Ngày 02-01-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:02 02/01/2014
CÁI HIỆN TẠI CỦA VĨNH HẰNG
N2T

Có người hỏi Phật Đà:
- “Làm thế nào để được gọi là một thánh nhân ?”
Ông ta trả lời:
- “Mỗi giây trong mỗi giờ, và thời gian mỗi vi lượng trong mỗi giây có thể làm được việc thiện, tức là có thể trở thành thánh nhân”.
Có một chiến sĩ người Nhật bị quân địch bắt làm tù binh, bỏ vào trong ngục, anh ta được biết ngày hôm sau sẽ bị hình phạt rất khốc liệt, cho nên buổi tối hôm đó ngủ không được. Lúc ấy anh ta nghĩ đến lời nói của đại sư Thiền tông: “Ngày mai” là không thực tại; chỉ có “hiện tại” mới là chân thực”.
Sau khi anh ta đối diện với hiện thực, liền ngủ một giấc ngon lành.

Suy tư:
Hiện thực chính là chấp nhận thực tế đã xảy ra, anh người Nhật khi biết được mình sẽ chết thì rất buồn và lo sợ ngủ không được, nhưng khi anh ta chấp nhận hiện thực là bản án đã có, buồn phiền hay lo sợ thì cũng chẳng mang lại ích lợi gì cả.
Có một vài người Ki-tô hữu tin vào Đức Chúa Giê-su nhưng lại không chấp nhận hiện thực: họ ở dưới đất nhưng lại sống ở trên trời, nên bỏ bê công việc nhà cửa, không lo tròn trách nhiệm làm chồng làm vợ của mình, họ cả ngày nếu không đến nhà thờ làm việc thì đi ủy lạo đoàn thể này đoàn thể nọ; có một vài người chấp nhận hiện thực nhưng lại oán trời trách người, họ đi dâng lễ thì như là có dịp để kể lể và oán trách Thiên Chúa...
Trở thành thánh nhân thì không cần làm những việc gì to lớn vĩ đại, chỉ cần liên lĩ kết hợp với Đức Chúa Giê-su trong mỗi giây phút cùa cuộc sống là đủ, bởi vì khi kết hiệp với Đức Chúa Giê-su thì cũng đồng thời cũng biết phục vụ Ngài nơi tha nhân, tức là chấp nhận cái hiện thực đau khổ, đói nghèo, bất công đang xảy ra, để chính mình hòa mình vào hiện thực này mà yêu thương và phục vụ tốt hơn, như chính Đức Chúa Giê-su đã chấp nhận sống hiện thực giữa trần gian để cứu chuộc trần gian.
Đó chính là cái hiện tại của đời sống vĩnh hằng mai sau vậy.
---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:05 02/01/2014
N2T

3. Một linh mục trước sau vẫn cứ là một linh mục.

(Thánh John Bosco)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Trở nên ánh sao dẫn đường cho tha nhân
Lm. Đan Vinh
09:54 02/01/2014
HIỆP SỐNG TIN MỪNG: LỄ CHÚA HIỂN LINH (06/01)

Is 60,1-6 ; Ep 3,2-3a.5-6 ; Mt 2,1-12

TRỞ NÊN ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG CHO THA NHÂN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 2,1-12

(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem. (2) Và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người". (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem miền Giu-đê. Vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: (6) “Phần ngươi hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho trẫm, để trẫm cũng đến bái lạy Người. (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng Mát-thêu chứng minh Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai qua việc Người đã thực hiện các lời ngôn sứ tiên báo về Người như: Thuộc dòng dõi Đa-vít (x. Tv 132,11; Mt 1,18-25), là con một thiếu nữ còn đồng trinh (x. Is 7,14 ; Mt 1,23), sinh ra tại Bê-lem quê hương vua Đa-vít (x. Mk 5,1; Mt 2,5-6), các vua chúa sẽ đến thờ lạy Người (x. Tv 72,10; Is 60,6; Mt 2,11).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1: + Bê-lem miền Giu-đê: Bê-lem hay Bethlehem, là một thị trấn nhỏ, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem khoảng 9-10 cây số về phía Nam. Ngày xưa Bê-lem được gọi là Ep-ra-tha. Tuy là một thị trấn nhỏ bé, nhưng Bê-lem có một lịch sử lâu đời và danh tiếng vì là quê hương của vua Đa-vít (x. 1 Sm 16,1 tt). Chính từ dòng dõi Đa-vít mà Thiên Chúa đã ban Đấng Cứu Thế cho dân Ngài, như lời tuyên sấm của ngôn sứ Mi-kha (x Mk 5,1). + Thời vua Hê-rô-đê trị vì: Đây là Hê-rô-đê Đại Vương, phân biệt với Hê-rô-đê An-ti-pha được gọi là Hê-rô-đê Con. Hê-rô-đê Đại Vương là một con người đa nghi, độc ác và tham quyền cố vị. Chúa Giê-su đã sinh ra tại thành Bê-lem miền Giu-đê dưới thời Hê-rô-đê Đại Vương. + Có mấy nhà chiêm tinh: Cũng gọi là đạo sĩ. Họ đến từ phương Đông, quê hương của Ba-la-am (x. Ds 23-24). Đây là những người thông thái, am tường khoa chiêm tinh. Người ta thường dựa vào ba lễ vật họ dâng mà quả quyết là có ba vị. Truyền thuyết dân gian còn kể tên: Một là Men-ki-o da trắng, hai là Gát-pa da vàng, ba là Ban-tha-gia da đen. Qua đó, ngụ ý rằng: Ơn Cứu Độ của Chúa phổ quát cho mọi dân tộc, không chỉ dành riêng cho dân Do-thái mà thôi.

- C 2-3: + Đức Vua dân Do-thái mới sinh hiện ở đâu: Câu hỏi của các nhà chiêm tinh ngoại giáo được nói lên như một lời loan báo cho người Do-thái biết Đấng Cứu Thế đã ra đời. + Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện: Người xưa cho rằng: việc ra đời của các vĩ nhân thường kèm theo sự xuất hiện của ngôi sao lớn. Các nhà chiêm tinh nghiên cứu sự chuyển động của các ngôi sao trên bầu trời, để đoán biết vận mệnh của nhân loại. + Chúng tôi đến bái lạy Người: Đang khi người Do-thái dửng dưng, thì lương dân lại tha thiết tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận Người. Như thế là ứng nghiệm sấm ngôn về một tôn giáo phổ quát trong thời tận thế (x. Is 49,23). + Vua Hê-rô-đê bối rối: Bối rồi ví thiếu lòng tin và đa nghi, lo sợ ngai vàng của mình sắp bị Đấng Cứu Thế tước đoạt. + Cả thành Giê-ru-sa-lem xôn xao: Xôn xao đồng nghĩa với hoảng hốt. Đây là thái độ của các đầu mục Do-thái tại Thủ đô đã hùa theo vua Hê-rô-đê chống lại Đấng Cứu Thế.

- C 4-6: + Mời các Thượng tế và luật sĩ: Là các thành phần trí thức trong dân Do-thái đương thời, am tường Kinh Thánh: Thượng tế có nhiệm vụ tế lễ trong Đền thờ, còn kinh sư hay luật sĩ là những thày dạy Luật Mô-sê. Hê-rô-đê hy vọng họ sẽ dựa theo Thánh Kinh mà cho ông biết nơi sinh chính xác của Đấng Cứu Thế. + Họ trả lời…: Có một sự đối nghịch về thái độ với Đấng Cứu Thế: Các Thượng tế và kinh sư là những người am tường Kinh Thánh, biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế, nhưng không muốn đón nhận Người, đang khi dân ngoại lại đi tìm kiếm Người mà thờ lạy. + Thành Bê-lem miền Giu-đê: Bê-lem thuộc xứ Giu-đê, miền Nam nước Do-thái. + Vì ngươi là nơi Vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời: Câu này nhắc đến lời tuyên sấm của ngôn sứ Mi-kha về một Đấng sẽ đến thống lãnh Ít-ra-en theo ý của Thiên Chúa (x. Mk 5,1 tt), và đáp ứng nguyện vọng của tất cả các chi tộc, giống như vua Đa-vít xưa (x. 2 Sm 5,2).

- C 7-8: + Bí mật mời các nhà chiêm tinh đến: Hê-rô-đê hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao xuất hiện, vì muốn biết Hài Nhi Cứu Thế được mấy tuổi để dễ tim ra và giết hại Người. Sau đó ông đã ra lệnh cho quân lính đến Bê-lem và vùng phụ cận, giết tất cả các trẻ em nam từ hai tuổi trở xuống tính theo ngày giờ ngôi sao xuất hiện. + Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi: Qua các nhà chiêm tinh ngoại giáo này, Hê-rô-đê muốn điều tra để biết chính xác Hài Nhi Cứu Thế là ai. + Khi đã tìm thấy, xin báo lại cho trẫm, để trẫm cũng đến bái lạy Người: Hê-rô-đê nói dối các nhà chiêm tinh là muốn tìm biết Hài Nhi Cứu Thế để đến bái lạy, nhưng trong thâm tâm ông muốn tiêu diệt để trừ hậu hoạ.

- C 9-10: + Trông thấy ngôi sao họ hết sức vui mừng: Các nhà chiêm tinh vui mừng vì nhờ có ánh sao dẫn đường, họ hy vọng sẽ tìm thấy Hài Nhi Cứu Thế.

- C 11-12: + Họ vào nhà: Chắc chắn sau đêm Chúa Giáng Sinh, hai ông bà Giu-se Ma-ri-a không tiếp tục sống giữa cánh đồng Bê-lem, vì thiếu các phương tiện tối thiểu cho các sinh hoạt ăn ở và nuôi dưỡng Hài Nhi mới sinh. Có lẽ hai ông bà đã thuê nhà tại thị trấn Bê-lem để ở tạm. + Sấp mình bái lạy Người: Khi ma quỉ cám dỗ Đức Giê-su bái lạy nó, Người đã khẳng định chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa mà thôi (x. Mt 4,9-10). Qua hành động bái lạy này, các nhà chiêm tinh gián tiếp tin nhận Hài Nhi Giê-su chính là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. + Lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến: Theo phong tục Đông Phương, các nhà chiêm tinh dâng lên Hài Nhi ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược, là đặc sản quê hương của các ngài. Vàng tượng trưng cho đức Tin, nhũ hương cho đức Cậy và mộc dược cho đức Mến. Theo các giáo phụ thì Vàng ám chỉ tước vị Vua, Nhũ hương ám chỉ tước vị Tư Tế, và Mộc dược ám chỉ về cuộc tử nạn và mai táng của Hài Nhi sau này. + Họ được báo mộng...và đi lối khác mà về xứ minh: Hê-rô-đê dù nham hiểm quỷ quyệt đến đâu, cũng không thể phá bỏ được chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Những kẻ chống đối Thiên Chúa sớm muộn cũng sẽ chuốc lấy thất bại mà thôi.

4. CÂU HỎI:

1) Bạn biết gì về Bê-lem là nơi sinh của Đức Giê-su ? 2) Hê-rô-đê Đại Vương và Hê-rô-đê An-ti-pha có liên quan đến cuộc đời của Đức Giê-su thế nào ? 3) Các vị chiêm tinh gia là ai? Dựa vào bằng chứng nào mà người ta quả quyết có 3 vị ? Truyền thuyết dân gian kể tên ba vị đó là gì ? 4) Tại sao vua Hê-rô-đê bối rối và dân thành Giê-ru-sa-lem xôn xao ? 5) Vua Hê-rô-đê mời các thượng tế và luật sĩ đến làm gì ? 6) Tại sao Vua Hê-rô-đê lại cặn kẽ hỏi các nhà chiêm tinh về thời giờ ngôi sao xuất hiện ? 7) Tại sao Tin Mừng nói các nhà chiêm tinh vào nhà đang khi trước đó cho biết Chúa sinh ra trong hang đá chăn giữ súc vật ban đêm và đuợc đặt nằm trong máng cỏ ? 8) Qua hành động bái lạy Hài Nhi mới sinh, các đạo sĩ biểu lộ niềm tin thế nào về Hài Nhi này ? 9) Ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược mà các đạo sĩ dâng tiến Hài Nhi mang ý nghĩa thế nào ? 10) Tại sao các đạo sĩ chọn đi lối khác về quê hương ? 11) Chúng ta có thể rút ra bài học gì trước sự thất bại của vua Hê-rô-đê khi ông muốn sát hại Hài Nhi Cứu Thế ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

2. CÂU CHUYỆN: HÃY CHO NGƯỜI NGHÈO QUẦN ÁO TỐT.

Một buổi chiều nọ, anh con trai thấy một người hành khất áo quần rách nát đứng xin trước cổng nhà. Anh ta liền vào trong nhà lấy ra một bộ quần áo và cho người ăn xin. Bộ đồ này đã cũ và bị rách toạc một miếng ngay tại đầu gối, nên từ lâu anh ta không thèm mặc. Nhận được bộ đồ cũ, người hành khất rất mừng và cám ơn rối rít, vì tuy đã cũ nhưng nó vẫn còn tốt hơn bộ quần áo ông ta đang mặc rất nhiều. Sau đó lão hành khất liền mặc ngay bộ đồ mới vào người. Còn anh thanh niên thì cảm thấy vui mừng vì đã làm được một việc thiện.

Mấy tháng sau, một hôm người hành khất kia lại đến ăn xin. Lần này ông ta mặc bộ đồ lành lặn và tương đối còn mới. Anh thanh niên thấy ông lão mặc bộ đồ màu sắc giống như quần áo của mình liền hỏi: “Sao ông lại có bộ đồ mới kia ?” Lão hành khất tươi cười trả lời: “Thì đây cũng là quần áo của cậu đó ! Số là cách đây một tuần, khi tôi mặc bộ quần áo anh cho hôm trước, đến xin thì gặp ba anh. Thấy tôi mặc bộ đồ đã rách, ông cụ hỏi xem ai cho. Tôi trả lời là một anh ở trong nhà ông. Ông im lặng rồi vào nhà đem ra bộ đồ tôi đang mặc đây và nói: “Xin lỗi ông, lần trước con tôi đã lấy lộn bộ đồ rách bỏ đi mà cho ông. Hôm nay tôi thay nó để biếu ông bộ quần áo tốt này”.

Sau khi người hành khất ra về, chàng thanh niên lập tức vào nhà tìm cha và cằn nhằn tại sao ông lại đem cho bộ đồ anh còn đang sử dụng. Bấy giờ người cha liền ôn tồn nói rằng: “Con ơi, cha rất vui khi thấy con biết thương người và cho người nghèo quần áo để mặc. Nhưng cha biết con còn nhiều quần áo không dùng đến mà sao con không cho ? Lần sau nếu cho ai thứ gì, thì con nên cho những gì còn dùng được. Chứ nếu cho họ bộ đồ đã rách thì họ làm sao có thể mặc được hả con ?”

3. SUY NIỆM:

1) “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”: Hôm nay, các vị chiêm tinh hay cũng gọi là đạo sĩ từ phương xa đã nhận ra dấu hiệu Đấng Cứu Thế mới sinh qua sự xuất hiện của ngôi sao lạ trên bầu trời. Theo ánh sao chỉ đường dẫn lối, các ngài đã lên đường tìm kiếm Đấng Cưu Thế gặp được Chúa Giê-su. Ánh sao chiếu sáng trên bầu trời đêm tối, đã giúp các đạo sĩ tìm ra hướng đi. Rồi lời Chúa trong Sách Thánh cũng là ánh sao giúp các ngài sáng lên niềm tin vào Chúa. Nhưng chính Hài Nhi Cứu Thế Giê-su mới thực là ánh sáng giúp các ngài tin và theo một con đường mới để về quê hương.

Ngày nay có nhiều người cũng đang đi tìm Chúa. Nhưng họ không biết đường và phương hướng nào, nên cần có những ánh sao soi đường dẫn lối. Ngày nay Chúa không còn dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi tín hữu phải trở thành một vì sao soi dẫn cho mọi người đến với Chúa. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ phản chiếu ánh sáng nhận được từ nơi Thiên Chúa như lời Đức Giê-su: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Người tín hữu phải chiếu ánh sáng hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa. Niềm hy vọng vào một “trời mới đất mới” cho chúng ta thêm sức mạnh để tích cực góp phần xây dựng xã hội chúng ta đang sống ngày một tốt đẹp hơn, an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng cũng giúp chúng ta nhận định đúng giá trị của tiền bạc và của cải đời này để sử dụng chúng làm sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân. Niềm hy vọng chính là ánh sáng làm con người và cuộc đời của chúng ta ngày thêm tươi đẹp.

Người tín hữu phải chiếu ánh sáng tin yêu: Tin cậy Chúa và yêu thương tha nhân. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình Chúa tình người. Tin yêu để sẵn sàng tha thứ và hoà giải với nhau. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối các mối bất hoà chia rẽ và thù hận.

Người tín hữu còn phải chiếu ánh sáng công bình, bác ái giữa đời thường. Lòng yêu mến Chúa phải được thể hiện qua tình thương đối với người đồng loại. Chính qua ánh sáng hy vọng, tin yêu, công bình bác ái nói trên mà lương dân sẽ dễ dàng nhận biết và tin yêu Chúa để cùng chúng ta đi trên con đường mới để về quê trời hưởng hạnh phúc ở đời sau.

2) “Chúng tôi tìm đến bái lạy Người”: Để tìm gặp Chúa, các đạo sĩ đã phải từ giã gia đình để tiếp nhận những điều bất ngờ: Họ nghĩ Đấng Cứu Thế là con của nhà vua tại kinh thành hoa lệ, nhưng Hài Nhi Cứu Thế lại không sinh ở nơi giàu sang phú quý, mà nơi một cái hang chăn giữ chiên cừu trong hình hài một trẻ thơ yếu đuối nghèo khó.

Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Tuy nhiên không phải ai cũng gặp được Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Các kinh sư và biệt phái tuy hiểu biết Thánh Kinh, nói rõ về nơi Đấng Cứu Thế sẽ sinh là thành Bê-lem, nhưng họ lại không gặp được Chúa, vì họ chỉ hiểu biết Kinh Thánh mà không muốn làm theo lời Chúa dạy bảo. Về phần bạo vương Hê-rô-đê tuy muốn tìm biết Hài Nhi Cứu Thế nhưng đã không gặp được Người. Vì ông ta tìm Chúa không phải để tin yêu, nhưng để giết hại Người. Trái lại, những người nghèo hèn là các mục đồng ở ngoại ô Bê-lem, và những đạo sĩ từ phương xa tìm đến Giê-ru-sa-lem lại gặp được Người. Những người này dù không thông hiểu lời Chúa trong Sách Thánh, nhưng đã gặp được Chúa vì có tâm hồn đơn sơ chân thành. Người tín hữu chúng ta hôm nay cũng chỉ gặp được Chúa nếu chúng ta biết noi gương các đạo sĩ để luôn chân thành muốn tìm kiếm Chúa, sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khó, tàng tật và bị bỏ rơi…

3) “Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”: Năm xưa, các nhà đạo sĩ đã tìm Chúa và đã gặp được Đấng Cứu Thế mới sinh. Họ đã bái quỳ trước một Hài Nhi bé nhỏ yếu đuối nghèo hèn. Họ đã mở bảo tráp lấy bàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến cho Người. Những lễ vật này là biều hiệu của lễ vật nội tâm là đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Khi dâng vàng, các đạo sĩ đã tuyên xưng vương quyền của Hài Nhi Cứu Thế; Dâng nhũ hương các ngài bày tỏ lòng tin Người là vị tư tế của Giao Ước Mới; Dâng mộc dược là đề cao mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Thiên Sai. Khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã mang thân phận của một người nghèo: đã sinh ra trong hang chiên cừu nghéo khó cùng cực, đã chọn cha mẹ là hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a nghèo khó, đã sống hoà đồng với các người lao động nghèo hèn tại làng quê Na-da-rét. Người đã sống nghèo khó đến độ không có hòn đá gối đầu. Người còn hứa ban hạnh phúc Nước Trời cho những ai có tinh thần nghéo khó, những người đang bị đói khát, tù đầy, bệnh tật và bị người thân bỏ rơi…

Hôm nay, Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta qua tha nhân là hình ảnh của Chúa và mời gọi chúng ta quảng đại hiến thân phục vụ Người nơi những người nghéo khó bên cạnh chúng ta Chúa muốn chúng ta trao tặng cho Chúa những món quà cụ thể như cơm, áo, gạo, tiền… kèm theo tinh yêu thương và thái độ chân thành phục vụ họ cách vô vụ lợi… Vậy chúng ta sẽ dâng tặng cho Chúa những gì trong mùa Giáng Sinh này?

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn có khi nào cảm phục một ai đó trong số các nhà khoa học gia, nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh, thầy cô hay bạn bè ngoại giáo không ? 2) Ngày nay bạn có thấy Chúa tiếp tục tỏ mình ra nơi những người lương dân đang sống bên cạnh mình hay không ? 3) Bạn sẽ làm gì để trở thành ngôi sao lạ dẫn đường cho các bạn bè ngoại giáo này tìm thấy Chúa là Đấng Thiên Sai và tin theo Người ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Biết bao lần chúng con đến nhà thờ nhưng đã không gặp được Chúa. Đạo con giữ mới chỉ là những thói quen; Lễ con dâng chỉ là những lời kinh sáo rỗng nhàm chán; Của cải con cho người nghèo chỉ là những thứ đồ hư vất bỏ… Nhưng con lại tưởng mình là đạo đức thánh thiện và đang làm chứng nhân cho Chúa. Ước gì hôm nay con nhận ra những thiếu sót của mình, để của lễ con dâng phải là thứ vàng đức tin quý giá, là nhũ hương của đức cậy khiêm nhu, là mộc dược của lòng hy sinh mến Chúa nồng nàn. Hy vọng Chúa sẽ vui nhận, và ban muôn hồng ân cho chúng con. Để khi gặp được Chúa, như các vị đạo sĩ xưa, chúng con sẽ thể hiện đức tin vào Chúa, sẽ tránh xa những thói gian ác lọc lừa để làm theo Lời Chúa dạy, sống hiệp nhất xin vâng và phục vụ tha nhân hầu sau này sẽ được về quê trời hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Lễ Hiển Linh: Ánh sáng Giêsu
Anmai. CSsR
21:19 02/01/2014
Chúa Nhật Hiển Linh năm A

ÁNH SÁNG GIÊSU

Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a5-6; Mt 2, 1-12

Lễ Hiển Linh có nguồn gốc là một ngày lễ cổ xưa của người Kitô giáo tương tự với lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh.

Từ Đông phương, lễ Hiển Linh lan sang Châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ 4 và được nói đến lần đầu tiên tại xứ Gaule vào năm 361. Đến cuối thế kỷ 21, hầu hết các Giáo Hội đều cử hành ngày lễ trọng này.

Ban đầu, ở Tây phương, người ta có thói quen cử hành chung các biến cố hạ sinh của Giêsu vào ngày Giáng sinh, biến cố các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa và cuộc tàn sát các Thánh Anh Hài. Nhưng khi Roma bắt đầu mừng lễ Hiển Linh thì hai biến cố cuối cùng này được tách rời ra khỏi ngày lễ 25 tháng Chạp để dành tôn kính các Đạo Sĩ là chủ đề chính cho ngày lễ trọng mới vào ngày 6 tháng Giêng. Lễ Hiển Linh trong phụng vụ Roma mang thông điệp chính là sự mạc khải của Đức Kitô cho mọi dân tộc được biểu tượng qua các Đạo Sĩ.

Với Giáo Hội Đông phương, lễ Hiển Linh đã trở thành đại lễ mừng thiên tính của Đức Kitô; mầu nhiệm Nhập Thể và sự thờ lạy của các Đạo Sĩ vì thế được cử hành vào ngày lễ Giáng Sinh. Sau đó lễ Hiển Linh ngày càng được hiểu như là lễ Đức Kitô Chịu Phép Rửa. Do đó mà ở Đông phương có tục lệ làm phép nước rửa tội, nước giếng rửa tội, các nguồn nước và sông suối vào dịp lễ Hiển Linh. Vào ngày này, nhiều đám đông kéo nhau đến bờ sông Giođan để dìm mình ba lần trong trong dòng sông theo như nghi thức rửa tội của Đông phương.

Hôm nay, ta nghe lại lời ngôn sứ Isaia từ 600 năm trước : ‘Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước ... Lạc đà đàn đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Epha, dân Saba hết thảy kéo lại, tải đến vàng với trầm hương và chúng cao rao lời khen ngợi Giavê’.

Isaia đã đưa ra những lời tiên đoán đầy phấn khởi về Giêrusalem vào ngày Đấng Cứu Thế xuất hiện.

Ngày ấy, Giêrusalem sẽ trở thành trung tâm ánh sáng và mọi người từ bốn phương trời sẽ tiến về đó với muôn vàn lễ vật. Nghiệt ngã thay vào ngày mà Con Thiên Chúa giáng sinh làm người như lời ngôn sứ Isaia loan báo, ánh sáng đã chiếu trên Giêrusalem, thì lại chỉ có những người ở ngoài mới nhận ra ánh sáng ấy, còn dân trong thành thì vẫn tiếp tục sống trong u tối. Dẫu rằng Giêrusalem đã chỉ rõ nơi vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới tới thờ lạy Ngài.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện các đạo sĩ Đông Phương đã theo ánh sao tìm đến triều bái Hài Nhi Giêsu mới giáng sinh tại Bêlem như lời đã loan báo tự ngàn xưa.

Kkhông phải bất ngờ cũng chẳng phải ngẫu nhiên chuyện Chúa Giêsu sinh ra. Chuyện này đã được loan báo từ thuở trước. Được chỉ dẫn, được dặn dò rất rõ ràng về Ngài nhưng rồi không gặp được Ngài.

Khuôn mặt Hêrôđê mà chúng ta vẫn thường nghe gắn liền với cái tên "bạo vương". Bạo vương Hêrôđê dù có binh hùng tướng mạnh trong tay muốn tìm Chúa Giêsu nhưng không gặp được Chúa. Ông không gặp Chúa Giêsu vì ông đã nghe tiên đoán về Ngài và sự xuất hiện của Ngài sẽ làm cho ông mất quyền lợi. Thế nên dù có tìm Chúa đi chăng nữa nhưng không phải để thờ lạy nhưng để giết chết. Ông tìm Chúa Giêsu không phải để tôn vinh Ngài nhưng để tôn vinh bản thân. Ông tìm Chúa Giêsu không phải để làm theo ý Ngài nhưng để bắt Ngài phải vâng theo ý ông. Vì thế Chúa Giêsu đã vượt thoát khỏi tầm tay của ông. Với tất cả những điều đó, vĩnh viễn Hêrôđê ông không gặp được Chúa Giêsu.

Vào thời Chúa Giêsu, bên cạnh khuôn mặt Hêrôđê bạo vương, chúng ta nhìn đến khuôn mặt của các kinh sư, biệt phái. Hơn ai hết, họ là những người hiểu biết Thánh Kinh. Họ đã đọc vanh vách lời ngôn sứ loan báo Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem khi ba nhà đạo sĩ đến hỏi thăm họ. Họ hiểu và biết rất nhiều về lý thuyết nhưng không thực hành, vì thế họ không gặp được Chúa. Ngồi một chỗ mà không chịu lên đường. Chỉ chú ý tới chữ nghĩa sách vở mà không chú ý tới cuộc sống con người. Chỉ tìm trong sách vở mà không tìm những dấu chỉ thời đại, dấu chỉ trong đời thường nhật của họ.

Chuyện hài hước mà chúng ta thấy ở đây đó là với những người xem ra gần gũi nhất, hiểu biết nhất, có phương tiện nhất đã không gặp được Chúa Giêsu. Ngược lại, những người có vẻ nghèo hèn, thiếu thốn phương tiện, xa xôi cách trở lại gặp được Chúa Giêsu. Họ là ai ? Họ là những mục đồng đơn sơ nghèo nàn và đặc biệt nhất là ba nhà đạo sĩ mà ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay.

Những người này đã gặp được Hài Nhi Giêsu bởi vì họ đã cất bước lên đường tìm Hài Nhi. Dù không hay không biết không nghe lời ngôn sứ loan báo và thậm chí họ cũng chẳng biết lời hứa, không thuộc Thánh Kinh, nhưng khi thấy ngôi sao lạ, họ đã lên đường ngay tức khắc. Lên đường nói lên thái độ vâng theo ơn Chúa sáng soi cho họ. Vì dấn thân mạnh mẽ cho thái độ vâng theo ơn Chúa soi sáng nên họ lên đường. Thái độ lên đường nói lên lòng cương quyết đi tìm. Và khi lên đường như vậy, họ chấp nhận gian khổ để đạt được điều mơ ước.

Lòng khao khát của họ được đáp trả khi họ gặp được Hài Nhi Giêsu. Với lòng khao khát kiếm tìm chân lý nên đêm đêm họ không ngừng quan sát bầu trời tìm kiếm ánh sao. Nhìn cả bầu trời bao la họ thấy duy chỉ một ánh sao lạ xuất hiện và như vậy họ đã nhận biết. Khao khát chân lý nên khi Chúa vừa tỏ mình qua dấu hiệu ngôi sao, họ đã vội vã theo sát dấu ánh sao đi tìm. Khao khát gặp Chúa nên khi ánh sao vụt biến mất, họ đã không nản lòng, quyết tâm dò hỏi cho ra.

Và với tâm hồn đơn sơ chân thành nên họ đã gặp được Hài Nhi. Họ đi tìm Đấng Cứu Độ trần gian chứ không tìm bản thân. Đi tìm Đấng Cứu Độ trần gian để thỏa lòng khao khát chân lý chứ không để thỏa mãn tính tò mò, thỏa mãn những tham vọng đen tối của cá nhân mình. Họ đi tìm Chúa để thờ lạy Chúa chứ không vì lợi lộc cá nhân. Với tâm hồn đơn sơ như vậy, dù ý Chúa và dấu chỉ hết sức nhẹ nhàng qua một ánh sao nhưng họ đã nhận ra ý Chúa. Với tâm hồn hết sức đơn sơ như thế, dù Chúa có ẩn thân dưới hình dáng một em bé yếu ớt nghèo nàn, trong khung cảnh rất tồi tàn của chuồng bò hôi hám họ đã nhận ra Chúa đang ở đó.

Niềm tin, lòng đạo của ta là một hành trình dài của chuỗi ngày tìm kiếm và sống. Nhìn vào gương của các nhà đạo sĩ, ta sẽ nhận ra Chúa khi ta có tâm hồn đơn sơ thành thực, có lòng khao khát Chúa vì chính Chúa, và dám dấn thân thực hành những điều Chúa truyền dạy, đặc biệt là giới răn bác ái, phục vụ Chúa trong những anh em nghèo khổ.

Không dừng ở việc gặp Chúa, các nhà đạo sĩ đã lên đường để loan báo Đấng Cứu Độ trần gian. Họ chính là những ngôi sao sống động để chỉ cho người khác sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể. Và như vậy, là người kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi mặc lấy tâm hồn đơn sơ để gặp Chúa và khi gặp Chúa lại chiếu tỏa ánh sáng Giêsu trên cuộc đời ta như những ánh sao.

Ta được mời gọi toả sáng trong đời sống của mình. Qua lời mở đầu của Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu chính là “ánh sáng thật đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9), Người là ánh sáng ban sự sống, “sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1, 4-5). “Những ai tiếp nhận Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa, ban cho họ ân sủng và chân lý” (Ga 1, 9.17).

Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa thế nên Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của mình mang ánh sáng của Đức Kitô.

Kitô hữu phải tỏa ánh sáng của niềm tin. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.

Kitô hữu phải tỏa ánh sáng của niềm cậy trông. Niềm cậy trông vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm trông cậy vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm trông cậy vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Trông cậy là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.

Kitô hữu phải tỏa lên ánh sáng của công bằng, bác ái, yêu thương. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái, yêu thương. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.

Tất cả những ánh sáng mà người Kitô hữu phải có góp lại thành ánh sáng đích thực của người con cái Chúa. Ánh sáng đó là ánh sáng mang tên Giêsu.

Những đam mê vật chất, danh vọng sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bằng bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng Giêsu mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng Giêsu mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.

Với tất cả những điều đó, ta hãy toả sáng trong cuộc đời qua lời nói của chúng ta khi gắn bó với Chúa Giêsu là Ngôi Lời. Từng lời ăn tiếng nói của ta phải là những lời tốt đẹp mang lại niềm vui, hạnh phúc, hy vọng, ơn cứu độ cho con người thay vì lời nói xấu, nói dối, nói tục, lời tiêu cực làm cho người khác buồn phiền, chán nản, thất vọng.

Ta hãy toả sáng trong hành động. Những hành động xấu xa, gian ác, tiêu cực đều xúc phạm đến Thiên Chúa trong lòng con người cũng như trong vạn vật. Dù không có ai biết, ai thấy hay khen tặng, ta cũng vẫn hành động tích cực, vẫn chăm chỉ học hành, suy nghĩ tốt, làm việc tốt, làm tất cả những gì Chúa muốn vì Chúa đang nhìn ta và ban thưởng cho ta. Hành động như thế là chúng ta toả sáng.

Khi ý thức được như vậy chúng ta mới chăm chỉ học hành, làm việc, đào luyện tài năng, chơi đùa, giải trí cho đúng đắn thì chúng ta mới đạt được kết quả tốt đẹp để làm chứng cũng như làm cho ánh sáng Giêsu được lan tỏa.

Hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành những ngôi sao thật sự toả sáng trong đêm tối cuộc đời để người khác nhận ra Chúa Cứu Thế bằng đời sống kết hợp mật thiết với Chúa và chân thành yêu thương nhau. Như thế là chúng ta mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho gia đình cũng như cho xã hội hôm nay. Với ánh sáng nhỏ bé của ta và của nhiều người thành tâm thiện chí như ta góp lại sẽ tràn ngập ánh sáng và niềm vui mà Chúa muốn chúng ta thể hiện từ Mùa Giáng Sinh này.

Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua ánh sáng Giêsu mà ta có trong đời của ta mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Đầu Năm Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma
Đặng Tự Do
17:54 02/01/2014
Đông đảo các tín hữu đang cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả trưa hôm thứ Tư 1 tháng Giêng đã vui mừng khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ đến cầu nguyện chung với họ.

Đây là lần thứ Tư, Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Lần thứ nhất là vào buổi sáng hôm 14 tháng Ba năm 2013, tức là vào buổi sáng đầu tiên sau Cơ Mật Viện. Lần thứ hai là hôm 20 tháng Bẩy khi ngài chuẩn bị sang Rio De Janeiro. Lần thứ ba là hôm 29 tháng Bẩy khi ngài vừa về đến Rôma sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio De Janeiro.

Việc Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả không có trong chương trình chính thức được Tòa Thánh công bố trước đó. Vì thế, các tín hữu đã sửng sốt, vui mừng và vỗ tay hoan hô ngài.

Trong bài giảng Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vào buổi sáng ngày đầu năm, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến ngôi đền thờ này.

Ngài nói:

“Chân lý về chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria tìm thấy sự vang vọng tại Roma này là nơi ít lâu sau đó đã xây lên Đền Thờ Đức Bà Cả, là đền thánh đầu tiên tại Rôma và trong toàn Tây Phương, nơi tôn kính ảnh Mẹ Thiên Chúa Theotokos - với tước hiệu ‘Đức Bà là phần rỗi của dân Rôma’”.

Cũng như những lần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quỳ gối cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Đức Bà là Phần Rỗi Dân Rôma.
 
Cái chết bí ẩn của Đại Sứ Palestine tại Cộng Hòa Tiệp ngày Đầu Năm
Đặng Tự Do
04:27 02/01/2014
Bộ Ngoại giao Palestine cho biết sẽ gửi một phái đoàn đến Prague, thủ đô Cộng hòa Tiệp, để giúp điều tra các tình huống xung quanh cái chết của Đại sứ Palestine tại Cộng hòa Tiệp, người đã qua đời hôm thứ Tư 1 tháng Giêng trong một vụ nổ.

Cảnh sát tại Cộng hòa Tiệp nói rằng đại sứ Jamal al-Jamal 56 tuổi đã thiệt mạng trong một vụ nổ làm rung chuyển Tòa Đại Sứ Palestine tại đây đúng vào ngày đầu năm mới. Quả bom được cài trong một két sắt đã phát nổ khi ông Jamal mở ra để xem trong đó có những gì.

Két sắt này đã được giữ nguyên trạng trong hơn hai thập kỷ qua và không rõ lúc nào đã được đưa đến toà đại sứ từ một toà nhà do tổ chức giải phóng Palestine làm chủ tại Prague.
 
Sự hấp dẫn vượt bực của ĐGH Phanxicô tại Vatican
Nguyễn Long Thao
11:37 02/01/2014
VATICAN 02/01/14.- Tin của Reuters cho biết trong vòng 9 tháng qua, tính từ tháng 3 năm 2013 đến cuối tháng 12 năm 2013, số khách tham dự các nghi lễ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại tòa thánh Vatican đã vượt quá con số 6.6 triệu người. Trong khi đó, suốt năm 2012 chỉ có 2.2 triệu người đến tham dự các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng danh dự Bêneđictô XVI.

Vatican cho biết số liệu 6.6 triệu trên đây dựa theo số vé đã phát ra cho khách hành hương trong các dịp có sự hiện diện của ĐGH như các thánh lễ trọng, các buổi triều yết chung và riêng. Đồng thời cũng dựa theo con số ước tính số người tham dự các buổi triều yết hàng tuần của ĐGH dành cho công chúng tại quảng trường thánh Phêrô. Trong các buổi triều yết hàng tuần, khách hành hương không cần vé mời tham dự.

Các con số trên đây không bao gồm số người tham dự các nghi lễ ĐGH cử hành tại Assisi, Lampedusa ở Ý. Riêng tại bờ biển Copacabana ở Rio de Janeiro vào ngày 28 tháng 7 năm 2013 đã có hơn 3 triệu người tham dự ngày cuối cùng của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Theo ký giả của thông tấn xã Reuters, sở dĩ đông đảo người đến Vatican để được nghe và diện kiến ĐGH Phanxicô là vì ngài có phong cách cởi mở, đơn sơ, thân thiện, khó nghèo và đặc biệt chủ trương của Ngài là cải cách Giáo Hội để Giáo Hội gần gũi với người nghèo và ít lên án.

Tưởng cũng nên nói thêm, vào các ngày Chúa Nhật, thường có trên 100,000 người đến quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh truyền tin với ĐGH. Do vậy cảnh sát Ý đã phải đóng cửa đại lộ dẫn đến Vatican để có thể chứa hết số khách hành hương.

Riêng tại Hoa Kỳ, chúng tôi ghi nhận trong những tháng gần đây, không ngày nào trên các cơ quan truyền hình, báo chí là không có bản tin liên quan đến ĐGH Phanxicô, đến nỗi tạp chí Esquire, chuyên viết chuyện những người lừng danh trong giới điện ảnh nghệ thuật đã bình bầu ĐGH Phanxicô là người đàn ông mặc quần áo đẹp nhất trong năm.(Pope Francis Is Best Dressed Man Of 2013, Says Esquire Magazine)
 
ĐTC: Mọi người đều có bổn phận xây dựng một thế giới hòa bình công bằng và liên đới hơn
Linh Tiến Khải
11:49 02/01/2014
Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường lòng tin và liên tục củng cố đức tin ơn gọi và sứ mệnh kitô của chúng ta. Là con cai Chúa và anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại, mọi người đều có bổn phận hoạt động để xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng, huynh đệ và liên đới hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ và bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin chung với 140.000 tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa mùng 1 tháng Giêng đầu năm dương lịch 2014.

Lúc 10 giờ sáng thứ tư hôm qua, mùng 1 tháng giêng đầu năm dương lịch 2014 cũng là Ngày hòa bình thế giới lần thứ 47, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong đền thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế thánh lễ có hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, và hàng trăm linh mục, trong đó có 70 vị giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa. Tham dự thánh lễ có hàng trăm linh mục tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và gần 10.000 tín hữu. Đứng hai bên Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hồi Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, và Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh. Hai bài Sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh. Phần thánh ca đã do ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và ca đoàn hỗn hợp gồm 370 ca viên đảm trách.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Bài đọc thứ nhất tái đề nghị với chúng ta lời chúc lành cổ xưa mà Thiên Chúa đã gợi ý cho ông Môshê để ông dậy cho ông Aharon và con cái ông: ”Xin Chúa chúc lành cho anh em và gìn giữ anh em. Xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em. Xin Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,24-26). Thật là ý nghĩa, khi nghe lại các lời chúc lành này vào đầu năm mới: chúng sẽ đồng hành với lộ trình của thời gian mở ra trước mặt chúng ta. Chúng là các lời của sức mạnh, lòng can đảm và niềm hy vọng. Không phải một niềm hy vọng hão huyền, dựa trên các lời hứa của con người; cũng không phải một niềm hy vọng ngây thơ tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng này có lý do của nó chính trong phúc lành của Thiên Chúa, một phúc lành chừa đựng lời cầu chúc lớn nhất, lời cầu chúc của Giáo Hội gửi đến từng người trong chúng ta, tràn đầy tất cả sự chở che yêu thương của Chúa và sự trợ giúp quan phòng của Ngài.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Lời cầu chúc chứa đựng trong phúc lành này đã đựơc thực hiện một cách tràn đầy nơi một phu nữ là Đức Maria, như là người đã được chỉ định trở thành Mẹ của Thiên Chúa, và đã được thực hiện nơi Mẹ trước mọi thụ tạo.

Mẹ Thiên Chúa! Đây là tước hiệu chình và nòng cốt của Đức Mẹ. Đây là một phẩm tính, một vai trò, mà đức tin của dân kitô đã luôn luôn nhận thức được trong lòng sùng mộ dịu hiền và tinh tuyền đối với người mẹ thiên quốc. Chúng ta nhớ lại thời điểm lớn lao trong lịch sử Giáo Hội xưa kia là Công Đồng Chung Ệphêxô, trong đó chức là Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ đã được định nghĩa một cách uy quyền. Chân lý về chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria tìm thấy sự vang vọng tại Roma, nơi ít lâu sau đó đã được xây Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, là đền thánh đầu tiên tại Roma và trong toàn Tây Phương, nơi tôn kính ảnh Mẹ Thiên Chúa Theotokos - với tước hiệu ”Sự cứu rỗi của dân Roma”. Người ta kể rằng trong Công Đồng dân chúng thành Êphêxô tụ họp hai bên cửa vương cung thánh đường nơi các Giám Mục đang nhóm họp và kêu lên: ”Mẹ Thiên Chúa!”. Khi xin định nghĩa một cách chính thức tước hiệu này của Đức Mẹ, tín hữu chứng minh cho thấy họ nhìn nhận chức làm Mẹ Thiên Chúa của Người. Đó là thái độ tự phát và chân thành của con cái nhận biết rõ Mẹ mình, bởi vì họ yêu Mẹ với tình yêu hiền dịu vô biên.

Mẹ Maria đã luôn luôn hiện diện trong con tim, trong lòng mộ mến và nhất là trên con đường đức tin của dân kitô. ”Giáo Hội bước đi trong thời gian... và trên con đường này Giáo Hội tiến bước theo lộ trình Đức Trinh Nữ Maria đã đi” (Gioan Phaolô II, Redemtoris Mater, 2). Lộ trình lòng tin của chúng ta giống lộ trình của Đức Maria, vì thế chúng ta cảm thấy Mẹ đặc biệt gần gũi với chúng ta!. Đức Thánh Cha giải thích thêm con đường đức tin của Mẹ Maria như sau:

Liên quan tới đức tin, là cột trụ của cuộc sống kitô, Mẹ Thiên Chúa đã chia sẻ điều kiện của chúng ta, Mẹ đã phải bước đi trên cùng các nẻo đường chúng ta đi, đôi khi khó khăn và tăm tối, Mẹ đã phải tiến tới trong ”cuộc hành hương đức tin” (LG, 58).

Con đường đức tin của chúng ta được gắn liền với Đức Maria một cách không thể hủy bỏ được, kể từ khi Chúa Giêsu hấp hối thập giá đã ban Người cho chúng ta làm Mẹ khi nói: ”Này là Mẹ con” (Ga 19,27). Các lời này có giá trị của một di chúc và ban cho thế giới một Bà Mẹ. Từ khi đó Mẹ Thiên Chúa cũng trở thành Mẹ chúng ta! Trong giờ phút, trong đó đức tin của các môn đệ bị nghiêng ngả bởi biết bao khó khăn và bất ổn, Chúa Giêsu đã tín thác các vị cho Đấng là người đầu tiên đã tin, và niềm tin của Người đã không bao giớ suy giảm. Và ”người đàn bà” trở thành Mẹ chúng ta trong lúc Người mất Con Thiên Chúa. Trái tim của Mẹ nở rộng để có chỗ cho tất cả mọi người, tốt cũng như xấu, và Mẹ yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương họ. Mẹ là Người đàn bà mà trong đám cưới làng Cana vùng Galilea đã trao ban sự cộng tác đức tin để biểu lộ các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong thế giới; trên núi Sọ Người giữ cho ngọn lửa đức tin nơi sự phục sinh của Con được cháy sáng, và Người thông truyền nó cho người khác với tình mẫu tử. Như thế Đức Maria trở thành suối nguồn hy vọng và niềm vui đích thật!.

Mẹ Đấng Cứu Thế đi trước chúng ta và liên tục củng cố chúng ta trong đức tin, trong ơn gọi và sứ mệnh. Với gương mẫu sự khiêm nhường và sẵn sàng của Mẹ đối với ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ trợ giúp chúng ta diễn tả đức tin của chúng ta thành lời loan báo Tin Mừng tươi vui và vô biên giới. Như thế sứ mệnh của chúng ta sẽ phong phú, bởi vì được nhào nặn theo chức làm mẹ của Đức Maria. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ lộ trình đức tin của chúng ta, các ước mong trong con tim chúng ta, các nhu cầu của chúng ta và các nhu cầu của toàn thế giới, đặc biệt nỗi đói khát công lý và hòa bình, và chúng ta hãy cùng nhau tất cả khẩn nài Mẹ: lậy Mẹ Thiên Chúa!

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng Ý, Hoa, Tây Ban Nha, A rập và Bồ Đào Nha. Xin Chúa Giêsu Con Thiên Chúa quy tụ mọi con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi về trong sự hiệp thông đích thật của Tin Mừng và các Bí tích; Xin Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình chiến thắng mọi chia rẽ, thù hận, báo oán, và xin cho mọi dân tộc được sống kinh nghiệm hòa bình; Xin Chúa Giêsu đã nhập thể trong cung lòng trinh nữ Maria, chúc lành cho tất cả mọi phụ nữ và bà mẹ được mời gọi sinh con, giữ gìn và thăng tiến sự sống; Xin Chúa Giêsu đã xuất hiện ở chân trời của nhân loại khi tới thời viên mãn, giáo dục mọi người biết hoạt động trong lịch sử, nhưng luôn hướng tới cuộc sống vĩnh cửu; Xin Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người giúp mọi tín hữu đã được rủa tội ý thức và tươi vui sống điều kiện là con Thiên Chúa và được tái sinh trong Ơn thánh.

Trong phần dâng lễ vật có ba em bé thuộc nhóm các trẻ em Đức và Áo trong mùa Giáng Sinh đi hát thánh ca quyên tiền giúp các trẻ em nghèo trên thế giới.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ dinh Tông Tòa để đọc kinh Truyền Tin với 140.000 tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm nhóm tham dự cuộc tuần hành cho hòa bình do cộng đoàn thánh Egidio, các hiệp hội và phong trào kitô và hòa bình tổ chức ngày mùng 1 tháng Giêng hàng năm. Năm nay cuộc tuần hành cho hòa bình đã được tổ chức trong 700 thành phố trên toàn thế giới.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã chúc mọi người được hòa bình và mọi điều thiện hảo trong năm mới 2014, Ngài nói: Lời chúc này của Giáo Hội đựa trên biến cố chính của lịch sử: Đức Giêsu Kitô nhập thể làm người chết và sống lại. Nó có một đích điểm là Nước Của Thiên Chúa, nước của hòa bình, công lý và tự do trong tình yêu. Nó có một sức mạnh là Chúa Thánh Thần làm cho nó hướng tới đích điểm ấy.

Nhắc tới đề tài sứ điệp hòa bình năm nay là ”Tình huynh đệ, nền tảng và con đường của hòa bình” Đức Thánh Cha khẳng định rằng: nền tảng của hòa bình là xác tín chúng ta tất cả đều là con của một Thiên Chúa Cha duy nhất trên trời, là thành phần của cùng một gia đình nhân loại và cùng chia sẻ một số phận. Từ đây phát xuất ra trách nhiệm của từng người phải hoạt động để thế giới trở thành một cộng đoàn anh em tôn trong nhau, chấp nhận nhau trong các khác biệt và lo lắng cho nhau. Chúng ta cũng được mời gọi tính sổ về các bạo lực và bất công hiện có trong biết bao nhơiêu phần đất của thế giới này, và không thể thờ ơ bất động trước các bất công ấy: mọi người đều phải dấn thân xây dựng một xã hội thật sự công bằng và liên đới hơn. Hộm qua tôi có nhận được một bức thư của một người, cỏ thể là của một người trong anh chị em ở đây, kể lại một thảm cảnh gia đình. Sau đó liệt kê ra một chuỗi các chuyện buồn thương: chiến tranh, bạo lực, thù hận, tàn phá, giết chóc thương đau và đặt cậu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra trong trái tim con người? Chuyện gì đang xảy ra trong con tim của nhân loại? Đã đến lúc phải dừng lại. Tôi cũng xin lấy lại lời của người ấy: phải, đã đến lúc chúng ta phải dừng lại. Rồi Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Từ mọi góc của trái đất ngày hôm nay các tín hữu dâng lên lời cầu xin Chúa ơn hòa bình và khả năng đem nó tới mọi môi trường sống. Trong ngày đầu năm này xin Chúa giúp chúng ta, cùng với tất cả mọi người, cương quyết hơn bước đi trên các con đường của công lý và hòa bình. Xin Chúa Thánh Thần hoạt động trong các con tim, đánh tan các khép kín, các cứng cỏi và ban cho chúng ta biết trở thành hiền dịu trước sự yếu đuối của Hài Nhi Giêsu. Thật thế, hòa bình đòi có sức mạnh của sự hiền dịu, sức mạnh không bạo lực của sự thật và tình yêu thương. Chúng ta hãy đặt để trong tay Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, các niềm hy vọng của chúng ta với tình con thảo. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ, là Đấng trải dài tình mẫu tử trên tất cả mọi người, tiếng kêu gào hòa bình của các dân tộc bị áp bức bởi chiến tranh và bạo lực, để lòng can đảm đối thoại và hòa giải thắng vượt các cám dỗ báo thù, độc tài và gian tham hối lộ. Chúng ta xin Mẹ cho Tin Mừng của tình huynh đệ được Giáo Hội loan báo và lám chứng có thể nói với mọi lương tâm, và triệt hạ các bức tường ngăn cản các người thù nghịch nhận nhau là anh em.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành đầu năm cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã cám ơn Tổng Thống Italia ông Napolitano về các lời cầu chúc trong sứ điệp cuối năm. Ngài xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên tổng thống và toàn dân Italia, để với phần đóng góp có trách nhiệm và liên tđới của mọi người đất nước Italia có thể nhìn tương lai với sự tin tưởng và niềm hy vọng. Ngài cũng cám ơn tất cả các sáng kiến dấn thân cho hòa bình tại khắp nơi trên thé giới trong ngày Hòa Bình thế giới, đặc biệt là cuộc tuần hành toàn quốc tại Campobasso do Hội Đồng Giám Muc Italia cùng phát động chiều ngày 31 tháng 12 cùng với tổ chức Caritas và Hòa Bình Chúa Kitô; cũng như các cuộc biểu tình ”Hòa bình trong mọi vùng đất” do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức tại Roma và nhiều nơi khác trên thế giới. Đức Thánh Cha cũng cám ơn các gia đình thuộc phong trào ”Tình yêu gia đình” đã tổ chức buổi canh thức cầu nguyện cuối năm tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài cũng không quên chào tất cả mọi du khách hành hương hiện diện tại quảng trường, và đặc biệt cám ơn các ”Ca viên của Ngôi Sao” Sternsinger, tức các trẻ em Đức và Áo đi hát thánh ca trong mùa Giáng sinh để quyên tiền giúp các trẻ em nghèo. Sau cùng ngài cầu chúc mọi người một năm mới an bình trong ơn thánh Chúa và sự che chở hiền mẫu của Mẹ Maria.
 
Từ Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI đến Đức Giáo Hòang Phanxicô .
Pt Huỳnh Mai Trác
18:53 02/01/2014

Một năm qua, năm 2013 tại Vatican . Báo La Croix kiểm điểm tin thời sự về Giáo Hội Công Giáo : một năm rất phong phú .

Không một người nào có thể tưởng tượng nỗi được một năm phong phú như thế cho tòan thể Giáo Hội Công Giáo! Cuộc từ nhiệm của Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, được loan báo bằng tiếng La tinh trước một nhóm các Hồng Y trong Tòa Thánh, đã tạo thành những hậu quả vô cùng lớn lao chính Đức Giáo Hòang Ratzinger cũng không thể đóan trước được .

Năm 2013, lẽ dĩ nhiên đối với Roma và với Vatican, cùng với giáo quyền là một năm tràn đầy phong phú .
Một năm mà trước tiên là “những lần đầu tiên” : lần đầu tiên một giáo hòang từ nhiệm, lần đầu tiên Hội đồng các Hồng Y đã bầu một Hồng Y không phải là người Âu châu mà từ Tân Thế giới . Lần đầu tiên một giáo hòang chọn danh hiệu là Phanxicô, cũng là lần đầu tiên có hai giáo hòang cùng ở tại Vatican, v.v. . .

Truyền thông
Trước tất cả mọi đổi mới và những điều ngạc nhiên nhờ vào những cơ quan truyền thông; có hơn 5 000 nhà báo túc trực tại Quảng trường Thánh Phêrô, để theo dỏi cuộc bầu cử một Giáo Hòang mới, vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 . Và tiếp theo là, mọi thông tin đều chú ý đến những thay đổi, những cuộc hành hương của Đức Giáo Hòang Phanxicô đến Lampedusa, đến Assisi vào tháng 10 và nhất là đến Đại Hội Giới Trẻ tại Rio de Janeiro vào tháng bảy vừa qua . Qua những thông tin rất phong phú nên tòa tuần báo Times của Hoa Kỳ đã chọn Đức Giáo Hòang Phanxicô là “Nhân Vật của Năm 2013” .

Đi xa hơn nữa về những thành công lớn lao về truyền thông, năm 2013 còn tạo cho Giáo Hội Công Giáo nhiều đều lạ lùng hơn nữa là những tiến bộ, những chuyển tiếp, những hòa đồng và hội nhập . Mà chính ở trên tầng cao hơn hết, một giáo hòang đã không ngần ngại từ nhiệm, vượt lên trên những truyền thống của nhiều thế kỷ qua, hòng thích hợp với thế thứ XXI . Và cuối cùng là lòng quả cảm của các Hồng Y trong Hội Nghị Kín đã chọn lựa một đấng thích hợp để hướng dẫn Tòa Thánh trên con đường tân tiến và cải cách .

Sau một năm 2013, cai quản Giáo Hội và những hy vọng của cuộc bầu cử, năm 2014 sẽ là một năm sẽ rất phức tạp đối với Đức Giáo Hòang Phanxicô : bây giờ mọi người đang chờ đợi ở ngài những quyết định thực tiễn về Tòa Thánh, những cuộc cải tổ về những thể chế của Giáo Hội, một cuộc hành hương cò tính cách chiến lược về Đất Thánh . . . Và trên nhiều vấn đề nhạy cảm khác cho các giáo hữu Công Giáo, như vấn đề gia đình, những khuôn mẫu về đời sống vợ chồng và làm cha mẹ, sẽ là những đề tài trong Hội đồng về gia đình trong tháng 10 năm nay 2014 .
ISABELLE DE GAULMYN
(Trích dịch từ Nhật báo La Croix)

 
Những phim Kinh Thánh sẽ xuất hiện năm 2014
Trần Mạnh Trác
23:06 02/01/2014


Trước một cao trào phim ảnh đang và sẽ trình chiếu trong năm 2014 này, người ta tự hỏi phải chăng Hollywood đã xếp sổ các loại phim giả tưởng về 'siêu nhân và siêu thú' (superhero and zombie) mà trở về với loại phim chủ đề Kinh Thánh đã từng làm mưa làm gió trên 'màn bạc' cách đây nửa thế kỷ chăng?

Hồi đó là lúc mà người ta đã chi ra hàng chục triệu (một số tiền rất lớn thời bấy giờ ) để sản xuất các phim 'vĩ đại' như Quo Vadis (1951 với Robert Taylor), The Ten Commandments (1956 Charlton Heston), Ben-Hur (1959 Charlton Heston), King of Kings (1961 Jeffrey Hunter), The Robe (1963 Richard Burton).

Năm 1988, cuốn phim The Last Temptation of Christ với nhiều 'pha cụp lạc khiêu dâm' đã bị giới Công Giáo tẩy chay và lỗ to. Từ đó phong trào làm 'phim đạo' cũng suy xụp dần.

Phải đợi tới năm 2004, phim The Passion of the Christ cuả Mel Gibson mới trở thành một 'phim đạo' đạt được thành công đáng kể, một phần là nhờ ở những chứng nhận từ những bộ mặt danh giá từ bên Tin Lành cũng như Công Giáo, như Mục Sư Billy Graham và nhiều đoàn thể Công Giáo.

Dựa trên kinh nghiệm cuả Mel Gibson, các nhà sản xuất như Warner Bros, Sony and Fox đã ve vãn giới khán giả 'có đạo' bằng cách thành lập các văn phòng liên lạc tôn giáo. Họ dùng nhiều học giả kinh thánh làm cố vấn về cốt chuyện và lời đối thoại, đồng thời họ gởi các 'màn diễn thử' tới các vị mục sư cuả các 'mega-church' (xứ đạo lớn) để xin thêm ý kiến nhiều tháng trước khi cuốn phim ra mắt.

Những sự ve vãn như thế đã mang lại một vài thành công đáng khích lệ, thí dụ như bộ 'trường thiên tiểu thuyết' (Mini Series) The Bible chiếu trên cable channel History đã thu hút trung bình 11.4 triệu khán giả mỗi buổi tối và trở thành 'show' được xem nhiều nhất năm 2013. (đã ra DVD với tựa đề 'The Bible: The Epic Mini Series', có thể mua ở Wal Mart với giá $39.96 trọn bộ )

Một phim khá thành công khác là "Maria di Nazaret" (đức Maria thành Nazareth) (2012) đã được nhập cảng vào Hoa Kỳ hồi tháng 8 năm 2013 và trình chiếu tại các cơ sở bảo trợ tư nhân, thường là từ các hội trường giáo xứ hay từ các rạp hát nhỏ được bao thuê, và sự đăng ký đã đầy kẹt cho đến tháng 9 năm 2014. Phim Maria di Nazaret là cuốn phim phát hành độc quyền tại Mỹ cuả Ignatius Press (cuả dòng Tên), sẽ có DVD một ngày gần đây.

Đoán trước trào lưu cuả khán giả đang mỗi ngày mỗi thiên về các chủ đề Kitô giáo, nhất là với hiện tượng Đức Giáo Hoàng Phanxicô thu hút nhiều chú ý từ mọi giới, Hollywood đang đua nhau dồn nỗ lực vào việc làm 'phim đạo'.

Số khán giả Kitô Giáo là một con số rất lớn, riêng ở Mỹ đã là 91 triệu người, do đó tại Mỹ đã xuất hiện những quảng cáo rất sớm và ào ạt, thí dụ cuốn phim Mary Mother of Christ đã dược cổ võ 12 tháng trước khi ra mắt.



Với một hình ảnh cuả một cái bóng mô tả một phụ nữ đội mũ che đầu, tay dang rộng đón nhận những ánh sáng từ trên trời, dòng quảng cáo không giấu diếm và thật là đơn giản: "Bạn sẽ tin."

Tấm bích chương còn nhấn mạnh: "Đây là những câu chuyên đời cuả Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Giêsu chưa từng được trình chiếu trên màn ảnh bao giờ", phần tóm lược giải thích thêm: "Dưới triều đại khủng bố của Hêrôdê, và với những khó khăn chưa từng thấy, cặp cha mẹ trẻ đã tìm đường sống qua một thời gian nguy hiểm nhất cuả lịch sử." Cuốn phim hứa hẹn "đây là bộ phim hoạt động dựa vào đức tin" - và những ai yếu lòng tin như thánh Thoma thì sẽ không còn sống trong nghi ngờ nữa.

Odeya Rush, nữ diễn viên Israel 16 tuổi đóng vai Mẹ Maria, Ben Kingsley (từng đóng vai Gandhi) đóng vai vua Hêrôdê, Julia Ormond đóng vai bà Isave và cố tài tử Peter O'Toole, vai ông già Simeon.

Nhưng trước cuốn phim Mary Mother of Christ, còn nhiều cuốn phim khác sẽ xuất hiện:

-Vào tháng 3, Russell Crowe sẽ xuất hiện trong phim Noah cùng với Emma Watson (từng đóng trong phim Harry Potter) và Sir Anthony Hopkins đóng vai thầy cả Methuselah. Người ta đã xây một con tàu Noah cho cuốn phim tại Long Island, New York.



Tuy nhiên, một số chiếu thử tại các cộng đoàn Kitô hữu ở Arizona, và cộng đoàn Do Thái ở New York, cho thấy kết quả đã gây ra một số tranh cãi. Cuốn phim có vẻ cho rằng cơn đại hồng thủy xẩy ra vì sự biến đổi khí hậu.

-Tiếp theo phim Noah là phim Exodus (Khởi Hành) cuả Sir Ridley Scott, kể chuyện ông Maisen đưa dân Do Thái vượt qua biển Đỏ. Christian Bale đóng vai Maisen, Sigourney Weaver đóng vai bà hoàng hậu cuả Pharaoh. Nhiều cảnh Ai Cập thời xưa đã được xây dựng ở niềm Nam nước Tây Ban Nha.

-Một cuốn phim nữa có tên là Gods and Kings cũng được đề xuất với Steven Spielberg làm đạo diễn, nhưng sau đó được trao cho Ang Lee, người đoạt giải Oscar cuả phim Life of Pi.

-Một phim tựa đề là Son of God (Con Thiên Chuá ) sẽ kể lại cuộc đời cuả Chuá Giêsu với tài tử người Bồ Đào Nha Diogo Morgado thủ vai chánh.

-Tài tử nổi danh Will Smith cũng chuẩn bị cho một cuốn phim dựa trên câu chuyện huynh đệ tương tàn giữa Cain và Abel.

-Và Brad Pitt cũng có tin đồn sẽ đóng vai Philatô trong một phim khác.

-Và thêm vào đó người ta đã đưa tiếng sẽ có phim Resurrection (Phục Sinh) với câu chuyện cuả một người lính Roma được phái đi điều tra về cái chết cuả Chuá Kitô. Chuyện phim sẽ là một câu chuyện bí ấn thuộc thể loại "Gladiator".

...

Cái lý do chính cuả hiện tượng Hollywood làm phim đạo là lý do tài chánh chứ không phải là lý do tôn giáo, là ý kiến cuả ông Phil Cooke, một nhà tư vấn giữa các nhà làm phim và các đoàn thể tôn giáo. "Câu chuyện đã xảy ra là họ đã hiểu rằng cách làm kinh doanh tốt nhất là phải coi trọng các Kitô hữu, vì đây là một thị trường thực sự lớn".

"Trong nhiều năm qua Hollywood đã hoài công tìm sự ủng hộ cuả các nhóm lợi ích đặc biệt, như là môi trường hoặc nữ quyền. Nhưng cuối cùng đã nhận ra rằng có tới 91 triệu người Kitô hữu ở Mỹ mà thôi. "

Còn ý kiến cuả các giới tôn giáo thì sao?

Ông Larry Ross, chuyên lo về việc ngoại giao cho các nhà lãnh đạo tôn giáo như Rick Warren và Billy Graham, cho biết: "Các vị Mục sư không đi vào chủng viện để học làm tiếp thị cho các cuốn phim", nhưng nếu bộ phim "có tính cách xây dựng; phản ánh niềm tin cuả cộng đoàn của họ" thì họ sẽ giới thiệu nó.
 
Top Stories
Over 6.6 million attend events led by Pope Francis in 2013
Vatican Radio
14:57 02/01/2014
2014-01-02 Vatican - Over 6.6 million people have attended events led by Pope Francis at the Vatican since his election in March.

Figures released by the Pontifical Household on Thursday are based on the number of tickets issued for papal events where they are needed, such as general audiences, Masses and private audiences.

A communiqué said they were also based on estimates of the number of people at events where tickets are not needed, such as the weekly Angelus or Regina Coeli or other celebrations in St. Peter’s Square.

It specified that the figures released do not include the crowds that turned out to see the pope during his trips to Brazil, to Assisi to Lampedusa and other events in Italy and in the Rome diocese.

Pope Francis was elected on March 13, 2013.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày truyền thống Dòng Đa Minh Rosa Lima
Sr Maria Minh Du
11:32 02/01/2014
Saigon 02/1/2014 - Như thông lệ, hàng năm cứ đúng ngày tết tây, tức ngày mùng 1 tháng 1, chị em dòng Đaminh Rosa quy tụ về tu viện Trung ương Dòng để mừng ngày Dòng được ký sắc lệnh thành lập Dòng.

Hình ảnh

Từ quý dì cao niên cho đến các em đệ tử quy tụ về nhà Mẹ, cùng dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa đã cho một năm cũ mọi điều an lành, tạ ơn Thiên Chúa cho hành trình 41 năm tuổi Dòng phục vụ Giáo Hội.

Bốn mươi mốt năm chưa là dài cho một hành trình phục vụ, nhưng cũng lắm nỗi truân chuyên, nhiều điều hạnh phúc và những thành công, những thất bại, những niềm vui và những nụ cười... đan quyện vào nhau làm một cộng đoàn, làm nên những con người dấn thân phục vụ. Những người từ bỏ tuổi thanh xuân, bỏ lại tất cả gia đình và người thân ở phía sau để dấn thân cho một sứ vụ mới. Tạ ơn Chúa với những gì chúng con có được và tạ ơn Chúa về những bất toàn... tất cả xin dâng lên Chúa, để Chúa sửa đổi và chúc lành, cho chúng con có một đời sống viên mãn hơn trong phục vụ mà vinh danh Chúa hơn.

Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, giám tỉnh dòng Đaminh Việt Nam, người đã vẽ logo cho dòng và đã đồng hành với Dòng trong những biến cố vui buồn đã nhận lời dâng lễ tạ ơn và nồng nhiệt ở lại cho đến những giây phút cuối của ngày họp mặt. Thật là một mối dây thân tình của gia đình Đaminh !

Sau thánh lễ, các chị em viếng nhà Phục Sinh, nơi các thế hệ đi trước an nghỉ. Một hình ảnh thật đẹp giữa các chị em trong Dòng, người ở lại tri ân người đi trước, đứng quây quần, xum vầy quanh các chị để cầu nguyện và để nhờ các chị chuyển cầu cùng các thánh Dòng ban sức mạnh cho Dòng.

Ngày đầu năm mới quý Dì cao niên cũng được tất cả các chị em chúc mừng cách đặc biệt. mỗi Dì được trao một gói quà nho nhỏ trên tay, gói trọn tâm tình của tất cả chị em tri ân những góp công góp sức của quý Dì cho Dòng trong suốt một cuộc đời phục vụ.

Và chương trình văn nghệ bắt đầu với những tiết mục đặc sắc của từng thành phần trong Dòng, các em đệ tử, Tiền tập, Tập viên, các dì Học Viện, và cả quý dì đã Khấn trọn. Đặc biệt hơn cả là ba tiết mục hòa tấu đàn Violin, đàn dân tộc gồm đàn bầu, đàn tranh, sáo và hòa tấu ghi-ta, mandoline... tất cả làm nên một hòa điệu sống động cho cả chương trình, và có thể nói rằng mang đến cho tất cả những chị em hiện diện một sự ngạc nhiên.

Cuối ngày là tiết mục rao loto đầu năm mới, chỉ chơi một ván nhưng tiếng rao của các “ tay” rao loto đã làm cho khán giả ở dưới “ mê mẩn” quên cả đánh số vào tờ loto, vì lại một bất ngờ với những bài hát và những giọng ca chưa từng biết đến mà hôm nay mới ra “ trình làng” với “bà con cô bác”.

Chia tay ra về mà vẫn còn luyến lưu, chỉ thương các chị ở các cộng đoàn xa Saigon 600 cây số, lại lếch thếch đón xe về Kontum, thương các chị ở vùng Dalat lên xe về để kịp sáng mai với việc dạy học...nhưng bù lại là niềm vui của ngày đầu năm mới vẫn còn như ngân nga trên chuyến xe trở về nhiệm sở.

Một năm mới mở ra, bắt đầu cho một sức sống mới. Xin Thiên Chúa là Chúa của mùa xuân chúc lành cho tất cả chị em và quý ân nhân, thân nhân xa gần đã góp công, góp sức, góp lời cầu nguyện làm nên một Đaminh Rosa Lima hôm nay.
 
Giáo họ Bồng Điền đón chào Năm Mới 2014
Thiên Ánh Dương
11:37 02/01/2014
Trước thềm năm mới 2014, Giáo Họ Bổng Điền chúng tôi tổ chức đêm văn nghệ đón giao thừa với những tiết mục ý nghĩa, vui tươi, phấn khởi do các bạn trẻ từ nhiều Giáo Xứ, Giáo Họ biểu diễn. Các đoàn đến từ Giáo Xứ An Lạc, Giáo Xứ Hoàng Xá, Giáo Xứ Tường Loan xa xôi đến những Giáo Họ gần như Tăng Bổng, Thượng Điền, Thuận Nghiệp, Thuận Vi. Có cả các bạn trẻ của lớp Giáo Lý Hôn Nhân tại Bổng Điền biểu diễn bài "Tâm điểm yêu thương" nữa. Chúng tôi ước mong đêm nay là đêm đem lại thật nhiều niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Chúng tôi cũng cầu mong niềm vui hạnh phúc này luôn ở với mọi người trong suốt năm mới 2014.

Hình ảnh

Đoàn người từ nhiều nơi đổ về Bổng Điền rất đông. Họ, nhất là anh chị em lương dân đã tìm chỗ thích hợp để ngồi xem văn nghệ và mong trúng được món quà như hái được "lộc đầu năm". Thế là họ vui lắm rồi!

Đúng 7 giờ 30' tối 31.12.2013, chúng tôi đã khai mạc đêm giao lưu văn nghệ, rút số, đố vui trúng thưởng với những câu hỏi về kiến thức thường thức, giáo lý,... để đón chào năm mới 2014. Chúng tôi quan sát và thấy có sự hiện diện đông đảo của bà con giáo dân và lương dân. Với những khuôn mặt tỏ rõ sự vui tươi rạng rỡ. Niềm vui, hạnh phúc đến với mọi người.

Những tiết mục văn nghệ được diễn ra với những điệu múa, điệu nhảy uyển chuyển nhằm đem lại niềm vui, hạnh phúc cho khán giả.

Năm nay các bạn trẻ và các cháu thiếu nhi bên lương trúng được nhiều giải thưởng, kể cả giải độc đắc. Giải độc đắc thuộc về một bạn trẻ khu vực Bổng Điền. Bạn này đang học ở Trường Nguyễn Trãi, Huyện Vũ Thư.

Sau phần văn nghệ sôi động vui tươi, chúng tôi bước vào phần hai trầm lắng, linh thiêng, cùng nhau dâng thánh lễ giao thừa để tạ ơn Thiên Chúa và cầu bình an hạnh phúc cho năm mới. Một thánh lễ cuối cùng của năm cũ 2013 được diễn ra trong bầu khí ấm cúng sốt sắng giữa đêm đông giá lạnh. Chúng tôi cùng nhau cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ phúc lành và xin Ngài cùng đồng hành với mỗi người trong suốt năm mới 2014.

Trong bầu không khí đón chào năm mới 2014 với toàn thể nhân loại, Giáo Họ Bổng Điền đã cố gắng hết sức mình để tổ chức đêm văn nghệ, rút số trúng thưởng và thi đố vui, thi giáo lý nhằm đem lại "sân chơi" bổ ích cho tất cả mọi người. Chắc hẳn đêm 31.12.2013 là đêm để lại ấn tượng sâu đậm cho người tham dự.

Chúng tôi cùng nhau tiễn biệt năm cũ 2013 và chào đón năm mới 2014. Chúng tôi ước mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mỗi người trong năm 2014. Không chỉ mong những điều tốt đẹp ấy cho chúng tôi mà chúng tôi còn mong cho cả nhân loại này được đón nhận hồng phúc, ơn bình an, niềm vui hạnh phúc và nền hoà bình đích thực từ nơi Thiên Chúa.
 
Hội trại giao lưu di dân và giới trẻ hạt Phước Lý
Phước Lý
11:48 02/01/2014
THẮP SÁNG CHO ĐỜI

Ngày đầu tiên năm Dương lịch, 01-01- 2014 Mừng đại lễ Mẹ Thiên Chúa, quan Thầy của anh chị em Di dân trong vùng huyện Nhơn Trạch, cha Gioan Baotixita chánh xứ Mỹ Hội, đặc trách giới trẻ hạt Phước Lý, đồng thời là phó Ban Di Dân của Giáo Phận Xuân Lộc đã tổ chức trọn ngày Hội trại giao lưu anh chị em Di dân và Giới trẻ hạt Phước Lý tại Giáo xứ Mỹ Hội.

Xem Hình

Hội trại với chủ đề “Thắp Sáng Cho Đời”- Cùng anh chị em Di dân hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Mục đích: Giao lưu giới thiệu các nhóm Di dân và Giới trẻ, quy tụ anh chị em Di dân các Giáo Phận đang làm việc tại các khu công nghiệp trên đại bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nôi dung ngày Hội trại phong phú thiết thực, các trò chơi lớn, trò chơi vận động đa dạng, hấp dẫn; thi đua giáo lý, giao lưu văn nghệ, chia sẻ… Điểm nhấn mạnh đọng lại nhất là Thánh lễ Tạ ơn Mừng Mẹ Thiên Chúa, kết thúc ngày hôi trại chính Đức Cha Giuse, Phụ tá Giám mục Xuân Lộc Chủ tế.

Mặc dù theo chương trình 7h30 mới khai mặc, song từ rất sớm hàng trăm anh chị em Di dân và các bạn trẻ hạt Phước Lý đã chộn rộn đổ về Giáo xứ Mỹ Hội-một trong các giáo xứ lâu đời nhất của Giáo phận Xuân Lộc với trên 100 năm. Cha đặc trách và ban tổ chức ngay Hội trại có mặt rất sớm để tiếp đón, hướng dẫn các bạn trẻ. Mỗi bạn trẻ khi đến bàn đăng ký được Ban tổ chức trao dây đeo có cây Thánh giá để đeo cổ và được tặng chiếc mũ chai.

Trước giờ tập trung khai mạc, nhiều bạn trẻ với lòng hiếu kính thấy ra viếng mộ hai cha cố (trong đó có mộ cha cố Tây thuộc hội Truyền giáo Paris).

Sau khi tập trung khai mạc, dựng trại, buổi sáng chủ yếu chơi các trò chơi vận động, trò chơi ẩm thực…. Buổi chiều, sau khi vào Nhà thờ chầu Thánh Thể, chủ yếu thi đua giáo lý với những phần thưởng nóng và trò chơi lớn. Xế chiều có chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc với những tiết mục hấp dẫn, tuy ‘cây nhà lá vườn’ song cũng thể hiện có sự tập luyện, đầu tư.

Khoảng 17 giờ, ngày hội trại bỗng bừng dậy, các bạn trẻ hội viên hân hoan với những tràng pháo tay không dứt chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, quý cha đến đồng hành. Đặc biệt trong trong buổi gặp gỡ giao lưu, Đức Cha Giuse với tấm lòng Mục tử đã chia sẻ ngắn gọn hai đề tài: Cùng anh em di dân hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn và Tuổi Trẻ Thắp Sáng Cho Đời.

* Thánh lễ Tạ ơn:

Trước Thánh lễ, các bạn trẻ có đáng kể để nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm hồn.

19 giờ bắt đầu Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Giuse chủ tế, đáng lưu ý có sự hiện diện của cha Gioan Trần Xuân Hùng, Quản hạt An Bình nguyên chánh xứ Mỹ Hội, người đã gắn bó và có công lớn lập các nhóm Di dân ở đây; cha giáo Phêrô Nguyễn Thanh Sơn, người con của giáo xứ Mỹ Hội.

Trong bài giảng Đức Cha Giuse lưu ý việc yêu mến Chúa Giêsu, đón Chúa Giêsu và chia sẻ niềm vui có Chúa Giêsu cho người khác bằng đời sống chứng nhân. Trong đời sống chứng nhân, ngài làm nổi bật sự cảm thông, tha thứ, sự tôn trong, tế nhị trong lời nói và việc làm. Bài chia sẻ của Đức Cha càng sống động, cuốn hút và đi vào lòng người với những câu chuyện mình họa từ trong đời sống gia đình, trong cuộc sống đời thường…

Trước khi kết lễ, một bạn trẻ Di dân đại diện cho các bạn đã có lời cảm ơn Hai Đức Cha, Đức ông, quý cha… Bạn trẻ đại diện nói: Vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống chúng con phải tha phương cầu thực; tuổi trẻ chúng con luôn trực diện bao cám dỗ, thử thách cho đời sống Đạo… Xin Hai Đức Cha, Đức ông, quý cha quan tâm nâng đỡ chúng con.

Đáp từ, Đức Cha Giuse xin thay mặt Đức Cha Đaminh, Đức ông Vinh Sơn, quý cha biểu lộ sự đồng cảm với anh chị em Di dân. Đức Cha cho biết, bài phát biểu của bạn trẻ đại diện tuy ngắn ngọn, chân tình song đã bao hàm được tất cả dời sông cũng như thao thức cùa các bạn trẻ Di dân, làm ngài thực sự xúc động. Đức Cha nhấn mạnh, biếc cố trốn sang Ai cập để tránh cuộc bắt hại của vua Hêrôde cho thấy Chúa Giêsu, Thánh Giuse, Đức Maria từng đồng cảnh ngộ di dân, bởi thế Chúa Giêsu rất hiểu, cảm thông đời sống anh chị em Di dân. Ngài cho biết Giáo Hội từ rất sớm đã quan tâm cách riêng anh chị em Di dân, coi đó như là dấu chỉ thời đại, là ý Chúa và kêu mời mọi thành phần con cái mình có trách nhiệm phục vụ anh em Di dân…

Kết lại, Đức Cha xin các bạn trẻ- anh chị em di dân hai điều:

1. Xin các con cảm thông, cùng chung vai vác đỡ Thánh giá cho nhau. Một mình vác thì nặng, nhưng nhiều người chung vai, thì Thánh giá trở nên nhẹ nhõm.

2. Xin các con hãy trợ lực, nâng đỡ nhau. Bạn trẻ địa phương trọ lực cho các bạn trẻ di dân. Người di dân đi trước trọ lức cho người di dân mới. Đức Cha kêu mời: thay vì rủ nhau làm điều không tốt thì bây giờ rủ nhau làm việc tốt, bênh vực điều tốt.

Đức Cha mong ước, nhờ ơn Chúa năm tới nếu có dịp trở lại gặp gỡ các Bạn trẻ- di dân, ngài mong được thấy nhiều hoa trái thánh thiện, Đức tin vẫn được giữ vững và thêm tỏa sáng.

Đức Cha không quên cảm ơn đặc biệt cha đặc trách Di dân- Giới trẻ, Ban hành giáo, giáo dân Giáo xứ Mỹ Hội cũng như tất cả những ai quan tâm, cộng tác tích cực cho ngày Hội trại diễn ra tốt đẹp.

Trước khi kết lễ, Đức Cha Giuse chủ sự nghi thức sai đi. Cùng với Đức Cha, quý cha, mỗi bạn trẻ cầm nến sáng trong tay tuyên xưng Đức tin, lặp lại những lời hứa, quyết tâm “Thắp Sáng Cho Đời”- hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với ánh nến trong tay, tay trong tay các bạn trẻ cùng hát vũ điệu bài ‘hãy thắp sáng lên’ khiến cho giờ kết thúc Ngày hội trại thêm sâu lắng, linh thánh.

Sau ngày Hội trại, ngày mai các bạn trẻ lại trở về với đời thường cuộc sống, song giờ đây đời sống nhiều bạn sẽ thêm lạc quan, thêm hy vọng. Và nhờ ơn Chúa các bạn sẽ là chứng nhân của Tin Mừng Cứu độ, của tin tưởng, niềm vui và hy vọng.

Bài ảnh: Phước Lý
 
Giáo Đoàn Việt Nam tại Harrisburg Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa
Nguyễn An Quý
14:34 02/01/2014
HARRISBURG. Ngày đầu năm dương lịch 2014 đến với thành phố Harrisburg khá đẹp, trời se lạnh với nhiệt độ trên dưới 37 độ F, không mưa nên khá dễ chịu. Thành phố Harrisburg về mặt hành chánh là thủ phủ của tiểu bang Pennsylvania, thuộc Quận Hạt Dauphin. Harrisburg lại có dòng sông Susquehanna River chạy ngang qua khu Downtown Harrisburg và toà nhà thủ phủ trông rất thơ mộng. Về mặt tôn giáo thì thành phố Harrisburg là nơi đặt Toà Giám Mục Giáo Phận Harrisburg.

Hình ảnh

Tưởng cũng nên biết về tổ chức Mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam tại Harrisburg. Tổ chức từ cấp Giáo Phận với danh xưng Cộng Đổng Công Giáo Việt Nam Harrisburg có Ban Điều Hành cấp Giáo Phận, tại các địa phương gồm các Giáo Đoàn như: Giáo Đoàn Thánh Phaolô Tông Đồ ở Lebanon- Giáo Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Lancaster - Giáo Đoàn Thánh Cả Giuse ở York và Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa ở Harrisburg. Tất cả gia đình giáo dân Việt Nam cư ngụ chung quanh vùng phụ cận và thành phố Harrisburg qui tụ thành Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa.

Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa được Toà Giám Mục Harrisburg ưu ái cho sinh hoạt mục vụ Việt Nam tại nhà thờ giáo xứ Mỹ có tên là Our Lady of the Blessed Sacrament Parish, một ngôi Thánh đường khang trang khá cổ kính. Mỗi cuối tuần đều có 2 thánh lễ cho người Việt vào tối thứ bảy lúc 7 giờ và trưa Chúa Nhật lúc 12 giờ 30, do linh mục Quản nhiệm Việt Nam chủ tế. Vị Quản Nhiệm của Giáo Đoàn là linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thường. Người viết từ phương xa đến, nhưng nhìn qua các sinh hoạt của Giáo Đoàn do một linh mục Việt Nam quản nhiệm rất sinh động,do vậy những sin hoạt nơi đây chẳng khác gì một giáo xứ Việt Nam như có các ca đoàn, có Hội các Bà Mẹ, có Ban Bác Ái Xã Hội, có các lớp học học giáo lý cho thiếu nhi... Hiện Giáo Đoàn cũng đang chuẩn bị kế hoạch gói bánh chưng bánh tét để đón Xuân Giáp Ngọ.

Hôm nay thứ tư ngày 1 tháng 1 năm 2014, Giáo Đoàn mừng kính lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa Bổn Mạng của Giáo Đoàn rất trọng thể đuợc cử hànhh lúc 10 giờ 30 sáng. Trong Thánh Đường có bàn thờ Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa là Quan Thầy của Giáo Đoàn được đặt ở một vị trí trang trọng nơi cung thánh. Thánh lễ do linh mục Quản nhiệm Chủ Tế.

Đúng 10 giờ 30, Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với linh mục chủ tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn. Hát lễ hôm nay do Ca Đoàn Mẹ Thiên Chúa phụ trách.

Mở đầu Thánh lễ, cha chủ tế nói: Hôm nay ngày mồng Tết đương lịch, chúng ta qui tụ nơi đây cùng với Giáo Hội Hoàn Vũ mừng kính trọng thể lễ Đức Maria Mẹ Thiên cũng là Bổn Mạng của Giáo Đoàn chúng ta, và cũng là Bổn Mạng của Ca Đoàn Mẹ Thiên Chúa. Ngày đầu năm Dương Lịch cũng là ngày cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới. Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng cầu nguyện cho nền hòa bình đến vơí các Dân Tộc trên thế giới. Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng cầu xin cho thế giới biết sống trong yêu thương để mang lại nền hoà bình sung mãn cho tất cả mọi người. Xin cho mỗi người trong Giáo Đoàn chúng ta sống theo gương Mẹ Maria và xin Mẹ hằng đồng hành với mỗi người, mỗi gia đình và cả Giáo Đoàn chúng ta...

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Bài tin mừng hôm nay Thánh Luca đã giới thiệu về đức khiêm tốn của Đức Mẹ với đoạn: " Khi nghe các mục đồng thuật lại những điều được Thiên thần phán dạy về Hài Nhi, Ðức Maria hằng giữ kỹ những lời ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng". Đoạn tin mừng này nói lên rằng: Ðức Maria là con người của chiều sâu nội tâm. Mẹ luôn chiêm ngắm dấu ấn của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố. Thái độ "giữ kỹ" là thái độ khiêm tốn đón nhận. Sự "suy đi nghĩ lại" chứng tỏ một tâm hồn khao khát tìm hiểu.Thiện tâm nơi Ðức Maria là điều kiện để mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa được hiện tỏ.

Trong thánh lễ, cha chủ tế đã chia sẻ bài giảng khá phong phú, nhất là khi đề cập đến tầm quan trọng về vai trò người mẹ trong gia đình. Trong bài giảng, ngài kể một câu chuyện thật cảm động khi nói về tầm quan trọng của người mẹ, ngài nói: "Một hôm có một vị linh mục được mời đến giảng tĩnh tâm cho một giáo xứ về chủ đề Đức Mẹ. Sau buổi tĩnh tâm, ngài nhận được một lá thư của một cô gái. Lá thư viết rằng: Thưa cha, con thật là vô phúc, con được sinh ra trong một gia đình lộn xộn, một gia đình thiếu vắng tình thương. Ngay từ nhỏ, mẹ con đã hành hạ, bạc đãi con, đã nhiều lần đánh đập con đến thập tử nhất sinh. Qua những trận đòn mà con gánh chiụ nên con lại đâm ra căm ghét mẹ con. Con căm thù đến nổi mỗi khi nghe ai nhắc đến mẹ thì lửa căm thù lại nổi lên trong con như ngọn núi lửa. Nhất là mỗi khi đến nhà thờ, con cũng không muốn ngước mắt lên nhìn tượng Đức Mẹ Maria, bởi vì con không thể nào cảm nghiệm được tìnnh yêu của mẹ. Nhưng khi nghe bài giảng tĩnh tâm của cha nói về chủ đề Đức Mẹ, con đã quyết tâm quên đi tất cả những mặc cảm trong con về người mẹ. Con đã tìm đến cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Maria trong nhà thờ, nhưng khi đến nơi, cảm giác đầu tiên của con tự nhiên lại muốn bỏ đi ngay. Thế nhưng, tự nhiên có một sức mạnh nào đó đã thực sự kéo con lại và con đã đến quỳ dưới chân Mẹ. Con gục đầu vào chân Mẹ khóc nức nở. Tự nhiên tâm hồn con cảm thấy nhẹ nhàng hơn và con đã trở thành một đứa trẻ, như một người con đang khép mình vào lòng Mẹ. Hơn thế nữa con cảm nhận được tình yêu của Đức Mẹ dành cho con nên con bèn quyết tâm tha thứ cho người mẹ ruột của mình.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em. Ai trong chúng ta mà lại không có một người mẹ. Khi chúng ta có mặt trong trần gian này thì Chúa ban cho chúng ta một người mẹ trần thế. Người mẹ đó chính là người đã ôm ấp chúng ta chín tháng mười ngày trong bụng mẹ. Người mẹ đó đã cho chúng ta tiếng khóc chào đời. Người mẹ đó đã lo cho chúng ta từ lúc chập chững cho đến khi khôn lớn. Người mẹ đó luôn săn sóc chúng ta trong suốt hành trình của cuộc đời như khi chúng ta vấp ngả có mẹ nâng, khi chúng ta sai lỗi mẹ tha thứ, khi chúng ta buồn sầu có mẹ an ủi, khi chúng ta thất vọng mẹ luôn đem cho chúng ta niềm hy vọng qua sự khuyến khích, khuyên bảo. Người mẹ luôn bên cạnh chúng ta kể từ khi chúng ta chào đời đến lúc khôn lớn cho đến khi mẹ nhắm mắt lìa đời mới thôi.Tất cả tình thương bao giờ người mẹ cũng dành cho con cái một cách trọn vẹn. Chinh vì vậy không có ngô ngữ nào diễn tả cho hết được công lao và tình nghĩa của người mẹ đối với con cái. Quả thật: lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Đi khắp thế gian không tìm đâu ra tình yêu thương bao la như tình mẹ thương con. Người mẹ trần gian còn yêu thương chúng ta như vậy huống chi người Mẹ trên Thiên Quốc. Chắc chắn Mẹ Thiên Quốc sẽ yêu thương chúng ta hơn. Chúa đã ban cho chúng ta có một người mẹ nơi trần thế thì Ngài cũng ban cho chúng ta một người Mẹ Thiên Quốc.

Hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng lòng về nơi Thiên Quốc để kính nhớ đến người Mẹ Thiên Quốc của chúng ta. Đó là Trinh Nữ Maria với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta mừng kính hôm nay. Khi sinh ra trong trần gian, Đức Kitô cũng đã chọn cho mình có một người mẹ, đó chính là Đức Maria. Đức Kitô khi ở trần thế đã luôn luôn ở bên cạnh Đức Mẹ và ngược lại Đức Mẹ cũng hằng ở với Đức Kitô trong suốt cuộc hành trình nơi trần gian của Đức Giêsu. Chúng ta thấy Đức Mẹ luôn dõi bước theo Ngài từ Nazaret cũng như trong suốt thời gian Ngài đi rao giảng tin mừng. Đức Mẹ luôn theo sát từng bước chân của con mình, đặc biệt cuộc hành trình của Đức Kitô trên đường khổ nạn tiến đến đồi Golgotha, Mẹ luôn ở cạnh Ngài. Dưới chân Thập Tự Giá. Đức Mẹ đã đứng để chúng kiến cảnh con của mình chịu khổ nạn cho đến chết.

Chính Đức Kitô đã nhận ra tầm quan trọng của người Mẹ đối với loài người, cho nên trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã trối Đức Mẹ với thánh Gioan:"này là con Mẹ, này là Mẹ con". Qua đó Chúa Giêsu đã ban Mẹ của Ngài cho tất cả chúng ta mà thánh Gioan là người đại diện cho nhân loại và cho cả chúng ta. Ngay sau đó, Thánh Gioan đã đón nhận Đức Maria về nhà mình để rồi Đức Mẹ luôn ở bên cạnh với nhân loại và với chúng ta. Trong những lúc vui buồn, chúng ta có Mẹ. Tất cả chúng ta đều được Mẹ yêu thương, qúy mến. Người mẹ trần gian yêu thương chúng ta một thì Mẹ Maria yêu thương chúng ta gấp bội. Xưa kia khi Đức Kitô trao ban Đức Mẹ cho Thánh Gioan, thì Thánh Gioan đã đem Đức Mẹ về nhà mình để chăm sóc cho Đức Mẹ. Ước gì hôm nay, mỗi người trong chúng ta cũng hãy mở lòng ra để đón Đức Mẹ đi vào cuộc sống, đi vào tâm hồn mỗi người chúng ta. Ước gì mỗi gia đình trong Giáo Đoàn của chúng ta cũng biết mời Đức Mẹ về nhà mình để Đức Mẹ luôn ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta biết rằng Đức Mẹ luôn yêu thương gìn giữ và cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Ước gì mỗi người, mỗi gia đình và cả Giáo Đoàn chúng ta luôn biết chạy đến cùng Đức Mẹ và luôn dâng cho Mẹ những lo lắng, những đau khổ của chúng ta, chắc chắn Đức Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Mỗi người và cả Giáo Đoàn chúng ta hãy cố bám lấy vào Đức Mẹ, đó là món quà quý giá mà Chúa đã trao ban cho chúng ta. Chúng ta đừng để mất Mẹ, bởi vì mất Mẹ là mất tất cả. Chúng ta hãy gìn giữ Mẹ trong tâm hồn của mình, trong gia đình của mình để Mẹ luôn đồng hành với chúng ta mọi nơi và mọi lúc, để được Mẹ yêu thương giúp đỡ. Hôm nay là ngày lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn chúng ta và cũng là Bổn mạng của Ca Đoàn Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhìn lại trong suốt năm qua với lời chuyển cầu của Đức Maria Quan Thầy của chúng ta. Giáo Đoàn chúng ta đã đón nhận được rất nhiều những ơn lành về phần hồn cũng nnhư về phần xác. Những ơn lành đó nếu không có Đức Mẹ chuyển cầu và che chở, chắc chắn chúng ta khó đón nhận được. Do đó hôm nay, ngày lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn, chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Mẹ. Chúng ta hãy hứa với Mẹ, mỗi người chúng ta sẽ yêu mến Mẹ nhiều hơn để tỏ lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Mẹ. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria xin Chúa tiếp tục ban ơn cho mỗi người, mỗi gia đình và cả Giáo Đoàn chúng ta trong năm mới được muôn ơn lành phần hồn cũng như phần xác."

Trong yên lặng mọi người đều lắng nghe bài giảng của ngài một cách chăm chú. Sau lời nguyện kết lễ, vị đại diện Giáo Đoàn có lời cám ơn cha Quản nhiệm cũng như cám ơn sự hiện diện đông đảo giáo dân trong thánh lễ mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, đặc biệt cám ơn ca Đoàn Mẹ Thiên Chúa trong suốt năm đã hăng say hát nhiều thánh lễ kẻ cả hôm nay và xin chúc mừng bổn mạng của Ca Đoàn.

Trước khi kết thúc thánh lễ cha Quản nhiệm cũng một lần nữa cám ơn đến tất cả mọi ngươì hiện diện hôm nay và chúc mừng năm mới. Ngài cũng nhấn mạnh vì gần ngày Tết Âm Lịch nên năm nay Giáo Đoàn không tổ chức liên hoan vì sẽ dành trọn vẹn cho cuộc vui đón Tết Giáp Ngọ sắp đến. Ngài cũng đưa ra dự án của năm 2014 với ước nguyện sẽ lập bàn thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong Thánh Đường, ngài xin mọi người cùng cầu nguyện và hợp tác với Giáo Đoàn để thực hiện kế hoạch này.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 45 phút sau phép lành trọng thể mà cha chủ tế đã chúc lành cho mọi người hiện diện. Mọi người tay bắt mặt mừng ở cuối nhà thờ và chúc nhau lời cầu chúc tốt đẹp năm mới trước khi từ giả.
 
Nhóm Gia Đình Trẻ GXVN Paris mừng lễ quan thày Thánh Gia Thất
Đinh Đức Huy / Giang Minh Đức
21:16 02/01/2014
Chúa Nhật 29.12.2013, Giáo Xứ Việt Nam Paris hân hoan đón mừng Lễ Thánh Gia Thất thật đông đúc và sống động. Thánh Gia Thất cũng là Quan Thày của nhóm Gia Đình Trẻ. Các anh chị trong nhóm đã mừng lễ hôm nay cách sốt sắng và đặc biệt, qua việc tổ chức một buổi sinh hoạt cuối năm để mở đầu cho năm mục vụ 2014 mang chủ đề "Mời Gọi" với chương trình thật phong phú như sau:

A / Tham dự Thánh Lễ 11g30 với cộng đoàn:

Bài suy niệm lời NHƯ MỌI GIA ĐÌNH của Đức Ông Mai Đức Vinh:

Ba đạo sĩ bái từ ra đi, Thánh Giuse được mộng truyền : - Đem Con trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập vì Vua Hêrôdê âm mưu tìm kiếm sát hại con trẻ . -Vì thế , giữa đêm khuya, Ngài phải dẫn gia đình qua Ai Cập tỵ nạn và cư ngụ ở đó cho đến khi có lệnh đem gia đình trở về quê hương – Thánh Giuse thi hành y như lời báo mộng . Cho tới ngày được mộng báo : “ hãy đem Con trẻ và Mẹ Người về lại Do Thái , sống tại thành Nazarét”.

Đọc thong thả bài Tin Mừng và dừng lại vài phút suy niệm , chúng ta mới thấy : Phải có cái nhìn đức tin mới thấy được hạnh phúc cao vời cuả Thánh Gia . Còn cứ theo những biến cố đã xẩy ra , thì gia đình Giuse , Maria và Giêsu thật chao đảo , nhiều sóng gió , thử thách … Vì thế mỗi năm mừng lễ Thánh Gia Thất , chúng ta đừng quên rằng Thánh Gia đã trải qua một đời sống thực tế , cực nhọc và trân chuyên không kém mà còn hơn các gia đình Việt Nam tị nạn trước đây , hay các gia đình Syrie, Trung Phi , Phi Luật Tân hiện nay … Chính giữa những đau khổ , ba đào như vậy , mới thấy nổi bật đời sống đức tin và tình thương hiệp nhất của gia đình . Thánh Gia Thất thật gần gũi vói các gia dình nghèo khổ , xiêu bạt và trăm chiều thiếu thốn , chịu bao nhiêu thử thách mà vẫn kiên trung trong niềm tin .

Chúng ta hãy dựa theo lời Thánh Vịnh 127 mà ngợi khen Chúa và cầu nguyện cho các gia đình :

“ Lạy Chúa , phúc thay cho những 'người gia trưởng' biết kính sợ Thiên Chúa , ăn ở theo đường lối của Ngài . Chúa sẽ cho 'gia đình họ' an hưởng hạnh phúc , được nhiều may mắn và nhiều thành qủa tốt do công việc làm . Hơn thế , 'người gia trưởng sẽ hãnh diện' vì có hiền thê như cây nho đầy hoa trái Chúa trong gia thất ,

có con cái như những chồi non ôliu chung quanh bàn ăn …

Lạy Chúa , xin chúc lành cho gia thất chúng con … Amen”.

B / Dùng cơm chung tại phòng ăn Giáo Xứ

C / Thảo luận về đề tài "Hôn nhân giữa hai người đồng phái" (Mariage pour tous) từ 14g00 đến 17g00:

Hơn 20 quan khách gồm đủ mọi thành phần trong Giáo Xứ (từ các em thiếu nhi đến những bậc phụ huynh và nhiều vị cao niên) đã rủ nhau tìm về để góp ý, học hỏi và lắng nghe nhau vì đây là một đề tài lớn gây nhiều tranh cãi giữa các thế hệ và ảnh hưởng nặng nề đến nền tảng gia đình và giá trị hôn nhân về phương diện xã hội cũng như tôn giáo.

Phần thuyết trình của Giáo Sư Trần Văn Cảnh (với sự góp bút của Đ.Ô. Mai Đức Vinh):

HÔN NHÂN GIỮA HAI NGƯỜI ĐỒNG PHÁI, MỘT XÚC PHẠM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH CỦA Thiên Chúa

Ngày 23.04.2013, Quốc Hội nước Pháp đã biểu quyết chấp thuận luật hôn nhân cho mọi người. Luật hôn nhân mới này đã được công bố trên Công Báo ngày 18.05.2013, ở điều 143 rằng : « Hôn nhân được giao ước giữa hai người khác hay cùng phái » (Le mariage est contracté par deux personnes de sexe différent ou de même sexe». Với điều luật mới này, Pháp là quốc gia thứ 9 ở Âu Châu và thứ 14 trên thế giới đã chấp nhận hôn nhân đồng phái. Sự kiện lập pháp mới này liên hệ đến một vấn đề luân lý xã hội nền tảng và thúc bách mỗi người phải chọn lựa.

Là công dân trưởng thành, người Công Giáo cần hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm cho nhau, « đặc biệt quan tâm đến các dự án luật dân sự có thể làm tổn thương đến sự bảo vệ hôn nhân giữa người nam và người nữ, đến việc tôn trọng sự sống, và luôn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội » (Lời ĐGH Biển Đức XVI với 39 giám mục miền Bắc Pháp đến ad limina 21.09.2012) hầu tiếp cận vấn đề một cách khách quan và tìm cho mình một chọn lựa phải đạo. Mà khi đã chọn lựa rồi thì « dấn thân trong đời sống công cộng, cố giữ lấy những xác tín kitô giáo, không vênh vang lên mặt nhưng với sự kính trọng ». (Ibid.). Tựa vào Thánh Kinh, Giáo lý, Giáo luật và Giáo Huấn Giáo Hội, ta có thể nói ngay rằng chọn lựa của người Công Giáo đã thực sự rõ ràng : chọn chương trình của Chúa về hôn nhân mà theo đó, hôn nhân đồng phái là một xúc phạm.

I. CHƯƠNG TRÌNH CỦA CHÚA VỀ HÔN NHÂN

a. Cơ chế của hôn nhân theo chương trình của Chúa qua Kinh Thánh

Kinh Thánh là một cuốn sách kể lại lịch sử của giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều đoạn nói cho chúng ta biết về tình yêu nam nữ, tình yêu hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Chính Thiên Chúa đã sánh ví Ngài như người chồng luôn yêu thương Nhân loại là vợ của mình. Và chính Chúa Giêsu cũng sánh ví tình yêu của Ngài với Hội Thánh, một tình yêu chung thuỷ như Hiền Thê của vị Tân Lang.

Sách sáng Thế 1, 26-27 : “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta, giống chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc và dã thú, tất cả mặt đất và mọi vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Đây là điểm quan trọng trong việc mặc khải về tương quan giữa người nam và người nữ, trở nên dấu chỉ tiên báo và mạc khải về Thiên Chúa và về tương quan giữa hai phái tính khác nhau, nhưng lại đón nhận và yêu thương nhau.

Khái niệm toàn vẹn của con người không chỉ có trong nam mà thôi, nhưng cả nam lẫn nữ. Tính dục được nhìn nhận như một giá trị. Sau khi tạo dựng nên người nam và người nữ. Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp. Sách Sáng Thế 1, 28-29 : Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất". Sự tốt đẹp này bao gồm cả thân xác và ngay cả kinh nghiệm về sự thân mật tính dục nữa. Sách Sáng Thế 2, 19: “Và rồi Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó có một trợ tá tương xứng”.

Đọc thêm các sách Tiên tri Giêrêmia, Isaia, Edêkien và các sách Tiên tri khác, chúng ta sẽ thấy ở nơi đó có rầt nhiều sứ điệp phong phú diễn tả về tình yêu hôn nhân như là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng đặc biệt, chúng ta cũng điểm qua một chút về sách Diễm ca, để thấy nơi đó là một bản tình ca diễn tả về tình yêu của người nam và người nữ, một sự đối đáp giữa chàng và nàng là một cuồn sách dành cho tình yêu từ trang đầu đến trang cuối, một cuốn sách dành riêng cho chàng và nàng, đôi bạn đầu tiên trên mặt đất trong hạnh phúc và tình yêu, và phản chiếu phần nào tình yêu Thiên Chúa.“Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng nhau bước. Quân vương đã vời thiếp vào cung nội, ngài sẽ là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em. Ân ái của ngài chúng em quý hơn rượu. Thương yêu ngài phải lẽ biết bao nhiêu” (Dc 1, 4).

Theo Tin Mừng thánh Macô, Chúa Giêsu chỉ nhắc đến việc Cha Ngài đã làm khi dựng nên con người : ‘Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly’ (Mc, 10,6-8). Đó là nguyên ủy của hôn nhân, gia đình nhân loại.

Thánh Phaolô mở cho chúng ta một cái nhìn cao cả về tình yêu vợ chồng, giồng như tình yêu giữa Chúa Kytô và Giáo Hội. Ngài dạy rằng: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh” (Ep.5, 25). Ngài còn nói thêm rằng : Vợ chồng phải yêu thương nhau cũng bền lâu và nồng nàn như Đức Kitô yêu Giáo Hội và như Giáo Hội tận hiến cho Đức Kitô (Ep. 5,21-33).

Về tình yêu thân mật vợ chồng, Thánh Phaolô dạy rằng : “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. (4) Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. (5) Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không biết tiết dục nổi mà Xatan lợi dụng để cám dỗ” (1Cr. 7,3 - 5). Trong đời sống chung vợ chồng, người chồng cần phải khéo léo để đọc ra được những lời yêu cầu thầm kín của vợ mình, nên giải thích những dấu hiệu muốn tỏ bày trong sự riêng tư của đời sống chung đó là những ý kiến và yêu cầu của vợ. Người chồng khôn ngoan như vậy, hẳn rằng tình yêu của hai người sẽ mỗi ngày một nhiều hơn để hai bên bắt đầu gặp nhau trong sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ.

b. Hôn nhân theo Luân Lý Kitô giáo

Hiến chế Mục Vụ năm 1965 của Công Đồng Vatican II

Số 48 : Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly.

Số 49 : Lời Chúa đã nhiều lần mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không chia xẻ

Số 50 : “Tự bản chất hôn nhân và tình yêu vợ chồng được tổ chức nhằm sinh sản và giáo dục con cái. Con cái đúng là một món quà cao quý nhất của hôn nhân, góp phần rất căn bản vào hạnh phúc của cha mẹ… Vì thé, tuy không coi nhẹ các mục tiêu khác của hôn nhân, nhưng sống tình yêu vợ chồng cách đích thực và tìm được ý nghĩa cho đời sống gia đình, tất cả đều nhằm mục tiêu ấy : vợ chồng phải sẵn sàng can đảm và cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hoá và Cứu Độ, đã dùng họ để ngày ngày mở rộng và làm giàu thêm cho gia đình của Ngài. Cha mẹ phải coi việc truyền sinh và giáo dục những người đã được mình truyền sự sống cho như sứ mạng của riêng mình”.

Giáo Luật 1983, tóm tắt về Bí Tích Hôn Phối rằng :

Ðiều 1055 : Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích.

Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí Tích.

Ðiều 1056 : Những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí Tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Kitô giáo.

Ðiều 1057: Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào.

Giáo lý Công Giáo 1992 dạy rằng :

1601."Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Ki-tô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng bí tích" (x. CIC, khoản 1055, triệt 1).

Qua trình bày vắn tắt trên đây, ta có thể tóm tắt chương trình của Chúa về hôn nhân qua những nét chính sau đây : hôn nhân là : 1-Giao ước giữa một người nam và một người nữ ; 2- Tự do ưng thuận của đôi bên ; 3- Người nam và người nữ sẽ lìa cha mẹ mình mà gắn bó với nhau, tạo nên một cuộc sống chung vợ chồng ; 4- Cả hai sẽ thành một xương, một thịt, tự hiến cho nhau ; 5- Họ trung tín với nhau, và kết hợp với nhau bất khả phân ly ; 6- Tình yêu vợ chồng giữa họ hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái.

Chương trình này của Chúa về hôn nhân gặp nhiều vấn đề cụ thể phải nói đến là : hôn nhân đồng phái, ngừa thai hạn chế sinh sản, phá thai, ly dị, bỏ bê con cái,…

II. HÔN NHÂN ĐỒNG PHÁI XÚC PHẠM CHƯƠNG TRÌNH HÔN NHÂN CỦA CHÚA

Theo chương trình của Thiên Chúa về hôn nhân, như vừa trình bày trên đây, mà theo đó, hôn nhân là một giao ước giữa một nam và một nự, nhằm mục đích nâng đỡ, duy trì, làm cho lâu bên sự hiện hữu của loài người ; thì không một chính phủ nào, không một cơ chế xã hội và chính trị của một quốc gia nào trên trần gian có thể chiếm lấy cho mình cái quyền trao ban hôn phối cho một sự hợp nhất đồng phái, vì tự bản tính, đồng phái là son sẻ, tuyệt sinh. Chỗ nào có luật này được biểu quyết, chỗ đó luật ấy là độc đoán và bất chính hoàn toàn, bởi vì luật đó cố tình nâng đỡ một quan niệm giả tạo về việc sinh sản của con người, xúc phạm đến chương trình hôn nhân của Thiên Chúa.

Những nghiên cứu và những thăm dò mới đây, tại Âu châu cũng như tại Hoa Kỳ, chứng minh rằng : chỉ có một thiểu số dân chúng xưng mình là đồng tính (homosexuelle). Số nhỏ này vẫn tiếp tục làm áp lực trên các nhà chính trị và cả trên các mục tử của Giáo Hội. Chính vì thế, Bộ Đức Tin đã cảnh báo các giáo sĩ : « Tại một số quốc gia, người ta đã thử dùng mọi mánh khoé (thủ đoạn) để được các mục tử trong Giáo Hội ủng hộ sự thay đổi các quy chế luật pháp dân sự. Tức là đòi luật pháp đồng ý với những quan niệm của những nhóm gây áp lực, mà theo đó, vấn đề đồng tính luyến ái là một điều hoàn toàn vô hại, nếu không là điều tốt. Cho dù việc sống đồng tính luyến ái biểu hiện một sự đe dọa nghiêm trọng cho sự sống và nếp sống lành mạnh của một số lớn người ta, những người chủ trương đường hướng này không từ bỏ hành động của họ và từ chối không chấp nhận mối nguy hại mỗi ngày một lan rộng. Mối đe dọa đầu tiên là biến tính (dénaturer) hôn nhân.

Pacs (Le Pacte civil de solidarité), được Quốc Hội chấp thuận ngày 15.11.1999, cho những người khác dục tính (héterosexuelles) những quyền lợi về vật chất của hôn nhân dân sự, mà không có trách nhiệm phát sinh từ hôn nhân ấy. Một trong hai người có thể đơn phương chấm đứt pacs bằng một lá thư gửi bảo đảm. Chúng ta có thể trở lại xứ Palestine thời Chúa Giêsu với một giấy rẫy vợ do người Do Thái thảo ra để đuổi vợ của họ, trừ ra ngày nay người đàn bà cũng có thể rẫy bỏ người phối ngữ của mình.

Ngày nay, tại Pháp sau 13 năm pacs giữa người đồng phái, giờ đây, từ ngày 23.04.2013, họ có thể bước thêm một bước : hôn nhân đồng phái. Nhưng chúng ta, những người Công Giáo, không thể chấp nhận hôn nhân giữa hai người đàn ông hay giữa hai người đàn bà có thể được Nhà Nước công nhận như một mẫu hình xã hội, đồng dạng với hôn nhân của đôi bạn khác phái tính. Không bao giờ một hôn nhân như vậy lại là một mẫu hình xã hội bởi vì nó không có khả năng sinh sản tự nhiên. Nghĩa là, không có sự giúp đỡ về kỹ thuật, thì hôn nhân đồng phái tính không có khả năng tồn tại, và cũng không làm cho xã hội được vững bền. Vậy, hôn nhân đồng phái tính hoàn toàn là một thể chế giả tạo, ép buộc và luôn lệ thuộc vào kỹ thuật y khoa để sản sinh. Như vậy căn tính nền tảng của hôn nhân đồng phái tính, xét theo là một thể chế xã hội, không (thành sự) có giá trị gì cả.

a. Giáo lý Công Giáo về Tính dục đồng phái

Là con cái của Thiên Chúa và phần tử trong Giáo Hội, chúng ta phải cẩn thủ tuân giữ giáo huấn của Giáo Hội. Sách Giáo Lý tuyên bố rằng : "Ðồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Ðồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10), truyền thống HộiThánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (x. Bộ Giáo lý đức tin, Tuyên ngôn “Persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào » (GLHTCG, 2357). Còn phải phân biệt những người chỉ có xu hướng dục tính với người đồng phái nhưng không có những hành động đồng phái tính với những người tìm thỏa mãn qua những tương quan dục tính. Lúc đó tốt hơn phải dùng những từ thật đúng cho từng trường hợp, và nên nói ‘xu hướng riêng biệt ‘ (inclination particulière) của người đồng phái tính để chỉ sự lôi kéo dục tính đến người đồng phái, nhưng phải nói ‘thác loạn dục tính’ (désorientation sexuelle) để chỉ những hành động dục tính. Vậy chỉ có một hướng chiều dục tình (orientation sexuelle) mà Thiên Chúa muốn là người đàn ông bị lôi cuốn đến với người đàn bà và người đàn bà đến với người đàn ông.

Thể chế hôn nhân xây nên các nền tảng của xã hội loài người và cách riêng nền tảng của tử hệ. Phần lớn các giám mục đã nhắc lại điều đương nhiên này và đã từ chối hôn nhân giữa người đồng phái tính. Những lời tuyên bố chính thức của các giám mục trong giáo phận, của các linh mục trong họ đạo chống lại sự phá hủy hôn nhân. Những lời tuyên bố ấy thường không được truyền thông vui vẻ đón nhận, họ coi đó là những lời khinh bỉ hay làm tổn thương những người liên hệ. Hoàn toàn sai. Thực ra, Giáo Hội biết rằng mọi người ở trần thế dù lạc hướng và xúc phạm đến chương trình của Thiên Chúa thế nào đi nữa, tất cả đều được mời gọi hối cải và nên thánh. Giáo Hội không xua đuổi ai cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo Hội không bao giờ khinh bỉ những người đồng tính luyến ái, Giáo Hội coi họ cũng có một nhân cách như mọi người, theo ý Thiên Chúa muốn : Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa (GLHTCG, 2358).

Đón nhận, cảm thông, và tôn trọng những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn, Giáo Hội mời gọi họ sống khiết tịnh : Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Kitô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi (GLHTCG, 2359).

b. Dăm ba đối thoại với quan điểm Hôn Nhân Đồng Phái

1. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kinh sợ (homophobie) ?

Nói về hồng ân đích thực của hôn nhân để chứng tỏ minh bạch rằng sự bất thành (invalidité) của sự kết hợp vợ chồng giữa những người đồng phái không phải là chống đối hay ghét bỏ người đồng phái tính (être homophobe). Không có sự thật thì không có bác ái. Sớm hay muộn, mọi đứa trẻ đều học biết ở trường sự sống được sản sinh như thế nào. Những bài học về khoa học tự nhiên mà em bé tiếp thu tại học đường đều xác chứng về sự sản sinh tự nhiên của những loài người hay loài vật giao hợp với nhau. Đàng khác, những đứa trẻ cũng sẽ nhận được một bài dạy song song về những thành quả của việc sản sinh nhân tạo. Nhưng tất cả đều dựa trên một từ : bản tính. Chính theo nghĩa này mà Giáo Hội nói rằng ‘mọi liên hệ của những người cùng phái thì không tự nhiên, không thuộc bản tính’, bởi vì không có sự khác biệt phái tính, chúng cản ngăn sự sống.

2. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kỳ thị (Discrimination) ?

Từ này có nghĩa là ‘phân biệt, tách rời’ (distinguer, séparer). Đây là một khả năng của trí tuệ. Người ta muốn làm cho chúng ta tin rằng đó luôn là điều bất công. Vậy ‘phân biệt, tách rời’ là một phẩm tính quan trọng nơi con người trưởng thành. Chúng ta ‘phân biệt’ hay ‘tách rời’ mỗi ngày bằng sự ‘chọn lựa’ (choix). Biết phân biệt có thể được nhận định như thành quả liên kết của đức khôn ngoan (sagesse) và đức thận trọng (prudence). Rủi thay trong xã hội hiện nay, từ ‘phân biệt’ hay ‘tách rời’ bị rơi vào một nghĩa tiêu cực : kỳ thị.

Ngày nay trong xã hội của chúng ta, ít có người tìm biết cái gì là xấu cái gì là tốt (mal ou bien), đa số chỉ thán phục sự bao dung tuyệt đối : ‘tất cả đều có giá trị, tất cả đều được phép, không ai được lấn át tự do của tôi’. Nhưng nếu các phần tử của xã hội đều là những người biết bao dung tương hỗ toàn diện, lúc đó lại tạo nên một xã hội không có luật lệ, không có quy định chia sẻ, bởi vì ‘tất cả đều tốt, tất đều lành mạnh, tất cả đều thiện hảo, tất cả đều chân thật nếu như ai cũng tìm thấy lợi ích và hạnh phúc tức khắc !'. Đó là những ý kiến chúng ta thường nghe quanh chúng ta. Như vậy thì thật hạnh phúc !’. Nhưng rồi chẳng bao lâu, nhân danh ‘bao dung’, mọi luật lệ sẽ bị xóa bỏ. Chúng ta sẽ rơi vào tình trạng xáo trộn hoàn toàn.

Chính vì thế cần phải biết phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác, hầu biết chọn lựa mà không phải hối tiếc về sau, một sự chọn lựa tinh tế trong đời sống. Ngược lại có những phân biệt bất công chống lại người khác, về tầng lớp xã hội, chủng tộc hay tôn giáo, hay về chính kiến… Cần phải chống lại ‘sự phân biệt đó’. Những vi phạm bất công chống lại những người có khuynh hướng đồng phái tính, cũng phải mạnh bạo tố cáo, nhưng đừng mất quan điểm phân biệt tốt và đúng mà chúng ta phải làm về chính những hành động : « … Phản ứng lành mạnh chống lại những vi phạm bất công đối với những người đồng phái tính không có nghĩa là quả quyết đáp ‘tình trạng đồng phái tính không thác loạn’ (désordonnée). Khi người ta đón nhận những quyết đáp như vậy và khi người ta công nhận hành động đồng phái tính là tốt lành, hay khi người ta tạo nên những khoản luật dân sự để bảo vệ một lối sống như vậy, thì tất nhiên Giáo Hội và xã hội không khỏi ngỡ ngàng, đứng trước những ý kiến dị biệt khác và những thực hành lạc hướng làm lan tràn và gia tăng những phản ứng phi lý và bạo lực’

3. Hôn nhân từng biến hóa suốt trong lịch sử, thì giờ đây nó có thể thay đổi một lần nữa ?

Các nền văn hóa khác nhau đã xử lý hôn nhân cách khác nhau. Một số nền văn hóa cổ vũ lối hôn nhân sắp xếp. Một số khác liên kết hôn nhân với của hồi môn. Lại không thiếu những nền văn hóa coi hôn nhân như mối liên hệ chính trị qua đó các gia đình kết hợp thành các liên minh.

Nhưng tất cả các biến hóa ấy đều vẫn ủng hộ yếu tính nền tảng và bất biến của hôn nhân. Một cách tổng quát, chúng vẫn coi hôn nhân là một tương ước công khai, suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà nhằm sinh sản và dưỡng dục con cái.

Cái hiểu trên đi trước bất cứ chính phủ và tôn giáo nào. Nó là một định chế tiền chính trị, tiền tôn giáo, hiển nhiên trong cả các nền văn hóa không có luật lệ hay tôn giáo nào để cổ vũ.

Ấy thế nhưng, cứ giả dụ là ngay yếu tính của hôn nhân cũng có thể thay đổi đi chăng nữa, thử hỏi ta có nên thay đổi nó hay không? Từ các phạm vi khác của sự sống như các ngành nghiên cứu y khoa hay vật lý nguyên tử, ta biết rằng chỉ vì ta có thể làm một điều gì đó đâu có nghĩa là ta phải làm điều đó. Vì dù sao, làm như thế đâu có hợp đạo đức hay phục vụ ích chung. Dù luận điểm này có giá trị lịch sử đi chăng nữa, nó đâu có nhất thiết đủ lý do để ta phải thay đổi ý nghĩa của hôn nhân.

4. Hôn nhân đồng tính chủ yếu là vấn đề bình đẳng ?

Luận điểm này rất mạnh về phương diện xúc cảm vì tất cả chúng ta đều có khát mong sâu xa và bẩm sinh đối với công bằng và bình đẳng. Hơn nữa, lịch sử đã cho ta thấy muôn vàn thất bại trong lãnh vực này, trong đó, có việc phụ nữ không được đầu phiếu và người Mỹ Da Đen không được hưởng các quyền dân sự như những người khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu những cặp đồng tính có bị từ khước quyền bình đẳng chỉ vì họ không được phép cưới nhau hay không?

Để trả lời câu hỏi trên, trước nhất ta phải hiểu thế nào là bình đẳng. Bình đẳng không có nghĩa là như nhau (equivalence), không có nghĩa là phải đối xử với mọi người hay mọi nhóm cùng một cách y hệt như nhau. Xin đơn cử một thí dụ, đàn ông và đàn bà đều có quyền bình đẳng, nhưng vì khác nhau một cách có ý nghĩa, nên họ cần có các nhà vệ sinh riêng biệt nhau. Bình đẳng có nghĩa là phải đối xử với những sự vật tương tự như nhau một cách tương tự như nhau, chứ không đối xử một cách tương tự như nhau những sự vật khác nhau trong căn bản.

Thứ hai, có hai vấn đề cần lưu ý ở đây: sự bình đẳng của những người khác nhau và sự bình đẳng của những mối liên hệ khác nhau. Các luật lệ hiện nay về hôn nhân vốn đối xử với mọi người một cách bình đẳng. Bất cứ người đàn ông chưa vợ và người đàn bà chưa chồng nào cũng đều được kết hôn với nhau, bất luận xu hướng tính dục của họ; luật pháp hoàn toàn trung lập đối với xu hướng cũng như đối với nòi giống và tôn giáo vậy.

Vấn đề thực sự là liệu các liên hệ đồng tính có khác với các liên hệ dị tính một cách đáng kể hay không, thì xin thưa là có. Sự khác nhau lớn nhất là các cặp đồng tính không thể sinh sản con cái, cũng không đảm bảo quyền của đứa trẻ được dưỡng dục bởi cả cha lẫn mẹ. Chỉ những sự kiện này mà thôi cũng cho thấy ta đang nói tới hai loại liên hệ rất khác nhau rồi. Do đó, quả là sai lầm khi cho rằng nhà nước nhất thiết phải đối xử với chúng như thể chúng y hệt như nhau.

Những người bênh vực hôn nhân đồng tính có thể lý giải rằng coi trọng các cặp dị tính hơn các cặp đồng tính là một hành vi kỳ thị. Vì những lợi ích phát sinh từ hôn nhân, điều này đã thiên vị loại hôn nhân dị tính hơn liên hệ hôn nhân đồng tính một cách bất công. Nhưng nếu nhà nước nhìn nhận hôn nhân đồng tính, thì họ lại thiên vị loại hôn nhân đồng tính hơn loại hôn nhân dị tính. Luận điểm vì thế cứ thế cứ chạy lòng vòng, khiến rơi vào chổ tự hủy chính mình.

5. Luật Hôn nhân đồng phái là một luật dân chủ ?

Người ta chủ trương rằng đây là luật dân chủ vì ông Francois Hollande đã được trúng cử một cách dân chủ và luật sẽ do quốc hội biểu quyết. Xin đừng quên rằng còn có những luật đã hiện hữu tự nhiên trước mọi luật dân sự, những luật ấy đã làm nền móng cho xã hội. Một trong những luật tự nhiên cơ bản đó là : Sự phối hợp của một người nam và một người nữ cho phép sinh sản tự nhiên, nghĩa là họ cộng tác vào việc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi các nghị sĩ biểu quyết một luật trái lương tâm của họ thì đó không phải là biểu quyết dân chủ, không phải là luật dân chủ, nhưng là luật bất hợp pháp, luât của chế độ độc tài…

III. KẾT LUẬN

Hôn nhân truyền thống đã rất khó thành công, giáo dục con cái đôi khi thật chua cay. Nhưng đó là thể chế tuyệt hảo hơn, vì đó là thể chế chính Thiên Chúa muốn thiết định cho nhân loại. Thể chế xây nền tảng xã hội trong đó người nam và người nữ có thể xây dựng tổ ấm tốt hơn.

Hôn nhân đồng phái là một kiến tạo của tinh thần không đứng vững trước chương trình đích thực về tình yêu mà Thiên Chúa đã thiết định cho người đàn ông và người đàn bà, đó là điều mà chính Đức Kitô nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng thánh Macô. Những người Công Giáo, tuân giữ đức công bằng và bác ái, có bổn phận chống lại, theo cương vị của từng người, âm mưu và hành động phá hủy nền móng của xã hội chúng ta. « Mỗi khi phải đương đầu với sự nhìn nhận giá trị pháp lý của những phối hợp đồng phái tính, hay với sự kiện đồng hóa theo pháp lý những phối hợp đồng phái tính với hôn nhân, bằng cách cho những phối hợp đồng phái tính những quyền lợi dành riêng cho hôn nhân, thì người ta phải chống đối một cách minh bạch và cương quyết. Phải chối bỏ mọi hình thức cộng tác công khai vào việc ban hành và áp dụng những khoản luật cực kỳ bất công, và ngần nào có thể, không cộng tác cụ thể vào việc áp dụng các luật đó. Thực tế, mỗi người có thể đòi hỏi quyền vấn nạn lương tâm’.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo thế giới ngưng tay phá hủy thể chế hôn nhân với mẫu hình mới cho xã hội là mẫu hình muốn vượt qua luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết định khi dựng nên con người.

n Phần tóm kết của nhóm Gia Đình Trẻ:

Hôn nhân đồng tính được định nghĩa là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học (giữa nam và nam, hoặc nữ và nữ). Ở Pháp, đề tài này đã được tổng thống F. Hollande, chính phủ đảng Xã Hội và Quốc Hội hợp pháp hóa vào ngày 23.04.2013 vừa qua, gây ảnh hưởng tiêu cực không những đến nền tảng truyền thống của gia đình mà còn đến cả giáo lý Công Giáo, tức đến chương trình của Thiên Chúa về mặt hôn nhân.

Chương trình đó bao gồm 14 mệnh đề sau đây :

• Theo phúc âm:

1. Hôn nhân phải có nam, có nữ theo luật của Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài

2. Mục đích của hôn nhân là sinh con đẻ cái để thống trị thế giới và mọi loài

3. Vợ chồng phải hỗ trợ cho nhau

• Theo sách Diễm ca:

4. Nền tảng hôn nhân xuất phát từ tình yêu giữa người nam và người nữ, giống như tình yêu mà Chúa đã giành cho họ

• Theo thánh Marcô:

5. Người nam và người nữ phải lìa xa gia đình mình để trở nên một

6. Hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ bởi Thiên Chúa, loài người không được phân ly

• Theo thánh Phaolô:

7. Người chồng và người vợ phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương Giáo Hội

8. Vợ chồng phải tận hiến cho nhau như Giáo Hội tận hiến cho Chúa

9. Chồng phải làm tròn bổn phận đối với vợ, cũng như vợ đối với chồng

10. Người vợ không có quyền trên thân xác mình (nhưng chồng có quyền) và trên thân xác chồng

11. Vợ chồng phải sống trọn nghĩa với nhau về phương diện sinh lý

• Giáo Hội còn bổ sung thêm 3 mệnh đề nữa là:

12. Mục đích của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái, vì con cái là món quà quý nhất của hôn nhân. Đây cũng là cách mở rộng nước Chúa

13. Củng cố một tình yêu trung thành, bất khả phân ly

14. Hôn nhân giữa người nam và người nữ đã được Rửa Tội là một bí tích vì sự hiến thân cho nhau trong cuộc đời và duy trì hạnh phúc gia đình qua việc sinh sản và giáo dục con cái

Dựa vào những mệnh đề trên, chúng ta nhận thức rõ rằng hôn nhân đồng tính luyến ái là một xúc phạm đến lề luật của Giáo Hội về phương diện hôn nhân, đặc biệt mệnh đề liên quan đến việc sinh sản con cái để thống trị thế giới theo lời của Chúa : nếu tuân theo và căn cứ trên quy luật tự nhiên, cha mẹ đồng tính sẽ không có con. Hơn nữa, hôn nhân đồng phái sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến một xã hội mà quan niệm cơ bản về hôn nhân là một chồng, một vợ sống cho nhau và sinh sản con cái. Vì vậy, nó sẽ tác động tiêu cực đến việc xin nhận con nuôi và giáo dục con cái (một đứa trẻ có cha mẹ đồng giới tính thì sẽ phát triển bình thường không?), hoặc việc mang thai trong ống nghiệm hay việc nhờ người khác mang thai dùm.v.v...

Giáo sư Cảnh đã nhấn mạnh một điều rất quan trọng là Giáo Hội không kết án những người có khuynh hướng đồng tính, mà chỉ kết án những hành động đồng tính thôi : Giáo Hội mời gọi những người có khuynh hường đồng tính hãy nên cải thiện cuộc sống của họ, Giáo Hội không từ bỏ họ, nhưng tôn trọng, thông cảm và năng đỡ họ sống hoàn thiện hơn. Ngược lại, Giáo Hội lên án những hành vi đồng tính và chống đối quy chế hôn nhân giữa hai người đồng giới.

Thảo luận:

Nội dung thảo luận bao gồm 5 câu hỏi đã được đặt ra trong phần thuyết trình trên :

1. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kinh sợ (homophobie) ?

2. Không chấp nhận hôn nhân đồng phái vì kỳ thị (Discrimination) ?

3. Hôn nhân từng biến hóa suốt trong lịch sử, thì giờ đây nó có thể thay đổi một lần nữa ?

4. Hôn nhân đồng tính chủ yếu là vấn đề bình đẳng ?

5. Luật hôn nhân đồng phái là một luật dân chủ ?

• Nhận định chung

Mọi người trong buổi họp đều chấp nhận rằng hôn nhân đồng phái là một xúc phạm đến chương trình của Chúa về mặt hôn nhân, nhưng nhấn mạnh một điều là cần phải phân biệt rõ ràng khuynh hướng đồng tính mà Giáo Hội không kết án và hành vi đồng tính mà Giáo Hội lên án.

Ý kiến, quan điểm đưa ra trong cuộc họp

Đồng tính luyến ái không phải là một vấn đề truyền sinh

Nếu trong gia đình có một người đồng tính thì mình có chấp nhận được không ?

Vì không ai có chứng từ về vấn đề này trong gia đình mình, nên Đức Ông Vinh đã kễ lại 3 trường hợp sau đây để chứng minh rằng việc chấp nhận hay không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh gia đình :

Trong một gia đình có một cô con gái đồng tính, mà lẫn bố và mẹ không chấp nhận đời sống đồng tính của cô. Vì không muốn cắt đứt mối quan hệ với cô ta, nên họ vẫn yêu mến cô ta. Ba năm sau, khi cô này hối hận, muốn quay về nhà thì cha mẹ đã sẵn sàng mở cửa đón tiếp con mình. Nay cô đã có đời sống bình thường trở lại

Hai anh chị kia lấy nhau, nhưng anh chồng có hành vi đồng tính. Vì không có hạnh phúc gia đình trong vòng 7 năm, nên chị xin ly dị

Trong một gia đình có một anh trai có khuynh hướng đồng tính. Vì lý do kinh tế nên anh phải quan hệ với một người đồng tính để trả nợ, và sau này trở thành một người đồng tính

Có nên sử dụng hai từ khác nhau để phân biệt hôn nhân truyền thống (nói tóm tắt là hôn nhân), và hôn nhân đồng phái : không nên dùng chữ "hôn nhân" khi đề cập đến hôn nhân đồng phái

Do sự nhận thức của những cá nhân đồng tính về hôn nhân đồng giới, một số người đồng tính không chấp nhận mà con lên án hôn nhân đồng phái, ví dụ như trường hợp của Philippe Arino, giáo viên và nhà văn đồng tính, sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo...

Chung quy, do ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của nền văn hóa Việt Nam, cũng như quan niệm, tư tưởng trong đời sống Công Giáo, chúng ta cần phải mạnh mẽ và lên tiếng kết án hôn nhân đồng phái mặc dầu đã được hợp pháp hóa ở Pháp, vì nó là một xúc phạm hiển nhiên đến chương trình của Thiên Chúa về phương diện hôn nhân. Riêng khía cạnh xã hội thì con người sẽ còn phải đương đầu với rất nhiều nguy hiểm một khi đã nhận thức được rằng hôn nhân đồng phái sẽ gây suy sụp nền tảng gia đình, dù quan niệm ngày nay về gia đình đã cởi mở nhiều, và bình đẳng giữa con người đã được cải thiện vượt bậc so với các thế hệ trước.

Buổi chia sẻ thật súc tích, hữu ích và có giá trị tinh thần cao, giúp cho mọi người hiểu rõ vấn đề hơn, nhất là các em thiếu nhi được cha mẹ dẫn đến để tham dự, được phát biểu và giải đáp những thắc mắc vốn rất hồn nhiên nhưng quan trọng đối với các em. Ai nấy vui vẻ chia tay ra về sau một ngày học hỏi sốt sắng và tích cực.

Paris, ngày 29 tháng 12 năm 2013

Đinh Đức Huy / Giang Minh Đức

 
Dòng Tên Việt Nam cử hành trọng thể lễ Tước Hiệu Dòng
Chỉnh Trần, S.J.
22:59 02/01/2014
SJVN – Ngày 03 tháng 01, toàn thể Hội Thánh cử hành lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Đây cũng là ngày anh em Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên) cử hành trọng thể lễ Tước Hiệu Dòng. Vì thế, 6 giờ sáng ngày 03.01.2014, cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J., Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam cùng với quý cha, quý thầy thuộc các cộng đoàn: Học viện thánh Giuse, Arrupe, Hiển Linh và Giuse Pignatelli đã cùng cử hành trọng thể lễ Tước Hiệu Dòng trong bầu không khí nồng ấm và chan hòa tình huynh đệ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, chính thánh I-nhã cũng như các bạn đầu tiên đã ước ao được gọi bằng tên của Chúa Giêsu cho nhóm bạn trong Chúa và sau này cho Dòng của mình. Thực vậy,tháng 11.1537, trên đường từ Vicenza đến Rôma đặt mình dưới chân Đức Giáo Hoàng để được ngài sai đi, khi vào cầu nguyện trong một ngôi nhà nguyện nhỏ ở La Storta, 41_00205348Thánh I-nhã đã được Chúa ban ơn soi sáng đặc biệt và mãnh liệt, đó là được thấy Chúa Cha đặt mình với Chúa Giêsu đang vác Thánh Giá. Cả Chúa Cha và Chúa Con nhìn ngài cách trìu mến, và ngài đã nghe Chúa Cha nói với Chúa Con: “Ta muốn Con nhận lấy người này làm người phục vụ”. Chúa Giêsu đã quay nhìn I-nhã đang quỳ và nói: “Ta muốn con phục vụ Chúng Ta”.

Kinh nghiệm thiêng liêng này chính là nền tảng của đặc sủng Dòng Tên. Thế nên, ngài chỉ muốn Chúa Giêsu là vị thủ lãnh duy nhất và là trung tâm của nhóm “những người bạn trong Chúa.” Và khi xin thành lập Dòng, ngài đã tha thiết xin Đức Giáo Hoàng cho hội dòng mới mang chính tên Chúa Giêsu: Dòng Chúa Giêsu (Ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên) dù trước đó chưa có bất kỳ dòng nào chọn Thánh Danh Giêsu.

Chính vì thế, mở đầu bài giảng, cha Giám tỉnh đã dùng câu chuyện của thánh Phêrô nhân danh Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho một người què: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô anh đứng dậy mà đi.” (Cv 3, 6) để nhấn mạnh rằng đối với các tông đồ, đối với các Kitô hữu, Chúa Giêsu là tất cả, là món quà quí giá nhất để giới thiệu và trao tặng cho mọi người. Thế nên, ngài mời gọi “anh em Dòng Tên, những thành viên của hội dòng mang Danh Giêsu, những Giêsu hữu, tức những người bạn của Chúa Giêsu” gắn bó với Chúa Giêsu và nhận Chúa Giêsu làm mẫu mực của cuộc đời và sứ mạng của mình.

Bên cạnh đó, ngài cũng kêu mời anh em sống hiệp nhất và tuân phục bằng cách trở nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày: “Chính Chúa Giêsu mới là người thầy, là mẫu mực đích thực huấn luyện chúng ta. Chính cung cách sống giống như Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên giống nhau, đồng tâm nhất trí với nhau.”

Cuối cùng, cha Giám tỉnh ao ước mỗi anh em Dòng Tên yêu mến Thánh Danh, yêu mến Chúa Giêsu và chiêm ngắm Ngài mỗi ngày qua đời sống cầu nguyện, xét mình hằng ngày để trở nên giống Chúa Giêsu hơn.

Như thế, chính việc mang Thánh Danh Giêsu, Dòng xác định lối sống của mình, nghĩa là, Đức Giêsu chính là khuôn mẫu duy nhất và đích thực. Các thành viên của Dòng không chỉ phải biết Người và yêu mến Người, nhưng họ còn phải bước theo Người, thậm chí trong khó nghèo, chịu sỉ nhục và khinh chê. Danh hiệu ‘Dòng Chúa Giêsu’ luôn mãi là lời nhắc nhớ mỗi Giêsu hữu phải sống như Đức Giêsu đã sống.

Bước sang năm 2014, Dòng Tên trên thế giới sẽ kỷ niệm biến cố 200 năm Dòng được tái lập ngày 07.08.1814. Riêng tại Việt Nam, Dòng Tên sẽ cử hành Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn và do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo Phận Sài Gòn chủ tế vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ bảy ngày 18.01.2014.

Chỉnh Trần, S.J
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Huyền thoại và các dối trá của Mao vẫn đang đàn áp Trung Quốc
Vũ Văn An
22:43 02/01/2014
Đó là nhận định của Bao Tong, một cộng tác viên của Triệu Tử Dương, cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, người bị truất phế vì tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình Thiên An Môn.

Theo Bao Tong, thế kỷ 20 chứng kiến ba huyền thoại chính trị vĩ đại. Hai huyền thoại Hitler và Stalin đã bị loại bỏ hoàn toàn, chỉ còn huyền thoại Mao là còn đang ám ảnh Trung Quốc tận cho tới nay. Khó có thể đưa ra một đánh giá toàn bộ về Mao Trạch Đông, nên ta chỉ có thể có được một hình ảnh rõ rệt về những gì ông ta đã thực hiện được. Các sách dạy sử cho ta hay: nhân dân Trung Hoa đã thực hiện được cuộc cách mạng dân chủ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Điều này không đúng. Cái gọi là “Dân Chủ Mới” là trò xỏ lá do Mao sáng chế hòng cạnh tranh với Tưởng Giới Thạch để nắm quyền. Nó diễn ra như thế này: đất cho dân cày; tự do cho trí thức; phát triển kỹ nghệ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân; và kiểu nói của Lincoln: chính phủ vì dân, do dân, và của dân cùng với 4 tự do căn bản của Rossevelt dành cho toàn thể nhân dân Trung Quốc. Đến tận cuối năm 1949, Mao vẫn đang loay hoay cùng với các đảng và các nhóm dân chủ để lên khung lần chót cho “chương trình chung”. Nhưng ngay khi lên cầm quyền, Mao đã khước từ bất cứ chương trình nào trong số ấy.

Bước ‘tiến nhanh’ của Mao

Mao tiến nhanh đến nỗi cả Lưu Thiếu Kỳ lẫn Chu Ân Lai cũng theo không kịp. Dưới ảo tưởng cải cách ruộng đất, số phận toàn bộ dân cày Trung Quốc là mất đất cày vĩnh viễn. Tất cả các trí thức đều bị “cải tạo” còn công nhân thì bị cấm đình công và thành lập bất cứ công đoàn độc lập nào. Các chủ nhân tư hữu “tự ý” hiến mọi tài sản của họ, trong khi toàn dân Trung Quốc có được “một nền cộng hòa” trong đó, họ không được phép bỏ phiếu. Đó chính là điều tự gọi là chiến thắng cao cả của cách mạng dân chủ, nền tảng của huyền thoại Mao Trạch Đông. Lúc Stalin còn sống, Mao Trạch Đông không dám lên tiếng nhiều, nhưng cái chết của Stalin là cơ hội ngàn năm một thuở giúp ông chễm chệ trên ghế đầu đàn xã hội chủ nghĩa. Mao nắm vội lấy cơ hội và vứt bỏ cái nhãn “Dân Chủ Mới” để xây giấc mộng xã hội chủ nghĩa, một giấc mộng mà ông ta nằng nặc cho là giấc mơ của mọi người Trung Quốc. Chiến thuật của ông ta là dấn thân vào cuộc chiến chính trị trường kỳ trong đó ai theo ông ta thì được sống, còn ai chống ông ta sẽ phải chết.

Một chủ nghĩa xã hội mới?

Trước đây, mọi điều Mao biết về xã hội chủ nghĩa đều phát sinh từ “giảng khóa ngắn về lịch sử Đảng Cộng Sản Xô Viết”. Bây giờ, ông ta muốn tự mình sáng chế ra nó. Toàn thể nhân dân Trung Quốc sẽ phải làm việc, đấu tranh, và học tập phần “57 Công Xã” trong Tư Tưởng Mao Trạch Đông, một phương pháp tổ chức vừa được sáng chế. Chương trình khởi đầu của ông ta là bắt kịp Anh và Mỹ qua Bước Nhẩy Vọt (1958-1960), và kế hoạch toàn bộ của ông ta là quyền lãnh đạo tối cao mọi thế hệ cách mạng khắp thế giới. Dưới Mao, quyền tư hữu tại Trung Hoa bị bãi bỏ, và chỉ được lập lại vào năm 2007 với Luật Sở Hữu. Sự đóng góp của Mao vào chủ nghĩa xã hội có thể coi là số không, nếu có thể làm ngơ hàng chục triệu sinh mạng và rất nhiều thảm hoạ chồng chất trên hàng trăm triệu người khác chỉ với một nét bút của ông ta. Tuy nhiên, sự thất bại lớn lao của “chiến tuyến quần chúng” vào năm 1958, tức của Bước Đại Nhẩy Vọt, và Các Công Xã Nhân Dân là một mất mặt lớn cho chủ nghĩa xã hội của Mao. Trong cuộc mít tinh chính trị của quần chúng do Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản tổ chức vào năm 1962, người ta đã bắt đầu nghi ngờ các chính sách của Mao rồi. Dường như Lưu Thiếu Kỳ, người vốn hết lòng bênh vực Mao trong các năm qua, giờ đây đang bị cuốn hút vào thứ khí thế nguy hiểm này. Điều này khiến Mao phát động “cuộc cách mạng không cùng” bất chấp mọi rủi ro. Mao, tên bài bạc vĩ đại nhất thế giới, giờ đây mang cả hồn lẫn xác ra đặt cọc, thực tế là buộc toàn thể nhân dân Trung Quốc thành nạn nhân hy sinh của ông ta.

Tắm máu

Người ta hay nói tới thập niên Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), nhưng thực ra việc tắm máu khởi sự ngay sau cuộc biểu tình của quần chúng nói trên. Chủ đề duy nhất của cuộc thảm sát kéo dài 14 năm, một cuộc thảm sát được Mao lên kế hoạch và đạo diễn, là “bất cứ ai chống Mao Chủ Tịch sẽ bị trừ khử”. Và trong diễn trình trừ khử mọi người chống đối mình, Mao cũng đã trừ khử chính ông ta. Nhiều người cho rằng Mao có công “sáng lập” ra Trung Quốc, như thể Trung Quốc lúc đó không phải là một quốc gia, hay trước đó, không hề hiện hữu, như thể nhân dân phải biết ơn vì đã có được một đất nước, bất kể đất nước ấy thực hiện được những gì. Tuy nhiên, thiển nghĩ ta không cần nói thêm về khía cạnh này ở đây nữa. Nhiều người khác gán công cho Mao trong các chính sách vĩ đại và cao cả liên quan tới việc làm cho “nhân dân Trung Quốc đứng dậy”. Có lẽ họ có ý nói tới “phép lạ” này: là nhân dân Trung Quốc vẫn còn khả năng đứng dậy sau cảnh rối beng mà ông ta đã đem đất nước vào! Thiển nghĩ không cần nói gì thêm, ngoài việc nêu ra bốn điểm sau đây: 1. Chiến thắng Phátxít năm 1945, và việc Trung Quốc nắm được ghế thường trực tại Hội Đồng Bảo An LHQ năm 1946 đã đủ cho thấy nhân dân Trung Quốc từng đã đứng dậy rồi. Ngược lại, khi Mao Trạch Đông tuyên bố rằng ông ta đứng về phía Liên Bang Xô Viết và “chống lại Mỹ và giúp Triều Tiên” theo lệnh Stalin, một điều nên gọi chính xác hơn là ‘lên tinh thần cho Kim Il Sung và giúp Triều Tiên’, há nhân dân Trung Hoa không đang nằm bẹp một lần nữa đó hay sao? 2. Khi đề ra chiến thuật ngoại giao ưu việt (supremacist), Mao Trạch Đông không thể là một lực lượng hòa bình hay ổn định trên thế giới, như thế nhân dân Trung Hoa đâu có gì để hãnh diện. 3. Bao nhiêu chục triệu đồng bào Trung Quốc đã phải đói cho tới chết trong khi Mao ào ạt xuất cảng lúa gạo để trả nợ cho cái tính rởm đời muốn có bom nguyên tử của mình, một việc đâu có chi để nhân dân múa nhẩy trên hè phố? 4. Nếu ngay cả Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai đều qùy trước Mao, thì còn ai trên khắp Trung Hoa có thể đứng thẳng được nữa?

Vẫn tựa vào huyền thoại

Như thế lúc này đây khi đã thuật lại đúng những gì Mao làm cho nhân dân Trung Quốc, thì thiển nghĩ việc lột mặt nạ huyền thoại về ông ta đâu còn khó khăn gì. Điều duy nhất khiến việc lột mặt nạ này đâm ra phức tạp là sự kiện những người thừa kế ông ta vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các chiến lợi phẩm do chiến thắng quân sự của ông ta đem lại. Những người thừa kế đầy quyền thế của ông ta quá sung sướng trong việc vĩnh cửu hóa muôn đời huyền thoại Mao Trạch Đông; họ tha hồ bơm huyền thoại “cứu tinh” vào dòng máu hết thế hệ này sang thế hệ nọ của nhân dân Trung Hoa từ lúc lọt lòng mẹ. Chỉ kể sơ sài, cũng thấy di sản Mao gồm việc làm câm họng công luận, một chế độ không dân cử, một cấu kết “hài hòa” giữa ba thứ quyền, và việc ào ạt làm cho công lý xẩy thai. Điều quan trọng nhất trong di sản này chắc chắn là quyền lãnh đạo tuyệt đối, vì bất cứ ai nắm được quyền này, đều nắm trong tay quyền lực của hàng trăm triệu công nhân. Quyền lực, đối với di sản Mao, là chân lý và hợp pháp; nó là sức ma thuật vạn chiến vạn thắng và là cây hái ra tiền theo dã sử và là ngón tay tối hậu của thần Midas biến mọi sự thành vàng ròng. Chính vì thế, người ta cần đích thân tới xem thứ quyền lực ấy; họ không thể bị “thống nhất hóa” để tin nó được.

Theo AsiaNews, 31/12/2013
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sơ lược về Mùa Thường Niên trong mùa Đông
Bùi Hữu Thư
17:43 02/01/2014
Trong khi chúng ta di chuyển từ ngày lễ cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, là Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, sang Mùa Thường Niên mùa Đông, chúng ta nhớ rằng cuộc sống trần thế của Chúa bắt đầu vào lúc Chúa chịu phép rửa. Khác với Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, Mùa Thường Niên không có tính cách đặc biệt. Nhưng các Chúa Nhật Mùa Thường Niên chú trọng tới toàn thể mầu nhiệm của Chúa Kitô với tất cả mọi lãnh vực.

Mùa Thường Niên gồm có hai giai đoạn:

Các Chúa Nhật và ngày thường trong tuần sau Lễ Chúa chịu Phép Rửa cho tới ngày thứ ba trước Lễ Tro, và các Chúa Nhật và ngày trong tuần sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cho tới Kinh Chiều I vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Năm nay, giai đoạn ngắn hơn của Mùa Thường Niên trong Mùa Đông bao gồm 8 Chúa Nhật và các ngày trong tuần giữa các Chúa Nhật này, tổng cộng là 9 tuần lễ: đây là một giai đoạn dài khác thường trước Mùa Chay! Cùng với các Phúc Âm, phụng vụ của giai đoạn này cung cấp cho chúng ta một cơ hội để học hỏi về đời sống chúng ta như những môn đệ của Chúa Ki-tô, và để nối kết các huấn dụ của Chúa Giê-su về Mười Điều Răn, Tám Mối Phúc Thật, và đời sống luân lý với các giáo huấn của Giáo Hội trong các lãnh vực này. Giai đoạn này được gọi là Mùa Thường Niên vì các Chúa Nhật được tính hay đặt cho có số thứ tự. Mùa này không “bình thường” như ý nghĩa của danh từ này. Các Chúa Nhật cung cấp cho chúng ta một cơ hội lạ lùng để suy niệm và sống chân lý của mầu nhiệm Phục Sinh, các biến cố cứu độ của việc Chúa giáng sinh, hoạt động, chịu tử nạn và Phục Sinh. Trong khi các ngày mùa đông dường như dài lê thê trong thời gian này, phụng vụ của Giáo Hội ban cho chúng ta một ý thức hân hoan vì chúng ta được mời gọi để làm môn đệ của Đấng Cứu Thế.

Bài đọc I

Trong tám Chúa Nhật Mùa Thường Niên trong mùa đông, chúng ta bốn lần được nghe lời tiên tri Isaiah, một lần từ tiên tri Zephaniah, và một lần từ Sách Châm Ngôn và Sách Lêvi. Vào lúc khởi đầu của giai đoạn này của năm phụng vụ, bài đọc 1 tiếp dẫn chủ đề của ánh sáng và sự cứu độ được nêu dấu trong Mùa Giáng Sinh. Trong phần sau của giai đoạn này, bài đọc 1 nói về việc tuân giữ giới răn và sống thánh thiện. Vào cuối Mùa Thường Niên trong mùa đông, với Mùa Chay kế tiếp, các bài đọc chuyển sang các chủ đề về tội lỗi và thống hối.

Đáp Ca

Khởi đầu của Mùa Thường Niên có các đáp ca khác nhau. Thánh Vịnh của Chúa Nhật thứ hai mùa Thường Niên khơi dậy một tâm trạng cho hành trình của chúng ta trong mùa trong khi chúng ta bắt đầu học biết thế nào là một môn đệ của Chúa Ki-tô. Trước hết, chúng ta phải lãnh nhận lời mời gọi của Chúa như các tiên tri Isaiah và các ngôn sứ khác, cũng như người dân Do Thái đã làm. Tin tưởng vào lòng thương xót và từ ái của Thiên Chúa, được phản ảnh trong các Thánh Vịnh khác của mùa Thường Niên, chúng ta được mời gọi để đáp ứng bằng sự dấn thân làm theo Thánh Ý Chúa.

Bài đọc II

Trong giai đoạn dài của Mùa Thường Niên trước Mùa Chay này, bài đọc 2 trích từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô. Bắt đầu với phần mở đầu và chào đón dân thành Côrintô vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên, có thể hiểu là được gửi gấm cho chính chúng ta ngày nay, bài đọc 2 khuyến khích người dân Côrintô, một dân nước bị phân hóa vì các vấn đề đức tin và luân lý, cũng như việc họ thắc mắc là ai có thể trực thuộc cộng đồng đức tin, để đồng ý liên kết với nhau với cùng một tấm lòng, trong Chúa Ki-tô. Người khỏe mạnh trong cộng đồng phải săn sóc cho người đau yếu. Người khỏe mạnh phải đảm bảo rằng hành động của họ không được gây ảnh hưởng xấu cho đức tin của người đau yếu. Tất cả đều phải là anh chị em trong Chúa Ki-tô.

Phúc Âm

Vào lúc mở đầu của Mùa Thường Niên trong mùa đông, trước hết chúng ta được nghe trình thuật của Phúc Âm Thánh Gioan vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên. Bài Phúc Âm này giúp chúng ta chuyển tiếp từ Mùa Giáng Sinh sang Mùa Thường Niên, vì tiếp tục chú trọng vào việc thể hiện căn tính của Chúa Giê-su. Trong bài Phúc Âm năm A, trọng yếu là việc Thánh Gioan tuyên dương Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa. Sau đó, khởi sự với Chúa Nhật thứ ba Mùa Thường Niên mỗi năm, có việc tuyên xưng của Phúc Âm nhất lãm được ấn định cho năm phụng vụ hiện hành. Chúng ta được nghe về việc Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ, các huấn dụ của Người về Tám Mối Phúc Thật, chỉ dẫn của Người về việc tuân giữ các giới răn, và chỉ thị của Người là phải toàn hảo như Cha Trên Trời, cách thức Người hướng dẫn về việc không nên lo sợ về đời sống của mỗi người, và tuân theo Thánh Ý Chúa Cha để được vào Thiên Đàng. Qua các đoạn Phúc Âm này, chúng ta học biết làm sao để trở thành các môn đệ trung tín của Chúa theo như lời Người. Các bài Phúc Âm này cho chúng ta một căn bản từ đó chúng ta có thể suy niệm về sự trung thành hay bất trung của chúng ta đối với Chúa và giáo huấn của Người trong Mùa Chay sắp tới.
 
Ba Vua và Ngôi Sao Lạ
Nguyễn Trung Tây, SVD
23:08 02/01/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD

Ba Vua và Ngôi Sao Lạ


...Ba vua, họ là ai? Tên chi?. ..[Và] truy lùng dấu vết của ngôi sao lạ, ngôi sao một thời chiếu sáng đưa đường dẫn lối ba vua...

Mùa đông tới với những cành cây xám khô bơ vơ trơ trụi lá. Mùa đông buông rơi những hạt bông tuyết lất phất bay bay. Mùa của cây xám khô và của bông tuyết trắng nhắc nhở tới mùa Giáng Sinh, mùa của thanh bình và của hy vọng. Giáng Sinh rộn ràng thương xá, người người mua sắm, chuông vàng chuông bạc vang vang một góc trời. Giáng Sinh đốt đèn sáng rực những bầu trời đêm đen của Tây Âu và Bắc Mỹ. Giáng Sinh giăng mắc đèn mầu nơi nơi, đèn bám mái nhà, đèn viền cửa sổ, đèn sáng lấp lánh cây thông xanh trong căn phòng khách ấm cúng. Đặc biệt người Kitô hữu Việt Nam còn có phong tục làm hang đá. Bên trong hang đá lấp lánh dây kim tuyến là tượng Chúa Hài Đồng nhỏ bé nằm trong máng cỏ nở nụ cười ngây thơ. Bao bọc chung quanh Hài Nhi Giêsu là thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và những mục tử chăn chiên; tất cả đều đang im lặng chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Hai ra đời làm người. Sánh vai với thánh thợ mộc Giuse, Mẹ Maria, và những mục đồng là Ba Vua. Trên tay ôm những món quà, vàng bạc, mộc dược, và nhũ hương, ba người khách lạ năm xưa của thôn làng Bethlehem trầm ngâm nghiêng mình thờ lạy Hài Nhi Thánh. Nhắc đến Ba Vua, chúng ta không thể nào quên được ngôi sao lạ đã hiện ra trên bầu trời thông báo cho Ba Vua biết đại tin mừng là Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác con người qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

Ba Vua và Ngôi Sao Lạ là một trong những khuôn mặt quan trọng không thể thiếu vắng trong mùa Giáng Sinh. Nhắc đến Giáng Sinh là nhắc đến ngôi sao lạ. Nhắc đến ngôi sao lạ là nhắc đến Ba Vua. Nhưng người Kitô hữu Việt Nam nói riêng và người Kitô hữu nói chung rất mù mờ về sự tích Ba Vua và Ngôi Sao Lạ. Nếu đặt câu hỏi, “Ba Vua tên gì?” hoặc “Ngôi sao lạ tên chi?”, nhiều người Kitô hữu sẽ lúng túng và ngập ngừng không ít thì nhiều với hai câu hỏi vừa được nêu ra. Bởi vậy, trong bài tham khảo Ba Vua và Ngôi Sao Lạ,

(1). Chúng ta sẽ cùng nhau khăn gói lên đường đi tìm kiếm hình ảnh của những người khách hành hương năm xưa. Họ là ai? Tên chi?

(2). Sau khi diện kiến, chuyện trò, hàn huyên, và tâm sự với Ba Vua, chúng ta sẽ tạm biệt các ngài, tiếp tục lên đường tìm kiếm một dung nhan khác của tháng Mười Hai. Lần này chúng ta sẽ không đi tìm người nữa, nhưng là truy lùng dấu vết của ngôi sao lạ, ngôi sao của một thời chiếu sáng đưa đường dẫn lối Ba Vua tới thị trấn Bethlehem.

I. Ba Vua, Mágòi

Theo như thánh sử Mátthêu khi “Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem, xứ Giuđê, trong đời vua Hêrôđê, mágòi (μάγoi) từ phương Đông tìm đến Giêrusalem. Các ông hỏi,

— Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mátthêu 2:1).

Trong tiếng cổ Hy Lạp mágòi (μάγoi) không có nghĩa là vua. Mágòi là danh từ số nhiều của mágọs (μάγoi), có nghĩa là chiêm tinh gia, giải mộng gia, phù thủy (pháp sư), và tu sĩ của nền văn hóa Trung Đông thời cổ.

A. Chiêm Tinh Gia

Mágòi là những nhà chiêm tinh gia bởi vì họ có những kiến thức và khả năng đặc biệt về thiên văn học. Căn cứ vào những dữ kiện thâu thập được từ những vòng quay quỹ đạo, tốc độ vận hành, và năng lượng ánh sáng của những vị tinh tú trong vũ trụ, những nhà mágòi có khả năng dự liệu hoặc tiên đoán được những biến chuyển hoặc những biến cố sẽ xảy đến trên mặt quả địa cầu. Đặc biệt tương tự như người phương Đông chúng ta, người Trung Đông tin rằng khi một hài nhi chào đời, trên trời một ngôi sao mới cũng sẽ xuất hiện. Nếu hài nhi là con vua cháu chúa hoặc một đấng minh quân, ngôi sao bản mệnh này sẽ chiếu sáng rực rỡ trên vòm trời trong một khoảng thời gian khá lâu; thí dụ, khi Đức Giêsu hạ sinh tại thành phố Bethlehem, ngôi sao bản mệnh của ngài đã xuất hiện trên bầu trời thông báo cho nhân loại biết Con Một Thiên Chúa đã hạ sinh làm người. Từ phương Đông của nước Do Thái, những nhà chiêm tinh gia đã nhìn thấy ngôi sao lạ. Dựa vào khả năng thiên văn học của mình, những nhà chiêm tinh gia biết rằng ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời này chính là ngôi sao bản mệnh của Đông Cung Thái Tử của vuơng quốc Do Thái. Bởi thế các ông hành trang lên đường đi thẳng tới kinh thành Giêrusalem là thủ đô chính trị của nước Do Thái vào thời bấy giờ để triều bái Ngài. Rất tiếc, Đức Giêsu lại không hạ sinh ở thủ đô Giêrusalem, nhưng tại một thôn làng Bethlehem, cho nên các nhà chiêm tinh gia lạc đường bí lối khi họ đặt chân tới kinh thành Giêrusalem. Bởi thế họ phải mở miệng hỏi thăm tin tức về vị Đông Cung Thái Tử,

— Vua người Do Thái mới sinh ra hiện bây giờ đang ở đâu?

B. Giải Mộng Gia

Ngoài tài thiên văn nhìn trời ngắm sao, những nhà mágòi còn có tài giải đoán những cơn mơ và giấc mộng. Nếu những người mágòi của thánh sử Mátthêu còn sống cho tới ngày hôm nay, người ta có thể dừng chân ghé vào tịnh thất của họ. Sau khi đặt một quẻ tiền lên trên đĩa giấy, những nhà mágòi năm xưa sẽ diễn giải chi li phân tích tỉ mỉ ý nghĩa của những cơn mơ và giấc mộng đã xuất hiện trong giấc ngủ chập chờn đêm qua của thân chủ. Bởi thế, theo như sử gia Philô, trước khi hài nhi Môisen chào đời, vua Pharao đã phải triệu tập những nhà mágòi người Ai Cập vào trong cung điện để diễn giải cho nhà vua nghe ý nghĩa của một giấc mơ đã khiến vị hoàng đế sông Nile băn khoăn trằn trọc suốt một đêm trường. Lắng tai nghe vua Pharao kể lại tất cả những chi tiết của cơn mơ, những nhà mágòi tiên đoán rằng không bao lâu nữa, một trẻ sơ sinh của người nô lệ Do Thái sẽ chào đời. Hài nhi này có khả năng thách đố vương quyền của hoàng đế Kim Tự Tháp, bởi sau khi lớn lên, người thanh niên này sẽ đứng lên xui giục dân Do Thái vùng dậy đòi lại quyền tự do và quyền làm người. Dưới sự lãnh đạo của chàng thanh niên, người nô lệ Do Thái sẽ quyết định ngưng, thôi không tiếp tục đời sống làm nô lệ tôi mọi cho người Ai Cập nữa. Nhận được hung tin, vua Pharao tưởng chừng như sét vừa đánh ngang qua tai. Hoàng đế Ai Cập quyết định ra tay hành động. Giết rắn phải giết từ trong trứng nước, cho nên ông liền ký một sắc chỉ ra lệnh giết chết hết tất cả những nam hài nhi sơ sinh của người Do Thái.

C. Phù Thủy

Ngoài thiên tài giải đoán mộng mị, mágòi cũng còn là những nhà phù thủy. Họ có khả năng biểu diễn pháp thuật, bay trên không trung, hô phong đảo vũ, miệng đọc thần chú biến trắng thành đen, biến nước không mùi không vị hóa thành máu đỏ. Bởi thế, một lần kia cũng trong cung điện hoàng gia của vua Ai Cập, Thiên Chúa ra lệnh cho Aaron, anh của Môisen, làm phép lạ biến cây gậy của Aaron hóa thành một con rắn khổng lồ trườn bò trước mặt vua Pharao và bá quan văn võ người Ai Cập. Trước phép thuật của Aaron, vua Pharao cười nửa miệng. Ông cũng cho đòi những nhà mágòi người Ai Cập tới trước sân rồng. Theo lệnh của vua Pharao, những nhà mágòi Ai Cập quẳng cây gậy của họ xuống đất. Ngay lập tức những cây gậy của những ông mágòi đất Kim Tự Tháp cũng lại hóa thành những con rắn lớn (Xuất Hành 7:10-12).

Một lần kia, trên con đường viễn chinh tiến về vùng Đất Hứa, trong khi đang chuẩn bị cho những bước chân đầu tiên tiến qua đường biên giới lãnh thổ của vương quốc Môáp, những người dân du mục Do Thái đã đụng độ giáp mặt với một ông phù thủy mágọs lạ nhất trên trần đời. Nhận được tin tức tình báo là đoàn quân viễn chinh bách chiến bách thắng Do Thái đang mấp mé ở đường biên giới, vua Balắc của người Môáp mất ngủ; bởi ông e ngại cho nền thịnh vượng và sự tồn vong của vương quốc một khi đất nước Môáp ngập bóng đoàn quân thiện chiến du mục Do Thái. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng ông nghĩ ra một kế. Vua Balắc đích thân triệu mời phù thủy mágọs Bálàam từ phương đông tới cung điện hoàng gia. Với hy vọng chận đứng vó ngựa bách chiến bách thắng của dân du mục Do Thái, vua Balắc nhờ ông mágọs Bálàam mở miệng chúc dữ Môisen và toàn thể dân riêng của Giavê Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc, trước khi ông phù thủy có dịp mở miệng chúc dữ kẻ thù của người Môáp, thần khí của Thiên Chúa ngự vào ông mágọs Bálàam. Cho nên, thay vì chúc dữ, Bálàam lại mở miệng chúc lành dân Do Thái, không phải chỉ một lần, mà là ba lần. Thấy vậy, vua Balắc nổi giận cự mắng ông phù thủy Bálàam không tiếc lời (Dân Số 22—24).

Những nhà mágòi phù thủy không chỉ xuất hiện trong dòng lịch sử Cựu Ước, lần giở những trang sách của Tân Ước, ngoài câu chuyện Ba Vua hay là Ba Ông Phù Thủy của thánh sử Mátthêu, bạn cũng sẽ nhận ra hình dạng của hai ông mágòi khác trong Sách Tông Đồ Công Vụ (8, 13). Theo như Tông Đồ Công Vụ 8, sau khi thánh Phêrô và Gioan đặt tay lên trên đầu của những người tân tòng người Samaria, Chúa Thánh Linh từ trời cao ngự xuống tràn ngập tâm hồn của những người mới gia nhập đạo. Thấy chuyện lạ lùng như vậy, ông tân tòng phù thủy mágọs Simon liền nổi máu tham—và có lẽ cũng bởi tại méo mó nghề nghiệp muốn học thêm pháp thuật. Ông mágọs Simon liền chìa tiền ra mua chuộc chức thánh với thánh Phêrô. Trước lời yêu cầu sặc mùi tiền bạc của phù thủy Simon, người ngư phủ Biển Hồ năm xưa nổi giận chúc dữ ông tân tòng mágọs (Tông Đồ Công Vụ 8:9-27). Rất may cho ông phù thủy, sau khi tỏ lòng ăn năn thống hối, mở miệng xin lỗi, thánh Phêrô vui lòng chín bỏ làm mười bỏ qua câu chuyện hối lộ mua quan bán chức.

Mágọs Êlima người Do Thái trên đảo Sairus trong chương 13 thì không gặp may mắn như ông bạn đồng nghiệp mágọs Simon người Samaria trong chương 8. Biết rằng Quan Thống Đốc đảo Sairus muốn gặp mặt Phaolô và Barnabas để lắng tai nghe những lời vàng ngọc của Thiên Chúa, mágọs Êlima tìm đủ mọi cách ngăn cản ông Quan Thống Đốc; bởi ông phù thủy e ngại rồi đây địa vị pháp sư và quyền lợi của ông sẽ lung lay hoặc tan theo mây khói một khi Quan Thống Đốc gia nhập đạo Thiên Chúa. Biết rõ âm mưu đen tối của ông mágọs Êlima, vốn nóng tính như Trương Phi, ông cựu Biệt Phái Phaolô nổi giận mở miệng chúc dữ ông mágọs của Quan Thống Đốc không tiếc lời. Thế là mágọs Êlima hóa thành người mù lòa, phải nhờ người khác dắt đi những bước chân chập chững đầu tiên trong đêm đen và bóng tối (Tông Đồ Công Vụ 13:4-12).

Một nhân vật thiếu niên nổi tiếng đương thời của thiên niên kỷ thứ ba đang làm say mê bao nhiêu tâm hồn thiếu niên và người lớn cũng lại là một cậu mágọs phù thủy, đó là cậu bé Harry Potter của nữ tiểu thuyết gia người Anh J. K. Rowling. Theo như những cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của cậu phù thủy Harry Potter, Harry đã từng được dạy dỗ và huấn luyện trong ngôi trường chuyên môn đào tạo những ông và bà mágòi phù thủy.

D. Tư Tế

Ngoài phù thuật, mágòi cũng là những nhà lãnh đạo tôn giáo. Tương tự như những thầy tư tế Lêvi Do Thái, Linh Mục Công Giáo, Đạo Sĩ Lão Giáo, hay Pháp Sư Việt Nam, mágòi là những người đại diện cho dân chúng để cử hành những nghi thức tế lễ thuộc về tôn giáo, thí dụ, lập trai đàn cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ông tư tế Imhotev trong phim Mummy và Mummy Returns, hai bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Holywood bàn về cuộc tình giữa thầy Thượng Phẩm Imhotep và vương phi Anck Su Namun vợ của Pharao Seti I, cũng là một ông mágọs. Bởi sức mạnh của tình yêu, thầy magọs thượng tế Imhotev đã liên tiếp làm hết pháp thuật này sang pháp thuật kia với hy vọng hồi sinh lại mạng sống cho người tình Anck Su Namun.

Bởi họ thuộc về đẳng cấp giáo sĩ trong xã hội, mágòi được hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi chỉ dành riêng cho giới tu sĩ. Thông thường, mágòi sống trong cung điện hoàng gia kề cận vua chúa hoàng hậu. Thí dụ, ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc đảo Sairus trong Tông Đồ Công Vụ (13:7), hay là bà mágọs trong bộ phim Nữ Hoàng Ai Cập Cleopatra do đại tài tử mắt tím Elizabeth Taylor thủ vai nữ hoàng được trình chiếu lần đầu vào năm 1963. Bà mágọs này xuất hiện ít nhất hai lần trong bộ phim Cleopatra; lần thứ nhất, bà báo cho nữ hoàng Ai Cập Cleopatra biết là bà ta sẽ hạ sinh một người con trai; lần thứ hai, bà phù thủy báo cho nữ hoàng biết tin hoàng đế Cêsar sẽ bị sát hại. Bà magọs này sống trong cung điện của nữ hoàng Ai Cập. Khi nữ hoàng viễn du sang kinh thành Rôma diện kiến hoàng đế Cêsar, bà mágọs cũng được đi theo thuyền rồng viễn du vượt Địa Trung Hải tới kinh đô của đế quốc La Mã.

E. Mágòi: Tu Sĩ Trung Đông

Bởi sự khác biệt quá lớn giữa hai nền văn hóa, thần học gia Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong khi phiên dịch danh từ mágòi của văn hóa Trung Đông sang văn hóa Đông Phương. Đương nhiên không thần học gia Việt Nam nào dịch danh từ mágòi của thánh sử Mátthêu là phù thủy hoặc là pháp sư, nhưng Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn và một số bản văn Phụng Vụ dịch mágòi là những đạo sĩ. Có nơi dịch là những chiêm tinh gia. Nơi khác dịch là những nhà thông thái.

Bởi nét đặc thù của vùng đất Trung Đông, như đã được trình bày ở trên, thật sự ra:

(1). Mágòi không thể chỉ hiểu đơn thuần như là những nhà đạo sĩ của Lão Giáo.

(2). Mágòi cũng không chỉ thuần túy là chiêm tinh gia, bởi chiêm tinh gia trong văn hóa Việt Nam không bao hàm ý nghĩa của những nhà tu sĩ.

(3). Mágòi cũng không chỉ là những nhà thông thái.

Mà thật ra mágòi vừa là đạo sĩ, vừa là chiêm tinh gia, vừa là những nhà thông thái, vừa là giải mộng gia, và là những nhà tu sĩ.

(1). Mágòi là những nhà đạo sĩ vì họ có thể làm phép thuật biến cây gậy thành chú rắn khổng lồ như đã được trình bày trong sách Xuất Hành.

(2) Mágòi là những chiêm tinh gia và nhà thông thái bởi kiến thức rộng rãi về thiên văn học, thí dụ, câu chuyện Ba Vua.

(3). Mágòi là những giải mộng gia bởi họ có khả năng giải thích được những cơn mơ và giấc mộng như đã được trình bày và nhắc đến trong cuốn Tiểu Sử Môisen của nhà sử gia nổi tiếng Philô.

(4). Mágòi cũng là tu sĩ, bởi họ đại diện cho vua chúa cử hành những nghi thức phụng vụ dâng hương trong đền thờ bụt thần.

Bởi vậy, nói cho chính xác nhất, mágòi là những nhà tu sĩ của những tôn giáo đa thần Trung Đông thời cổ. Nói cho ngắn gọn, mágòi là những Nhà Tu Sĩ Trung Đông.[1]

II. Ba Vua, Ba Tên Tuổi, Ba Nhân Dáng

Mágòi không phải là vua mà là những nhà tu sĩ Trung Đông. Nhưng ngày hôm nay, rất nhiều người Kitô hữu vẫn quen miệng gọi họ là Ba Vua. Tự dưng những nhà tu sĩ Trung Đông không phải là con cháu của vua chúa được rất nhiều người Kitô hữu yêu mến đội lên đầu ba cái vương miện hoàng gia.

A. Thánh Vịnh 72

Nguyên nhân chính đã góp phần vào hiện tượng hoàng gia hóa những nhà tu sĩ Trung Đông có lẽ đã bắt nguồn từ bài Thánh vịnh 72:10-11.[2]

Từ Tásis và hải đảo xa xăm,

hàng vương giả sẽ về triều cống,

Cả những vua Ả Rập, Xơva.

Cũng đều tới thờ lạy, tiến dâng lễ vật.

Mọi quân vương phủ phục trước ngai rồng.


Nếu mang hai câu chuyện, chuyện Tu Sĩ Trung Đông trong Matt 2:1-12 và Thánh Vịnh 72:10-11, lên bàn cân phân tích và so sánh, độc giả Kinh Thánh sẽ nhận ra hai câu chuyện này có rất nhiều nét tương đồng. Theo như Thánh Vịnh 72:10-11, từ phương xa, vua của các sắc dân sẽ lên đường hành hương tiến về vùng đất thánh để thờ lạy và thượng tiến lễ vật dâng lên Giavê Thiên Chúa. Trong trường hợp của những nhà tu sĩ Trung Đông, từ phương Đông của những vương quốc Ả Rập, vùng đất của Alađin và cây Đèn Thần, các ngài cũng đã lần tìm đi theo dấu sao tiến về kinh thành Giêrusalem dò hỏi tông tích của Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Khi kiếm ra được Con Một Thiên Chúa trong hình dạng trẻ thơ, các nhà tu sĩ Trung Đông đã bái phục thờ lạy trước ngai rồng của Hài Nhi Đông Cung Thái Tử. Sau cùng, họ dâng lên Thiên Chúa lễ vật, vàng, nhũ hương, và mộc dược.

B. Bao Nhiêu Tu Sĩ Trung Đông?

Theo như thánh sử Mátthêu, “Khi Đức Giêsu sinh ra tại thôn làng Bethlehem, tại Giuđêa, trong thời Vua Hêrôđê, những nhà tu sĩ Trung Đông lần tìm đến kinh thành Giêrusalem” (2:1). Nguyên thủy trong câu văn vừa được trích dẫn, tác giả Mátthêu chẳng nhắc nhở, ngài cũng không buồn ngồi nhẩm đếm con số thành viên của phái đoàn phương Đông đã từng dừng chân tại kinh thành hòa bình Giêrusalem để hỏi thăm tin tức về tung tích của Hài Nhi Giêsu. Lần tìm từng nét, lần đọc từng chữ trong mười hai câu văn của bài Tin Mừng Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ (Mátthêu 2:1-12), chẳng ai nhìn thấy con số ba ẩn hiện thấp thoáng ở bất cứ nơi nào. Nhưng lạ lùng vô cùng, đến ngày hôm nay, vẫn có rất nhiều người quen miệng gọi những ông tu sĩ Trung Đông là Ba Vua.

Thực sự ra, mặc dù thánh sử Mátthêu không nhắc nhở đến con số tu sĩ Trung Đông đã ghé ngang vào kinh thành Giêrusalem năm xưa, trong phần cuối của câu chuyện, thánh sử Mátthêu kể lại, sau khi diện kiến và thờ lạy Hài Nhi Thánh, những nhà tu sĩ đã tiến dâng lên vị Tiểu Hoàng Đế ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Dựa theo con số ba, tổng số của những lễ vật đã được dâng tiến này, Giáo Hội thời sơ khai làm một con toán cộng rất đơn giản,

1 vàng + 1 nhũ hương + 1 mộc dược = 3 người

Cuối cùng dựa vào phương trình toán học đại số căn bản và đơn giản ở trên, Giáo Hội thời tiên khởi kết luận rằng đã có Ba Vua từ phương Đông lên đường đi tìm kiếm Hài Nhi Thánh.

Nhưng con số ba không phải là một con số duy nhất xuất hiện trong dòng lịch sử ơn cứu độ. Chỉ có hai vua xuất hiện trong những bức tranh tại hầm mộ Sts. Peter và Marcellinus. Nhưng lại có tới những bốn ông vua đã xuất hiện trong một bức tranh tại hầm mộ St. Domitilla. Và sau cùng, có tới những mười hai ông vua đã được nhắc tới, với đầy đủ tên tuổi theo như truyền thống của Giáo Hội Đông Phương thời trung cổ.

C. Nhân Dáng

Chuyện về Ba Vua không chỉ tạm dừng bước tại nơi này. Theo như truyền thống của Giáo Hội Tây Phương cũng là một truyền thống phổ thông được nhiều người biết đến, tên của Ba Vua là Melchior, Gaspar, và Balthasar. Vua Melchior cao niên, râu tóc bạc trắng như cước. Vua Melchior đã tiến dâng vàng lên Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Ngược lại với Vua Melchior, Vua Gaspar là một thanh niên còn trẻ, người to lớn, dáng vạm vỡ. Vua Gaspar đã tiến dâng lên Hài Nhi Thánh lễ vật nhũ hương. Vị vua sau cùng là Balthasar, hoàng đế gốc Phi Châu. Vua Balthasar đã tiến dâng lễ vật mộc dược lên Hài Nhi Thánh.

Ngược lại với truyền thống Tây Phương, theo như Giáo Hội Đông Phương thời trung cổ, tên của Ba Vua là: Hormizdah, vua của xứ Persia, Yazdegerd, vua xứ Saba, và Perosadh, vua của xứ Sheba. Theo như Giáo Hội Ethiopia, tên của Ba Vua là Hor, vua xứ Persia, Basanater, vua xứ Saba, và vua Karsudan của đông phương.

III. Ngôi Sao Lạ

Ngoài Ba Vua, Ngôi Sao Lạ xuất hiện trên vòm trời thủ đô của Do Thái vào những ngày đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất là một chi tiết cũng đã từng gây nên rất nhiều tranh luận giữa những nhà thần học gia. Theo như thánh sử Mátthêu, những nhà tu sĩ Trung Đông đã dừng bước hỏi thăm dân chúng của kinh thành Giêsuralem, “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”.

Tương tự như Ba Vua, thánh sử Mátthêu cũng không hề nhắc nhở đến tên tuổi của ngôi sao lạ. Ngài cũng không buồn ngồi vẽ lại hình ảnh của ngôi sao một thời chiếu sáng rực rỡ trên vòm trời Bethlehem. Bởi không tên không tuổi, một số người vẫn quen miệng gọi ngôi sao lạ năm xưa là ngôi sao Bethlehem. Bởi không biết tên tuổi và hình dạng của ngôi sao lạ, thần học gia và khoa học gia lại phải vất vả khăn gói lên đường tìm kiếm tung tích của ngôi sao. Nhắc đến hành trình tìm kiếm tông tích của ngôi sao năm xưa, một trong những ứng cử viên sáng chói nhất của ngôi sao lạ cho tới ngày hôm nay vẫn là ngôi sao chổi Halley với cái đuôi dài lê thê đã từng xuất hiện trên bầu trời vào năm 1986. Sao chổi Halley với đường quỹ đạo 76 năm một lần cũng đã từng ghé thăm Thái Dương Hệ vào năm 12 trước Công Nguyên. Nhưng Đức Giêsu sinh ra vào khoảng giữa năm thứ 4 và thứ 6 trước Công Nguyên. Thời gian khác biệt giữa sao chổi Halley và năm Đức Giêsu sinh ra là khoảng 6 năm. 6 năm, một khoảng cách quá dài quá khác biệt để chúng ta có thể kết luận rằng sao chổi Halley chính là ngôi sao lạ của năm xưa.

Cho tới ngày hôm nay, thật sự ra vẫn không có một thần học gia hoặc khoa học gia nào đã giải được bài toán ngôi sao lạ. Bởi thế, gốc tích và thân thế của ngôi sao lạ vẫn là một ẩn số (x). Tuy nhiên, nếu thảo luận dưới lăng kính của thần học, ngôi sao lạ có thể được hiểu như là một biểu tượng, một dấu hiệu đã được Giavê Thiên Chúa gửi đến cho dân ngoại trên toàn thế giới. Ngôi sao lạ chiếu sáng bầu trời đêm đen thông báo cho dân ngoại biết về một chương trình cứu chuộc nhân loại trong một giai đoạn mới của một Thiên Chúa từ bi và đại lượng. Trong giai đoạn mới này, Thiên Chúa sẽ đích thân nhập thể. Ngài sẽ sống với nhân loại, và Ngài sẽ chết cho nhân loại. Và sau cùng Ngài sẽ sống lại, mang tất cả nhân loại, không phân biệt lương giáo, thoát ra khỏi xiềng xích của tội lỗi đã trói buộc họ từ bao lâu nay.

IV. Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ

Rời bỏ vùng đất Trung Đông của những năm thứ nhất Công Nguyên, giờ đây chúng ta quay về lại với thiên niên kỷ thứ ba. Sau cuộc hành hương vất vả về lại vùng đất thánh, chúng ta đã có dịp diện kiến những nhà tu sĩ Trung Đông, hỏi tên hỏi tuổi của các ngài, và chiêm ngắm dung nhan của Ngôi Sao Lạ. Để kết thúc bài tham khảo Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ, có lẽ điều mà mọi người Kitô hữu nên tự hỏi mỗi người sau cuộc hành hương, đặc biệt trong mùa Giáng Sinh, là chúng ta đã học hỏi được điều chi qua bài Tin Mừng Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ (Matt 2:1-12)?

Ngày xưa những nhà tu sĩ Trung Đông đã mau chóng đáp trả lại tiếng mời gọi Thiên Chúa vào bữa tiệc Nước Trời. Có những lúc các ngài lạc đường, lạc lối, bối rối, bơ vơ, và bỡ ngỡ giữa thị trấn Giêrusalem, nhưng các ngài không hề ngã lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Cuối cùng, đúng như họ đã từng hy vọng, ngôi sao lạ tái xuất hiện trên bầu trời, chỉ đường dẫn lối, dẫn dìu các ngài đi thẳng tới nơi Hài Nhi Thánh đang say nồng giấc ngủ thiên đàng.

Ngày nay trên con đường hành hương về Nước Trời, ai trong chúng ta chẳng có những giây phút bị lạc lối, những giây phút chúng ta có cảm tưởng mình đang bị bỏ rơi, hoặc cảm thấy hình như niềm tin vào Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài đang dần dần tan biến vào trong thinh không. Trong những giây phút yếu đuối, thất vọng, và chập chờn với ngọn nến của niềm tin như vậy, mời bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau hướng về Thiên Chúa, dõi mắt tìm kiếm nguồn trợ lực của trời cao. Ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời soi đường dẫn lối cho những nhà tu sĩ Trung Đông năm xưa. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cầu xin, Thiên Chúa sẽ nghiêng người, lắng tai nghe lời cầu nguyện. Từ trong cõi chết đầy dẫy đêm đen bóng tối, Ngài sẽ gửi ngôi sao lạ tới hướng dẫn chúng ta về cõi ngập tràn ánh sáng, nơi đó chỉ có mùa xuân, thanh bình, và hạnh phúc vĩnh cửu.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD

www.nguyentrungtay.com

_________________________________

chú thích

[1] Trong những bản tiếng tiếng Anh, cả hai, New Revised Standard Version (NRSV) và New Jerusalem Bible (NJB), đều dịch μάγoς là những nhà thông thái (wise men). Riêng bản văn New American Bible (NAB) thì khác. Những thần học gia của NAB cũng dịch, nhưng thật sự ra họ không dịch chi hết, bởi họ sử dụng chữ magi, danh từ số nhiều của magus trong tiếng La Tinh, phiên dịch từ danh từ số ít của tiếng Koiné: μάγoi.

[2] Isaiah 60:3-6 cũng có những nét tương tự như Thánh Vịnh 72:10-11.



Thư Mục Tham Khảo

Bauer, David. “The Kingship of Jesus in the Matthean Infancy Narrative: A Literary Analysis,” Catholic Biblical Quarterly 57 (1995) 306-323.

Blomberg, Craig. “The Liberation of Illegitimacy: Women and Rulers in Matthew 1-2,” Biblical Theology Bulletin 21:145-150.

Brown, Raymond. An Adult Christ at Christmas. Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1977.

Brown, Raymond. The Birth Of The Messiah. New York: Doubleday, 1993.

Farquharson, J. F. “The Star of Bethlehem,” JBAA 89 (1978) 8-20.

Ferrari-D’Occhieppo, K. “The Star of the Magi and Babylonian Astronomy,” in Chronos, Kairos, Christos. Ed. Jerry Vardaman and Edwin Yamauchi. Winona Lake, IN: Eisenbrauns, 1989. Pp. 41-53.

Filas, F. L. “The Star of the Magi,” IER 85 (1956) 432-33.

Freitag, R. S. The Star of Bethlehem: A List of References. Washington, D. C.: Library of Congress, 1979.

Gardner, Richard. Matthew. Scottdale, PA: Herald Press, 1991.

Gonzalez, Justo. The Story of Christianity, Vol. I. New York, NY: HarberCollins Publishers, 1984.

A Grammatical Analysis Of The Greek New Testament. Rome: Editrice Pontificio Istituto Biblico, 1993.

Hare, Douglas. Interpretation: Matthew. Louisville, Kentucky: John Knox Press, 1993.

Metzger, Bruce M. “Names for the Nameless in the New Testament: A Study in the Growth of Christian Tradition,” in Kyriakon: Festschrift Johannes Quasten. Ed. Patrick Granfield and Josef A. Jungmann. Münster Westfalen: Aschendorff, 1970. Pp. 79-86.

Murphy, Frederick J. Pseudo-Philo. New York, NY: Oxford University, 1993.

Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh, La Verne, CA: El Camino Press, 1980.

Overman, J. Andrew. Church and Community In Crisis. Valley Forge, PA: Trinity Press International, 1996.

Sách Lễ Giáo Dân, Houston, TX: Cơ Sở Xuất Bản Zieleks, trang 147.

Saldarini, Anthony. Matthew’s Christian-Jewish Community. Chicago: The University of Chicago Press, 1994.

Senior, Donald. Matthew. Nashville, TN: Abingdon Press, 1998.

Kinh Thánh: Tân Ước, Westminster, CA: Nhà Xuất Bản Du-Sinh Saint Joseph, 1994
 
Nhạc Cảnh Canh Thức Vọng Giáng Sinh: Lịch Sử Ơn Cứu Độ
Nguyễn Trung Tây, SVD
23:07 02/01/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD

Nhạc Cảnh: Canh Thức Vọng Giáng Sinh

Lịch Sử Ơn Cứu Độ


I. Nhạc Cảnh #1: Vườn Địa Đàng

1. Cảnh #1: Vườn Địa Đàng

A. Cảnh Trí: 1 cây nằm bên góc, cây Biết Lành Biết Dữ. Vai Ađam nằm giữa sân khấu, mặt quay vào trong. Sân khấu tối không có ánh sáng.

B. Diễn Viên: 1 Nam vai Ađam, 1 Nữ vai Evà

C. Y Phục: Trước khi ăn trái cấm, Ađam: Áo trắng (Áo Giúp Lễ), Evà: Áo trắng (Áo Giúp Lễ). Sau khi ăn trái cấm: Ađam: Áo bà ba đen, quần đen, đầu quấn khăn rằn, Evà: Áo bà ba trắng, quần đen.

2. Lời Dẫn (cho Nhạc Cảnh #1: Vườn Địa Đàng):

(Bắt đầu Nhạc Cảnh #1, nhạc nền #1, Creation trong CD Lifescapes, Yosemite nhè nhẹ nổi lên khoảng 2’ trước khi giọng Nam và Nữ bắt đầu cất lên khai mạc chương trình canh thức).

Nam: Dòng lịch sử cứu độ là dòng lịch sử của tình yêu. Bởi Chúa thương yêu con người, từ trong hỗn loạn, Ngài dựng nên bầu trời trong xanh và trái đất với biển cả sông ngòi. Trên trời cao, Ngài dựng nên vầng hồng soi sáng ban ngày, mặt trăng chiếu rọi ban đêm. Trên mặt đất, Ngài dựng nên Vườn Địa Đàng với hoa thơm cỏ lạ tươi tốt quanh năm, với dòng sông lững lờ reo vui kỳ công của tạo hóa, với chim hót trên cây chào mừng ánh sáng bình minh. Từ bùn đen, Ngài dựng nên tượng đất, Ngài thổi hơi vào, và tượng đất trở thành con người sống, con người được Chúa thương yêu, con người được sống trong Vườn Địa Đàng có hoa thơm cỏ lạ, ngập tràn hương hoa thiên đàng.

Nữ: Từ những ngày đầu tiên, khi Giavê Thiên Chúa dựng nên trời và đất, mặt đất hoang vu không cây cối, không một bóng người. Một giòng suối từ mặt đất vươn cao, tưới ướt đẫm toàn thể địa cầu. Từ trong bùn đất, Thiên Chúa dựng nên tượng đất. Ngài thổi hơi vào, và tượng đất trở thành con người, biết đi, biết nói, và biết cô đơn trống vắng.

(Sau khi giọng Nữ vừa dứt, đèn “spotlight” chiếu vào vai Ađam đang nằm trong tư thế ngủ gần cây Biết Lành Biết Dữ. Vai Nam từ từ đứng lên, dáng vẻ ngượng nghịu của một người mới biết đi. Nhạc nền, #1, Creation được thay thế bằng #9, Black Bear Ballet, CD Yosemite. Nhạc nền Black Bear Ballet nổi lên trong khi vai Ađam khoan thai đi tới đi lui chung quanh sân khấu hai ba vòng. Sau cùng, vai Ađam dừng lại ngay trước cây Biết Lành Biết Dữ).

Nam: Chúa phán cùng Ađam, “Nhà người có quyền ăn mọi cây cối thuộc về khu vườn, nhưng riêng cây Biết Lành Biết Dữ, nhà người không được đụng tới, bởi vì ngày nào ngươi ăn trái của cây này, nhà ngươi sẽ chết”.

(Vai Ađam từ từ nằm xuống ngủ, dưới gốc cây Biết Lành Biết Dữ).

Nữ: Biết con người cô độc trong vườn Địa Đàng, Thiên Chúa dựng nên từ xương sườn người nam một người con gái. Đích thân Chúa mang người thiếu nữ tới.

(Từ trong hậu trường, Evà xuất hiện, chậm rãi bước tới gần Ađam. Vai Evà lay gọi vai Ađam, và kéo Ađam đứng lên. Cả hai cùng nhảy một điệu nhạc tươi vui theo nhạc nền #9, Black Bear Ballet. Sau cùng Ađam biến mất vào trong sân khấu. Sau khi Ađam bỏ đi, vai Evà chậm rãi tiến lại gần cây Biết Lành Biết Dữ. Vai Evà bắt đầu diễn theo tình tiết của những giọng đọc Nam #1, Nam #2, và Nữ).

Nam #1: Nơi khu vườn vắng lặng, người thiếu nữ đang đi thơ thẩn lang thang một mình.

Nam #2: Chị Hai.

Nam #1: Người con gái giật mình. Nàng ngơ ngác nhìn quanh quẩn.

Nam #2: Chị Hai.

Nam #1: Một lần nữa, tiếng gọi lại vang lên. Người thiếu nữ dương cao cặp mắt to tròn nhìn lên cành cây trước mặt, hình dạng thân quen của chú nhỏ nhập nhòe, lẫn lộn trong đám lá xanh.

Nữ: Rắn con! La hét om xòm làm người ta sợ hết hồn! Làm gì leo lên đó ngồi như khỉ vậy?

Nam #2: Cả ngày hôm nay chưa ăn gì hết. Đói bụng quá! Em leo lên đây tính kiếm vài trái chín ăn dằn bụng.

Nam #1: Thật là bất ngờ, sau câu nói của chú bé trên cành cây, khuôn mặt hồng hào của người con gái chợt biến đổi dần dần sang màu xanh xám. Trong thinh lặng, chú nhỏ bỗng dưng bật cười, giọng điệu thách thức.

Nam #2: Ha! Ha! Ha! Em biết chị Hai không dám ăn, đúng không? Chị Hai biết tại sao Chúa cấm chị Hai không?

Nam #1: Người thiếu nữ vẫn yên lặng, chú nhỏ tiếp tục nói.

Nam #2: Chúa sợ chị Hai biết sự thật. Coi nè, suốt từ nãy tới giờ em nuốt hơn cả chục trái rồi. Tin em đi, chị không chết đâu mà sợ!

Nữ: Đừng nói chơi nghe rắn con!

Nam #2: Ai giỡn với chị làm chi. Không tin chị ăn thử đi.

(Nhạc nền, #3, The Legend of Hetch Hetchy, CD Yosemite, nổi lên).

Nam #1: Thiếu nữ ngước nhìn lên cành cây. Trái chín mượt mà nhảy múa mời gọi. Nàng ngơ ngác ngẩng mặt nhìn lên, bầu trời trong xanh cao thẳm xa vời. Nàng đăm chiêu cúi mặt nhìn xuống, đất đen lung linh rộng mở. Nàng xa xôi nhìn về hướng trước mặt, cánh cửa khu Vườn rộng mở thênh thang.

Nam #1: Nàng ngước lên nhìn một lần nữa, trái chín to tròn lơ lửng đong đưa. Mùi thơm của trái chín nương theo gió chiều ngào ngạt bay vào khứu giác của người thiếu nữ. Nàng giơ tay hái một trái gần nhất, bỏ vào miệng. Chưa hết, nàng còn hái một trái khác mang lại cho chàng thanh niên.

(Vai Evà chạy vô sân khấu, quay ra ngay sau đó với vai Ađam. Vai Evà đưa trái táo cho vai Ađam).

Nam #1: Cả hai cùng ăn, và rồi cả hai cùng biết.

(Cả hai vai Ađam và Evà cởi bỏ áo giúp lễ trắng cho rớt xuống sân khấu. Cả hai kinh ngạc và hốt hoảng nhận ra bộ quần áo bà ba nông dân trên người. Cả hai đứng nghiêm gần ngay cây Biết Lành Biết Dữ, mặt buồn, đầu cúi xuống lắng nghe lời phán của Thiên Chúa. Nhạc nền #1, Creation, CD Yosemite nổi lên khoảng nửa phút trước khi giọng Nam #1 đọc).

Nam #1: Giavê Thiên Chúa xuất hiện trong khu Vườn. Và Ngài phán, “Bởi nhà ngươi cãi lời ta, ăn trái cây ta đã cấm, từ nay ngươi sẽ phải mang nặng đẻ đau. Trong đau đớn, ngươi sẽ sinh con đẻ cái. Riêng ngươi, thằng người đất, vì ngươi nghe theo lời vợ, ăn trái cây ta đã cấm nhà ngươi không được đụng đến, từ nay đất đai sẽ bị chúc dữ. Mặt đất sẽ lan tràn gai góc. Ngươi sẽ phải cày sâu cuốc bẫm mới có miếng ăn. Từ bùn đất ngươi đã được ta dựng nên, cũng từ bùn đất nhà ngươi sẽ phải quay về. Ta sẽ sai một thiên thần cầm gươm lửa, gác ngay cổng. Từ nay cánh cửa của Vườn Địa Đàng sẽ được đóng lại”.

(Nhạc nền #1, Creation nổi lớn trong khi cả hai vai Ađam và Evà nắm tay, chạy ra khỏi sân khấu trong hốt hoảng. Sau khi Ađam và Evà biến mất khỏi sân khấu, nhạc nền #1, Creation trở lại âm thanh bình thường, và trở thành nhạc nền cho Nhạc Cảnh #2, Bên Sông Babylon).

II. Nhạc Cảnh #2: Bên Sông Babylon

1. Lời Dẫn (cho bài thánh ca Bên Sông Babylon):

Nữ: Sau khi bị Thiên Chúa mời ra khỏi Vườn Địa Đàng, con người ngày càng đắm chìm trong tội lỗi. Cain giết Abel, án mạng đầu tiên trong dòng lịch sử cứu độ xảy ra. Tội lỗi ngập tràn khắp mặt đất. Bởi thế, Thiên Chúa khiến một trận đại hồng thủy quét sạch tất cả mọi sinh vật trên mặt đất. Nhưng Chúa đã gìn giữ gia đình ông Noah. Sau khi nước hồng thủy khô cạn trên mặt đất, Giavê Thiên Chúa thiết lập nên giao ước đầu tiên với con người. Ngài nói với Noah, “Từ nay sẽ không còn đại hồng thủy tiêu diệt con người nữa”. Nhưng rồi, con cái loài người vẫn tiếp tục ngụp lặn trong tội lỗi. Tháp Babel được dựng nên thách đố quyền năng Thiên Chúa.

Nam: Nhưng dòng lịch sử ơn cứu độ là một dòng lịch sử của tình yêu. Qua tổ phụ Abraham, Chúa bắt đầu thiết lập một dân riêng cho Ngài. Và cũng chính từ dân Do Thái, Chúa mặc khải cho con người biết Chúa thương yêu con người biết bao. Nhưng cũng giống như Ađam và Evà, con người rồi vẫn phản bội Thiên Chúa, thờ phượng tà thần ngoại đạo. Một lần nữa, Thiên Chúa để thành thánh Jerusalem biến thành hoang địa. Chúa lưu đầy dân riêng của Ngài bên Babylon, một đế quốc nằm về hướng đông bắc của vương quốc Do Thái. Chính nơi đây, bên bờ sông Babylon, con người phải nếm mùi tủi nhục của dân lưu vong. Chính nơi đây, bên bờ sông Babylon, ngày lại ngày, họ vọng nhìn về hướng thành thánh Sion, than khóc nỉ non. Bên bờ sông Babylon, cạnh hàng dương liễu, con người ngồi trong bóng tối than khóc.

(Nhạc nền #1, Creation tắt).

2. Trình Diễn Thánh Ca #2: Bên Sông Babylon

(Nhạc Cảnh #2 được diễn trong khi ca đoàn trình diễn thánh ca Bên Sông Babylon).

3. Cảnh #2: Bên Sông Babylon (5”)

A. Cảnh Trí: Hai cây. Bên góc trái, cây Dương Liễu. Bên góc phải, cây Biết Lành Biết Dữ.

B. Diễn Viên: 7 người, 3 Nam, 4 Nữ

C. Y Phục: Quần áo bà ba lam lũ, dây thừng quấn quanh cổ và người

D. Nhạc Cụ: Đàn cò, đàn guitar

(Sân khấu trống với đèn chiếu vào cây Dương Liễu. Khi ca đoàn bắt đầu hát bài Bên Sông Babylon, Nam #1, tay cầm đàn cò, tiến ra sân khấu thật chậm rãi trong dáng điệu thất vọng và buồn rầu. Vai Nam #1 ngồi xuống cạnh Cây Biết Lành Biết Dữ, gảy đàn cò theo tiểu khúc #1 của thánh ca Bên Sông Babylon).

(2 vai nữ tiến ra sân khấu sau khi Nam #1 ngồi xuống. Cả hai vai nữ dáng điệu buồn rầu. Thật chậm rãi, họ đi tới đi lui chung quanh sân khấu mấy lần rồi ngồi xuống cạnh ngay bên vai Nam #1, lắng tai nghe vai Nam #1 đang tiếp tục gẩy đàn cò).

(Tiếp theo đó, 4 vai còn lại, 2 vai Nam, một người cầm đàn guitar, cùng với 2 vai nữ, bắt đầu tiến ra sân khấu trong giáng điệu thất vọng. 4 vai này cùng tiến về cây Dương Liễu. Vai Nam cầm đàn guitar đứng treo đàn lên cây Dương Liễu, sau đó, đưa tay ngóng nhìn, dáng vẻ đăm chiêu hướng về một góc của sân khấu. 3 người còn lại chia đều ngồi quanh gốc cây Dương Liễu, đầu cúi xuống).

(Sau khi bài thánh ca Bên Sông Babylon chấm dứt, tất cả 7 vai trên sân khấu trở thành bất động, chuẩn bị cho Nhạc Cảnh #3, Trời Cao. Nhạc nền #1, Creation nhè nhẹ nổi lên tiếp nối cho Nhạc Cảnh #3, Trời Cao).

III. Nhạc Cảnh #3: Trời Cao

1. Lời Dẫn
(cho bài thánh ca Trời Cao):

Nữ: Sống trong cảnh tăm tối của lưu đầy, con người bắt đầu khóc thương cho thân phận lưu vong của chính mình. Họ ngước mặt lên trời cao, mong chờ những giọt mưa ân sủng tuôn đổ tràn đầy xuống tâm hồn khô cằn, mất hy vọng vào ngày mai. Như những cánh đồng khô cháy trong mùa hạn hán, con người mong đợi từng giờ, từng phút, những giọt nước mát lạnh của trời cao tuôn đổ xuống. Trong từng ngày, từng tháng của đời sống lưu vong bên Babylon, con người mong đợi ngày Thiên Chúa sẽ ra tay cứu độ giải thoát họ khỏi cảnh tù đầy nô lệ. Con người kêu lên, “Trời cao hãy đổ sương xuống”. Con người kêu lên, “Và ngàn mây hãy mưa đấng chuộc tội”. Trong thất vọng, tiếng than khóc của họ vang lên tan loãng vào trong bầu trời đen tối của cuộc sống lưu vọng. Tiếng gọi vang lên chín tầng trời xanh. Tiếng gọi của trời cao hãy đổ sương xuống.

(Nhạc nền #1, Creation tắt).

2. Trình Diễn Thánh Ca #3: Trời Cao

(Nhạc nền #1, Creation nhè nhẹ nổi lên cho Nhạc Cảnh #4, Ngôn Sứ Isaiah).



IV. Nhạc Cảnh #4: Ngôn Sứ Isaiah

1. Lời Dẫn (cho Nhạc Cảnh #4: Ngôn Sứ Isaiah):

Nam: Tiếng than khóc của con người cuối cùng đã vang lên tới trời xanh. Và Chúa nghe thấy tiếng van nài của con người. Thiên Chúa sai Ngôn Sứ Isaiah xuất hiện thông báo cho con người biết, ngày hồng ân sẽ tới, ngày con người hân hoan bước ra khỏi đêm đen bóng tối, tiến vào một cõi ngập tràn ánh sáng. Khi Ngôn Sứ Isaiah xuất hiện, ông thông báo cho dân chúng biết, lời than khóc bên bờ sông Babylon của đoàn người lưu vong đã vọng thấu tới tai Giavê Thiên Chúa. Bởi thế mây ân sủng sẽ tuôn đổ xuống trần gian một đấng Cứu Tinh cho muôn dân.

2. Cảnh #4: Ngôn Sứ Isaiah (3”)

A. Cảnh Trí: 2 cây. 7 người của Nhạc Cảnh #2, Bên Sông Babylon, vẫn bất động

B. Diễn Viên: 7 người bất động và 1 vai Ngôn Sứ Isaiah

C. Y Phục: Ngôn Sứ Isaiah mặc khăn đống áo dài của đàn ông Việt Nam.

(Nhạc nền #1, Creation tắt, #10, Reprise: One day, CD Yosemite, nổi lên).

(Vai Ngôn Sứ Isaiah tiến ra từ phiá cánh gà. Đứng yên một chút, nhìn 7 người đang bất động. Sau đó ông chậm rãi đi ngang qua sân khấu. Khi vai Ngôn Sứ tiến ra sân khấu, 7 vai bất động trên sân khấu lay động nhìn về vai Ngôn Sứ, ánh mắt đầy ngạc nhiên. 7 diễn viên này dõi nhìn theo những bước chân của diễn viên Ngôn Sứ trong khi ông đi ngang qua sân khấu một vòng. Vai Ngôn Sứ quay lại nhìn 7 người trên sân khấu, rồi đứng giữa sân khấu, mặt quay về khán giả, dáng vẻ đang đọc).

Nam: Ta, Ngôn Sứ Isaiah, báo cho các ngươi biết. Một chồi non sẽ xuất hiện từ gốc cây Jesseh. Và từ rễ nhà của David, một mầm non sẽ mọc lên. Mầm non này chính là Đấng Cứu Thế. Trên Ngài thần khí của Giavê sẽ ngự trị. Thần khí này chính là thần khí của khôn ngoan và trí tuệ. Thần khí này chính là thần khí của mưu lược và anh hùng. Thần khí này chính là thần khí của hiểu biết và khôn ngoan. Ngài sẽ không phân xử theo mắt thấy tai nghe. Người sẽ phân xử công minh cho người bị bóc lột, áp bức. Miệng Ngài sẽ là cây gậy diệt tan bọn cường hào. Hơi thở Ngài sẽ giết chết bọn ác nhân. Tín nghĩa sẽ là đai lưng thắt ngang bụng Ngài. Tín thành sẽ là dây đai Ngài thắt bên hông. Khi Ngài tới, sói sẽ ở với chiên, beo sẽ nằm bên cạnh dê con, bê và sư tử con sẽ ở chung một chuồng, bò và gấu sẽ trở thành bạn bè thân thiết, sư tử cũng như bò cùng đều ăn cỏ, trẻ thơ sẽ chơi ngay bên cạnh hang rắn lục, bé ngây thơ còn bú sữa sẽ thò tay vào hang rắn mãng xà, và không ai sẽ làm hại ai, bởi vì qua Đấng Cứu Thế, vinh quang và bình an của Thiên Chúa sẽ ngự trị trên khắp toàn thể trái đất.

(Vai Ngôn Sứ đi ngang qua sân khấu, rồi biến mất sau hậu trường. 7 vai trên sân khấu dõi nhìn theo bước đi của vai Ngôn Sứ. Sau đó họ lại trở thành bất động. Đèn sân khấu từ từ mờ đi. Nhạc nền #10, One Day tắt. Nhạc nền #1, Creation nổi lên).

V. Nhạc Cảnh #5: Ngôn Sứ Gioan Tiền Hô

1. Cảnh #5: Ngôn Sứ Gioan Tiền Hô (3”-5”)

A. Cảnh Trí: 2 cây, Dương Liễu và Biết Lành Biết Dữ.

B. Diễn Viên: 7 người vẫn ngồi bất động

C. Y Phục: Ngôn Sứ Gioan Tiền Hô với áo lông quấn quanh người, vai thắt dây.

(Từ phiá bên hậu trường, vai Gioan tiến ra trong khi giọng Nam bắt đầu đọc).

Nam: Có tiếng kêu trong sa mạc, “Này ta sai thần sứ của ta đi trước mặt các ngươi để dọn đường. Hãy dọn đường cho Chúa, hãy bạt lối cho Người. Mọi thác ghềnh sẽ được lấp đầy. Mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp. Mọi đường lối quanh co sẽ trở nên thẳng tắp. Mọi chỗ gồ ghề sẽ trở nên bằng phẳng. Và mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, Chúa chúng ta”.

Nữ: Trong sa mạc, Gioan Tẩy giả xuất hiện rao giảng về ngày cứu rỗi qua bí tích thanh tẩy. Mọi người từ khắp xứ Judea và cả dân thành Jerusalem tiến vào trong sa mạc, xin được Gioan làm phép rửa và thú nhận những lầm lỗi của chính mình. Gioan mình mặc áo lạc đà, ngang lưng thắt dây đai bằng da thú. Ngôn Sứ của bí tích thanh tẩy ăn châu chấu và mật ong. Ngày từng ngày, trong hoang địa bên bờ sông Jordan, Ngôn Sứ Gioan kêu gọi: “Hãy dọn đường cho Chúa. Hãy chuẩn bị tâm hồn bởi ngày Chúa đến đã gần kề lắm rồi”.

(Khi vai Gioan tiến ra, 7 người trên sân khấu thôi bất động. Họ xếp hàng đợi chờ tới phiên mình được thanh tẩy trong nước. Vai Gioan cúi xuống, với hai tay bụm lại như đang múc lấy nước, đứng lên thả cao xuống đầu từng người xin được rửa tội. Trong khi đang nhận nước từ vai Ngôn Sứ, vai nhận phép thanh tẩy quỳ, đầu cúi xuống. Sau khi được thanh tẩy, họ đứng lui ra sau, thành một hàng không cần thẳng. Khi nghe giọng trong hậu trường đọc tới đoạn, “thú nhận những lầm lỗi của chính mình”, các người đã được thanh tẩy, giơ tay đấm ngực. Sau cùng trước mặt các người đã được thanh tẩy, vai Gioan đọc).

Nam: Ta là Gioan Tiền Hô, ta báo cho anh chị em biết, Đấng đến sau tôi sẽ quyền thế hơn tôi. Tôi không xứng đáng cúi xuống mà cởi quai dép cho Ngài. Phần tôi, tôi đã thanh tẩy anh chị em trong nước. Nhưng Ngài, Ngài sẽ thanh tẩy anh chị em trong Thánh Thần.

(Sau đó Gioan Tiền Hô đi đầu dẫn 7 người ra khỏi sân khấu, biến mất đằng sau cánh gà).

VI. Nhạc Cảnh #6: Đêm Bình An

1. Lời Dẫn (cho bài thánh ca Đêm Bình An):

Nữ: Hãy dọn đường, hãy vui lên, vì ngày trọng đại đã tới, ngày Thiên Chúa nhập thể đã tới. Đêm nay, đêm thánh vô cùng. Đêm nay tầng xanh vương hướng dịu dàng của mầu nhiệm Nhập Thể. Đêm nay, đêm bình an. Đêm nay, Thiên Chúa mặc lấy thân xác loài người trong hình ảnh một hài nhi ngây thơ. Trần gian ơi, đây niềm ước mong đã tới. Trần gian ơi, đây giờ Ngôi Hai đã ra đời. Hỡi mùa đông u mê tăm tối, hãy lui đi cho thần nhạc lên ngôi.

2. Trình Diễn Thánh Ca: Đêm Bình An

Diễn Viên: 6 thiên thần và 6 mục đồng

(Trong khi ca đoàn đang hát Đêm Bình An, các thiên thần và mục đồng rước Chúa Hài Đồng đi một vòng chung quanh nhà thờ. Sau cùng các thiên thần và mục đồng đi về phiá cuối nhà thờ, sau đó từ từ tiến lên cung thánh với Linh Mục Chủ tế. Các thiên thần cùng với mục đồng mang Chúa Hài Đồng vào hang đá, và đặt Ngài nằm trên máng cỏ. Thánh Lễ Nửa Đêm bắt đầu).

□ Nguyễn Trung Tây, SVD

www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hàng Rào
Richard Drysdale
22:19 02/01/2014
HÀNG RÀO
Ảnh của Richard Drysdale
Như mặt trời yêu tất cả
Xin cho tôi biết phá tan hàng kẽm gai
đang vây bọc trái tim tôi.
(Trích thơ của Lm. Nguyễn Tầm Thường)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/12/2013 -02/01/2014 - Những ngày đầu Năm Mới tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:09 02/01/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cũng giống như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành buổi chiều tối ngày cuối năm để tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành trong một năm đầy những biến cố ngoại thường trong đời sống Giáo Hội.

Vào lúc 5h chiều ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy xét mình xem mình đã sử dụng thế nào thời gian Chúa ban: “Phải chăng chúng ta đã dùng thời gian đó chủ yếu cho bản thân, cho những tư lợi hay cũng sử dụng nó cho tha nhân, cho Thiên Chúa? Bao nhiêu thời gian chúng ta đã dành để 'ở với Chúa', trong kinh nguyện, trong thinh lặng?”

Cuối buổi lễ, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường Thánh Phêrô nơi ngài đã cầu nguyện hồi lâu bên máng cỏ Giáng sinh.

2. Thánh lễ đầu Năm Mới tại Vatican

Lúc 10h sáng thứ Tư 1 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón năm mới với thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hoà Bình thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Ngài kêu gọi các tín hữu nhìn lên Đức Maria như một người Mẹ cho tất cả chúng ta và như một sứ giả của niềm hy vọng.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các vị trong giáo triều Rôma. Đặc biệt, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, và Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đứng hai bên Đức Thánh Cha trên bàn thờ. Tham dự thánh lễ có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn và đông đảo các tín hữu ngồi chật bên trong đền thờ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong năm Phụng Vụ "không có thời điểm nào có ý nghĩa hơn là ngày đầu một năm mới" để lắng nghe phúc lành của Thiên Chúa. "Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!

Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!"

(Dân Số 6:24-26)

Những lời đầy sức mạnh, lòng can đảm và hy vọng này sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trong Năm Mới. Đây không phải là một niềm hy vọng đầy ảo tưởng dựa trên những lời hứa yếu đuối của con người, hay một hy vọng ngây ngô giả định rằng tương lai sẽ tốt hơn hiện tại đơn giản chỉ vì nó là tương lai. Nhưng niềm hy vọng này có lý do của nó bắt nguồn từ phúc lành của Thiên Chúa, một phúc lành chứa đựng lời cầu chúc lớn nhất, lời cầu chúc của Giáo Hội gửi đến từng người trong chúng ta, tràn đầy tất cả sự chở che yêu thương của Chúa và sự trợ giúp quan phòng của Ngài.

Thông điệp của hy vọng trong phúc lành của Thiên Chúa, đã được thực hiện đầy đủ trong một người phụ nữ là Đức Maria, người được chỉ định để trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu phó thác cho Mẹ "hành trình đức tin, những khao khát trong con tim chúng ta, nhu cầu của chúng ta và của toàn thế giới, đặc biệt là của những ai đói khát công lý và hòa bình,"

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng "qua gương khiêm nhường và sự cởi mở của Mẹ Maria với Thánh Ý Chúa, Mẹ sẽ giúp chúng ta truyền đạt đức tin với lòng hân hoan công bố Tin Mừng cho tất cả mọi người ". Hướng về phía bức tượng Đức Mẹ gần bàn thờ cao, Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại một cách mạnh mẽ "Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con"

3. Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin chung với 140,000 tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm nhóm tham dự cuộc tuần hành cho hòa bình do cộng đoàn thánh Egidio, các hiệp hội và phong trào kitô và hòa bình tổ chức ngày mùng 1 tháng Giêng hàng năm. Năm nay cuộc tuần hành cho hòa bình đã được tổ chức trong 700 thành phố trên toàn thế giới.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã chúc mọi người được hòa bình và mọi điều thiện hảo trong năm mới 2014, Ngài nói: Lời chúc này của Giáo Hội dựa trên biến cố chính của lịch sử: Đức Giêsu Kitô đã nhập thể làm người, đã chết và sống lại. Lời chúc ấy có một đích điểm là Vương quốc Thiên Chúa, nước của hòa bình, công lý và tự do trong tình yêu; và có sức mạnh hướng tới đích điểm ấy nơi Chúa Thánh Thần.

Sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha về ngày hòa bình thế giới 1.1.2014 có chủ đề là “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình”

Sứ điệp này của Đức Thánh Cha bao gồm 10 số, trong đó Ngài bàn đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, mà tâm điểm là tình huynh đệ. Ngài đã dựa vào câu chuyện của ông Cain và Aben trong sách Sáng Thế để nhận định rằng tình huynh đệ là ơn gọi và cũng là khao khát cháy bỏng của mọi con người. Nhưng con người đã vì những ích kỷ của mình mà phản bội lại ơn gọi này khi nỡ ra tay sát hại đồng loại, gây ra biết bao tai ương cho nhau.

Ngài cũng trích dẫn một số Thông Điệp của các vị tiền nhiệm để gợi nhắc lại ý nghĩa của chữ “hòa bình”. Để có thể có được bình an, nhất thiết, con người không thể xem nhau như người đối nghịch nhưng như những anh chị em thân cận để quan tâm và chăm sóc.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng con người sẽ không thể có được tình huynh đệ thực sự với nhau nếu không quy chiếu đến một tình Phụ tử chung là tình yêu của Thiên Chúa.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã cám ơn Tổng Thống Italia là ông Napolitano về các lời cầu chúc trong sứ điệp cuối năm. Ngài xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên tổng thống và toàn dân Italia, để với sự đóng góp có trách nhiệm và liên đới của mọi người, đất nước Italia có thể nhìn về tương lai với sự tin tưởng và niềm hy vọng. Ngài cũng cám ơn tất cả các sáng kiến dấn thân cho hòa bình tại khắp nơi trong ngày Hòa Bình thế giới, đặc biệt là cuộc tuần hành toàn quốc tại Campobasso do Hội Đồng Giám Muc Italia cùng phát động chiều ngày 31 tháng 12 cùng với tổ chức Caritas và Hòa Bình Chúa Kitô; cũng như các cuộc biểu tình “Hòa bình trong mọi vùng đất” do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức tại Roma và nhiều nơi khác trên thế giới.

4. Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả nhân ngày Đầu Năm

Đông đảo các tín hữu đang cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả trưa hôm thứ Tư 1 tháng Giêng đã vui mừng khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ đến cầu nguyện chung với họ.

Đây là lần thứ Ba, Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Lần thứ nhất là vào buổi sáng hôm 14 tháng Ba năm 2013, tức là vào buổi sáng đầu tiên sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Lần thứ hai là hôm 29 tháng Bẩy khi ngài vừa về đến Rôma sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio De Janeiro.

Việc Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả không có trong chương trình chính thức được Tòa Thánh công bố trước đó. Vì thế, các tín hữu đã sửng sốt, vui mừng và vỗ tay hoan hô ngài.

Trong bài giảng Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vào buổi sáng ngày đầu năm, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến ngôi đền thờ này.

Ngài nói:

“Chân lý về chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria tìm thấy sự vang vọng tại Roma này là nơi ít lâu sau đó đã xây lên Đền Thờ Đức Bà Cả, là đền thánh đầu tiên tại Rôma và trong toàn Tây Phương, nơi tôn kính ảnh Mẹ Thiên Chúa Theotokos - với tước hiệu ‘Đức Bà là phần rỗi của dân Rôma’”.

Cũng như hai lần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quỳ gối cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Đức Bà là Phần Rỗi Dân Rôma.5. Đức Thánh Cha cùng ăn trưa với vị tiền nhiệm của ngài

Trưa ngày 27 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 dùng bữa trưa với ngài tại Nhà Trọ Santa Marta nơi ngài cư ngụ.

Trong cuộc viếng thăm hôm 23 tháng 12 trước đó tại tu viện Mater Eclesiae để chúc mừng nhân dịp lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời vị tiền nhiệm đến dùng bữa với ngài trong những ngày lễ này.

Tham dự bữa ăn trưa hôm thứ Năm vừa qua cũng có các vị bí thư riêng của hai Đức đương kim và cựu Giáo Hoàng, cùng với Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Ông Bryan Wells, Phó Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có mặt tại Vatican trong những ngày lễ này.

6. Từ Tháng Giêng, anh chị em giáo dân Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng

Hôm 27 tháng 12, Cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết anh chị em giáo dân các giáo xứ tại Rôma sẽ được tham dự Thánh Lễ hàng ngày với Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở nhà nguyện Santa Marta kể từ đầu tháng Giêng.

Đức Hồng Y Agostino Vallini, là Đức Hồng Y đại diện cho Đức Thánh Cha tại Rôma đã gởi thông báo cho các linh mục cách thức ghi danh tham dự Thánh Lễ hàng ngày của Đức Giáo Hoàng với một nhóm từ giáo xứ của họ - có lẽ là khoảng 25 người.

Trong năm 2013, những người tham dự thánh lễ hàng ngày với Đức Thánh Cha thường là những nhân viên đang làm việc tại Vatican. Theo cha Lombardi, Đức Thánh Cha nói rằng sáng kiến này sẽ cho phép người dân Rôma gặp gỡ với giám mục của mình, vì Đức Giáo Hoàng không thể thăm tất cả các giáo xứ trong giáo phận. Đức Giáo Hoàng cũng đồng thời là Giám Mục Rôma.

7. Ba quả bom phát nổ ở Baghdad vào ngày Lễ Giáng sinh, giết chết ít nhất 37 người

Hai quả bom đã phát nổ trong một ngôi chợ thuộc khu phố Kitô giáo Athorien làm thiệt mạng 11 người và làm 20 người khác bị thương. Trong khi đó, một quả bom thứ ba đã phát nổ ngay bên cạnh một nhà thờ gần một đồn cảnh sát. Quả bom được đặt trên một chiếc xe hơi phát nổ ngay sau Thánh Lễ Giáng Sinh đã giết chết 26 người, và làm bị thương 40 người khác. Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê đã cho biết như trên hôm 26 tháng 12.

Dưới thời Saddam Hussein, Iraq có 1.5 triệu tín hữu Kitô. Ngày nay, 10 năm sau cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq năm 2013, chỉ còn khoảng 200,000 Kitô hữu tại nước này. Đông đảo các Kitô hữu đã lánh nạn sang các nước láng giềng trước làn sóng tiêu diệt các tín hữu Kitô của người Hồi Giáo tại Iraq. Một con số đông đảo các tín hữu lánh nạn đã chạy sang Syria, nơi một lần nữa họ phải gánh chịu làn sóng khủng bố của những người Hồi Giáo cực đoan tại nước này.

Trong một thông cáo được đưa ra sau vụ tấn công hôm 25 tháng 12, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad nói: “Cộng đồng Kitô hữu tại Iraq đã phải chịu đựng những vụ tấn công cố ý và vô nghĩa bởi những kẻ khủng bố trong nhiều năm qua, cùng với nhiều người Iraq vô tội khác. Hoa Kỳ ghê tởm tất cả các cuộc tấn công như vậy và cam kết hợp tác với chính phủ Iraq để chống lại tai ương của chủ nghĩa khủng bố.”

Ngoài những thông báo như trên, Hoa Kỳ không có những hành động và chính sách cụ thể nào để bảo vệ các Kitô hữu tại nước này.

Trước cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq ngày 19 tháng Ba năm 2003, Tòa Thánh đã tìm mọi cách để ngăn cản cuộc tấn công này vì thấy trước những hệ quả tàn khốc mà các Kitô hữu và những thường dân vô tội khác sẽ phải gánh chịu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã khăng khăng xua quân vào Iraq để thiết lập “một nền dân chủ” tại đất nước này mà thực tế cho thấy xã hội Iraq ngày nay tan nát và khốn cùng gấp nhiều lần dưới thời Saddam Hussein.

8. Điện văn của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ Taizé: Âu châu cần đức tin và lòng can đảm của các bạn

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với hàng vạn giới trẻ thuộc hai cộng đồng Taizé ở Strasbourg ở Pháp và Ortenau ở Đức tụ tập trong đại hội từ thứ Bẩy 28 tháng 12 đến ngày thứ Tư 1 tháng Giêng là "Âu Châu vẫn còn đang trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, và cần có sự tham gia, đức tin và lòng can đảm của các bạn.”

Đức Thánh Cha nói ngài rất trông đợi giới trẻ giúp đỡ trong việc kiến tạo hòa bình và hòa giải trên toàn địa lục này.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

Các bạn trẻ thân mến,

Thành Rôma hân hoan ghi nhớ đại hội Âu Châu năm ngoái của các bạn và nhất là kinh cầu của hàng vạn người trong các bạn cùng với Đức Thánh Cha Benedictô thứ 16 tại quảng trường Thánh Phêrô. Tôi cảm nhận sự gần gũi với các bạn hiện đang tụ tập tại Strasbourg và trong các thành phố và thôn làng tại Alsace và Ortenau: một miền đất bị xâu xé bới các cuộc chiến đã gây nên bao nhiêu thương vong, nhưng cũng là một miền đất mang lại một niềm hy vọng to lớn, niềm hy vọng xây dựng một gia đình Âu Châu. Đại hội được tổ chức song song tại hai quốc gia, mang một dấu chỉ. Âu Châu đã và đang trải qua những giai đoạn khó khăn, và cần đến sự tham gia, đức tin và lòng can đảm của các bạn.

Các bạn tụ tập để “tìm kiếm sự hiệp thông hữu hình của tất cả những ai yêu mến Đức Kitô.” Đây là dự án được ấn định cho các cuộc gặp gỡ của cộng đồng Taizé trong suốt năm 2014. Các bạn ý thức là sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một trở ngại lớn lao cho việc thực hiện sứ mệnh được trao phó cho Giáo Hội và cần làm sao để cho “sự khả tín của sứ điệp Kitô mạnh mẽ hơn nếu các Kitô hữu có thể vượt thắng được sự phân hóa.” (Tông Huấn Evangelii gaudium, số 244). Tôi chia xẻ với các bạn niềm tin là chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều, vì những thực tại liên kết chúng ta vẫn nhiều hơn những gì chia cách chúng ta.

Tôi mong đợi nơi tất cả các bạn là đức tin và các chứng tá, tinh thần hòa bình và hòa giải của Phúc Âm sẽ chiếu sáng giữa những người đương thời. Tôi chân thành ban phép lành cho các bạn trẻ tham dự viên, cho các thầy Taizé, cũng như các cha xứ và tất cả mọi người đón tiếp quý vị tại Alsace và Ortenau.

9. Đại Sứ Palestine chết trong vụ nổ bom ngày Đầu Năm

Tin tức mới nhất chúng tôi nhận được trước khi thu hình là Bộ Ngoại giao Palestine cho biết sẽ gửi một phái đoàn đến Prague, thủ đô Cộng hòa Tiệp, để giúp điều tra các tình huống xung quanh cái chết của Đại sứ Palestine tại Cộng hòa Tiệp, người đã qua đời hôm thứ Tư 1 tháng Giêng trong một vụ nổ.

Cảnh sát tại Cộng hòa Tiệp nói rằng đại sứ Jamal al-Jamal 56 tuổi đã thiệt mạng trong một vụ nổ làm rung chuyển Tòa Đại Sứ Palestine tại đây đúng vào ngày đầu năm mới. Quả bom được cài trong một két sắt đã phát nổ khi ông Jamal mở ra để xem trong đó có những gì.

Két sắt này đã được giữ nguyên trạng trong hơn hai thập kỷ qua và không rõ lúc nào đã được đưa đến toà đại sứ từ một toà nhà do tổ chức giải phóng Palestine làm chủ tại Prague.

10. Hàng trăm tín hữu Kitô bị giết trong ngày lễ Giáng Sinh tại thủ đô Bangui của Cộng Hòa Trung Phi

Hôm thứ Năm 26 tháng 12, các nhân viên Hội Hồng Thập Tự đã phát hiện thi thể của 44 người nằm chết trên một con đường của thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi Bangui, gần một căn cứ quân sự của quân Hồi Giáo Seleka.

Ông Georgios Georgantas, Giám đốc Hội Hồng Thập Tự tại Cộng hòa Trung Phi nói với thông tấn xã Reuters rằng số người bị thiệt mạng chắc chắn là cao hơn nhiều. "Chúng tôi có thông tin về những xác chết tại nhiều nơi khác trong thành phố nhưng chúng tôi không thể đến được vì chiến cuộc đang tiếp diễn rất ác liệt."

Tất cả các nạn nhân trong số 44 người bị giết đều có những dấu vết cho thấy họ đã bị đánh đập dã man bởi quân Hồi Giáo Seleka trước khi bị giết.

Quân Hồi Giáo Seleka đã cướp chính quyền từ tháng Ba và đã lập tức tiến hành một cuộc diệt chủng nhằm tiêu diệt hoàn toàn các tín hữu Kitô tại nước này.

1,600 quân nhân Pháp và hàng ngàn quân nhân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình đã được bố trí tại thủ đô Bangui. Đến nay đã có 2 quân nhân Pháp bị giết trong các cuộc giao tranh. Trong ngày lễ Giáng Sinh 6 người lính Chad đã bị giết trong cuộc đụng độ với quân Hồi Giáo Seleka tại quận Gabongo, gần phi trường Bangui.

Từ tháng Ba đến nay đã có 159,000 người phải tản cư, 450 vụ tàn sát tập thể được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc báo cáo.

Tại thủ đô Bangui, hàng chục ngàn Kitô hữu sống chen chúc trong một tu viện Công Giáo nơi đang được quân Pháp bảo vệ.

Yvonne Dafei, một phụ nữ có 12 người con đang tị nạn trong tu viện cho biết:

“Chúng tôi không có thực phẩm, không thuốc men gì cả. Trẻ con đang đau yếu. Chúng tôi cám ơn linh mục đã cho chúng tôi một ít thực phẩm để trẻ con sống còn. Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ phải rơi vào tình cảnh tồi tệ như thế này. Quá tệ. Vì thế tôi van xin cộng đồng thế giới giúp chúng tôi có được hòa bình, chúng tôi thực sự cần hòa bình”.

11. Biến cố quan trọng nhất trong năm vừa qua.

Hôm 16 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tái bổ nhiệm Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, làm tổng trưởng Bộ Giám Mục. Đức Hồng Y Marc Ouellet, là một cộng sự viên rất thân cận của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm vào chức vụ này ngày 30 tháng 6 năm 2010.

Nhân dịp này đài phát thanh Vatican đã có một cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y. Trả lời câu hỏi do một ký giả đưa ra: “Biến cố quan trọng nhất trong năm vừa qua là biến cố nào? Đức Hồng Y Ouellet đã trả lời: “Đó là sự thoái vị của Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI. Đó là một biến cố rất trọng đại đã tạo ra những cơ hội lớn lao.”

Theo Đức Hồng Y Marc Ouellet, việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị là “một hành động rất là mới mẽ.”

Ngài nói:

“Biến cố đó cho thấy Giáo Hội rất sống động, không những có khả năng đổi mới mà còn có thể tạo ra mọi sự ngạc nhiên. Giáo Hội đã chứng tỏ điều đó trong năm 2013 với những biến cố rõ rệt và bất ngờ. Trước tiên là sự thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 11 tháng 2, một biến cố lịch sử và quyết định. Tiếp đến là cuộc bầu cử Đấng kế nhiệm.

Việc thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã mở ra những cơ hội lớn lao. Bởi vậy, tôi chỉ chú ý đến biến cố trọng đại này, đó là sự thoái vị của Đức Giáo Hòang, một điều rất mới mẽ trong lịch sử của Giáo Hội, điều này chứng tỏ một sự khiêm nhường to lớn, cũng như một lòng tin cậy vững vàng vào Đức Chúa Thánh Thần về những sự việc sẽ xảy ra sau đó.

Chúng ta cần tỏ ra rất biết ơn Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI vì ngài đã mở ra một chân trời mới và tạo ra phương tiện mới mẻ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi tin tưởng có một sự liên tục trong sự mới mẻ này và tất cả những điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mở. Khi tôi nhìn lại năm 2013, tôi thấy là chúng ta đang ở nơi khúc quanh của lịch sử của Giáo Hội về mục vụ khi nhìn vào nét mặt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Ngài đã chọn danh hiệu là Phanxicô, là một sự lựa chọn không chỉ nói lên một cuộc cải tổ, nhưng còn là một cuộc cách mạng về sự thánh thiện, một cuộc cách mạng về ý tưởng, bằng những cử chỉ, những thái độ, lòng đạo đức và sự tiếp cận với Dân Chúa. Trong những ý định lớn lao của Công Đồng Vatican II, có sự lớn mạnh của Giáo Hội, sự thay đổi thái độ về mục vụ của Giáo Hội trong thế giới tân tiến .Tôi nhận thấy điều đó được thực hiện nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô.Ngài đã mở ra một trang sử mới trong việc thực thi những chỉ dẫn của Công Đồng Vatican II, là điều mà tôi gọi là khúc quanh lớn lao về mục vụ.

12. Một phái đoàn của chính phủ Syria đến Vatican

Sáng thứ Bẩy 28 tháng 12, một phái đoàn của chính phủ Syria đã gặp gỡ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Trong một tuyên bố của Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi cho biết "phái đoàn muốn trình một thông điệp từ Tổng thống Assad lên Đức Thánh Cha và giải thích quan điểm của chính phủ Syria".

Đoàn đại biểu Syria bao gồm ông Joseph Sweid, Bộ trưởng Ngoại Giao, và ông Hussam Eddin Aala, là Trợ lý Bộ trưởng và Giám đốc châu Âu của Bộ Ngoại giao Syria và đồng thời là đại sứ Syria cạnh Tòa Thánh.

Theo cơ quan truyền thông của Syria cho biết, nội dung lá thư muốn bày tỏ với ĐGH về quyết tâm của chính quyền Assad muốn bảo vệ tất cả các tôn giáo tại Syria, chống lại các người Hồi giáo quá khích trong quân nổi dậy mà thành phần chính là các người Hồi Giáo cực đoan Sunni, đang muốn thiết lập một nhà nước Hồi Giáo Sunni tại Syria

Tổng Thống Assad cho biết cuộc xung đột chỉ có thể giải quyết qua cuộc đối thoại giữa những thành phần xã hội của Syria mà không có sự can thiệp của nước ngoài.

Ông lên án việc hỗ trợ quân sự và vật chất cho phe nổi dậy từ những nước láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Li Băng.

Trong thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới hãy góp phần chấm dứt bạo lực tại Syria và viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân chiến cuộc của nước này.

Cuộc xung đột khởi đầu từ năm 2011 đã giết chết hơn 126,000 người và hàng triệu người phải đi lánh nạn ở nơi khác

Vào tháng Chín, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi một ngày toàn cầu cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, và lên tiếng chống lại sự can thiệp quân sự từ phương Tây

Tình hình tại Syria trở nên rất đen tối sau khi 7 nhóm phiến quân hợp thành Mặt Trận Hồi Giáo hôm 22 tháng 11 vừa qua và đang đánh mạnh vào thủ đô Damascus. Thông tấn xã AINA của các Kitô hữu tại Trung Đông cho biết hôm 21 tháng 12, Mặt Trận Hồi Giáo đã chiếm được thị trấn Adra và thiết lập cái gọi là “tòa án Sharia” để xử tất cả những ai làm việc cho chính phủ Syria. Tất cả đều bị chém đầu chết.

Trong khi đó, toàn bộ khoảng 200 nhân viên cảnh sát trong đồn Adra Ummalia đều bị thiêu sống sau khi họ bị bắt làm khiên đỡ đạn để tránh bị phi cơ oanh tạc. Một nhân chứng cho biết các bác sĩ và y tá trong bệnh viện Adra Ummalia của chính phủ cũng bị thảm sát.

Các nhân chứng cho biết một số trẻ em đã bị xô xuống từ các toà nhà cao tầng. Đây là các con em trong các gia đình Kitô Giáo, hay Hồi Giáo Alawites hoặc là con em của các gia đình viên chức chính phủ.

Ba nhóm phiến quân Harakat Ahrar al-Sham al-Islamiyya (HASI), Kataib Ansar al-Sham, và Liwa al-Haqq trước đó đã hợp thành Mặt Trận Hồi Giáo Syria (SIF).

Cũng vậy, ba nhóm Suqur al-Sham, Liwa al-Tawhid, và Jaish al-Islam trước đó đã hợp thành Mặt Trận Hồi Giáo người Kurd (KIF).

Nay Mặt Trận Hồi Giáo Syria (SIF), Mặt Trận Hồi Giáo người Kurd (KIF) và Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Syria (SILF) lại hợp nhất chung lại thành Mặt Trận Hồi Giáo (IF).

Các giáo trưởng Hồi Giáo và các nhà tài trợ chiến lược cho phong trào Thánh Chiến Hồi Giáo trong vùng Trung Đông như Trưởng Giáo Abu Basir al-Tartusi, Vương Tôn Issa al-Atawi, Thương Gia Muhammad al-Mohaisany, Chiến lược gia người Jordan Iyad Qunaybi đều lần lượt lên tiếng ủng hộ Mặt Trận Hồi Giáo.

Hôm 24 tháng 12, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bày tỏ quan ngại rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang ra sức ve vãn Mặt Trận Hồi Giáo .

The Washington Institute, là viện nghiên cứu về chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Trung Đông, cũng có một bài trình bày quan điểm về tổ chức này.

Viện nghiên cứu chiến lược Washington cho rằng Mặt Trận Hồi Giáo không có quan hệ sâu đậm với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, không phải là lực lượng Thánh Chiến Hồi Giáo Toàn Cầu, không có nhóm nào trong số 7 nhóm hợp thành mặt trận này đã từng bị Hoa Kỳ xem là tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, viện nghiên cứu này nói thêm: “Nhóm này có một ý thức hệ quá cứng rắn để Hoa Kỳ có thể giao dịch và ủng hộ: họ từ chối tham dự hội nghị Geneva II, khước từ dân chủ và quyền của các nhóm thiểu số. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh có thể quyết định ủng hộ Mặt Trận Hồi Giáo bằng mọi giá, làm phức tạp thêm chính cuộc nổi loạn và hy vọng của chính quyền Obama rằng hội nghị Geneva II sẽ mang lại hòa bình cho Syria. Quyết định tiếp cận với nhóm này như thế nào là một thách đố lớn cho Hoa Kỳ.”

13. Bom nổ rung chuyển thành phố Beirut

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết ông Mohammad Shatah, cựu Bộ trưởng Tài chính và là đại sứ Li Băng tại Hoa Kỳ, đã bị ám sát chết sáng 27 tháng 12 sau khi một xe bom do một kẻ đánh bom tự sát đã liều chết xông vào đoàn xe của ông ngay tại trung tâm thành phố Beirut.

Vụ nổ đã giết chết ít nhất năm người và làm khoảng bảy mươi người khác bị thương, và gây chấn động mạnh những đường phố chính của thủ đô Beirut của Li Băng gần khu vực Serail, nơi có nhiều văn phòng chính phủ.

Vụ thảm sát hôm 27 tháng 12 diễn ra chỉ ba tuần trước khi khai mạc phiên tòa quốc tế xử các thành viên của phong trào Hezbollah là nhóm dân quân vũ trang Hồi Giáo Shiite thân Iran, trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Li Băng Rafiq Hariri diễn ra năm 2005.

Hôm 19 tháng 11 năm 2013, một cuộc tấn công do hai người đeo bom tự sát đã xảy ra ngay cổng đại sứ quán Iran, giết chết 23 người và làm khoảng 150 người khác bị thương.

14. Triển lãm Hoàng Đế Augustô

“Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện dưới thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.”( Lc 2,1-4)

Gần 2,000 năm sau khi ông chết, vị hoàng đế La Mã được nêu trong đoạn Phúc Âm chúng ta thường nghe trong đêm Giáng Sinh đã trở lại Rôma trong một cuộc triển lãm. Hoàng đế Augustô đã cai trị đế quốc La Mã trong hơn 40 năm, đánh dấu sự cai trị lâu nhất trong thời Đế Quốc La Mã, một đế quốc trải rộng trên toàn cõi châu Âu.

Triển lãm này đánh dấu hai thiên niên kỷ sau cái chết của Augustô bằng cách trình bày những tài liệu về cuộc sống và những thành tựu của ông thông qua tác phẩm nghệ thuật độc đáo .

Claudio Parisi Presicce, Đồng Giám Đốc bảo tàng Augustô nói:

"Điều làm tôi chú ý nhất đó là cơ hội để có thể tập hợp lại rất nhiều những kiệt tác. Nhiều món được trưng bày lần đầu tiên, hoặc đây là lần đầu tiên chúng có mặt tại một nơi khác với chỗ thường trú đầu tiên của chúng. Tôi muốn nói đến các viện bảo tàng của Ý cũng như các viện bảo tàng nước ngoài".

Trong số những kiệt tác được đánh giá cao là tác phẩm điêu khắc bằng đồng của Augustô từ vùng biển Aegean, của Ý. Đây là lần đầu tiên tác phẩm này ra mắt công chúng. Ngoài ra còn có sự đóng góp của các bảo tàng ở London, Paris, Vienna và New York. Bảo tàng Anh cho mượn một bức bán thân đắp bằng mã não được đánh bóng. Một tác phẩm khác từ London là bức tượng bán thân đầu của hoàng đế Augustô. Hoàng đế Augustô rất ưa chuộng hình ảnh của mình và ông đã nhận thức rõ về ấn tượng của nó đối với công chúng.

Claudio Parisi Presicce nói thêm:

"Triển lãm này trình bày nghệ thuật tượng hình trong thời kỳ Augustô. Bằng cách đưa các tác phẩm nghệ thuật chính lại với nhau, người ta có thể thấy rõ Augustô đã sử dụng nghệ thuật để tuyên truyền như thế nào. Nó cho thấy ông đã chuyển thể chế cộng hòa Rôma thành đế quốc Rôma như thế nào bằng cách sử dụng sức mạnh của hình ảnh."

Hình ảnh của vị hoàng đế đã xuất hiện nơi những đồng tiền trong những tranh đắp bằng thạch cao và mã não, như trong các tác phẩm được mang đến từ New York và Paris . Nhưng không nghi ngờ gì, một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của Cêsarê Augustô là tác phẩm của Prima Porta trong đó mô tả ông tập hợp quân đội của mình trước trận chiến. Đây là tác phẩm điêu khắc lần đầu tiên rời khỏi Viện Bảo tàng Vatican. Kiệt tác này được đặt cạnh Doryphoros, một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ điển, đến từ viện bảo tàng khảo cổ học quốc gia ở Naples.

Nhưng cuộc triển lãm mô tả cuộc sống cá nhân của Augustô, những chiến thắng của ông trên chiến trường, sẽ không thể coi là hoàn chỉnh nếu không có những hình ảnh về đối thủ lâu đời của ông là nữ hoàng Cleopatra.

Cuộc triển lãm độc đáo này sẽ được trưng bày cho đến tháng Hai.

15. Câu chuyện đằng sau máng cỏ Giáng Sinh tại Vatican

Từ ban nhạc sống đến các điệu múa và cả những vở kịch, tất cả đã được tập hợp tại máng cỏ Chúa Giáng Sinh tại Vatican để đánh dấu ý nghĩa thực sự của mùa Giáng Sinh.

Barbara Bellano, nhân viên phủ thống đốc quốc gia thành Vatican cho biết:

"Lần đầu tiên tại Vatican có một cảnh Giáng Sinh đến từ Naples. Ở Ý, Naples thường được coi là đất mẹ sản sinh tất cả các máng cỏ Giáng Sinh. "

Ngay bên cạnh cây thông Giáng Sinh rất lớn đến từ miền Bavarian bên Đức là máng cỏ Giáng Sinh này. Để mang hai thứ lại với nhau cần có các kiến trúc sư, những nghệ nhân cây cảnh, và tất nhiên, cả các nghệ sĩ nữa.

Kiến trúc sư Antonio Di Tuoro nói:

"Đây là cảnh trí ngoài trời để mọi người có thể nhìn thấy từ các góc độ khác nhau. Nhưng thực sự nó cần phải tạo ra được những cảm xúc nữa. "

Luciano Cecchetti, nghệ nhân cây cảnh của Vatican nói:

"Chúng tôi đã đi đến vườn Vatican để chọn ra một số cây và đặt chúng ở đây, bằng cách đó chúng tôi có thể làm cho máng cỏ Chúa Giáng Sinh có chút cây xanh và thiên nhiên."

Những nhà thiết kế không chỉ dừng lại ở chỗ là tạo ra một cảnh trí để các tín hữu và du khách có thể chụp ảnh cây thông to lớn này, hay là máng cỏ Chúa Giáng Sinh, nhưng trên tất cả, họ muốn gây những cảm xúc mà thời gian này là thuận tiện nhất trong một năm.

Vatican bắt đầu hoạch định tất cả công việc thiết kế này từ cuối tháng Tám.

Kiến trúc sư Amedeo La Nave cho biết:

"Khái niệm của chúng tôi không phải là việc có một máng cỏ Chúa Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng là việc có quảng trường Thánh Phêrô trong máng cỏ Chúa Giáng Sinh."

Đối với những người chưa có cơ hội để nhìn tận mắt máng cỏ Chúa Giáng Sinh thì vẫn còn thời gian. Cây thông và máng cỏ Chúa Giáng Sinh sẽ được trưng bày đến ngày lễ Nến 2 tháng 2.

16. Somalia cấm không cho cử hành Lễ Giáng Sinh

Trong một diễn biến tệ hại, lần đầu tiên kể từ năm 1991, Bộ Tư Pháp và Tôn Giáo Sự Vụ của Somalia đã thông báo lệnh cấm bất cứ cử hành nào liên quan đến Giáng Sinh ở quốc gia Hồi giáo Sunni này.

Tổng giám đốc thông tin của Bộ này cho biết rằng "tất cả các cơ quan an ninh và các lực lượng thực thi pháp luật đã được hướng dẫn để phản ứng với bất kỳ cử hành nào liên quan đến Lễ Giáng Sinh", Đài Truyền Hình Kenya Broadcasting Corporation cho biết như trên.

Nằm ở vùng Sừng châu Phi, quốc gia Hồi giáo Sunni với 10 triệu dân này có một giáo xứ Công Giáo, ba linh mục, bốn nữ tu, và 100 người Công Giáo, theo Niên Giám mới nhất của Tòa Thánh.

Somalia rộng 637,657 km2. Sau khi được độc lập từ tay người Ý và người Anh vào tháng Bẩy năm 1960, nước này đã trải qua một thời kỳ cộng sản trước khi xảy ra nội chiến đẫm máu vào năm 1991. Nạn hải tặc Somalia phát triển nhanh chóng và gây kinh hoàng cho các tầu thuyền đi qua khu vực Sừng Phi Châu.

Nghị quyết 794 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 3 tháng 12 năm 1992 cho phép liên quân gìn giữ hòa bình do Hoa Kỳ lãnh đạo đưa quân vào nước này để bảo đảm các nguồn viện trợ nhân đạo đến được với dân chúng tại đây.

Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ đã chịu thiệt hại nặng trong trận chiến tại thủ đô Mogadishu vào năm 1993 đến mức tháng Ba năm 1995, Hoa Kỳ và các nước khác phải rút quân hoàn toàn khỏi nước này. Cuộc triệt thoái diễn ra khó khăn, nguy hiểm với nhiều thiệt hại nặng về nhân mạng.

Thế giới đành để mặc cho người Somalia tự do chém giết lẫn nhau.

Hoà bình được coi là được lặp lại từ tháng 8 năm 2012 với một nhà nước Hồi Giáo Sunni dựa trên luật Sharia trong đó thẳng tay đàn áp các nhóm thiểu số thuộc Kitô Giáo và cả các hệ phái Hồi Giáo khác.