Ngày 14-01-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/01: Chay Tịnh – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:38 14/01/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

Đó là lời Chúa
 
Niềm vui không bao giờ mất
Lm. Minh Anh
15:18 14/01/2024

NIỀM VUI KHÔNG BAO GIỜ MẤT
“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay!”.

“Không ai đội vương miện trên thiên đàng mà không là người phải ‘đội ngược’ nó dưới đất! Cũng không ai ôm chặt, yêu mến thánh giá dưới đất, nếu không biết mình sẽ được lại niềm vui trên thiên đàng, một ‘niềm vui không bao giờ mất!’” - Một nhà tu đức.

Kính thưa Anh Chị em,

Để có được ‘niềm vui không bao giờ mất’, bạn và tôi phải đội ngược những chiếc vương miện gai góc. Đó là những gì Lời Chúa hôm nay soi rọi! Sở dĩ, các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay, vì “Chàng Rể” đang ở với họ; nhưng họ sẽ ăn chay khi Thầy của họ và chính họ nếm trải những khổ đau do thập giá gây nên.

Trong cuốn “The Better Part”, “Phần Tốt Hơn”, cha John Bartunek, viết, “Dẫu thập giá không bao giờ vắng mặt trong đời sống một Kitô hữu, nhưng vị Thiên Chúa gặp gỡ mỗi người trên thập giá cũng là vị Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất, đại dương và núi non, tiếng cười và ánh mặt trời. Ngài cũng là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm vui trên địa cầu!”. Tự nhận là “Chàng Rể”, Chúa Giêsu mặc cho mình tước hiệu vốn chỉ dành cho Thiên Chúa. Cựu Ước mô tả mối quan hệ giữa Israel và Chúa Trời như một giao ước hôn nhân; Israel là nàng dâu, thường là bất trung, và Thiên Chúa là Chàng Rể. Vì yêu thương, Chúa Kitô đến, mang đến niềm vui, một niềm vui dù phải trải qua cái chết, nhưng nó là một niềm vui tiềm tàng sắc màu phục sinh, ‘một niềm vui không bao giờ mất!’.

Vậy khi nào các môn đệ ăn chay? Khi “Chàng Rể” bị đem đi, khi Thầy họ đi vào cuộc khổ nạn. John Bartunek nhận định, “Một số Kitô hữu ấn tượng rằng đi theo Chúa Kitô là một công việc u ám, hoặc đời sống Kitô hữu trên hết chỉ bao gồm những hy sinh khắc nghiệt với những nghĩa vụ nhàm chán, buồn bã, thê lương và chán chường. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn bè của họ muốn tránh khỏi loại Kitô giáo đó càng xa càng tốt! Nếu tình bạn với Chúa Kitô không khiến trái tim chúng ta tràn đầy một lòng nhiệt huyết dễ lây lan, thì có lẽ chúng ta là một người bạn nửa vời!”. Không! Như Thầy mình, Kitô hữu phải sống ‘niềm vui không bao giờ mất’ của Thầy mình, Đấng đã trải nghiệm một niềm vui thiên đàng, một niềm vui tiềm tàng ánh phục sinh ngay trên thập giá!

Anh Chị em,

“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay!”. Điều đặc biệt, là “Chàng Rể” bị đem đó nay đã phục sinh. Giờ đây, chẳng ai có thể đem Ngài đi, và Ngài cũng chẳng bao giờ chịu rời đi, trừ khi chúng ta nhất tâm chối từ Ngài, quay lưng với Ngài. Còn những ai ngày càng gắn bó với Ngài, dẫu phải đội ngược vương miện; đồng thời, ý thức mình là những người được Ngài cứu chuộc, có Ngài đồng hành, thì nhất định, cuộc sống họ vẫn luôn là một cuộc sống đầy tràn niềm vui. Họ được hưởng niềm vui thật sự không chỉ trên thiên đàng mai sau, nhưng ngay hôm nay, dưới thế. Niềm vui đó có tên “Cứu Độ”. Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đội ngược vương miện, không bao giờ dễ chịu. Giúp con gắn kết thập giá đời con vào thánh giá Chúa, và con sẽ sở hữu một ‘niềm vui không bao giờ mất!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúng ta phải làm gì với nền thần học bí truyền kỳ lạ và đầy nhục tính của Đức Hồng Y Fernandez?
Vũ Văn An
03:56 14/01/2024

Trên tạp chí mạng Catholic Herald ngày 11 tháng 1 năm 2024, Gavin Ashenden nhận định rằng các nội dung kỳ lạ của cuốn Đam Mê Huyền Bí: Tính tâm linh và Tính nhục cảm [Mystical Passion: spirituality and sensuality] được viết cách đây 25 năm bởi Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández hiện đã được đề cập rộng rãi trên báo chí Công Giáo.



Các đáp ứng đa dạng đi từ một bên là kinh hãi lẫn lộn trước những gì dường như là một thao tác khiêu dâm thần học, đến bên kia là một lời nhắc nhở thiện cảm rằng tình dục và tâm linh luôn có một mối quan hệ phức tạp và các nhà thần học có quyền khám phá lĩnh vực này mà không cần quá nhạy cảm e lệ vốn ức chế họ.

Trong số các chương của nó, vị tổng trưởng hiện tại của Bộ Giáo lý Đức tin đã viết một cách đầy họa hình và với một thứ thế giá nào đó về sự khác biệt giữa cực khoái của nam và nữ. Đặc biệt, ngài quan tâm đến việc làm thế nào người ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong cơn cực khoái của bạn tình.

Khi đánh giá về ý nghĩa của niềm đam mê cả về tinh thần lẫn thể xác, ngài viết rằng nếu các nhà huyền nhiệm có thể có được những trải nghiệm nhục cảm về sự hiện diện của Thiên Chúa, thì “Người có thể hiện diện khi hai con người yêu nhau và đạt đến cực khoái; và sự cực khoái đó, được sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng có thể là một hành vi cao cả trước sự hiện diện của Thiên Chúa”.

Một bài báo của Catholic Herald ngày 9 tháng 1 cho biết Đức Hồng Y đã thảo luận về nội dung của cuốn sách và giải thích lý do tại sao ngài không muốn nó được tái bản và chắc chắn hôm nay ngài sẽ không viết ra nó nữa.

Vậy thì mức độ phản ứng đúng đắn đối với Niềm Đam Mê Huyền Bí nằm ở đâu trên thang phê bình? Có lẽ nơi tốt nhất để bắt đầu là thế giới quan giải cấu của Freud (Freud deconstruction , theo nghĩa thông thường).

Nơi những người theo trường phái Freud có một sự thật hiển nhiên cho rằng các nhà huyền nhiệm Kitô giáo và phụ nữ nói riêng đã được truyền cảm hứng và bị quấy nhiễu bởi sự thất vọng do không giải quyết được chuyện tình dục gây ra. Kinh nghiệm của Thánh Têrêsa Avila thường được chọn từ những giả định rất đặc thù này.

Bất cứ ai trực tiếp biết trải nghiệm tâm linh đều nhận ra rằng đây là một sự phân loại sai lầm đáng tiếc. Nếu bạn sống trong một thế giới bị chi phối bởi động lực tình dục như là động lực chính thúc đẩy sự thèm thuồng có ý thức và vô thức của con người, thì không thể tránh khỏi việc bạn hiểu sai bất cứ trạng thái xuất thần nào như có tính tình dục. Các Kitô hữu biết điều đó không đúng.

Niềm hạnh phúc đến như một món quà thỉnh thoảng của Chúa Thánh Thần được trải nghiệm như một hình thức xuất thần. Nhưng chỉ trong một thế giới rất nông cạn và hạn chế thì xuất thần mới có tính chuyên nhất tình dục. Quả thực, trạng thái xuất thần có rất nhiều điều mà chúng ta có thể gọi là thể loại hoặc chiều kích. Đối với nhiều người, âm nhạc là phương tiện phổ biến nhất để đạt được hoặc chìm đắm trong niềm hạnh phúc ngây ngất. Abraham Maslow là nhà tâm lý học đã làm cho “trải nghiệm tuyệt đỉnh” trở nên dễ tiếp cận hơn như một mô tả về niềm hạnh phúc chung.

Những trải nghiệm tuyệt đỉnh đã được những người ủng hộ Maslow mô tả là “những trải nghiệm hiếm có, thú vị, mênh mông như đại dương, cảm động sâu sắc, phấn chấn, nâng cao tạo ra một hình thức tri nhận thực tại tiên tiến và thậm chí còn có tác dụng huyền bí và ma thuật đối với người thử nghiệm”.

Đối với những người quan sát hờ hững nhất, điều hiển nhiên là những trải nghiệm hạnh phúc tuyệt đỉnh có thể được tạo ra bởi nhiều kích thích khác nhau: thẩm mỹ, nghệ thuật, âm nhạc, thiên nhiên, tình dục, trải nghiệm thần bí và thậm chí cả niềm vui và tri nhận trí thức. Nhưng định nghĩa của Maslow chỉ cho chúng ta đi đúng hướng và đưa chúng ta đến gần hơn với cốt lõi của những gì đang bị đe dọa ở đây: sự giao thoa giữa tình dục, thần bí và ma thuật.

Một trong những khía cạnh đáng báo động nhất trong cách viết của Đức Hồng Y Fernández là ngài có chung những giả định về tình dục giống như những nhà bí truyền và những người thực hành ma thuật (đen tối). Tình dục đối với họ, cũng như đối với Fernández, là một phương tiện của thần linh; trong chủ nghĩa bí truyền - người ta khẳng định - tình dục tạo điều kiện thuận lợi cho trải nghiệm trực tiếp về Thần tính. Phản bác của Kitô giáo đối với truyền thống bí truyền là nó nhầm lẫn về thần tính.

Chính trong thời kỳ Phục hưng, chúng ta nhận thấy sự phát triển của ý tưởng cơ bản này ở những nhà tư tưởng sống trong sự giao thoa giữa Kitô giáo, khoa học và ma thuật mà thế giới giả kim đã tạo ra. Marsilio Ficino (1433-1499) và Giordano Bruno (1548-1600) thừa nhận rằng các nguyên tắc gợi tình của sự hấp dẫn, sức mạnh huyền bí của phép thuật và cấu trúc năng động của vũ trụ đều là một phần của một liên thể [continuum] đơn nhất.

Đấu trường ma thuật nguy hiểm và ít người biết đến cũng hiện hữu trên một phổ hệ. Nhưng một tiền đề chung được các nhà ma thuật tình dục đặt ra là khái niệm cho rằng năng lượng tình dục là một sức mạnh tiềm tàng có thể được khai thác để vượt qua tri nhận chung và chưa được khai sáng về thực tại.

Một ví dụ về lĩnh vực u ám và có vấn đề này được tìm thấy trong nhà nghiên cứu các chuyện bí hiểm (occultist) người Mỹ thế kỷ 19 Paschal Beverely Randolph (1825-75). Ông viết: “Sức mạnh tình dục đích thực là sức mạnh của Thiên Chúa và như vậy, sức mạnh của cực khoái có thể được người đàn ông và người đàn bà sử dụng để đạt được nhiều lợi ích khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần”. Điều này nghe rất tương tự một cách đáng báo động với cách nhìn và ngôn ngữ trong cuốn sách của Đức Hồng Y Fernández.

Nhưng xa hơn nữa, dọc theo phổ hệ ma thuật và tình dục, ở phần cuối hết sức đen tối, chúng ta đến với nhà thực hành khét tiếng Aleister Crowley. Chủ trương: “Nhân loại phải biết rằng bản năng tình dục …làm người ta ra cao quý. Những tội ác kinh hoàng mà tất cả chúng ta đều lên án chủ yếu là do các đồi bại do việc đàn áp nó tạo ra.”

Các chi tiết về thuyết bí hiểm của Crowley, bao gồm việc cố tình phạm thánh các địa điểm và những người sử dụng tình dục kết hợp trẻ em và động vật, gây sốc một cách tệ hại. Điều đáng kinh ngạc là thế giới bí truyền và bí hiểm này có chung những giả định về cực khoái, trạng thái xuất thần tình dục và thể thần linh mà chúng ta được thấy trong Niềm Đam mê Huyền bí của Đức Hồng Y Fernández.

Nhưng nếu để khảo sát luận đề của ngài, chúng ta quay trở lại thế giới âm nhạc tầm thường hơn, chúng ta có thể thử nghiệm luận đề của ngài với ít bối rối hơn. Thế giới âm nhạc của Giáo hội, nơi chứa đựng một số bản nhạc tinh tế và ngây ngất nhất từng được viết ra, đưa cả người nghe và người biểu diễn một cách ảo, và đôi khi một cách thực, đến trạng thái ngây ngất thẩm mỹ cao siêu nhất.

Điểm nơi vẻ đẹp, sự khao khát, nhịp điệu và tuyệt đỉnh gặp nhau trong âm nhạc và thể thần linh là nơi giao thoa kỳ diệu. Nhưng không có gì tự động xảy ra trong quá trình chuyển hóa từ trạng thái ngây ngất trong âm nhạc sang trạng thái hiểu biết ngây ngất về Thiên Chúa. Nó có thể xảy ra. Có lẽ nó có thể xảy ra. Nó không phải là không thể xảy ra.

Đồng thời, trong số những người thực hành âm nhạc, không có gì tự động trong các mẫn cảm thẩm mỹ của họ mang ý nghĩa cho rằng bản thân âm nhạc mang lại trải nghiệm cần thiết hoặc tất nhiên về Thiên Chúa. Nó có thể mang người ta đến gần (hoặc có thể không), nhưng mối liên hệ của nó với thần tính bị lu mờ bởi Sự Sa ngã và sự trì độn về mặt tâm linh của con người trước khi được tái sinh nhờ Chúa Thánh Thần.

Đức Hồng Y Fernández – chắc chắn viết khi còn trẻ; lúc ngài còn là một linh mục 36 tuổi - gây ra sai lầm chết người và người ta phải nói là sai lầm dị giáo hoặc đã gán cho cực khoái tình dục một công cụ tự động của việc thần thánh hóa. Ngài chia sẻ quan điểm giả kim và bí truyền về liên thể (continuum) không bị gián đoạn, cho phép nhân loại tiếp cận với thần tính thông qua cánh cửa của một số hình thức huyền nhiệm. Kinh nghiệm và giáo huấn của Giáo hội cho thấy điều này không đúng, cũng không có tính Kitô giáo.

Luôn luôn có chỗ cho một số thăm dò thần học có cơ sở vững chắc về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, vẻ đẹp và khao khát, động vật và thiên thần, sự thèm thuồng và sự gợi tình, sự thành toàn và phủ nhận bản thân, cũng như việc những điều đó được phát biểu đặc biệt ra sao trong tình dục. Nhưng chúng ta không tìm thấy điều đó trong nỗ lực tuổi trẻ của Đức Hồng Y Fernández. Thay vào đó, chúng ta tìm thấy những giả định thần học về bí truyền và không chính thống.

Thật đáng ngạc nhiên khi một Hồng Y ở trung tâm Vatican, người tự nhận là một nhà thần học khoa bảng, lại cho thấy không nhận thức được điều này cho bằng lo lắng rằng mình có thể bị hiểu lầm. Việc ngài nhanh chóng dẹp bỏ cuốn sách của chính mình sau khi xuất bản năm 1998 vì sợ nó bị hiểu lầm, mà không cho thấy bất cứ sự thừa nhận nào rằng mình thiếu hiểu biết về mặt thần học, cho thấy ngài nghĩ rằng lỗi nằm ở người khác, không phải ở bản thân ngài.

Một lĩnh vực khác mà mối bận tâm của ngài về cực khoái và ham muốn tình dục được trình bầy để khảo sát là câu hỏi mà điều này đặt ra - đặc biệt khi ngài chứng thực và công bố Fiducia Supplicans - liên quan đến việc ngài cổ vũ và chứng thực nền văn hóa và thực hành đồng tính. Bất cứ thế giới quan nào định nghĩa nhân tính của bạn chủ yếu theo khía cạnh hấp dẫn sinh dục là một thế giới quan trong đó tình dục được nâng cao vượt xa tầm quan trọng đúng đắn và thực sự là Kitô giáo của nó.

Chính trong nền văn hóa đồng tính, chứ không phải nền văn hóa Kitô giáo, mà sự hấp dẫn và tuyệt đỉnh tình dục trở thành ưu tiên về mặt trải nghiệm và văn hóa.

Hơn nữa, có một số nhà phê bình đã ngạc nhiên trước sự quen thuộc dễ dàng và lối viết phóng khoáng của ngài về các bộ phận sinh dục, cực khoái và sự lưu loát về gợi tình. Họ tự hỏi liệu trách nhiệm tiết dục tình dục của ngài trong tư cách một linh mục có thể tin cậy được không? Trước tác của ngài không có vẻ giống như một người cam kết sống độc thân.

Nhưng có lẽ điều lo lắng thực sự không phải là Đức Hồng Y Fernández có thể đã có quá nhiều kinh nghiệm tình dục, mà là ngài có quá ít kinh nghiệm tình dục Kitô giáo? Nếu trải nghiệm của ngài về Chúa Ba Ngôi thuộc loại bản thân và thân mật hơn, ngài hẳn biết từ kinh nghiệm của chính mình rằng vẻ đẹp choáng ngợp mà sự tuôn đổ tinh tế của Chúa Thánh Thần truyền tải trong những khoảnh khắc ân sủng thỉnh thoảng đến như vậy, thuộc một bản chất rất khác với tuyệt đỉnh cực khoái.

Sự mất cân bằng về trải nghiệm giữa thể gợi tình cảm giác và thể thần khí thánh hóa là một điều bất lợi cho một người giữ chức vụ cao trọng của mình và các trách nhiệm thần học đầy đòi hỏi là lãnh đạo Bộ Giáo Ly Đức Tin. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Công Giáo tin rằng việc ngài được thăng chức lên chức vụ hiện tại ở Vatican có động cơ chính trị sâu sắc hơn là thần học.

Giờ đây, định hướng chuyên môn của ngài đã được chứng minh là nằm ở nơi khác, ngài nên cân nhắc việc từ chức.
 
Phải chăng HY Fernández là tính toán sai lầm của Đức Thánh Cha Phanxicô?
J.B. Đặng Minh An dịch
06:28 14/01/2024


Edward Condon là người đồng sáng lập và là chủ biên của The Pillar có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Pope Francis' Fernández miscalculation”, nghĩa là “Phải chăng Fernández là tính toán sai lầm của Đức Thánh Cha Phanxicô?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Tổng Giám Mục Fernández đã đảm nhận vai trò hiện nay chỉ mới vài tháng, vào tháng 9 vừa qua. Việc lựa chọn của Đức Giáo Hoàng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin bắt đầu bằng việc gạt ra ngoài một nửa nhiệm vụ của Bộ này. Đức Giáo Hoàng miễn cho vị tân tổng trưởng khỏi bất kỳ vai trò nào trong việc giải quyết các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Một số người nói không phải là miễn nhưng đã loại trừ ngài Fernández khỏi phần vụ đó.

Kể từ đó, Hồng Y Fernández đã phải đối phó với những câu hỏi lặp đi lặp lại về sự phù hợp của ngài với vai trò này vì các bài viết trước đây của ngài, cũng như việc triển khai Tuyên ngôn gây nhiều tranh cãi về phước lành cho các cặp đôi đồng giới hoặc các mối quan hệ không bình thường.

Những tin đồn về việc Hồng Y nộp đơn xin từ chức với Đức Thánh Cha Phanxicô gần như chắc chắn đã bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, điều rõ ràng là ngài Fernández đã trở thành cột thu lôi cho những lời chỉ trích và tranh cãi, thu hút sự chú ý thường không được chào đón đối với một cơ quan vốn có vị thế thấp hơn dưới thời giáo hoàng hiện tại.

Đồng thời, nhiều nhà phê bình mạnh mẽ nhất và những người bảo vệ quyết liệt nhất chia sẻ đánh giá chung rằng Hồng Y Fernández đang làm những gì Đức Phanxicô dự định với vai trò này – cụ thể là đẩy lùi các ranh giới và dẫn đầu một nỗ lực táo bạo, thậm chí triệt để nhằm đưa tầm nhìn mục vụ của Đức Giáo hoàng vào giáo huấn của Giáo hội.

Nhưng đó có phải là điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn khi bổ nhiệm Tổng Giám Mục Fernández vào vai trò này không?

Không nhất thiết, theo một số người làm việc ở Vatican và trong quỹ đạo của giáo hoàng.

Thật vậy, như một số người đã nói, Hồng Y Fernández hoàn toàn không phải là người được Đức Giáo Hoàng ưa thích cho công việc này và việc bổ nhiệm ngài là một canh bạc mà một số người cho rằng dường như không mang lại kết quả.

Khi Tổng Giám mục Fernández được công bố là tổng trưởng mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào mùa hè năm ngoái, nhiều nhà bình luận ở Vatican đã ca ngợi sự lựa chọn này là một sự lựa chọn táo bạo và ở một khía cạnh nào đó là lựa chọn rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một người Á Căn Đình, một người bạn và cộng tác viên lâu năm của Đức Phanxicô, “Tucho,” như ngài được bạn bè biết đến, dường như là người phù hợp tự nhiên để củng cố cuộc cải tổ giáo triều của Đức Thánh Cha tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, sau khi ban hành tông hiến Praedicate evangelium vào năm 2022.

Và với tư cách là người đằng sau hậu trường viết một số văn bản được nhắc đến nhiều nhất của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả những đoạn gây tranh cãi nhất trong Amoris laetitia, một số người theo dõi thường xuyên các diễn biến Giáo hội đã tự tin tuyên bố rằng Hồng Y Fernández luôn ở trong tâm trí Đức Giáo Hoàng, với tư cách là người chuyển đổi Bộ Giáo Lý Đức Tin từ cơ quan giám sát tính chính thống của đạo lý Công Giáo thành một tổ chức tư vấn mục vụ nhằm đưa ra các tư duy tiến bộ.

Nhưng cảm giác cho rằng việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục Fernández là không thể tránh khỏi đã bỏ qua những dự đoán kiên quyết trước đó rằng vai trò này sẽ được đảm nhận bởi những người khác.

Vào tháng 12 năm 2022, tin đồn ở Vatican đã rộ lên rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã sẵn sàng bổ nhiệm Giám mục người Đức Heimer Wilmer để lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Theo một mô hình đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, các blog của Vatican đã tung ra tin tức về kế hoạch này, rồi kế hoạch đó vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ một số khu vực, trước khi được những người ủng hộ trung thành của Đức Giáo Hoàng bảo vệ, chỉ để sau đó không bao giờ thành hiện thực.

Trong khoảng thời gian đó, việc bổ nhiệm được cho là đang chờ giải quyết của Giám Mục Wilmer đã được báo cáo rộng rãi và với đủ tin cậy rằng các Hồng Y cao cấp, bao gồm cả Hồng Y tổng trưởng đương nhiệm lúc bấy giờ là Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, được cho là đã nêu ra quan ngại với cá nhân Đức Giáo Hoàng, theo các nguồn tin của Vatican.

Sau sự kiện Đức Cha Wilmer không được bổ nhiệm, một số người theo dõi Vatican tuyên bố rằng phản ứng dữ dội từ đông đảo những vị trong Hồng Y đoàn đã khiến Đức Phanxicô từ bỏ quyết định của mình; những người khác lập luận rằng Đức Cha Wilmer chưa bao giờ là một ứng cử viên nặng ký cho công việc này, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã khéo léo sử dụng tên của vị Giám Mục để thu hút hỏa lực và khiến cho sở thích thực sự cuối cùng của ngài dành cho Tổng Giám Mục Fernández có vẻ ít gây tranh cãi hơn.

Không thể đọc được tâm trí của Đức Giáo Hoàng, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết Đức Cha Wilmer đã tiến gần đến mức nào để trở thành sự lựa chọn thực sự của Đức Giáo Hoàng trong vai trò lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Nhưng ý kiến cho rằng việc đề cử Đức Cha Wilmer được đưa ra để dọn đường cho Đức Cha Fernández dường như không hợp lý - Đức Phanxicô không phải là một giáo hoàng quan tâm nhiều đến việc làm thay đổi cái gọi là quan điểm bảo thủ một khi ngài đã quyết định.

Tuy nhiên, một số nhân vật cao cấp nắm rõ quá trình bổ nhiệm đã nói với The Pillar rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự cởi mở với ý tưởng bổ nhiệm Đức Cha Wilmer và bị thuyết phục chống lại ý tưởng này bởi sức nặng của những phản hồi tiêu cực mà ngài nhận được.

Một quan chức cao cấp của giáo triều thân cận với Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết: “Đức Giáo Hoàng không muốn gây ra tranh cãi về bất kỳ sự bổ nhiệm nào”. “Ngài có tầm nhìn về cách ngài mong muốn thấy Bộ hoạt động, nhưng nó không liên quan đến việc tạo ra xung đột”.

Nguồn tin tương tự nói với The Pillar rằng Đức Phanxicô lo ngại khi thấy phong cách và tầm nhìn của mình về việc chăm sóc mục vụ “được đón nhận” như thế nào trong toàn Giáo hội, nhưng mục tiêu này sẽ được phục vụ tốt nhất thông qua cách trình bày “nhạy cảm” để không tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.

Với suy nghĩ đó, các nguồn tin nói với The Pillar, trong khi Tổng Giám Mục Fernández là một ứng cử viên rõ ràng vì ngài phù hợp với suy nghĩ và các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài không phải là sự lựa chọn đầu tiên hoặc duy nhất của Đức Phanxicô cho chức vụ tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Và điều đó, khác xa với việc gây tranh cãi, Đức Giáo Hoàng thực sự thích một người có thể đóng vai trò là lực lượng vững chắc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin.

“Trên thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị thuyết phục rằng người phù hợp cho vai trò này là Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark,” một nguồn tin cao cấp tại Phủ Quốc vụ khanh nói với The Pillar.

Viên chức biết rõ sở thích của Đức Giáo Hoàng nói rằng Đức Hồng Y Tobin được ưa thích hơn vì ngài có thành tích là một giám mục, người có thể nói về các vấn đề mục vụ nhạy cảm trong khi tránh xa sự chia rẽ phe phái của các giám mục – ví dụ như sự tranh cãi công khai và đôi khi gay gắt của USCCB liên quan đến “sự mạch lạc Thánh Thể”, là điều mà Hồng Y Tobin phần lớn vẫn tránh né.

Tuy nhiên, quan chức cao cấp cho biết, cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không bổ nhiệm Hồng Y Tobin vào Bộ Giáo Lý Đức Tin vì ngài muốn giữ Đức Hồng Y làm nhân vật cao cấp ở Hoa Kỳ.

“Đức Giáo Hoàng nói 'Đó phải là Hồng Y Tobin, tôi biết là vậy.' Nhưng nói thêm rằng ngài 'cần' vị Hồng Y ở Mỹ.

Nguồn tin tương tự cho biết việc Hồng Y Tobin tiếp tục lên tiếng trong hội đồng giám mục Hoa Kỳ là một điều đáng cân nhắc, nhưng Đức Giáo Hoàng chủ yếu quan tâm đến việc Đức Hồng Y có sẵn sàng chuyển đến Tổng giáo phận Washington trong thời gian trung hạn hay không. Tổng giám mục hiện tại ở thủ đô nước Mỹ, Đức Hồng Y Wilton Gregory, năm nay đã 76 tuổi.

“Tổng Giám Mục Fernández không phải là ưu tiên của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài đã chọn vì không có Hồng Y Tobin, ngài có thể làm việc tốt với Tổng Giám Mục Fernández, như hai vị đã làm, và các vấn đề khác có thể được giải quyết.”

Nguồn tin tương tự cũng chỉ ra việc đặt Tổng Giám Mục Fernández đứng ngoài các vụ án giáo sĩ lạm dụng tình dục của Bộ Giáo Lý Đức Tin là để đón đầu những lời chỉ trích về cách giải quyết các vụ việc của vị Tổng Giám Mục trong Tổng giáo phận La Plata.

“Đức Thánh Cha không muốn có sự lộn xộn liên quan đến các vụ lạm dụng, và ngài không muốn tạo ra những cáo buộc cho rằng mình gây ra tình trạng lộn xộn”.

Nhưng nếu việc lựa chọn Tổng Giám Mục Fernández lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin là một sự đánh cược có tính toán, dựa trên những lợi ích của việc ngài gần gũi với suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng trước những trách nhiệm tương lai, thì điều đó ngày càng có vẻ là một tính toán sai lầm.

Việc ban hành Tuyên ngôn Fiducia Supplicans trước Giáng Sinh đã gây ra sự chia rẽ ngay lập tức và trên toàn cầu giữa các Giám mục đoàn, với toàn bộ các hội đồng Giám Mục và thậm chí cả các châu lục dường như bác bỏ hoàn toàn các tiền đề thần học và việc áp dụng nó, trong khi những người khác ngay lập tức tìm cách áp dụng tài liệu này ngoài phạm vi những giới hạn đã nêu của chính nó.

Hồng Y Fernández buộc phải thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn giải thích chớp nhoáng để cố gắng xoa dịu cuộc tranh cãi, trước khi đưa ra một thông cáo báo chí dài năm trang nhằm đưa ra loại hướng dẫn diễn giải chi tiết về văn bản mà ngài đã nói trước đó sẽ không được đưa ra.

Ngay tại Rôma, Tuyên ngôn Fiducia Supplicans cũng đã gây ra nhiều vấn đề. Đức Hồng Y Arthur Roche, Bộ trưởng Bộ Phụng tự, được cho là đã phàn nàn rằng bộ của ngài không được hỏi ý kiến về văn bản, việc xuất bản hoặc cách áp dụng nó, và những ví dụ được báo cáo rộng rãi về các linh mục chúc lành cho các kết hiệp đồng tính đã khiến bộ phận của ngài phải đau đầu.

Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn đối với Hồng Y Fernández, khả năng kiểm soát dự án lớn đầu tiên của ngài càng bị cản trở hơn bởi việc phát hiện ra cuốn sách kinh khủng năm 1998 mà ngài viết khi còn là linh mục.

Cuốn “Niềm đam mê huyền bí”, một tuyển tập suy niệm đầy hình ảnh khiêu dâm về chủ đề tình dục và tâm linh, một lần nữa đã buộc Đức Hồng Y phải tách mình ra khỏi tác phẩm trước đây của mình, đồng thời tuyên bố công khai rằng bây giờ ngài sẽ không viết một điều như vậy và ngài đã không ủng hộ việc tái bản cuốn sách đó.

Ngoài những lời chỉ trích về chính nội dung, cuốn sách còn đặt ra những câu hỏi mới về sự phù hợp của Hồng Y Fernández với vai trò tổng trưởng, vì ở một số phần, tác giả đặt câu hỏi về việc các hành vi tình dục ngoài hôn nhân có phải là tội lỗi đáng trách hay không; và ở những phần khác lại thúc đẩy một cách có vấn đề việc tình dục hóa tâm linh.

Tuy nhiên, trong khi Hồng Y Fernández phải đối mặt với những trở ngại cá nhân đáng kể, mối quan tâm cấp bách hơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô có thể là những cuộc khủng hoảng liên tiếp của vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ có ý nghĩa gì đối với di sản của chính ngài.

Ở tuổi 87 của Đức Thánh Cha Phanxicô, mọi kỳ vọng hợp lý đều cho thấy ngài đang bước vào những năm cuối triều đại giáo hoàng của mình. Nếu mối quan tâm hàng đầu của ngài trong việc bổ nhiệm một tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là để củng cố tầm nhìn thần học của mình, bảo đảm rằng nó sẽ tồn tại lâu hơn thời gian ngài nắm quyền, thì Hồng Y Fernández có thể sẽ tạo ra những tác động ngược lại.

Hơn bất kỳ vị Giáo Hoàng nào khác, Đức Phanxicô đã đa dạng hóa Hồng Y đoàn, thích bổ nhiệm các vị Giám Mục từ những gì ngài gọi là “các vùng ngoại vi toàn cầu”. Tuy nhiên, trớ trêu thay, chính ở nhiều khu vực ngoại vi, đặc biệt là Phi Châu, sự phản đối đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans lại được bày tỏ gay gắt nhất, cùng với những lời chỉ trích Hồng Y Fernández.

Khác xa với việc vun đắp di sản của Đức Phanxicô, vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày càng nhiều tai tiếng này có thể sẽ tạo ra phản ứng dữ dội đối với di sản đó. Trong trường hợp này, vấn đề trở thành câu hỏi là Đức Phanxicô còn có thể sẵn lòng giữ một người bạn và cộng tác viên lâu năm ở vị trí này trong bao lâu nữa.


Source:Pillar
 
Hồng Y Fernández nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican đã biết về cuốn sách 'Niềm đam mê huyền bí' khiêu dâm của ngài
Đặng Tự Do
06:30 14/01/2024


Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Cardinal Fernández Says Pope Francis and the Vatican Were Aware of His Erotic ‘Mystical Passion’ Book”, nghĩa là “Đức Hồng Y Fernández nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican đã biết về cuốn sách 'Niềm đam mê huyền bí' khiêu dâm của ngài.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández đã nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Vatican đã biết về cuốn sách đầy hình ảnh tình dục năm 1998 của ngài kết nối các mối quan hệ tình dục với mối quan hệ thần bí với Thiên Chúa, và rằng ngài cho rằng tác phẩm này cũng như những “thứ cũ” khác sẽ được sử dụng để chống lại ngài.

Trong một cuộc phỏng vấn mới với hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha được công bố hôm thứ Sáu, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican cho biết ngài “thấy trước” những người chỉ trích ngài sẽ đưa ra ánh sáng cuốn sách Niềm đam mê huyền bí: Tâm linh và nhục cảm của ngài. Cuốn sách đã bị cấm bán ngay sau khi nó được xuất bản.

“Tôi biết rằng, giữa những vấn đề mang tính bút chiến, họ có thể sử dụng những thứ cũ như cuốn sách này; họ chỉ đang chờ đợi thời cơ thích hợp,” ngài nói. “Tôi đã thông báo với Đức Giáo Hoàng rằng điều này có thể xảy ra khi ngài đề xuất với tôi vị trí tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin lần thứ hai, điều này đã rõ ràng với ngài và ngài cũng biết về cuốn sách này.”

Tác phẩm đã nhận được sự chỉ trích rộng rãi sau khi xuất hiện trở lại trên một blog Công giáo truyền thống của Á Căn Đình có tên là “Caminante Wanderer” hôm thứ Hai, bao gồm một mô tả chi tiết về một cuộc gặp gỡ khiêu dâm tưởng tượng với Chúa Giêsu Kitô trên bờ biển Galilê, mà Đức Hồng Y Fernández cho biết là dựa trên một câu chuyện kinh nghiệm tâm linh được một cô gái 16 tuổi tiết lộ cho ngài.

“Nếu tôi hoặc bất kỳ linh mục nào viết bất cứ điều gì như thế này, chúng tôi có thể sẽ bị loại khỏi thừa tác vụ và bị gởi đến bệnh viện để đánh giá, và điều đó là đúng”, Đức ông Charles Pope, cha sở Giáo xứ Holy Comforter Cyprian ở Washington, DC, nói với Register ngày 8 Tháng Giêng. “Việc các linh mục hoặc tu sĩ thảo luận về những vấn đề như vậy là vi phạm sự thận trọng và các ranh giới thích hợp; nó hoàn toàn không phù hợp và có thể hiểu được là gây sốc cho các tín hữu.”

Nhà bình luận của EWTN, Cha Gerald Murray, nói với Register rằng đó là tác phẩm của “một linh mục bị khủng hoảng”, người có “một niềm đam mê vô hình với các chi tiết cụ thể của quan hệ tình dục” và là người cổ vũ “một nền linh đạo sai lầm và suy thoái đến mức đáng kinh tởm”.

Đức Hồng Y Fernández thừa nhận với EFE rằng ngài đã từng bị “tố cáo” vì cuốn sách “nhiều năm trước”, nhưng nói thêm, “tôi không bị xử phạt ở Rôma vì cuốn sách đó. Tôi đã bị điều tra tận mắt rồi.”

Trong những bình luận hồi đầu tuần này với Crux, Đức Hồng Y nói rằng tác phẩm 26 tuổi của ngài “có thể bị giải thích sai,” và vì thế ngài không nghĩ rằng việc phổ biến nó bây giờ là “một điều tốt” và rằng nó “trái ngược với quan điểm của tôi”.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Fernández đã tìm cách bảo vệ cuốn sách, nói rằng nó “đáng chú ý vì nó là kết quả nghiên cứu về cực khoái của nam và nữ mà tôi đã thực hiện với một nhóm các cặp vợ chồng”.

“Nhưng điều tương tự đã được thực hiện bởi hai người vĩ đại và khôn ngoan hơn tôi: Thánh Gioan Phaolô II và nữ tu viện trưởng và tiến sĩ của Giáo hội Hildegard ở Bingen”.

Ngài nói rằng ngài đã trích dẫn một phần kết luận nghiên cứu của Thánh Hildegard trong cuốn sách của chính mình “bởi vì điều quan trọng là phải đọc nó một cách chính xác: 'Khi xung lực tình dục xuất hiện ở một người đàn ông, có điều gì đó bắt đầu quay vào bên trong anh ta như một cái cối xay. […] Nhưng ở một người phụ nữ, khoái cảm giống như mặt trời, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và liên tục tắm rửa trái đất bằng hơi ấm của nó...'“

Ba năm trước khi viết “Niềm đam mê huyền bí”, Cha Fernández lúc bấy giờ đã viết một cuốn sách khác khiến nhiều người phải ngạc nhiên, cuốn sách hướng đến thanh thiếu niên có nhan đề “Chữa lành vết thương cho tôi bằng miệng: Nghệ thuật hôn”.

Những bài viết như vậy rõ ràng là mối quan tâm của Vatican. National Catholic Register đã xác nhận vào tháng 7 rằng, trong triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Hồng Y Fernández hiện đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin đã có một hồ sơ về những quan ngại thần học về các tác phẩm của ngài. Những lo ngại đó, xuất hiện vào khoảng năm 2010 sau một cuộc điều tra của Vatican, đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc Vatican chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm Cha Fernández làm hiệu trưởng Đại học Công giáo Á Căn Đình - sự chậm trễ này khiến Hồng Y Jorge Bergoglio, người đã bổ nhiệm ngài, thất vọng. Tuy nhiên, Rôma cuối cùng đã chính thức chấp thuận việc bổ nhiệm.

Là một tác giả có nhiều tác phẩm, Hồng Y Fernandez là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong triều đại giáo hoàng này. Lần đầu tiên ngài đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Đức Hồng Y Jorge Bergoglio soạn thảo tài liệu cuối cùng tại hội nghị Aparecida năm 2007. Tài liệu này đã cung cấp bối cảnh cho nhiều bài viết quan trọng của Đức Phanxicô trong 11 năm qua, và dẫn đến việc Đức Hồng Y Fernández soạn thảo văn bản quan trọng đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, là Niềm vui Tin Mừng.

Ngài cũng tham gia rất nhiều vào các Thượng hội đồng về Gia đình năm 2014 và 2015 và sau đó là người viết sau hậu trường Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu), là tông huấn gây tranh cãi năm 2016 của Đức Giáo Hoàng sau thượng hội đồng về gia đình. Vị linh mục người Á Căn Đình, người được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm tổng giám mục ngay sau khi được bầu vào năm 2013, cũng đã giúp soạn thảo thông điệp môi trường năm 2015 của Đức Giáo hoàng, là Laudato Si (Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta).


Source:National Catholic Register
 
100 ngày nhìn lại cuộc chiến ở Gaza: Gần gũi với những người đau khổ
Thanh Quảng sdb
16:18 14/01/2024
100 ngày nhìn lại cuộc chiến ở Gaza: Gần gũi với những người đau khổ

Trước cuộc chiến, ĐTC cùng với nhiều người đã lên tiếng: Chúng tôi không trung lập. Chúng tôi đứng về phía những người Palestine đã chết dưới đống đổ nát ở giải Gaza, trong đó có 10.000 trẻ em. Chúng tôi đứng về phía những người dân vô tội bị giết ở kibbutzim vào ngày 7 tháng 10 và các con tin Israel. Chúng tôi ủng hộ với niềm xác tín hoàn toàn: phe của các nạn nhân và những người đau khổ.

(Tin Vatican - Andrea Tornielli)

Nhớ về thời gian đã trôi qua kể từ khi bi kịch xảy ra là điều vô cùng đau buồn. Nhớ lại bi kịch vẫn đang tiếp diễn thật là khủng khiếp.

Kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023, 136 đàn ông, phụ nữ và trẻ em vẫn bị Hamas bắt làm con tin trong các đường hầm ở Gaza! Không có tin gì về họ hoặc tình trạng của họ.

Hôm nay, chúng tôi trình bầy một câu chuyện rất cảm động về bà Rachel Goldberg Polin, dù đau đớn nhưng bà vẫn dạt dào yêu thương. Về một chàng trai Hersh, 23 tuổi con của bà, không có tin gì được biết kể từ buổi sáng bi thảm đó, ngoại trừ việc biết, có lẽ cậu đã bị mất một cánh tay.

Chúng tôi gần gũi với bà Rachel, không chỉ vì nỗi đau đáng trân trọng của bà mà đặc biệt vì những gì bà nói và viết. Vì sự can đảm của bà với ý thức rằng ở bên kia chiến tuyến cũng có những người mẹ đau khổ như bà. Và nhiều người khóc cho những đứa con đã chết của họ.

Giọng nói dũng cảm của bà, trong bối cảnh mà sự tức giận và thù hận đang xục xôi, vì khổ đau đơn độc. Nhưng bà đã không nhìn hoàn cảnh như vậy.

Chỉ khi nhìn nhận nỗi đau của người khác, cũng như của chính mình, sự hòa giải và tha thứ mới có thể đâm bông kết trái.

Lời của bà Rachel cũng là tâm tình của chúng tôi. Đó là những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, người mời gọi chúng ta đến với những cảnh ngộ tương tự, với “tâm tình gần gũi cảm thông”. Gần gũi với những người đau khổ, những người đã chết, những người không còn gì cả!

Sự gần gũi với nỗi đau của cả hai bên của cuộc chiến thường được hiểu là sự bình đẳng... Chúng tôi không trung lập trong cuộc chiến này! Chúng tôi đứng về phía những người đau khổ, thường dân vô tội!

Chúng tôi đứng về phía 22.000 người chết dưới đống đổ nát ở Gaza, 10.000 trẻ em bị thiệt mạng và những con tim còn bị giam giữ!

Chúng tôi đứng về phía những người dân vô tội bị giết hại dã man ở kibbutzim vào ngày 7 tháng 10.

Trướn những hy sinh của từng sinh mạng là một vết thương không thể chữa lành. Rachel đã thấu hiểu rất rõ điều này. Và chúng tôi cũng vậy.
 
Hồng Y Fernández sắp tung ra một tài liệu quan trọng khác
Đặng Tự Do
18:48 14/01/2024


Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Vatican’s Doctrinal Office Preparing ‘Very Important Document on Human Dignity,’ Cardinal Fernández Says”, nghĩa là “Hồng Y l Fernández cho biết Bộ Giáo Lý Đức Tin đang chuẩn bị ‘Tài liệu rất quan trọng về phẩm giá con người’”.

Nhà lãnh đạo cơ quan tín lý của Vatican đã tiết lộ rằng thánh bộ của ngài đang viết “một tài liệu rất quan trọng về phẩm giá con người” trong đó có “một lời chỉ trích mạnh mẽ” về các xu hướng vô đạo đức trong xã hội đương đại.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, nói với hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE hôm thứ Sáu rằng tài liệu mới sẽ bao gồm “không chỉ các vấn đề xã hội mà còn cả sự chỉ trích mạnh mẽ các vấn đề đạo đức như phẫu thuật chuyển đổi giới tính, mang thai hộ và ý thức hệ giới tính.”

Tin tức này xuất hiện vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng phản đối việc mang thai hộ, gọi việc làm này là “tồi tệ” và ủng hộ lệnh cấm toàn cầu. Đức Phanxicô cũng thường chỉ trích ý thức hệ giới tính, gọi nó là “nguy hiểm” và “một trong những ý thức hệ thực dân nguy hiểm nhất” làm mờ đi sự khác biệt và giá trị của nam giới và phụ nữ.

Vào tháng 11 năm 2022, Đức Hồng Y người Hà Lan Willem Eijk, một cựu bác sĩ, đã kêu gọi ban hành một thông điệp của Giáo hoàng để chống lại nhân học sai lầm ở trung tâm của ý thức hệ giới tính. Ngài nói trong một cuộc phỏng vấn: “Ý thức hệ giới tính đang được thúc đẩy trong tất cả các loại tổ chức và chúng ta với tư cách là một Giáo hội chưa nói nhiều về điều đó”.

Đức Hồng Y Fernández, người đã bị chỉ trích vì một loạt tài liệu gây tranh cãi kể từ khi ngài đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 9, cho biết văn bản sắp tới sẽ cho phép “hầu hết những người quan tâm” đến công việc của ngài “được thoải mái.”

Kể từ khi kế nhiệm Đức Hồng Y Luis Ladaria làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chỉ bốn tháng trước, Hồng Y Fernandez đã có một khởi đầu đầy biến động trong nhiệm kỳ của mình, với các phản ứng ngoại thường.

Ngài đã đưa ra câu trả lời cho hai loạt dubia, một từ năm Hồng Y với năm câu hỏi nhằm tìm kiếm sự làm rõ về Thượng hội đồng tháng 10 về Tính đồng nghị. Các Hồng Y đánh giá rằng câu trả lời chưa đầy đủ nên đã gửi lại những thắc mắc mới nhưng vẫn chưa được trả lời.

Bản dubia thứ hai, của Đức Hồng Y Dominik Duka, liên quan đến việc rước lễ của những người đã ly hôn sống trong một cuộc hôn nhân mới. Người tiền nhiệm trước đó của Hồng Y Fernández với tư cách là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Gerhard Müller, đã chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của Đức Hồng Y Fernández, bày tỏ sự ngạc nhiên rằng Đức Hồng Y Fernández đã chỉ ra rằng những cặp vợ chồng như vậy nên tự quyết định xem họ có nên Rước lễ hay không.

Đức Hồng Y Fernández cũng đã đưa ra bốn câu trả lời cho các câu hỏi về giáo lý, tất cả đều gây tranh cãi, ngoại trừ một trong số đó.

Vấn đề đầu tiên liên quan đến việc tham gia vào các bí tích rửa tội và hôn nhân của người chuyển giới và người đồng tính luyến ái; vấn đề thứ hai tái khẳng định lệnh cấm của Giáo hội đối với Hội Tam điểm và sự không thể hòa giải của nó với đức tin Công giáo; thứ ba là về việc bảo quản tro cốt sau khi hỏa táng; và điều thứ tư liên quan đến việc tiếp cận Bí tích Thánh Thể cho các bà mẹ đơn thân.

Cuối cùng, vào ngày 18 tháng 12, Đức Hồng Y Fernández đã ban hành tuyên bố Fiducia Supplicans về việc chúc phúc cho các cặp đồng giới và những người tham gia vào các kết hợp bất hợp pháp. Sau khi nó bị từ chối thẳng thừng hoặc đưa ra đánh giá tiêu cực bởi một số lượng đáng kể các Hồng Y, giám mục và hội đồng giám mục, Đức Hồng Y Fernández đã xuất bản một tài liệu tiếp theo nhằm giúp làm sáng tỏ tuyên bố.

Trong cuộc phỏng vấn với EFE, Đức Hồng Y Fernández cho biết hiện tại ngài không thấy trước những tài liệu gây tranh cãi như vậy: “Tôi phải nói rằng tôi không nghĩ mình sẽ được đưa tin trong tương lai gần bởi vì trong thánh bộ, chúng tôi không thấy trước những chủ đề này có thể gây tranh cãi rất nhiều, giống như những điều vừa qua.”


Source:National Catholic Register
 
Đức Hồng Y Parolin nhận định ‘Fiducia Supplicans’ đã ‘chạm đến một điểm rất nhạy cảm’
Đặng Tự Do
18:50 14/01/2024


Ký giả Matthew Santucci của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Cardinal Parolin: ‘Fiducia Supplicans’ Has ‘Touched a Very Sensitive Point’”

Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Vatican, đã bình luận về các phản ứng trái ngược đối với tài liệu Fiducia Supplicans, trong bối cảnh có phản ứng dữ dội từ các hội đồng giám mục.

“Tài liệu này đã gây ra những phản ứng rất mạnh mẽ; điều này có nghĩa là một điểm rất tế nhị, rất nhạy cảm đã bị chạm vào; sẽ phải điều tra thêm,” Đức Hồng Y Parolin cho biết hôm thứ Sáu, trong một hội nghị được tổ chức tại Accademia dei Lincei ở Rôma.

Đức Hồng Y nói tiếp rằng “nếu những men này phục vụ cho việc bước đi theo Tin Mừng, đưa ra câu trả lời cho ngày hôm nay, thì những men ấy đáng được hoan nghênh”, đồng thời nhắc lại rằng “Giáo hội cởi mở và chú ý đến các dấu chỉ của thời đại nhưng phải hãy trung thành với Tin Mừng.”

Khi một nhà báo Ý hỏi trong câu hỏi tiếp theo liệu tài liệu có phải là sai sót hay không, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican trả lời cộc lốc: “Tôi không tham gia vào những tranh cãi này; các phản ứng cho chúng tôi biết rằng nó đã chạm đến một điểm rất nhạy cảm.”

Tài liệu ngày 18 tháng 12 của Bộ Giáo lý Đức tin đã cho phép các linh mục ban phép lành ngoài phụng vụ cho các cặp vợ chồng trong các tình huống “bất thường”, bao gồm cả các cặp đồng giới, lưu ý rằng “tài liệu này mang lại một đóng góp đặc thù và sáng tạo vào ý nghĩa mục vụ của các phép lành, cho phép mở rộng và làm phong phú thêm sự hiểu biết cổ điển về các phép lành.”

“Những gì đã được nói trong Tuyên ngôn này về phúc lành cho các cặp đồng tính là đủ để hướng dẫn sự phân định khôn ngoan và mang tính phụ tử của các thừa tác viên được thụ phong về vấn đề này. Do đó, ngoài hướng dẫn được cung cấp ở trên, không nên mong đợi thêm câu trả lời nào về những cách khả thi để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tế liên quan đến các phước lành thuộc loại này,” Hồng Y Víctor Manuel Fernández, nhà lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin, viết trên Fiducia Supplicans.

Tuy nhiên, sau phản ứng dữ dội lan rộng từ các hội đồng giám mục ở Phi Châu và Đông Âu, cũng như những lời tố cáo mạnh mẽ từ một số vị giám mục cao cấp của Giáo hội, Đức Hồng Y Fernández đã đưa ra một thông cáo báo chí dài năm trang vào ngày 4 Tháng Giêng để làm rõ về tài liệu, đồng thời viết rằng việc áp dụng nó sẽ phụ thuộc “vào bối cảnh địa phương và sự phân định của mỗi giám mục bản quyền với giáo phận của mình”.

“Ở một số nơi, không có khó khăn gì khi áp dụng ngay lập tức, trong khi ở những nơi khác, không cần thiết phải giới thiệu chúng, trong khi vẫn dành thời gian cần thiết để đọc và giải thích,” Đức Hồng Y Fernández nói tiếp trong bức thư.

Một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất cho đến nay đến từ Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, tổng giám mục Kinshasa và chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar (SECAM).

Trong lá thư ngày 11 Tháng Giêng, Đức Hồng Y Besungu nhấn mạnh rằng các giám mục Phi Châu “đã tái khẳng định mạnh mẽ sự hiệp thông của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô,” nhưng lưu ý rằng Fiducia Supplicans đã gây ra “một làn sóng chấn động” và đã “gieo rắc những quan niệm sai lầm và tình trạng bất ổn trong tâm trí của nhiều giáo dân, những người thánh hiến, và thậm chí cả các mục tử, và đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ”.

Trong bài phát biểu trước các giáo sĩ ở Rôma vào ngày 13 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đưa ra những nhận xét rõ ràng về tài liệu này, nói rằng “điều khoản về phép lành cho các cặp đồng tính liên quan đến con người chứ không phải các kết hiệp. Kết hiệp LGBT thì không, con người thì. Chúng ta chúc phúc cho mọi người chứ không phải tội lỗi.”

Tuy nhiên, nhận xét của Đức Thánh Cha lại cho thấy rằng Tuyên ngôn Fiducia Supplicans là hoàn toàn không cần thiết. Từ xưa đến nay, tất cả mọi người đều có thể xin các linh mục chúc lành cho họ, bất kể tình trạng của họ ra sao.

Cha. Thomas G. Weinandy, Giáo sư tiến sĩ và là học giả hàng đầu của Dòng Anh Em Hèn Mọn nhận định rằng Tuyên ngôn Fiducia Supplicans nói rõ đây là việc ban phép lành cho một “cặp”. Hai cá nhân không phải là một “cặp”. Cặp là hai cá nhân cộng với quan hệ của họ. Hai người không có quan hệ không thể gọi là một cặp. Cho nên, nói chúc lành cho một cặp mà không hề chúc lành cho quan hệ của họ, không gây ấn tượng rằng Giáo Hội công nhận hoạt động tình dục của họ là một trò đánh đố. Tất cả những người có mặt trong những buổi lễ như vậy đều biết chắc chắn rằng những mối quan hệ như vậy có bản chất tình dục. Không ai bị lừa cả. Thật ra, họ vui mừng vì mối quan hệ tình dục như vậy đang được ban phước. Đó là ý nghĩa của những phước lành này. Không phải việc kiêng quan hệ tình dục của họ được ban phước, mà chính là sự đam mê tình dục của họ được chúc lành.


Source:National Catholic Register
 
Linh mục Alabama bị hoàn tục sau cuộc hôn nhân dân sự với cô gái 18 tuổi
Đặng Tự Do
18:52 14/01/2024


Một cựu linh mục ở Alabama đã chính thức bị khai trừ sau khi từ bỏ nhiệm vụ và kết hôn với một cô gái 18 tuổi, Tổng Giáo phận Mobile cho biết như trên khi công bố sắc lệnh của Vatican.

Alex Crow ban đầu bị đình chỉ mục vụ vào tháng 7 sau khi vị linh mục từ bỏ nhiệm vụ của mình trong tổng giáo phận và rời khỏi đất nước cùng một phụ nữ một tháng sau khi cô ấy tròn 18 tuổi.

Tổng giáo phận đã yêu cầu chính quyền dân sự điều tra vụ việc và văn phòng luật sư quận Mobile không tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái hình sự của Crow. Được biết, cả hai đã ký giấy ghi danh kết hôn có công chứng vào ngày 17/11.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, tổng giáo phận cho biết họ đã “nhận được thông báo rằng việc hoàn tục Alex Crow đã hoàn tất và có hiệu lực ngay lập tức”.

“Ông Crow từng phục vụ với tư cách là linh mục trong tổng giáo phận nhưng không còn là thành viên của hàng giáo phẩm nữa, điều này đã được xác nhận trong một lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô,” tuyên bố cho biết. Tổng giáo phận lưu ý rằng Crow đã tự mình khởi xướng quá trình này.

Trong tuyên bố, Đức Tổng Giám mục Thomas Rodi đã bày tỏ “lòng biết ơn” đối với Đức Thánh Cha Phanxicô về sắc lệnh, “Tôi cầu nguyện rằng quyết định này là một cách nữa mà tất cả chúng ta có thể hướng tới hòa bình sau những biến cố đầy những sự kiện đáng lo ngại.”

Đức Cha Rodi nói thêm: “Tôi tiếp tục cầu nguyện xin ơn Chúa mang lại sự chữa lành cho tất cả mọi người”.

Mặc dù không có quyền lực nào trên trái đất có thể xóa bỏ dấu ấn bí tích của việc truyền chức linh mục, nhưng việc tục hóa sẽ tước bỏ tư cách giáo sĩ đối với đương sự.

Khi một người mất tư cách giáo sĩ, người đó không còn quyền thi hành thừa tác vụ thánh trong Giáo hội, ngoại trừ trong tình huống cực đoan là gặp phải một người đang có nguy cơ tử vong ngay lập tức.

Hơn nữa, một người đã mất tư cách giáo sĩ không còn có quyền giáo luật để được Giáo hội hỗ trợ tài chính.

Trong nhiều trường hợp, một người đàn ông bị hoàn tục cũng được miễn khỏi nghĩa vụ độc thân và được phép kết hôn - nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt là khi một người nào đó đã vô tình bị loại khỏi hàng giáo sĩ.

Tổng giáo phận trong tuyên bố của mình không tiết lộ rõ ràng liệu Crow có được miễn nghĩa vụ độc thân hay không, mặc dù họ nói rằng với quyết định của Đức Giáo Hoàng, ông không còn “bất kỳ đặc quyền hay trách nhiệm nào của chức linh mục”.

“Quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô là quyết định cuối cùng. Không có kháng cáo,” tổng giáo phận nói.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14/1/2024
Đặng Tự Do
21:52 14/01/2024


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14 Tháng Giêng,, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật vui vẻ!

Hôm nay Tin Mừng trình bày cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên (x. Ga 1,35-42). Cảnh tượng này mời gọi chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta đều đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu, khi còn là một đứa trẻ, một thanh niên, một người trẻ, một người trưởng thành… Tôi gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên khi nào? Hãy cố gắng nhớ lại điều này một chút. Và sau suy nghĩ này, ký ức này, hãy đổi mới niềm vui được theo Chúa và tự hỏi – đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là làm môn đệ của Chúa Giêsu – làm môn đệ Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Theo bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra ba từ: tìm kiếm Chúa Giêsu, ở lại với Chúa Giêsu và loan báo Chúa Giêsu. Tìm kiếm, ở lại, và tuyên xưng.

Trước hết là tìm kiếm. Hai môn đệ, nhờ chứng tá của Gioan Tẩy Giả, bắt đầu đi theo Chúa Giêsu; Ngài “thấy họ đi theo thì hỏi: ‘Các anh tìm gì?’” (c. 38). Đó là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với họ: trước hết, Ngài mời gọi họ nhìn vào nội tâm, tự vấn về những ước muốn mà họ mang trong lòng. “Bạn đang tìm kiếm điều gì?”. Chúa không muốn tạo ra những người chiêu dụ tín đồ, Ngài không muốn thu hút những người theo Ngài cách hời hợt; Chúa muốn những người tự vấn và để mình được thử thách bởi Lời Ngài. Vì vậy, muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, trước hết cần phải tìm kiếm Ngài, cần phải tìm kiếm Ngài, sau đó phải có một tâm hồn rộng mở, tìm kiếm chứ không phải một tâm hồn mãn nguyện hay tự mãn.

Các môn đệ đầu tiên tìm kiếm điều gì qua động từ thứ hai: ở lại? Họ không tìm kiếm tin tức hay thông tin về Thiên Chúa, hay những dấu hiệu hay phép lạ, nhưng họ mong muốn được gặp Chúa Giêsu, gặp Đấng Messia, trò chuyện với Ngài, ở lại với Ngài, lắng nghe Ngài. Câu hỏi đầu tiên họ hỏi là gì? “Thầy đang ở đâu?” (câu 38). Và Chúa Kitô mời gọi họ ở lại với Người: “Hãy đến mà xem” (c. 39). Ở lại với Ngài, ở lại với Ngài: đây là điều quan trọng nhất đối với người môn đệ Chúa. Tóm lại, đức tin không phải là một lý thuyết, không; đó là một cuộc gặp gỡ - đó là một cuộc gặp gỡ. Đó là đi xem Chúa ở đâu và ở với Ngài. Gặp gỡ Chúa và ở lại với Ngài.

Tìm kiếm, ở lại và cuối cùng là tuyên bố. Các môn đệ tìm kiếm Chúa Giêsu, sau đó họ đi với Người và ở lại với Người suốt buổi tối. Và bây giờ, là tuyên xưng. Sau đó, họ quay lại và tuyên xưg. Tìm kiếm, ở lại, tuyên xưng. Tôi có tìm kiếm Chúa Giêsu không? Tôi có ở lại với Chúa Giêsu không? Tôi có can đảm rao giảng Chúa Giêsu không? Cuộc gặp gỡ đầu tiên của các môn đệ với Chúa Giêsu là một trải nghiệm mạnh mẽ đến nỗi hai môn đệ luôn nhớ về thời gian: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (c. 39). Điều này cho chúng ta thấy sức mạnh của cuộc gặp gỡ đó. Và tâm hồn họ tràn ngập niềm vui đến nỗi ngay lập tức họ cảm thấy cần phải truyền đạt món quà họ đã nhận được. Quả thực, một trong hai người, Thánh Anrê, vội vàng chia sẻ điều đó với em trai mình.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta cũng hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa. Mỗi người chúng ta đều có cuộc gặp gỡ đầu tiên, trong gia đình hay bên ngoài… Tôi đã gặp Chúa khi nào? Chúa đã chạm đến lòng tôi khi nào? Và chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có còn là môn đệ, say mê Chúa, chúng ta có tìm kiếm Chúa, hay chúng ta chỉ ổn định trong một đức tin được hình thành bởi những thói quen? Chúng ta có ở lại với Ngài trong lời cầu nguyện không, chúng ta có biết cách giữ im lặng với Ngài không? Tôi có biết cách cầu nguyện với Chúa, giữ im lặng với Ngài không? Và rồi chúng ta có cảm thấy ước muốn chia sẻ, công bố vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa không?

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, ban cho chúng ta lòng khao khát tìm kiếm Ngài, ước muốn ở lại với Ngài và ước muốn loan báo Ngài.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tiếp tục

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt tôi xin chào các thành viên của Hermandad Sacramental de Nuestra Señora de los Remedios từ Villarrasa, Tây Ban Nha.

Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ lở đất ở Colombia, nơi đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Và chúng ta đừng quên những người đang phải chịu sự tàn khốc của chiến tranh ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Ukraine, Palestine và Israel. Đầu năm trao nhau lời chúc hòa bình nhưng vũ khí vẫn tiếp tục giết chóc, hủy diệt. Chúng ta hãy cầu nguyện để những người có quyền lực đối với những cuộc xung đột này suy ngẫm về thực tế rằng chiến tranh không phải là cách giải quyết vấn đề, bởi vì nó gieo rắc cái chết cho dân thường và phá hủy các thành phố cũng như cơ sở hạ tầng. Nói cách khác, ngày nay chiến tranh tự nó đã là một tội ác chống lại loài người. Chúng ta đừng quên điều này: chiến tranh tự nó là một tội ác chống lại loài người. Người dân cần hòa bình! Thế giới cần hòa bình! Cách đây vài phút, tôi đã nghe trong chương trình “A Sua Immagine”, Cha Faltas, đại diện Hạt Dòng Thánh Địa ở Giêrusalem: ngài nói về việc giáo dục vì hòa bình. Chúng ta phải giáo dục vì hòa bình. Chúng ta có thể thấy rằng chúng ta - toàn thể nhân loại - chưa được giáo dục đủ để ngăn chặn mọi chiến tranh. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện để có được ân sủng này: giáo dục hòa bình.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
 
Giám mục Álvarez được trả tự do ở Nicaragua, bị đày qua Vatican
Vũ Văn An
22:41 14/01/2024

Edgar Beltrán, trên Tạp chí The Pillar, trong bản tin ngày 15 tháng 1, 2024, tường trình rằng sau gần 18 tháng ngồi tù, Đức Giám Mục Rolando Álvarez đã được trả tự do.



Chế độ của nhà độc tài Nicaragua Daniel Ortega, vào hôm Chúa nhật, đã trả tự do cho Giám mục Rolando José Álvarez của Matagalpa đang bị cầm tù, và trục xuất vị giáo phẩm này khỏi đất nước.

Álvarez đến Thành phố Vatican vào ngày 14 tháng 1, ngay sau khi được thả.

Vị giám mục đã bị kết án 26 năm tù và là tù nhân chính trị ở Nicaragua kể từ tháng 8 năm 2022, cùng với 18 linh mục và chủng sinh khác đã bị cầm tù vào tháng 12 năm 2023.

Trong số các giáo sĩ bị lưu đày cùng với Đức Cha Álvarez có Giám mục Isidoro Mora, thuộc Giáo phận Siuna, cùng với 14 linh mục và hai chủng sinh cũng đang bị giam giữ như tù nhân chính trị.

Vì nhóm linh mục và chủng sinh đó đã bị giam giữ ở Nicaragua vào tháng trước, nên người ta biết rất ít về nơi ở của họ cũng như những cáo buộc chống lại họ; một số linh mục bị giam giữ đã trên 65 tuổi hoặc có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Nicaragua đã lập luận rằng các giáo sĩ đã bị bắt giữ như một phần trong nỗ lực phối hợp của chế độ Nicaragua nhằm gây áp lực buộc Vatican phải trao cho chính phủ quyền giám sát chính thức về việc bổ nhiệm các giám mục.

Một tuyên bố từ chế độ đưa ra hôm Chúa nhật xác nhận việc trục xuất các giáo sĩ, nói rằng việc thả họ được đảm bảo thông qua ngoại giao. Tuyên bố giải thích rằng “các thỏa thuận với Tòa thánh đã đảm bảo việc gửi và tiếp nhận các giám mục, linh mục và chủng sinh tại Vatican”.

Bản văn nói, “Tổng thống nước Cộng hòa, Chính phủ Hòa giải và Thống nhất Quốc gia và nhân dân Nicaragua, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đức Thánh Cha Phanxicô; và Phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh; gửi tới [vị bô trưởng của nó], Đức Hồng Y Pietro Parolin, và nhóm làm việc của ngài, vì sự phối hợp rất tôn trọng và kín đáo được thực hiện để thực hiện chuyến đi đến Vatican của hai giám mục, 15 linh mục và hai chủng sinh”.

Danh sách những người lưu vong do Giám mục Álvarez đứng đầu, người bị chế độ độc tài Ortega giam giữ từ tháng 8 năm 2022 và bị kết án 26 năm tù vào tháng 2 năm 2023. Bất chấp những nỗ lực đưa ngài đi lưu vong, Đức Cha Álvarez ban đầu bác bỏ khả thể này trong những tháng đầu tiên bị giam cầm.

Vào tháng 12, The Pillar đưa tin rằng vị giám mục sẵn sàng bị lưu đày khỏi đất nước trong bối cảnh có nhiều báo cáo về sức khỏe của ngài không tốt, nhưng khi một nhóm linh mục và tù nhân chính trị bị trục xuất sang Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 2022, Đức Cha Álvarez đã không tham gia cùng họ vì các các điều kiện đặt ra cho khả thể trả tự do cho ngài chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng cho ngài và ngài được yêu cầu ký vào một tờ giấy trắng có thể được dùng làm lời thú tội.

Chế độ Ortega, vào hôm Chúa nhật, cũng trục xuất một giám mục khác đang bị cầm tù, Giám mục Isidoro Mora của Giáo phận Siuna, người đã bị giam giữ sau khi nhắc đến Álvarez trong bài giảng vào ngày 19 tháng 12.

“Tôi muốn bày tỏ lời chào mừng của Hội đồng Giám mục [Nicaragua]. Chúng tôi luôn hiệp nhất cầu nguyện cho Giáo phận Matagalpa thân yêu này, cầu nguyện cho Đức Cha Rolando, cầu nguyện cho cuộc hành trình của mỗi người trong các bạn” Mora nói trong bài giảng ngày 19 tháng 12, nhân kỷ niệm 99 năm thành lập Giáo phận Matagalpa, nơi ngài là tổng đại diện cho đến năm 2021.

“Chúng ta hiệp nhất trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp thông, trong đức tin, trong tình yêu, trong sự dịu dàng.”

Đức Cha Mora bị bắt một ngày sau khi giảng bài giảng đó, cùng với hai chủng sinh, trên đường đi cử hành lễ thêm sức trong giáo phận của ngài.

Cùng với hai vị giám mục, danh sách các giáo sĩ bị trục xuất hôm Chúa nhật bao gồm hơn một chục linh mục, trong đó có Cha Óscar Escoto và Cha Jader Guido, người bị giam giữ một thời gian ngắn vào đêm Giáng sinh và được thả.

Các linh mục bị lưu đày, ngoài các Giám mục Álvarez và Mora, bao gồm:

• Đức ông Carlos Avilés, tổng đại diện Tổng giáo phận Managua.
• Đức ông Óscar Escoto Salgado, tổng đại diện Giáo phận Matagalpa.
• Cha Ismael Reineiro Serrano Gudiel, linh mục giáo xứ San Miguel Arcángel, và nhà trừ quỷ của Tổng giáo phận Managua.
• Đức ông Silvio Fonseca, cha xứ giáo xứ Santa Faz, và cha sở phụ trách gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên của Tổng Giáo phận Managua.
• Cha Pablo Villafranca, cha xứ giáo xứ Nuestra Señor de Veracruz ở Nindirí, thuộc Tổng giáo phận Managua.
• Cha Héctor Treminio, cha xứ giáo xứ Santo Cristo de Esquipulas thuộc Tổng giáo phận Managua.
• Đức ông Marcos Díaz Prado, mục tử nhà thờ Santo Tomás Apóstol của Puerto de Corinto, Giáo phận León
• Cha Mykel Monterrey, cha xứ giáo xứ Nuestra Señora de Candelaria thuộc Tổng giáo phận Managua
• Cha Raúl Zamora, cha xứ giáo xứ Jesús de la Divina Misericordia thuộc Tổng giáo phận Managua.
• Cha Gerardo José Rodríguez, cha sở giáo xứ Purísima Conception thuộc Tổng giáo phận Managua.
• Cha Miguel Mántica, cha xứ giáo xứ San Francisco de Asís thuộc Tổng giáo phận Managua.
• Cha Jhader Hernández, cha xứ của giáo xứ Mẹ Thiên Chúa ở Nejapa, thuộc Tổng giáo phận Managua.
• Cha Ismael Serrano, cha xứ giáo xứ San Miguel Arcángel thuộc Tổng giáo phận Managua.
• Cha José Gustavo Sandino Ochoa, cha xứ giáo xứ Nuestra Señora de los Dolores ở Santa María de Pantasma, Giáo phận Jinotega.
• Cha Jader Danilo Guido Acosta, cha xứ của Nhà thờ San Pedro Apóstol của Matagalpa.
• Cha Fernando Calero, chánh xứ Đức Mẹ Fátima tại giáo xứ Rancho Grande thuộc Giáo phận Matagalpa.
• Hai chủng sinh bị trục xuất là Lester de Jesús Sáenz Centeno và Tonny Daniel Palacio Sequeira.

Tin tức về các vụ trục xuất đã được xác nhận bởi Đức Giám Mục Silvio Báez, người đã đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ, Vatican và chế độ Nicaragua trong bài giảng ngày 14 tháng 1.

Đức Cha Báez nói hôm Chúa nhật, trước khi kết thúc bài giảng tại giáo xứ Santa Agatha ở Miami, “Theo thông tin mà tôi bắt đầu nhận được sáng nay cả từ Rome lẫn từ Washington và Managua… các giám mục, linh mục và chủng sinh được thả ra khỏi nhà tù đã bị bắt cóc một cách bất công vì họ vô tội, đã hạ cánh xuống sân bay Fiumicino ở Rome và đã được nghênh đó, cho Tòa Thánh”.

Vào chiều Chúa Nhật, các bức ảnh được công bố chụp Đức Giám Mục Rolando Álvarez và Giám mục Isidoro Mora đồng tế thánh lễ ở Rome, và một bức ảnh khác chụp các linh mục lưu vong được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tiếp đón.

Vụ trục xuất này là vụ trục xuất lớn thứ ba các linh mục Nicaragua khỏi đất nước của họ trong vòng chưa đầy một năm.

Vào tháng 2 năm 2023, bốn linh mục, một phó tế chuyển tiếp và hai chủng sinh đã bị trục xuất sang Hoa Kỳ.

Vào tháng 10 năm 2023, 12 linh mục đã bị trục xuất, và vào Chúa Nhật, 17 linh mục và 2 chủng sinh đã bị lưu đày.

Tổng cộng, khoảng 110 linh mục đã bị lưu đày khỏi Nicaragua kể từ năm 2018. Các linh mục khác đã trốn khỏi Nicaragua sau khi nhận được những lời đe dọa, và những linh mục khác vẫn bị từ chối nhập cảnh vào Nicaragua sau khi đi du lịch nước ngoài.

Con số chính xác các linh mục bị lưu đày vẫn chưa được biết; vì lý do an ninh, nhiều linh mục không công khai việc lưu vong của mình cho đến nhiều tháng sau khi họ rời Nicaragua.

Nhưng số linh mục lưu vong chiếm khoảng 15% giáo sĩ Công Giáo Nicaragua.

Các nguồn tin địa phương đã nói với The Pillar rằng tình hình ở giáo phận Matagalpa – nơi Álvarez làm giám mục – đặc biệt khó khăn. Giáo phận có 51 linh mục vào năm 2019 và ngày nay có khoảng 20 linh mục.

Ba giáo phận Nicaragua có các giám mục lưu vong – Jinotega, do Giám mục Mora lãnh đạo, cùng với Matagalpa và Esteli, cả hai đều do Giám mục Álvarez lãnh đạo.

Hiện tại, hai giáo phận Nicaragua được lãnh đạo bởi các giám mục đã qua tuổi nghỉ hưu – Bluefields và Jinotega – và Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua sẽ tròn 75 tuổi vào tháng 3, có nghĩa là 6 trong số 9 giáo phận Nicaragua sẽ rơi vào tình huống lãnh đạo bất thường.

Vì ngày càng có nhiều giáo sĩ Nicaragua dường như vẫn sẵn sàng tố cáo chế độ Ortega, nên năm 2024 có thể còn là một thách thức lớn hơn đối với Giáo hội ở Nicaragua.

Nếu Ortega cuối cùng không làm im lặng sự phản đối của giáo sĩ và đảm bảo các cuộc bổ nhiệm giám mục thuận lợi, thì chính trị gia này có thể sẽ tiếp tục trục xuất các linh mục và giám mục Nicaragua cho đến khi vết chân định chế của Giáo Hội Công Giáo giảm đi đáng kể ở Nicaragua - Ortega đã theo đuổi con đường tương tự với các trường đại học và các đảng phái chính trị ở Nicaragua.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thiên Chúa Tạo Dựng Trời Đất*
Đinh văn Tiến Hùng
15:25 14/01/2024

*Thiên Chúa Tạo Dựng Trời Đất*

*Tường thuật*

-Sự tạo dựng Ngày Thứ Nhất (Sáng Thế Ký 1:1-5)
Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất. "Trời" được xem là mọi vật bên ngoài trái đất, không gian bên ngoài. Trái đất được dựng nên nhưng không được hình thành theo bất cứ cách cụ thể nào, mặc dù có sự hiện diện của nước. Và Đức Chúa Trời phán có sự sáng thì có sư sáng. Sau đó Ngài phân ánh sáng ra khỏi vùng tối và đặt tên cho ánh sáng là "ngày" và vùng tối là "đêm". Sự tạo dựng này xảy ra từ buổi tối đến sáng — đó là một ngày.

-Sự tạo dựng Ngày Thứ Hai (Sáng Thế Ký 1:6-8)
Đức Chúa Trời làm nên bầu trời. Bầu trời tạo thành một rào chắn giữa nước trên bề mặt và độ ẩm trong không khí. Vào thời điểm này trái đất đã có bầu khí quyển. Công việc tạo dựng này xảy ra trong một ngày.

-Sự tạo dựng Ngày Thứ Ba (Sáng Thế Ký 1:9-13)
Đức Chúa Trời làm nên đất khô. Các đại lục và những đảo ở phiá trên mặt nước. Những vùng nước lớn được đặt tên là "biển" và mặt đất được gọi là "đất". Đức Chúa Trời nhìn thấy điều đó là tốt lành.

Đức Chúa Trời tạo nên mọi sự sống thực vật cả lớn lẫn nhỏ. Ngài tạo nên sự sống này để nó có khả năng sinh sôi nảy nở. Các loại cây này được tạo ra với sự đa dạng tuyệt vời (nhiều "loại"). Trái đất màu xanh lá cây và tràn ngập sự sống thực vật. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Công việc tạo dừng này mất một ngày.

-Sự tạo dựng Ngày Thứ Tư (Sáng Thế Ký 1:14-19)
Đức Chúa Trời làm nên các vì sao và các thiên thể. Sự chuyển động của chúng sẽ giúp cho con người theo dõi thời gian. Hai thiên thể vĩ đại được tạo dựng liên quan đến trái đất. Thứ nhất là mặt trời là nguồn chính của ánh sáng và mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Sự chuyển động của những thiên thể này sẽ phân biệt ngày và đêm. Đức Chúa Trời cũng nhìn thấy công việc này là tốt lành. Công việc tạo dựng này mất một ngày.

-Sự tạo dựng Ngày Thứ Năm (Sáng Thế Ký 1:20-23)
Đức Chúa Trời tạo dựng nên mọi sự sống sống trong nước. Mọi sự sống của bất kỳ loại nào sống trong nước đều được tạo dựng tại thời điểm này. Đức Chúa Trời cũng làm nên các loài chim. Từ ngữ cũng diễn giải ra rằng thời gian này Đức Chúa Trời làm nên các loài côn trùng bay (hoặc, nếu không, chúng đã được tạo nên trong ngày thứ sáu). Tất cả các sinh vật này được tạo ra với khả năng duy trì các loài của chúng bằng cách sinh sản. Những sinh vật được tạo ra vào Ngày Thứ Năm là những sinh vật đầu tiên được Đức Chúa Trời chúc phước. Đức Chúa Trời nhìn thấy đây là sự tốt lành và nó xảy ra trong một ngày.

-Sự tạo dựng Ngày Thứ Sáu (Sáng Thế Ký 1:24-31)
Đức Chúa Trời làm nên tất cả các sinh vật sống trên đất khô. Điều này bao gồm mọi loài sinh vật không bao gồm trong những ngày trước và con người. Đức Chúa Trời nhìn thấy công việc này là tốt lành. Sau đó, Đức Chúa Trời bàn bạc với chính Ngài, "Đức Chúa Trời phán rằng: "Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta"(Sáng thế ký 1:26). Đây không phải là sự mặc khải rõ ràng về Ba Ngôi nhưng là một phần của nền tảng cho những điều như vậy, khi Đức Chúa Trời bày tỏ một "chúng ta" trong Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời tạo dựng con người và con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (cả nam lẫn nữ đều có hình ảnh này) và nó đặc biệt trên hết tất cả các sinh vật khác. Để nhấn mạnh điều này, Đức Chúa Trời trao cho con người thẩm quyền trên đất và trên tất cả các sinh vật khác. Đức Chúa Trời ban phước cho con người và ra lệnh cho chúng phải sinh sản, đầy dẫy trên đất và chinh phục nó (đưa nó ở dưới sự quản trị hợp pháp của con người với sự ủy quyền của Đức Chúa Trời). Đức Chúa Trời phán rằng con người và tất cả các sinh vật khác chỉ ăn thực vật. Đức Chúa Trời sẽ không hủy bỏ chế độ ăn kiêng này cho đến Sáng thế ký 9:3-4.

Sự tạo dựng của Đức Chúa Trời đã được hoàn tất vào cuối ngày Thứ Sáu. Toàn bộ vũ trụ với mọi vật trong đó tuyệt đẹp và sự hoàn hảo của nó đã được tao dựng hoàn chỉnh trong sáu ngày theo nghĩa đen, được thực hiện liên tục 24 giờ mỗi ngày. Khi sự tạo dựng của Ngài đã hoàn tất, Đức Chúa Trời thấy các việc đã làm thật là tốt lành.

-Sự tạo dựng Ngày Thứ Bảy (Sáng Thế Ký 2:1-3)
Đức Chúa Trời nghỉ ngơi. Điều này không phải là cách cho thấy Ngài đã mệt mỏi từ những nỗ lực tạo dựng của mình, nhưng nó chứng tỏ rằng công việc tạo dựng đã hoàn tất. Hơn nữa, Đức Chúa Trời đang thiết lập một khuôn mẫu lấy một ngày trong bảy ngày để nghỉ ngơi. Việc giữ ngày này sẽ là một đặc điểm phân biệt của những người được Chúa chọn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).

* Bài học Chúa Sáng Thế *

Thiên Chúa tạo dựng Trời Đất từ hư vô không có ánh sáng, không có ngày đêm, mông lung hồng hoang…Nhưng do quyền năng tuyệt vời Chúa đã tạo nên mọi vật từ vòm trời bao phủ. Ban ngày mặt trời rực rỡ tỏa sáng dương gian. Ban đêm muôn vàn tinh tú lấp lánh soi đường cho hành trình vượt biển.
Thực vật và động vật sinh sôi nảy nở là nguồn sống cho con người. Hoa lá muôn màu mở rộng tâm hồn để vui sống.

Đặc biệt con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và làm chủ muôn vật để làm vinh danh Thiên Chúa. Nhưng tổ tiên con người kiêu ngạo bất tuân lệnh Chúa, nghe lời dụ dỗ của quỉ Sa-tan đội lốt hinh con rắn, ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng. Từ đó A-dam và E-và biệt mình trần truồng phạm tôi đã bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng- nơi Thiên Đàng hạ giới.

Con người bắt đầu sống cuộc đời lam lũ cực khổ mới có miếng ăn. Con cháu thù ghét nhau như Ca-in giết em là A-ben. Rồi bao tai ương hoạn nạn giáng xuống nhân loại : Lụt Đại Hồng Thủy thời No-en- Xây Tháp Ba-bel ngôn ngữ bất đồng ly tán- Dân Ít-ra-el bị lưu đầy bên Ai Cập, và 40 năm lang thang cực khổ tìm về Đất Hứa- Hàng triệu con dân Việt Nam không thể sống chung với CS cũng phải tha phương cầu thực- Hai Đại Chiến Thế Giới I và II cướp đi cả trăm triệu sinh mạng. Chiến tranh vẫn còn đang tiếp nối giữa Nga và Ukcraine.
Những tai ương hoạn nạn có phải do Thiên Chúa tạo ra hay do lòng cao ngạo bá quyền của con người? Câu hỏi tự ta phải trả lời !

+ Suy niệm

Ngày nay trước đà văn minh khoa học cao độ, con người có thể sáng chế những trái bom siêu vi trùng có sức tàn phá hơn nhiều lần 2 trái bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima và Nagashaki, Nhật bản năm 1945- Hiện thời ta đã thấy qua dịch Covid 19 do mông bá quyền Trung Cộng đã gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới mà dư chấn vẫn con âm ỷ trong mấy năm qua chưa chấm dứt.

Lạy Chúa chiến tranh tàn phá nơi nơi đang hủy hoại công trình tạo dựng huy hoàng của Chúa. Chúa đã Giáng Trần để cứu vớt tội lỗi thế trần và giúp con người xây dựng lại đời sống tốt đẹp như Ý Chúa.

Nhưng được bao tiếng gọi bảo tồn Hòa bình vang vọng khắp nơi, phải giữ gìn ngôi nhà chung thế giới như bài ca vạn vật của Thánh Phan-xi-cô?

+ Bài ca vạn vật +

Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà trí thức bi quan với Thánh Phanxicô thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường cất lên bài ca vạn vật:
“Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết”.

Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của căm tức thì đúng hơn. Không còn kìm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí thức bi quan trút bỏ trên Thánh Phanxicô tất cả những sôi sục của ông mà ông cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với Thánh nhân như sau: “Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng. Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?

Người anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi núi rừng cây cỏ và con người không?

Người anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên tai?

Nghe tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó là chân lý mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.

Nhưng điều Ta muốn nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: “Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn”. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gắng nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.

++Lạy Chúa xin cho chúng con có niềm tin mạnh mẽ như Thánh Nhân để giữ gìn Trái Đất luôn tươi đẹp như Thánh Ý Chúa khi tạo dựng Trời Đất và muôn loài-

+ Hồng Ân Chúa Giáng Trần +
-Thiên Chúa tạo dựng đất trời tươi đẹp,
Đêm tới ngày vũ trụ luôn vần xoay,
Ánh mặt trời gieo nguồn sống từng ngày,
Vòm trời đêm lung linh muôn tinh tú.

Động vật cỏ cây hoa lá phong phú,
Dựng con người cho làm chủ muôn loài,
Nhưng Adam – Evà không tuân lời Ngài,
Nghe Sa-tan vướng vào vòng tội lỗi.

-Để loài người biểt ăn năn thống hối,
Chúa hạ sinh nơi hang đá khó nghèo,
Truyền Phúc Âm cho mọi người tuân theo,
Được phục sinh trong niềm tin chân thật.

Nay Chúa đến đất trời được đổi mới,
Đem tin yêu dâng khúc nhạc reo ca,
Đón nhận hồng ân nhân loại an hòa.
Chúa xuống thế muôn loài bừng sức sống.

( Cảm nghiệm Mùa Giáng Sinh 2023 )
ĐVTH


*Bài đọc thêm : DẤU CHỈ HÒA BÌNH

Một trong những biểu tượng sống động nhất trên thế giới là khát vọng hòa bình của con người, có lẽ là bảo tàng viện và đài kỷ niệm những nạn nhân đầu tiên của bom hạt nhân tại thành phố Hiroshima bên Nhật Bản...

Bước vào tháng 8, kỷ niệm bom nguyên tử được dội xuống Hiroshima, hàng trăm ngàn người Nhật Bản đã tập trung trước đài kỷ niệm tại thành phố này để tưởng niệm những người đã chết. Từ 4 giờ sáng, chuông các chùa chiền và giáo đường trên toàn quốc đổ hồi để nhắc nhở người Nhật về biến cố đau thương này.

Hiroshima tưởng niệm những người quá cố, nhưng nó không là biểu trưng của hận thù, trái lại, trong những giây phút mặc niệm trước những nạn nhân của bom hạt nhân, tất cả mọi người Nhật đều được mời gọi để tha thứ và xây dựng hòa bình.

Ông Akihiro Takahashi, một nạn nhân còn sống sót của biến cố, nay đã được bầu làm giám đốc của bảo tàng viện hòa bình Hiroshima và đồng thời điều khiển tổ chức văn hóa phụng sự hòa bình của thành phố, đã nói lên tâm tình của ông như sau:
"Tôi đã không bao giờ quên ngày đó... Qua bao nhiêu năm, tôi đã thù ghét chế độ quân phiệt của Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi là đứa bé khỏe mạnh, ngày nay tôi đã trở thành một người bệnh hoạn... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi đã gặp gỡ với rất nhiều người có tín ngưỡng, nhất là các bạn trẻ. Họ đã mời gọi tôi tha thứ... Qua những cuộc gặp gỡ này, tôi đã lướt thắng được hận thù. Tôi cũng đã nói chuyện với viên trung úy phi công ném bom và tôi đã có thể nói với ông rằng tôi không kết án ông nữa".

Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy có lẽ chỉ có giá trị đối với sự thù hận. Người chết không còn hận thù nhau nữạ Dù có căm thù sâu sắc đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa địa, những người chết sẽ không bao giờ thấy một cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn vũ khí, không còn hận thù nhau nữẫ. có lẽ đó là thế giới của nghĩa trang. Nơi đó chính là nơi an nghỉ khỏi mọi thù hận.

Cái chết, dù độc ác đến đâu, cũng trở thành đấu chỉ của hòa bình... Ðó là điều mà chúng ta có thể xác quyết khi nhìn ngắm cái chết của Ðức Kitô trên thập giá. Ngài chết để lôi kéo mọi người đến với Ngàị Và để thực hiện điều đó, trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, Ngài đã tha thứ ngay cho những kẻ đang hành hạ Ngài.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người quá cố đó có thể là những người thân của chúng ta, họ cũng có thể là những người chúng ta chưa hề quen biết, nhưng nhất là những người đã từng là kẻ thù của chúng tẫ. Tâm tình của người Kitô chúng ta trước hết phải là tâm tình tha thứ của Chúa Giêsữ. Cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và hòa bình. Cái chết của những người Nhật Bản tại Hiroshima đã trở thành một lời kêu gọi xây dựng hòa bình và tha thứ... Cái chết của những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng niệm trong suốt tháng 11 này cũng phải là một âm vang của chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá: Xin Cha tha cho chúng.
( Memaria )

Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp
 
VietCatholic TV
Mỹ tấn công Houthi, niềm vui của Nga vụt tắt. Tướng Budanov cảnh cáo Putin. M2 Bradley hạ gục T-90
VietCatholic Media
02:45 14/01/2024


1. Xe thiết giáp M2 Bradley của Ukraine hạ gục xe tăng T-90 của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Avdiivka Drone Video Shows Ukraine's M2 Bradleys Take Out Russian T-90 Tank”, nghĩa là “Video từ máy bay không người lái trên Avdiivka cho thấy xe thiết giáp M2 Bradley của Ukraine hạ gục xe tăng T-90 của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cảnh quay chiến trường đầy kịch tính được cho là thể hiện cuộc đối đầu giữa quân đội Ukraine trên xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley do Mỹ cung cấp và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M tiên tiến của Nga.

Đoạn phim quay bằng máy bay không người lái đã lan truyền rộng rãi về cuộc đối đầu tầm gần giữa Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine và xe tăng Nga gần Stepove phía bắc Avdiivka. Đây là tỉnh Donetsk nơi Nga phát động cuộc tấn công vào tháng 10.

Xe thiết giáp Bradley là một phần trong gói quân sự dành cho Ukraine được chính quyền Tổng thống Biden công bố vào năm 2023. Bradley có một khẩu pháo 25 ly mạnh mẽ, được nhà sản xuất BAE Systems ca ngợi vì “khả năng sống sót, tính cơ động và khả năng sát thương vượt trội”.

Kênh Telegram War Archive cho biết vụ việc xảy ra vào thứ Năm và tính đến sáng thứ Bảy, đoạn video đã được xem 780.000 lần. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga vào thứ Bảy để bình luận.

Truyền thông Nga đã mệnh danh T-90M, còn được gọi là Proryv-3, là “phương tiện bọc thép tiên tiến nhất” trong số các xe tăng của nước này. Nó có động cơ mạnh hơn, tháp pháo nâng cấp và nâng cao khả năng sống sót cho xe tăng T-72 được cả hai bên sử dụng.

Một phiên bản tăng tốc của đoạn phim được đăng bởi tài khoản Special Kherson Cat thân Ukraine X, cho thấy chiếc Bradley ở phía trước đang tiến và rút lui trong khi bắn vào xe tăng Nga đang ở giữa một thị trấn.

Bài đăng cho biết thêm: “Ở cuối video, có thể thấy rằng chiếc xe tăng đã bị hư hại đáng kể do tổ lái không thể kiểm soát vòng quay của tháp pháo”.

Xe Bradley đang tạo ra sự khác biệt đáng kể cho lực lượng Ukraine trên chiến trường. Như chỉ huy Ukraine với biệt hiệu Kach trước đây đã nói với Newsweek, binh lính Nga “sợ” tiến hành các chiến dịch nếu họ biết họ phải đối mặt với một chiếc Bradley.

Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, nói với Reuters rằng lực lượng của ông cần thêm máy bay tấn công, bao gồm máy bay phản lực hỗ trợ bộ binh và máy bay bắn hỏa tiễn tầm xa. Ông nói thêm rằng các chiến binh A-10 và trực thăng tấn công do Mỹ sản xuất như Apache có thể tạo ra sự khác biệt.

Ukraine đã thúc đẩy các đồng minh của mình cung cấp F-16 và các máy bay tiên tiến khác. Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ đã đồng ý cung cấp máy bay F-16 của riêng họ, mặc dù chúng chưa đến.

Qua đêm thứ Sáu, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công hàng loạt nhằm vào các khu vực trên khắp Ukraine sử dụng vũ khí bao gồm cả hỏa tiễn siêu thanh. Theo chính quyền địa phương và lực lượng không quân Ukraine, các vụ nổ đã được báo cáo ở tỉnh Chernihiv và hỏa tiễn bị bắn rơi ở các tỉnh Poltava và Dnipropetrovsk. Newsweek vẫn chưa xác minh các báo cáo này.

Hôm thứ Sáu, các lực lượng Nga đã pháo kích vùng Sumy 260 lần, bắn vào 12 cộng đồng, Cơ quan Quản lý Quân sự khu vực cho biết.

Trong khi đó, quân đội Nga đã đạt được những bước tiến nhỏ về phía đông bắc Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk, cũng như ở các khu vực Zaporizhzhia và Kherson, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Hoa Kỳ.

2. Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố Pháp và Ukraine 'tăng cường' hợp tác quốc phòng

Pháp và Ukraine đã đồng ý “tăng quy mô” hợp tác quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine cho biết sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Dmytro Kuleba và Stéphane Séjourné đã thảo luận các chủ đề bao gồm việc Ukraine hội nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO cũng như thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

“Nga hy vọng Ukraine và những người ủng hộ nước này sẽ mệt mỏi trước họ. Chúng tôi sẽ không trở nên yếu đi”, Séjourné nói trong cuộc họp báo ở Kyiv.

Séjourné nói thêm rằng ông sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề pháp lý song phương và Liên Hiệp Âu Châu để giúp các công ty Pháp thiết lập thêm cơ sở sản xuất quân sự ở Ukraine. Ông không nói những vấn đề pháp lý này là gì.

Ông cũng khuyến khích các công ty của Pháp, như vận tải, năng lượng, viễn thông và nước, đầu tư vào Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp cho biết cá nhân ông tin rằng cần có thêm hỗ trợ quân sự và các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ sẽ tiếp tục trong những tuần tới.

3. Putin nhận được cảnh báo về Crimea từ Giám đốc tình báo Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Gets Warning About Crimea From Ukraine's Spy Chief”, nghĩa là “Putin nhận được cảnh báo về Crimea từ Giám đốc tình báo Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nói với một tờ báo Pháp trong một câu chuyện đăng hôm thứ Năm rằng các cuộc tấn công của đất nước ông vào Crimea năm ngoái “chỉ là sự khởi đầu”.

Nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là GUR, đưa ra nhận xét này với Le Monde trong cuộc thảo luận về cuộc chiến do Putin phát động nhằm vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần tuyên bố rằng một trong những mục tiêu mong muốn của ông trong cuộc chiến là chứng kiến đất nước của ông giành lại quyền kiểm soát Crimea, nơi đã bị Nga xâm chiếm và sáp nhập vào năm 2014. Trong những tháng gần đây, Kyiv đã tiến hành nhiều cuộc tấn công cao cấp vào Nga. chức vụ ở Crimea. Một trong số đó đã chứng kiến cuộc tấn công thành công của Ukraine vào tháng trước nhằm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga tại cảng Feodosia ở Crimea, dẫn đến việc phá hủy tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk lớp Ropucha.

Theo Budanov, Putin có thể sẽ thấy nhiều cuộc tấn công hơn nữa vào Crimea trong năm nay.

Budanov nói với Le Monde: “Vào năm 2023, cuộc phản công đầu tiên của Ukraine đã diễn ra tại Crimea bị tạm xâm lược”. “Và điều này chỉ là khởi đầu.”

Giám đốc tình báo Ukraine cũng đề cập đến việc Mạc Tư Khoa đang thiết lập một căn cứ hải quân trên bờ Hắc Hải của Abkhazia, Georgia, sau các cuộc tấn công của Kyiv vào căn cứ hiện tại của hạm đội Nga ở thành phố cảng Sevastopol của Crimea.

Budanov nói: “Người Nga đã phải di chuyển mọi thứ một cách vội vàng về phía đông nam.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email vào tối thứ Sáu để bình luận.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc chiến, Budanov là một trong những quan chức Ukraine nổi bật nhất đã dự đoán chính xác Putin sẽ tấn công nhiều tháng trước khi chiến tranh bắt đầu. Sau đó, ông nhanh chóng nổi lên như một trong những quan chức quân sự nổi tiếng nhất ở Kyiv và thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về cuộc xung đột cho giới truyền thông.

Budanov kể lại với Le Monde rằng ông đã xem đồng hồ của mình vài giờ trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, hồi hộp chờ đợi xem liệu dự đoán của mình có thành hiện thực hay không.

“Tôi không muốn cuộc chiến này xảy ra nhưng tôi phải chịu trách nhiệm về loại thông tin này. Một sai lầm như vậy sẽ không thể chấp nhận được”, ông nói.

Trung tướng cũng mô tả tình trạng hiện tại của cuộc chiến, lưu ý rằng “việc sử dụng máy bay không người lái tấn công với cường độ cao đã khiến cả cuộc tấn công của Nga và Ukraine đều không thể thực hiện được”.

Budanov cũng đề cập đến một chủ đề khác được thảo luận nhiều trên các phương tiện truyền thông: Phương Tây mệt mỏi vì ủng hộ Kyiv.

Ông nói: “Những người ở nước ngoài nghĩ rằng họ đã 'chán' Ukraine sẽ phải quan tâm đến người Muscovite khi họ đến xâm lược lãnh thổ của họ.

4. Bộ Ngoại giao Nga nói Mạc Tư Khoa coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc

Mạc Tư Khoa tiếp tục coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga cho biết sau khi các cử tri bầu Ông Lại Thanh Đức của đảng cầm quyền chống Bắc Kinh lên làm Tổng thống.

Chiến thắng của Ông Lại, người giữ chức phó tổng thống từ năm 2020, đánh dấu sự tiếp tục của một chính phủ thúc đẩy một Đài Loan có chủ quyền và bản sắc dân tộc khác biệt với Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử cho biết đây là “chiến thắng của cộng đồng các nền dân chủ” trên toàn thế giới và cử tri Đài Loan đã chống lại thành công những nỗ lực từ “thế lực bên ngoài” nhằm tác động đến cuộc bầu cử – ám chỉ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lật đổ đảng của ông.

5. Quân đội Nga chứng kiến sự gia tăng binh lính đầu hàng quân Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Military Sees Surge in Soldiers Surrendering: Kyiv”, nghĩa là “Quân đội Nga chứng kiến sự gia tăng binh lính đầu hàng quân Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngày càng nhiều binh sĩ Nga được cho là đã đầu hàng hoặc đào ngũ khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài tới mốc hai năm.

Một phát ngôn viên của quân đội Ukraine tuyên bố rằng hơn 100 binh sĩ Nga đã đầu hàng gần thị trấn Avdiivka đang bị bao vây trong tháng qua do tinh thần sa sút và điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, theo một báo cáo được The Kyiv Post công bố hôm thứ Sáu.

Tại khu vực Kherson phía nam Ukraine, quân đội Ukraine được cho là đã bắn đạn pháo chứa truyền đơn kêu gọi đối tác Nga vẫy cờ trắng, khiến ít nhất một số chỉ huy quân sự Nga ra lệnh tìm kiếm và đốt hết các truyền đơn.

Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, đã chia sẻ một đoạn video lên Telegram hôm thứ Sáu với nội dung cho thấy một trong những binh sĩ Nga đã đầu hàng để trở thành tù nhân chiến tranh.

Tù nhân, được xác định là Trung sĩ Sergey Saranchin, đi đến kết luận rằng anh ta “đã bị bỏ rơi mà không có thức ăn, nơi trú ẩn và nước uống” sau khi bị gọi nhập ngũ đến chiến trường và nhanh chóng đầu hàng cùng với những người còn lại trong đơn vị của mình.

Syrskyi cho biết: “Anh ta tin rằng thà vào tù, cắt cỏ còn hơn là tham chiến lần nữa. “Tôi thực sự khuyên người Nga không nên vào Ukraine, vì người Nga không thể sống lâu trong chiến tranh. Tôi muốn hỏi Putin tại sao ông ấy lại muốn giết nhiều người Nga như vậy”.

Theo tờ The Kyiv Post, Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, tuyên bố trong một lần xuất hiện trên Espreso TV hồi đầu tuần rằng một trung đội đầy đủ gồm gần 40 binh sĩ Nga gần đây đã bỏ chạy khỏi chiến trường.

Shtupun cho biết quân đội đã quyết định “chạy trốn về phía Crimea”, bán đảo Ukraine mà Nga đã xâm lược kể từ khi sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014, trước khi bị chính quân đội của họ “săn lùng”.

Shtupun nói: “Gần 40 kẻ xâm lược đã rời bỏ chiến hào và cố gắng chạy trốn về phía Crimea trong khi vẫn được trang bị vũ khí”. “Tôi đang nói về cả một trung đội của quân đội Nga. Có báo cáo cho rằng họ đang bị săn lùng nhằm mang chúng trở lại.”

Trong khi các báo cáo về việc quân đội Nga đầu hàng vì mất tinh thần đã phần nào phổ biến trong suốt cuộc chiến, quân đội Mạc Tư Khoa giờ đây có thể ngày càng cảm thấy căng thẳng do chịu tổn thất nặng nề trong một cuộc xung đột kéo dài hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ ra rằng Kyiv sẽ không xem xét việc kết thúc chiến tranh mà không có chiến thắng, hoặc thậm chí tạm dừng các hành động thù địch, sau khi bác bỏ lệnh ngừng bắn với Nga trong cuộc họp báo ở Estonia hôm thứ Năm.

Zelenskiy nói: “Việc tạm dừng trên chiến trường Ukraine sẽ không có nghĩa là tạm dừng chiến tranh”. “Việc tạm dừng sẽ có lợi cho Nga. Nó có thể nghiền nát chúng tôi sau đó.”

6. Phản ứng của một tác giả Nga sau khi bị đưa vào danh sách đặc vụ nước ngoài

Sau khi Bộ tư pháp Nga chỉ định một trong những nhà văn hư cấu nổi tiếng nhất nước này là “đặc vụ nước ngoài” do ông phản đối cuộc chiến ở Ukraine, tác giả đã phản ứng lại trên mạng xã hội.

Bộ Tư pháp Nga đã chỉ định Grigori Chkhartishvili sinh ra ở Georgia, người viết dưới bút danh Boris Akunin, là một “đặc vụ nước ngoài” vào cuối ngày thứ Sáu, với lý do phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nó cũng cáo buộc ông phát tán thông tin sai lệch và tiêu cực về Nga và giúp quyên tiền cho quân đội Ukraine. Tác giả 67 tuổi sống ở Anh.

Nga đã đưa tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng Grigory Chkhartishvili – được biết đến với bút danh Boris Akunin – vào danh sách “những kẻ cực đoan và khủng bố” vì những lời chỉ trích của ông về cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine vào tháng 12.

Các nhà văn và nhân vật văn hóa khác từng lên tiếng phản đối cuộc chiến Ukraine cũng bị dán nhãn tương tự, và sách của Chkhartishvili đã bị cấm bán ở Nga sau khi chính quyền thêm ông vào danh sách 'khủng bố' vào tháng 12.

Chkhartishvili, người có sách từng là sách bán chạy nhất ở Nga và cởi mở về việc phản đối cuộc chiến Ukraine, đã nói đùa về việc chỉ định đặc vụ nước ngoài của mình trên mạng.

“Họ viết rằng hôm nay tôi đã bị tuyên bố là đặc vụ nước ngoài. Tôi, một kẻ khủng bố và cực đoan hả? Tôi cảm thấy như Bin Laden bị phạt vì đậu xe trái phép”, ông viết.

7. Ukraine còn quá ít hỏa tiễn để chống lại các cuộc không kích của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 14 Tháng Giêng, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết có 40 vụ không kích trong 24 giờqua, trong đó có 37 vụ là hỏa tiễn và 3 vụ là máy bay không người lái. Các lực lượng phòng không cho biết họ đã phá hủy 8 hỏa tiễn.

Cuộc tấn công bao gồm các loại vũ khí bao gồm hỏa tiễn hành trình, đạn đạo, phòng không cũng như máy bay không người lái.

Lực lượng này cho biết “hơn 20” thiết bị đã không tiếp cận được mục tiêu, trong khi phát ngôn nhân Yuri Ignat nói rằng “hoặc chúng rơi xuống đồng ruộng, chúng bị phát nổ trên không hoặc chúng bị ảnh hưởng bởi các phương tiện chiến tranh vô tuyến-điện tử của chúng tôi.”

Là một quốc gia láng giềng, Ba Lan đã nhanh chóng kích hoạt hệ thống phòng không của mình do mức độ đe dọa ngày càng gia tăng.

Các cuộc tấn công vào sáng thứ Bảy diễn ra sau khi phát ngôn nhân của lực lượng không quân cho biết hồi đầu tuần rằng Ukraine sắp hết hỏa tiễn phòng không. Lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ tỷ lệ hỏa tiễn trong các cuộc tấn công hàng loạt thấp hơn bình thường - nhưng vẫn chưa rõ liệu yếu tố này hay bất kỳ yếu tố nào khác có phải là lý do khiến tỷ lệ bắn hạ xuống thấp đến mức bất thường hay không.

8. Niềm vui của Mạc Tư Khoa trước cuộc tấn công vào Houthi đã vụt tắt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Moscow's Joy over Houthi Strikes Short-Lived as Russian Oil Tanker Targeted”, nghĩa là “Niềm vui của Mạc Tư Khoa trước cuộc tấn công của Houthi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi tàu chở dầu của Nga bị tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh đã khoe khoang rằng các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ đã giúp Nga rất nhiều, vì chúng chuyển sự chú ý của phương Tây khỏi cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, một trong những tàu chở dầu của đất nước ông đã vướng vào xung đột khi nó bị phiến quân Yemen bắn nhầm, cách thành phố cảng Aden của Yemen 90 hải lý về phía đông nam.

Sau nhiều tuần Houthi tấn công tàu bè ở Biển Đỏ mà nhóm này, được Iran hậu thuẫn, cho biết là để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Israel chống lại Hamas, Anh và Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu có liên quan đến nhóm Yemen.

Hôm thứ Bảy, Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào một địa điểm của Houthi ở Yemen; một chuyên gia nói với Newsweek rằng cuộc tấn công đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tehran và các đối tác trong khu vực.

Chính trị gia người Nga có tư tưởng diều hâu Aleksey Zhuravlyov nói với kênh 60 Minutes trên kênh Russia 1 rằng tình hình ở Biển Đỏ “hoàn toàn có lợi cho chúng ta” vì “mọi người đang quên mất Ukraine”.

Zhuravlyov, chủ tịch đảng chính trị Rodina, nghĩa là Quê hương, cho biết: “Hãy tiếp tục đi phương Tây”, và cho rằng sự giúp đỡ của phương Tây dành cho Ukraine trong cuộc chiến do Mạc Tư Khoa phát động đang giảm dần vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đỏ. “Các bạn đã sẵn sàng tiến hành một loạt cuộc chiến chưa?” Zhuravlyov nói thêm trong một đoạn clip được chia sẻ bởi Julia Davis, chuyên gia về các vấn đề liên quan đến Nga trên X

Tuy nhiên, bình luận của Zhuravlyov được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng phiến quân Houthi đã bắn một hỏa tiễn vào một tàu chở dầu của Nga. Reuters cho biết tàu này đang di chuyển cách thành phố cảng Aden của Yemen 90 hải lý về phía đông nam.

Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh cho biết đây là “tàu chở dầu thứ hai bị người Houthi bắn nhầm khi đang chở dầu của Nga”. Vụ việc có thể được thúc đẩy bởi thông tin công khai đã lỗi thời liên kết con tàu với Vương quốc Anh

Người Houthis đã thề sẽ đáp trả mạnh mẽ và hiệu quả trước các cuộc tấn công khi có dự đoán về những gì họ sẽ làm tiếp theo.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết tuần trước phiến quân Houthi đã tích lũy được một loạt vũ khí chống hạm rất đa dạng, bao gồm cả hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo.

Zev Faintuch, nhà phân tích tình báo cao cấp của công ty an ninh Global Guardian, nói với Newsweek: “Tôi không nghĩ chúng ta nên cho rằng hiện tại, các tàu của Mỹ và liên minh là hoàn toàn bất khả xâm phạm. Các thủy thủ Mỹ cho đến nay đã thực hiện một công việc đáng khen ngợi, nhưng ở một số thời điểm, vẫn xảy ra lỗi về con người và/hoặc kỹ thuật.”

IISS cho biết Iran là chìa khóa trong việc nâng cấp khả năng hỏa tiễn chống hạm của Houthi, đặt ra “những câu hỏi rộng hơn về chiến lược khu vực của Tehran”.

Nhà phân tích Trung Đông và cựu quan chức tình báo Israel Avi Melamed nói với Newsweek rằng, cho đến khi Mỹ tấn công lực lượng Houthi, các chiến lược gia của Iran đã cho rằng Washington và các đồng minh sẽ không chủ động sử dụng vũ lực đối với Tehran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Melamed cho biết trong bình luận gửi qua email rằng cuộc tấn công của Mỹ “đã chứng tỏ điều ngược lại là gửi một thông điệp mạnh mẽ không chỉ tới Tehran mà còn tới tất cả các đối tác của nước này”.

Melamed cho biết, lực lượng Houthi là một phần không thể thiếu trong chiến thuật sử dụng lực lượng ủy nhiệm của Tehran để thao túng Washington nhằm gây áp lực buộc Israel phải dừng cuộc chiến ở Gaza. Điều này đặc biệt đúng khi Hezbollah ở Li Băng không quan tâm đến việc lôi kéo Israel vào một cuộc chiến tranh toàn diện và lực lượng dân quân Iraq bị hạn chế trong những gì họ có thể làm để chống lại Israel hoặc Mỹ.

Melamed nói thêm: “Cho đến đêm qua, câu hỏi lớn đang vang dội khắp khu vực tập trung vào việc liệu Mỹ có bảo vệ lợi ích của mình một cách có ý nghĩa hay không”. “Ngày nay, câu hỏi đó tập trung vào Tehran.”

Bryan Clark, nhà lãnh đạo Trung tâm Khái niệm và Công nghệ Quốc phòng tại Viện Hudson, nói với Newsweek rằng các cuộc tấn công của Mỹ là cần thiết từ lâu. Điều này là “vì Hải quân Hoa Kỳ không thể tiếp tục bắn hạ máy bay không người lái và hỏa tiễn rẻ tiền bằng các hỏa tiễn đánh chặn trị giá hàng triệu đô la”.

“Thông thường, cách chiến đấu của Mỹ sẽ tìm cách loại bỏ các mối đe dọa hơn là tiếp tục thực hiện hành động phòng thủ”, Clark nói.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, bằng cách tấn công các địa điểm của Houthi, Mỹ sẽ tham gia nhiều hơn vào cuộc nội chiến đang diễn ra ở Yemen, nơi Ả Rập Saudi cũng đang tấn công các mục tiêu của Houthi. Clark nói thêm: “Ả Rập Saudi đã bị chỉ trích vì tấn công bừa bãi, điều mà các lực lượng Mỹ sẽ cần tránh bị chỉ trích tương tự”.

Các nhóm viện trợ đã bày tỏ lo ngại rằng sự leo thang ở Biển Đỏ có thể làm suy yếu thêm an ninh khu vực.

Jared Rowell, Giám đốc Ủy ban Cấp cứu Quốc tế (IRC) của Yemen, cho biết trong một tuyên bố với Newsweek rằng căng thẳng ở Biển Đỏ “đã ảnh hưởng đến việc cung cấp viện trợ thương mại và nhân đạo cho nước này, dẫn đến sự chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hóa cứu sinh và gia tăng các chuyến hàng cứu trợ”. chi phí thực phẩm và nhiên liệu.”

9. Nhà kho ở St Petersburg của Nga bốc cháy dữ dội

Một nhà kho ở St. Petersburg thuộc sở hữu của một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga đã bốc cháy, Reuters đưa tin Bộ tình huống khẩn cấp của Nga cho biết, khi lực lượng cứu hỏa chiến đấu với ngọn lửa lớn hôm thứ Bảy.

Chủ sở hữu, Wildberries, cho biết tất cả nhân viên của họ đã được di tản. Không ai được báo cáo là bị thương.

Hiện vẫn chưa rõ ngọn lửa bao phủ diện tích 50.000 mét vuông và được đánh giá là cấp 5, là cấp độ nghiêm trọng nhất, đã bắt đầu như thế nào.

Các quan chức cho biết gần 300 lính cứu hỏa, hàng chục xe cứu hỏa và cả trực thăng đang nỗ lực dập lửa.

Ở Nga, các vụ cháy thông thường là do tham ô rồi đốt phi tang.

10. Tổn thất nặng nề của Nga có thể làm mất đi cơ hội vàng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Heavy Losses Could Scupper Golden Opportunity”, nghĩa là “Tổn thất nặng nề của Nga có thể làm mất đi cơ hội vàng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng Nga có cơ hội tiến về phía tây trong những tuần tới, nhưng họ khó có thể tận dụng được cơ hội ngắn ngủi để giành thêm lãnh thổ từ Ukraine.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine đang trải qua một đợt thời tiết lạnh giá có thể kéo dài trong vài tuần. Điều kiện đóng băng sẽ làm mặt đất cứng lại và khiến việc di chuyển xuyên qua các vùng nông thôn trở nên dễ dàng hơn.

Mặt đất đóng băng giúp việc sử dụng xe tăng và xe thiết giáp trong hoạt động dễ dàng hơn nhiều so với điều kiện lầy lội và trời mưa. Mùa bùn lầy khét tiếng ở Ukraine, còn được gọi là mùa rasputitsa, đã nhiều lần khiến giao tranh trở nên phức tạp trong gần hai năm chiến tranh.

“Thời tiết lạnh giá không thực sự khiến bạn hạnh phúc hơn,” Thiếu tá Viktor Tregubov của Ukraine nói với Newsweek vào tháng 10 khi mùa mưa và bùn lầy bắt đầu vào mùa thu. “Nếu chúng ta nói về khả năng sẵn sàng chiến đấu, những cơn mưa mùa thu và cái lạnh mùa đông sẽ thay đổi mọi thứ và hạn chế khả năng tấn công của cả hai bên.”

Các chuyên gia nhận định, bất chấp những tiến bộ gần đây của Nga trong một số lĩnh vực ở tiền tuyến, Mạc Tư Khoa có thể sẽ không tận dụng được điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trước khi băng tan vào tháng 3.

Sau khi lực lượng Ukraine rút lui về sườn phía bắc của làng Marinka ở Donetsk, phía tây nam thị trấn Avdiivka đang bị bao vây, vào cuối tháng 12, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết việc chiếm được khu định cư này chỉ là một “lợi ích chiến thuật hạn chế đối với Nga. “

Mạc Tư Khoa sẽ chỉ có thể tận dụng lợi thế đạt được nếu “các lực lượng Nga đã cải thiện đáng kể khả năng tiến hành các cuộc di chuyển cơ giới hóa nhanh chóng về phía trước, điều mà họ chưa có dấu hiệu thực hiện được”, tổ chức nghiên cứu này cho biết.

Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho khoảng thời gian ngắn ngủi có điều kiện thời tiết mùa đông thuận lợi hơn hiện đang diễn ra trên khắp Ukraine. Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công phối hợp chống lại một Ukraine mệt mỏi, nhưng nước này thiếu nguồn lực để làm điều đó.

Theo Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, Nga có thể tấn công vào tiền tuyến của Ukraine và đã có một số tin đồn về các cuộc tấn công quy mô lớn đang diễn ra. Nhưng nếu họ tiến hành một loạt cuộc tấn công, Mạc Tư Khoa có thể hy vọng sẽ giảm bớt sự hỗ trợ mà Ukraine đang nhận được từ các nước ủng hộ phương Tây, ông nói với Newsweek.

Ed Arnold, nhà nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại Luân Đôn, cho biết thêm: Thông tin tình báo do Bộ Quốc phòng Anh công bố là chính xác, nhưng cả Nga và Ukraine đều đã “cạn kiệt tiềm năng cơ động tấn công” vào lúc này. Ông nói với Newsweek rằng khó có khả năng sẽ có nhiều chuyển động dọc chiến tuyến trong giai đoạn này, vì Mạc Tư Khoa và Kyiv đang tập trung vào việc tái thiết lực lượng của họ.

Những vấn đề đè nặng lên lực lượng Nga cũng sẽ đè nặng lên Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Năm cho biết tuyết rơi sẽ hạn chế khả năng cơ động của cả hai bên và thời gian ban ngày ít hơn đồng nghĩa với việc quân đội Ukraine và Nga cần dựa nhiều hơn vào thiết bị quan sát ban đêm và thời tiết lạnh.

Kyiv biết điều này.

Dmytro Lazutkin, phát ngôn nhân của Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 của Ukraine, nói với Newsweek: “Tuyết và sương giá sẽ ảnh hưởng đến bản chất của các cuộc chiến trong tương lai gần”.

Sư đoàn 47 hiện đang chiến đấu xung quanh thị trấn Avdiivka đang bị bao vây, nơi diễn ra cuộc giao tranh gay gắt nhất từ đầu năm đến nay, hơn ba tháng sau khi Nga phát động cuộc tấn công quanh thị trấn.

Lazutkin cho biết tuyết sẽ hạn chế sự di chuyển của các phương tiện, đặc biệt đối với các phương tiện có bánh xe và xe địa hình. Ông nói, cái lạnh cắt da cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần bộ binh.

Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine bao trùm Avdiivka, nói với Newsweek rằng thật khó để dự đoán tác động của điều kiện thời tiết sắp tới.

Mertens cho biết Ukraine có thể sẽ tận dụng những tháng lạnh hơn để xây dựng lại và huấn luyện lực lượng cơ động của mình trước cuộc giao tranh không thể tránh khỏi vào mùa hè.

Ông nói: “Có vẻ như người Ukraine có thể đã chuẩn bị tốt hơn cho mùa đông, nhưng tôi nghĩ họ sẽ hạn chế tiến hành các hoạt động lớn”.
 
Triển vọng ĐTC cách chức HY Fernández sau Tuyên ngôn Fiducia và cuốn sách đầy tai tiếng
VietCatholic Media
06:23 14/01/2024


1. Phải chăng HY Fernández là tính toán sai lầm của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Edward Condon là người đồng sáng lập và là chủ biên của The Pillar có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Pope Francis' Fernández miscalculation”, nghĩa là “Phải chăng Fernández là tính toán sai lầm của Đức Thánh Cha Phanxicô?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Tổng Giám Mục Fernández đã đảm nhận vai trò hiện nay chỉ mới vài tháng, vào tháng 9 vừa qua. Việc lựa chọn của Đức Giáo Hoàng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin bắt đầu bằng việc gạt ra ngoài một nửa nhiệm vụ của Bộ này. Đức Giáo Hoàng miễn cho vị tân tổng trưởng khỏi bất kỳ vai trò nào trong việc giải quyết các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Một số người nói không phải là miễn nhưng đã loại trừ ngài Fernández khỏi phần vụ đó.

Kể từ đó, Hồng Y Fernández đã phải đối phó với những câu hỏi lặp đi lặp lại về sự phù hợp của ngài với vai trò này vì các bài viết trước đây của ngài, cũng như việc triển khai Tuyên ngôn gây nhiều tranh cãi về phước lành cho các cặp đôi đồng giới hoặc các mối quan hệ không bình thường.

Những tin đồn về việc Hồng Y nộp đơn xin từ chức với Đức Thánh Cha Phanxicô gần như chắc chắn đã bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, điều rõ ràng là ngài Fernández đã trở thành cột thu lôi cho những lời chỉ trích và tranh cãi, thu hút sự chú ý thường không được chào đón đối với một cơ quan vốn có vị thế thấp hơn dưới thời giáo hoàng hiện tại.

Đồng thời, nhiều nhà phê bình mạnh mẽ nhất và những người bảo vệ quyết liệt nhất chia sẻ đánh giá chung rằng Hồng Y Fernández đang làm những gì Đức Phanxicô dự định với vai trò này – cụ thể là đẩy lùi các ranh giới và dẫn đầu một nỗ lực táo bạo, thậm chí triệt để nhằm đưa tầm nhìn mục vụ của Đức Giáo Hoàng vào giáo huấn của Giáo hội.

Nhưng đó có phải là điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn khi bổ nhiệm Tổng Giám Mục Fernández vào vai trò này không?

Không nhất thiết, theo một số người làm việc ở Vatican và trong quỹ đạo của giáo hoàng.

Thật vậy, như một số người đã nói, Hồng Y Fernández hoàn toàn không phải là người được Đức Giáo Hoàng ưa thích cho công việc này và việc bổ nhiệm ngài là một canh bạc mà một số người cho rằng dường như không mang lại kết quả.

Khi Tổng Giám mục Fernández được công bố là tổng trưởng mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào mùa hè năm ngoái, nhiều nhà bình luận ở Vatican đã ca ngợi sự lựa chọn này là một sự lựa chọn táo bạo và ở một khía cạnh nào đó là lựa chọn rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một người Á Căn Đình, một người bạn và cộng tác viên lâu năm của Đức Phanxicô, “Tucho,” như ngài được bạn bè biết đến, dường như là người phù hợp tự nhiên để củng cố cuộc cải tổ giáo triều của Đức Thánh Cha tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, sau khi ban hành tông hiến Praedicate evangelium vào năm 2022.

Và với tư cách là người đằng sau hậu trường viết một số văn bản được nhắc đến nhiều nhất của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả những đoạn gây tranh cãi nhất trong Amoris laetitia, một số người theo dõi thường xuyên các diễn biến Giáo hội đã tự tin tuyên bố rằng Hồng Y Fernández luôn ở trong tâm trí Đức Giáo Hoàng, với tư cách là người chuyển đổi Bộ Giáo Lý Đức Tin từ cơ quan giám sát tính chính thống của đạo lý Công Giáo thành một tổ chức tư vấn mục vụ nhằm đưa ra các tư duy tiến bộ.

Nhưng cảm giác cho rằng việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục Fernández là không thể tránh khỏi đã bỏ qua những dự đoán kiên quyết trước đó rằng vai trò này sẽ được đảm nhận bởi những người khác.

Vào tháng 12 năm 2022, tin đồn ở Vatican đã rộ lên rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã sẵn sàng bổ nhiệm Giám mục người Đức Heimer Wilmer để lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Theo một mô hình đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, các blog của Vatican đã tung ra tin tức về kế hoạch này, rồi kế hoạch đó vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ một số khu vực, trước khi được những người ủng hộ trung thành của Đức Giáo Hoàng bảo vệ, chỉ để sau đó không bao giờ thành hiện thực.

Trong khoảng thời gian đó, việc bổ nhiệm được cho là đang chờ giải quyết của Giám Mục Wilmer đã được báo cáo rộng rãi và với đủ tin cậy rằng các Hồng Y cao cấp, bao gồm cả Hồng Y tổng trưởng đương nhiệm lúc bấy giờ là Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, được cho là đã nêu ra quan ngại với cá nhân Đức Giáo Hoàng, theo các nguồn tin của Vatican.

Sau sự kiện Đức Cha Wilmer không được bổ nhiệm, một số người theo dõi Vatican tuyên bố rằng phản ứng dữ dội từ đông đảo những vị trong Hồng Y đoàn đã khiến Đức Phanxicô từ bỏ quyết định của mình; những người khác lập luận rằng Đức Cha Wilmer chưa bao giờ là một ứng cử viên nặng ký cho công việc này, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã khéo léo sử dụng tên của vị Giám Mục để thu hút hỏa lực và khiến cho sở thích thực sự cuối cùng của ngài dành cho Tổng Giám Mục Fernández có vẻ ít gây tranh cãi hơn.

Không thể đọc được tâm trí của Đức Giáo Hoàng, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết Đức Cha Wilmer đã tiến gần đến mức nào để trở thành sự lựa chọn thực sự của Đức Giáo Hoàng trong vai trò lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Nhưng ý kiến cho rằng việc đề cử Đức Cha Wilmer được đưa ra để dọn đường cho Đức Cha Fernández dường như không hợp lý - Đức Phanxicô không phải là một giáo hoàng quan tâm nhiều đến việc làm thay đổi cái gọi là quan điểm bảo thủ một khi ngài đã quyết định.

Tuy nhiên, một số nhân vật cao cấp nắm rõ quá trình bổ nhiệm đã nói với The Pillar rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự cởi mở với ý tưởng bổ nhiệm Đức Cha Wilmer và bị thuyết phục chống lại ý tưởng này bởi sức nặng của những phản hồi tiêu cực mà ngài nhận được.

Một quan chức cao cấp của giáo triều thân cận với Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết: “Đức Giáo Hoàng không muốn gây ra tranh cãi về bất kỳ sự bổ nhiệm nào”. “Ngài có tầm nhìn về cách ngài mong muốn thấy Bộ hoạt động, nhưng nó không liên quan đến việc tạo ra xung đột”.

Nguồn tin tương tự nói với The Pillar rằng Đức Phanxicô lo ngại khi thấy phong cách và tầm nhìn của mình về việc chăm sóc mục vụ “được đón nhận” như thế nào trong toàn Giáo hội, nhưng mục tiêu này sẽ được phục vụ tốt nhất thông qua cách trình bày “nhạy cảm” để không tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.

Với suy nghĩ đó, các nguồn tin nói với The Pillar, trong khi Tổng Giám Mục Fernández là một ứng cử viên rõ ràng vì ngài phù hợp với suy nghĩ và các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài không phải là sự lựa chọn đầu tiên hoặc duy nhất của Đức Phanxicô cho chức vụ tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Và điều đó, khác xa với việc gây tranh cãi, Đức Giáo Hoàng thực sự thích một người có thể đóng vai trò là lực lượng vững chắc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin.

“Trên thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị thuyết phục rằng người phù hợp cho vai trò này là Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark,” một nguồn tin cao cấp tại Phủ Quốc vụ khanh nói với The Pillar.

Viên chức biết rõ sở thích của Đức Giáo Hoàng nói rằng Đức Hồng Y Tobin được ưa thích hơn vì ngài có thành tích là một giám mục, người có thể nói về các vấn đề mục vụ nhạy cảm trong khi tránh xa sự chia rẽ phe phái của các giám mục – ví dụ như sự tranh cãi công khai và đôi khi gay gắt của USCCB liên quan đến “sự mạch lạc Thánh Thể”, là điều mà Hồng Y Tobin phần lớn vẫn tránh né.

Tuy nhiên, quan chức cao cấp cho biết, cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không bổ nhiệm Hồng Y Tobin vào Bộ Giáo Lý Đức Tin vì ngài muốn giữ Đức Hồng Y làm nhân vật cao cấp ở Hoa Kỳ.

“Đức Giáo Hoàng nói 'Đó phải là Hồng Y Tobin, tôi biết là vậy.' Nhưng nói thêm rằng ngài 'cần' vị Hồng Y ở Mỹ.

Nguồn tin tương tự cho biết việc Hồng Y Tobin tiếp tục lên tiếng trong hội đồng giám mục Hoa Kỳ là một điều đáng cân nhắc, nhưng Đức Giáo Hoàng chủ yếu quan tâm đến việc Đức Hồng Y có sẵn sàng chuyển đến Tổng giáo phận Washington trong thời gian trung hạn hay không. Tổng giám mục hiện tại ở thủ đô nước Mỹ, Đức Hồng Y Wilton Gregory, năm nay đã 76 tuổi.

“Tổng Giám Mục Fernández không phải là ưu tiên của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài đã chọn vì không có Hồng Y Tobin, ngài có thể làm việc tốt với Tổng Giám Mục Fernández, như hai vị đã làm, và các vấn đề khác có thể được giải quyết.”

Nguồn tin tương tự cũng chỉ ra việc đặt Tổng Giám Mục Fernández đứng ngoài các vụ án giáo sĩ lạm dụng tình dục của Bộ Giáo Lý Đức Tin là để đón đầu những lời chỉ trích về cách giải quyết các vụ việc của vị Tổng Giám Mục trong Tổng giáo phận La Plata.

“Đức Thánh Cha không muốn có sự lộn xộn liên quan đến các vụ lạm dụng, và ngài không muốn tạo ra những cáo buộc cho rằng mình gây ra tình trạng lộn xộn”.

Nhưng nếu việc lựa chọn Tổng Giám Mục Fernández lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin là một sự đánh cược có tính toán, dựa trên những lợi ích của việc ngài gần gũi với suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng trước những trách nhiệm tương lai, thì điều đó ngày càng có vẻ là một tính toán sai lầm.

Việc ban hành Tuyên ngôn Fiducia Supplicans trước Giáng Sinh đã gây ra sự chia rẽ ngay lập tức và trên toàn cầu giữa các Giám mục đoàn, với toàn bộ các hội đồng Giám Mục và thậm chí cả các châu lục dường như bác bỏ hoàn toàn các tiền đề thần học và việc áp dụng nó, trong khi những người khác ngay lập tức tìm cách áp dụng tài liệu này ngoài phạm vi những giới hạn đã nêu của chính nó.

Hồng Y Fernández buộc phải thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn giải thích chớp nhoáng để cố gắng xoa dịu cuộc tranh cãi, trước khi đưa ra một thông cáo báo chí dài năm trang nhằm đưa ra loại hướng dẫn diễn giải chi tiết về văn bản mà ngài đã nói trước đó sẽ không được đưa ra.

Ngay tại Rôma, Tuyên ngôn Fiducia Supplicans cũng đã gây ra nhiều vấn đề. Đức Hồng Y Arthur Roche, Bộ trưởng Bộ Phụng tự, được cho là đã phàn nàn rằng bộ của ngài không được hỏi ý kiến về văn bản, việc xuất bản hoặc cách áp dụng nó, và những ví dụ được báo cáo rộng rãi về các linh mục chúc lành cho các kết hiệp đồng tính đã khiến bộ phận của ngài phải đau đầu.

Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn đối với Hồng Y Fernández, khả năng kiểm soát dự án lớn đầu tiên của ngài càng bị cản trở hơn bởi việc phát hiện ra cuốn sách kinh khủng năm 1998 mà ngài viết khi còn là linh mục.

Cuốn “Niềm đam mê huyền bí”, một tuyển tập suy niệm đầy hình ảnh khiêu dâm về chủ đề tình dục và tâm linh, một lần nữa đã buộc Đức Hồng Y phải tách mình ra khỏi tác phẩm trước đây của mình, đồng thời tuyên bố công khai rằng bây giờ ngài sẽ không viết một điều như vậy và ngài đã không ủng hộ việc tái bản cuốn sách đó.

Ngoài những lời chỉ trích về chính nội dung, cuốn sách còn đặt ra những câu hỏi mới về sự phù hợp của Hồng Y Fernández với vai trò tổng trưởng, vì ở một số phần, tác giả đặt câu hỏi về việc các hành vi tình dục ngoài hôn nhân có phải là tội lỗi đáng trách hay không; và ở những phần khác lại thúc đẩy một cách có vấn đề việc tình dục hóa tâm linh.

Tuy nhiên, trong khi Hồng Y Fernández phải đối mặt với những trở ngại cá nhân đáng kể, mối quan tâm cấp bách hơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô có thể là những cuộc khủng hoảng liên tiếp của vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ có ý nghĩa gì đối với di sản của chính ngài.

Ở tuổi 87 của Đức Thánh Cha Phanxicô, mọi kỳ vọng hợp lý đều cho thấy ngài đang bước vào những năm cuối triều đại giáo hoàng của mình. Nếu mối quan tâm hàng đầu của ngài trong việc bổ nhiệm một tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là để củng cố tầm nhìn thần học của mình, bảo đảm rằng nó sẽ tồn tại lâu hơn thời gian ngài nắm quyền, thì Hồng Y Fernández có thể sẽ tạo ra những tác động ngược lại.

Hơn bất kỳ vị Giáo Hoàng nào khác, Đức Phanxicô đã đa dạng hóa Hồng Y đoàn, thích bổ nhiệm các vị Giám Mục từ những gì ngài gọi là “các vùng ngoại vi toàn cầu”. Tuy nhiên, trớ trêu thay, chính ở nhiều khu vực ngoại vi, đặc biệt là Phi Châu, sự phản đối đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans lại được bày tỏ gay gắt nhất, cùng với những lời chỉ trích Hồng Y Fernández.

Khác xa với việc vun đắp di sản của Đức Phanxicô, vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày càng nhiều tai tiếng này có thể sẽ tạo ra phản ứng dữ dội đối với di sản đó. Trong trường hợp này, vấn đề trở thành câu hỏi là Đức Phanxicô còn có thể sẵn lòng giữ một người bạn và cộng tác viên lâu năm ở vị trí này trong bao lâu nữa.


Source:Pillar

2. Đức Hồng Y Fernández nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican đã biết về cuốn sách 'Niềm đam mê huyền bí' khiêu dâm của ngài

Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Cardinal Fernández Says Pope Francis and the Vatican Were Aware of His Erotic ‘Mystical Passion’ Book”, nghĩa là “Đức Hồng Y Fernández nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican đã biết về cuốn sách 'Niềm đam mê huyền bí' khiêu dâm của ngài.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández đã nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Vatican đã biết về cuốn sách đầy hình ảnh tình dục năm 1998 của ngài kết nối các mối quan hệ tình dục với mối quan hệ thần bí với Thiên Chúa, và rằng ngài cho rằng tác phẩm này cũng như những “thứ cũ” khác sẽ được sử dụng để chống lại ngài.

Trong một cuộc phỏng vấn mới với hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha được công bố hôm thứ Sáu, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican cho biết ngài “thấy trước” những người chỉ trích ngài sẽ đưa ra ánh sáng cuốn sách Niềm đam mê huyền bí: Tâm linh và nhục cảm của ngài. Cuốn sách đã bị cấm bán ngay sau khi nó được xuất bản.

“Tôi biết rằng, giữa những vấn đề mang tính bút chiến, họ có thể sử dụng những thứ cũ như cuốn sách này; họ chỉ đang chờ đợi thời cơ thích hợp,” ngài nói. “Tôi đã thông báo với Đức Giáo Hoàng rằng điều này có thể xảy ra khi ngài đề xuất với tôi vị trí tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin lần thứ hai, điều này đã rõ ràng với ngài và ngài cũng biết về cuốn sách này.”

Tác phẩm đã nhận được sự chỉ trích rộng rãi sau khi xuất hiện trở lại trên một blog Công Giáo truyền thống của Á Căn Đình có tên là “Caminante Wanderer” hôm thứ Hai, bao gồm một mô tả chi tiết về một cuộc gặp gỡ khiêu dâm tưởng tượng với Chúa Giêsu Kitô trên bờ biển Galilê, mà Đức Hồng Y Fernández cho biết là dựa trên một câu chuyện kinh nghiệm tâm linh được một cô gái 16 tuổi tiết lộ cho ngài.

“Nếu tôi hoặc bất kỳ linh mục nào viết bất cứ điều gì như thế này, chúng tôi có thể sẽ bị loại khỏi thừa tác vụ và bị gởi đến bệnh viện để đánh giá, và điều đó là đúng”, Đức ông Charles Pope, cha sở Giáo xứ Holy Comforter Cyprian ở Washington, DC, nói với Register ngày 8 Tháng Giêng. “Việc các linh mục hoặc tu sĩ thảo luận về những vấn đề như vậy là vi phạm sự thận trọng và các ranh giới thích hợp; nó hoàn toàn không phù hợp và có thể hiểu được là gây sốc cho các tín hữu.”

Nhà bình luận của EWTN, Cha Gerald Murray, nói với Register rằng đó là tác phẩm của “một linh mục bị khủng hoảng”, người có “một niềm đam mê vô hình với các chi tiết cụ thể của quan hệ tình dục” và là người cổ vũ “một nền linh đạo sai lầm và suy thoái đến mức đáng kinh tởm”.

Đức Hồng Y Fernández thừa nhận với EFE rằng ngài đã từng bị “tố cáo” vì cuốn sách “nhiều năm trước”, nhưng nói thêm, “tôi không bị xử phạt ở Rôma vì cuốn sách đó. Tôi đã bị điều tra tận mắt rồi.”

Trong những bình luận hồi đầu tuần này với Crux, Đức Hồng Y nói rằng tác phẩm 26 tuổi của ngài “có thể bị giải thích sai,” và vì thế ngài không nghĩ rằng việc phổ biến nó bây giờ là “một điều tốt” và rằng nó “trái ngược với quan điểm của tôi”.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Fernández đã tìm cách bảo vệ cuốn sách, nói rằng nó “đáng chú ý vì nó là kết quả nghiên cứu về cực khoái của nam và nữ mà tôi đã thực hiện với một nhóm các cặp vợ chồng”.

“Nhưng điều tương tự đã được thực hiện bởi hai người vĩ đại và khôn ngoan hơn tôi: Thánh Gioan Phaolô II và nữ tu viện trưởng và tiến sĩ của Giáo hội Hildegard ở Bingen”.

Ngài nói rằng ngài đã trích dẫn một phần kết luận nghiên cứu của Thánh Hildegard trong cuốn sách của chính mình “bởi vì điều quan trọng là phải đọc nó một cách chính xác: 'Khi xung lực tình dục xuất hiện ở một người đàn ông, có điều gì đó bắt đầu quay vào bên trong anh ta như một cái cối xay. […] Nhưng ở một người phụ nữ, khoái cảm giống như mặt trời, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và liên tục tắm rửa trái đất bằng hơi ấm của nó...'“

Ba năm trước khi viết “Niềm đam mê huyền bí”, Cha Fernández lúc bấy giờ đã viết một cuốn sách khác khiến nhiều người phải ngạc nhiên, cuốn sách hướng đến thanh thiếu niên có nhan đề “Chữa lành vết thương cho tôi bằng miệng: Nghệ thuật hôn”.

Những bài viết như vậy rõ ràng là mối quan tâm của Vatican. National Catholic Register đã xác nhận vào tháng 7 rằng, trong triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Hồng Y Fernández hiện đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin đã có một hồ sơ về những quan ngại thần học về các tác phẩm của ngài. Những lo ngại đó, xuất hiện vào khoảng năm 2010 sau một cuộc điều tra của Vatican, đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc Vatican chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm Cha Fernández làm hiệu trưởng Đại học Công Giáo Á Căn Đình - sự chậm trễ này khiến Hồng Y Jorge Bergoglio, người đã bổ nhiệm ngài, thất vọng. Tuy nhiên, Rôma cuối cùng đã chính thức chấp thuận việc bổ nhiệm.

Là một tác giả có nhiều tác phẩm, Hồng Y Fernandez là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong triều đại giáo hoàng này. Lần đầu tiên ngài đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Đức Hồng Y Jorge Bergoglio soạn thảo tài liệu cuối cùng tại hội nghị Aparecida năm 2007. Tài liệu này đã cung cấp bối cảnh cho nhiều bài viết quan trọng của Đức Phanxicô trong 11 năm qua, và dẫn đến việc Đức Hồng Y Fernández soạn thảo văn bản quan trọng đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, là Niềm vui Tin Mừng.

Ngài cũng tham gia rất nhiều vào các Thượng hội đồng về Gia đình năm 2014 và 2015 và sau đó là người viết sau hậu trường Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu), là tông huấn gây tranh cãi năm 2016 của Đức Giáo Hoàng sau thượng hội đồng về gia đình. Vị linh mục người Á Căn Đình, người được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm tổng giám mục ngay sau khi được bầu vào năm 2013, cũng đã giúp soạn thảo thông điệp môi trường năm 2015 của Đức Giáo Hoàng, là Laudato Si (Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta).


Source:National Catholic Register

3. Đức Hồng Y Sarah lên tiếng chống lại việc các giáo sĩ chúc phúc cho các kết hợp đồng giới

Đức Hồng Y Robert Sarah đã đáp lại tuyên bố gây tranh cãi của Vatican cho phép các giáo sĩ ban phước cho các cặp đồng giới trong một số tình huống nhất định bằng cách hướng dẫn các tín hữu hãy “phản ứng bằng Lời Chúa trước sự lầm lạc” trong một bài suy niệm ngày 6 tháng Giêng.

“Chúng ta không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng ta kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô, vì nó đi ngược lại đức tin và Truyền thống Công Giáo,” Đức Hồng Y Sarah viết trong bài suy tư mà ngài chia sẻ với tờ Settimo Cielo.

Đức Hồng Y Sarah, 78 tuổi, là một giám mục người Guinea, từng giữ chức vụ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2014 đến năm 2021.

Ngài viết: “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu dành cho tội nhân. Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của lời Chúa”. “Làm sao chúng ta có thể làm cho họ tin rằng việc Chúa ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và đáng mong muốn?”

Trong khi các giám mục trên toàn cầu bị chia rẽ về tuyên bố này, nhiều giám mục Công Giáo trên khắp Phi Châu đã công khai bác bỏ những lời kêu gọi gây tranh cãi của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Một số hội đồng giám mục ở Phi Châu đã yêu cầu các linh mục không được ban phép lành cho người đồng giới trong những tuần gần đây.”

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Sarah khuyến khích “mọi giám mục hãy làm điều tương tự” như các hội đồng giám mục ở Cameroon, Chad và Nigeria.

Ngài lưu ý rằng tuyên bố “đã không thể sửa chữa những sai sót này” của Giáo hội ở Đức, nơi mà tranh cãi về Tiến trình Công Nghị đã gây ra sự chia rẽ trong Giáo hội.

Vào tháng 3 năm 2023, Tiến trình Công Nghị Đức, một sự hợp tác giữa Hội đồng Giám mục Đức và một tổ chức vận động giáo dân đầy quyền lực, ZdK, đã phê duyệt việc phát triển các văn bản nghi lễ chính thức hóa để ban phước lành cho người đồng giới. Tuyên bố của Vatican cho phép “các phép lành tự phát” nhưng không cho phép các phép lành phụng vụ.

Nhưng theo quan điểm của Đức Hồng Y Sarah, tuyên bố của Vatican đã khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Ngài nói: “Hơn nữa, với sự thiếu rõ ràng, Tuyên ngôn chỉ khuếch đại sự nhầm lẫn ngự trị trong lòng và một số người thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”.

Ngài viết rằng nên tránh “những lời ngụy biện vô ích về ý nghĩa của từ phước lành”.

Trong khi lưu ý rằng các phước lành dành cho những người tội lỗi là điều hiển nhiên, Đức Hồng Y Sarah nhấn mạnh rằng Giáo hội “không bao giờ có thể bị chệch hướng bằng cách biến nó thành một sự hợp pháp hóa tội lỗi, cấu trúc tội lỗi, hoặc thậm chí là dịp tội lỗi tiếp theo.”

Ngài cũng bày tỏ lo ngại rằng sự nhầm lẫn do Fiducia Supplicans mang lại có thể “tái xuất hiện” một cách tinh vi trong Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 năm 2024.

Ngài đề nghị rằng Giáo hội nên đáp lại các cặp đồng giới bằng lòng thương xót của sự thật.

“Phải nói gì với những người tham gia vào các cuộc hôn nhân đồng giới? Thưa: Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy dám thực hiện lòng thương xót đầu tiên: đó là nói lên sự thật khách quan của các hành động”

Theo Đức Hồng Y Sarah, việc chúc phúc cho một cặp đồng giới không phải là một phản ứng thích đáng.

“Điều duy nhất cần yêu cầu những người đang có mối quan hệ chống lại thiên nhiên là hoán cải và tuân theo lời Chúa”.

Đức Hồng Y Sarah, người sinh ra và lớn lên ở Guinea, nhớ lại lời chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đối với Phi Châu là hãy trở thành “lá phổi” tinh thần của nhân loại, trái ngược với chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tương đối đang ảnh hưởng đến phương Tây.

“Giáo hội Phi Châu là tiếng nói của người nghèo, người đơn sơ và nhỏ bé”, đồng thời lưu ý rằng Giáo hội phải công bố Tin Mừng cho các Kitô hữu phương Tây, những người “tin rằng mình là người tiến hóa, hiện đại và khôn ngoan theo sự khôn ngoan của thế giới.”

Ngài nói thêm: “Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các giám mục Phi Châu, trong tình trạng nghèo khó của họ, ngày nay lại là những người loan báo sự thật thiêng liêng này trước quyền lực và sự giàu có của một số giám mục ở phương Tây”.


Source:Catholic News Agency
 
50% lính Chechnya từ chối chiến đấu. Bài học cho Đài Loan từ chiến tranh Ukraine. HIMARS và mùa Đông
VietCatholic Media
15:58 14/01/2024


1. Đồng minh của Putin nói Ba Lan là mục tiêu 'tiếp theo' trong cuộc chiến Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Says Poland Is 'Next' in Ukraine War Rant on Russian TV”, nghĩa là “Đồng minh của Putin nói Ba Lan là mục tiêu 'tiếp theo' trong cuộc chiến Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà lập pháp Nga và đồng minh thân cận của Putin đã đề xuất trong một lần xuất hiện trên truyền hình gần đây rằng Mạc Tư Khoa có mục tiêu tấn công tiếp theo là Ba Lan trong bối cảnh nước này đang giúp Ukraine.

Lần đầu tiên bắt đầu theo lệnh của Putin vào tháng 2 năm 2022, cuộc xâm lược Ukraine của Nga sắp kỷ niệm hai năm khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn và dường như không có hồi kết. Trong khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Ukraine được cho là không diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên các quan chức Nga vẫn tiếp tục bóng gió về các cuộc xâm lược tương tự trong tương lai gần, thường đề xuất các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ là mục tiêu sắp tới, chẳng hạn như Moldova hoặc các nước Balkan.

Mục tiêu tiềm năng mới nhất trong tương lai được một quan chức Nga ám chỉ là Ba Lan, quốc gia chưa bao giờ chính thức là lãnh thổ của Liên Xô, nhưng đã tồn tại cùng với nó trong Khối phía Đông trong Chiến tranh Lạnh.

Hôm thứ Sáu, Julia Davis, người sáng lập nhóm giám sát Russian Media Monitor, đã chia sẻ một đoạn clip lên X, trước đây là Twitter, từ đài truyền hình nhà nước Nga, trong đó Aleksey Zhuravlyov đưa ra gợi ý về Ba Lan. Zhuravlyov là một nhà lập pháp người Nga và là thành viên của Duma Quốc gia, được biết đến với khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và quân phiệt.

“Một câu hỏi khác dành cho các bạn, các bạn ở phương Tây, các bạn sẽ làm gì với điều đó?” Zhuravlyov hỏi. “Họ hiểu rất rõ rằng Ukraine đã kết thúc. Vậy tiếp theo là gì? Thụy Điển đã sẵn sàng và Balkan cũng vậy. Người Ba Lan đã im lặng một chút, có lẽ họ đã bắt đầu nhận ra rằng họ là người tiếp theo. Tất nhiên, chúng ta không ảo tưởng, nhưng chúng ta hiểu rằng tất cả bọn họ đều đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”.

Một yếu tố chính không được Zhuravlyov chú ý đến là Ba Lan, không giống Ukraine, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính thức gia nhập vào năm 1999. Là một phần của liên minh, một cuộc tấn công vào Ba Lan sẽ khiến các thành viên khác của NATO tham gia cuộc xung đột, vì Điều 5 của nhóm quy định rằng hành vi gây hấn đối với một thành viên sẽ được coi là hành vi tấn công chống lại tất cả. Một số quốc gia nổi bật trong số 31 quốc gia thành viên khác của nhóm bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Pháp và Đức.

Cuối tháng trước, Ba Lan đã huy động quân đội sau khi một “vật thể bay không xác định” bay qua biên giới nước này từ hướng Ukraine. Vụ việc này xảy ra trong thời điểm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mô tả là một đợt tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái “quy mô lớn” do Nga thực hiện. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ba Lan nói với Newsweek vào thời điểm đó rằng “cuộc tìm kiếm vật thể này hiện đang được tiến hành” và nói thêm rằng Bộ Tư lệnh Tác chiến Ba Lan “thường xuyên liên lạc với phía Ukraine”.

Các quan chức NATO đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm do đạn dược sai lầm của Nga và Ukraine gây ra trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra. Vào tháng 11 năm 2022, một hỏa tiễn phòng không lạc của Ukraine đã phát nổ ở làng Przewodow phía nam Ba Lan.

Vào tháng 4 năm 2023, các hãng thông tấn Ba Lan đưa tin rằng một hỏa tiễn KH-55 của Nga — một hỏa tiễn hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được sử dụng rộng rãi trong các cuộc oanh tạc Ukraine của Mạc Tư Khoa — đã được tìm thấy trong một khu rừng gần thành phố Bydgoszcz phía bắc Ba Lan.

2. 50% lính Chechnya từ chối chiến đấu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Half' of Pro-Russia Brigade Refuses to Fight, Soldier Says”, nghĩa là “Người lính nói: 'Một nửa' lữ đoàn thân Nga từ chối chiến đấu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một người lính Chechnya chiến đấu thay mặt cho Nga ở Ukraine đã phàn nàn trong một đoạn video đăng tải gần đây trên mạng rằng một nửa lữ đoàn của anh ta từ chối chiến đấu.

Yury Butusov, tổng biên tập tờ báo Ukraine Censor.Net, đã đăng đoạn clip về đội quân Chechnya mà ông xác định là Lữ Đoàn “Khamzat” trên tài khoản Telegram của mình vào thứ Sáu. Cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cũng chia sẻ đoạn video trên X.

Chechnya là một nước cộng hòa liên bang của Nga và lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov là đồng minh trung thành của Putin trong nhiều năm. Vào tháng 5 năm 2023, Kadyrov cho biết ông đã cử hơn 26.000 binh sĩ của mình đến chiến đấu ở Ukraine và hứa vào tháng 11 sẽ gửi thêm hàng ngàn người nữa.

“ Những người đi cùng chúng tôi sợ phải ra ngoài. Một nửa lữ đoàn sẽ không ra chiến đấu”, người lính Chechnya nói, theo phụ đề tiếng Anh của Gerashchenko. “Họ từ chối. Họ không làm gì cả.”

“Đây là nơi mà người ta có thể phát điên…Có một người khác ở đây, và đầu của anh ta đã bị xé toạc,” anh nói. “Tôi hy vọng điều tương tự sẽ không xảy ra với chúng tôi và chúng tôi sẽ trở về nhà.”

Người lính này không tiết lộ vị trí của mình ở Ukraine, nhưng cho biết anh ta đang ở “vùng rất nóng” trước khi nói thêm “các cuộc pháo kích vẫn chưa dừng lại” và “việc sống sót trở về nhà là một vấn đề lớn ở đây”.

Ở một đoạn khác trong video, chiến binh Chechnya đã mô tả các điều kiện khắc nghiệt ở nơi đóng quân của đơn vị anh ta.

“Chúng tôi đang ngồi trong những cái hố nhỏ dưới lòng đất. Ướt, không có thức ăn...Có những chiếc máy bay không người lái bị mắc kẹt trên đầu. Máy bay không người lái Kamikaze. Những chiếc khác thả lựu đạn”, ông nói.

Cuối cùng, máy quay xoay về hướng trại của đơn vị Chechnya, nơi mà người lính quay video gọi là “chỉ là một tấm vải dầu phủ trên” một “hào đào”. Chỉ qua những tàn tích của cây cối, ông ra hiệu rằng lữ đoàn của ông phải sớm đi chiến đấu với quân đội Ukraine ở một địa điểm gần đó.

Ông nói: “Đây là nơi hơn một nửa quân đội sẽ chết và nhiều người đã chết.

Theo bài đăng gốc của Butusov trên Telegram, có báo cáo cho biết người lính Khamzat bị thương nặng và hôn mê ngay sau khi quay video.

3. Chỉ mất vài phút để HIMARS sẵn sàng phóng hỏa tiễn chống lại Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Video Shows HIMARS in Action Against Russia: 'Minutes to Load'“, nghĩa là “Video của Ukraine cho thấy HIMARS đang hành động chống lại Nga: 'Chỉ vài phút để nạp đạn'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi hôm thứ Sáu đã công bố một đoạn video về Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, đang hoạt động trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa Ukraine với Nga.

Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, tuyên bố tìm cách “phi Quốc Xã hóa” chính phủ quốc gia Đông Âu này và hy vọng giành được chiến thắng nhanh chóng. Gần hai năm sau, nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự đoán của Ukraine đã chặn bước tiến của Nga và cả hai bên tiếp tục chiến đấu để giành quyền kiểm soát lãnh thổ phía đông Ukraine.

HIMARS là bệ phóng hỏa tiễn do Hoa Kỳ sản xuất, được gắn trên xe tải nặng 5 tấn và có thể bắn hỏa tiễn dẫn đường liên tiếp. Bệ phóng hỏa tiễn đã có mặt ở Ukraine từ tháng 6/2022.

Cùng với video hôm thứ Sáu, Zaluzhnyi đã đăng lên kênh Telegram của mình, “Hệ thống pháo hỏa tiễn HIMARS tiêu diệt hiệu quả thiết bị và nhân lực của đối phương dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Các tổ lái liên tục ở chế độ chờ ngay khi mục tiêu địch xuất hiện, chỉ có vài phút để nạp đạn và di chuyển đến vị trí khai hỏa.”

Đoạn video cũng được chia sẻ và dịch trên X, bởi Nexta, một cơ quan truyền thông Đông Âu.

Theo trang web của nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin, HIMARS “mang theo một gói sáu hỏa tiễn dẫn đường hoặc một hỏa tiễn trên xe tải 5 tấn”. Các hỏa tiễn dẫn đường được cung cấp cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này được cho là có tầm bắn lên tới 50 dặm.

Hôm thứ Ba, quân đội Ukraine đã đăng một đoạn video tuyên bố cho thấy lực lượng của họ sử dụng bệ phóng HIMARS để phá hủy thiết bị kích hoạt hỏa tiễn TOS-1A “Mặt trời chói chang” của Nga.

Vào tháng 11 năm 2023, SSO cũng chia sẻ đoạn phim được cho là cho thấy một xe chỉ huy của Nga bị HIMARS do Mỹ cung cấp phá hủy.

Hoa Kỳ đã cung cấp 39 HIMARS cho Kyiv trong các gói viện trợ quân sự khác nhau, trong đó các quan chức Ukraine liên tục ca ngợi tác động của HIMARS trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Tuy nhiên, một số người đã chỉ trích số lượng đạn HIMARS hạn chế mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, viết trong một bài xã luận đăng trên tờ The Wall Street Journal ngày 1 Tháng Giêng, rằng Mỹ đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine mà họ cần.

Ông viết Ukraine chỉ có thể tấn công trong vòng 50 dặm của mặt trận khiến các cuộc tấn công chống lại lực lượng Nga ở Crimea nằm ngoài giới hạn. HIMARS cũng có thể bắn một hỏa tiễn có tầm bắn 286 dặm, nhưng Mỹ chưa cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine.

“ Khi tước đi khả năng của người Ukraine tiến hành một chiến dịch lâu dài và bền vững chống lại Nga, chính quyền đang khiến Kyiv không có khả năng cần thiết để giành chiến thắng”.

Ý kiến tương tự đã được chia sẻ bởi các chuyên gia quân sự khác. Trung tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở Âu Châu, cũng kêu gọi cung cấp cho Ukraine có đủ khả năng để tấn công các mục tiêu ở Crimea, nơi Nga sáp nhập từ nước này vào năm 2014.

Hodges trước đó đã nói với Newsweek: “Chính quyền Tổng thống Biden dường như vẫn lo ngại về việc cung cấp khả năng tấn công chính xác tầm xa mà Ukraine có thể sử dụng để chống lại các mục tiêu bên trong Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Ukraine qua email để có thêm bình luận.

4. Người bị Trung Quốc coi là ‘Kẻ hủy diệt hòa bình’ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đài Loan

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China's 'Destroyer of Peace' Wins Taiwan Election in Blow to Xi Jinping”, nghĩa là “Trong một đòn giáng mạnh vào Tập Cận Bình, người bị Trung Quốc coi là ‘Kẻ hủy diệt hòa bình’ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đài Loan.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của hòn đảo tự trị vào hôm thứ Bảy trong một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, quốc gia đã coi ông là “kẻ hủy diệt hòa bình”.

Trung Quốc đã cảnh báo Đài Loan rằng cuộc bầu cử của họ dẫn đến sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này và thề sẽ thống nhất với hòn đảo này – thông qua vũ lực nếu cần thiết – mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ cai trị ở đó. Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự trị của Đài Loan và cung cấp cho nước này vũ khí phòng thủ trước sự giận dữ của Trung Quốc.

Cuộc bầu cử ở Đài Loan diễn ra vào thời điểm hỗn loạn toàn cầu, với việc Hoa Kỳ đang bận tâm hỗ trợ các cuộc chiến ở Ukraine chống lại đồng minh Nga của Trung Quốc và ở Trung Đông, nơi Israel đang chiến đấu với Hamas và Hezbollah do Iran hậu thuẫn và nơi Mỹ đã tấn công Yemen sau các cuộc tấn công liên quan. về việc vận chuyển của phiến quân Houthi.

Cuộc bỏ phiếu ở Đài Loan đã trao cho Đảng Dân chủ Tiến bộ, gọi tắt là DPP, đương nhiệm nhiệm kỳ thứ ba.

Cuộc bầu cử là cuộc đọ sức giữa ông Lại Thanh Đức của đảng cầm quyền chống Bắc Kinh với Thị trưởng thành phố Tân Đài Bắc Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), đại diện cho Quốc Dân Đảng, gọi tắt là KMT, là đảng đối lập lớn nhất ở Đài Loan, và Kha Văn Triết (Ko Wen-je), cựu thị trưởng Đài Bắc và người sáng lập Đảng Nhân dân Đài Loan mới nổi.

Ông Hầu đã thừa nhận thất bại trong một bài phát biểu tại trụ sở chiến dịch của mình. Kết quả cho thấy Ông Lại được hơn 40% số phiếu được kiểm vào thời điểm đó, Ông Hầu được 33% và Ông Kha được 26%.

Ông Lại cho biết trong thông điệp chiến thắng của mình rằng ông sẽ duy trì hiện trạng với Trung Quốc, nhưng sẽ tiếp tục bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan. Ông nói rằng chiến thắng của ông cho thấy người Đài Loan đã chống lại ảnh hưởng từ bên ngoài – ám chỉ Trung Quốc một cách ngấm ngầm.

Ông nói: “Cộng hòa Đài Loan sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền dân chủ trên khắp thế giới.

Theo Ủy ban bầu cử trung ương Đài Loan, khoảng 19,54 triệu công dân, tương đương 83% dân số, đủ điều kiện bỏ phiếu, bao gồm khoảng 1,03 triệu cử tri lần đầu.

Trung Quốc đã gán cho Lai là “kẻ hủy diệt hòa bình qua eo biển Đài Loan” và nói rõ rằng Hầu là ứng cử viên ưa thích của họ. Đảng cầm quyền cáo buộc Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để can thiệp vào cuộc bỏ phiếu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc coi Đài Loan là một phần không thể thiếu của đất nước và cuối cùng sẽ đưa những gì mà họ coi là một tỉnh nổi loạn trở lại trong vòng kiểm soát của họ.

“Trung Quốc nói rằng chúng tôi là một phần của họ. Nhưng không phải vậy... Theo tôi, Ông Lại là ứng cử viên sáng giá nhất. Ông ta là người có thể chấm dứt chiến tranh.” Alex Lưu, một cư dân Đài Bắc ở độ tuổi 20 nói với Newsweek sau khi bỏ phiếu. “Các bên khác sẽ bán hết cho Trung Quốc.”

Hoa Kỳ từ lâu đã ủng hộ quyền tự trị của Đài Loan và cả ba ứng cử viên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thân thiện với Washington.

Sự khác biệt của họ về chính sách với Bắc Kinh rất đa dạng. Không ai trong số các ứng cử viên nói rằng họ sẽ tuyên bố độc lập – ranh giới đỏ tuyệt đối đối với Trung Quốc. Tương tự như vậy, không ai trong số họ nói rằng họ sẽ tìm kiếm sự thống nhất mà Trung Quốc mong muốn nhưng điều này lại bị đại đa số người dân Đài Loan phản đối.

Hầu hết người Đài Loan hiện nay đều ủng hộ việc duy trì hiện trạng, theo đó Đài Loan tiếp tục quản lý nhưng không tuyên bố độc lập.

Mặc dù DPP vẫn giữ chức tổng thống nhưng có vẻ như đảng này đã mất quyền kiểm soát cơ quan lập pháp gồm 113 ghế của Đài Loan, điều này sẽ khiến việc cai trị trở nên khó khăn hơn.

Sean King, một học giả về Á Châu và phó chủ tịch cao cấp của công ty tư vấn Park Strategies có trụ sở tại New York, nói với Newsweek rằng đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ của nước này với Hoa Kỳ. Ông nói, việc giành lại quyền kiểm soát hòn đảo là điều cần thiết để duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản về lâu dài.

Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt cược danh tiếng của mình trên chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc”.

Việc chiếm được Đài Loan sẽ mang lại cho Bắc Kinh những lợi thế chiến lược, bao gồm cả việc triển khai sức mạnh hải quân vào Tây Thái Bình Dương.

“Sự gián đoạn hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu và sự lan tỏa sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới”, một quan chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm thứ Năm trong một cuộc họp trực tuyến với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung vào cuộc bầu cử ở Đài Loan.

5. Các nhà ngoại giao Mỹ bị buộc phải chạy xuống hầm ở Kyiv trong cuộc tấn công quy mô lớn của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US Diplomats Forced Underground in Kyiv by Russia's 'Large Scale' Assault”, nghĩa là “Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ bị buộc phải trốn dưới hầm ở Kyiv trong cuộc tấn công quy mô lớn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy,

Đại sứ Mỹ tại Ukraine đã mô tả việc cô phải chạy xuống hầm trong vụ ném bom mới nhất của Nga vào Ukraine qua đêm trong một bài đăng khiến người dùng mạng xã hội kêu gọi thêm sự hỗ trợ của phòng không Mỹ.

Bridget Brink là Đại Sứ của Washington tại Kyiv kể từ tháng 5 năm 2022. Cô ấy đã đăng trên X, về việc tránh hỏa tiễn cùng với những cư dân khác ở thủ đô Ukraine và phần còn lại của đất nước, “chúng tôi đã chạy đến các boongke vào sáng sớm nay khi Nga phóng một đợt khác cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Ukraine bằng hỏa tiễn siêu thanh.”

Nga đã liên tục tấn công Ukraine bằng làn sóng hỏa tiễn kể từ ngày 29/12 mà chỉ các hệ thống phòng không lớn hơn mới có thể đánh chặn.

“Cảm ơn các lực lượng phòng không tuyệt vời của Ukraine, hôm nay và mỗi ngày, vì đã cứu được vô số sinh mạng,” Brink viết thêm trong bài đăng vào sáng thứ Bảy.

Các bình luận đã làm dấy lên một chủ đề về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Kyiv. Một người dùng viết: “Đại sứ hãy nghĩ xem sẽ cứu được bao nhiêu mạng sống nữa nếu Tổng thống cung cấp cho họ nhiều hơn chỉ một hệ thống Patriot”. “Chúng ta có hàng trăm cái chưa được sử dụng, liệu chúng ta có nên cung cấp thêm cho họ không?”

Jürgen Nauditt bình luận: “Ukraine có cần cảm ơn người Mỹ không? Không—họ không còn hỗ trợ nữa và đang vất vả sống sót với 5500 xe tăng chiến đấu chủ lực, 4000 ATACMS, và 480 Patriot.”

Jon Sweet, sĩ quan tình báo quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, đăng: “Việc ngăn chặn hỏa tiễn đang bay không ngăn được các bệ phóng bắn thêm hỏa tiễn. Điều đó đòi hỏi phải phá hủy hệ thống vũ khí tại điểm xuất phát của nó. Điều đó đòi hỏi khả năng tấn công sâu chính xác mà chính quyền Tổng thống Biden chưa cung cấp cho Ukraine.”

Lực lượng không quân Ukraine hôm thứ Bảy cho biết đã có 37 hỏa tiễn được bắn trong đêm trong cuộc oanh tạc của Nga. Chúng bao gồm sáu hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal và ba máy bay không người lái tấn công. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 8 hỏa tiễn và tác động đến quỹ đạo của hơn 20 loại vũ khí khác bằng biện pháp đối phó điện từ, lực lượng không quân cho biết thêm.

Theo Thống đốc Filip Pronin, một hỏa tiễn đã bị bắn hạ trên Kremenchuk ở tỉnh Poltava, miền trung đất nước, và không có thương vong.

Tại tỉnh Dnipropetrovsk, Thống đốc Serhii Lysak báo cáo rằng hai hỏa tiễn Nga bị bắn rơi ở thành phố Kryvyi Rih “giờ chỉ còn là sắt vụn” sau khi bị bắn trúng.

Trong khi đó, ở tỉnh Khmelnytskyi phía tây, chính quyền địa phương cho biết một hỏa tiễn đã bị bắn hạ, mặc dù cơ sở hạ tầng quan trọng và dân thường “không bị ảnh hưởng”.

Việc cung cấp cho Kyiv nhiều khả năng phòng không hơn, cũng như hỏa tiễn tầm xa và đạn pháo, là một trong những biện pháp trong gói hỗ trợ dành cho Kyiv do Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố hôm thứ Sáu.

Vẫn còn những câu hỏi về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi một số nhà lập pháp phản đối việc cấp thêm tiền, nhưng Sunak cho biết khoản viện trợ 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ Mỹ Kim), cam kết hàng năm lớn nhất của họ đối với Kyiv kể từ khi bắt đầu chiến tranh, cho thấy Ukraine “sẽ không bao giờ bị bỏ rơi một mình.”

6. Cựu chỉ huy hàng đầu nói Đài Loan học quá chậm từ chiến tranh Ukraine

Ký giả STUART LAU của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Taiwan is too slow learning from Ukraine war, ex-top commander says”, nghĩa là “Cựu chỉ huy hàng đầu nói Đài Loan học quá chậm từ chiến tranh Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đài Loan đã chậm học được bài học từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga và nên đẩy nhanh việc chuyển hướng khỏi các dự án chiến binh và tàu chiến khổng lồ và chuyển sang các loại vũ khí linh hoạt như máy bay không người lái và hệ thống phòng không di động có thể gây ra những vấn đề lớn cho Trung Quốc, một quan chức quân sự hàng đầu đã nghỉ hưu nói với POLITICO.

Tướng Lý Hy Minh (Lee Hsi-ming), người từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Đài Loan cho đến năm 2019, cho biết quân đội đang “cải thiện” trong việc điều chỉnh đường lối chiến lược của mình trong hai năm qua, bao gồm cả việc đầu tư vào máy bay không người lái, nhưng quá nhiều tiền đã được chi cho các dự án vũ khí lớn, tập trung vào nghiên cứu địa phương tốn kém và không chắc chắn về tàu chiến và động cơ hàng hải.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, Đài Loan đã thực hiện cái gọi là “chiến lược nhím” tập trung vào vũ khí phòng thủ tầm ngắn, di động. Những vấn đề mà quân đội rộng lớn của Nga gặp phải khi đối đầu với một đối thủ nhanh nhẹn ở Ukraine đã khiến người Đài Loan phải suy nghĩ đặc biệt.

Cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 13/1 đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông, khi Bắc Kinh cảnh báo hòn đảo dân chủ rằng việc thống nhất với đất liền là điều không thể tránh khỏi và cuộc bỏ phiếu là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình.

Tướng Lý cho rằng vũ khí bất đối xứng, nhanh nhẹn hơn sẽ rất quan trọng để hòn đảo kháng cự trong thời gian dài chờ đợi sự hỗ trợ tiềm năng của Hoa Kỳ.

Tướng Lý cho biết, khả năng bất đối xứng tập trung vào “vũ khí có chi phí thấp, khả năng sống sót cao”. “Điều quan trọng là phải có số lượng lớn. Chỉ một số ít sẽ không hiệu quả. Ukraine đã chứng minh điều đó”.

“Đã có sự cải thiện, nhưng vẫn chưa đủ. Vấn đề lớn nhất mà Đài Loan phải đối mặt là, trong khi chính phủ nói về tầm quan trọng của chiến tranh bất đối xứng, họ cũng nhấn mạnh đến ngành công nghiệp quốc phòng bản địa, chế tạo tàu chiến của riêng Đài Loan”, cựu đô đốc, hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Dự án 2049, cho biết như trên ở Washington.

Máy bay không người lái giá rẻ

Việc từ chối ưu thế trên không sẽ là chìa khóa để ngăn chặn cuộc xâm lược của Trung Quốc, có nghĩa là Đài Loan sẽ cần tập trung nhiều hơn vào các hệ thống phòng không di động. Ông nói: “Những loại không di động, quy mô lớn, tầm xa rất dễ bị tiêu diệt.

Điều tương tự cũng xảy ra với việc chế tạo số lượng lớn máy bay không người lái giá rẻ. Ông nói: “Đài Loan cần một số lượng nhỏ máy bay không người lái tiên tiến, được bổ sung một số lượng lớn máy bay không người lái tấn công nhỏ, chi phí thấp”. “Nếu bạn có đủ chúng, đó sẽ là một vấn đề đau đầu đối với Trung Quốc”.

Theo ông Lý, Đài Loan cũng nên bắt đầu loại bỏ dần các chiến binh Mirage do Pháp sản xuất, mua năm 1997. Ông nói: “Ukraine không có chiến binh để chiến đấu với người Nga. Tất cả chỉ nhằm mục đích ngăn chặn trên không, nhưng chiến binh là để thống trị trên không”. Khi được hỏi tại sao lực lượng không quân lại bám vào máy bay phản lực Mirage - với kế hoạch kéo dài thời gian phục vụ của chúng vào tháng 7 - Tướng Lý nói: “Họ không thể từ bỏ nó. Họ không thể buông bỏ những thứ cũ. Không có tiền để mua cái mới.”

Kể từ khi nghỉ hưu, Tướng Lý đã trở thành chiến lược gia hàng đầu ở Đài Loan kêu gọi xây dựng một chiến lược chiến tranh bất đối xứng mới, bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với quan điểm của Đài Loan trong nhiều thập kỷ qua là mua sắm tàu chiến lớn, chiến binh và hỏa tiễn. Đối với các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các tướng lĩnh, những món đồ đó rất tốt cho việc quảng bá, hữu ích để giới thiệu với người dân rằng chính phủ đang thực hiện các dự án quốc phòng quy mô lớn.

Cả ba ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử hôm thứ Bảy đều tập trung vào khả năng răn đe. Những người đó bao gồm Hầu Hữu Nghi, của Quốc dân đảng, gọi tắt là KMT, và Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan.

Quốc Dân Đảng là đảng đối lập chính hiện nay đã chuyển từ thái độ xoa dịu hoàn toàn đối với Bắc Kinh trong thời kỳ trước đó sang đường lối tổng hợp nhằm xây dựng năng lực phòng thủ cùng với đối thoại với Bắc Kinh. Đảng Dân tiến Tiến bộ, gọi tắt là DPP, là đảng cầm quyền đã dựa vào sự hỗ trợ của quốc tế và đã kéo dài thời gian nhập ngũ từ bốn tháng lên một năm.

Nhưng chưa bên nào làm đủ để thiết kế một chiến lược khả thi, Tướng Lý nói.

Ông nói: “Quốc Dân Đảng chưa giải thích cách răn đe này sẽ được thực hiện như thế nào, DPP cũng vậy”. “Cả hai bên đều mơ hồ.”

7. Thụy Điển tìm cách thắt chặt sự kiểm soát của NATO ở Biển Baltic bằng 2 tàu ngầm mới

Ký giả CHARLIE DUXBURY của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Sweden seeks to tighten NATO’s grip in Baltic Sea with 2 new submarines”, nghĩa là “Thụy Điển tìm cách thắt chặt sự kiểm soát của NATO ở Biển Baltic bằng 2 tàu ngầm mới”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Họ đã ở trên bàn vẽ hơn một thập kỷ, nhưng ở trung tâm của một hội trường lắp ráp rộng lớn tại một xưởng đóng tàu trên bờ Biển Baltic, hai tàu ngầm tấn công A26 mới của Thụy Điển cuối cùng cũng đã được bắt đầu xây dựng với nhau.

Dự kiến ra mắt vào năm 2027 và 2028, các tàu ngầm diesel-điện dài 66 mét, được đặt tên là Blekinge và Skåne theo tên hai quận của Thụy Điển, được thiết kế để tuần tra vùng phía đông của NATO dưới Biển Baltic, theo dõi và chống lại các động thái hàng hải của Mạc Tư Khoa trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và Âu Châu.

Đây là hai tàu ngầm mới đầu tiên của Thụy Điển được đóng kể từ giữa những năm 1990 và sẽ tham gia cùng bốn tàu cũ hơn trong hạm đội của quốc gia Bắc Âu này.

Mats Wicksell, nhà lãnh đạo Kockums, một lĩnh vực kinh doanh của nhà sản xuất thiết bị quân sự Thụy Điển Saab, nơi đang chế tạo những chiếc A26, cho biết: “Chúng tôi có lịch sử lâu đời trong việc chế tạo tàu ngầm. Nhưng đây vẫn là một bước tiến lớn đối với chúng tôi.”

Các vụ hạ thủy tàu ngầm sắp tới của Thụy Điển nhấn mạnh sự đổi mới tàu ngầm ở Bắc Âu, nơi hải quân Na Uy gần đây đã đặt mua 4 tàu ngầm mới từ ThyssenKrupp Marine Systems, gọi tắt là TKMS, của Đức. Hà Lan đã nhận được hồ sơ dự thầu từ TKMS, Saab Kockums và Tập đoàn Hải quân Pháp để chế tạo 4 tàu ngầm, trong khi Đan Mạch, nước đã thanh lý hạm đội của mình vào năm 2004, gần đây đã gợi ý rằng họ có thể đảo ngược động thái đó.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, việc mở rộng này sẽ phần nào thu hẹp khoảng cách với các hạm đội Âu Châu lớn nhất của NATO, vốn dự kiến sẽ tăng trưởng nhẹ trong thập kỷ này. Sáu tàu ngầm lớp Barracuda mới của Pháp đang được đưa vào sử dụng và hai tàu ngầm Loại 212 nữa sẽ gia nhập hạm đội sáu chiếc hiện có của Đức. Hạm đội tàu ngầm lớp Astute của Anh sẽ có tổng cộng 7 tàu ngầm vào cuối thập kỷ này và 8 tàu ngầm lớp Todaro của Ý.

Việc nâng cấp ở Âu Châu diễn ra trong bối cảnh Nga đang nỗ lực quảng bá về việc bổ sung đội tàu ngầm của mình. Vào tháng 12, Vladimir Putin đã chụp ảnh trên bến cảng tại trung tâm sản xuất tàu ngầm Bạch hải của Nga tại Severodvinsk cùng với hai tàu mới Krasnoyarsk và Hoàng đế Alexander đệ tam.

Hải quân Nga sẽ có 50 tàu ngầm vào năm 2030, theo báo cáo của Thụy Điển.

Báo cáo của Thụy Điển cho biết, hạm đội tàu ngầm của Mỹ dự kiến sẽ giảm nhẹ về số lượng xuống còn 57 chiếc vào năm 2030, nhưng việc tiếp tục giới thiệu lớp Virginia mới sẽ giúp duy trì và thậm chí mở rộng lợi thế công nghệ của Mỹ so với các đối thủ trong cùng thời kỳ.
 
Lành hay dữ: HY Fernández sắp tung ra một tài liệu quan trọng khác. ĐGH huyền chức Lm. Alex Crow
VietCatholic Media
18:45 14/01/2024


1. Hồng Y Fernández sắp tung ra một tài liệu quan trọng khác

Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Vatican’s Doctrinal Office Preparing ‘Very Important Document on Human Dignity,’ Cardinal Fernández Says”, nghĩa là “Hồng Y l Fernández cho biết Bộ Giáo Lý Đức Tin đang chuẩn bị ‘Tài liệu rất quan trọng về phẩm giá con người’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nhà lãnh đạo cơ quan tín lý của Vatican đã tiết lộ rằng thánh bộ của ngài đang viết “một tài liệu rất quan trọng về phẩm giá con người” trong đó có “một lời chỉ trích mạnh mẽ” về các xu hướng vô đạo đức trong xã hội đương đại.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, nói với hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE hôm thứ Sáu rằng tài liệu mới sẽ bao gồm “không chỉ các vấn đề xã hội mà còn cả sự chỉ trích mạnh mẽ các vấn đề đạo đức như phẫu thuật chuyển đổi giới tính, mang thai hộ và ý thức hệ giới tính.”

Tin tức này xuất hiện vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng phản đối việc mang thai hộ, gọi việc làm này là “tồi tệ” và ủng hộ lệnh cấm toàn cầu. Đức Phanxicô cũng thường chỉ trích ý thức hệ giới tính, gọi nó là “nguy hiểm” và “một trong những ý thức hệ thực dân nguy hiểm nhất” làm mờ đi sự khác biệt và giá trị của nam giới và phụ nữ.

Vào tháng 11 năm 2022, Đức Hồng Y người Hà Lan Willem Eijk, một cựu bác sĩ, đã kêu gọi ban hành một thông điệp của Giáo hoàng để chống lại nhân học sai lầm ở trung tâm của ý thức hệ giới tính. Ngài nói trong một cuộc phỏng vấn: “Ý thức hệ giới tính đang được thúc đẩy trong tất cả các loại tổ chức và chúng ta với tư cách là một Giáo hội chưa nói nhiều về điều đó”.

Đức Hồng Y Fernández, người đã bị chỉ trích vì một loạt tài liệu gây tranh cãi kể từ khi ngài đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 9, cho biết văn bản sắp tới sẽ cho phép “hầu hết những người quan tâm” đến công việc của ngài “được thoải mái.”

Kể từ khi kế nhiệm Đức Hồng Y Luis Ladaria làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chỉ bốn tháng trước, Hồng Y Fernandez đã có một khởi đầu đầy biến động trong nhiệm kỳ của mình, với các phản ứng ngoại thường.

Ngài đã đưa ra câu trả lời cho hai loạt dubia, một từ năm Hồng Y với năm câu hỏi nhằm tìm kiếm sự làm rõ về Thượng hội đồng tháng 10 về Tính đồng nghị. Các Hồng Y đánh giá rằng câu trả lời chưa đầy đủ nên đã gửi lại những thắc mắc mới nhưng vẫn chưa được trả lời.

Bản dubia thứ hai, của Đức Hồng Y Dominik Duka, liên quan đến việc rước lễ của những người đã ly hôn sống trong một cuộc hôn nhân mới. Người tiền nhiệm trước đó của Hồng Y Fernández với tư cách là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Gerhard Müller, đã chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của Đức Hồng Y Fernández, bày tỏ sự ngạc nhiên rằng Đức Hồng Y Fernández đã chỉ ra rằng những cặp vợ chồng như vậy nên tự quyết định xem họ có nên Rước lễ hay không.

Đức Hồng Y Fernández cũng đã đưa ra bốn câu trả lời cho các câu hỏi về giáo lý, tất cả đều gây tranh cãi, ngoại trừ một trong số đó.

Vấn đề đầu tiên liên quan đến việc tham gia vào các bí tích rửa tội và hôn nhân của người chuyển giới và người đồng tính luyến ái; vấn đề thứ hai tái khẳng định lệnh cấm của Giáo hội đối với Hội Tam điểm và sự không thể hòa giải của nó với đức tin Công Giáo; thứ ba là về việc bảo quản tro cốt sau khi hỏa táng; và điều thứ tư liên quan đến việc tiếp cận Bí tích Thánh Thể cho các bà mẹ đơn thân.

Cuối cùng, vào ngày 18 tháng 12, Đức Hồng Y Fernández đã ban hành tuyên bố Fiducia Supplicans về việc chúc phúc cho các cặp đồng giới và những người tham gia vào các kết hợp bất hợp pháp. Sau khi nó bị từ chối thẳng thừng hoặc đưa ra đánh giá tiêu cực bởi một số lượng đáng kể các Hồng Y, giám mục và hội đồng giám mục, Đức Hồng Y Fernández đã xuất bản một tài liệu tiếp theo nhằm giúp làm sáng tỏ tuyên bố.

Trong cuộc phỏng vấn với EFE, Đức Hồng Y Fernández cho biết hiện tại ngài không thấy trước những tài liệu gây tranh cãi như vậy: “Tôi phải nói rằng tôi không nghĩ mình sẽ được đưa tin trong tương lai gần bởi vì trong thánh bộ, chúng tôi không thấy trước những chủ đề này có thể gây tranh cãi rất nhiều, giống như những điều vừa qua.”


Source:National Catholic Register

2. Đức Hồng Y Parolin nhận định ‘Fiducia Supplicans’ đã ‘chạm đến một điểm rất nhạy cảm’

Ký giả Matthew Santucci của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Cardinal Parolin: ‘Fiducia Supplicans’ Has ‘Touched a Very Sensitive Point’” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Vatican, đã bình luận về các phản ứng trái ngược đối với tài liệu Fiducia Supplicans, trong bối cảnh có phản ứng dữ dội từ các hội đồng giám mục.

“Tài liệu này đã gây ra những phản ứng rất mạnh mẽ; điều này có nghĩa là một điểm rất tế nhị, rất nhạy cảm đã bị chạm vào; sẽ phải điều tra thêm,” Đức Hồng Y Parolin cho biết hôm thứ Sáu, trong một hội nghị được tổ chức tại Accademia dei Lincei ở Rôma.

Đức Hồng Y nói tiếp rằng “nếu những men này phục vụ cho việc bước đi theo Tin Mừng, đưa ra câu trả lời cho ngày hôm nay, thì những men ấy đáng được hoan nghênh”, đồng thời nhắc lại rằng “Giáo hội cởi mở và chú ý đến các dấu chỉ của thời đại nhưng phải hãy trung thành với Tin Mừng.”

Khi một nhà báo Ý hỏi trong câu hỏi tiếp theo liệu tài liệu có phải là sai sót hay không, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican trả lời cộc lốc: “Tôi không tham gia vào những tranh cãi này; các phản ứng cho chúng tôi biết rằng nó đã chạm đến một điểm rất nhạy cảm.”

Tài liệu ngày 18 tháng 12 của Bộ Giáo lý Đức tin đã cho phép các linh mục ban phép lành ngoài phụng vụ cho các cặp vợ chồng trong các tình huống “bất thường”, bao gồm cả các cặp đồng giới, lưu ý rằng “tài liệu này mang lại một đóng góp đặc thù và sáng tạo vào ý nghĩa mục vụ của các phép lành, cho phép mở rộng và làm phong phú thêm sự hiểu biết cổ điển về các phép lành.”

“Những gì đã được nói trong Tuyên ngôn này về phúc lành cho các cặp đồng tính là đủ để hướng dẫn sự phân định khôn ngoan và mang tính phụ tử của các thừa tác viên được thụ phong về vấn đề này. Do đó, ngoài hướng dẫn được cung cấp ở trên, không nên mong đợi thêm câu trả lời nào về những cách khả thi để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tế liên quan đến các phước lành thuộc loại này,” Hồng Y Víctor Manuel Fernández, nhà lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin, viết trên Fiducia Supplicans.

Tuy nhiên, sau phản ứng dữ dội lan rộng từ các hội đồng giám mục ở Phi Châu và Đông Âu, cũng như những lời tố cáo mạnh mẽ từ một số vị giám mục cao cấp của Giáo hội, Đức Hồng Y Fernández đã đưa ra một thông cáo báo chí dài năm trang vào ngày 4 Tháng Giêng để làm rõ về tài liệu, đồng thời viết rằng việc áp dụng nó sẽ phụ thuộc “vào bối cảnh địa phương và sự phân định của mỗi giám mục bản quyền với giáo phận của mình”.

“Ở một số nơi, không có khó khăn gì khi áp dụng ngay lập tức, trong khi ở những nơi khác, không cần thiết phải giới thiệu chúng, trong khi vẫn dành thời gian cần thiết để đọc và giải thích,” Đức Hồng Y Fernández nói tiếp trong bức thư.

Một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất cho đến nay đến từ Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, tổng giám mục Kinshasa và chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar (SECAM).

Trong lá thư ngày 11 Tháng Giêng, Đức Hồng Y Besungu nhấn mạnh rằng các giám mục Phi Châu “đã tái khẳng định mạnh mẽ sự hiệp thông của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô,” nhưng lưu ý rằng Fiducia Supplicans đã gây ra “một làn sóng chấn động” và đã “gieo rắc những quan niệm sai lầm và tình trạng bất ổn trong tâm trí của nhiều giáo dân, những người thánh hiến, và thậm chí cả các mục tử, và đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ”.

Trong bài phát biểu trước các giáo sĩ ở Rôma vào ngày 13 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đưa ra những nhận xét rõ ràng về tài liệu này, nói rằng “điều khoản về phép lành cho các cặp đồng tính liên quan đến con người chứ không phải các kết hiệp. Kết hiệp LGBT thì không, con người thì. Chúng ta chúc phúc cho mọi người chứ không phải tội lỗi.”

Tuy nhiên, nhận xét của Đức Thánh Cha lại cho thấy rằng Tuyên ngôn Fiducia Supplicans là hoàn toàn không cần thiết. Từ xưa đến nay, tất cả mọi người đều có thể xin các linh mục chúc lành cho họ, bất kể tình trạng của họ ra sao.

Cha. Thomas G. Weinandy, Giáo sư tiến sĩ và là học giả hàng đầu của Dòng Anh Em Hèn Mọn nhận định rằng Tuyên ngôn Fiducia Supplicans nói rõ đây là việc ban phép lành cho một “cặp”. Hai cá nhân không phải là một “cặp”. Cặp là hai cá nhân cộng với quan hệ của họ. Hai người không có quan hệ không thể gọi là một cặp. Cho nên, nói chúc lành cho một cặp mà không hề chúc lành cho quan hệ của họ, không gây ấn tượng rằng Giáo Hội công nhận hoạt động tình dục của họ là một trò đánh đố. Tất cả những người có mặt trong những buổi lễ như vậy đều biết chắc chắn rằng những mối quan hệ như vậy có bản chất tình dục. Không ai bị lừa cả. Thật ra, họ vui mừng vì mối quan hệ tình dục như vậy đang được ban phước. Đó là ý nghĩa của những phước lành này. Không phải việc kiêng quan hệ tình dục của họ được ban phước, mà chính là sự đam mê tình dục của họ được chúc lành.


Source:National Catholic Register

3. Linh mục Alabama bị hoàn tục sau cuộc hôn nhân dân sự với cô gái 18 tuổi

Một cựu linh mục ở Alabama đã chính thức bị khai trừ sau khi từ bỏ nhiệm vụ và kết hôn với một cô gái 18 tuổi, Tổng Giáo phận Mobile cho biết như trên khi công bố sắc lệnh của Vatican.

Alex Crow ban đầu bị đình chỉ mục vụ vào tháng 7 sau khi vị linh mục từ bỏ nhiệm vụ của mình trong tổng giáo phận và rời khỏi đất nước cùng một phụ nữ một tháng sau khi cô ấy tròn 18 tuổi.

Tổng giáo phận đã yêu cầu chính quyền dân sự điều tra vụ việc và văn phòng luật sư quận Mobile không tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái hình sự của Crow. Được biết, cả hai đã ký giấy ghi danh kết hôn có công chứng vào ngày 17/11.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, tổng giáo phận cho biết họ đã “nhận được thông báo rằng việc hoàn tục Alex Crow đã hoàn tất và có hiệu lực ngay lập tức”.

“Ông Crow từng phục vụ với tư cách là linh mục trong tổng giáo phận nhưng không còn là thành viên của hàng giáo phẩm nữa, điều này đã được xác nhận trong một lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô,” tuyên bố cho biết. Tổng giáo phận lưu ý rằng Crow đã tự mình khởi xướng quá trình này.

Trong tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Thomas Rodi đã bày tỏ “lòng biết ơn” đối với Đức Thánh Cha Phanxicô về sắc lệnh, “Tôi cầu nguyện rằng quyết định này là một cách nữa mà tất cả chúng ta có thể hướng tới hòa bình sau những biến cố đầy những sự kiện đáng lo ngại.”

Đức Cha Rodi nói thêm: “Tôi tiếp tục cầu nguyện xin ơn Chúa mang lại sự chữa lành cho tất cả mọi người”.

Mặc dù không có quyền lực nào trên trái đất có thể xóa bỏ dấu ấn bí tích của việc truyền chức linh mục, nhưng việc tục hóa sẽ tước bỏ tư cách giáo sĩ đối với đương sự.

Khi một người mất tư cách giáo sĩ, người đó không còn quyền thi hành thừa tác vụ thánh trong Giáo hội, ngoại trừ trong tình huống cực đoan là gặp phải một người đang có nguy cơ tử vong ngay lập tức.

Hơn nữa, một người đã mất tư cách giáo sĩ không còn có quyền giáo luật để được Giáo hội hỗ trợ tài chính.

Trong nhiều trường hợp, một người đàn ông bị hoàn tục cũng được miễn khỏi nghĩa vụ độc thân và được phép kết hôn - nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt là khi một người nào đó đã vô tình bị loại khỏi hàng giáo sĩ.

Tổng giáo phận trong tuyên bố của mình không tiết lộ rõ ràng liệu Crow có được miễn nghĩa vụ độc thân hay không, mặc dù họ nói rằng với quyết định của Đức Giáo Hoàng, ông không còn “bất kỳ đặc quyền hay trách nhiệm nào của chức linh mục”.

“Quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô là quyết định cuối cùng. Không có kháng cáo,” tổng giáo phận nói.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
TV 24
Lm. Thái Nguyên
21:31 14/01/2024

 
Hãy theo Ta
Lm. Thái Nguyên
21:32 14/01/2024


 
Nhân chứng Tin Mừng 2
Lm. Thái Nguyên
21:33 14/01/2024