“Giữa các ông, có Đấng mà các ông không biết”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tuần bát nhật Giáng Sinh kết thúc, Tin Mừng hôm nay và những ngày tới hướng đến sứ vụ mai ngày của Chúa Giêsu qua việc tỏ mình vinh hiển của Ngài cho thế giới với lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Cả hai sự kiện này có chung một mục đích kép, đó là, nhận biết Chúa Giêsu và làm cho Ngài ‘được nhận biết’. Vậy câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là, tôi đã làm gì để Thiên Chúa ‘được nhận biết’?.
Ngày nay, không ít người bị cám dỗ thoả hiệp với thế gian để có được vinh quang và hư danh; chí ít, trong một ngày, hay ít nữa, một vài giây trên truyền hình mà với không ít người khác, họ sẽ xấu hổ khi nhìn vào. Kết quả của những gì vay mượn, tranh thủ… thông thường là bi kịch hay ít nữa, tự cảm thấy hợm hĩnh. Gioan biết rằng, cách duy nhất để có thể phụng sự Thiên Chúa và hoàn thành sứ mệnh đời mình là hướng mọi vinh quang về Người, không phải về mình; Gioan không bao giờ tự cho mình là một ai đó hơn chính bản thân. Cũng thế, là một Kitô hữu chân chính, chúng ta chỉ có thể làm cho Thiên Chúa ‘được nhận biết’ và tỏ cho người khác thấy Người đang hiện diện với họ, chỉ khi nào chúng ta biết gạt bỏ mọi kiêu hãnh và phù phiếm riêng mình.
Thứ đến, điều đã thực sự làm cho sứ điệp của Gioan trở nên hiệu quả là Gioan không chỉ rao giảng một sứ điệp, nhưng Gioan còn là sứ điệp cho chính mình. Rao giảng ăn năn, Gioan đã sống sám hối trong hoang địa; rửa những người khác, Gioan đã dìm mình trước trong nước; rao giảng Đấng sẽ đến, Gioan đã nhận biết Ngài. Cũng thế, nếu muốn Thiên Chúa ‘được nhận biết’, chúng ta phải biết chính Người; không thể rao giảng Tin Mừng, nếu chúng ta không sống Tin Mừng. Với sự trợ giúp của ân sủng và lửa mến của Thánh Thần, chúng ta đem yêu thương vào hành động, bấy giờ, lời nói sẽ không còn cần thiết; và chỉ những gương lành, đã đủ để chúng ta thay đổi người khác. Đó là cách dễ nhất để Chúa ‘được nhận biết’ rộng rãi như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tung hô, “Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.
Con người thời nay chạy theo ‘hội chứng vĩ đại’, nhưng với Gioan, “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại”. Suy tư về chủ đề này, nhà thơ Horatius Bonar nhận ra rằng, những điều nhỏ nhặt có thể tạo nên hoặc phá hỏng đời sống Kitô hữu. Ông viết, “Một cuộc sống thánh thiện được tạo nên từ vô số điều nhỏ nhặt; chính những điều nhỏ nhặt, chứ không phải những điều lớn lao của thời đại mới lấp đầy người môn đệ Chúa Giêsu; chính một vài lời ít ỏi, chứ không phải những bài giảng hùng hồn; chính những việc làm nhỏ bé, chứ không phải là phép lạ hay một nỗ lực anh hùng tạo nên một đời sống môn đệ đích thực. Đó là những tia nắng nhỏ liên lỉ, chứ không phải tia chớp; đó là những dòng nước mềm mại đi trong sứ mệnh giải khát nhẹ nhàng, chứ không phải nước của những con thác lớn ầm ầm đổ xuống dòng chảy… Đó là những biểu tượng thực sự của một cuộc sống thánh thiện mà qua đó, Thiên Chúa ‘được nhận biết’”.
Anh Chị em,
Việc dâng lên Thiên Chúa mọi vinh quang có ‘tác động kép’ lên đời sống Kitô hữu. Trước hết, nó cho phép chúng ta sống phù hợp với chân lý của cuộc sống; chân lý đó là, chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng với mọi lời ngợi khen và vinh quang; mọi điều tốt đẹp đến từ Chúa và chỉ một mình Người. Thứ hai, dâng cho Chúa mọi vinh quang biểu hiện một sự thật rằng, chúng ta không xứng đáng với Người. Cả hai điều này làm cho Thiên Chúa ‘được nhận biết’ và chúng lại có tác dụng hỗ tương khi chính Thiên Chúa sẽ cúi xuống và nâng chúng ta lên để chia sẻ sự sống và vinh hiển của Người.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không có Chúa, con không là gì cả. Xin giúp con biết luôn hạ mình trước mặt Chúa; và trọn đời con, con muốn làm tất cả những gì có thể chỉ để Chúa ‘được nhận biết’ và như thế, con có thể thông phần vinh quang và sự vĩ đại của đời sống ân sủng nơi Chúa”, Amen.
(Tgp. Huế)
Nhiều nơi trên thế giới, năm 2020 vừa qua không có Giáng Sinh ! Nhiều con đường ở Luân Đôn, ở Paris, ở New York… chỉ có ánh sáng hắt hiu và lặng ngắt bóng người. Bóng tối Covid-19 quá lớn để phủ che thế giới trong hoang mang lo sợ, trong tối tăm sầu thảm.
Thật vậy, kể từ khi thành phố “Vũ Hán” phong toả và cách ly, thì liên tiếp biên giới các quốc gia đóng lại, các thành phố lần lượt giản cách…, người người mang lên chiếc mặt nạ và ai ai cũng bất đắc dĩ trở thành những kẻ xa lạ, cho dù “cùng một giọt máu đào” ! Người yêu không dám hôn nhau, ngươi thân gặp nhau không thèm tay bắt mặt mừng…! Và cho đến những ngày đầu năm 2021 nầy, niềm hy vọng cứ lập lờ trôi dạt, cho dù đó đây đã tìm ra vaccine, cũng không làm vơi đi nỗi lắng lo sợ hãi trước làn sóng dịch lần thứ tư với con virus SARS-CoV-2 biến thể...
Có lẽ nào “Chúa đã không con đến nữa”, hay đến mà đã “đi qua trong âm thầm lặng lẽ”... và không bao giờ “trở lại”?
Không ! Sứ điệp Giáng Sinh một lần nữa khẳng định rằng: Chúa đã đến, Chúa đang đến và Chúa sẽ đến vì “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, Một Người Con đã được tặng ban cho chúng ta”. Và “chúng ta” mà ngôn sứ Isaia nói tới đó chỉ là một “nhóm nhỏ”, “số còn sót lại” của dân tộc Israel, những “kẻ nghèo khó của Gia-vê”, “những người công chính”… mà đại diện tiêu biểu chính là những nhân vật được “các tin mừng thời thơ ấu” nêu bật: Giacaria, Isave, Simeon, Anna, Giuse, Maria, các mục đồng thành Bêlem…, những con người mà con đường đi tới “gặp gỡ Đấng Thiên Chúa làm người”, con đường “diện kiến Đấng Emmanuel”, con đường “bái lạy Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ”, con đường “làm cha nuôi hay mẹ ruột Đấng Cứu Thế”, hay con đường “bồng ẵm Đấng Cứu Độ trên tay”… đều rực sáng lên, thứ ánh sáng siêu linh tuyệt diệu mà chỉ cần “được nhìn thấy một lần là có thể ra đi bình an” (Lc 2,29-32).
Nhưng nếu “Chúa đến”, “Chúa Hiển Linh”, mà chỉ gói gọn, hạn chế cho một số ít người như thế thì “ai mà coi được”. Thì ra, sứ điệp Giáng Sinh muốn chúng ta chiêm ngưỡng chiều kích sâu xa và lạ lùng của huyền nhiệm Nhập Thể trong cái nhỏ bé tầm thường; chiêm ngưỡng cung cách “vào đời” đầy bất ngờ của Thiên Chúa Toàn Năng trước những âm mưu và dự đoán sai bét của đầu óc hợm hĩnh kiêu căng; chiêm ngưỡng con đường “mang lấy xác phàm và cắm lều ở giữa nhân loại” đầy khiêm hạ, giản đơn của Đấng là Ngôi Lời toàn năng đã ở trong cung lòng Chúa Cha từ muôn thuở (Ga 1,1-14) ngoài âm mưu và toan tính của những đầu óc khôn ngoan thông thái... Và từ thái độ “chiêm ngưỡng những điều lạ lùng của Thiên Chúa đó” sẽ mở ra tấm lòng bé nhỏ đơn sơ, khó nghèo khiêm hạ, như một mảnh đất tâm hồn sẵn sàng để Chúa đến, để Chúa vào đời, để Chúa lớn lên trong ta và cho toàn thế giới.
Tiếp tục “khai thác chủ đề Giáng Sinh”, nhưng sứ điệp phụng vụ lễ Hiển Linh lại “đẩy lên một chiều kích mới”: Chúa đến, Chúa vào đời, Chúa Giáng Sinh…, nói chung, đó là một cuộc “Hiển Linh” theo đúng nghĩa của từ Epyphaneia của Hy Lạp: Sự tỏ hiện. Chính vì thế, trong truyền thống xa xưa của Hội Thánh, Phụng vụ Hiển Linh kính nhớ 3 mầu nhiệm về “sự tỏ hiện hay hiển linh” của Ngôi Hai Thiên Chúa: Hiển Linh qua “vì sao lạ dẫn đường Ba Vua Phương đông đến thờ lạy”, Hiển linh qua biến cố chịu phép rửa bên dòng sông Gio-đan và hiển linh qua phép lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.
Dụng ý của Phụng vụ Hiển Linh còn muốn nhấn mạnh rằng: việc Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa đi vào trần gian, Thiên Chúa “đến cắm lều ở giữa nhân loại” không phải là chuyên riêng tư của một gia đình bé nhỏ: Giu-se, Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su, hay chỉ liên quan đến “một số ít người”; nhưng là công cuộc cứu độ có liên quan đến toàn thể nhân loại, ảnh hưởng trên toàn bộ lịch sử loài người và cả vũ trụ, trải dài trên mọi chiều kích không gian và thời gian mà ngôn sứ Isaia đã từng tiên báo: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem ! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân; nhưng trên mình ngươi, Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi …”. Quả thật, vị sứ ngôn đã thoáng thấy vẽ huy hoàng tráng lệ và tràn ngập ánh sáng của một “Giêrusalem” đầy mộng ước mà công trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ chính thức được khai mào trong đêm “rực sáng ở Bê-Lem” và sẽ viên thành với một “Giêrusalem mới” trong vương quốc Thiên Chúa.
Và, dự báo của Isaia đã trở thành hiện thực như chúng ta vừa long trọng cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh ngập tràn ánh sáng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), để nhờ đó, như lời xác tín của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô (BĐ 2): “các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần với lới hứa của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (Ep 3,6). Vâng, “dân ngoại” mà Thánh Phaolo nói tới đó được minh họa đầy ấn tượng và rõ nét qua chân dung ba nhà đạo sĩ phương đông với những lễ vật cũng mang đầy ý nghĩa Cứu độ: vàng (vương đế), nhũ hương (tư tế), mộc dược (khổ nạn hay mầu nhiệm Vượt Qua); hay “dân ngoại” cũng chính là đoàn dân ô hợp mang đầy tội lỗi oan khiên mà ở giữa họ có chàng thanh niên đến từ Nadaret đang sắp hàng xuống dòng sông Giođanô để ông Gioan là phép thanh tẩy; và “dân ngoại” cũng chính là muôn vạn ức triệu gia đình nhân loại đang “bẽ mặt vì thiếu rượu” nhưng lại được sự can thiệp kịp thời của vị Rabbi Giêsu khi biến hàng trăm lít nước lã thành rượu ngon để tiệc cưới mãi vang lên tiếng cười…
Và nếu hiểu, nếu xác tín huyền nhiệm Hiển Linh là như thế, thì những con đường thế giới hôm nay cho dù có “tối đen như mực” vì bóng tối của dịch covid-19 vẫn sẽ bừng lên “ánh sáng của niềm hy vọng sự sống”, ánh sáng đến từ những “ngôi sao hiển linh” không là những ánh sao vật chất vụt sáng trên bầu trời để rồi lịm tắt, mà là những con người bằng xương bằng thịt, những y bác sĩ, những người thiện nguyện… ngày đêm phục vụ đến quên thân mình; ánh sáng đến từ những “ngôi sao hiển linh” không phải là những tay tài phiệt tham lam và chính trị độc tài vị kỷ, nhưng là những người cha, người mẹ hiền hậu hy sinh, những đôi vợ chồng son sắt chung thuỷ, những người công nhân, nông dân thiện lương công chính, những bậc chân tu quảng đại quên mình….Vâng, chính “ngôi sao hiển linh” đó sẽ làm cho “Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 97).
Và như thế, “mầu nhiệm Hiển Linh” của Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn còn đang ở phía trước, vẫn là một “gọi mời” để nhân loại cất bước lên đường tìm kiếm “ánh sao lạ Bê Lem” như ba nhà đạo sĩ thuở nào; và nhất là để những ai đã một lần “được ánh sao Bêlem dẫn đường soi chiếu”, phải “tránh xa con đường của Hêrôđê, con đường của tham sân si, của bạo tàn khát máu, của vật dục kiêu căng… và “tìm đường khác trở về xứ sở mình”, quê hương mình, để loan Tin Mừng Cứu Độ và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhiều người đang còn “ngồi trong bóng tối tăm sự chết”.
Và như thế, Giáng Sinh, Hiển Linh không là câu chuyện cổ tích để mỗi năm chúng ta đọc lại một lần, diễn lại như một “đoạn phim của quá khứ”, mà, phải là một khởi đầu mới, như cách cảm nhận của một bài thơ:
Khi ngôi sao trên bầu trời biến mất
Khi các vua chúa và hoàng tử đã ở nhà
Khi các mục đồng và đoàn súc vật đã trở về
Thì công việc Giáng Sinh mới bắt đầu:
Để tìm lại những gì đã mất
Để hàn gắn những gì đã gãy đổ
Để người đói được ăn no
Để tù nhân được giải phóng
Để các nước xây dựng lại
Để đem an bình cho mọi người
Và để hòa nhạc bằng trái tim.
Và, chẳng phải đợi chờ hay tìm kiếm đâu xa, một chút nữa đây thôi, chính Chúa Giêsu sẽ “hiển linh” cho mỗi người chúng ta cách trầm lắng, khiêm lạ, giản đơn qua “Tấm Bánh, Ly Rượu” là chính Máu Thịt của Ngài được trao ban. Chắc chắn những con người mà thế giới cho là to lớn quan trọng như Tập Cận Bình, Donald Trump, Kim Dông ủn…, những nhà tài phiệt nắm trong tay hàng trăm tỷ đôla…, sẽ không nhận ra “sự hiển linh diệu kỳ” nầy đâu ! Vâng, chỉ có những ai “khao khát mới được toại lòng” và chỉ những ai “trong sạch trong lòng mới được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,6.8), chẳng khác nào, như ba nhà đạo sĩ khi xưa, chỉ khi ra khỏi cái “đô thành Giêrusalem trần tục của Hêrôđê”, mới tìm lại được “… ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” !
Thì ra, “Chúa đang lại hiển linh bây giờ”. Amen.
Trương Đình Hiền
(Lễ Chúa Hiển Linh)
Thiên Chúa không chỉ muốn mà Người còn tìm mọi cách thế tỏ mình ra cho mọi người mọi thời thuộc mọi hoàn cảnh để có thể nhận biết Người mà được hưởng hạnh phúc đích thật, vĩnh tồn.
Với những người dân dã, chăn nuôi loài vật thì đó là sự xuất hiện của các thiên thần. Với các nhà chiêm tinh (thiên văn gia) thì đó là sự xuất hiện của ngôi sao lạ. Với Vua Hêrôđê là câu hỏi của các thiên văn gia: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra hiện ở đâu?” (Mt 2,2). Với các thượng tế và kinh sư thì chính là Lời Chúa trong sách ngôn sứ Mikêa: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân ta sẽ ra đời” (Mt 2,6).
Ánh Sáng Chân – Thiện – Mỹ đã tỏ bày thế mà đã và đang còn đó nhiều người không muốn thấy như Hêrôđê và không dám thấy như các thượng tế và kinh sư ngày nào.
Hêrôđê đã không muốn thấy và còn tìm cách dập tắt Ánh Sáng ấy vì nó đụng đến đặc quyền, đặc lợi của mình.
Các kinh sư và thượng tế không dám thấy vì sợ bị thiệt thân, bị bách hại. Nếu lên đường đi đến Bêlem thì hầu chắc sẽ không yên với vua Hêrôđê và cũng có thể bị rơi đầu.
Số người không muốn thấy mà còn tìm cách dập tắt Ánh Sáng hầu như không nhiều, vì thường đó là những người gian ác đang nắm quyền cao chức trọng. Tuy nhiên số người không dám thấy Ánh Sáng thì có lẽ đếm không xuể. Biết đó là điều đúng, đẹp và tốt nhưng rồi lắm nỗi sợ hãi bủa vây khiến ngay cả nhiều người xem ra là “công chính”, là “đạo đức”… cũng không dám thấy, nghĩa là không can đảm bảo vệ, xây dựng.
Như các mục tử, các nhà chiêm tinh đã thực hiện thì một dấu chỉ minh chứng cho việc can đảm tìm thấy Ánh Sáng Chân – Thiện – Mỹ đó là “ra đi – lên đường” và có lúc cần cũng phải biết “xuống đường”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
10. Lúc nào chúng ta hồi tâm hướng lên cùng Chúa thì sẽ thấy Ngài yêu thương chúng ta, so với trước khi chúng ta phạm tội thì càng nhiều hơn.
(Thánh nữ Terese of Lisieux)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một người rất keo kiết bủn xỉn, muốn làm cho mình càng thêm bủn xỉn bèn đi đến một người được gọi là “bủn xỉn đại sư” bái làm sư phụ, lúc đi cầu kiến thì ông ta đem theo hai lễ vật: một con cá bằng giấy và một bình nước lã gọi là rượu.
Nhưng sư phụ không có nhà nên sư mẫu ra tiếp kiến, bà ta biết ông ta đến để học bản lãnh, bèn kêu tớ gái đem ra một cái ly không, nói:
- “Mời ông dùng trà.”
Rồi lại lấy hai tay xoa xoa giống như làm bánh cuốn, nói:
- “Mời ông dùng bánh”.
Sư phụ trở về, nghe vợ thuật lại việc mình tiếp đãi học trò thì vội vàng nói:
- “Bà quá lãng phí.”
Rồi lại dùng tay bụm lại như nửa cái bánh nhỏ và nói:
- “Nửa cái bánh là đủ rồi !”
(Tuyết Đào Hài Sử)
Suy tư 25:
- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn có mắt mà như đui: họ thấy người nghèo khó nhưng không giúp đỡ.
- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn có tai mà cũng như điếc: họ không nghe tiếng thở dài của người nghèo khó, và không nghe tiếng khóc của em bé bụng đói ăn không no dạ vì ba mẹ đã chết.
- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn giàu có tiền dư của để cũng bằng thừa: họ gởi tiền nhiều ở ngân hàng nhưng keo kiệt không dám lo cho mình thì làm sao lo cho người khác !
- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn có tâm hồn mà cũng như không có: họ không biết xúc động trước cảnh người tàn tật ăn xin bên vệ đường.
Có một vài người Ki-tô hữu rất hào phóng với việc đem tiền dâng cúng để xây cất nhà thờ, nhưng lại keo kiệt bủn xỉn với người nghèo vài ba đồng bạc, họ không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang ở trong một đền thờ nghèo khổ nhưng sống động nơi những người nghèo khó bất hạnh.
Có nhiều người Ki-tô hữu nói rằng đền thờ vật chất (được xây dựng bởi xi măng cốt sắt, kiên cố, đẹp hùng tráng) và đền thờ tâm hồn (của mình và của tha nhân) cả hai đều giống nhau và quan trọng như nhau, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người Ki-tô hữu hào phóng với đền thờ vật chất, và bủn xỉn keo kiệt với đền thờ tâm hồn?
Thưa, có rất nhiều người, vì trong thực tế họ đã không đặt hai loại đền thờ ngang nhau, họ rộng tay với nhà thờ vật chất và bóp chặt hầu bao với đền thờ tâm hồn của mình cũng như của tha nhân, nên gọi họ là những đại sư bủn xỉn hơn là người Ki-tô hữu chân chính.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Video bắt đầu lúc 7g tối 3/1 (giờ Việt Nam)
Tin Mừng Ga 1,35-42
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".
LỄ HIỂN LINH
Khi dạy giáo lý cho người lớn, nhất là các đôi bạn chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, tôi hay đặt câu hỏi:
- Yêu nhau lắm, phải không? Yêu đến mức lỡ ngày nào không gặp nhau, ta nhớ nhau như có ai xé lòng mình, đúng không?
- Yêu nhau lắm, tưởng như người này hòa trộn trong người kia, nhưng người kia nghĩ gì, bạn có biết không?
Mỗi người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm này lớn cho đến mức, dẫu là tình yêu lứa đôi, một thứ tình yêu tưởng như nên một trong nhau, vậy mà hai người vẫn cứ là hai thế giới xa nhau diệu vợi.
Đó mới thật là bí ẩn, là sự độc đáo của công trình tạo dựng. Đó mới thật là huyền nhiệm: không ai có thể lồng trong ai. Không bao giờ người này lại có thể hòa trộn trong người kia. Dù chúng ta đang yêu nhau đắm đuối, dù có khi được gọi là "nên một", cũng không bao giờ lại có thể có bất cứ ai ở trong nhau đúng nghĩa.
Mỗi người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm này lớn cho đến mức, dẫu là tình yêu lứa đôi, một thứ tình yêu tưởng như nên một trong nhau, vậy mà hai người vẫn cứ là hai thế giới xa nhau diệu vợi.
Con người đối với nhau đã là huyền nhiệm, thì càng không lạ gì khi Thiên Chúa luôn luôn là huyền nhiệm của con người. Đó là chân lý. Đó là điều hiển nhiên.
Lễ Hiển Linh tức là lễ Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại. Đại diện cho dân ngoại là ba nhà đạo sĩ phương Đông. Ba ông nhận ra ánh sao trên bầu trời và vội vã lên đường đi tìm Con Thiên Chúa vừa giáng sinh.
Gọi là Thiên Chúa tỏ mình, nhưng sự tỏ mình qua một ánh sao vẫn cho thấy Thiên Chúa là một huyền nhiệm lớn lao vô cùng.
Dẫu ngôi sao trên bầu trời có lạ thường đến đâu, có sáng chói đến mức độ nào, thì sự tỏ mình ấy vẫn mù mờ, vẫn xa xăm đối với nhận thức của con người.
Bởi đó, chỉ có ai thao thức tìm kiếm Thiên Chúa, chỉ có ai trung thành sống đức tin mới có thể nhận ra Thiên Chúa đang tỏ mình với cuộc đời nói chung và cuộc đời của chính mình nói riêng.
Thiên Chúa đã tỏ mình, nhưng tự bản chất, Người là một huyền nhiệm. Để nhận ra sự tỏ mình của Thiên Chúa, mãi mãi vẫn cần một điều kiện. Điều kiện đó là lòng thao thức tìm kiếm Thiên Chúa và sống đức tin trung thành.
Có như thế, ta mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời ta dẫu là sướng vui hay hạnh phúc.
Nói đơn giản: Thiên Chúa vẫn đang hiện diện và luôn luôn tỏ mình, chỉ cần bạn thao thức tìm kiếm Người và trung thành sống đức tin, bạn sẽ nhận ra Người.
Ba nhà đạo sĩ đã lên đường tìm kiếm và đã tin. Bạn cũng sẽ nhận ra Thiên Chúa tỏ mình bằng đời sống đức tin, bằng sự cầu nguyện, bằng tình yêu mà bạn hiến dâng cho Người.
“Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người”.
Anh Chị em thân mến,
Ơn cứu độ của Thiên Chúa không dành riêng cho một ai, ánh sáng yêu thương của Người luôn ‘rọi chiếu và mời gọi’ mọi người; với ba nhà đạo sĩ, ánh sáng đó là ngôi sao xuất hiện bên trời Đông, cũng là ánh sao đã ‘rọi chiếu và mời gọi’ họ đến Bêlem thờ lạy Chúa Giêsu Hài Đồng.
Rất có thể, các đạo sĩ đến từ Ba Tư, Iran ngày nay; họ là những người thường xuyên nghiên cứu các vì sao. Tuy không phải là người Do Thái nhưng rất có thể, họ nhận thức một niềm tin phổ biến nơi người Do Thái rằng, một vị vua sẽ ra đời, cứu họ; và Thiên Chúa đã kêu gọi các đạo sĩ đến chiêm bái Đấng Cứu Độ muôn dân. Điều thú vị là Người đã sử dụng một thứ rất quen thuộc với họ như một công cụ, đó là các vì sao. Họ tin rằng, khi một yếu nhân ra đời, một ngôi sao mới xuất hiện. Vì vậy, khi nhìn thấy ngôi sao rực rỡ, lạ lẫm này, lòng họ ngập tràn niềm vui, hy vọng và không ít hiếu kỳ. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của câu chuyện là họ đã đáp lại. Phải, họ đã bắt đầu một hành trình dài, gian khổ và gặp được Con Chúa Trời. Thiên Chúa sử dụng những gì quen thuộc nhất, Người dùng một phần cuộc sống hàng ngày của họ để mời họ; và những tấm lòng thành tâm, trong sáng này đã cho phép Người nói nhiều điều ngay trong thế giới của mình, từ chiêm tinh học đến Hêrôđê, từ ngôi sao lạ đến đứa trẻ trong máng lừa.
Ngôi sao cũng rọi cho Hêrôđê, cho thế gian, nhưng ông và thế gian của ông không thấy; với họ, chỉ có bóng tối. Kẻ không thành tâm có thể lý thú với ý tưởng về Thiên Chúa, thậm chí tò mò về Người, nhưng họ coi thường lời mời; hiếm khi họ rời hoàng cung, hy sinh thời giờ, hoặc ước muốn phục vụ Người. Có chăng, những người kiêu hãnh rời cung điện mình và sau đó, kỳ lạ tuyên bố, không có Chúa; bởi lẽ, họ sợ đánh mất một thế giới thoải mái tiện nghi. Còn các đạo sĩ, gặp Hài Nhi, họ mở kho báu, dâng Ngài vàng, nhũ hương và một dược; đúng hơn, họ cho đi tình yêu vì đang được tác động bởi tình yêu; đúng hơn nữa, tình yêu đã ‘rọi chiếu và mời gọi’ họ.
Chuyện kể về vua Louis XI nước Pháp, một người rất tin chiêm tinh học. Ngày kia, vua bị ám ảnh khi một nhà chiêm tinh báo trước rằng, một phu nhân triều đình sẽ chết sau tám ngày. Vua triệu tập nhà chiêm tinh, sau đó ra lệnh ném vị khách ra khỏi cửa sổ. Vua nói, “Ngươi tuyên bố mình biết số phận người khác, vậy hãy nói cho ta, số phận của ngươi sẽ ra sao và ngươi còn sống được bao lâu?”; nhà chiêm tinh trả lời, “Tôi sẽ chết trước bệ hạ chỉ ba ngày”. Nghe thế, vua Louis kinh hãi, huỷ bỏ kế hoạch giết người ấy; và điều đáng nói, là sau đó, vua đã thay đổi cách sống!
Anh Chị em,
Thiên Chúa dùng một nhà chiêm tinh làm ngôi sao ‘rọi chiếu và mời gọi’ vua Louis. Cũng thế, Người vẫn thường sử dụng một số phần bình thường nhất trong cuộc sống chúng ta để gửi đến lời kêu gọi của Người. Người gọi chúng ta, qua một ngôi sao theo một cách thức nào đó trong mỗi đấng bậc; vậy mà nhiều khi chúng ta bỏ qua lời mời của Người. Thật lạ lùng, sao sáng rực, lạ lẫm chiếu soi trên trời, nhưng chỉ ba nhà đạo sĩ thấy, đi theo; chứ không phải mọi người. Bởi lẽ, họ biết nhìn lên cao; tâm hồn họ khát khao một Đấng từ trời cao; trái tim họ thanh thoát với đất thấp; họ không bằng lòng với sự tầm thường của cõi trần. Như Carlo Acutis nói, “Hoán cải không gì khác hơn là hướng nhìn lên cao, một chuyển động của mắt là đủ”. Thiên Chúa đang ‘rọi chiếu và mời gọi’ mỗi người chúng ta không ngừng ngước lên cao, nghĩa là không ngừng ra khỏi tư duy, ước mong hẹp hòi, ra khỏi vùng an toàn của bản thân, ra khỏi ‘cung điện tôi’ của mình; ngõ hầu, mỗi ngày tìm kiếm Chúa, phụng thờ Chúa và nói về Chúa. Mỗi ngày, một hiển linh cần thiết đang chờ đợi tôi, nó sẽ cho phép tôi mở kho bạc lòng mình, mang cho Thiên Chúa những quà tặng của bản thân, tốt nhất và thú vị thay, cả xấu nhất. Không trải qua tình yêu này, cuộc sống của chúng ta vẫn khép kín, không có nội lực để trao toàn thân cho Ngài cách trọn vẹn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con mau mắn nhận ra ngôi sao dẫn lối của Ngài trong cuộc đời con qua vô số cách thức mà Chúa ‘rọi chiếu và mời gọi’ con mỗi ngày. Để từ đó, con mau mắn đáp lại tiếng Chúa, không chỉ một lần, nhưng mọi lần, bằng cả trái tim; phải, bằng cả trái tim”, Amen.
(Tgp. Huế)
Trong diễn từ đầu năm mới, Thủ tướng Scott Morrison nói: Chúc mừng năm mới, nước Úc, vì chúng ta là một và tự do.
Người Úc đón chào một năm mới với một bài quốc ca vừa được sửa lời sau khi Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố thay đổi lời bài quốc ca vào hôm thứ Năm. Trong nỗ lực phản ánh lịch sử bản địa lâu đời của đất nước, bài hát sẽ không còn đề cập đến nước Úc trẻ trung và tự do. Câu “For we are young and free” được sửa thành “For we are one and free.” Úc đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ để hòa giải với những người thổ dân đến lục địa này khoảng 50,000 năm trước khi người Anh đến đây. Mỗi năm đất nước có một ngày quốc lễ gọi là Australia Day để kỷ niệm ngày đội tàu đầu tiên khởi hành từ Anh đến Sydney vào năm 1788.
Một số người bản địa gọi Australia Day là ngày xâm lược. Thủ tướng Morrison cho biết Quốc ca phải phản ánh nhiều hơn sự đa dạng của đất nước.
Ông nói: Bài quốc ca của chúng ta nói về chúng ta, chúng ta là ai và chúng ta hy vọng trở thành ai. Chúng ta là một nền dân chủ tự do mạnh mẽ và sôi động. Chúng ta đang sống trong một vùng đất vượt thời gian của các dân tộc đầu tiên cổ đại và chúng ta cùng nhau vẽ nên những câu chuyện của hơn 300 tổ tiên và các nhóm ngôn ngữ dân tộc.
Ý tưởng thay đổi từ ngữ được đưa ra vào năm 2020 bởi Thủ hiến New South Wales, Gladys Berejiklian, người cho biết cách nói hiện tại đã bỏ qua lịch sử của Úc, nền văn hóa đầu tiên đáng tự hào của quốc gia. Hiện Úc đang có sự tập trung mới vào việc trao quyền cho người bản xứ.
Source:Reuters
Một nhà thờ Công Giáo ở thành phố Leicester của Anh cho biết họ đã phải gánh chịu một “làn sóng tội phạm” sau một loạt các vụ phá hoại.
Thành phố Leicester, ở miền Trung nước Anh, vốn nổi tiếng hiền hòa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đã chứng kiến các hành vi quá khích. Phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, tại Anh đã xuất phát từ thành phố này.
Nhà thờ Holy Cross do dòng Đa Minh điều hành nằm ở khu vực trung tâm của thành phố và có lịch sử là trung tâm của người Công Giáo ở Leicester.
Vào ngày 29 tháng 12, cửa sổ của nhà thờ đã bị đập vào buổi sáng và nghi phạm không bỏ chạy nhưng đứng đó quát mắng các nhân viên, và chế nhạo các tu sĩ dòng Đa Minh là “những kẻ ăn bám”. Hắn ta đã bị cảnh sát bắt giữ.
Một thông báo đăng trên trang Facebook của nhà thờ cho biết “Chúng tôi đã gọi cảnh sát khi người này lớn tiếng chửi bới nhà dòng. Cảnh sát đã gửi 3 chiếc xe đến trong vòng vài phút, khi hung thủ vẫn còn đứng đó.”
Hành vi phá hoại được ghi lại vừa gây ra các thiệt hại hình sự vừa là một tội ác thù hận đức tin vì kẻ phạm tội cáo buộc rằng “những Kitô hữu chỉ là bọn ký sinh trùng”.
Nhà thờ ước tính việc sửa chữa các cửa sổ sẽ tốn hơn 2,000 bảng Anh, tức là 2,725 Mỹ Kim.
Các tu sĩ dòng Đa Minh cho biết đây chỉ là sự cố mới nhất trong một loạt vụ việc ảnh hưởng đến nhà dòng.
Vào cuối tháng 11, hai người đàn ông bước vào nhà thờ vào một buổi sáng Chúa Nhật và đi vòng quanh nhà thờ mà không đeo khẩu trang y tế - vi phạm các quy định COVID-19 - và giật cây thánh giá từ cung thánh xuống, chụp ảnh họ xung quanh nhà thờ và mang cây thánh giá đi xung quanh nhà thờ trong một cử chỉ đầy đe doạ.
Một tên thậm chí còn ngồi trên bàn thờ, nơi cử hành các thánh lễ.
“Đây là một hành động phạm thánh, vì bàn thờ là phần thiêng liêng nhất của nhà thờ”, giáo xứ Holy Cross cho biết.
Vào đêm Giáng sinh, hai tên này quay lại nhà thờ, làm gián đoạn buổi lễ và thậm chí còn định đấm một trong những nhân viên bảo vệ.
Giáo xứ yêu cầu giáo dân liên hệ với hội đồng thành phố, quốc hội và cảnh sát để “nói rằng có một vấn đề nội tại trong các hoạt động tội phạm đang đe dọa giáo xứ của chúng tôi.”
Source:Crux
Người Anh thức dậy với cuộc sống bên ngoài quỹ đạo của Liên minh châu Âu vào ngày đầu năm mới - đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ liên lạc 48 năm đầy khó khăn với Liên Hiệp Âu Châu. Từ chuyên môn gọi việc Anh tách ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu là “Brexit”.
Hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là chuyến xe lửa cuối cùng rời Paris để sang Luân Đôn ngay trước giờ Brexit.
Việc đi lại tự do giữa Anh và Liên Hiệp Âu Châu chấm dứt vào lúc 12 giờ đêm Giao Thừa. Các thủ tục liên quan đến hộ chiếu được áp dụng ngay sau đó.
Giám đốc các vấn đề công cộng của Eurotunnel, John Keefe, tin rằng việc triển khai các thủ tục hậu Brexit cho đến nay, đã là một thành công.
“Mọi chuyện diễn ra rất tốt, chúng tôi dự đoán giao thông sẽ tiếp tục lưu thông như hôm qua và mọi ngày và thực tế đó chính xác là những gì đã xảy ra. Đến 11 giờ đêm qua, chiếc xe tải đầu tiên lăn bánh làm thủ tục nhanh không kém”.
Còn đây là hình ảnh chuyến xe lửa đầu tiên đến Paris từ Luân Đôn ngay sau giờ Brexit.
Một số cư dân của thị trấn Dover của Anh, một cảng chính cho các chuyến phà đến Calais, đã hoan nghênh sự ra đi của Vương quốc Anh.
“Tôi thực sự rất vui. Brexit còn lâu mới là điều không may. Chúng tôi đã thấy quá nhiều người bàn cãi về chuyện này trên tin tức. Boris làm điều đó rất hay. Anh ấy đã đóng đinh nó. Chúng tôi đang ở một vị thế tốt hơn nhiều”.
Nhưng những người khác lại tỏ ra hoài nghi.
Brexit là sự thay đổi địa chính trị quan trọng nhất của Vương quốc Anh kể từ khi mất đế chế - và nó không chắc sẽ là một chuyến đi hoàn toàn suôn sẻ.
Với việc Vương quốc Anh hiện đã thoát khỏi Thị trường chung và Liên minh thuế quan châu Âu, gần như chắc chắn sẽ có một số gián đoạn ở biên giới.
Và điều đó có nghĩa là chi phí nhiều hơn cho những người xuất nhập khẩu hàng hóa.
Brexit cũng đã làm suy yếu các mối quan hệ ràng buộc Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland.
Thủ tướng Boris Johnson coi việc ra đi là một “khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước này” và nói “tự do” đã về tay Vương quốc Anh.
Johnson, gương mặt đại diện cho chiến dịch Brexit, đã nói ngắn gọn về những gì ông muốn xây dựng với “nền độc lập” mới của Anh trong thông điệp cuối năm
Source:Reuters
Theo Đức Cha Jan Hendriks, Giám Mục bản quyền của Giáo phận Haarlem-Amsterdam, Đức Mẹ có thể được tôn kính với danh hiệu “Mẹ Của Mọi Dân Nước”, nhưng điều này không nên được trình bày như một sự công nhận các cuộc hiện ra và các thông điệp liên quan đến các cuộc hiện ra này. Ngài bày tỏ quan điểm trên trong một tuyên bố hôm 30 tháng 12.
Bà Ida Peerdeman, sinh năm 1905 và qua đời năm 1996, tuyên bố vào đầu thập niên 1970 rằng Đức Maria đã hiện ra với bà nhiều lần và đưa ra các thông điệp từ năm 1945 đến năm 1959. Bà cũng tuyên bố rằng Đức Maria đã yêu cầu bà viết thư cho Đức Giáo Hoàng và yêu cầu ngài ban hành tín điều Đức Mẹ là “Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Đấng Trung Gian, và Đấng Biện Hộ”.
Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate”– tính chất không siêu nhiên được chứng thực, nói nôm na là do người ta nghĩ ra, không phải là thật.
Phong trào tôn sùng Đức Mẹ dưới danh hiệu “Mẹ Của Mọi Dân Nước” ở Hà Lan, quốc gia rất nhạt đạo, đã làm bùng lên nhiều hy vọng cho Giáo Hội địa phương. Cho nên, một phán quyết liên quan đến các thị kiến của bà Ida Peerdeman cần phải được suy xét hết sức cẩn thận.
Sau một thời gian dài nghiên cứu một núi khổng lồ các tài liệu liên quan đến vấn đề này, tất cả các thành viên của một ủy ban, do Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành, đã kết luận rằng các cuộc hiện ra được bà Ida Peerdeman báo cáo là “non constat de supernaturalitate”: tính chất không siêu nhiên được chứng thực.
Đức Cha Hendriks chỉ ra rằng phán quyết của Bộ Giáo Lý Đức Tin “đã được Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phê chuẩn vào ngày 5 tháng 4 năm 1974 và được công bố vào ngày 25 tháng 5 năm 1974, đã bác bỏ tính chất siêu nhiên của các cuộc được cho là hiện ra này. Ngoài ra, phán quyết còn đòi hỏi - và vẫn còn đòi hỏi - một chỉ thị chấm dứt mọi hoạt động quảng bá về những lần hiện ra và các thông điệp” do bà Ida Peerdeman đưa ra.
Phong trào cổ võ các “thông điệp” của Bà Ida Peerdeman đã bùng phát trong thời gian gần đây khi Hà Lan trải qua trận đại dịch coronavirus kinh hoàng. Tính đến ngày 2 tháng Giêng, tử vong tại Hà Lan đã lên đến 11,565 người, trong số 813,765 trường hợp nhiễm coronavirus. Đó là những con số thương vong kinh khủng đối với một quốc gia chỉ có 17,280,000 dân.
Theo Đức Cha Jan Hendriks, tình hình trở nên phức tạp vào năm 2002 khi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Cha Jos Punt công nhận tính chất siêu nhiên của các cuộc hiện ra. Ngài khẳng định cho đến nay “chỉ có một tuyên bố duy nhất vào năm 1974” đã được biết đến.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Katholiek Nieuwsblad, một thành viên của Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng Đức Cha Punt đưa ra quyết định này mà không có sự chấp thuận của Vatican.
Sau khi tham khảo ý kiến với Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Cha Hendriks đã đưa ra tuyên bố vào ngày 30 tháng 12. Ngài lưu ý rằng danh hiệu “Mẹ Của Mọi Dân Nước” tự nó có thể chấp nhận được về mặt thần học. Ngài viết: “Việc cầu nguyện với Đức Maria và nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của các dân tộc chúng ta, sẽ giúp ích cho sự phát triển của một thế giới thống nhất hơn, trong đó tất cả đều nhận mình là anh chị em với nhau, tất cả đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Cha chung của chúng ta”.
Đức Cha nhấn mạnh rằng các tín hữu có thể sử dụng hình ảnh “Mẹ Của Mọi Dân Nước” và một kinh nguyện được Bộ Giáo Lý Đức Tin phê duyệt vào năm 2006. Tuy nhiên, tất cả những điều này “không thể hiểu là sự công nhận – dù là hiểu ngầm - về đặc tính siêu nhiên của một số hiện tượng, trong khuôn khổ mà danh hiệu đó dường như đã được khởi nguồn”.
“Theo nghĩa đó, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh tính hợp lệ của phán quyết phủ nhận đặc tính siêu nhiên của những ‘cuộc hiện ra và các mặc khải’ đối với nữ giáo dân Hà Lan Ida Peerdeman”.
Ngài nhìn nhận rằng “nhiều tín hữu có thể cảm thấy bị tổn thương trước phán quyết bác bỏ của Bộ Giáo Lý Đức Tin về các cuộc hiện ra”. Ngài nói rằng ngài hiểu sự thất vọng của họ và hy vọng rằng lòng sùng kính ở dạng đã được phê duyệt “có thể là một niềm an ủi cho họ”.
Đức Cha Hendriks kêu gọi tất cả những người có liên quan nên tuân theo “phán quyết của Giáo Hội” trong khi tin tưởng rằng “Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Người và không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội; và phán quyết ấy chắc chắn không làm tổn thương đến lòng nhiệt thành yêu mến của chúng ta đối với Đức Maria, Mẹ của mọi Dân tộc”.
Source:Crux
Câu chuyện xẩy ra từ hồi tháng 7 năm 2020, lúc hiện tượng George Floyd lên cao ở Hoa Kỳ. Trong những cái quá lạm của các cuộc biểu tình BLM (Black Lives Matter), người ta đã giật sập tượng Thánh Junipero ở San Francisco và Los Angeles. Ngay lúc ấy, Cha Mario Arroyo, một linh mục Mễ Tây Cơ, hiện là giáo sư thần học tại Đại Học Pan-American, đã chua chát nhận định qua bài viết trên tờ “Thần Học cho Thế hệ Thiên niên kỷ” tựa là Junipero, Activism, and Ignorance (Junipero, Chủ nghĩa Đấu tranh, và sự Ngu dốt). Hồi ấy, ít người chịu đọc bài viết của cha. Nay thì cao trào BLM đã hạ màn, lòng người tương đối dịu xuống, đọc lại bài viết quả thấy thấm thía:
Những lời vu khống có tính lịch sử mà nhân vật nổi tiếng là Thánh Junipero Serra phải gánh chịu hiện là điều thật sự rất đau buồn. Một xúc phạm sự thật nghiêm trọng, như thường xảy ra với những lời nói dối, đã được sử dụng để thao túng công luận, bằng cách dùng những kẻ ngu dốt hữu ích để tạo ra một “người rơm” khổng lồ, lừa dối ngụy biện. Một “sự vu khống đang tiếp diễn cách nào đó” và nó còn tiếp diễn nhiều hơn nữa nếu những người tiếp nhận sự lừa dối là những người ngu dốt. Trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy những hậu quả tai hại của cuộc hôn nhân giữa chủ nghĩa đấu tranh chính trị và sự ngu dốt hời hợt, đến mức các định chế, vốn là cơ sở của một xã hội văn minh, bị đe dọa, trong khi lịch sử được viết lại một cách khéo léo có lợi cho ý thức hệ thời thượng.
Thật đau lòng khi cơn thịnh nộ mang tính biểu tượng, xổ lồng nhắm vào Thánh Junipero, nảy sinh giữa một xã hội rất phát triển, với các tiêu chuẩn cao về giáo dục. Thật đáng buồn khi chứng kiến việc thiếu nghiêm túc và thiếu sâu sắc, tức sự hời hợt đau lòng nhất, đã tiếm đoạt vị trí tiên phong về kỹ thuật trên thế giới. Không thể là gì khác ngoài một điềm báo cực kỳ tồi tệ khi thấy sự man rợ lại có thể nảy sinh một cách trơ trẽn, và sự ngu dốt lại được tôn thờ đến thế, tại chính nơi diễn ra những tiến bộ kỹ thuật vĩ đại nhất, trong cái nôi quyền lực của nền văn minh của chúng ta.
Loại bỏ các bức tượng của Thánh Junipero ở Los Angeles và San Francisco, thiết lập diễn trình xét xử ngài theo mẫu chống dị giáo ngày xưa, đầy những lập luận ngược thời, sự ngu dốt có lọc lựa và các giả trá, hợp pháp hóa việc sử dụng bạo lực, thay vì thảo luận nghiêm túc và nghiên cứu sâu sắc, không thể là gì khác ngoài việc là những dấu hiệu thao túng, biểu lộ sự suy sụp của văn minh. Như trước đây ở La Mã, những người man rợ đã tiếp quản quyền lãnh chúa ở đất nước hùng mạnh nhất thế giới này.
Những bản án tiền trảm hậu tấu về lịch sử không thể được thực hiện nếu không phạm những bất công sâu xa. Thánh Junipero là một thí dụ điển hình của điều đó. Ngài vốn là người từng rời bỏ quê hương để hiến đời mình cho việc truyền giảng Tin Mừng, từng rời đan viện của mình ở Queretaro, đi bộ 3327 km đến San Francisco, từng hiến đời mình cho các đoàn truyền giáo Phanxicô ở California, vốn là cái nôi của các thành phố lớn của California ngày nay. Ngài là người từng học ngôn ngữ của người bản địa California, từng sống với họ và yêu thương họ, thế mà giờ đây trở thành người bênh vực chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nếu không muốn nói là diệt chủng.
Thánh Junipero đã bảo vệ mạnh mẽ các dân tộc bản địa. Ngài đã không tiếc công sức đi đến Thành phố Mexico, nơi đặt trụ sở của vị phó vương, để trình bày “Tuyên ngôn Nhân Quyền” nhằm bảo vệ người bản xứ và kêu gọi bảo vệ họ. Nổi bật trong các thư từ của ngài là những lời ngài tố cáo thường xuyên các vụ lạm dụng tình dục đối với người bản địa bởi những kẻ chinh phục. Ngài phản đối án tử hình đối với những người đã phá hủy phái bộ truyền giáo San Diego, giết một người bạn là linh mục của ngài, như thế biểu lộ một dấu hiệu nhân từ Kitô giáo, thiết lập một chứng từ cao thượng chống lại án tử hình trên lãnh thổ Bắc Mỹ. Từ những bức thư của ngài, chúng ta biết sự đánh giá và ấn tượng tích cực của ngài đối với người bản xứ, và ngài là một trong những người châu Âu đầu tiên ghi lại và ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của California.
Trái ngược với những gì người ta có thể nghĩ, các sứ bộ truyền giáo không áp đặt đức tin bằng vũ lực. Ngược lại, họ là những cộng đồng đa văn hóa, nơi người bản địa và người Tây Ban Nha làm việc và hoà lẫn với nhau, tạo nên nguồn gốc của giống dân metizo, một sắc dân mới, có nền văn hóa riêng, mà hiện vẫn còn những dấu tích kiến trúc, âm nhạc, văn học và tôn giáo. Người bản xứ không buộc phải theo đạo; chỉ 10 hoặc 20% trong số họ tiếp nhận đức tin Kitô giáo.
“Cuộc diệt chủng ở California” xảy ra một thế kỷ sau Thánh Junipero, trùng với “cơn sốt vàng” ở California. Chính Thống đốc đầu tiên của Tiểu bang đã áp đặt cuộc chiến tiêu diệt chống lại người da đỏ vào năm 1851. Thực thế, chính người Mỹ đã để lại nhiều bằng chứng về điều đó trong phần lớn các bộ phim Viễn Tây, trong đó những người da đỏ độc ác và tàn bạo luôn bị tàn sát. Chính kỵ binh của quân đội Bắc Mỹ chủ yếu gây ra thảm họa diệt chủng, chứ không phải các nhà truyền giáo Tây Ban Nha. Vì vậy, người ta không thể không ta thán sự bất công lịch sử đã gây ra đối với một trong những người rèn đúc nên California, Thánh Junipero Serra.
Tử vong toàn thế giới tính đến sáng ngày 3 tháng Giêng đã lên đến 1,842,901 người, trong số 84,960,492 trường hợp nhiễm coronavirus.
Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình EWTN ngày 27 tháng 12, ngài cho rằng bên cạnh thương vong kinh hoàng về nhân mạng và kinh tế, thương vong lớn nhất gây ra bởi virus Vũ Hán là nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bộ Giáo luật Công Giáo nói rõ ràng: “Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ” (1247). Một số ít người Công Giáo sau khi được rửa tội tuân giữ điều đó; ở nhiều nước, họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ.
Những người đã được rửa tội nhưng không được giáo dục hoặc đào tạo về tôn giáo có khả năng thậm chí còn không biết rằng họ có nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật. Không kể những trường hợp cá biệt như thế, nhiều người trong số những người tự coi mình là người Công Giáo thực hành đạo không coi Thánh lễ Chúa nhật là một nghĩa vụ giáo luật, bất kể là điều đó được đề cập đến trong Điều răn thứ ba, là điều được xếp hạng còn quan trọng hơn những giới răn như “Chớ giết người” hoặc “Chớ muốn vợ chồng người”.
Trước đại dịch, nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật đã ở trong tình trạng tồi tệ. Sau đó, vì lý do chính đáng, các giám mục trên toàn thế giới đã đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật. Khó có thể khác hơn được; với việc các thánh lễ công cộng bị hủy bỏ, các nhà thờ bị đóng cửa hoặc hoạt động với công suất giảm đi rất nhiều, nghĩa vụ này khó có thể được tuân giữ. Giáo luật không bắt buộc điều không thể thực hiện được, đó là lý do tại sao, ví dụ, người ốm, nằm bệnh viện và bị buộc phải ở nhà không bị bắt buộc theo Giáo luật 1247.
Chính thức đình chỉ nghĩa vụ Chúa Nhật do đó thay đổi rất ít. Tuy nhiên, trải nghiệm của đại dịch đã thay đổi các chuẩn mực mặc định. Nếu trước đây mặc định đối với một người Công Giáo là phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, thì đại dịch đã thay đổi mặc định đó thành không cần tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, đặc biệt là ở những khu vực mà mọi người được khuyến khích đừng đến nhà thờ nếu họ là người già, bệnh tật, đang chăm sóc người bệnh, tiếp xúc với người bệnh hoặc lo lắng về việc bản thân bị bệnh.
Các linh mục giáo xứ báo cáo rằng sau đó, khi các nhà thờ được mở cửa trở lại, những giáo dân đã từng đến tham dự Thánh lễ hàng ngày trong nhiều thập kỷ vẫn tiếp tục ở nhà xem Thánh lễ trực tuyến. Các nhà thờ giới hạn ở mức 50%, 30% hoặc 20% sức chứa vẫn còn nhiều chỗ trống vào ngày Chúa Nhật. Nhiều mục tử lo lắng về việc làm thế nào để ghi danh mọi người tham dự Thánh lễ, nhằm tuân theo các yêu cầu giảm sức chứa, nhanh chóng nhận ra đó sẽ không thành vấn đề. Cuộc tranh cãi công cộng tập trung vào việc chính phủ phải coi việc thờ phượng là một “hoạt động thiết yếu”. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn là liệu các tín hữu Công Giáo có coi Thánh Lễ Chúa Nhật là “hoạt động rất cần thiết” hay không. Việc chính thức đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật đã vô tình thúc đẩy một sự thay đổi trong chuẩn mực mặc định đối với Thánh lễ Chúa Nhật. Từ việc phải giữ ngày Chúa Nhật thành ra một điều không cần thiết hay không bắt buộc.
Trong năm qua, vô số tuyên bố về nỗi đau của việc không có Thánh lễ Chúa nhật đã trích dẫn các vị Tử đạo hồi thế kỷ thứ tư tại Abitene: “Sine dominico non kangumus”, nghĩa là “Chúng ta không thể sống thiếu Chúa nhật”. Tuy nhiên, rõ ràng là có quá nhiều người Công Giáo quen sống “không có ngày Chúa nhật”.
Việc chính thức đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật có nghĩa là, trong một thời gian, Giáo hội đã có quan điểm cho rằng chúng ta phải sống không có ngày Chúa nhật. Dù không có những lựa chọn khả thi khác, hiệu quả của việc sống không có ngày Chúa nhật vẫn còn. Chắc chắn rằng các giám mục đã bị buộc phải chuẩn chước nghĩa vụ ngày Chúa nhật, nhưng bất cứ văn hóa nào của nghĩa vụ ngày Chúa nhật còn sót lại trước đây sẽ không quay trở lại. Nó đã bị bệnh trước đây; và bây giờ nó đã chết.
Sau nghĩa vụ Chúa nhật, Bộ Giáo luật chuyển từ nghĩa vụ giữ các ngày lễ sang việc giữ chay. Điều 1250 quy định tất cả các ngày Thứ Sáu và toàn bộ Mùa Chay là “những ngày đền tội”. Điều 1251 nói về “kiêng thịt hoặc một số thức ăn khác theo quy định của hội đồng giám mục” trong những ngày đền tội.
Ngay cả trong số các linh mục, chứ đừng nói đến các tín hữu, có rất ít người hiểu biết về ý nghĩa của những “quy định” đó. Trên thực tế, việc kiêng thịt vào Thứ Sáu đã trở thành một sự đền tội chung chung vào ngày Thứ Sáu, trong đó kiêng thịt hay không là một tùy chọn. Ngày thứ Sáu sám hối giờ đây đã đi đến mức trở thành một tùy chọn hoàn toàn. Khi làm tuyên úy Đại Học, tôi không cho phép món thịt vào ngày thứ Sáu, nhưng điều đó đòi hỏi phải giới thiệu với các sinh viên một tư duy hoàn toàn mới. Tôi đã được phục vụ thịt vào các ngày thứ Sáu tại các Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, chứng kiến các giám mục gắp thịt heo xông khói và trứng trong các bữa điểm tâm sáng thứ Sáu, đứng xếp hàng sau các linh mục trong các quầy hàng tự chọn ngày thứ Sáu, nơi có lựa chọn thịt và được nhiều người yêu thích, ở các trường Công Giáo câu lạc bộ phục vụ thịt vào ngày Thứ Sáu - thậm chí Thứ Tư Lễ Tro cũng có.
Không có gì ngăn cản người Công Giáo kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu - và cũng không có gì bắt buộc họ phải kiêng thịt. Nhưng thực hành được khuyến khích và rất tôn kính đó từ lâu đã biến mất như một chuẩn mực mặc định trong văn hóa Công Giáo, và cùng với nó, nghĩa vụ sám hối ngày thứ Sáu cũng bị lãng quên. Điều tương tự đã xảy ra vào năm 2020 liên quan đến nghĩa vụ Chúa Nhật; chúng ta sẽ thấy điều đó diễn ra vào năm 2021.
Tất nhiên, nhiều người Công Giáo sẽ đi lễ vào ngày Chúa Nhật, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên sau khi cuộc sống bắt đầu bình thường trở lại. Tuy nhiên, nó chủ yếu sẽ được xem như là một lựa chọn được khích lệ, và không còn được coi là một nghĩa vụ do Điều Răn Thứ Ba xác lập và thẩm quyền của Giáo Hội quy định.
Quyết định đầu tiên về thời điểm kết thúc việc đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật sẽ được thực hiện bởi các giám mục. Điều đó sẽ đến, sớm hay muộn.
Quyết định thứ hai sẽ dành cho các giáo xứ, về việc họ có kết thúc việc phát các thánh lễ trực tuyến hay không, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm sau khi các nhà thờ ở Ý được mở cửa trở lại.
Quyết định thứ ba sẽ dành cho các giáo dân, về việc họ có trở lại nhà thờ hay không. Điều đó cũng vẫn còn được xem. Rất nhiều người sẽ không. Đó sẽ là một thách thức lớn về truyền giáo.
Một thách thức chính cho năm 2021 sẽ là việc đưa người Công Giáo trở lại tham dự Thánh lễ sau một năm khóa cửa, đóng cửa và hạn chế. Nhưng đó sẽ là một chặng đường khó khăn, vì đại dịch đã giết chết một thứ còn sót lại của nền văn hóa Công Giáo trước đây, là nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật.
Source:National Catholic Register
Thánh lễ tạ ơn bổn mạng giáo xứ Hòa Hưng do Linh mục Giuse Phạm Bá Lãm chánh xứ chủ tế, cùng với linh mục phó xứ và linh mục thân quen đồng tế.
Trước đó vào lúc 6 g giáo xứ có cuộc rước kiệu cung nghinh Mẹ Maria, đặc biệt đoàn rước cò rất nhiều tu sĩ thuộc nhiều hội dòng trong địa bàn giáo xứ tham dự,cùng với quý linh mục,quý vị các hội đoàn.
Xem Hình
Trong lời mở đầu thánh lễ, Linh mục chánh xứ mời gọi cộng đoàn hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi, và Mẹ Maria trong ngày khởi đầu năm mới 2021.Chúng ta cũng nhìn lại những lầm lỗi, thiếu sót trong năm cũ.Xin Chúa bao dung tha thứ và ban muôn ơn lành cho chúng ta trong năm mới.
Qua phần chia sẻ sau bài Tin Mừng, Linh mục chánh xứ nói đến chức vị Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.Khi nói Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Giáo hội xác đinh: Người Con Mẹ của Maria sinh ra là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật.
Trong Tin Mừng hôm nay tường thuật,các mục đồng đến gặp Đức Mẹ,rồi đến Chúa Giêsu và Thánh Giuse.Đức Mẹ là một người Mẹ tuyệt hảo, như chúng ta đọc trong kinh Kính Mừng “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”.Đức Mẹ có Chúa ở cùng,đầy ân sủng của Thiên Chúa và luôn đẹp lòng Chúa.Đức Maria là tuyệt tác của Thiên Chúa.Đức Maria đóng vai chính, còn Thánh Giuse chỉ là đóng vai phụ.Nhưng vai phụ của Thánh Giuse cũng rất cần thiết trong chương trình cứu độ. Đức Mẹ luôn sống xin vâng, “suy đi nghĩ lại” trong tâm hồn.Vì thế, trong năm mới 2021,xin Đức Mẹ cũng giúp mỗi người biết nhớ những việc phải làm.Chúng ta sống theo gương của Thánh Giuse chịu đựng, hy sinh, chăm chỉ siêng năng làm việc,nhanh nhẹn lắng nghe và thực hành ý Chúa. Đức Mẹ cũng giúp chúng ta nhớ lại những hồng ân Chúa ban cho giáo xứ Hòa Hưng trong suốt hành trình 70 năm qua.
“Ghi nhớ và làm theo” Chúng ta có những việc cần phải làm trong năm nay 2021,trong sinh hoạt giáo xứ, của các hội đoàn.Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu là Thái Tử Hòa Bình của thế giới, và chúng ta cũng tin tưởng luôn có Mẹ Maria đứng ở ngưỡng cửa năm 2021 đón chờ con cái.Các bậc cha mẹ cũng đứng ở cửa nhà đón con cái về,giúp các con sống yêu thương thuận hòa,cùng chung giờ ăn uống, giờ kinh nguyện,đồng hành và chia sẻ với nhau trong cuộc sống gia đình.
Cuối lễ, linh mục chánh xứ nhắc đến nhiều ý nghĩa mà cộng đoàn giáo xứ Hòa Hưng luôn phải tạ ơn Chúa trong dịp này. Nhất là giáo xứ đang hướng đến Năm Thánh 70 năm họ đạo Hòa Hưng vào cuối năm 2021.Sau đó, Linh mục chánh xứ làm phép lịch Phụng Vụ treo tường để như món quà đầu năm gởi tặng các gia đình trong giáo xứ.
Thánh lễ kết thúc vào khoảng 7g30 trong niềm cảm ta tri ân. Xin Chúa gìn giữ cộng đoàn giáo xứ Hòa Hưng,xin trao phó tất cả tương lai giáo xứ và của mỗi người trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong tình mẫu tử của Đức Maria luôn chuyển cầu cho mỗi người.
Martino Lê Hoàng Vũ
Thời tiết Thừa Thiên Huế và Quảng Trị trong suốt những tháng qua thật là khắc nghiệt, thiên tai lũ lụt triền miên, người dân hai tỉnh miền Trung này phải gánh chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Những ngày vừa qua mưa dầm và gió rét, vậy mà như một phép lạ Mẹ ban cho con cái Mẹ: sáng hôm nay thời tiết tạnh ráo mặc dù vẫn giá rét. Thánh lễ mừng kính Mẹ Thiên Chúa diễn ra trong một bầu khí tuyệt vời.
Từ 7 giờ 30 sáng, Cộng đoàn Hành hương đã dâng lên Mẹ Tràng chuỗi Mân Côi, xin Mẹ ban cho nhân loại một Năm mới an lành, không còn dịch bệnh và chiến tranh.
Xem Hình
Đúng 8 giờ, Đoàn Linh mục đồng tế tiến lên Linh đài Đức Mẹ dâng Thánh lễ Minh niên do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế, với sự hiện diện của Đức Nguyên Tổng Giám mục F.X. Lê Văn Hồng.
Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục chào mừng Đức Nguyên Tổng Giám mục F.X. Lễ Văn Hồng, ngài là người đã quyết định chọn ngày thứ Bảy đầu tháng làm ngày Hành hương Đức Mẹ La Vang hằng tháng. Chúng ta cảm ơn và cầu nguyện cho ngài được sức khỏe và bình an. Đức Tổng Giám Mục cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Đức Nguyên Tổng Giám mục Stephano Nguyễn Như Thể, do tuổi cao nên sức khỏe ngài ngày càng suy yếu hơn. Ngài cũng bày tỏ niềm vui vì
Trong bài giảng lễ, linh mục Anton Nguyễn Văn Tuyến, Quản xứ Chính tòa Phủ Cam chia sẻ: “Về với Mẹ giữa mùa Giáng sinh mừng đón con Thiên Chúa nhập thể làm người, Đấng là Hoàng tử Hòa bình đích thực cho nhân loại, trong Thánh lễ hành hương thứ Bảy đầu Năm mới này, chúng ta hiệp thông với toàn thể Giáo hội mừng kính Mẹ Maria rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa và là Nữ vương ban sự bình an để xin Mẹ thương cầu bàu cho Hòa bình Thế giới theo lời Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi.
Thánh lễ mừng Kính Mẹ Thiên Chúa hôm nay nhắc nhỡ chúng ta lời tuyên xưng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” đã là một cuộc tranh luận lâu dài đầy máu và nước mắt về Thánh Mẫu học ngay từ ban đầu trong lịch sử Giáo hội. Ngài trân trọng nhắc lại công bố của Công đồng chung tại Êphêsô ngày 22 tháng 6 năm 431: “Các Nghị phụ không ngần ngại gọi Đức Trinh nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Mẹ đã sinh hạ thiên tính của Ngôi Lời Thiên Chúa, mà vì nhờ Mẹ mà Ngôi Lời Thiên Chúa mang một Thánh Thể với một linh hồn có trí năng mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp trong một ngôi duy nhất khi sinh hạ trong thể xác. Nếu ai không tuyên xưng răng Thiên Chúa chính là Emmanuel, và vì thế Đức Maria Trinh nữ là Mẹ Thiên Chúa, kẻ ấy bị vạ tuyệt thông.”
Sau Thánh lễ, linh mục Quản nhiệm La Vang Micae Phạm Ngọc Hải thay mặt Trung tâm Hành hương nói lời cảm ơn Linh mục đoàn đã chọn La Vang để tĩnh tâm đầu năm mới. Cảm ơn Đức Tổng và Cộng đoàn dân Chúa đã hành hương về bên Mẹ La Vang trong ngày đầu năm mới này.
Đức Tổng Giám Mục Giáo phận đã công bố ngày Hành hương và Kiệu Minh niên dịp Tết Nguyên đán Cổ truyền sẽ là ngày mùng 4 Tết.
Kết thúc Thánh lễ, nhiều người còn lưu lại bên Mẹ, cầu nguyện cho bà con thân nhân đang bị dịch bệnh Covid 19 trong nước cũng như hải ngoại: đứng trước dung nhan Mẹ khẩn cầu Mẹ ban ơn chữa lành.
Trương Trí
Jerusalem hỏi rằng : ‘ Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài bên trời Đông và chúng tôi đến yết kiến Ngài? ‘ - Nghe vậy Hêrôđe hoảng hốt và cả thành Jerusalem cùng hoảng hốt theo ông. Ông cho triệu tập các thượng tế và ký lục trong dân mà hỏi cho biết Đức Kitô sinh ra ở đâu.
Họ trả lời : Tại Belem, xứ Giuđê vì đã có lời tiên tri chép thế này :
‘Và ngươi, hỡi Belem, xứ Giuđê, bộ lạc Giuđê ! Vì từ ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, kẻ sẽ chăn dắt
Israel dân Ta.’
Bấy giờ Hêrôđê bí mật cho mời các đạo sĩ mà hỏi kỹ về thời giờ ngôi sao xuất hiện, rồi bảo ba đạo sĩ đi Belem và dặn : ‘Các ông hãy dò hỏi tường tận về Hài Nhi, khi tìm thấy sẽ báo lại cho trẫm để cùng đi bái yết Ngài’.
Nghe nhà vua nói, họ ra đi và này ngôi sao lại hiện ra đi trước dẫn đường cho đến khi dừng lại nơi Hài Nhi.
Thấy ngôi sáng các ông hết sức vui mừng. Vào nhà họ thấy Hài Nhi và Maria mẹ Ngài. Họ phũ phục xuống bái lạy, đoạn dâng lên lễ vật châu báu là Vàng- Nhũ hương và Mộc dược.
Rồi được mộng báo đừng trở lại với vua Hêrôđê và các ông theo đường khác về quê.
( Tường thuật theo Phúc Âm Thánh Mátthêu.2 : 1-12 )
*Đức Giêsu đã sinh ra tại Belem Giuđê thời vua Hêrôđê, thì có những Đạo Sĩ Phương Đông đến Jerusalem hỏi rằng:
“Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Đông và chúng tôi đến yết kiến Ngài.” ( Mt.2: 1-2 )
Ba nhà Đạo Sĩ Phương Đông,
Ngắm nhìn sao lạ trên không sáng ngời,
Tiên tri báo trước những lời :
‘Một Vị Cứu Thế ra đời rồi đây ! ‘
Hành trình vội vã đi ngay,
Ánh sao dẫn lối đêm ngày ruổi rong,
Lòng chưa đạt được ước mong,
Ánh sáng vụt tắt nơi vùng Be-lem.
Sao lạ xuất hiện báo điềm gì đây?
Thày cả, thông luật trình bày :
‘Tiên tri có chép nơi này Be-lem :
Dù ngươi nhỏ bé khó hèn,
Xuất hiện một Đấng sẽ đem an bình’
Nhà vua nghe bỗng giật mình,
Truyền ba Đạo Sĩ đăng trình đi ngay :
‘Khi xong hãy trở lại đây,
Trẫm cũng sẽ đến tỏ bày lòng ta.’
Ba Vị Đạo Sĩ trở ra,
Ánh sáng dẫn lối chói lòa trên không,
Đến nơi chiêm bái Hài Đồng,
Lúc này thỏa nguyện ước mong đêm ngày,
Nhũ hương, mộc dược, vàng đây,
Tiến dâng Vương Tử giờ đây giáng trần.
Rồi trong giấc ngủ an tâm,
Thiên Sứ báo mộng phải quay trở về.
Từ đây lòng hết nặng nề,
Cuộc đời đổi mới tràn trề hồng ân.
Chúa ơi !
Bao năm con đã lỗi lầm,
Nhìn ánh sao lạ chẳng cần quan tâm.
Đời con Chúa gọi nhiều lần,
Con vẫn chìm đắm xác thân bụi trần,
Con nghe tiếng Chúa rất gần,
Nhưng con mê mải ham cầu lợi danh.
Lạy Chúa xin hãy đồng hành,
Dắt dìu nâng đỡ chớ đành bỏ con,
Thân con giỡ đã mỏi mòn,
Được dựa bên Chúa chẳng còn sợ chi !
Tháng ngày lặng lẽ trôi đi,
Đời con Chúa thấy còn gì nữa đâu?
Lời con tha thiết nguyện cầu,
Phó dâng tất cả khổ đau thế trần,
Đời con lạc lối bao lần,
Xin chiếu ánh sáng hồng ân dẫn đường.
*Lời nguyện :
Lạy Chúa Hài Đồng !
Xin chiếu ánh sáng kỳ diệu xưa đã dẫn đường cho ba đạo sĩ đến bái lạy Chúa và nay cũng xin soi sáng tâm hồn u tối chúng con, đế cùng Chúa hướng dẫn cho mọi người trên đường về quê thật là Nước Trời.
Lạy Chúa là Đấng Hằng Sống và Hiển Trị muôn đời- Amen.
ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
(*)Ghi chú : Ba vua là tên gọi phổ thông bình dân, các Ngài có thể là đạo sĩ, chiêm tinh gia hay những nhà thông thái,
mang tên là Mechior- Gaspar – Balthasar. Dựa vào 3 lễ vật : vàng- nhũ hương và mộc dược, dâng tiến Chúa Hài Đồng
Nên con số Ba vua được chấp nhận hơn.
1. Úc thay đổi quốc ca
Trong diễn từ đầu năm mới, Thủ tướng Scott Morrison nói: Chúc mừng năm mới, nước Úc, vì chúng ta là một và tự do.
Người Úc đón chào một năm mới với một bài quốc ca vừa được sửa lời sau khi Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố thay đổi lời bài quốc ca vào hôm thứ Năm. Trong nỗ lực phản ánh lịch sử bản địa lâu đời của đất nước, bài hát sẽ không còn đề cập đến nước Úc trẻ trung và tự do. Câu “For we are young and free” được sửa thành “For we are one and free.” Úc đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ để hòa giải với những người thổ dân đến lục địa này khoảng 50,000 năm trước khi người Anh đến đây. Mỗi năm đất nước có một ngày quốc lễ gọi là Australia Day để kỷ niệm ngày đội tàu đầu tiên khởi hành từ Anh đến Sydney vào năm 1788.
Một số người bản địa gọi Australia Day là ngày xâm lược. Thủ tướng Morrison cho biết Quốc ca phải phản ánh nhiều hơn sự đa dạng của đất nước.
Ông nói: Bài quốc ca của chúng ta nói về chúng ta, chúng ta là ai và chúng ta hy vọng trở thành ai. Chúng ta là một nền dân chủ tự do mạnh mẽ và sôi động. Chúng ta đang sống trong một vùng đất vượt thời gian của các dân tộc đầu tiên cổ đại và chúng ta cùng nhau vẽ nên những câu chuyện của hơn 300 tổ tiên và các nhóm ngôn ngữ dân tộc.
Ý tưởng thay đổi từ ngữ được đưa ra vào năm 2020 bởi Thủ hiến New South Wales, Gladys Berejiklian, người cho biết cách nói hiện tại đã bỏ qua lịch sử của Úc, nền văn hóa đầu tiên đáng tự hào của quốc gia. Hiện Úc đang có sự tập trung mới vào việc trao quyền cho người bản xứ.
Source:Reuters
2. Cảnh sát Wisconsin bắt một dược sĩ phạm vào tội hủy hoại hàng loạt văc-xin
Trong Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha đã hy vọng rằng vắc-xin cho COVID-19 sớm đến được với tất cả mọi người. Ngài nói:
“Trong ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành biến cố ánh sáng của Chúa Kitô đến thế gian và Ngài đến cho mọi người: không phải chỉ cho một số người mà thôi. Ngày nay, trong thời kỳ tăm tối và bất định gây ra bởi đại dịch, một số tia sáng hy vọng xuất hiện, chẳng hạn như những khám phá về vắc-xin. Nhưng để những ngọn đèn này chiếu sáng và mang lại hy vọng cho toàn thế giới, chúng phải có sẵn cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể để những quốc gia khép kín ngăn cản chúng ta sống như một gia đình nhân loại thực sự, như chúng ta phải là. Chúng ta cũng không thể để vi-rút của chủ nghĩa cá nhân cực đoan đè bẹp chúng ta, và khiến chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của các anh chị em khác. Tôi không thể đặt mình trước người khác, đặt luật thị trường và các bằng sáng chế phát minh lên trên luật tình yêu và sức khỏe của nhân loại. Tôi yêu cầu tất cả mọi người: các nhà lãnh đạo nhà nước, các công ty, các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác chứ không phải cạnh tranh, và tìm kiếm một giải pháp cho tất cả: vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất ở tất cả các khu vực trên hành tinh này. Ở vị trí ưu tiên, phải là những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất!”
Trong một diễn biến thật đáng buồn, cảnh sát cho biết, một dược sĩ tại một bệnh viện ở Wisconsin bị cáo buộc cố ý làm hỏng hàng trăm liều vắc xin COVID-19 đã bị bắt.Các quan chức cho biết, Trung tâm Y tế Aurora ở Grafton đã sa thải nhân viên này sau khi phát hiện anh ta cố tình để hơn 500 liều vắc xin Moderna bên ngoài tủ lạnh vào cuối tuần trước, buộc bệnh viện phải loại bỏ số vắc xin này.
Nhà chức trách cho biết dược sĩ này đã bị bắt hôm thứ Năm, ngay trước giờ Giao Thừa. Cảnh sát Grafton đã truy tố anh ta với các tội danh liều lĩnh gây nguy hiểm cho sự an toàn, thay đổi hiệu quả thuốc theo đơn, và tội phạm gây thiệt hại cho tài sản. Danh tính của anh ta chưa được nhà chức trách công bố trong khi chờ các cáo buộc chính thức chống lại viên dược sĩ hiện đã bị sa thải.
Ban đầu, bệnh viện tin rằng dược sĩ này đã vô tình để quên số thuốc này vào kho lạnh. Đó là điều kiện cần thiết để vắc xin Moderna phát huy tác dụng. Với hy vọng cứu vãn vắc-xin, bệnh viện đã tiêm số vắc-xin này ngay cho 57 nhân viên trong thời hạn 12 giờ sau khi vắc-xin được cho là không được bảo quản trong tủ lạnh.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ “ngày càng nghi ngờ” viên dược sĩ này trong quá trình điều tra. Jeff Bahr, chủ tịch của Aurora Health Care Medical Group, cho biết tại một cuộc họp báo rằng, họ phát hiện ra dược sĩ cố tình bỏ vắc-xin ra ngoài đến hai lần chứ không phải chỉ một lần. “Lần thứ nhất là vào ngày 24/12, lần thứ hai là một ngày sau đó, 25/12,” ông Bahr nói.
Sáng 26 tháng 12, sau khi phát hiện anh ta bỏ ngoài tủ lạnh các liều vắc xin trong ngày Giáng Sinh, Trung tâm Y tế Aurora đã chích ngay cho 57 nhân viên. “Họ đã nhận được một liều thuốc không hiệu quả hoặc kém hiệu quả hơn,” ông Bahr nói và nhấn mạnh rằng “cho đến nay, không có bằng chứng nào về việc vắc xin bị hư hại này có thể gây ra những thiệt hại cho sức khoẻ những người được tiêm chủng”.
“Các thám tử của sở cảnh sát Grafton cho rằng viên dược sĩ đó biết rằng việc tiêm phòng vắc xin bị hỏng sẽ vô dụng và những người đã được tiêm phòng sẽ nghĩ rằng họ đã được tiêm phòng COVID-19 trong khi thực tế là không,” cảnh sát cho biết trong một thông cáo báo chí.
Thông tin về động cơ tiêu hủy 500 liều vắc-xin của viên dược sĩ chưa được cảnh sát hoặc bệnh viện công bố.
Cảnh sát cho biết số vắc-xin bị mất trị giá ước tính từ 8,000 đến 11,000 Mỹ Kim.
Bahr cho biết hôm thứ Năm: “Chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng các quy trình của chúng tôi là đúng đắn. Một lần nữa, điều này là do một tác nhân xấu chứ không phải là một quá trình tồi tệ.”
Grafton nằm khoảng 20 dặm về phía bắc của Milwaukee.
Source:Reuters
Đức Cha Anrê Hàn Cảnh Đào, một ‘vĩ nhân về văn hóa và đức tin’ của Giáo Hội thầm lặng đã qua đời
Đức Cha Anrê Hàn Cảnh Đào (Han Jingtao, 韩景涛) giám mục thầm lặng của Tứ Bình (Siping, 四平), đã qua đời lúc 11 giờ đêm ngày 30 tháng 12 (giờ Bắc Kinh), thọ 99 tuổi.
Được các tín hữu mô tả là “một vĩ nhân về văn hóa và đức tin” của cộng đồng thầm lặng, Đức Cha Hàn đã là một học giả vĩ đại từ rất lâu.
Những nghiên cứu đầu tiên của ngài diễn ra dưới sự hướng dẫn của các nhà truyền giáo người Canada từ Quebec, là các vị đã được giao phó trách nhiệm đại diện tông tòa.
Kiến thức học thuật uyên bác của ngài thậm chí còn được công nhận bởi cả cái nhà nước đã đầy ngài vào trại lao động cưỡng bức trong suốt 27 năm từ 1953 đến 1980 vì từ chối gia nhập Giáo Hội “độc lập và tự trị”, theo chỉ thị của Mao Trạch Đông.
Thật vậy, bọn cầm quyền đã thuê ngài dạy tiếng Anh tại Đại học Tràng Xuân (Changchun, 长春). Ngài thậm chí còn trở thành phó giáo sư tại Khoa Lịch Sử Các Nền Văn Minh Cổ Đại tại Đại học Sư phạm Đông Bắc.
Ngài dạy các sinh viên đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, đồng thời giới thiệu nhiều người Trung Quốc nghiên cứu các nền văn hóa và ngôn ngữ cổ điển (tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp).
Năm 1987, ngài nghỉ dạy để tập trung vào các công việc của Giáo Hội, đặc biệt là công việc truyền giáo. Ngay cả trước khi bị cầm tù, ngài đã tập trung vào việc giáo dục giáo dân thông qua các Hội Đạo Binh Đức Mẹ, thúc đẩy họ cầu nguyện, rao giảng và tham gia vào các công việc bác ái. Đồng thời, ngài đã thành lập một giáo đoàn gồm các nữ tu, sau này được gọi là các nữ tu “Núi Canvê”.
Ngài nói rằng trong những năm 1950, chế độ đã cố gắng “chấm dứt ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng và trục xuất các thừa sai nước ngoài. Lúc đó, tôi nhận thấy rằng Giáo Hội đang đứng trước một thử thách lớn và cần sức mạnh to lớn để chống lại; nếu không, Giáo Hội sẽ không thể đứng dậy. Đây là lý do tại sao tôi quyết định thành lập một dòng tu”.
Năm 1982, ngài được bổ nhiệm làm giám mục Tứ Bình (Siping, 四平), nhưng việc truyền chức chỉ có thể diễn ra trong vòng bí mật vào năm 1986. Trong vài năm, ngài phải phân chia thời gian giữa công việc mục vụ và các công việc ở trường đại học.
Vào đầu những năm 1980, chính phủ thống nhất tất cả các giáo xứ ở tỉnh Cát Lâm (Jilin, 吉林) thành một giáo phận duy nhất, gọi là là giáo phận Cát Lâm. Giáo phận Tứ Bình, vẫn được Tòa thánh công nhận, bao gồm các khu vực thuộc tỉnh Cát Lâm, Nội Mông và Liêu Ninh.
Bắt đầu từ năm 1997, nhà của ngài bị giám sát liên tục, khiến cho công việc của ngài gặp nhiều khó khăn. Ngay cả dòng các nữ tu do ngài thành lập cũng phải trải qua một thời kỳ khó khăn: hội dòng bị đóng cửa, các thành viên phân tán, bí mật mở cửa trở lại, và các thành viên sống rải rác trong nhiều cộng đồng thầm lặng khác nhau.
Theo số liệu mới nhất, giáo phận có khoảng 30,000 tín hữu, trong đó 20,000 tín hữu trong Giáo Hội thầm lặng và 10,000 trong Giáo Hội công khai, với 20 linh mục và một trăm nữ tu.
Giáo phận cũng cung cấp một số dịch vụ xã hội, bao gồm một trại trẻ mồ côi và một trung tâm y tế.
Source:Asia News
1. Tòa xác nhận: Bệnh nhân Công Giáo đã bị đập bể sọ chết vì cầu nguyện trong bệnh viện ở California
Trong phiên xử chiều ngày giao thừa 31/12, Tòa hình sự của quận hạt Los Angeles kết án Jesse Martinez, 37 tuổi, ba tội danh là giết người, ngược đãi người cao niên, và tội ác hận thù tôn giáo. Tòa chưa đưa ra hình phạt nhưng hầu chắc y phải đối mặt với 28 năm tù chung thân.
Jesse Martinez, một bệnh nhân COVID-19 đã đánh chết một bệnh nhân khác bằng bình oxy tại Bệnh viện Antelope Valley ở Lancaster, California.
Nạn nhân, David Hernandez-Garcia, một người đàn ông 82 tuổi, là một người Công Giáo Mỹ Latinh, là cư dân của Lancaster, một vùng ngoại ô phía bắc Los Angeles ở California. Ông đang được điều trị vì nhiễm COVID-19 trong một căn phòng dành cho hai người.
Trước tòa, Sở cảnh sát hạt Los Angeles cho biết, vào khoảng 9 giờ 45 sáng thứ Năm, ngày 17 tháng 12 năm 2020, “nạn nhân đang ở Bệnh viện Antelope Valley để được điều trị Covid-19. Ông ở trong một căn phòng dành cho hai người cùng với nghi phạm, là người cũng đang được điều trị COVID-19 tại đây. Nghi phạm, được đưa vào phòng này chỉ một giờ trước đó, trở nên khó chịu khi nạn nhân bắt đầu cầu nguyện. Sau đó hắn ta dùng bình oxy đập vào đầu nạn nhân”.
“Nạn nhân đã lâm nguy tính mạng vì các vết thương này và được tuyên bố đã qua đời vào khoảng 10 giờ 20 sáng ngày hôm sau 18 tháng 12 năm 2020. Nạn nhân và nghi phạm không hề quen biết nhau”.
Martinez bị bắt tại hiện trường sau khi nhân viên bệnh viện giam giữ anh ta cho đến khi cảnh sát đến. Các quan chức thành phố cho biết bệnh viện không thể làm gì hơn để ngăn chặn bạo lực, vì bệnh viện đang được dùng như một trung tâm chăm sóc khẩn cấp, “thiếu nhân viên nghiêm trọng và nhân viên y tế đang bị kiệt sức”.
Source:KTLA
2. Dòng Đa Minh ở Leicester, Anh quốc bị phá phách liên tục, các tu sĩ bị sỉ nhục
Một nhà thờ Công Giáo ở thành phố Leicester của Anh cho biết họ đã phải gánh chịu một “làn sóng tội phạm” sau một loạt các vụ phá hoại.
Thành phố Leicester, ở miền Trung nước Anh, vốn nổi tiếng hiền hòa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đã chứng kiến các hành vi quá khích. Phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, tại Anh đã xuất phát từ thành phố này.
Nhà thờ Holy Cross do dòng Đa Minh điều hành nằm ở khu vực trung tâm của thành phố và có lịch sử là trung tâm của người Công Giáo ở Leicester.
Vào ngày 29 tháng 12, cửa sổ của nhà thờ đã bị đập vào buổi sáng và nghi phạm không bỏ chạy nhưng đứng đó quát mắng các nhân viên, và chế nhạo các tu sĩ dòng Đa Minh là “những kẻ ăn bám”. Hắn ta đã bị cảnh sát bắt giữ.
Một thông báo đăng trên trang Facebook của nhà thờ cho biết “Chúng tôi đã gọi cảnh sát khi người này lớn tiếng chửi bới nhà dòng. Cảnh sát đã gửi 3 chiếc xe đến trong vòng vài phút, khi hung thủ vẫn còn đứng đó.”
Hành vi phá hoại được ghi lại vừa gây ra các thiệt hại hình sự vừa là một tội ác thù hận đức tin vì kẻ phạm tội cáo buộc rằng “những Kitô hữu chỉ là bọn ký sinh trùng”.
Nhà thờ ước tính việc sửa chữa các cửa sổ sẽ tốn hơn 2,000 bảng Anh, tức là 2,725 Mỹ Kim.
Các tu sĩ dòng Đa Minh cho biết đây chỉ là sự cố mới nhất trong một loạt vụ việc ảnh hưởng đến nhà dòng.
Vào cuối tháng 11, hai người đàn ông bước vào nhà thờ vào một buổi sáng Chúa Nhật và đi vòng quanh nhà thờ mà không đeo khẩu trang y tế - vi phạm các quy định COVID-19 - và giật cây thánh giá từ cung thánh xuống, chụp ảnh họ xung quanh nhà thờ và mang cây thánh giá đi xung quanh nhà thờ trong một cử chỉ đầy đe doạ.
Một tên thậm chí còn ngồi trên bàn thờ, nơi cử hành các thánh lễ.
“Đây là một hành động phạm thánh, vì bàn thờ là phần thiêng liêng nhất của nhà thờ”, giáo xứ Holy Cross cho biết.
Vào đêm Giáng sinh, hai tên này quay lại nhà thờ, làm gián đoạn buổi lễ và thậm chí còn định đấm một trong những nhân viên bảo vệ.
Giáo xứ yêu cầu giáo dân liên hệ với hội đồng thành phố, quốc hội và cảnh sát để “nói rằng có một vấn đề nội tại trong các hoạt động tội phạm đang đe dọa giáo xứ của chúng tôi.”
Source:Crux
3. Vương quốc Anh bị chia cắt khỏi Âu Châu
Người Anh thức dậy với cuộc sống bên ngoài quỹ đạo của Liên minh châu Âu vào ngày đầu năm mới - đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ liên lạc 48 năm đầy khó khăn với Liên Hiệp Âu Châu. Từ chuyên môn gọi việc Anh tách ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu là “Brexit”.
Hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là chuyến xe lửa cuối cùng rời Paris để sang Luân Đôn ngay trước giờ Brexit.
Việc đi lại tự do giữa Anh và Liên Hiệp Âu Châu chấm dứt vào lúc 12 giờ đêm Giao Thừa. Các thủ tục liên quan đến hộ chiếu được áp dụng ngay sau đó.
Giám đốc các vấn đề công cộng của Eurotunnel, John Keefe, tin rằng việc triển khai các thủ tục hậu Brexit cho đến nay, đã là một thành công.
“Mọi chuyện diễn ra rất tốt, chúng tôi dự đoán giao thông sẽ tiếp tục lưu thông như hôm qua và mọi ngày và thực tế đó chính xác là những gì đã xảy ra. Đến 11 giờ đêm qua, chiếc xe tải đầu tiên lăn bánh làm thủ tục nhanh không kém”.
Còn đây là hình ảnh chuyến xe lửa đầu tiên đến Paris từ Luân Đôn ngay sau giờ Brexit.
Một số cư dân của thị trấn Dover của Anh, một cảng chính cho các chuyến phà đến Calais, đã hoan nghênh sự ra đi của Vương quốc Anh.
“Tôi thực sự rất vui. Brexit còn lâu mới là điều không may. Chúng tôi đã thấy quá nhiều người bàn cãi về chuyện này trên tin tức. Boris làm điều đó rất hay. Anh ấy đã đóng đinh nó. Chúng tôi đang ở một vị thế tốt hơn nhiều”.
Nhưng những người khác lại tỏ ra hoài nghi.
Brexit là sự thay đổi địa chính trị quan trọng nhất của Vương quốc Anh kể từ khi mất đế chế - và nó không chắc sẽ là một chuyến đi hoàn toàn suôn sẻ.
Với việc Vương quốc Anh hiện đã thoát khỏi Thị trường chung và Liên minh thuế quan châu Âu, gần như chắc chắn sẽ có một số gián đoạn ở biên giới.
Và điều đó có nghĩa là chi phí nhiều hơn cho những người xuất nhập khẩu hàng hóa.
Brexit cũng đã làm suy yếu các mối quan hệ ràng buộc Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland.
Thủ tướng Boris Johnson coi việc ra đi là một “khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước này” và nói “tự do” đã về tay Vương quốc Anh.
Johnson, gương mặt đại diện cho chiến dịch Brexit, đã nói ngắn gọn về những gì ông muốn xây dựng với “nền độc lập” mới của Anh trong thông điệp cuối năm
Source:Reuters