 người.

Báo chí còn đăng hình ảnh của hai lễ tuyên thệ 2009 và 2017 để so sánh cho thấy có một số bãi đất trống người tại lễ của ông Trump, trong khi cũng ở những chỗ này năm 2009 đầy kín người.

Tệ hại hơn, sau khi từ trụ sở CIA trở lại Tòa Bạch Ốc dù chưa chứng minh được con số 1,500,000, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Phát ngôn viên Sean Spicer mở buổi thuyết trình đầu tiên để chỉ trích báo chí một lần nữa là họ đã cố tình loan tin sai đực thật về số người dự lệ tuyên thệ. Sean Spicer còn cáo buộc báo chí đã ngụy trang hình ảnh nhằm làm giảm sự ủng hộ của người dân dành cho ông Trump và gây khó khăn cho chính quyền Trump.

Ngay lập tức, hàng hà sa số những lời lên án chính quyền Trump và Sean Spicer được truyền đi khắp nơi trên thế giới cho rằng họ đã “cố tình nói láo” (intentionaly lie) với người dân và chối bỏ sự thật.

BẤT THƯỜNG 3: NGA-TRUMP-TẨY CHAY

Cũng tại lễ nhậm chức ngày 20/01/2017 của ông Trump, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ đã có 67 Dân biểu đảng Dân chủ tẩy chay buổi lễ.

Nổi tiếng nhất trong họ là Dân biểu da mầu John Lewis (Georgia), lãnh tụ nhân quyền được mọi người kính trọng.

Trước ngày tuyên thệ, ông Lewis đã nói với Đài Truyền hình NBC trong cuộc phỏng vấn rằng ông không coi ông Trump là một Tổng thống chính danh vì có bàn tay Nga nhúng vào giúp ông ta đắc cử và hủy diệt ứng cử viên Hillary Clinton ("I don't see this President-elect as a legitimate president…."I think the Russians participated in helping this man get elected. And they helped destroy the candidacy of Hillary Clinton." ( NBC, Jan. 14-2016)

Các dân biểu tẩy chay khác, mỗi người có một lý do không tham dự nhưng phần đông đã đồng tình với Dân biểu Lewis. Họ còn quan ngại về thái độ tỏ ra thân thiện của ông Trump với Tổng thống Nga Vladamir Putin trong thời gian ông Trump tranh cử.

Nhiều lãnh tụ Quốc hội của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có Lãnh tụ đa số Cộng hoà tại Thương viện, Nghị sỹ Mitch McConnell và Nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân sự, nguyên ứng cử viên Tổng thống Cộng hòa năm 2008 đã công khai khuyến cáo ông Trump phải đề phòng Putin, cựu lãnh đạo tình báo KGB của Nga. Nghị sỹ McConnell còn nói ông không coi ông Putin là bạn của nước Mỹ.

Sự đắc cử của ông Trump bị nghi ngờ có bàn tay giúp đỡ của tình báo Nga do chính Tổng thống Vladamir Putin chỉ huy. Các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã cáo buộc hai cơ quan, Tình báo Trung ương, (Federal Security Service, FSB), trước đây là KGB và Tình báo Quân đội (GRU) của Nga bị nhận diện nhúng tay phá họai cuộc bầu cử Mỹ với chủ trương giúp ông Trump đắc cử.

An ninh Mỹ cũng báo cáo với Tổng thống Obama, Tổng thống đắc cử Donald Trump và các Lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội rằng họ còn bắt được cuộc điện đàm chúc mừng nhau giữa các viên chức Nga sau khi biết ông Trump thắng cử.

Tuy nhiên ông Trump, sau nhiều ngày bác bỏ, đã phải thừa nhận có sự xâm nhập gây nhũng loạn cuộc bầu cử của an ninh Nga. Nhưng ông đã bác bỏ tin nói rằngnước Nga đã giúp ông đắc cử.

Phía Nga, kể cả Tổn g thống Putin, cũng đã lên án các báo cáo của an ninh Mỹ là bịa đặt.

Nhưng các cơ quan an ninh Mỹ vẫn tiếp tục cuộc điều tra về vai trò của Nga và mức nghiêm trọng của tình báo Nga đã xâm nhập vào họai sinh họat chính trị và ninh của nước Mỹ.

Tại Thượng viện, hai Nghị sỹ nổi tiếng Cộng hoà John McCain và Lindsey Graham của South Carolina đã chuẩn bị một Đạo luật để trừng phạt Nga đã phá họai cuộc bầu cử ngày 8/11/2016. Việc làm này nhằm gây áp lực chính quyền Trump phải triệt để đối phó với âm mưu của Nga nhắm vào Mỹ.

Trước ngày mãn nhiệm, Tổng thống Obama đã ban lệnh trừng phạt một số cá nhân lãnh đạo hai cơ quan tình báo Nga bị cáo buộc phá họai bầu cử. Lệnh trừng phạt này còn trục xuất về Nga 35 nhân viên ngọai giao. Nhưng ông Putin, vì muốn lấy lòng ông Trump, đã không trả đũa.

Trước tình huống này, chính quyền Trump bị dồn vào thế phải đương đầu bất đắc dĩ với Putin, người từng được ông Trump ca ngợi là nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Obama. Ông Trump nói ông sẵn sàng hàn gắn mối giao hảo Mỹ-Nga, vốn không tốt đẹp dưới thời Obama. Tuy nhiên, các lãnh tụ Quốc hội hai đảng lại tỏ ra dè dặt trước thái độ thân thiện với Putin của ông Trump.

TRUMP-TRUNG QUỐC-VIỆT NAM

Vậy trước bối cảnh một Tổng thống Trump chưa hết mặc cảm ông không phải là “Tổng thống chính danh” vì số phiếu thiểu số và đám mây mù Nga lơ lửng trên đầu, Thế giới và Việt Nam có thể chờ đợi gì nơi Hoa Kỳ ?

Trước hết, thực hiện lời hứa khi tranh cử, hôm 23/01/2017, ông Trump đã ký lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP (Trans Pacific Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. TPP coi như đã chết vì mất nền kinh tế hàng đầu trong nhóm 12 nước ký Hiệp định này. 11 Quốc gia còn lại gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, và Việt Nam. Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị gía 28,000 Tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của Thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh có khả năng cầm chân Trung Quốc.

Nhật Bản, Úc và Tân Tây Lan đang nỗ lực tập hợp lại 11 quốc gia còn lại để định hướng cho tương lai hợp tác, dưới hình thức khác không có Mỹ. Khi nào thì sự biến dạng này sẽ thành hình và sẽ có sức mạnh kinh tế ra sao thì hãy còn qúa sớm để định hình.

Chỉ thấy hiển nhiên một điều là giờ đây, nhờ vào quyết định của ông Trump mà vai trò lãnh đạo kinh tế trong khu vực Á Châu và Thái Bình Dương của Trung Quốc càng nổi lên hơn bao giờ hết.

Trung Quốc hiện đang thúc đầy thành hình khối kinh tế 16 nước được gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ngay từ đầu, không có Mỹ vì Hoa Thịnh Đốn tin rằng TPP sẽ thành công và đáp ứng được các điều kiện về lao động, môi trường, nhất là các quyền tự do của công nhân như được lập nghiệp đòan tự do và được bảo đảm quyền được thông tin và thông tin. Nói chung là các quyền cơ bản của con người mà Hoa Kỳ vẫn thường xuyên cổ võ và thúc đầy các nước trên thế giới làm theo đều chứa đựng trong TPP.

Giờ đây, sau khi Tổng thống Trump đình chỉ TPP và chưa biết chính quyền này sẽ thương thảo các hiệp ước thương mại “song phương” như thế nào với từng quốc gia ở Châu Á và các nước khác nên hy vọng của người lao động Việt Nam rất mơ hồ.

Dù có mất TPP nhưng Việt Nam vẫn có chân trong khối RCEP, cùng với 9 nước khác của AQSEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ.

Về mặt kinh tế thì Việt Nam còn nhiều thoả hiệp hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác. Nhưng về mặt chính trị thì chắc chắn những gì TPP có triển vọng đem lại cho Việt Nam trong tương lai đã biến mất sau chữ ký của ông Trump hôm 23/01/2017.

Vì vậy, các cá nhân tranh đấu cho dân chủ, tự do, quyền con người và phong trào Xã hội Dân sự non trẻ ở Việt Nam từng nuôi hy vọng vào TPP, từ nay sẽ phải tiếp tục tự gồng mình để đối phó với quyết định của ông Donald Trump.

Vì khi Mỹ rút khỏi TPP thì không những ông Trump đã mở ra một sinh lộ bành trướng kinh tế mới cho Trung Quốc mà còn lấy đi gánh nặng bị ràng buộc vào dân chủ và nhân quyền của TPP cho cả nhà nước CSVN.

Ông Trump cũng đã hủy bỏ chính sách hợp tác kinh tế rộng khắp của nhiều đời Tổng thống Mỹ để co cụm lại với mục đích mọi hành động và mọi thỏa hiệp phải bảo đảm cho quyền lợi của Mỹ trên hết.

Chủ trương bảo hộ này đã được ông Trump cổ võ khi tranh cử và ngay trong diễn văn nhậm chức ngày 10/01/2017, Tổng thống Trump đã nhắc lại nhiều lần khẩu hiệu “America First”.

Ông nói:” Kể từ giờ phút này, nước Mỹ là trên hết. Mọi quyết định về thương mại, thuế vụ, di dân, và đối ngoại, sẽ được thực hiện để đem lại phúc lợi cho công nhân Mỹ và các gia đình Mỹ.”

(From this moment on, it’s going to be America First.Every decision on trade, on taxes, on immigration, on foreign affairs, will be made to benefit American workers and American families. )

Ông Trump đã được vỗ tay lớn sau câu nói này. Nhưng các nhà kinh tế lại lo ngại nước Mỹ sẽ phải trải qua một thời kỳ “tự cô lập mình” có hại nhiều hơn lợi. Nếu ông Trump làm như vậy thì nước Mỹ sẽ sống với ai trong thời đại hội nhập và thông tin tòan cầu ngày nay ?

Và chằng nhẽ nước Mỹ của thời đại Donald Trump sẽ không phải đối phó với con tầu kinh tế số 2 trên Thế giới của Trung Quốc đang lớn mạnh mỗi ngày hay sao ?

Có lẽ vì muốn đón đầu nên Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã sang Trung Quốc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình từ 12 đến 15/01/2017 để, cuối cùng Việt Nam đồng ý “Tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến"Một vành đai, một con đường”.

Chủ trương này của ông Tập Cận Bình còn được gọi văn chương là “Vành đai kinh tế Con Đường Tơ Lụa” trên đất liền và “Con dường Tơ lụa trên biển” nhằm nối Trung Hoa với năm châu, bốn biển để thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa".

Trong “giấc mộng” này, Việt Nam đã tự đặt mình làm cửa ngõ phía Nam cho Trung quốc ra Biển qua dự án xa lộ cao tốc nối liền hai nước và các hải cảng chiến lược dọc theo bờ biển dài trên 3,000 cây số, đặc biệt là cảng Hải Phòng.

Gánh nặng tương lai của Việt Nam là như thế sau khi TPP không còn nữa. -/-

Phạm Trần
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Thủy Tiên
Tấn Đạt
19:10 25/01/2017
HOA THỦY TIÊN
Ảnh của Tấn Đạt
Biết rằng gốc tích tự đâu ra?
Cốt cách thiên nhiên vẻ ngọc ngà
Trước án đặt vào trong bể đá
Sáng mai bỗng nở mấy chồi hoa.
(Trích thơ của Nguyễn Khuyến)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19 – 25/01/2017: 800 năm Dòng Đa Minh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:29 25/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi tổng thống Donald Trump trong lễ nhậm chức

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào của ngài đến tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, và bảo đảm những lời cầu nguyện vào ngày lễ nhậm chức của tân tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng tân tổng thống sẽ được “hướng dẫn bởi các giá trị tinh thần và đạo đức phong phú đã định hình lịch sử của người dân Mỹ”, và cho rằng thành công của một đất nước nên được “đo lường trên tất cả các mối quan tâm của quốc gia ấy đối với người nghèo, người bị ruồng bỏ, và những người đang gặp khó khăn”

Toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha như sau:

“Nhân lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 của tổng thống, tôi xin gởi đến ngài những lời cầu chúc tốt đẹp thân ái và bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng ban cho tổng thống sự khôn ngoan và sức mạnh trong việc thực hiện các chức vụ trọng đại của ngài.

Vào thời điểm khi gia đình nhân loại của chúng ta đang bị vây bủa bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đòi hỏi các phản ứng chính trị có tầm nhìn xa và thống nhất, tôi cầu nguyện xin cho các quyết định của tổng thống được hướng dẫn bởi các giá trị tinh thần và đạo đức phong phú đã định hình lịch sử của nhân dân Mỹ và sự dấn thân của quốc gia ngài cho sự thăng tiến nhân phẩm và tự do trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo của tổng thống, cầu xin cho tầm cỡ của Hoa Kỳ tiếp tục được đo lường trên tất cả các mối quan tâm đối với người nghèo, người bị ruồng bỏ và những người cần đang gặp khó khăn, như những Lagiarô, đang đứng trước cửa nhà của chúng ta.

Với những tâm tình này, tôi xin Chúa ban cho tổng thống và gia đình, cũng như tất cả những người Mỹ yêu quý, những phước lành của Chúa là hòa bình, hòa hợp và mọi thịnh vượng về vật chất và tinh thần.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô”

2. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Đại kết Phần Lan

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther tăng cường đời sống đức tin và đưa ra các chứng tá chung, đặc biệt trong năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 19 tháng Giêng dành cho phái đoàn đại kết Phần lan, gồm các vị lãnh đạo Tin Lành Luther, Chính Thống và Công Giáo, về Roma hành hương nhân dịp lễ kính thánh Enrico bổn mạng Phần Lan, và nhân dịp Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Đây là lần thứ 35 cuộc hành hương thường niên này được thực hiện.

Lên tiếng trong dịp này Đức Thánh Cha nhắc đến buổi lễ tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther ngày 31 tháng 10 năm ngoái 2016 tại thành phố Lund, Thụy Điển, mà ngài đích thân tham dự. “Tại thành phố ấy, chúng ta đã nhắc nhớ ý hướng của Martin Luther cách đây 500 năm là canh tân Giáo Hội chứ không phải để phân rẽ Giáo Hội. Cuộc tập họp này tại đây mang lại cho chúng ta can đảm và sức mạnh, trong Chúa Giêsu Kitô, để nhìn về hành trình đại kết đằng trước, hành trình mà chúng ta được kêu gọi cùng nhau tiến bước”.

Đức Thánh Cha nói thêm nói rằng: “Năm kỷ niệm này, đối với các tín hữu Công Giáo và Luther là một cơ hội rất tốt để sống đức tin một cách chân thực hơn, để cùng nhau tái khám Tin Mừng và tìm cách làm chứng cho Chúa Kitô hăng hái nồng nhiệt hơn. Vào cuối ngày kỷ niệm ở thành phố Lund, và hướng về tương lai, chúng ta đã lấy hứng từ chứng tá chung của chúng ta về đức tin trước mặt thế giới, khi chúng ta quyết tâm cùng nhau giúp đỡ những người đau khổ, những người túng thiếu, bị bách hại và phải chịu nạn bạo lực. Khi làm như thế, các tín hữu Kitô chúng ta không còn chia rẽ nữa, nhưng đúng hơn, được hiệp nhất với nhau trong hành trình tiến về sự hiệp thông trọn vẹn”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Phong trào đại kết chân thực dựa trên sự cùng hoán cải, trở về với Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Nếu chúng ta đến gần Chúa, chúng ta cũng đến gần nhau. Trong những ngày này, chúng ta cùng nhau cầu nguyện sốt sắng hơn với Chúa Thánh Linh để chúng ta có thể cảm nghiệm sự hoán cải này, làm cho sự hòa giải có thể thực hiện được”.

3. Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury khuyên nên nhớ đến những tai hại lâu dài của cuộc cải cách Tin Lành

Trong một diễn biến khác có liên quan đến cuộc Cải Cách Tin Lành, Đức Tổng giám mục Canterbury, cũng là nhà lãnh đạo trên toàn thế giới của Liên Hiệp Anh giáo, đã khuyến khích việc thừa nhận rằng Cải Cách Tin Lành đã làm thiệt hại nghiêm trọng cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Trong một thông điệp ký chung với Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo John Sentamu của tổng giáo phận York, nhân kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách, Tiến sĩ Justin Welby nói rằng cuộc cải cách này tuy có mang lại “những phước lành to lớn”, nhưng đồng thời cũng có “rất nhiều những thiệt hại nghiêm trọng”. Các nhà lãnh đạo Anh giáo lưu ý rằng trong những năm chiến tranh tôn giáo “nhiều người bị đàn áp và thậm chí bị tử vong dưới bàn tay của những người khác là những kẻ cũng tuyên bố mình tin vào cùng một Chúa.”

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Anh Giáo nhận xét rằng sự chia rẽ trong Kitô Giáo Tây Phương, gây ra những thiệt hại lâu dài “cho sự hiệp nhất của Giáo Hội, bất chấp lệnh truyền rõ ràng của Chúa Giêsu Kitô là các môn đệ Ngài phải hiệp nhất trong tình yêu.”

Tuyên bố đề nghị rằng ký ức về cuộc Cải Cách Tin Lành “nên dẫn chúng ta đến sự ăn năn về vai trò của chúng ta trong việc duy trì tình trạng chia rẽ lâu dài hiện nay”

Tưởng cũng nên nhắc lại là Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, cũng đã đưa ra một nhận xét tương tự trong một cuộc phỏng vấn hôm 31 tháng Ba, 2016.

Ngài nói: “Người Công Giáo chúng ta không có lý do để ăn mừng ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày đó được coi là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.”

Thực vậy, cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Anh giáo được nhiều người khen ngợi tuy nhiên nhiều người không hài lòng vì tuyên bố này đã không đề cập trực tiếp đến những cuộc đàn áp người Công Giáo tại Anh cũng như việc tịch thu các nhà thờ Công Giáo, tu viện, và tu viện của Giáo Hội Anh.

4. Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy là màn trình diễn của các nữ nghệ nhân người Afghanistan trong buổi lễ khai mạc diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ hôm 17 tháng Giêng vừa qua. Năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos đã diễn ra từ 17 đến 20 tháng Giêng.

Trong phần sau chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em diễn từ của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại Davos, nhưng trước hết Thảo Ly xin giới thiệu sơ qua về diễn đàn này.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ, có trụ sở tại Cologny, Geneva. Diễn đàn này được thành lập vào năm 1971 và được chính phủ Thụy Sĩ công nhận là một cơ quan quốc tế. Nhiệm vụ của diễn đàn là “cam kết cải thiện tình trạng của thế giới bằng cách mời gọi các nhà kinh doanh, các chính trị gia, các khoa học gia, và các nhà lãnh đạo khác của thế giới trong việc định hình các chương trình nghị sự toàn cầu, và khu vực, cũng như trong các ngành công nghiệp” .

Tòa Thánh tham gia vào diễn đàn này như một phương cách ngõ hầu có thể đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức cuộc họp thường niên vào cuối tháng Giêng tại Davos, một khu nghỉ mát trong vùng núi Graubunden, phía đông của Thụy Sĩ. Hội nghị quy tụ khoảng 2,500 các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, các nhà lãnh đạo quốc tế về chính trị, kinh tế, khoa học và các nhà báo trong bốn ngày để thảo luận về các vấn đề cấp bách nhất đối với thế giới.

Mỗi năm, tổ chức này cũng triệu tập từ sáu đến tám cuộc họp khác có tính khu vực tại châu Phi, Đông Á và Mỹ châu Latinh, cũng như tại Trung Quốc và United Arab Emirates.

5. Tại Diễn đàn Davos, Đức Hồng Y Parolin thúc giục châu Âu hướng tới những chính sách có tính xây dựng với người di cư

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Vatican nói với các nhà lãnh đạo các cường quốc mạnh nhất thế giới rằng “chúng ta phải học những bài học của lịch sử” trong việc tiếp cận với vấn đề di cư.

Đức Hồng Y Pietro Parolin nói rằng dòng người di cư vào châu Âu hiện nay “không phải là một hiện tượng mới”, mặc dù ngài thừa nhận rằng quy mô của cuộc di cư hiện nay là chưa từng có. Ngài than thở rằng một số người châu Âu đang “sống chung với nỗi sợ hãi và cảm giác khó chịu,” lo lắng về việc mất đi bản sắc dân tộc của mình.

Theo Đức Hồng Y “cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa” là một khía cạnh liên tục của lịch sử thế giới. Ngài nhận xét rằng thách đố hiện nay của các nhà lãnh đạo chính trị là “đừng tạo ra các nguyên nhân dẫn đến xung đột, đụng độ, và những chia rẽ, nhưng hãy khích lệ các nguồn mạch làm phong phú lẫn nhau.”

Đức Hồng Y Parolin nói với Diễn đàn Davos là mặc dù “khả năng của Vatican rất hạn chế theo một ý nghĩa nào đó,” Tòa Thánh sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế, sẽ luôn luôn dấn thân cho hòa bình, chống đói nghèo, và xây dựng các nhịp cầu giữa các quốc gia và các nền văn hóa.

Đặc biệt, Đức Hồng Y cho biết, trong năm nay ưu tiên của Vatican là nỗ lực hoạt động “để bảo vệ, và thúc đẩy tự do tôn giáo”, mà theo Đức Hồng Y đó là “quyền tối thượng của con người. Trọng tâm của con người là tính siêu việt, và thực tế là nhân loại được mời gọi là anh chị em với nhau. Nếu không có sự hiểu biết như thế, các mục tiêu đầy tiêu cực khác sẽ chiếm ưu thế, và cuối cùng sẽ làm thiệt hại và tiêu diệt cả cá nhân lẫn cộng đồng.”

6. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà tổ chức cuộc triển lãm các Năm Thánh

Hôm thứ Năm 19 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với những nhà tổ chức cuộc triển lãm tập trung vào lịch sử của các Năm Thánh.

Cuộc triển lãm, mang tên Antiquorum Habet, đã được trưng bày từ cuối tháng Ba đến tháng Bảy tại phòng khánh tiết của Thượng viện Italia.

Đức Thánh Cha cám ơn Thượng viện Italia đã quảng đại cung cấp địa điểm cho cuộc triển lãm này, cũng như lòng quảng đại hy sinh của các nhà tổ chức và các tình nguyện viên.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc triển lãm cung cấp một cái nhìn thú vị về lịch sử của Rôma. Ngài nói thêm:

“Từ năm 1300 trở đi, mỗi Năm Thánh đã đánh dấu lịch sử của Rôma: từ kiến trúc đón khách hành hương đến những nét nghệ thuật và các hoạt động bác ái. Nhưng có một yếu tố thiết yếu, là cốt lõi của mỗi dịp Năm Thánh, mà chúng ta không bao giờ được đánh mất, đó là trong mỗi dịp Năm Thánh, chúng ta chứng kiến sự tốt lành của Thiên Chúa và sự mong manh của nhân loại, của những người luôn luôn cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa Cha.”

7. Diễn đàn Công Giáo - Chính Thống Giáo về nạn khủng bố và Hồi Giáo

Tuần qua, diễn đàn các Giám Mục Công Giáo và Chính Thống Giáo nhằm thảo luận về cuộc sống, hôn nhân, gia đình, và các vấn đề xã hội khác, đã tổ chức cuộc họp lần thứ năm kể từ năm 2008.

Cuộc họp diễn ra tại Paris có chủ đề là “Âu châu trong nỗi sợ hãi trước những mối đe dọa của khủng bố cực đoan; giá trị của con người và tự do tôn giáo.”

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, các giám mục Công Giáo và Chính Thống Giáo đã đưa ra những suy tư của các ngài về mối quan hệ giữa Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố.

“Hoàn toàn không có thành kiến với đạo Hồi, chúng tôi nhận thấy điều này, cùng các nhà lãnh đạo Hồi giáo, đó là một số kẻ khủng bố đã biện minh cho hành động của chúng bằng các văn bản sách thánh của Hồi giáo.”

Các giám mục Công Giáo và Chính Thống nói thêm:

“Chúng tôi thấy các trào lưu cực đoan đã trở nên có chút sắc màu Hồi Giáo, chứ không phải là điều ngược lại. Chúng tôi tin rằng /một số câu chuyện kể về lịch sử Hồi giáo/ và kinh nghiệm cá nhân/ đã củng cố tinh thần của những người trẻ tuổi/ với một tầm nhìn hận thù/ và từ chối người khác/ ... Chúng tôi kêu gọi /các vị thẩm quyền Hồi giáo/ hãy bảo đảm /không để xảy ra bất cứ hình thức tuyên truyền có hệ thống nào /những hình ảnh thù địch về những người không theo đạo Hồi/.

Tuyên bố của giám mục cũng đề cập đến về một số chủ đề khác, bao gồm “làn sóng di cư chưa từng có.”

Các ngài nói:

“Chúng tôi tin rằng việc chào đón người nước ngoài như một con người là hết sức quan trọng và là một nghĩa vụ của các Kitô hữu. Tuy nhiên, việc nhập cư cũng phải tính đến những gì là thực sự khả thi của nước sở tại ... Mấu chốt là sự hội nhập của những người nhập cư vào quốc gia liên hệ.”

8. Đức Hồng Y Nigeria kêu gọi tuyên chiến với nạn khủng bố Fulani

Cũng liên quan đến nạn khủng bố Hồi Giáo, nhà lãnh đạo hàng đầu của Nigeria, là Đức Hồng Y John Onaiyekan, đã kêu gọi chính quyền nước này cứng rắn hơn với nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani.

Đức Hồng Y đã đưa ra lập trường trên sau khi cử hành Thánh Lễ hôm 19 tháng Giêng để tạ ơn nhân dịp Cha Gabriel Oyaka, người đã bị bắt cóc cách đây một năm, được phóng thích.

Trong cuộc họp báo sau Thánh Lễ, Đức Hồng Y nói:

“Đây là một thảm kịch trong đó đất đai của chúng ta đã bị cướp phá và nhóm Fulani đứng đằng sau tất cả những vụ giết người, bắt cóc và tàn phá cuộc sống và tài sản quốc gia này”

“Chúng ta đang phải đối mặt với một tình trạng khẩn cấp của đất nước, và vì thế toàn dân nên đồng lòng tìm ra cách kết thúc trào lưu khủng bố này. Chúng ta hãy tuyên chiến chống lại những thủ phạm của tất cả các tệ nạn này.”

Fulani là một sắc dân, theo Hồi giáo cực đoan sống rải rác bằng nghề chăn nuôi gia súc, khắp nhiều vùng của Tây Phi, từ hồ Chad, ở phía đông, đến bờ biển Đại Tây Dương. Họ tập trung chủ yếu ở Nigeria, Mali, Guinea, Cameroon, Senegal và Niger. Được khích lệ và trợ giúp của các nhóm khủng bố Hồi Giáo trên thế giới, họ mưu toan thành lập cái gọi là Cộng Hòa Fulani Nigeria.

9. Tổng thống Đài Loan nói với Đức Thánh Cha là cô hy vọng một kỷ nguyên mới trong quan hệ với Bắc Kinh

Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là cô Thái Anh Văn (蔡英文) đã viết một bức thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2017 của ngài.

Trong thư, đề ngày 05 tháng Giêng, và được Vatican công bố hôm 20 tháng Giêng, tổng thống Thái Anh Văn viết rằng “Đài Loan và Trung Quốc đại lục đã từng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột không đội trời chung gây căng thẳng trong khu vực và lo âu cho đồng bào chúng tôi.”

“Nhưng hôm nay người dân ở hai bên của eo biển Đài Loan tận hưởng cuộc sống ổn định và trao đổi bình thường với nhau và được quản trị riêng biệt một cách hòa bình. Tôi mong ước sống như những lời của ngài và nguyện cống hiến bản thân mình cho việc nâng cao mức sống của người Đài Loan và tạo ra một kỷ nguyên mới của hòa bình tại eo biển này.”

Cô Thái Anh Văn sinh ngày 31 tháng 8 năm 1956 trong một gia đình có 11 người con. Cô đắc cử tổng thống vào ngày 16 tháng Giêng năm ngoái 2016 và trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ tổng thống Trung Hoa Dân Quốc; và cũng là tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đầu tiên chưa lập gia đình.

Tòa Thánh là một trong số 21 quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan. Quốc gia này có 23.5 triệu dân trong đó 5% theo Kitô giáo, và 93% theo Phật giáo hay Lão giáo.

Giáo Hội tại Đài Loan có một tổng giáo phận là Tổng giáo phận Đài Bắc; và 6 giáo phận khác là các giáo phận Cao Hùng, Đài Nam, Đài Trung, Gia Nghĩa, Hoa Liên và Tân Trúc.

10. Đặc sứ của Đức Thánh Cha không muốn bị làm bung xung cho Nicolas Maduro

Đặc sứ của Vatican trong vai trò trung gian hòa giải các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập lãnh đạo Venezuela đã từ chối tham gia trong các phiên họp gần đây nhất, trong một cử chỉ cho thấy Vatican bất mãn với đường lối đàm phán của chính phủ do tổng thống Nicolas Maduro lãnh đạo .

Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli nói rằng ngài sẽ không có mặt trong các cuộc đàm phán trong tuần này. Đức Tổng Giám mục Aldo Giordano, là sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, sẽ đi họp thay cho Đức Cha Claudio.

Đức Cha Claudio Maria Celli đã tỏ rõ sự bất mãn của ngài trước sự ngoan cố của chính phủ trong quá trình đàm phán. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo đối lập đã phàn nàn rằng chính phủ đã không thực thi các điều khoản đã được hai bên thỏa thuận. Vì thế, đã làm cho cuộc đàm phán rơi vào khủng hoảng.

Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ về kinh tế và chính trị. Dân chúng đau khổ trước tình trạng thiếu một cách trầm trọng các nhu yếu phẩm. Các hàng dài những người phải xếp hàng chờ đợi mua bánh mì và sữa. Họ phải đối diện với một tương lai bất định gây ra bởi hiện trạng siêu lạm phát tiền Venezuela.

Tòa Thánh đã làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và phe đối lập tại Venezuela từ hôm 30 tháng 10 năm ngoái. Các cuộc đàm phán đã được công bố hôm 25 tháng 10 chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã có một cuộc họp bất ngờ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán diễn ra trên đảo Margarita, ngoài khơi bờ biển Venezuela, cho đến nay vẫn không đi đến đâu vì các cuộc đàm phán này chỉ là động tác giả của Nicolas Maduro nhằm câu giờ hơn là thực tâm muốn giải quyết các cuộc khủng hoảng.

11. Tổng thống Duterte viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ ‘sự kính trọng sâu sắc’

Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân đã viết một lá thư riêng cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ “sự kính trọng sâu sắc” của ông đối với Đức Thánh Cha và Tòa Thánh.

Nhà lãnh đạo Phi Luật Tân, một người Phi Luật Tân gốc Hoa, là người thường xuyên được báo chí quốc tế nhắc đến vào năm 2015 với những lời chỉ trích thô tục nhắm thẳng vào Đức Giáo Hoàng, và các Giám Mục Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, trong lá thư vừa được công bố ông Duterte đã viết:

“Phi Luật Tân đánh giá cao mối quan hệ đặc biệt với Tòa Thánh và nhìn nhận với lòng biết ơn sự quản lý đức tin Công Giáo của Đức Thánh Cha.”

Jesus Dureza , một cố vấn của tổng thống Duterte, là người đang ở Rôma để hội đàm với phiến quân Phi Luật Tân, đã công bố nội dung lá thư này. Ông cố vấn này cho biết ông sẽ đích thân trình lá thư này lên Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, chưa trình lên Đức Thánh Cha, ông đã công bố với báo chí. Đó là một việc hoàn toàn không phù hợp với các protocols ngoại giao.

Trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Manila, từ 15 đến 19 tháng Giêng năm 2015, Duterte, lúc đó là một ứng cử viên tổng thống đã phàn nàn gay gắt về tình trạng ách tắc giao thông gây ra bởi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Lúc đó, ông nói: “Đức Giáo Hoàng nên cút đi. Đừng đến đây nữa.”

Duterte đã tiếp tục đụng độ với các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông đã thành lập một đội hành quyết bắn bỏ bất cứ ai bị nghi ngờ có dính líu đến việc mua bán ma túy. Các Giám Mục Phi Luật Tân lên án hành động này vì quá nhiều người chết, nhiều người chết oan, và nhiều người tuy có tham gia vào việc mua bán ma túy nhưng chỉ là cò con, còn những tay trùm ma túy vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật. Trong tháng qua, các Giám Mục Phi Luật Tân cũng đã đụng độ với tổng thống Duterte khi ông này mở chiến dịch cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí cho người nghèo.

12. Đức Cha Giorgio Bertin vẫn còn chút hy vọng tại Somalia

Đức Giám Mục Giorgio Bertin, giám quản tông tòa tại Somalia, bày tỏ hy vọng cho tương lai của quốc gia Phi châu đang gặp khó khăn này. Tuy nhiên, ngài cảnh báo rằng đất nước này cần phải tái thiết lập định chế quốc gia sau hơn hai thập kỷ không có một chính phủ thực sự nào có thể hoạt động được.

Sau nhiều năm cai trị bởi nạn sứ quân với các lãnh chúa hùng bá mỗi người một phương và xua quân chém giết lẫn nhau, Somalia rơi vào một tình trạng nguy hiểm hơn khi nhóm thánh chiến Hồi giáo al Shabab thống nhất lãnh thổ bằng bạo lực. Sau khi, bọn khủng bố bị đánh bại, chính phủ chuyển tiếp đang mở rộng phạm vi kiểm soát của mình với sự giúp đỡ của các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Các cuộc bầu cử hiện đang đang lên kế hoạch cho tuần tới, sau khi đã bị hoãn lại nhiều lần.

Đức Giám Mục Bertin nói rằng Somalia cần không chỉ là một chính phủ mới đại diện cho toàn dân, nhưng điều quan trọng là “sự tái sinh của các tổ chức nhà nước.” Theo Đức Tổng Giám Mục, nước này vẫn bị kiểm soát bởi các nhóm lợi ích cạnh tranh nhau, bao gồm cả các cơ quan viện trợ đang giành giật trong việc cung cấp các nhu cầu nhân đạo cơ bản. Đức Tổng Giám Mục nói “Viện trợ là quan trọng. Nhưng chúng ta cũng phải mang lại những giá trị mà một ngày nào đó sẽ có nghĩa là không còn cần thiết phải cung cấp các viện trợ lương thực và y tế nữa, bởi vì mọi người đã học được cách sống, chia sẻ và làm việc cùng nhau.”

Sự hiện diện Công Giáo đã hầu như biến mất hoàn toàn tại Somalia. Đức Cha Bertin có văn phòng ở Djibouti nhưng chỉ cử hành được thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật cho vài nhân viên ngoại giao của các nuớc.

Ngài nói rằng một nhà thờ Công Giáo đã được xây dựng lại và đã được thánh hiến tại Hargeisa. Tuy nhiên, chỉ có 10 tới 15 người Công Giáo ở đó; tất cả đều là người nước ngoài, chủ yếu là công nhân từ các cơ quan cứu trợ quốc tế. Tuy nhiên, họ không còn gặp nguy hiểm như trước.

Đức Cha cho biết thêm:

“Mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tất nhiên là lúc nào cũng có, nhưng tình hình bây giờ là tương đối an toàn.”

13. Đức Hồng Y Dolan kêu gọi các tín hữu tham gia tuần cửu nhật cho cuộc sống

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Giám Mục Hoa Kỳ về các hoạt động Phò Sinh, đã mời gọi các Kitô hữu tại Hoa Kỳ tham gia vào tuần “9 ngày hàng năm cho cuộc sống” được tổ chức để kỷ niệm phán quyết khét tiếng “Roe chống Wade” của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Tuần cửu nhật đã được bắt đầu trong tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ từ ngày 21 tháng Giêng.

Trong thư gởi các tín hữu, Đức Hồng Y viết:

“Chúng ta đang cầu nguyện cho rất nhiều điều trong tháng này, trong đó có sự hòa hợp chủng tộc, hiệp nhất Kitô giáo, và sự bảo vệ tất cả sự sống của con người.

Khi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất đó, tôi mời gọi anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô hãy tham gia chiến dịch cầu nguyện 9 ngày cho sự sống. Cùng với nhau, chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời cầu nguyện và các hành động cụ thể của chúng ta ngõ hầu có thể làm chứng cho phẩm giá của con người.”

14. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cung cấp 2.3 triệu Mỹ kim cho các dự án giới trẻ tại Đông Âu

Tiểu ban viện trợ cho các Giáo Hội tại Trung và Đông Âu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ trao tặng hơn 2.3 triệu Mỹ Kim để tài trợ cho 75 dự án về giới trẻ tại Đông Âu.

Đức Hồng Y Blaise Cupich, Tổng Giám Mục Chicago, và cũng là chủ tịch của tiểu ban này nói:

“Một thế hệ mới những người Công Giáo ở Trung và Đông Âu đang cần sự hỗ trợ của chúng ta khi họ tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả dai dẳng sau nhiều thập kỷ sống dưới chế độ Cộng sản”

Các khoản tài trợ này sẽ được quyên góp tại các giáo phận Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư Lễ Tro tới đây.

Năm ngoái nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Lan, tiểu ban đã trao tặng 4.7 triệu Mỹ Kim vào tháng Sáu 2016. Trước đó, hồi tháng Giêng 2016, ủy ban cũng đã trao tặng 2.5 triệu Mỹ kim.

15. Lễ phong chân phước cho một võ sĩ Nhật Bản

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một bộ phim tài liệu nói về câu chuyện của một vị võ sĩ Nhật Bản sắp được phong Chân Phước. Cuốn phim có tựa đề “Ukon Samurai: The Way of the Sword, the way of the cross” nghĩa là “Võ sĩ Ukon: Con đường gươm giáo, con đường thập giá”, đã được hãng phim “Aurora Vision” sản xuất dưới sự bảo trợ của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, sự hợp tác của Đại sứ quán Nhật Bản cạnh Tòa Thánh, Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản, Dòng Tên tại Ý, và của “Ủy ban phim Trentino”.

Lễ phong chân phước cho bậc đáng kính Justo Takayama Ukon sinh năm 1552 và qua đời 1615), là người có biệt danh “Samurai của Chúa Kitô”, một người con yêu quí cuả Giáo Hội Nhật Bản, sẽ được tổ chức vào ngày 07 tháng 2 tại thành phố Osaka, Nhật bản.

Đức Cha Isao Kikuchi, Giám Mục giáo phận Niigata và là chủ tịch Caritas cuả Nhật Bản đã cho biết như trên trong tuần qua nhân kỷ niệm một năm Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y sắc lệnh phong chân phước vào ngày 21 tháng Giêng năm 2016.

Giáo Hội Nhật Bản đã bỏ ra một năm trời để chuẩn bị cho biến cố này. Buổi lễ sẽ được cử hành trên lãnh thổ Nhật Bản và sẽ được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh sẽ chủ trì buổi lễ.

Giáo Hội tại Nhật đã có 42 vị thánh và 393 chân phước, bao gồm cả các nhà truyền giáo châu Âu, hầu hết là những vị tử đạo đã bị giết vì đức tin qua nhiều đợt bách hại.Trường hợp của vị tân Chân Phước Takayama là một trường hợp đặc biệt: Ngài trong thực tế là một giáo dân, một chính trị gia, một võ sĩ samurai, đã không bị giết nhưng đã chọn con đường theo chân Chúa Kitô, sống nghèo khó, vâng lời, và phục vụ như một tôi tớ của Tin Mừng.

Sinh ra trong một gia đình địa chủ, Ukon đã theo người cha cải đạo sang Thiên Chúa giáo ở tuổi 12, sau những tiếp xúc với các giáo sĩ Dòng Tên.

Tin Mừng được truyền sang Nhật Bản bởi Cha Thánh Phanxicô Xavier từ năm 1549 và đã nhanh chóng lan rộng. Nhưng khi tướng quân Toyotomi Hideyoshi lên cầm quyền và ra lệnh cấm đạo, tất cả các lãnh chúa phong kiến đã chấp nhận tuân theo ngoại trừ Ukon. Ngài đã bị tước mất tài sản, tước vị, địa vị xã hội, danh dự và nhân phẩm, trở thành một kẻ lang thang và buộc phải lưu vong.

Với ba trăm Kitô hữu Nhật Bản khác, Ngài trốn sang Manila, nhưng chỉ bốn mươi ngày sau khi đến nơi thì Ngài ngã bệnh và qua đời vào ngày 04 tháng 2, 1615.

Ngay từ thế kỷ 17, Giáo hội Nhật Bản đã tuyên bố sự thánh thiện của Ngài, nhưng chính sách cô lập của Nhật bản lúc bấy giờ đã ngăn chặn các cuộc điều tra. Mãi tới năm 1965, trường hợp của Ngài mới được các giám mục Nhật Bản trình lên Tòa Thánh và cùng nhau thúc đẩy tiến trình phong chân phước.

16. Lễ Chúa Hiển Linh tại Nga

Ước tính có khoảng hai triệu người Nga đã ngâm mình trong làn nước giá lạnh hôm thứ Hai 16 tháng Giêng để ăn mừng lễ Hiển Linh, một ngày lễ lớn trong Chính thống giáo bao gồm cả lễ ba Vua và lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Tại Mạc Tư Khoa, chính quyền thiết lập 60 hồ tắm chính thức cho các tín hữu. Nhiệt độ ở tại thủ đô Cộng Hoà Liên Bang Nga xuống đến -10 độ C. Nhưng như trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy đông đảo các tín hữu Chính Thống đang chờ đợi để đến phiên mình nhảy xuống hồ đóng băng.

Một linh mục Chính Thống Giáo sau khi làm phép đã nhảy xuống hồ lạnh giá để làm gương cho những người khác.

Các tín hữu sẽ lặn xuống tất cả ba lần. Mỗi lần lặn xuống họ sẽ lần lượt nói nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Ý nghĩa của cử chỉ này là để kính nhớ Chúa Giêsu chịu phép rửa và để thanh tẩy mình khỏi mọi tội lỗi.

Người phụ nữ này vừa nổi lên từ hồ nước đóng băng tại Quảng trường Cách mạng, chỉ cách Điện Cẩm Linh có mấy bước. Chị nói: “Tôi cảm thấy thật kỳ diệu, phấn khởi trong lòng và thể xác trở nên mạnh mẽ.”

Việc nhảy xuống hồ là một nghi thức được cử hành rộng rãi trong thế giới Chính Thống Giáo. Tuy nhiên, điều này được kể là một thử thách rất lớn tại Nga và Ukraine vì nhiệt độ thường xuống dưới không độ trong mùa này.

17. Đức Thánh Cha bế mạc năm kỷ niệm 800 năm lập dòng Đa Minh

Lúc 4 giờ chiều thứ Bẩy 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano ở Roma nhân dịp bế mạc năm kỷ niệm 800 năm Đức Giáo Hoàng Onorio Đệ Tam phê chuẩn dòng Đa Minh.

Thánh lễ này cũng kết thúc 4 ngày hội nghị quốc tế từ 17 đến 21 tháng Giêng tại Đại học Thánh Tômaso Aquino ở Roma về các khía cạnh trong sứ vụ của dòng Đa Minh. Hơn 600 tu sĩ và giáo dân Đa Minh từ nhiều nước đã tham dự sinh hoạt này.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ tạ ơn có 20 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 100 linh mục, đặc biệt có các giáo sĩ dòng Đa Minh như Đức Hồng Y Dominik Duka, Tổng Giám Mục Praha thuộc Cộng hòa Tiệp, Đức Tổng Giám Mục Carlos Azpiros, người Á Căn Đình, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh và Cha đương kim Tổng quyền Bruno Cadoré, Hiện diện trong thánh đường có khoảng hơn 3 ngàn người, trong đó có đông đảo các tu sĩ nam nữ và giáo dân Đa Minh đến từ các nước. Phần thánh ca do ca đoàn Ba Lan từ Cracovia đảm trách.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn hai bài đọc trong đó thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ Timothê hãy kiên trì rao giảng chân lý, dù con người chỉ thích tìm kiếm những điều mới mẻ, không chịu nghe chân lý, nhưng chỉ thích những chuyện huyền thoại; tiếp đến là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy trở thành muối đất và ánh sáng thế gian, hãy tôn vinh Chúa Cha bằng những công việc lành, và nhờ đó, làm cho những người chứng kiến ngợi khen Chúa Cha trên trời.

Ngài nói:

“Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai cảnh tượng của nhân loại trái ngược nhau: một bên là “hội hóa trang” (carnevale) của sự hiếu kỳ trần tục, và bên kia là sự tôn vinh Chúa Cha qua các công việc lành. Và đời sống chúng ta cũng luôn tiến qua hai cảnh tượng ấy. Thực vậy, những cảnh tượng này ở mọi thời đại đều có, như lời thánh Phaolô nói với Timothê (Xc 2 Tm 4,1-5). Và cả thánh Đa Minh với các anh em đầu tiên của Người, cách đây 800 năm, cũng trải qua hai cảnh tượng ấy.

Hôm nay, chúng ta tôn vinh Chúa Cha vì công việc mà thánh Đa Minh đã làm trong 800 năm qua, đầy ánh sáng và muối của Chúa Kitô; một công trình phục vụ Tin Mừng, được rao giảng bằng lời nói và bằng cuộc sống; một công trình, nhờ ơn của Chúa Thánh Linh, đã làm cho bao nhiêu người nam nữ được trợ giúp để không bị tản mát giữa “thứ hội hóa trang” của sự hiếu kỳ trần tục, trái lại họ cảm thấy hương vị của đạo lý lành mạnh, của Tin Mừng, và đến lượt họ, họ trở thành ánh sáng và muối, thành những người thực hiện những công lành.. thành những anh chị em đích thực, tôn vinh Thiên Chúa và họ dạy cách tôn vinh Chúa bằng những công việc lành trong cuộc sống”