Ngày 23-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cầu cho Ông Bà Tổ tiên Cha Mẹ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
03:02 23/01/2017
Thánh lễ ngày Mồng Hai Tết
Mt 15, 1 – 6

Cầu cho Ông Bà Tổ tiên Cha Mẹ

Giáo Hội bao giờ cũng vậy, luôn dành ngày mồng hai tết để kính nhớ ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Chúng ta biết ơn Giáo Hội vì Giáo Hội là người Mẹ luôn quan tâm, dạy bảo, nhắc nhở các con cái của mình :” Hãy biết ơn.Hãy hiếu thảo.Hãy tôn kính ông bà, tổ tiên, cha mẹ “. Một trong mười thập điều của điều răn Chúa là “ Hãy thảo kính cha mẹ “. Đây là giới răn thứ bốn trong mười giới răn Chúa truyền dạy.

Hiếu thảo là nét đẹp truyền thống, tuyệt vời của văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta. Ngay từ ngàn xưa, cha ông, tổ tiên chúng ta đã dạy con cháu phải hiếu đễ với những người trên, đặc biệt những vị sinh thành.Dân tộc Việt Nam luôn có những nét đẹp ấn tượng mà nhiều nước không có được, chẳng hạn về hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thì gia đình Việt Nam quả thực có chỗ đứng tuyệt vời trên thế giới. Chúa Giêsu đã chọn một gia đình có cha, có mẹ để sinh ra. Chúa chọn gia đình để nêu gương cho mọi gia đình về đời sống gia đình trong đó các nhân đức : thánh thiện, đạo đức, yêu thương, hiếu thảo là những nét siêu vời gia đình Thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse chiếu rọi cho mọi gia đình noi gương bắt chước. Giáo Hội Việt Nam luôn nhắc nhở mọi Kitô hữu phải hiếu thảo, kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ khi mùa xuân về. Sở dĩ Giáo Hội nhắc nhớ mọi Kitô hữu phải sống, thực hành điều răn thứ tư trong mười điều răn của Chúa là “ Thảo Kính Cha Mẹ “. Bởi vì, theo tập tục, truyền thống của người Việt Nam : “ Ngày Tết là ngày con cái ở khắp nơi trở về đoàn tụ với gia đình, quây quần xung quanh bên cha mẹ, tỏ lòng hiếu thảo, để nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà, đặc biệt cha mẹ, Đấng sinh thành, dưỡng dục con cái, để yêu thương, xin lỗi, làm hòa, và cầu chúc cho cha mẹ được an khang, sống lâu. Trong ngay thời kỳ tiểu học, nhà trường đã dạy 24 gương hiếu để các học sinh cảm nghiệm lòng hiếu đễ của nhiều người, nhờ đó, các em học sinh noi gương, học tập và bắt chước các gương hiếu ấy mà hiếu thảo đối với cha mẹ, tổ tiên, ông bà.

Lật giở kho tàng chuyện cổ, ca dao, tục ngữ Việt Nam chúng ta bắt gặp nhiều câu chuyện, nhiều câu thơ nói lên công lao của cha mẹ chẳng hạn câu ca dao :” Công cha như núi Thái Sơn.Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.Một lòng thờ mẹ kính cha.Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con “. Thánh Phaolô đã làm cho điều răn thứ bốn thêm rõ nét hơn khi Ngài viết :” Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa “ ( Ep 6, 1-3 ).

Thảo kính cha mẹ, tổ tiên, ông bà có nghĩa :” Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân “ ( Cn 6, 20.23abc ).

Vâng, thảo hiếu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên không có nghĩa là con cái cho tiền, cho bạc, cho cao lương mỹ vị, hay xây nhà xây cửa to lớn, hoành tráng cho cha mẹ, hay kể ra những thành công trong cuộc đời, điều đó cũng cần nhưng vẫn chưa phải là chính yếu. Thảo hiếu đối với cha mẹ là thăm hỏi, nâng đỡ, an ủi cha mẹ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ trong những sự chỉ bảo tốt của cha mẹ và đặc biệt là biết lắng nghe, tuân theo lời dạy dỗ của cha mẹ theo ý của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ, để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh ( Lời nguyện hiệp lễ, lễ kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ ).
 
Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
11:11 23/01/2017
Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm A

Là con người, ai trong chúng ta cũng mong muốn được hạnh phúc, nhưng quan niệm về hạnh phúc thì khác nhau: Có người cho rằng hạnh phúc là có nhiều tiền bạc của cải; có người cho rằng hạnh phúc là có vợ đẹp con khôn; có người cho rằng hạnh phúc là có quyền cao chức trọng; có người cho rằng hạnh phúc là được sống lâu…

Chính vì quan niệm như thế, cho nên có những người đang dùng những mánh khóe lừa gạt để kiếm cho được nhiều tiền, bất chấp luân thường đạo lý, lẽ công bằng. Họ đang tích trữ kho tàng vật chất để sống hưởng thụ mà quên đi tình bác ái với anh chị em đồng loại; có những người đang tự hào về sắc đẹp của mình, thậm chí dùng sắc đẹp để thỏa mãn dục vọng, phỉnh gạt người khác nên đã gieo biết bao đau khổ cho tha nhân; có những người đang cố gắng dùng quyền lực để cai trị, để kiếm chác nên đã làm khổ dân nước…

Tôi có một người bạn, thi trường Đại Chủng viện 3 lần đều rớt, nên anh tìm đến dòng tu. Ở được một năm thấy không hợp, anh ta trở về cưới vợ. Sau một thời gian gặp lại, anh ta kể cho tôi nghe về vợ con, nhà cửa, nghề nghiệp và mọi thứ. Anh ta rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Tôi nhận thấy anh ta rất hạnh phúc. Nhưng sau đó, tôi lại nghe tin vợ anh ta dính líu vào vụ làm ăn gian lận sao đó, nợ nần chồng chất. Người ta thay nhau đến đòi nợ. Nhà cửa, tài sản, đất đai của gia đình anh ta không cánh mà bay. Cuối cùng, vợ anh ta bỏ trốn. Anh ta trở thành cái bia để cho người ta xỉ vả, chửi bới.

Hóa ra, những thứ hạnh phúc ở đời này quá mong manh: vợ đẹp con khôn, chức quyền danh vọng, của cải… có thể nay còn mai mất. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Đặt niềm tin nơi ta, hay nơi của cải, tiền bạc, quyền lực, rất có thể chúng sẽ mang đến cho ta “một cảm giác sung sướng nhất thời, một ảo tưởng hạnh phúc” và cuối cùng, “chúng sẽ chiếm hữu ta, khiến ta luôn muốn có nhiều hơn, không bao giờ được thoả mãn.” Pic de la Mirandole cũng đã nói: “Tìm hạnh phúc nơi tạo vật là một điên khùng. Hạnh phúc thật chỉ có thể gặp thấy trong Thiên Chúa.”

Thật vậy, chỉ có Chúa và những gì thuộc về Chúa mới là hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh nữ Têrêxa Avilla đã nói: “Tất cả sẽ qua đi, chỉ mình Chúa mới tồn tại muôn đời.” Thánh Augustinô sau một thời gian đi tìm khoái lạc, hạnh phúc ở đời này, cuối cùng cũng đã thú nhận rằng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn còn vẫn còn khắc khoải lo âu cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa.”

Nhưng để có hạnh phúc vĩnh cửu nơi Chúa, chúng ta phải thực hành những gì Chúa dạy, phải đi con đường Chúa đã đi. Con đường đó, các Thánh cũng đã từng đi qua. Đó không phải là con đường rộng rãi thênh thang, con đường của êm ái mà là con đường của hy sinh, từ bỏ, con đường của thập giá. Con đường đó là con đường của Tám Mối Phúc Thật mà chúng ta vừa nghe qua đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mt 5,1-12a): Đó là biết sống tinh thần nghèo khó, biết sử dụng tốt những của cải Chúa ban, biết sẻ chia cho những người đói khát, nghèo nàn; đó là biết sống hiền lành, cư xử nhẹ nhàng, mềm dẻo với những người xung quanh; đó là biết khóc lóc, sầu buồn, hối hận vì những lỗi lầm mình đã gây nên, giống như thánh Phêrô đã ăn năn khóc lóc mỗi khi gà gáy vì nhớ đến tội chối Chúa của mình; đó là biết khao khát điều công chính, mong muốn mình trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn; đó là biết thương xót người, nhất là những người cô thế cô thân, những người sống bên lề của xã hội, giống như gương của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta: “Hạnh phúc có nghĩa là yêu như Chúa đã yêu, giúp đỡ như Người đã giúp đỡ, hy sinh như Người đã hy sinh, phục vụ như Người đã phục vụ…”; đó là biết sống trong sạch trong tư tưởng, lời nói, việc làm; đó là biết xây dựng sự hòa bình, hòa thuận, không gây gỗ, chia rẽ, bất hòa với ai. Nếu lỡ bất hòa với ai thì biết làm hòa trước khi mặt trời lặn hoặc trước khi lên dâng của lễ trên bàn thờ; đó là biết bênh vực cho công lý và sự thật dầu có phải chịu đựng sự bách hại vì lẽ công chính: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” (Lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi).

Vậy, chúng ta đang đi tìm thứ hạnh phúc nào? Hạnh phúc nơi Chúa hay hạnh phúc nơi của cải, tiền bạc, quyền lực? Xin cho chúng ta không đặt tin tưởng nơi của cải, tiền bạc, quyền lực và những thứ ở đời này nhưng hãy tìm kiếm hạnh phúc nơi Chúa, hạnh phúc của Tám mối phúc thật, đó là hạnh phúc của Nước Thiên Đàng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm hạnh phúc thật đó là hạnh phúc nơi Chúa, hạnh phúc trên Thiên Đàng. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói với các tu sĩ Dòng Đa Minh: ‘Hãy là Muối và Ánh Sáng trong thế gian hôm nay’
Bùi Hữu Thư
16:55 23/01/2017
Đức Thánh Cha nói với các tu sĩ Dòng Đa Minh: ‘Hãy là Muối và Ánh Sáng trong thế gian hôm nay’

Đức Thánh Cha bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 800 thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo trong Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô

Sau đây là bản dịch huấn từ của Đức Thánh Cha

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hai trình huống đối lập của nhân lọai: một bên là ‘lễ hội của ‘những tò mò háo hức về thế gian’ và bên kia là là việc vinh danh Chúa Cha qua những công việc lành thánh. Và cuộc sống của chúng ta xoay chuyển giữa hai trình huống này.

Thực vậy, điều này đã xẩy ra trong mọi thời đại, như lời Thánh Phaolô gửi Timôtê (2 Tim 4:1-5) cho thấy, và chính Thánh Đaminh và những bạn hữu đầu tiên của ngài cũng đã trải qua như vậy 800 năm về trước.

Thánh Phaolô lưu ý Timôtê rằng phải rao truyền Phúc Âm trong một môi trường nơi người dân luôn luôn tìm kiếm những thầy giảng mới, những huyền thọai mới, và các học thuyết và ý tưởng mới…“Prurientes auribsu” (2 Tim 4:3).

Đây là lễ hội của những tò mò háo hức của thế gian, là những gì quyến rũ. Do đó Thánh Tông Đồ giảng dậy các môn đệ với những lời nói mạnh mẽ, như “khẩn thiết”, thuyết phục, phản đối, “khuyên nhủ”, và “hãy sẵn sàng, “chịu đựng gian khổ” (nt 2.5).

Chúng ta đã thấy ngay cả hai ngàn năm về trước, các Tông Đồ Phúc Âm cũng thấy họ bị nằm trong hai trình huống này, và ngày nay đã phát triển, đã hoàn vũ hóa, vì những quyến rũ của của thuyết tương đối chủ quan.

Khuynh hướng tìm kiếm những gì mới lạ, thích hợp với sở thích của con người, đã tìm được môi trường lý tưởng trong xã hội bề ngoài, tiêu thụ, trong đó những gì xưa cũ phải được tái thiết dụng, nhưng điều quan trọng là làm sao cho những thứ này dường như mới mẻ, và hấp dẫn.

Sự thật cũng được gầy dựng. Chúng ta sống trong một xã hội mệnh danh là ‘xã hội lưu chầy,’ không có những điểm cố định, không có những trục định hướng, không có những chuẩn đích vững chắc, trong một nền văn hóa phù du, tiêu dùng rồi vứt bỏ. Được nâng cao rõ ràng trước cái ‘lễ hội trần thế’ này là trình huống đối nghịch chúng ta thấy trong lời Chúa Giêsu phán mà chúng ta vừa được nghe: “Hãy vinh danh Cha chúng ta ở trên Trời.”

Và làm sao chúng ta có thể đi từ trạng thái có vẻ lễ hội và hời hợt này đến chỗ quang vinh? Chỉ có thể được thể hiện qua những việc lành của những ai, trở nên môn đệ Chúa Giêsu, và đã trở nên “muối” và “ánh sáng.”

“Cũng vậy, ánh sáng của anh em – Chúa Giêsu phán - phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” Giữa lễ hội xưa kia và ngày nay, đây là câu giải đáp của Chúa Giêsu và Giáo Hội, đây là sự hỗ trợ vững chắc giữa một mội trường lưu chẩy: việc lành chúng ta có thể làm để cảm tạ Chúa Kitô và Thánh Thần của Người, là điều phát sinh trong tim lời tri ân Chúa Cha, và ca tụng Người. Chúng ta ít ra cũng phải tự hỏi “Tại sao”, “Tại sao người ấy lại cư xử như thế?” làm cho thế gian phải lặng thinh trước chứng tá của Phúc Âm.

Tuy nhiên, muốn cho sự ‘lay chuyển’ này có thể xẩy ra , thì muối không được mất vị mặn và ánh sáng không được che dấu (Mat 5:13-15).

Chúa Giêsu nói rất rõ: Nếu muối nhạt đi, thì trở thành vô dụng. Tiếc thay nếu muối nhạt đi! Nếu Giáo Hội mất đi hương vị! Xin hãy coi chừng một linh mục, một người được thánh hiến, một Cộng Đoàn mất hương vị!

Ngày nay, chúng ta vinh danh Chúa Cha về công trình Thánh Đa Minh đã thực hiện, tràn đầy ánh sáng và muối của Chúa Kitô, 800 năm về trước: một công trình để phục vụ cho Phúc Âm, ngài đã rao giảng bằng lời nói và đời sống; một công trình nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, đã giúp đỡ biết bao nhiêu người nam và nữ khiến cho họ không bị tan rã trong lễ hội của những tò mò háo hức của trần gian, nhưng lại mê say hương vị của những học thuyết lành mạnh, hương vị của Phúc Âm và trở thành ánh sáng và muối, là những người tạo dựng các việc lành thánh…là những người anh chị em vinh danh Thiên Chúa và giảng dậy kẻ khác cũng vinh danh Thiên Chúa bằng những công trình tốt đẹp của đời sống.”

BH Thu (Zenit.org) 23/1/2017.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình phạt tạ Thánh Tâm hạt Phú Thọ chúc tết qúy cha
Văn Minh
17:26 23/01/2017
Giáo hạt Phú Thọ: GĐPTTT chúc Tết quý cha

Hòa trong niềm vui rộn ràng chào đón Xuân Đinh Dậu 2017, vào lúc 8g30 sáng thứ Hai ngày 23.01.2017, Ban Chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTT), đại diện BCH các xứ đoàn trong giáo hạt Phú Thọ, đại diện BCH Huynh đoàn Đaminh hạt Phú Thọ, đã cùng nhau quy tụ về giáo xứ Bắc Hà để chúc Tết cha linh hướng.

Xem Hình

Tại phòng khách giáo xứ, ông Giuse Phạm Quang Thúy, Trưởng ban, thay mặt Ban Chấp hành chúc Tết cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, linh hướng GĐPTTT giáo hạt Phú Thọ cùng gia quyến bước sang năm mới Đinh Dậu được nhiều hồng ân Thiên Chúa. Đồng thời, vị đại diện dâng lên bó hoa tươi và món quà nhỏ, nói lên tấm lòng hiếu thảo của những người con đối với vị mục tử. Sau đó, vị đại diện Ban Chấp hành Huynh đoàn Đaminh giáo hạt Phú Thọ cũng chúc Tết ngài.

Đáp từ, cha linh hướng cũng chúc cho anh em trong Ban Chấp hành GĐPTTT, BCH Huynh đoàn Đaminh, sang năm mới được dồi dào sức khỏe, lòng nhiệt thành phục vụ Giáo Hội và tha nhân. Góp phần làm sáng Danh Chúa nơi gia đình và môi trường sống của mình.

Sau khi chia tay cha linh hướng, anh em Ban Chấp hành đến chúc Tết cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng, cùng quý cha trong giáo hạt Phú Thọ. Tại giáo xứ Hòa Hưng, ông Trưởng ban, thay mặt chúc Tết cha Giuse Phạm Bá Lãm, cùng gia quyến bước sang năm mới được tràn đầy hồng ân, ơn khôn ngoan và thánh đức, cùng giáo xứ Hòa Hưng ngày một phát triển về mọi mặt. Nhân dịp này, ông Trưởng ban cũng ngỏ lời cha hạt trưởng cho phép GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ được tổ chức mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu - bổn mạng của giáo hạt vào tháng 06 tới, và ngài đã vui vẻ nhận lời. Qua đây, ngài chúc cho GĐPTTT phải là một tấm gương sáng nơi gia đình và trong đoàn thể, chu toàn mọi sứ vụ được trao phó, và loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người giữa lòng xã hội hôm nay.
 
Giáo hạt Xóm Mới Sàigòn: tổng kết sinh hoạt năm qua
Martino Lê Hoàng Vũ
17:06 23/01/2017
Giáo hạt Xóm Mới Sàigòn: Tổng kết sinh hoạt năm qua

Sáng nay ngày 21.1.2017,tức ngày 24 tháng chạp âm lịch tại Giáo xứ Hà Đông,hạt Xóm Mới,SG đã diễn ra buổi họp mặt tất niên của Giáo hạt Xóm Mới.Tham dự buổi họp mặt có quý cha chánh xứ,quý cha phó xứ trong giáo hạt,quý vị Ban Thường Vụ HĐMVGX,quý vị trưởng đại diện các đoàn thể, các giới và các sinh hoạt,quý tu sĩ nam nữ đại diện các cộng đoàn trên địa bàn hạt Xóm Mới.

Xem Hình

Lúc 9g,chương trình được khai mạc.Cha Hạt trưởng Xóm Mới GB Vũ Mạnh Hùng chánh xứ Hà Đông đã có bài nhìn lại hoạt động trong một năm qua của các giáo xứ,các hội đoàn trong giáo hạt,những sinh hoạt mục vụ của các giáo xứ,công việc loan báo Tin Mừng,việc tông đồ,việc bác ái thể hiện vai trò chứng nhân của Tin Mừng của các giáo dân Xóm Mới trên một địa bàn đông đúc với trên 700.000 người của quận Gò Vấp.

Quận Gò Vấp có hai giáo hạt;hạt GòVấp và hạt Xóm Mới.Hạt Gò Vấp có 35.000 giáo dân và hạt Xóm Mới là 59.000 giáo dân.Giáo hạt Xóm Mới có 22 linh mục,15 giáo xứ và 22 cơ sở dòng tu nam nữ.

Các giáo xứ ngoài những sinh hoạt đạo như tổ chức lễ hội Noel tưng bừng tràn ngập ánh sáng nhưng cũng ấm áp nghĩa tình thể hiện Ngôi Hai Con Thiên Chúa làm người chia sẻ với kiếp người.Nhất là không khí Mùa Xuân đang về khắp phố phường cũng là Mùa các giáo xứ trong giáo hạt Xóm Mới chăm lo tết cho những người nghèo,người đau bệnh,neo đơn…Hằng ngày nhiều giáo xứ có hàng trăm suất ăn cho người nghèo,giáo xứ có những đoàn bác sĩ thường xuyên thăm khám sức khỏe cho người dân nghèo,các dòng tu đóng góp vào việc giáo dục,những trường mầm non tư thực uy tín, giáo hạt tham gia tích cực vào việc đóng góp đợt cứu trợ miền trung,quỹ truyền giáo của giáo phận…

Trong buổi họp mặt này, ông Gioan Tông đồ Nguyễn Văn Đạo, trưởng ban liên HĐMVGX trong giáo hạt Xóm Mới đã có những tâm tình chúc mừng năm mới cha hạt trưởng, quý cha và cộng đoàn. Ông cũng nói lời tri ân cha Nguyên hạt trưởng Đaminh Đinh Ngọc Lễ trong suốt thời gian ngài làm hạt trưởng đã chu đáo chăm lo cho cộng đoàn dân Chúa trong hạt.

Sau đó,các em thiếu nhi có những điệu múa để chúc mừng xuân mới đến quý cha,quý tu sĩ và cộng đoàn để mong ước trong năm mới Đinh Dậu 2017 hạt Xóm Mới với những thế mạnh của mình sẽ có nhiều chương trình dấn thân loan báo Tin Mừng và thực thi bác ái hơn nữa.

Liền sau đó, thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa nhìn lại một năm qua giáo hạt Xóm Mới có nhiều thành quả và hướng tới năm mới.Cha Hạt trưởng GB Vũ Mạnh Hùng chủ tế,cùng với cha nguyên hạt trưởng Đaminh Đinh Ngọc Lễ chánh xứ Hà Nội,cha phó hạt trưởng GB Nguyễn Đình Tân, kiêm chánh xứ Hợp An và quý cha chánh xứ, quý cha phó trong hạt Xóm Mới.

Trong bài chia sẻ,cha Phó hạt trưởng GB Nguyễn Đình Tân nói đến một trong những quan tâm hàng đầu của Giáo Hội là người nghèo.Đó cũng là lời dạy của Đức Giêsu để lại,Ngài yêu thương người nghèo,người bất hạnh túng thiếu,những người thấp kém trong xã hội,những người tội lỗi.Người nghèo là đối tượng ưu tiên của Tin Mừng.Chúng ta quy tu trong thánh lễ này để tạ ơn Chúa về một năm qua Chúa yêu thương giáo hạt Xóm Mới. Một năm qua Chúa ban cho chúng ta những ơn huệ,có nhiều chuyện chúng ta làm được. Giáo hạt chúng ta đã quan tâm và chia sẻ với người nghèo.chúng ta có thể cống hiến và phục vụ,qua những sinh hoạt trong hạt chúng ta nhận thấy ơn Chúa mạnh mẽ.

Chúng ta tạ ơn Chúa để thấy rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, những người nghèo,những người bệnh tật,những người khuyết tật chung quanh chúng ta,những người thiếu thốn,bị thiệt thòi mọi sự.Tất cả những gì giáo hạt chúng ta làm được là để chăm lo cho người nghèo, băng bó những người đau bệnh lỡ đường,chữa lành những vết thương thể xác và tinh thần cho họ.

Chúng ta tạ ơn Chúa hằng ngày và bước tới năm mới 2017 Đinh Dậu với nhiều niềm vui,niềm hy vọng cùng ân huệ Chúa ban.Chúng ta thể hiện vai trò chứng tá Tin Mừng của mình giữa anh chị em lương dân,những anh chị nhập cư, công nhân ở địa bàn hạt Xóm Mới.

Thánh lễ tạ ơn kết thúc,quý cha và cộng đoàn cùng liên hoan tất niên trong niềm vui mừng và tình thân của mỗi người trong giáo hạt.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Giáo xứ Phú Bình : Thiếu nhi Vui Xuân Đinh Dậu 2017
Martino Lê Hoàng Vũ
17:11 23/01/2017
Giáo xứ Phú Bình: Thiếu nhi Vui Xuân Đinh Dậu 2017

Tối nay Chúa Nhật 22.1.2017,ngày 25 tết,đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giáo xứ Phú Bình, cùng với các bạn thiếu nhi chưa học giáo lý đã có một buổi tối vui chơi thỏa thích qua chương trình hội chợ chủ đề: Xuân hồng ân.

Xem Hình

Trong khuôn viên giáo xứ Phú Bình,lúc 18g30 phút Cha chánh xứ Phú Bình Gioan B Trần Văn Trí đã khai mạc buổi hội chợ.Ngài nhắn nhủ các em hãy sống vui tươi trong Chúa.Cha cầu chúc trong Năm mới Đinh Dậu 2017 các em sẽ ngoan ngoãn hơn, biết vâng lời cha mẹ,chăm học giáo lý và thăm dự thánh lễ để luôn là người bạn thân thiết của Chúa Giêsu.Mùa Xuân đang đến với mọi nhà,mọi người,đang về với quê hương Việt Nam thân yêu, mang đến niềm hy vọng và bình an cho tất cả chúng ta.

Chương trình hội chợ có những trò chơi đòi hỏi các em phản ứng nhanh nhẹn,nhanh tay lẹ mắt để thi đua với bạn bè,các gian hàng trò chơi lúc nào cũng tấp nập vui nhộn.Bên cạnh đó,các em còn được thưởng thức những món ăn nhẹ như: chè,nước sâm súp măng cua,mì xào….

Gian hàng đặc biệt nhất của hội chợ là gian hàng trung tâm,nơi các em được nhận bánh quà,cùng những phần thưởng vui của mùa xuân.

Nơi gian hàng trung tâm thu hút các em quy tụ về gọi số lôtô trúng thưởng.Đây có lẽ là phần vui nhộn nhất của hội chợ.Các em trả lời những câu hỏi ngắn về chủ đề của năm 2017; năm mục vụ gia đình,năm kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-2017)

Được biết,các em thiếu nhi có được ngày vui hôm nay là nhờ sự chuẩn bị của các anh chị GLV Huynh Trưởng,Các Bà Mẹ Công Giáo trong giáo xứ,và toàn thể cộng đoàn đóng góp cho quỹ thiếu nhi của giáo xứ.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15: ''Người trẻ, Đức tin và sự biện phân ơn gọi (5)
Vũ Văn An
17:23 23/01/2017
CÁC CÂU HỎI

Mục đích của các câu hỏi là trợ giúp các bộ phận “hữu quyền” thường lệ của Giáo Hội phát biểu cái hiểu của họ đối với thế giới người trẻ và lượng giá kinh nghiệm của họ về sự đồng hành ơn gọi, ngõ hầu thu lượm tín liệu để soạn thảo Tài Liệu Làm Việc hay Instrumentum laboris.

Để xem xét các tình huống đa dạng của các lục địa và vùng khác nhau, 3 câu hỏi chuyên biệt cho mỗi khu vực địa dư đã được chen vào sau câu hỏi 15, để phát khởi các câu trả lời từ các bộ phận của Giáo Hội biết quan tâm đến vấn đề.

Để làm dễ dàng công việc này và làm cho nó hợp luận lý, các bộ phận liên hệ được yêu cầu giới hạn câu trả lời của mình vào khoảng một trang cho câu hỏi về thống kê, một trang cho mỗi câu hỏi lượng định về tình hình và một trang cho ba câu hỏi về kinh nghiệm của các lục địa và các vùng. Nếu cần hoặc muốn, thì các bản văn khác có thể được đính kèm để hỗ trợ hoặc bổ túc cho nội dung của các câu trả lời.

I. Thu lượm thống kê

Nếu có thể, xin vui lòng cho biết nguồn của các thống kê và cả năm của chúng. Các tín liệu liên hệ khác có thể được đính kèm để hiểu rõ hơn tình hình của các nước khác nhau.

- Số dân cư trong nước hay trong các nước và sinh suất.
- Số và phần trăm người trẻ (16-29 tuổi) ở trong nước/các nước.
- Số và phần trăm người Công Giáo trong nước/các nước.
- Tuổi trung bình (trong 5 năm qua) để kết hôn (phân biệt giữa đàn ông và đàn bà), để vào chủng viện và đời sống thánh hiến (phân biệt giữa đàn ông và đàn bà).
- Trong nhóm tuổi 16-29, phần trăm sinh viên, công nhân (nếu có thể cho biết rõ loại công việc), thất nghiệp, những người xếp vào loại NEET (không giáo dục, không việc làm, không đào tạo).

II. Lượng định tình hình

a) Người trẻ, Giáo Hội và xã hội

Các câu hỏi sau đây nói đến cả những người trẻ đang tham gia các chương trình của Giáo Hội lẫn những người trẻ không tham gia hay không thích tham gia.

1. Giáo Hội lắng nghe cách nào các kinh nghiệm sống của người trẻ?
2. Ngày nay, đâu là các thách đố lớn và các cơ hội có ý nghĩa nhất dành cho người trẻ tại nước/các nước của qúy vị?
3. Loại và nơi tụ họp nào của giới trẻ, được định chế hay không, có lợi thế thành công lớn trong Giáo Hội, và tại sao?
4. Loại và nơi tụ họp nào của giới trẻ, được định chế hay không, đạt thành công hơn hết ở bên ngoài môi trường Giáo Hội? và tại sao?
5. Ngày nay, người trẻ thực sự yêu cầu gì ở Giáo Hội tại nước/các nước của qúy vị?
6. Đâu là các khả thể tham gia hiện có tại nước/các nước của qúy vị dành cho giới trẻ để họ tham gia vào đời sống của cộng đồng Giáo Hội?
7. Làm thế nào và bằng cách nào để tiếp xúc với những ngưới trẻ không lui tới với các môi trường của Giáo Hội?

b) Các chương trình mục vụ dành cho ơn gọi của người trẻ

8. Các gia đình và các cộng đồng tham dự ra sao vào việc biện phân ơn gọi của người trẻ?
9. Các trường học và các đại học hay các định chế giáo dục (cả của dân sự lẫn của Giáo Hội) đã đóng góp ra sao vào việc huấn luyện giới trẻ trong việc biện phân ơn gọi?
10. Qúy vị xem xét ra sao các thay đổi văn hóa mà việc khai triển thế giới kỹ thuật số đã mang tới?
11. Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới và các biến cố quốc gia và quốc tế khác đã trở thành một phần trong thực hành mục vụ thông thường như thế nào?
12. Các kinh nghiệm và diễn trình mục vụ dành cho ơn gọi của người trẻ đã được quan niệm ra sao tại giáo phận của qúy vị?

c) Các nhân viên mục vụ làm việc cho giới trẻ

13. Các giáo sĩ và các nhà huấn luyện khác đã dành bao nhiêu thì giờ và trong cách thức nào để cung cấp việc hướng dẫn thiêng liêng có tính bản vị?
14. Các sáng kiến và cơ hội huấn luyện nào hiện có sẵn dành cho những người cung cấp việc hướng dẫn ơn gọi?
15. Trong các chủng viện, việc hướng dẫn có tính bản vị nào đang được cung cấp?

d) Các câu hỏi chuyên biệt theo các khu vực địa dư

CHÂU PHI

a. Các kế hoạch và cơ cấu nào trong việc săn sóc mục vụ ơn gọi của người trẻ đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của lục địa qúy vị?

b. “Làm cha thiêng liêng” có nghĩa gì tại những nơi người trẻ lớn lên mà không có hình tượng người cha? Đâu là việc huấn luyện đã được đưa ra?

c. Qúy vị thông đạt ra sao với người trẻ rằng họ rất cần trong việc xây dựng tương lai của Giáo Hội?

CHÂU MỸ

a. Cộng đồng của qúy vị săn sóc ra sao các người trẻ đang chịu cảnh bạo lực cùng cực (chiến tranh du kích, băng đảng, nhà tù, ghiền ma túy, hôn nhân cưỡng ép) và đồng hành với họ bằng nhiều cách như thế nào trong đời họ?

b. Việc huấn luyện nào đã được đưa ra để hỗ trợ việc làm cho người trẻ dấn thân vào xã hội và sinh hoạt dân chính, vì ích chung?

c. Trong một thế giới bị tục hóa cao độ, các sinh hoạt mục vụ nào hữu hiệu nhất để tiếp tục cuộc hành trình đức tin sau các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo?

Á CHÂU VÀ ĐẠI DƯƠNG CHÂU

a. Các cuộc tụ tập tôn giáo của những người không phải là Công Giáo tại sao và bằng cách nào đã lôi cuốn được người trẻ?

b. Bằng cách nào, các giá trị của nền văn hóa địa phương được phối hợp với giáo huấn Kitô Giáo, trong khi vẫn dành sự quan trọng cho lòng đạo đức bình dân?

c. Ngôn ngữ sử dụng trong thế giới người trẻ được hội nhập ra sao vào việc săn sóc mục vụ người trẻ, nhất là trong các phương tiện truyền thông, thể thao và âm nhạc?

ÂU CHÂU

a. Đâu là sự trợ giúp để người trẻ nhìn về tương lai một cách đầy tin tưởng và hy vọng, khởi đầu với sự phong phú của nguồn gốc Kitô Giáo Âu Châu?

b. Người trẻ đôi khi cảm thấy bị đẩy qua bên lề và loại khỏi môi trường chính trị, kinh tế và xã hội nơi họ đang sống. Bằng cách nào, qúy vị xem xét cảm thức phản đối để nó được biến cải thành việc tham gia và sự hợp tác?

c. Các liên hệ giữa các thế hệ vẫn còn hữu hiệu ở những bình diện nào? Nếu chúng không hữu hiệu, thì phải canh tân chúng ra sao?

III. Chia sẻ các sinh hoạt

1. Qúy vị hãy liệt kê ba loại sinh hoạt mục vụ chính trong việc đồng hành và biện phân ơn gọi trong tình thế hiện nay của qúy vị.

2. Qúy vị hãy chọn ba sinh hoạt được qúy vị cho là đáng lưu ý và có liên quan nhất để chia sẻ cùng Giáo Hội hoàn vũ, và trình bầy nó theo mẫu sau đây (không hơn một trang cho mỗi kinh nghiệm).

a) Mô tả: Trong một ít câu, qúy vị hãy mô tả khái quát sinh hoạt này. Ai là những người lãnh đạo? Sinh hoạt này diễn ra cách nào? Ở đâu? v.v..

b) Phân tích: Qúy vị hãy lượng định sinh hoạt, ngay bằng các hạn từ của người bình thường (layman), để hiểu tốt hơn các yếu tố quan trọng: đâu là các mục tiêu? Đâu là căn bản lý thuyết? Đâu là những cái nhìn thấu suốt đáng lưu ý nhất? Chúng được khai triển ra sao? v.v…

c) Đánh giá: Đâu là các mục tiêu? Nếu không đạt được, thì tại sao? Các điểm mạnh và các điểm yếu? Đâu là các hậu quả trên các bình diện xã hội, văn hóa và Giáo Hội? Tại sao và bằng cách nào sinh hoạt lại quan trọng/có tính huấn luyện? v.v..
 
Tìm hiểu gia đình linh tông tại giáo phận Phát Diệm ngày xưa.
Nguyễn Long Thao
22:18 23/01/2017
Tìm hiểu tập tục gia đình linh tông tại giáo phận Phát Diệm ngày xưa.

Linh tông: Hán Việt. Linh 灵: thiêng liêng. Tông 宗: tổ tiên, dòng họ như Đại Tông là dòng trưởng, Tiểu Tông dòng thứ, Đồng Tông: người cùng họ. Linh Tông: họ hàng dựa trên mối liên hệ thiêng liêng. Những người nhận cùng một linh mục đỡ đầu tự coi mình như có họ hàng với nhau theo liên hệ linh tông.

Linh Tông cũng như từ Linh Thao hay Linh Đạo là những đặc ngữ Công Giáo Việt Nam mới xuất hiện gần đây. Từ Linh Thao dịch từ tiếng Anh Spiritual Exercise. Từ Linh Đạo từ tiếng Spirituality. Riêng từ Linh Tông chưa được một từ điển nào liệt kê và giải thích. Linh tông là một tổ chức đã có từ rất lâu,tuy không phải là một tổ chức chính thức của Giáo Hội nhưng tập tục này được xã hội và Giáo Hội Việt Nam mặc nhiên thừa nhận.

Tổ Chức Gia Đình Linh Tông : Trong xã hội, khi người con trai đi lập gia đình thì ngay lúc đó một chi tộc mới được thành hình để nối dõi tông đường. Đối với Giáo Hội Công Giáo, khi một linh mục triều nhận bảo trợ ơn thiên triệu cho một người, thì gia đình linh tông bắt đầu thành hình để nối dõi sứ vụ linh mục. Hiện nay, chưa có tài liệu nào nói gia đình linh tông xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ và người ta chỉ biết rằng trước những năm 1950, tại nhiều giáo phận, nhất là ở miền Bắc, gia đình linh tông hoạt động mạnh, góp phần tích cực vào việc đào tạo ơn kêu gọi linh mục, thầy giảng, nam nữ tu sĩ.

Ngày nay, thể chế linh tông đang phai nhạt dần và có nguy cơ biến mất theo sự thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, đưa đến hậu quả là thiếu linh mục tu sĩ trong tương lai. Do nguyên nhân này, chúng tôi thấy cần viết lại tập tục gia đình linh tông tại giáo phận Phát Diệm ngày xưa để thấy những ưu điểm của tổ chức này trong việc cổ vũ, duy trì và phát triển ơn kêu gọi tu trì.

Theo truyền thống, khởi đầu của một gia đình linh tông là khi vị linh mục triều bắt đầu tuyển chọn các em trai, tuổi từ 8 đến 10, thường là người ở trong xứ đạo, muốn đi tu mà đặc ngữ gọi là muốn “đi ở nhà thầy”. Lúc này cha xứ hay cha phó trở thành cha Bố, cha Nghĩa Phụ của một gia đình linh tông. Ban đầu các thiếu niên được đưa vào nhà xứ sinh sống, được tập cho giúp lễ, được dậy bảo để làm quen với nếp sống tu trì, được các thầy khai tâm cho bằng các bài học về chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ. Lúc này giáo dân trong xứ gọi các em là các “cậu”, một đặc ngữ xưng hô dành cho con các quan hay các gia đình giầu có. Ngày xưa, khi giấy tờ hộ tịch chưa triệt để áp dụng, cha mẹ có thể thay đổi tên con cái. Gia đình linh tông cũng vậy, để biểu lộ sự liên hệ “họ hàng”, cha bố có thể đổi tên con để người ngoài nhận biết các người đó cùng thuộc gia đình linh tông. Ví dụ cha bố tên Huy thì đổi tên các con là Hưởng, Hạnh, Hùng v.v…và các tên này trở thành tên chính thức của một người.

Về vấn đề chi phí ăn ở và giáo dục, “Nhà Quê”, tức gia đình của cha mẹ đẻ, chỉ phụ giúp phần nào, còn đa số chi phí khác đều do cha bố bao bọc vì cha xứ có quyền sử dụng nguồn lợi của giáo xứ để nuôi dưỡng các người đi tu hay làm việc trong nhà xứ.

Sau một hai năm sống trong nhà xứ, thấy cậu nào thích hợp đời sống tu trì, có khả năng học hành giỏi, cha bố gửi đi học ở Trường Thử tại Trì Chính. Tai đây cậu được thử thách trong một hai năm và nếu bề trên thấy cậu có khả năng học hành khá, tính tình tốt, cậu được chuyển lên Tràng La Tinh ở Phúc Nhạc. Tràng La Tinh là tiếng đọc trại của Trường La Tinh và sau này gọi là Tiểu Chủng Viện. Tại đây, cậu được học tiếng Latin, và bắt đầu được người ta gọi bằng “Chú” thay vì “Cậu”. Học hết trường La Tinh trong vòng 5 đến 7 năm, nếu không “bị loại”, một đặc ngữ Công Giáo, chú được chuyển lên “Trường Lý Đoán”đặt tại Thượng Kiệm. Trường Lý Đoán là một danh từ nhà đạo, sau này được gọi là Đại Chủng Viện. Tại đây, người ta không gọi bằng “Chú” nữa mà bằng“Thầy” “Thầy Già”, Ông Già” và sau này gọi là thầy Đại Chủng Viện hay Đại Chủng Sinh. Tất cả đều có nghĩa là một người đang học tại Đại Chủng Viện. Trường Thử, Trường La Tinh, Trường Lý Đoán, chỉ liên lạc và báo cáo thành quả học hành, tu đức của tu sinh với cha bố. Còn Nhà Quê không được nhà trường báo cáo gì.

Suốt thời gian học hành trong mười mấy năm cho đến khi chịu chức Linh Mục, cha bố cấp dưỡng quần áo, sách vở, ít tiền tiêu vặt cho các con. Nhà quê cũng cấp thêm. Do vậy, ai có bố giầu, có nhà quê khá giả, đời sống chủng sinh được thoải mái hơn.

Trong tháng hè, các chú, các thầy chỉ được về thăm nhà quê trong thời gian ngắn, còn phải ở trong nhà xứ với cha bố, phụ trách các việc như dậy giáo lý, tập hát cho thiếu nhi. Sau kỳ hè, các chú trở về trường cầm theo lá thư của cha bố báo cáo về sinh hoạt của con cho bề trên nơi trường con theo học.

Nếu cậu nào, chú nào không làm Linh Mục được có thể gia nhập trường Kẻ Giảng để rồi sau vài năm huấn luyện, được Đức Giám Mục bổ nhiệm đi giúp việc trong các giáo xứ. Còn những cậu không tu được mà đặc ngữ Công Giáo gọi là “tu xuất” hay “bị loại” thì trở về đời, lập gia đình nhưng vẫn duy trì mối liên hệ linh tông, nhưng ở mức độ nhạt nhẽo hơn.

Cha bố cũng có thể nuôi con gái để những người này trở thành nữ tu. Các em gái không theo quy chế như các con trai, không ở chung trong nhà xứ mà được gửi ngay đi nhà tập của dòng Mến Thánh Giá ở Lưu Phương. Cha bố cũng trợ giúp con gái và các tháng hè, các cô nữ tu về nhà bố mẹ và thỉnh thoảng đến thăm cha bố.

Các con cũng được phân biệt theo thứ tự trưởng thứ như gia đình bên ngoài. Danh từ Bác Cả là để chỉ người con trưởng gia đình linh tông, từ Quan Bác để chỉ người anh, và từ Quan Chú để chỉ các người em. Sống tết, chết giỗ. Ngày tết hay lễ bổn mạng của cha bố, các con đã là linh mục cũng về mừng lễ bổn mạng hay chúc tuổi và tết bố. Các người em cũng giữ lễ biếu tết anh. Khi cha bố qua đời, các con về thọ tang và tang lễ tổ chức thế nào đều do người con trưởng quyết định. Khi bố qua đời mà có con chưa làm linh mục, theo tục lệ gia đình linh tông, người con đó có thể được bố nối lại cho người anh cùng cha, hay nối làm con nuôi của vị linh mục khác. Những người anh cũng có nhiệm vụ tương trợ các em, nhất là em còn đang học trong chủng viện.

Cha bố nào “mát tay’ nuôi được nhiều con, trai thì đỗ cụ hay làm thầy giảng, gái thì thành nữ tu, và vẻ vang hơn nữa, nếu các con là những người học hành giỏi giang có vai vế trong giáo phận. Đoàn con trên sẽ “nối dõi” tông đường trong sứ vụ linh mục, thầy giảng, nữ tu. Gia đình linh tông thường chỉ gồm những người ở trong ba thế hệ là ông, cha, và con, rất hoạ hiếm được có những người trong bốn thế hệ mà gia đình huyết tộc gọi là Tứ Đại Đồng Đường. Linh tông cũng làm gia phả giống như gia đình huyết tộc.

Theo tập tục, chỉ các linh mục triều, không phải linh mục dòng, nhận con nuôi. Các thầy giảng, các nữ tu, các linh mục dòng không được nhận con nuôi, có lẽ vì các nữ tu, các thầy giảng không được phép dùng nguồn lợi của giáo xứ để nuôi dưỡng con cái trong gia đình linh tông.

Tinh thần gia tộc là nét văn hóa nền tảng của con người Việt Nam. Do vậy, khi một người rời bỏ gia đình đi tu, không có nghĩa là họ bị bật gốc khỏi nền tảng văn hóa gia đình huyết tộc, mà thay vào đó, họ được tháp nhập vào một cơ cấu mới là gia đình linh tông, có chức năng và lý tưởng giống như gia đình huyết tộc. Trong khi đó, đối với Nhà Quê, người đi tu vẫn giữ mối liên hệ tình cảm thắm thiết với cha mẹ, anh chị em ruột thịt, cũng có những nghĩa vụ “sống tết, chết giỗ”. Như vậy, với người đi tu, nét văn hóa gia đình không những không suy giảm, mà còn triển nở thêm ở bình diện gia đình linh tông.

Giáo Hội Việt Nam đã du nhập văn hóa gia đình vào sinh hoạt của Giáo Hội thể hiện qua tổ chức gia đình linh tông, cùng sống trong “nhà Đức Chúa Trời”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Giáo Hội kết luận rằng nơi nào “nhà Đức Chúa Trời” và thể chế gia đình linh tông phát triển mạnh, nơi đó con số linh mục tu sĩ, nữ tu đông hơn nơi khác vì đó là môi trường thích hợp cho việc nâng đỡ ơn kêu gọi. Thiết tưởng, trong tình hình kinh tế, chính trị tại Việt Nam hiện nay, một câu hỏi cần đặt ra là ta có nên chính thức thừa nhận và tái phục hồi tổ chức gia đình linh tông để tăng thêm số linh mục và nam nữ tu sĩ ?

Tác giả: Nguyễn Long Thao
 
Văn Hóa
Tặng những mùa xuân “tuổi xế chiều” !
Sơn Ca Linh
11:07 23/01/2017
MIỄN TRONG HỒN XUÂN GÕ NHỊP, THẾ THÔI !
(Tặng những mùa xuân “tuổi xế chiều” !)

Ta cứ tưởng mình còn xuân sắc lắm,
Có ai ngờ thời gian đã sang đông !
Hèn chi rớt đâu đây sợi tóc trắng,
Lá mùa thu vừa rơi xuống bên sông !

Ta cứ ngỡ đường ta đi vẫn cũ,
Vẫn đầy hoa chào đón bước chân xưa !
Nhưng đâu mất, hai bên giờ rất lạ,
Tìm mòn hơi nào gặp chút hương thừa !

Ta lặng lẽ như con thuyền ghé bến,
Như tàu chiều vừa bỏ lại sân ga.
Biết còn không có ai người quyến luyến,
Hay bây giờ ta lại chỉ mình ta !

Ta thảng thốt giật mình xoay bước tiếp,
Sao bây giờ chân nặng những ưu tư !
Nẻo tương lai khi nào ta mới kịp ?
Mà hôm qua phế tích tự bao giờ !

Ta đã thấy bên đường hoa rụng hết,
Không biết đêm nay cành có đâm chồi ?
Trót chọn lên đường, có không, sinh, diệt !
Miễn trong hồn xuân gõ nhịp, thế thôi !

Sơn Ca Linh
 
Mơ Xuân - Nhạc và Lời: Hòang Trọng & Châu Kỳ - Trình bày: ca sĩ Thanh Lan
VietCatholic Network
16:01 23/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Mơ Xuân Nhạc và Lời: Hòang Trọng & Châu Kỳ - Trình bày: ca sĩ Thanh Lan - Thực hiện: VietCatholic
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hồng Đào
Thérésa Nguyễn
19:06 23/01/2017
HỒNG ĐÀO
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Nhìn hoa đào nở sau thềm
Lâng lâng lòng thấy êm đềm chờ xuân.
(tn)